David Ownby bàn về ‘Nghị quyết về Lịch sử’, Ý thức hệ và giới trí thức của Trung Hoa

Jesse Turland

Những suy nghĩ về ý thức hệ của ĐCSTH — gồm cả Nghị quyết mới nhất về Lịch sử — và cách nó được giới trí thức Trung Hoa tiếp nhận.

Minh họa của Catherine Putz.

Hôm 16 tháng 11 “Nghị quyết thứ ba về lịch sử” của Đảng Cộng sản Trung Hoa, được công bố trọn vẹn, tuyên bố đảng này là một lực lượng chính có ích trong lịch sử Trung Hoa và thế giới từ khi thành lập vào năm 1921 cho đến ngày nay.

Trong cuộc phỏng vấn với Jesse Turland của The Diplomat, Giáo sư David Ownby thảo luận về nghị quyết của ĐCSTH, các phương pháp của họ dùng để giao tiếp với công chúng và giá trị của việc lắng nghe của giới trí thức để hiểu về Trung Hoa.

Ownby là giáo sư lịch sử tại Đại học Montreal, chuyên về tôn giáo, các phong trào xã hội và trí thức ở Trung Hoa. Tại trang web “Đọc giấc mơ Trung Hoa”, ông đăng các bản dịch những tác phẩm của các giới trí thức Trung Hoa đương đại không có ở nơi khác bằng tiếng Anh.

Ông có ấn tượng gì về Nghị quyết thứ ba về Lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Hoa?

Đối với tôi, nghị quyết có vẻ không quá quyết liệt so với nhiều tựa đề đáng báo động trước khi phát hành. Tôi chắc rằng Tập Cận Bình đặt mình lên trước và làm trung tâm, và ông ấy đã làm như vậy.

Tôi có thể nói rằng tôi không bị sốc khi ĐCSTH viết lại lịch sử. Mọi người luôn viết lại lịch sử. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ viết lại lịch sử, các đảng phái chính trị viết lại lịch sử. Cho rằng đây là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng, sẽ đáng ngạc nhiên hơn nếu không có một nghị quyết về lịch sử ở Trung Hoa trong năm nay. Trong hệ thống chủ nghĩa Mác của đảng CSTH, có một truyền thống lâu đời về sự luận bình lịch sử, về việc suy nghĩ lại biện chứng của lịch sử đã đưa Trung Hoa đến điểm đặc biệt này ở đâu và như thế nào.

Một điều khiến tôi kinh ngạc là họ không tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Họ nói rằng nó vẫn đang tiếp tục. Điều này có thể đúng, hoặc có thể nói vì nó có ích cho chế độ, hoặc một phần của cả hai. Rất hữu ích khi nói, “Chúng ta đang tham nhũng và tôi đang chỉnh sửa nó.” Nó cung cấp cho Tập một đòn bẩy để chống lại bất kỳ ai mà ông không thích. Họ đã nhanh chóng tuyên bố chiến thắng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đã tuyên bố rằng họ đang tiến lên từ điểm đó. Nhưng họ đã không tuyên bố như vậy với tham nhũng. Họ nói, “Tham nhũng vẫn là một vấn đề, và nếu chúng ta không sửa chữa nó, chúng ta sẽ đi đến tình trạng tồi tệ.” Điều này thật thú vị.

Về ảnh hưởng của nghị quyết, ngay cả trong đảng, tôi thực sự tự hỏi có bao nhiêu người sẽ chọn những chi tiết tốt hơn của văn bản 30.000 con chữ. Họ có thể quan tâm đến việc Tập Cận Bình tự cử mình vào nhiệm kỳ thứ ba, và đó là một vấn đề lớn. Nhưng một tài liệu lý thuyết có thể không được hầu hết các đảng viên quan tâm. Đây chỉ là suy đoán về phía tôi.

Ông nghĩ trí thức Trung Hoa và quần chúng có học nghĩ gì về  cách giao tiếp của đảng? Nghị quyết này được viết rõ ràng theo văn phong “quan thoại” (官 话), đầy những thuật ngữ của đảng và liên quan đến “tư tưởng” của giới lãnh đạo từ Mao đến Tập.

Ngay cả những người đứng về phía của chế độ cũng không thực sự lặp lại  ngôn ngữ kiểu quan thoại đó. Các tác giả tôi dịch không lặp lại quan thoại chút nào. Tôi nghĩ đó là vì trí thức Trung Hoa đã toàn cầu hóa từ 40 hoặc 50 năm qua. Họ có cùng nguồn tài nguyên trí tuệ mà ông hoặc tôi có, và họ có cùng phương pháp luận. Họ nói ngôn ngữ giống như chúng ta ngay cả khi họ đang nói tiếng Trung Hoa.

Đối với giới trí thức Trung Hoa, ngay cả khi họ ủng hộ chế độ, họ cũng ước rằng chế độ này sẽ không còn là một cái gì đó từ thế kỷ trước. Họ không muốn một “nhà lãnh đạo tài ba” với “tư tưởng tuyệt vời”. Trung Hoa thức tỉnh với thế giới theo nhiều cách, trong khi đảng vẫn kẹt trong luận điệu của chủ nghĩa Mác ở thế kỷ 19 hoặc 20. Đối với những nam nữ trí thức có tên tuổi mà tôi phiên dịch, tôi nghĩ cảm giác này khá phổ biến: “Chúng ta giàu hơn ngày xưa, chúng ta đã làm được một phép lạ kinh tế, nhưng đừng bắt chúng tôi nghĩ những điều ngớ ngẩn này. Hãy để chúng tôi nghĩ điều gì đó khác… Tôi là một trí thức, tôi biết nó là gì, hãy để tôi giúp ông, hãy để tôi việc chuyển tải thông điệp của ông.” Đó là những gì họ muốn làm.

Một trong những nhân vật quan trọng đã định hình thông điệp về ý thức hệ của Trung Hoa là Wang Huning (王沪宁. Vương Hỗ Ninh, đương kim Bí thư thứ nhất ĐCSTH). Ông đã dịch một số bài luận của họ Vương. Ông nghĩ gì về vai trò và di sản của Vương Hỗ Ninh?

Vương Hỗ Ninh sau lưng Tập Cận Bình nagfy 25/10/2017 ở Bắc Kinh. Ảnh Reuteurs

Tất cả những gì Wang viết ký tên của mình đã viết trong một thời gian trước đây, trước khi ông tham gia chính phủ. Điều đó làm cho rất khó để kết luận bất cứ điều gì về ông ta bây giờ. Tôi không có quan điểm cứng về ý kiến cho rằng họ Vương bằng cách nào đó là bản chất của nơi mà Trung Hoa đã đến.

Đối với luận văn năm 1986 của Wang “Những suy tư về Cách mạng Văn hóa và Cải cách Hệ thống Chính trị Trung Hoa,” khi tôi đọc nó, tôi nghĩ ông ấy là người khá phóng khoáng. Điều rất thú vị là ông đã viết lại nó 5 lần trong nhiều chục năm sau đó. Lần cuối cùng tôi nghĩ là năm 2012, ngay trước khi ông Tập lên nắm quyền. Việc Vương Hỗ Ninh viết lại và tinh chỉnh tác phẩm này rất nhiều lần phản ảnh sự du nhập của Cách mạng Văn hóa đối với người trí thức Trung Hoa nói chung và cho cả Trung Hoa.

Toàn bộ luận điểm của luận văn này dường như muốn nói rằng Trung Hoa đã rối ren một cách khủng khiếp và cần phải tự do hóa. Nếu tôi đọc bài luận này trong bối cảnh của những nhân vật khác mà tôi đã đọc lúc này, điều nổi bật là Vương đã phóng khoáng từ rất sớm.

Ông mô tả dự án “Đọc giấc mơ Trung Hoa” của ông như thế nào?

NXB‎ Cambridge University Press (July 5 2018)

Đọc Giấc mơ Trung Hoa” là về việc đọc, dịch và lựa chọn vad xép đặt một loạt những ý kiến của giới trí thức Trung Hoa. Nó bắt đầu một cách tình cờ cách đây vài năm, khi tôi đang trên máy bay và tình cờ đọc được một cuốn sách Trung Hoa rất hay, một trong những cuốn sách của Xu Jilin (许纪霖, Hứa Kỷ Lâm) về Khai sáng Trung Hoa. Đó là về Phong trào Ngày 4 Tháng 5, viết bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, không có sự can thiệp của đảng phái, không có kết luận định trước. Nó được hậu thuẫn bằng sự nghiên cứu xuất sắc. Tôi đã đọc các văn bản tiếng Trung trong 30 năm, nhưng cho đến thời điểm đó chưa bao giờ đọc một thứ gì đó khiến tôi nghĩ, “Đây là một cuốn sách hay!” Và tôi tự nói với chính mình, “Tại sao tôi không biết điều này ở đó?” Và tôi nhận ra rằng nếu tôi không biết tài liệu này hiện hữu, thì người khác cũng có thể không biết.

Nó trở thành một nỗi ám ảnh khi dịch. Dự án và trang web nhằm mục đích chuyển ngữ các trí thức tên tuổi của Trung Hoa, những người viết bằng tiếng Trung ở Trung Hoa, và những người phải sống theo các quy tắc của nhà nước đảng mà không phải là cán bộ tuyên truyền. Ý tưởng là để cho thấy rằng có một cuộc tranh luận thực sự, sự khác biệt thực sự về trí tuệ ở Trung Hoa. Tất nhiên, một số vùng đỏ nhất định nằm ngoài vòng tranh biện. Họ không thể nói về Tân Cương, Tây Tạng, hoặc Pháp Luân Công, hoặc Đài Loan. Nhưng vẫn còn rất nhiều thứ mà họ có thể nói đến, tỉ như cải cách nghĩa là gì, dân chủ có nghĩa là gì ở Trung Hoa, giới tính (ở một mức độ nhất định), môi trường.

Những nhà văn này có một hệ quy chiếu rộng lớn. Rất nhiều người trong số họ biết truyền thống cổ điển Trung Hoa. Họ cũng đã tiếp nhận phương Tây theo nhiều cách và chiết rút ra từ tư tưởng phương Tây. Và họ cố gắng cung cấp những hiểu biết sâu sắc về những gì Trung Hoa đang làm hoặc những gì phương Tây đang làm theo cách mà tôi nghĩ là rất đáng để xem xét.

Ông sẽ quan tâm đến những khuynh hướng hoặc vấn đề tư tưởng nào ở Trung Hoa trong năm tới? Ông có dự đoán điều gì khác biệt đối với khu vực công dưới nhiệm kỳ thứ ba của Xi, hay nhiều điều giống nhau không?

Một số vấn đề đơn giản sẽ không biến mất, như sự trỗi dậy của Trung Hoa và sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lo ngại rằng thời kỳ phát triển cực kỳ nhanh chóng của Trung Hoa sắp kết thúc, và thậm chí đảng này cũng thừa nhận như vậy. Đây sẽ là một thách thức đáng kể đối với khả năng quản lý của chế độ, có thể dễ dàng trở thành thách thức đối với tính hợp pháp về mặt tư tưởng của chế độ.

Tôi nghĩ chủ nghĩa dân túy ở Trung Hoa cũng có thể trở thành một vấn đề thực sự. Hiện tại, các “tiểu hồng nhan” của Trung Hoa có rất nhiều niềm vui khi bảo vệ danh tiếng của Trung Hoa trên toàn thế giới chống lại bất kỳ ai dám xúc phạm Trung Hoa, nhưng có thể hình dung những lực lượng tương tự có thể quay đầu phản lại.

Tôi nghĩ rằng nhiều trí thức tên tuổi của Trung Hoa sẽ theo dõi những sự kiện như vậy một cách cẩn thận, cố gắng và nhẫn nại, vòng vo để yêu cầu đảng-nhà nước chịu trách nhiệm và có thể chuyển nó sang một hướng khác.

Tác giả | Jesse Turland có bằng Ngôn ngữ Trung Hoa và Nghiên cứu Châu Á của Đại học Melbourne và viết về xã hội Trung Hoa đương đại.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: David Ownby on China’s ‘Resolution on History,’ Ideology, and Intellectuals | Jesse Turland | The Diplomat | Nov. 30, 2021.