Cách ngăn Trung Hoa tấn công Đài Loan

The Economist | DCVOnline

Đài Loan có thể học được gì từ Ukraine về việc chống xâm lăng

Họ có thể ở bên kia thế giới, nhưng ít người chăm chú theo dõi cuộc chiến ở Ukraine hơn người Đài Loan. Cuộc chiến sống còn của một nền dân chủ non trẻ chống lại một nước láng giềng chuyên quyền bắt nạt khinh miệt quyền tự quyết của họ, một ngày nào đó có thể là cuộc chiến của chính họ. Khi Tập Cận Bình và Vladimir Putin, hai tổng thống chuyên chế của Trung Hoa và Nga, nói rằng tình bạn của họ “vô biên”, Đài Loan rùng mình ghê sợ.

Hai trở ngại ngăn đại lục “thống nhất” bằng vũ lực với Đài Loan, nơi mà họ coi là một phần lãnh thổ của Trung Hoa, mặc dù đảo quốc này đã có chính quyền riêng từ năm 1949. Một là eo biển Đài Loan rộng 180 km. Hai lại là sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhưng Trung Hoa đang nhanh chóng xây dựng tiềm năng để vượt qua cả hai trở ngại nói trên. Một số chỉ huy Mỹ cho rằng Trung Hoa có thể tấn công trước cuối thập niên.

Một cuộc xâm lăng Đài Loan sẽ là một thảm họa ở nhiều mặt. Nó có thể đánh bại một trong những nền dân chủ đáng ngưỡng mộ nhất châu Á. Vì Đài Loan sản xuất chip máy tính tiên tiến nhất thế giới, nên nó sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Việc vi phạm “chuỗi đảo đầu tiên” bao quanh đất liền từ Nhật Bản đến Malaysia cũng sẽ cho phép các lực lượng vũ trang của Trung Hoa một con đường cách thoải mái ra đại dương. Điều đó sẽ gây nguy hiểm cho Nhật Bản và đảo lộn trật tự do Mỹ tạo ra ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Để ngăn chặn thảm họa đó, Đài Loan, Mỹ và đồng minh của họ phải hành động dựa trên những bài học (đang hình thành) về cuộc xâm lăng của Nga. Bài học quan trọng nhất là mối đe dọa là có thật, và tốt hơn hết là Đài Loan nên chuẩn bị ngay bây giờ thay vì phải ứng biến khi trận chiến xảy ra. Ukraine đã cho thấy một tinh thần chiến đấu bền vững, sự lãnh đạo can đảm, một dân tộc kiên cường — và với vũ khí của phương Tây — họ đã có thể ngăn chặn một kẻ thù lớn hơn như thế nào. Đài Loan càng chuẩn bị tốt thì Trung Hoa càng ít giám thí mạng xâm lăng.

Vì vậy, Đài Loan nên suy nghĩ kỹ hơn về phòng thủ. Quyết định ít dựa vào lính quân dịch và xây dựng một quân đội chuyên nghiệp hơn là một quyết định tốt. Nhưng nó nên tiếp tụchuấn luyện quân sự cho tất cả nam giới (và tại sao không cả phụ nữ nữa?) Và tạo ra một quân đội bảo vệ lãnh thổ. Nước này cũng nên tăng ngân sách quân sự, ở mức khoảng 2% gdp – mức thấp đối với một quốc gia đang gặp nguy hiểm như vậy (Israel chi 5,6%). Giống như Đức gần đây sẽ tăng cường chi tiêu như một tín hiệu cho thấy ý định. Nó không thể hy vọng chi tiêu vượt quá Trung Hoa, quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn gấp 20 lần, hoặc cung cấp nhiều binh lính hơn. Thay vào đó, Đài Loan sẽ phải tập trung để trở thành món khó nuốt.

May thay, Đài Loan đã có một học thuyết quân sự đúng đắn để xây dựng, “Khái niệm Phòng thủ Tổng thể”, ban hành vào năm 2017 nhưng không được các đồng minh hàng đầu chấp nhận hoàn toàn. Đây là  chiến lược “con nhím”, dựa trên vũ khí phòng thủ di động và có thể ngụy trang được, đặc biệt là  hỏa tiễn dùng chống lại tàu và máy bay. Điều này có nghĩa là phải không mua ít nhất một số phản lực cơ, tàu chiến và tàu ngầm đắt tiền mà Đài Loan hiện đang tìm kiếm — nhưng nhiều chiếc trong số đó có thể bị nổ tung khi chiến tranh bắt đầu.

Sự thay đổi như vậy sẽ là một canh bạc lớn. Trong cuộc xung đột “vùng xám” ngày nay, Đài Loan phải đối mặt với sự quấy rối liên tục, chẳng hạn như các cuộc xâm nhập gần không phận của mình mà lực lượng không quân đã quá căng vẫn phải chịu trách nhiệm. Mặc dù Đài Loan, là một hòn đảo, khó bị xâm lăng hơn Ukraine, nhưng cũng khó tiếp tế hơn. Nó có thể phải chiến đấu một mình trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Và không thể chắc chắn liệu Mỹ có viện trợ sớm hay không. Ưu tiên phải là cầm cự. Nhìn vào Ukraine: chiến đấu, cầm cự được càng lâu, Ukraine càng nhận được nhiều sự giúp đỡ.

Mỹ có thể làm nhẹ gánh trong tiến trình chuyển đổi. Đổi lại việc cải cách quân đội nên viện trợ nhiều hơn. Chúng gồm cả việc nâng cấp các mối liên hệ chính trị và quân sự, bán hoặc viện trợ nhiều vũ khí hơn, tổ chức những khóa huấn luyện công khai và tổ chức những cuộc tập trận chung. Đài Loan có rất ít kinh nghiệm hoạt động với quân đội của nước bạn. Mỹ nên lập và tập dượt các kế hoạch chi tiết — đặc biệt là với Nhật Bản và những đồng minh khác — để ứng phó với một loạt các cuộc khủng hoảng, từ phong tỏa hải quân đối với Đài Loan cho đến một cuộc xâm lăng vào hòn đảo.

Tất cả những việc này sẽ khiến Trung Hoa tức giận. Đó là lý do tại sao Tổng thống Joe Biden nên cẩn thận duy trì “sự mơ hồ chiến lược”, theo đó Mỹ giúp Đài Loan tự vệ nhưng không tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẽ gây chiến với Trung Hoa hay không nếu họ xâm lăng. Ngược lại, trong trường hợp của Ukraine, ông đã nói rõ ràng rằng Mỹ sẽ không tham gia cuộc giao tranh vì ngại  sẽ dẫn đến “Thế chiến thứ ba”.

Như một số người ủng hộ việc hứa chiến đấu cho Đài Loan sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều để ngăn cản Trung Hoa, vốn đã cho rằng Mỹ sẽ làm như vậy. Và một lời hứa như vậy, ít nhất sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Do đó, tốt hơn hết là hãy tập trung vào các bước thiết thực để mài bén mũi lông nhím của Đài Loan. Một năm trước, tạp chí này gọi Đài Loan là “nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất”. Mỹ và Đài Loan cũng phải khuyến khích Trung Hoa nhìn Đài Loan theo cách đó. ■

Đài Loan có phải là một phần của Trung Hoa hay không? | The Economist

Bài này đã đăng trong mục Leaders trên ấn bản của tạp chí với tựa đề “Làm thế nào để trở thành một con nhím”

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How to deter China from attacking Taiwan | Leaders | The Economist | Apr 23rd 2022