Kẻ giết người mặc bikini, ‘Serpent’ Charles Sobhraj

Trà Mi

Trong một khoảng thời gian dài, Knipperberg đã thu thập rất nhiều bằng chứng về hành tung của sát thủ Sobhraj, và đúng giờ G, những cố gắng và tài liệu của ông đã phần lớn giúp kết tội kẻ cướp của giết người mạo danh Charles Sobhraj.

Charles Sobhraj, Con rắn độc. Nguồn Pressreader
KJnippenberg (phải), nhân viên ngoại giao Hòa Lan, đóng vai trò quan trọng trong việc kết án Charles Sobhraj (trái). Ảnh: India Today/TG Time.

Herman Knippenberg, nhân viên ngoại giao Hòa Lan, và cuộc lùng bắt con rắn độc

Hầu hết chúng ta đều đã nghe đến tên của Charles Sobhraj, kẻ giết người hàng loạt đã sát hại ít nhất từ 12 đến 24 người trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 1976, chuyện kẻ sát nhân gần đây lại lên mặt báo khắp nơi, nhất là ở Đông Nam Á khi BBC-Netflix cho trình chiếu bộ phim 8 tập tựa là Con Rắn (The Serpent) dựa theo cuộc đời của tên sát thủ. Tuy nhiên, người ta ít biết rằng có những người khác nhau giữ vai trò quan trọng trong việc Charles Sobhraj bị kết tội. Một trong những người quan trọng nhất là Bí thư thứ ba tại tòa Đại sứ Hòa Lan ở Banglok tên là Herman Knippenberg. Trong một khoảng thời gian dài, Knipperberg đã thu thập rất nhiều bằng chứng và hành tung của sát thủ Sobhraj, và đúng giờ G, những cố gắng và tài liệu của ông đã phần lớn giúp kết tội kẻ cướp của giết người mạo danh Charles Sobhraj.

Sau đây là câu chuyện về nhân viên ngoại giao Hòa Lan, người đã giúp công lý đưa Con rắn độc vào tù.

Ngày đen tối của năm 1976

Herman liên can vào vụ án bắt đầu vào năm 1976 khi ông nhận được một lá thư vào tháng Hai về hai du khách ba lô người Hòa Lan mất tích ở Bangkok. Trong thời kỳ đó, khi thế giới chưa đủ kỹ thuật để chia sẻ thông tin về tội phạm trong nháy mắt, những kẻ như Sobhraj dễ dàng thay đổi danh tính và chu du khắp thế giới mà không sợ bị bắt. Bangkok cũng không khác gì, và nó từng là một thành phố ít kết nối vào thời đại đó. Trong bối cảnh thiếu những dụng cụ liên lạc mà khách du lịch ba lô đang dùng ngày nay, thời đó đôi khi du khách sẽ mất hàng tuần và thậm chí hàng tháng không liên lạc được với người thân.

Trường hợp của hai du khách ba lô người Hòa Lan là lần đầu tiên Herman gặp phải những câu chuyện kinh hoàng của Sobhraj. Bức thư mà Herman nhận được là của một người đàn ông đang muốn tìm em vợ là Cornelia Hemker, và bạn trai của cô ấy tên Henricus Bintanja. Theo bức thư, họ đã viết thư cho gia đình ít nhất hai lần một tuần trong thời gian du lịch ở châu Á. Tuy nhiên, trong sáu tuần,gia đình họ không nhận được thư từ hay tin tức từ họ nên đâm ra lo âu.

Cornelia Hemker (trái) và Henricus Bintanja (phải). Đôi tình nhân người Hòa Lan bị Sobhraj giết. Nguồn: CNN

Khi đó Knippenberg 31 tuổi, đang là Bí thư thứ ba tại Tòa Đại sứ Hòa Lan ở Bangkok. Ông đã sống ở Bangkok một thời gian với vợ là Angela. Khi Herman đọc lá thư, ông chợt liên tưởng đến ngay một mẩu tin đã đọc trước đó về việc phát giác ra hai thi thể cháy đen vài tuần trước. Hai thi thể cháy đen tìm thấy bên vệ đường gần Ayutthaya, cách Bangkok khoảng 80 km về phía bắc. Ban đầu, Cảnh sát nghĩ rằng họ là những du khách ba lô người Úc mất tích, nhưng sau đó nhà chức trách tìm thấy hai du khách người Úc vẫn còn sống. Kết nối và loại suy, Herman nghĩ rằng hai thi thể cháy đen có thể là những du khách ba lô người Hòa Lan mất tích.

Một trong những lý do chính khiến ông quan tâm đến vụ việc có thể được khẳng định bằng câu trả lời cho một trong những cuộc phỏng vấn với tờ Daily Mail. Ông nói, “Tôi đã đi du lịch ở tuổi 20 và tôi biết rằng những người như Henk và Cornelia muốn giữ liên lạc.” Ngay lập tức, Herman liên hệ với một nha sĩ Hòa Lan làm việc tại Bangkok để được giúp đỡ trong việc xác định căn cước hai thi thể bị đốt cháy. Ông lấy được hồ sơ nha khoa của hai người Hòa Lan mất tích và với sự giúp đỡ của nha sĩ, đã khẳng địng được căn cước của hai thi thể ở nhà xác cảnh sát. Herman nói,

Điều khiến tôi bị sốc nhất là khi bác sĩ nghiên cứu bệnh học tại nhà xác nói với tôi rằng nạn nhân có bồ hóng trong phổi của họ, nghĩa là cả hai đều đã bị đốt cháy khi vẫn còn sống.

Herman Knippenberg

Trong khi cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra với cặp Cornelia Hemker và Henricus Bintanja, ông nhớ lại một câu chuyện mà người bạn của ông là Paul Siemons, một nhân viên hành chính tại tòa đại sứ Bỉ, đã kể cho ông nghe về một tay buôn ngọc người Pháp được biết là Alain Gautier đã có nhiều sổ thông hành trong căn apt. của ông ta ở Bangkok. Mối liên hệ giữa hai du khách người Hòa Lan và Gautier trở nên mạnh hơn khi cha mẹ của đôi du khách ba lô nói với Herman rằng họ cũng biết được rằng con của họ đã gặp một người buôn đá quý tên là Alain Gautier ở Bangkok. Những sổ thông hành đó được cho là của những người đã mất tích được cho là đã bị sát hại. Hai trong số những sổ thông hành đó là của Hòa Lan. Tuy nhiên, Siemons không cho Herman biết nguồn thông tin của ông ta.

Khi Herman lần đầu tiên nghe câu chuyện, ông ấy nghĩ bạn mình điên, nhưng bây giờ ông có thể liên kết câu chuyện đó với hai du khách người Hòa Lan. Sau đó, ông biết được rằng Alain Gautier thực ra chỉ là một trong nhiều bí danh mà Sobhraj đã sử dụng trong suốt cuộc đời y. Trong một thời gian dài, Herman đã tiếp tục điều tra người buôn đá quý bằng bí danh của ông ta là Alain Gautier. Sau đó, người ta biết rằng Sobhraj, kẻ lừa đảo và giết người hàng loạt, đã kết bạn với những du khách chỉ để đánh thuốc mê và cướp của họ. Vì an ninh không được hoàn hảo vào ở thời đại đó, Sobhraj đã dùng căn cước của nạn nhân và đi khắp châu Á như một người tự do.

Cuộc săn lùng Rắn độc

Sau một ngày đến nhà xác, Knippenberg quyết định gọi cho Siemons và yêu cầu ông ta kể ngọn nguồn câu chuyện về người buôn đá quý. Sau một hồi thuyết phục, Siemons nói với Knippenberg rằng Nadine Gires, một phụ nữ Pháp sống cùng khu chung cư với Sobhraj, từng giới thiệu khách hàng cho y.

Khi Gires gặp Herman, cô ấy đã tiết lộ cách những người khác cùng làm việc cho Sobhraj đã bỏ trốn sau khi phát giác ra bộ sưu tập sổ thông hành của những người mất tích. Họ sợ rằng y rồi cũng sẽ giết họ. Cô nói với Herman rằng cô nhớ đã gặp cặp du khách người Hòa Lan tại nhà của Sobhraj. Không lãng phí thời gian, Knipperberg đã báo ngay cho nhà chức trách Bangkok. Nếu tuân theo quy tắc, vai trò của ông sẽ kết thúc khi nhà chức trách Thái Lan tiếp quản vụ án, nhưng Herman vẫn tiếp tục điều tra vụ án một cách độc lập.

Khi con Rắn độc vuột khỏi bàn tay của luật pháp

Marie-Andrée Leclerc và Charles Sobhraj ở New Delhi, Ấn Độ. Nguồn: Sipa / Shutterstock

Vào ngày 11 tháng 3, Gired nói với Knippenberg rằng Sobhraj và bạn gái của ông ta là Marie-Andrée Leclerc bí danh Monique đang lên kế hoạch sang châu Âu. Ông ta báo cho Cảnh sát, và họ ập vào nhà của Sobhraj ở chung cư. Mặc dù bị bắt đi thẩm vấn, nhưng Sobhraj đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo tiểu sử của kẻ giết người do hai nhà báo Richard Neville và Julie Clarke viết trong cuốn, “Cuộc đời và tội ác của Charles Sobhraj”, hắn đã sử dụng một trong những hộ chiếu của nạn nhân. Ông ta đã thay thế tấm ảnh trong sổ thông hành bằng bức ảnh của mình và tự nhận mình là David Allen Gore, một công dân Mỹ. Sobhraj ta đã được cảnh sát trả tự do.

Tối hôm đó, Gires gọi điện cho Knipperberg và thông báo với ông rằng một trong những người bạn cùng nhà của Sobhraj đã mời cô đến để nói chuyện. Có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu cô ấy không đi, Sobhraj có thể biết được chính Gires là người đã rò rỉ thông tin về những sổ thông hành. Khi Gires ở trong nhà của Sobhraj, trong giây lát chỉ có một mình Gires tận dụng thời gian để nhét vài tấm ảnh sổ thông hành mà cô ấy thấy vào áo ngực. Những bức ảnh đó đã cung cấp thêm thông tin về một trong những nạn nhân của Sobhraj. Ngay sáng hôm sau, Sobhraj và bạn gái rời Thái Lan đến Malaysia.

Khi Herman biết được căn cước thực sự của con Rắn độc

Sau khi Sobhraj trốn thoát, Knippenberg hứng chịu sự phẫn nộ của giới chức cao cấp ở Tòa Đại sứ Hòa Lan, vì họ thất vọng với hành động của cảnh sát Thái Lan. Knippenberg “được cho nghỉ phép” ba tuần. Trước khi lên đường đi nghỉ, ông và vợ, khi đó là Angela, đã biên soạn một tập các tài liệu, hiện được gọi là tập tài liệu Knipperberg, và phát tán chúng đi khắp nơi ở Bangkok tại những tòa đại sứ khác nhau. Knippenberg không thể bỏ qua vụ án mặc dù cấp trên đã nói với ông ta rằng hãy quên nó đi. Anh ấy nói,

“Tôi càng nhìn thấy nó, tôi càng biết rằng tôi phải theo dõi vụ án này. Đại sứ yêu cầu tôi dừng lại, và ông ấy thậm chí đã có lúc cho tôi nghỉ phép. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ chúng, mặc dù tôi biết rằng tôi đang đặt sự nghiệp của mình vào tình thế nguy hiểm.”

Herman Knippenberg

Sau khi đi nghỉ trở về, Knippenberg nhận được cuộc gọi từ Đại sứ Canada, người đã thông báo cho anh ta về việc Cảnh sát Canada đã đến thẩm vấn cha mẹ của bạn gái Sobhraj. Họ nói với Cảnh sát Canada rằng con gái của họ đang đi du lịch với bạn trai và đã để lại một số điện thoại để liên lạc khẩn cấp. Số điện thoại đó là của mẹ của Sobhraj, người đã tiết lộ danh tính thực sự của Sobhraj.

Hang động bẩn thỉu của Sobhraj

Trong vòng vài ngày, Gires gọi điện cho Herman và thông báo với ông rằng chủ nhà của Sobhraj đang có ý định cho thuê căn nhà nơi Sobhraj đã sống, và đồ đạc của y sẽ bị ném ra ngoài. Knippenberg ngay lập tức thành lập một đội công tác và đến căn nhà để thu thập bất kỳ bằng chứng nào có thể lấy được.

Knippenberg, trong những tuyên bố của ông, đã nói rằng căn nhà rất hôi hám và bẩn thỉu. Ông đã tìm thấy 5 kg thuốc và ba hộp thuốc nước cỡ dùng trong kỹ nghệ có thể sử dụng như một loại thuốc nhuận tràng hoặc một loại “áo trói bằng hóa chất”. Họ cũng nhận ra áo khoác và túi xách của cô gái Hòa Lan Hemker trong căn nhà cũ của Sobhraj.

Vào ngày 5 tháng 5 năm 1976, theo lệnh của đại sứ Hòa Lan, Herman đã cho báo chí biết chuyện, và trong vài ngày, tở Bangkok Post đã đăng hẳn một bài trên trang nhất với tựa đề “Mạng lưới Tử thần” (“Web of Death”). Câu chuyện trở thành chủ đề bàn tán ở Thái Lan khiến nhà chức trách Thái Lan phải lưu ý đến vấn đề này. Họ đã đưa ra một thông báo của Interpol dẫn đến việc bắt giữ Sobhraj vào ngày 5 tháng 7 năm 1976, tại Ấn Độ.

“Web of Death”. Nguồn: history vs hollywood

Sobhraj — Kẻ giết người mặc bikini

Hatchand Bhaonani Gurumukh Charles Sobhraj sinh ngày 6 tháng 4 năm 1944, tại Sài Gòn, thành phố lớn ở Nam Kỳ thuộc địa của Pháp. Mẹ Sobhraj là Trần Loan Phụng, một cô gái người Việt Nam, bán hàng, trong Thế chiến thứ hai, và bố là Sobhraj Hatchard Bhaonani, người vùng Sindh ở Pakistan. Theo những người viết tiểu sử, ông đã có một tuổi thơ khó khăn. Cha mẹ Sobhraj đã chia tay vài năm sau khi ông chào đời. Cha Sobhraj không nhận ông là con, và mẹ ông sau đó kết hôn với một thiếu úy Pháp, và gia đình di cư sang Pháp sinh sống. Một thời Sobhraj đã sống như kẻ vô quốc tịch.

Trần Loan Phụng và chồng người Pháp. Nguồn: https://thecinemaholic.com | Netflix-BBC

Trần Loan Phụng, một phụ nữ sùng đạo, từng được cho là đã nói về con trai mình như sau,

“[Charles] có khuôn mặt của một thiên thần, nhưng ở đâu đó, tôi nghĩ, ma quỷ len lỏi vào tâm hồn của nó.”

Trần Loan Phụng

Ngoài chuyện này ra, người phụ nữ Pháp gốc Việt hiếm khi lên tiếng về Charles hoặc tội ác của y trong vài chục năm qua. Do đó, vì hoàn toàn không có sự xuất hiện của bà Phụng trước công chúng, chỉ có hai trường hợp: một là bà ấy đã qua đời, hai là bà Phụng không muốn công chúng chú ý đến đời sống của riêng mình.

Người ta nói rằng Charles lớn lên với cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi, chỉ quan tâm đến những người em cùng mẹ khác cha, vì vậy ông ta ta đã thoát ly ít nhất hai lần.

Một trong những lần thoát ly này là vào năm 1961, khi đó Trần Loan Phụng yêu cầu, Charles về thăm nhà quê nội gần Pune, Ấn Độ, trong vài tháng để đủ điều kiện nhập quốc tịch. Nhưng vì Charles khinh miệt họ hàng, thức ăn và khí hậu, anh ta quyết định trốn trên tàu quay trở lại Sài Gòn. Tuy nhiên, cuối cùng, Charles được gửi trở lại với mẹ ở Marseilles, Pháp, nơi y bắt đầu cuộc đời phạm tội nhỏ, thụ án tù đầu tiên vì tội trộm cắp vào năm 1963. Tuy nhiên, vì Trần Loan Phụng là một công dân thuộc địa của Pháp, Charles đã nhập quốc tịch Pháp theo quốc tịch của mẹ vào năm 1970.

Tất cả những gì người đời biết về Trần Loan Phụng là bà ấy đã cố gắng hướng Hatchand Bhaonani Gurumukh Charles Sobhraj tránh xa con đường phạm tội, đi xa hơn nữa là bà gửi con trai lớn đến một trường nội trú Thiên chúa giáo ở Paris khi anh ta 15 tuổi. Tuy nhiên, Charles được cho là đã trở thành nạn nhân của những trò đùa phân biệt chủng tộc ở đó, và nó đã khiến anh ta muốn chứng tỏ mình hơn nữa. Ý tưởng gởi Charles vào  trường nội trú này có thể đến với cha mẹ của Charles vài năm sau khi Charles, khi mới 10 tuổi bị buộc tội dụ dỗ người em kế của mình đi cướp một cửa tiệm ở địa phương thay cho mình, nói với bà Trần Loan Phụng rằng: “Con luôn có thể tìm thấy một thằng ngốc để làm. những gì con muốn.”

Charles Sobhraj đã không phải và dường như vẫn không phải là một người hâm mộ cha mình, điều mà ông ấy đã nói rõ trong cuộc phỏng vấn với Richard Neville cho cuốn sách ‘Cuộc đời và những tội ác của Charles Sobhraj’.

Trong một bức thư gửi cho cha, được trình bày chi tiết trong cuốn sách, Charles đã viết,

“Thật không may khi cha là cha của con. Tại sao vậy? Vì một người cha có bổn phận giúp con mình xây dựng tương lai. Cha cầu Phật ở chùa, nhưng lương tâm cha trĩu nặng. Cha có một đứa con, nhưng cha từ bỏ nó. Cha bỏ rơi con tồi tệ hơn một con chó, tồi tệ hơn so với con thú thấp nhất!!! Từ cha, con sẽ chỉ mang cái họ và tên mà cha đã đặt cho con… Ông không còn là cha của tôi nữa. Tôi từ ông … Tôi sẽ làm cho ông hối hận vì đã bỏ trốn bổn phận làm cha. Tài sản, tôi sẽ có được mà không có ông. Và tôi sẽ dùng nó để nghiền nát ông.”

Charles Sobhraj
Charles Sobhraj qua thời gian. Ảnh: The Sun

Những người biết Sobhraj cho rằng ông ta là một kẻ lừa đảo đẹp trai và quyến rũ. Anh ta có một danh sách dài bạn gái và đôi khi có nhiều tình nhân cùng một lúc. Năm 1963, mới 19 tuổi, là lần đầu tiên ông bị bỏ tù vì tội ăn trộm. Trong thời gian là tội phạm, Charles đã trốn khỏi nhà tù ở một số quốc gia, dó đó có cái tên “Con Rắn”.

Sobhraj không bao giờ tiết lộ lý do tại sao ông ta đi vào con đường giết người. Y đã thừa nhận kiên can đến ít nhất 12 vụ giết người từ năm 1972 đến năm 1976. Sobhraj nói y đã giết các nạn nhân bằng cách đánh thuốc mê cho họ mê man, trấn nước đến chết một số người và một số khác còn bị đâm rồi đốt. Ông ta đã vứt một số xác chết cháy bên vệ đường. Những thi thể đó, khi tìm thấy, đã bị đốt cháy không thể nhận ra. Không biết y đã giết bao nhiêu người. Sobhraj chỉ bị kết án trong hai vụ giết người suốt cuộc đời tội ác; Hiện nay Charles Sobhraj đang thụ án tù chung thân ở Kathmandu, Nepal.

Người đầu tiên Sobhraj giết là một tài xế taxi người Pakistan vào năm 1972. Y đã giết 6 nạn nhân ở Thái Lan, gồm một du khách Mỹ, hai công dân Pháp, một cặp du khách ba lô Hòa Lan và một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ. Người phụ nữ Mỹ mà ông ta giết, xác tìm thấy trong một bộ áo tắm trôi dạt ngoài bãi biển Pattaya. Vụ giết người đó đã cho Sobhraj biệt danh “Kẻ giết người mặc bikini”.

Sobhraj bị bắt ở Ấn Độ

Sau khi những câu chuyện về những vụ giết người mặc bikini bắt đầu gây xôn xao, vào mùa xuân năm 1976, Sobhraj trốn sang Ấn Độ. Tuy nhiên, y đã nằm trong tầm ngắm của nhà chức trách Ấn Độ theo lệnh truy nã quốc tế. Ông ta bị bắt vì đánh thuốc mê một đoàn du lịch gồm 30 sinh viên kỹ sư người Pháp ở Delhi vào tháng 7 năm 1976. Đáng chú ý, Cảnh sát Ấn Độ cũng buộc tội ông ta về tội giết một người đàn ông Israel ở Varanasi và một du khách Pháp ở Delhi. Tuy nhiên, cáo buộc về hai vụ giết người đó đã bị hủy khiSobhraj kháng cáo. Sobhraj chỉ bị kết tội trong vụ cướp và bị kết án 12 năm tù tại nhà tù Tihar ở Delhi.

1976, Sobhraj, 32 tuổi, bị đưa đến Nhà tù ở Ấn Độ. Nguồn: CNN

Những ngày sống sang trọng của Sobhraj tại nhà giam Tihar

Theo Sunil Gupta, cựu giám đốc và nhân viên pháp luật tại Tihar, Sobhraj rất thích ở tù tại Tihar. Y được nhận thức ăn tùy theo sở thích và thường được nhưng cuộc thăm nom vợ chồng mà các tù nhân khác không thể có được. Gupta đã viết một cuốn hồi ký có tựa đề “Black Warrant: Confessions of a Tihar jailer”, trong đó Sobhraj nói rằng ông ta được tự do đi lại trong tù trong khi các tù nhân khác phải ở trong phòng giam của họ.

Sobhraj đã sử dụng kiến thức của mình về luật để soạn thảo các bản kháng nghị trước tòa án cho những tù nhân giàu có và sử dụng tiền để sống xa hoa bằng cách hối lộ các cai ngục. Được biết rằng y đã bí mật ghi âm giới chức nhà tù cấp cao khiến họ có thể bị buộc tội tham nhũng. Nó đã giúp anh ta có đời sống xa hoa trong tù.

Theo nhà báo Alan Dawson ở Bangkok, người đã phỏng vấn ông tại Tihar vào năm 1984, ông có một “dãy ba phòng giam”. Mọi người đều kính trọng ông và nhiều người khách đến thăm ông. Không rõ ai đã hướng dẫn họ đối xử tốt với những người đến gặp ông, Charles hay các quan chức nhà tù cấp cao hơn.

Về trách nhiệm hình sự của Marie-Andrée Leclerc, luật sư Quebec Daniel Rock, người đã sang Ấn Độ tìm luật sư cho bị cáo theo ủy nhiệm của gia đình Leclerc, nói với Le Journal de Québec:

“Tôi bị bí mật nghề nghiệp ràng buộc, nhưng tôi có quyền nói rằng cô ấy đã luôn phủ nhận. Cô ấy luôn nói với tôi rằng cô ấy không liên quan đến những vụ giết người này. Và tôi không có lý do gì để nghi ngờ tính trung thực trong lời nói của cô ta. Cô ấy là một người rất sùng đạo. Và chúng ta không thể tìm thấy bất cứ điều gì tiêu cực trong quá khứ của cô ấy.

“Cô ấy trắng án cho mọi tội ác ở Ấn Độ, trừ một. Và lần đó, cô ấy đã đổi luật sư, đó không phải là người mà chúng tôi đã chọn. Và dù sao, ở Ấn Độ không có vụ giết người nào [vào thời điểm đó].”

Daniel Rock

Vô tội vào ngày 28 tháng 7 năm 1978 vì cái chết của Jean-Luc Solomon, Marie-Andrée Leclerc không bị buộc tội giết Avoni Jacob cho đến tháng 11 năm 1981. Luật sư Quebec không còn trong hồ sơ vào thời điểm đó.

Theo Associated Press, giống như Sobhraj, Marie-Andrée Leclerc bị Tòa án ở Benares kết án tù chung thân, nhưng Tòa Thượng thẩm Allahabad đã lật ngược bản án. Trước đó trước đó Tòa Thượng thẩm Allahabad đã cho phép LeClerc trở lại Canada vào năm 1983. Leclerc qua đời tại quê nhà Levis, gần Quebec ngày 20 tháng 4 năm 1984, 38 tuổi.

Marie-Andrée Leclerc về đến phi trường Thành phố Quebec vào ngày 24 tháng 7 năm 1983 là một sự kiện truyền thông khá nổi tiếng. Cô ấy ngồi trên xe lăn. Ảnh: Photo d’archives | Le Journal de Québec

Vượt ngục Tihar

Ngày 17 tháng 3 năm 1986, Sobhraj trốn khỏi Tihar. Gupta chạy đến nhà giam khi được thông báo về vụ vượt ngục. Ông ta phát giác ra rằng Sobhraj đã cho những người gác ngục ăn đồ ngọt tẩm thuốc an thần với lý do là sinh nhật của anh ta. Hơn một chục tù nhân, gồm cả Sobhraj, đã trốn thoát vào ngày hôm đó.

Khi tin tức về cuộc vượt ngục của Sobhraj gây xôn xao quốc tế, Knippenberg được cố vấn chương trình của ông ta tại Đại học Harvard, nơi ông đang theo học bậc cao học, thông báo. Bà giáo yêu cầu Knippenberg đi trốn, nhưng Herman kiên quyết không vì ông tin rằng Serpent sẽ không đuổi theo anh ta. Knippenberg đã đúng, và Sobhraj bị bắt lại vào ngày 6 tháng 4 khi đang tận hưởng ngày sinh nhật thứ 42 của y ở Goa. Sobhraj bị tống vào tù một thời gian dài, chấm dứt hiệu lực lệnh dẫn độ y sang Thái Lan.

Người ta tin rằng Sobhraj đã lập kế hoạch vượt ngục và bị bắt lại để hạn tù của y được kéo dài đến khi lệnh dẫn độ hết hiệu lực và y không thể bị dẫn độ sang Thái Lan. Bởi vì thời hạn tù 12 năm sắp hết và vẫn còn trong thời hiệu của lệnh dẫn độ; như thế y sẽ bị dẫn độ về Thái Lan sau khi được trả tự do, và sẽ bị hành quyết vì những tội ác mà y đã gây ra ở đó. Kế hoạch của Sobhraj đã thành công, khi thời hạn tù của y kéo dài thêm 10 năm, vượt quá thời hiệu dẫn độ sang Thái Lan.

ẤN ĐỘ – 01 THÁNG 2: Vụ án Charles Sobhraj ở Ấn Độ vào tháng 2 năm 1997. (Ảnh của Robert Nickelsberg/Gamma-Rapho qua Getty Images)

Khi ông ta được thả khỏi nhà tù Tihar vào năm 1997, chính phủ Ấn Độ đã cho phép Sobhraj trở lại Pháp vì vào thời điểm đó không có kỳ quốc gia nào yêu cầu dẫn độ ông ta. Ở Pháp, y thuê một người đại diện thương mại và đòi một số tiền lớn cho các cuộc phỏng vấn và chụp ảnh. Sobhraj từng bán bản quyền sách và phim về câu chuyện của mình với giá 15 triệu đô la cho một nhà sản xuất kiêm diễn viên giấu tên người Pháp. Tuy nhiên, không có bộ phim nào được phát hành. Một số  sách và phim truyền hình đã được đưa ra thị trường.

Sự Kết án

Năm 2003, Knipperberg nhận được cuộc gọi vào ngày đầu tiên ông về hưu về việc Sobhraj bị bắt giữ ở Nepal. Anh nhớ lại,

“Vâng. Đó là một buổi sáng thứ bảy ngày 19 tháng 9 năm 2003. Một ngày mùa xuân mát mẻ ở Wellington, New Zealand. Đó là ngày đầu tiên tôi nghỉ hưu, và tôi đang đợi thưởng thức một bữa sáng với bánh kếp. Lúc đó điện thoại reo.”

Herman Knipperberg

Con Rắn bị buộc tội giết một du khách năm 1975 ở Kathmandu. Không rõ tại sao ông ta lại đến Nepal vì đây là quốc gia duy nhất còn sót lại trên thế giới mà y vẫn còn là một kẻ bị truy nã. Sobhraj phủ nhận đã đến thăm Nepal trước đó trong khi bị thẩm vấn. Đây là chương rất lớn Knippenberg đã đóng góp vào câu chuyện.

Những thùng giấy đựng bằng chứng mà Knippenberg đã cất giữ trong nhiều năm tại ngôi nhà ở Wellington của ông. Ảnh: Victoria Birkinshaw / Noeth & South.co.nz

Lúc đầu, ông không thể tin được những gì tai đang nghe. Ông ta nói,

“Đừng có đùa thế, anh ta đang bận thu tiền những người Mỹ cả tin 5000 đô la cho đặc quyền là được ăn trưa với một kẻ giết người hàng loạt ở Paris.”

Herman Knipperberg

Ông ta lôi ra sáu thùng giấy chứa đầy bằng chứng mà ông đã thu thập được theo thời gian. Knipperberg nhớ chính xác rằng bạn gái của Sobhraj đã nói trong cuộc thẩm vấn sau khi cô ta bị bắt vào tháng 7 năm 1976 rằng họ đã có thời gian ở Nepal. Ông ta đã có đủ tài liệu và chuyển chúng cho FBI. Trong một tuyên bố, Knipperberg nói,

“Tôi nghĩ rằng thật quá đáng khi nói rằng tôi chịu trách nhiệm trực tiếp về sự kết tội của ông ấy ở Nepal. Mặc dù những nỗ lực của tôi đã chỉ cho cảnh sát Nepal thấy những gì có và nơi để tìm kiếm chúng.”

Connie Jo Bronzich (trái) và Laurent Carrière (phải). Họ bị Sobhraj sát hại ở Nepal vào năm 1975. Anh ta bị kết án vì cả hai vụ giết người. Nguồn: CNN

Sobhraj bị buộc tội giết một du khách người Mỹ Connie Jo Bronzich năm 1975. Luật sư của y đã liên hệ với Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc cho rằng việc bắt giữ Sobhraj bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền của ông ta. Sobhraj bị giam giữ hơn 25 ngày mà không có luật sư đại diện và sau đó bị kết án vào tháng 8 năm 2004. Ông ta không được phép gọi nhân chứng của chính mình hoặc nghe bằng chứng cáo buộc ông ta. Năm 2010, Anthony Cardon, khi đó là sĩ quan phụ trách văn phòng của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Nepal, đã viết rằng nhân quyền của mọi người cần  được đảm bảo cho dù tội ác bị cáo buộc của họ khét tiếng đến đâu. Tuy nhiên, tuyên bố của Cardon không làm thay đổi kết quả, và Sobhraj vẫn phải ngồi tù.

Năm 2014, anh ta bị kết án 20 năm vì tội giết du khách người Canada tên Laurent Carrière. Vụ án được mở lại vào năm 2013 vì các công tố viên e rằng ông sẽ kháng cáo để được trả tự do sớm với lý do tuổi già.

Trong khi nhiều vụ vẫn chưa được giải quyết xong, ông ta vẫn phải ngồi tù. Sobhraj đã gây xôn xao vào năm 2008 khi tên sát nhân 64 tuổi đang bị bỏ tù kết hôn với Nihita Biswas, cô gái 20 tuổi, con của luật sư của kẻ sát nhân. Cô dâu là người thông dịch cho Sobhraj trong suốt vụ án. Trong một cuộc phỏng vấn với Times of India, cô khẳng định Sobhraj vô tội và không có bằng chứng cho sự cáo buộc ông ta giết người.

Nihita Biswas và Sobhraj. Nguồn: Indiatimes

Nỗi sợ Sobhraj có thể sớm trở thành người tự do

Rất có thể chính phủ Nepal trả tự do cho Sobhraj vì tuổi già của ông. Một vài năm trước, chính phủ Nepal đã thực hiện các thay đổi đối với vẩm nang hướng dẫn nhà giam của Nepal, trong đó có đoạn kêu gọi trả tự do cho các tù nhân trên 72 tuổi. Sobhraj, 76 tuổi, đủ điều kiện được phóng thích theo quy định này, nhưng chính phủ Nepal đã không trả tự do cho ông. Ông ta đã đệ đơn lên tòa án để được trả tự do.

Knippenberg vẫn nhớ sự bất công đã chế ngự nền dân chủ như thế nào trong trường hợp này. Ông nói,

“Tôi đã phải đối diện với một tình trạng mà những người vô tội đã mất mạng, và không ai nhấc một ngón tay. Tôi đã xem đó là sự thất bại hoàn toàn của nền dân chủ.”

Herman Knippenberg

Knippenberg sẽ luôn là người hùng đã khiến Sobhraj bị bắt

Knippenberg đã được coi là một anh hùng trong bộ phim truyền hình của BBC/Netflix có tựa đề The Serpent khi anh ta giúp nhà chức trách bắt Sobhraj ở hai quốc gia. Chính ông là người đã giữ tất cả các tài liệu trong tình trạng hoàn hảo trong nhiều năm. Mặc dù cuộc điều tra của ông không phải là một bi kịch cao thế với những cuộc rượt đuổi xe hơi hay đấu súng ngoài đời thực, nhưng công việc ông ấy đã làm khi thu thập bằng chứng tố cáo tội ác của Sobhraj là việc rất đáng khen ngợi. Ông thu thập những mẩu giấy, ghi chú, giữ những bằng chứng có thể có bên mình và hơn hết là ghi nhớ những chi tiết dẫn đến việc kết án con Rắn độc.

Những thùng chứa đầy tài liệu, gồm các bức ảnh ố vàng, lời khai của nhân chứng và bản sao thẻ lên máy bay, bản khai chuyến bay và sổ thông hành, là bằng chứng khiến chính phủ Nepal có thể ném kẻ giết người mặc bikini vào sau song sắt. Tuy nhiên, ông không xem mình là một anh hùng. Knippengerg nói về Sobhraj

“Tôi không thấy anh hùng nào ở đây. Đó là một sự phí phạm bi thảm của một trí óc siêu phàm.”

Herman Knippenberg

Năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn với Nepali Times, ông ấy nói,

“Tôi không thể quên ông ấy, giống như bị sốt rét vậy, cứ sau vài năm hoặc lâu hơn một điều gì đó sẽ xảy ra khiến tôi quay lại vụ án một lần nữa.”

Herman Knippenberg

Đối với Knippenberg, vụ án vẫn còn bỏ ngỏ vì vẫn chưa đòi được công lý cho nhiều người bị cáo buộc đã bị Sobhraj sát hại.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: 

  • The Serpent | Writers: Richard WarlowToby Finlay | Directors: Tom Shankland & Hans Herbots | BBC-Netflix
  • Herman Knippenberg – The Dutch diplomat who sent the ‘Serpent’ Charles Sobhraj behind bars | Anurag | OPIndia | May 12, 2021.– Herman Knippenberg – The Dutch diplomat who sent the ‘Serpent’ Charles Sobhraj behind bars | Anurag | OPIndia| May 12, 2021.
  • Where is Charles Sobhraj’s Mom Now? | Kriti Mehrotra | TheCinemaholic | April 1, 2021
  • The Serpent on Netflix – Where are Charles Sobhraj and Marie now? | Abby Robinson | Digital Spy | 06/07/2021
  • Série Le Serpent: «On donne à Marie-Andrée un rôle qu’elle n’a pas» | Martin Lavoie | Le Journal de Québec | Dimanche, 11 avril 2021.
  • International criminal Charles Sobhraj | AP News | 1985