“Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì?” 

Michael Thumann |  Phạm Hồng-Lam dịch

Ngày 08.12.1991, tại một căn biệt thự săn bắn hẻo lánh trong rừng thuộc Cộng Hòa Bạch-nga (Belarus), Boris Yeltsin giải tán Liên Bang Xô-viết. Ngày lịch sử đầy ấn tượng đó đã diễn ra như thế nào?

Boris Yeltsin © AFP/​Getty Images

Khi Tổng Thống nước Nga Boris Yeltsin tới căn biệt thự nghỉ mát quốc gia ở Wiskuli, thì mấy ông người Ukraina đã lên đường đi săn heo rừng. Khu rừng nguyên sinh vùng Belowesch tại biên giới phía tây của Liên-xô là nơi lý tưởng cho một số rất ít người được phép săn bắn tại đây. Căn biệt thự một tầng màu trắng với những cây cột màu nâu nhạt trước lối vào là chỗ gặp gỡ tuyệt vời cho nhóm ưu tuyền chính trị của Liên-xô. Trong chốn điền viên này, đêm mùng 7 tháng12 năm 1991, Yeltsin có cuộc hẹn với Tổng Thống của Ukraina và vị đại diện tối cao của nước Belarus là Stanislaw Schuschkewitsch. Yeltsin tươi cười trao cho chủ nhà Schuschkewitsch  một món quà: Một tài liệu từ thời Nga Hoàng xác định chủ quyền của Nga trên một thành phố của Belarus. Schuschkewitsch khôn khéo đánh trống lảng sự việc không hay này.

Belovezhskaya Pushcha, nơi ký kết hiệp ước lịch sử. Alamy

Bữa ăn tối đã sẵn. Nhưng Tổng Tống Nga còn nằm nghỉ lại sức vì chuyến bay ở phòng trên; bên dưới lầu Schuschkewitsch và Tổng Thống Ukraina ngồi chờ bên cạnh hai cốc rượu. Rồi Yeltsin xuống, và cả ba kéo nhau vào phòng ăn. Một biến cố lịch sử thế giới bắt đầu, nó sẽ làm cả Âu và Á châu biến chuyển và làm thay đổi bản đồ thế giới.

Vladimir Putin, người kế nhiệm Yeltsin, gọi biến cố đó là „tai hoạ địa chính trị lớn nhất của thế k 20.“ Cựu Phó Chủ Tịch Xô-viết Tối Cao (quốc hội xô-viết) Juri Woronin cho hay, đó là một „cuộc đảo chánh“, đúng hơn, một „âm mưu“ trong rừng già Belowesch. Ở Moskva hiện có những cuốn sách với tựa đề như „Ai Phản Bội Ai?“ hay „Họ Đã Làm Cách Nào Để Kết Liễu Xô-viết“. Nhiều người Nga coi ngày 08.12.1991 là ngày kết thúc đế quốc hoàn vũ của họ. Nhưng cuộc gặp ở Wiskuly đã diễn ra hoàn toàn khác hẳn với những gì nhiều người hôm nay nghĩ. Và cuộc gặp đó đã mang lại cho các dân tộc liên bang xô-viết nhiều may mắn hơn là thiệt hại.

Ở bàn ăn, Yeltsin ngồi đối diện với Leonid Krawtschuk, người trước đó đúng một tuần vừa được dân Ukraina bầu lên ghế Tổng Tổng. Đây là hai nhân vật chính, bởi vì nếu Nga và Ukraina đồng ý, thì Belarus cũng phải đi theo. Tại bàn ăn còn có Schuschkewitsch, Chủ Tịch Xô-viết Tối Cao của Cộng Hoà Belarus, Gennadi Burbulis, Phó Tổng Thống Nga và Witold Fokin, Phó Tổng Thống Ukraina. Yeltsin nâng ly, cố thuyết phục Krawtschuk chấp thuận về một bản hiệp ước mới, nhằm tiếp tục liên kết các Cộng Hoà Xô-viết. Đây sẽ là hiệp ước thay thế cho bản hiến pháp xô-viết đang có và nó mang mục đích cứu vãn Liên Bang Xô-viết khỏi tan rã. Krawtschuk cũng nâng ly và trả lời cụt ngủn: „Không.“

Yeltsin và Burbulis chột dạ, thấy coi bộ khó khăn. Hẳn hai ông cũng sợ rằng, cuộc gặp tối hôm nay có thể sẽ là một thảm hoạ. Ngày nay, sau 25 năm, ngồi trong bàn làm việc của mình ở Moskow, Burbulis nhớ lại: „Ukraina đang rời đội hình, và chúng tôi bằng mọi cách phải ngăn cản họ.“

Yeltsin không muốn mang tiếng là người để mất Ukraina, một quốc gia đã liên kết với Nga từ hơn 300 năm nay. Ông cho rót thêm một ly sâm-banh nữa. Mọi người trong bàn ăn đều hiểu, thế mạnh thương thuyết của Krawtschuk nằm trong cuộc biểu quyết vừa rồi của dân Ukraina. Yeltsin không thể tin nổi là người dân gốc Nga trong các vùng phía đông Ukraina và trên bán đảo Crimea lại bỏ phiếu muốn độc lập. Ông hỏi: „Sao, cả dân vùng Donbass cũng muốn độc lập à?“ Krawtschuk điềm tĩnh trả lời: „Không vùng nào có số phiếu thuận dưới 50% cả.“

Ngày 01.12.1991 với đa số áp đảo, người dân Ukraina đã bỏ phiếu chọn độc lập và đã bầu Krawtschuk lên làm Tổng Thống nước họ. Khởi đầu là các Cộng Hoà vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), tiếp đó là các Cộng Hoà vùng Caucasus, theo nhau  tuyên bố độc lập. Toà nhà đồ sộ Liên Bang Xô-viết vỡ dần. Nhưng biến cố thảm hại nhất cho sự cáo chung của nó là vụ đảo chánh mùa hè 1991. Ngày 19 tháng 8 thế lực cũ nổi dậy chống lại tổng thống Xô-viết Mikhail Gorbachev. Trong khi ông này đang bị quản thúc tại gia, Tổng Thống nước Nga là Boris Yeltsin đã dẹp được phe đảo chánh. Sau cuộc đảo chánh, hầu hết các nước Cộng Hoà thi nhau rời Xô-viết. Khi Yeltsin và Krawtschuk hẹn nhau tới Wiskuly thì Liên Bang Xô-viết trên thực tế chỉ còn cái tên mà thôi. Nhưng không ai dám tuyên bố về cái chết của nó – sợ rằng, không biết cái gì sẽ xẩy ra sau đó. Dù sao, bên cạnh Mỹ, Liên-xô vẫn là cường quốc nguyên tử lớn nhất thế giới. Các đầu đạn nguyên tử được phân tán ở nhiều nước Cộng Hoà, kể cả ở Ukraina.  

Yeltsin chẳng màng gì lắm bữa ăn tối thịnh soạn. Ông thao thao nói về sự hợp nhất các dân tộc slav, về tình bạn giữa Nga và Ukraina, nhưng Krawtschuk vẫn như nước đổ lá môn. Burbulis nhớ lại: „Quả là vô cùng khó khăn để thuyết phục ông ta tin vào sự cần thiết của một cuộc hội nhập tối thiểu.

Burbulis vì thế cứ đốc thúc Yeltsin không được nản chí và đề nghị đưa ra một văn bản chung. „Này ông Boris Nikolajewitsch, mời ông tới đây, chúng ta vừa soạn văn bản vừa uống với nhau.“ Phó tổng thống Ukraina Witold Fokin cho hay, mình đã nói như thế với Tổng Thống Nga và đã thúc đẩy Burbulis tiến hành chuyện này. Nhưng Burbulis lại bảo, Fokin „nói láo, bày đặt chuyện hoàn toàn nhảm nhí“. Chẳng còn biết giữa hai vị ai nói thật ai nói dối nữa.

Sự bất đồng này đã trở thành đề tài chính trị, là vì ngày nay ở Nga người ta coi Yeltsin là một tay nghiện rượu và là kẻ đã đánh mất Liên Bang Xô-viết. Nhưng tất cả những ai có mặt hôm đó đều xác định là Yeltsin có uống nhiều. Fokin nhớ lại: „Ông ta có thể nốc nhiều vào buổi tối, nhưng sáng ra lại tỉnh như sáo.“ Cố vấn pháp luật của Yeltsin là Sergej Schachraj thì lại bảo, Tổng Thống chỉ uống sau khi thương thảo, chứ chẳng cầm ly khi còn bàn thảo chuyện quan trọng. Và cũng theo Schachraj, Yeltsin có một khả năng hiếm có: „có thể nhịn uống hoàn toàn suốt hai tiếng đồng hồ.“ Một điều kiện quả tốt cho những cuộc thương thảo nước rút.

Yeltsin cho hay, nếu Krawtschuk không muốn có một hiệp ước liên kết, thì ông cũng chẳng muốn thứ đó. Cuốn cùng Krawtschuk nghĩ lại, nói: „Nếu đa số có mặt ở đây muốn có hiệp ước, thì chúng ta cũng nên có một cái trước khi chia tay.“ Yeltsin đề nghị, các chuyên gia pháp lý hiện có mặt nên soạn ra một hiệp ước cho ba quốc gia độc lập, chứ không phải là một tài liệu để kéo dài sự hiện hữu của Liên Bang Xô-viết. Người ta bàn nhiều tới khái niệm sodruschestwo – Cộng Đồng. Krawtschuk đồng ý.

Kravchuk (bên phải) và Shushkevich (giữa), với Yeltsin (bên trái). Alamy

Sau đó các vị Belarus mời mọi người đi tắm hơi. Mấy ông Nga đồng ý đi theo, còn các ông Ukraina từ chối. Nghe nói, do ảnh hưởng sâm-banh, Yeltsin bước đi không vững khi  xuống bậc thang và đã té nhào, nhưng may được mấy ông Belarus đỡ kịp. Sau khi tổng thống Yeltsin đi ngủ, các chuyên viên họp nhau soạn thảo văn bản.

Yeltsin cử hai chuyên gia luật ưu việt của mình tham gia nhóm làm việc, đó là Schachraj và nhà kinh tế Jegor Gaida. Cả nhóm vào làm việc trong căn nhà của Gaidar. Nhưng mấy ông Ukraina không tham gia.  Schachraj, lúc đó 35 tuổi, thừa hiểu, „Liên Bang Xô-viết đã hết thời rồi, sau khi các Cộng Hoà theo nhau tách ra.“  Giờ đây cần phải tạo ra một cái gì mới, để tránh những xung đột chết chóc có thể xẩy ra. Gaidar và Schachraj biết, Ukraina sẽ không chấp nhận từ „Liên Minh“ hay „Liên Hiệp“. Hai ông cùng với các đồng nghiệp Belarus dự thảo về một bản hợp đồng cho ba quốc gia (Nga, Belarus và Ukraina) vốn đã cùng nhau thành lập Liên Bang Xô-viết vào năm 1922. Vì không có thư ký, Gaidar phải tự mình ghi lại những gì thảo luận. Ba nước sẽ thành lập một „Cộng Đồng Các Quốc Gia Dân Chủ“ chung. Đồng thời Schachraj, người đưa ra sáng kiến thành lập Cộng Đồng, cho hay, „Cộng Đồng sẽ cấp giấy chứng tử cho Liên Bang Xô-viết sau khi nó qua đời.“ Trong lời mở đầu của hiệp ước có đoạn: „Liên Bang Xô-viết như là chủ thể của công pháp quốc tế và như là thực tế địa chính trị không còn hiện hữu.“ Đúng sáu giờ sáng xong bản dự thảo; nó sẽ được đưa ra cho các tổng thống cùng với sâm-banh nga trong bữa điểm tâm.  

Không lâu sau đó ba nhà lãnh đạo các dân tộc slav gặp nhau tại bàn bi-da trong biệt thự Wiskuli. Thoạt tiên Yeltsin trao tặng chủ nhà Schuschkewitsch một chiếc đồng hồ, như là „lời cám ơn“ chính thức „cho việc đã hỗ trợ Tổng Thống Nga“. Còn Krawtschuk thì muốn bác bỏ bản văn soạn sẵn, khiến cho hai đồng nghiệp rất bực mình. Nhưng sau một vài dự thảo viết tay, cả ba lại trở lại với những đoạn quan trọng trong bản văn đã có. Krawtschuk đổi chữ các quốc gia „Dân Chủ“ thành „Độc Lập“, để cho thấy rõ, là không có chuyện quay về tình trạng cũ. Ba quốc gia cộng nhận sự toàn vẹn lãnh thổ và biên giới của nhau. Cộng Đồng của họ vẫn mở ngỏ cho các Cộng Hoà khác. Thủ đô của Cộng Đồng đặt tại Minsk; nó có một Hội Đồng Quân Sự chung. Và đây là điểm quyết định cho nền hoà bình thế giới: các vũ khí nguyên tử được đặt dưới sự kiểm soát của cả ba nước.

Gần trưa, bản văn gồm 14 khoản được mọi người chấp nhận. Nó được in ra nhiều bản với cái máy in cũ có sẵn ở đấy. Mỗi lần một khoản được đọc lên, Yeltsin lại nâng ly chúc mừng, các vị khác cũng nâng theo, tuỳ sức hơi từng vị. Rồi những chiếc bàn trong phòng chơi bi-da được xếp thành một phòng tiếp khách với ba lá cờ quốc gia và một ít cành lá cây xanh mang từ rừng vào. Đúng 14 giờ ba vị nguyên thủ ngồi vào chiếc bàn phủ vải trắng tinh và kí lên bản văn. Giờ đây chuyện đã xong, mọi người có thể thở phào yên tâm. Nhưng Yeltsin bỗng cảm thấy bất an. Ông bất thần kêu: „Còn thiếu Nasarbajew! Chúng ta cần Nasarbajew tới đây.“ Ông cho gọi Nasarbajew, Tổng Thống của Kazakhstan ở Almary.

Kravchuk và Shushkevich (ngồi bên trái), với Yeltsin (bên phải). AFP

Nursultan Nasarbajew là thủ lĩnh Cộng Hoà Kazakhstan, nước có diện tích lớn thư hai và số dân đông hàng thứ tư trong Liên Bang Xô-viết. Lúc đó có 1400 đầu đại nguyên tử và 104 hoả tiển xuyên lục địa còn nằm trên đất Kazakhstan. Số lượng đầu đạn này chỉ thua ở Ukraina, Nga và Hoa-kì mà thôi. Vì thế chẳng lạ gì sự bối rối của Yeltsin. Khi Yeltsin gọi, thì Nasarbajew đang trên đường bay tới Moskva; sau khi xuống phi cơ, ông mới nói chuyện được với Yeltsin. Yeltsin nói cho ông hay về thoả ước với Krawtschuk và Schuschkewitsch ở Belowesch và dặn ông gấp rút tới Wiskuli. Nasarbajew hứa tới tức khắc.

Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Schuschkewitsch mời mọi người đi săn tiếp. Krawtschuk từ chối. „Chuyện đó không có tôi!“ Witold Fokin cho hay, ông đã nghe Krawtschuk nói câu đó. Nhưng sau mấy tiếng đồng hồ trở về từ cuộc săn bắn, Nasarbajew vẫn chưa có mặt. Thay vì đi Wiskuli, ông đã tới gặp Gorbachow, vị Tổng Tống bị tước quyền của Liên Bang Xô-viết; Gorbachow thuật lại cho Nasarbajew hay về cuộc gặp gỡ của ba người kia trong rừng già Bolowesch. Fokin biết được điều này, khi ông gọi về ban tham mưu của Gorbachow. Một thất vọng lớn phủ trùm lên Wiskuli. Ba nhà lãnh đạo slav lo, không biết Gorbachow sẽ phản ứng thế nào về hành động của họ. Và họ thắc mắc, tại sao Gorbachow lại biết được chuyện họ làm nơi xó xỉnh này.  

Câu trả lời nằm ở những bức tường biệt thự Wiskuli, trong đó được cài đầy máy nghe lén. Và KGB của Belarus trước sau vẫn báo cáo với Tổng Thống của LB Xô-viết, chứ không với Schuschkewitsch. Vì thế Gorbachow đã nghe được hết mọi bàn bạc của ba ông, kể cả các tiếng xô đẩy bàn ghế và tiếng cụng ly tách. Ông cũng nghe luôn cuộc điện đàm giữa Yeltsin với Nasarbajew ở phi trường, nên đã kịp thời cản, không để Nasarbajew tới với kẻ thù không đội trời chung Yeltsin của mình.

Gorbachow và Yeltsin là một trường hợp đặc biệt của thời hậu xô-viết, từ một cặp liên minh trở thành đối thủ trong việc tranh giành quyền lực. Cả hai cũng đã tìm cách hạ nhục nhau trước công luận. Thoạt tiên Yeltsin chỉ là một anh xuất thân từ tỉnh lẻ, trong khi Gorbachow là một Tổng Bí Thư đầy quyền thế. Nhưng sau cuộc đầu phiếu tự do ngày 12.06.1991 của dân nga bầu Yeltsin lên ghế tổng thống của nước Nga, thì cán cân quyền lực thay đổi. Đùng một cái Yeltsin có được thế hợp pháp hơn Gorbachow, vốn là người được bầu lên vai tổng thống do một đại hội bất thường của Liên-xô. Sau vụ đảo chính tháng tám 1991, mà Yeltsin đã có công dẹp loạn, Gorbachow bị tước quyền. Yeltsin ra lệnh cấm Đảng Cộng Sản hiện diện trên đất Nga và lệnh này như vậy đã lấy đi nền tảng quyền lực của Gorbachow. Ngày 08.12.1991, với thoả ước ở Wiskuli, Yeltsin còn lấy luôn quốc gia của ông.

Điểm quyết định trong ngày lịch sử này có lẽ là chuyện Yeltsin biết rằng, quân đội đứng đàng sau ông, tuy ông lúc đó không có được sự hỗ trợ của KGB. Giữa tháng 11 Bộ Tổng Tư Lệnh quân đội liên bang quyết định ủng hộ Yeltsin. Như vậy, quân đội đã bỏ liềm búa để đi theo chim ưng của Nga. Gorbachow có thể nghe lén và doạ Yeltsin bằng thích, nhưng ông không còn phương tiện nào nữa để thực hiện lời đe của mình. Thoả ước Beslowesch được quốc hội ba nước Nga, Ukraina và Belarus chấp thuận sau đó vài ngày. Ngày 21 tháng 12 Nasarbajew cũng gia nhập theo. Rồi 11 trong 12 Cộng Hoà Xô-viết còn lại họp nhau ký kết thành lập Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (GUS). Ngày hôm sau, 25.12.1991, Gorbachow tuyên bố từ chức và trao quyền cũng như chiếc cặp chứa mật khẩu vũ khí nguyên tử lại cho Yeltsin.

Sau buổi săn heo rừng ngày 08 tháng 12 Schuschkewitsch mời ăn tối thêm một lần nữa. Yeltsin chỉ ăn vài miếng bánh mì nướng. Sau đó ông gọi điện cho Bộ Trưởng Quốc Phòng liên bang Jewgeni Schaposchnikow, người vốn trung thành với ông. Rồi ông gọi cho Tổng Thống Mỹ, George Bush. Schuschkewitsch phải nhận trọng trách chẳng thú vị gì, đó là gọi báo cho Gorbachow hay, cái Liên-xô của ông không còn hiện hữu nữa. Yeltsin bối rối, vì ông biết, ngày mai mình sẽ phải gặp Gorbachow tại Điện Cẩm-linh. Nhưng mặc, lúc này cứ uống mừng với các đồng nghiệp của mình đã. Đến khuya ông lên máy bay trở lại Moskva. Tới nơi, người ta phải khiêng ông rời máy bay. Lần này, ông không còn khả năng giữ chay hai tiếng đồng hồ nữa. Nhưng không sao: Miễn là, với thoả ước mùng 08 tháng 12, ông có lẽ đã cản ngăn được sự tan vỡ có thể sẽ vô cùng ghê gớm của một cường quốc nguyên tử .

Như vậy thì chuyện ông “dzô” liên tục cả đêm hôm đó là chuyện đúng.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Von Michael Thumann, “Prost! Auf den Untergang!Die Zeit, 8.12.2016.
Bản dịch do Phạm Hồng-Lam gởi. DCVOnline minh hoạ, biên tập và phụ chú.

Tựa bài viết là tên một bút ký của nhà văn Phùng Gia Lộc trong giai đoạn Đổi Mới tại Việt Nam. Tác phẩm được đăng lần đầu trên Tuần báo Văn Nghệ ngày 23 tháng 1 năm 1988 và đăng lại trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật cùng năm, về sau đăng thêm lần nữa trên báo Tuổi trẻ vào 21 tháng 12 năm 2005.