Giáo hoàng Francis có thể thu hồi ‘Học thuyết khám phá’ từ thế kỷ 15 đã dùng để biện minh cho việc chiếm thuộc, địa cải đạo, và nô dịch hóa người bản địa hay không?

Ricardo da Silva, S.J. | Trần Giao Thủy

“HÃY THU HỒI HỌC THUYẾT” Đó là dòng chữ in đậm màu đỏ và đen trên một biểu ngữ trắng trải dài ở mặt tiền Vương cung thánh đường Saint Anne de Beaupré ở Quebec ngay trước khi Giáo Hoàng Francis (Phanxicô) chủ tế Thánh lễ ở đó. Đây là thánh lễ thứ hai trong chuyến viếng thăm Người bản địa ở Canada để xin lỗi về những hành động lạm dụng đáng trách đã xảy ra trong hơn một thế kỷ tại các trường học nội trú cho trẻ em bản địa dưới sự giám sát của Giáo hội Thiên Chúa giáo.

Chelsea Brunelle, trái và Sarain Fox, từ Bachewana First Nation ở Garden River, Ont., đã đến Thành phố Quebec với biểu ngữ kêu gọi Giáo hoàng Francis thu hồi Học thuyết Khám phá, và họ cũng căng biểu ngữ bên trong Vương cung thánh đường nơi GH Francis đang chủ tế thánh lễ. Thứ năm. Ảnh: ALLAN WOODS / TORONTO STAR

Cuộc biểu tình táo bạo này, được truyền hình và phát thanh trên khắp thế giới, xác định thêm yêu cầu đòi Giáo hoàng Francis phải có một tuyên bố công khai ở Canada nhằm hủy bỏ điều được gọi là “học thuyết khám phá”. Đến nay, việc dường như không có bất kỳ sự đề cập nào về học thuyết này trong những ngày Giáo hoàng ở Canada có thể đánh mất một số thiện chí, sự hòa giải và hàn gắn do thời điểm quan trọng này mang lại trong mối quan hệ của Vatican với Người bản địa.


Hai người biểu tình trong thánh lễ hôm thứ Năm tại Vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupré đã giăng một biểu ngữ lớn chỉ cách Giáo hoàng Francis vài bước chân có dòng chữ ‘Hãy hủy bỏ học thuyết’. Thông điệp đó đề cập đến Học thuyết Khám phá, một tuyên bố từ nhiều thế kỷ trước của Giáo hoàng dùng để biện minh cho việc cải đạo và nô dịch hóa những người ngoại đạo cũng như việc chiếm đoạt đất đai của họ làm thuộc địa.

Nhiều Người bản địa ở Canada dường như đã chân thành nhận lời xin lỗi của Giáo Hoàng Francis trong ngày đầu tiên của chuyến hành hương ăn năn, hối lỗi tại đất nước của họ. Nhưng khi lời xin lỗi — và những tràng pháo tay và tiếng la hét cả bốn lần giáo hoàng nói “Tôi xin lỗi” trong bài phát biểu của ông vào ngày hôm đó — bắt đầu lắng xuống, những cộng đồng người bản địa đang tìm không gian để suy ngẫm về thời khắc lịch sử đó và hiểu thấu nội dung của nó. . Một số người hiện đang hỏi những gì vẫn còn để giáo hoàng nói trước khi ông trở về Vatican. Và điều đó ngày càng lớn hơn, rõ ràng hơn — thậm chí là tức giận — yêu cầu GH Francis lên án những chỉ dụ do hai giáo hoàng đưa ra trong ba bức thư gửi các vị vua của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong Thời đại Đế quốc tạo nên cái gọi là học thuyết khám phá. Di sản của những sắc lệnh của Giáo hoàng đó đã có một ảnh hưởng lịch sử tàn khốc đối với những cộng đồng Người Bản địa; thực dân đã tấn công các truyền thống và tập quán của Người bản địa và thậm chí đe dọa chủ quyền hợp pháp đối với những gì Người bản địa tin rằng là vùng đất chính đáng của họ.

Tại sao việc tuyên bố công khai hủy bỏ học thuyết này lại quan trọng đối với giáo hoàng? Trên thực tế, một số người cho rằng nó đã bị giáo hội hủy bỏ. Nó đã bị hủy bỏ chưa?

Tại sao việc tuyên bố công khai hủy bỏ học thuyết này lại quan trọng đối với giáo hoàng? Trên thực tế, một số người cho rằng nó đã bị giáo hội hủy bỏ. Nó đã bị hủy bỏ chưa? Như thế đã đủ chưa? Trước khi khám phá những câu hỏi này, chúng ta cần xem lại từng giai đoạn.

Học thuyết khám phá là gì?

Học thuyết khám phá là một thuật ngữ chung chung có phần gây hiểu lầm đã dùng để chỉ những gì về căn bản bản là một loạt các sắc lệnh công khai — được gọi là tông sắc của giáo hoàng (papal bull) — do các giáo hoàng viết vào thế kỷ 15 cho các vị vua THiên Chúa giáo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cấp phép cho họ thuộc địa hóa những vùng đất không theo đạo thiên chúa và nô dịch những người không theo đạo thiên chúa tìm thấy ở những vùng đất chưa được thế giới Kitô giáo coi là chưa được khám phá này.

Có ba tông sắc của Giáo hoàng đã ban hành nhằm mục đích này: Giáo hoàng Nicholas V lần đầu tiên viết “Dum Diversas” cho vua Bồ Đào Nha vào năm 1452. Trong vòng chưa đầy ba năm, ông lại ban hành một tông sắc tương tự, “Romanus Pontifex,” cho nhà vua của Tây Ban Nha. Gần bốn mươi năm đi qua trước khi Giáo hoàng Alexander VI viết “Inter Caetera” vào năm 1493, đây là tông sắc của Giáo hoàng thường được trích dẫn nhất khi đề cập đến học thuyết khám phá. Nó giữ lại nhiều chỉ thị có trong những tông sắc của giáo hoàng trước đây và tiếp tục khuếch đại phạm vi những gì giáo hoàng đã cho phép các vị vua làm được sự ban phước và dưới thẩm quyền của Giáo hội Thiên Chúa giáo trong nhiệm vụ truyền giáo của giáo hội.

Với những bức thư (tông sắc) này, hai giáo hoàng đã ban cho các vị vua và đế chế của họ một số quyền nhất định, trong số này có quyền chinh phục các vùng đất của Người bản địa nơi Cơ đốc giáo chưa bén rễ, để cải đạo Người bản địa ở đó thành giáo dân Thiên Chúa giáo La Mã và nô dịch hóa Người bản địa. Những văn bản có thẩm quyền của Giáo hoàng này không chỉ cho phép và ngầm đồng ý để các vị vua thống trị Người bản địa và những vùng đất của họ, mà còn đặt nền tảng cho những hành động đó trong một tinh thần Cơ đốc nhân, thậm chí đặc biệt như một ý thức Thiên Chúa giáo về sứ mệnh và sự vâng phục thiêng liêng đối với Đức Chúa Trời. GH Alexander VI đã viết trong tông sắc cho phép Tây Ban Nha làm chủ các vùng đất do Christopher Columbus khám phá.

“Trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là đức tin Thiên Chúa giáo và đạo Cơ đốc được tán tụng, phát triển và lan rộng ở khắp mọi nơi.”

GH Alexander VI

Giáo hoàng lập luận thêm rằng các cuộc chinh phục thuộc địa của Tây Ban Nha là chính đáng “như vậy sức khỏe của những linh hồn được chăm sóc và các quốc gia man rợ bị lật đổ và quy phục đức tin Thiên Chúa giáo.

Hai giáo hoàng đã cấp cho các vị vua và đế chế của họ những quyền nhất định, trong số này có quyền chinh phục các vùng đất của Người bản địa nơi Cơ đốc giáo chưa bén rễ.

Trình bày ngắn gọn này về một phần nội dung của những tông sắc của Giáo hoàng cho thấy rõ ràng tại sao những cộng đồng Người Bản địa lại kêu gọi Giáo hoàng Francis bãi bỏ học thuyết khám phá. Quan điểm thần học của Giáo hội Thiên Chúa giáo về thế giới và sự tôn trọng mà Giáo hội Thiên Chúa giáo dành cho sự đa dạng của tín ngưỡng đã thay đổi rõ ràng. Ngày nay, giáo hội có khuynh hướng coi trọng và tán dương những kinh nghiệm và lợi ích tinh thần mà các truyền thống tôn giáo khác có thể mang lại cho thế giới như đã nhiều lần được chứng thực trong chuyến thăm Canada của Giáo hoàng Francis và việc ông sẵn sàng tham gia những nghi lễ văn hóa quan trọng của Người Bản địa.

Giáo hoàng Francis đã lên tiếng xin lỗi  những người sống sót, gia đình và cộng đồng Người Bản địa đã phải chịu đựng và vẫn đang phải chịu đựng những tổn thương do những Trường nội trú dành cho trẻ em người bản địa của Giáo hội Thiên Chúa giáo. Nguồn: Toronto Star

Tuy nhiên, trong khi Giáo hoàng và Tòa thánh Vatican đã thoát ra khỏi tâm lý coi Người bản địa và những người không theo đạo Thiên chúa là thua kém các Kitô hữu châu Âu da trắng, thì lời kêu gọi thu hồi học thuyết khám phá vẫn còn đó — đặc biệt là vì ảnh hưởng của nó đối với luật tài sản.

Học thuyết khám phá và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Mặc dù học thuyết khám phá có thể bị một số người coi là đã  lỗi thời, nhưng ngày nay nó vẫn có ảnh hưởng đối với những cộng đồng Người Bản địa, đặc biệt là theo cách mà nó đã được những thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sử dụng để phủ nhận những yêu cầu về đất đai của Người bản địa.

Học thuyết này lần đầu tiên được sử dụng trong một vụ kiện của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1823. Trong vụ Johnson kiện McIntosh — vụ án đầu tiên trong ba vụ án mang tính bước ngoặt trong Luật pháp Người da đỏ ở Hoa Kỳ — tòa án đã phán quyết rằng trong khi người da đỏ Piankeshaw và Illinois, hai cộng đồng người Mỹ bản địa, có quyền chiếm đóng, định cư và quản lý vùng đất ở thung lũng sông Ohio, họ không có quyền sở hữu vùng đất đó. Theo logic của học thuyết khám phá, đất đai thuộc về những người đã khám phá ra nó và do đó chính phủ liên bang là chủ đất đai đó một cách hợp pháp.

Học thuyết khám phá đã được áp dụng trong nhiều trường hợp khác và được sử dụng trên phạm vi quốc tế để hợp pháp hóa quyền sở hữu đất đai của những chính phủ quốc gia. Vào cuối năm 2005, trong vụ Sherrill kiện Oneida Indian Nation, cố Thẩm phán TCPV Ruth Bader Ginsburg cũng đã lập luận chống lại tuyên bố chủ quyền của một cộng đồng Người Bản địa đối với đất đai của họ trên cơ sở học thuyết khám phá. Trong mỗi vụ như vậy,chi tiết rất phức tạp. Việc đưa vận đề này vào bài viết này không nhằm mục đích tranh luận về tính đúng đắn của án lệnh mà là để chỉ ra cái gọi là học thuyết khám phái thiết lập trong ba bức thư của các giáo hoàng ở thế kỷ 15 đã áp dụng trong luật thế tục và ảnh hưởng đến những cộng đồng bản địa như thế nào.

Những lời kêu gọi gần đây để hủy bỏ học thuyết khám phá

Vào cuối tháng 3, khi những phái đoàn của Các quốc gia (bộ lạc) Người Bản địa, Métis và Inuit nghe lời xin lỗi đầu tiên trong lịch sử của Giáo hoàng vì sự tham gia của giáo hội vào hệ thống giáo dục dân bản địa do chính phủ Canada ủy nhiệm, một số thành viên của phái đoàn nói rằng họ đã nói với giáo hoàng rằng một lời xin lỗi trên đất của Người bản địa ở Canada cần có cả lời kêu gọi bãi bỏ học thuyết khám phá.

Nhưng vào thứ Hai ngày 25 tháng 7 năm 2022, khi giáo hoàng mở lời xin lỗi toàn diện nhất với tư cách là người lãnh đạo của Giáo hội Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới vì những lạm dụng của những cơ sở của giáo hội ở Canada, không có một đề cập rõ ràng nào về học thuyết khám phá đó.

Khi giáo hoàng đưa ra lời xin lỗi toàn diện nhất với tư cách là người lãnh đạo của Giáo hội Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới vì những lạm dụng ở Canada, không có đề cập rõ ràng nào về học thuyết đó.

Và đây không phải là lần đầu tiên Người bản xứ gặp gỡ giáo hoàng tại Vatican để thảo luận về học thuyết khám phá. Trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng  Francis, một phái đoàn gồm những người bản địa, những người tự gọi mình là “Trường chinh tới Roma” đã gặp gỡ giáo hoàng một thời gian ngắn vào ngày 4 tháng 5 năm 2015 — ngày kỷ niệm một trong những tông sắc của Giáo hoàng — để yêu cầu GH bãi bỏ học thuyết khám phá.Trong một thông cáo báo chí,  phái đoàn Người Bản địa cho biết,

“Chúng là ‘bản vẽ mẫu’ để chinh phục Thế giới Mới; chúng cung cấp sự biện minh về mặt đạo đức cho việc nô dịch và chinh phục những dân tộc Bản địa trên toàn thế giới; chúng đang vi phạm luật nhân quyền đương thời; và các cộng đồng khác hiện đang đấu tranh để giữ lấy đất đai của họ đang bị đe dọa vì những ý thức hệ thời hiện đại về sự bất bình đẳng đặt nền tảng trong sắc tông của Giáo hoàng.”

Sau đó phái đoàn Người Bản địa báo cáo rằng giáo hoàng đã tỏ ra chú ý đến lời yêu cầu của họ nhưng không nói gì. Kenneth Deer của Mohawk Nation tại Kahnawake tường trình lại,

“Giáo hoàng rất tử tế. Ông luôn giao tiếp bằng mắt và ông rất chăm chú lắng nghe. Và tất cả những gì GH nói là ‘Tôi sẽ cầu nguyện cho con.’ Đó là điều duy nhất GH nói. Và ông đưa cho tôi một chiếc hộp nhỏ màu đỏ với một chuỗi tràng hạt trong đó. Và tất cả là như thế.” Kenneth Deer / Mohawk Nation tại Kahnawake

Tuy nhiên, mặc dù không có sự đảm bảo nào từ phía giáo hoàng, ông Deer cho biết ông vẫn rời Vatican với niềm hy vọng rằng Vatican sẽ lên tiếng chống lại học thuyết khám phá sau khi ông được một viên chức chính phủ Vatican công hận rõ ràng rằng học thuyết này đã tàn phá và cần phải làm điều gì đó về vấn đề này.

Sau cuộc gặp ngắn ngủi với giáo hoàng, khi đó phái đoàn đã gặp gỡ lâu hơn với thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Ông Deer nhớ lại một cuộc trao đổi với Hồng y Silvano Tomasi, người lúc đó là thư ký của hội đồng.

Ông Deer nói, trường trình cuộc họp với APTN:

“Ông ấy bắt đầu đưa ra lời khuyên thông thường rằng những tông sắc của Giáo hoàng không còn hiệu lực nữa, rằng chúng đã bị thay thế bằng những tông sắc khác của Giáo hoàng và chúng ta không cần phải làm gì cả.”

Kenneth Deer

Nhưng khi họ gần kết thúc cuộc họp, ông Deer nói:

“[Hồng y Tomasi] thay đổi quan điểm. Cuối cùng, ông nói, ‘Có lẽ Vatican phải đưa ra một tuyên bố. Chúng tôi phải xem xét đưa ra một tuyên bố.’”

Mặc dù Vatican vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về học thuyết khám phá, nhưng có những giám mục Thiên Chúa giáo kêu gọi giáo hội xác nhận những  tác hại mà những tống sắc cổ đại của giáo hoàng này đã gây ra và giáo cần phải xin lỗi và tránh xa nó.

Mặc dù Vatican vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về giáo lý, nhưng các giám mục Công giáo kêu gọi nhà thờ nhận ra tác hại mà những tuyên bố cổ xưa của giáo hoàng này đã gây ra. Vào năm 202, giám mục Douglas J. Lucia của Syracuse, N.Y., nói với Hãng Thông tấn Tôn giáo

“Học thuyết đặc biệt này đã được sử dụng để biện minh cho cả bạo lực chính trị và cá nhân chống lại những Bộ tộc Người Bản địa, Người bản địa và văn hóa của họ — bản sắc tôn giáo và lãnh thổ của họ.

Vì chúng là những tông sắc của Giáo hoàng trong buổi ban đầu, cần phải có một nỗ lực để bác bỏ học thuyết đó và, một sự thừa nhận công khai của Giáo Hoàng về tác hại mà những tông sắc này đã gây ra cho người dân bản địa.”

GM Douglas J. Lucia

Phụ nữ tôn giáo tận hiến cũng đã tham gia các cuộc kêu gọi phủ nhận học thuyết khám phá. Năm 2014, trong một tuyên bố, Hội nghị Lãnh đạo của Phụ nữ Tôn giáo đã công khai kêu gọi giáo hoàng hủy bỏ học thuyết khám phá, yêu cầu ông

“Xem xét sâu sắc cách Giáo hội có thể thể hiện trái tim công lý và từ bi của Cơ đốc giáo đối với người dân bản địa, trong thời điểm này. Chúng tôi khiêm cung yêu cầu Giáo Hoàng Francis dẫn dắt chúng tôi chính thức phủ nhận giai đoạn lịch sử Cơ đốc giáo đã dùng tôn giáo để biện minh cho bạo lực chính trị và cá nhân chống lại các Bộ tộc và Người bản địa cũng như bản sắc văn hóa, tôn giáo và lãnh thổ của họ.” Hội nghị Lãnh đạo của Phụ nữ Tôn giáo

Ngoài những tổ chức Thiên Chúa giáo, những lời kêu gọi bãi bỏ học thuyết khám phá cũng đến từ bên trong Liên Hiệp Quốc. Năm 2013, Diễn đàn Thường trực của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề bản địa đã kêu gọi

“Giáo hội Thiên Chúa giáo công khai đả đảo ‘Học thuyết Khám phá’ đã tồn tại hàng thế kỷ”, mà họ thừa nhận là “gốc rễ đáng xấu hổ của tất cả sự phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội mà người dân bản địa phải gánh chịu hiện nay.”

Những lời kêu gọi công khai về việc chính thức chấm dứt học thuyết khám phá cũng đến từ bên trong những giáo hội và cộng đồng Cơ đốc giáo rộng lớn hơn, trong số đó có Giáo hội Episcopal, Giao hội Mennonite, Giáo hội Giám lý thống nhất và Giáo hội Anh giáo của Canada. Vào tháng Năm năm nay, khi Tổng Giám mục Canterbury, người đứng đầu hiệp thông Anh giáo trên toàn thế giới, đến thăm Saskatchewan, ông đã hỏi đám đông, “Làm thế nào chúng ta có thể loại bỏ học thuyết khám phá theo cách để nó không bao giờ có thể được sử dụng lại?”

Những phát triển mới tại Vatican

Một tuần trước khi giáo hoàng công du Canada, Vatican đã thắp lên hy vọng mới rằng giáo hoàng có thể nói điều gì đó về Học thuyết Khám phá trong chuyến thăm Canada.

Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết trong một cuộc họp báo với giới truyền thông chỉ vài ngày trước chuyến thăm Canada,

“Tòa thánh đang phản ảnh về học thuyết khám phá. Mặc dù phản ảnh đã ‘gần kết thúc’, nó có thể chưa được kết luận vào thời điểm Đức giáo hoàng đến thăm Canada và ông không thể xác nhận liệu giáo hoàng có thể nói bất cứ điều gì cụ thể đối về Học thuyết Khám phá khi ở Canada hay không.”

Matteo Bruni

Tuy nhiên, ông nói thêm, “có thể” có một sự khai triển về chủ đề này” sau chuyến đi của Giáo hoàng.

Vì vậy, khi không nghe đề cập đến học thuyết trong lời xin lỗi đầu tiên của Giáo hoàng ở Canada, bất chấp những hy vọng thoáng qua mà ông Bruni nêu lên, một số Người bản địa vẫn chờ đợi và mong muốn.

“Từ chối học thuyết khám phá! Từ bỏ những tông sắc của Giáo hoàng! Chấm dứt nạn diệt chủng!”

Chief Judy Wilson

Đó là thông điệp mà Thủ lĩnh Judy Wilson của Bộ lạc Neskonlith, mà cha của bà theo học tại các trường nội trú cho tre em Người bản địa do Giáo hội Thiên Chúa  giáo điều hành, đã hét lên trong khi giáo hoàng lên tiếng xin lỗi lần đầu tiên ở Canada. Tù trưởng Wilson sau đó nói với CBC News,

“Tôi vẫn chưa nghe thấy bất cứ điều gì về việc bác bỏ học thuyết khám phá. Đó là nơi có rất nhiều chính sách pháp luật về tội diệt chủng, bạn biết đấy, Đạo luật dành cho người da đỏ, trường học nội trú, việc tạo ra khu đất dành riêng cho Người bản địa đều bắt nguồn từ đó.”

Tù trưởng Judy Wilson

Liệu GH Francis sẽ tuyên bố rõ ràng về học thuyết khám phá trong những giờ ông còn lại ở Canada hay liệu ông có đưa ra bất kỳ chi tiết nào về sự phản ảnh đang diễn ra tại Vatican trong cuộc họp báo thông thường của ông trên chuyến bay trở về Rome — như thường lệ, ông có những cuộc họp báo giữa không trung  — vẫn còn là điều phải chờ xem.

Tác giả | Ricardo da Silva, S.J., là một linh mục của Dòng Tên và là Biên tập viên phó của America Media @ ricdssjrdasilva @ americamedia.org

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Could Pope Francis revoke the 15th-century ‘Doctrine of Discovery’ used to justify colonizing Indigenous peoples? | Ricardo da Silva, S.J. | America Jesuit Review | July 28, 2022