Đài Loan có luôn luôn là một phần của Trung Hoa hay không?

Gerrit van der Wees | Trà Mi

Tình tiết lịch sử phức tạp hơn Bắc Kinh muốn nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hugh Hewitt Show đầu tháng 11, 2020 Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gây náo động khi ông tuyên bố rằng

“Đài Loan không phải là một phần của Trung Hoa, và điều đó đã được công nhận với việc của chính quyền Reagan đã làm để đưa ra chính sách mà Hoa Kỳ đã đi theo trong 35 năm qua, và đã thực hiện như vậy trong hai nhiệm kỳ.”

Mike Pompeo
Một bức tranh vẽ năm 1675 về cuộc đầu hàng  của Pháo đài Zeelandia ở Formosa năm 1662. Nguồn: Wikimedia Commons

Theo ngữ cảnh của nhận xét nêu trên, rõ ràng là Pompeo ám chỉ thực tế là kể từ khi thành lập vào năm 1949, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) ở Bắc Kinh chưa bao giờ có bất kỳ chủ quyền đối với Đài Loan. Đài Loan luôn tự trị một và độc lập: đầu tiên, tất nhiên, dưới thời của Tưởng Giới Thạch, người muốn “khôi phục đại lục.” Nhưng kể từ đầu những năm 1990, Đài Loan đã là một nền dân chủ năng động muốn được chấp nhận là một thành viên bình đẳng trong đại gia đình quốc tế của các quốc gia trên thế giới.

Khi nói đến “công việc của chính quyền Reagan” Pompeo đề cập cụ thể đến một trong Sáu điều bảo đảm, được Tổng thống Ronald Reagan ban hành vào tháng 7 năm 1982, trong đó ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ “không thay đổi lập trường của mình về chủ quyền đối với Đài Loan.

Điều đó đề cập cụ thể đến lập trường của Hoa Kỳ mà nước này coi là địa vị quốc tế của Đài Loan “chưa được xác định” thích hợp với kết quả của Hòa ước San Francisco 1951-52. Trong hòa ước đó, Nhật Bản đã chính thức nhượng lại chủ quyền hòn đảo này, nhưng nó không được quyết định trao cho ai. Hầu hết các quốc gia tại cuộc Hòa đàm 1951 cho rằng tình trạng của Đài Loan cần phải được xác định đúng lúc, phù hợp với nguyên tắc tự quyết đã ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Nhưng còn lập luận của CHNDTH cho rằng Đài Loan là một vấn đề “nội địa” và là một phần bất khả xâm phạm của Trung Hoa, và đã là một phần của nước này kể từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh thì sao?

Khi Công ty Đông Ấn Hòa Lan đến Đài Loan vào năm 1624, họ không tìm thấy dấu vết của bất kỳ chính quyền nào của nhà Minh, vốn  đã cai trị Trung Hoa từ năm 1368 đến năm 1644. Thực tế, người Hòa Lan — đã thành lập một pháo đài nhỏ ở Pescadores vào năm 1622 — Thiên Khải đế (天啓, Tianqi) nhà Minh nói rằng họ nên “ra ngoài lãnh thổ của chúng tôi”, vì vậy người Hòa Lan đã di chuyển đến nơi sau này gọi là Formosa, và cai trị hòn đảo trong 38 năm, thiết lập cơ cấu hành chính đầu tiên trên Đài Loan. Vì vậy, Đài Loan (Formosa) chắc chắn không bao giờ là một phần lãnh thổ của nhà Minh.

Sự cai trị của Hòa Lan trên đảo Đài Loan chấm dứt vào năm 1662, khi Koxinga (Trịnh Thành Công, 鄭成功) — thoát khỏi nhà Thanh/Mãn Thanh mới thành lập — theo nhà Minh đem khoảng 400 tàu và 25.000 người từ bờ biển Fukien (Phúc Kiến) tới Formosa và bao vây pháo đài Zeelandia của Hòa Lan. Sau chín tháng, người Hòa Lan đầu hàng, và Trịnh Thành Công thiết lập quyền cai trị của mình ở góc tây nam của Đài Loan. Triều đại này chỉ kéo dài trong 21 năm, cho đến khi cháu trai của ông đầu hàng quân nhà Thanh trong trận Bành Hồ vào năm 1683. Trịnh Thành Công và gia đình của ông đã cai trị Đài Loan với tư cách là Vương quốc Đông Ninh (Tungning) độc lập, không phải là một phần của nhà Minh, đã biến mất vào thời điểm đó.

Mục đích của hoàng đế nhà Thanh vào thời điểm đó là tiêu diệt chế độ Trịnh Thành Công nổi loạn, chứ không phải chinh phục hòn đảo. Năm 1683, Hoàng đế Khang Hy nói cụ thể rằng “Đài Loan nằm ngoài đế chế của chúng tôi và không có hậu quả gì lớn” và thậm chí còn đề nghị người Hòa Lan mua lại. Có lẽ đây là một sự thật bất lợi đối với những người cầm quyền hiện nay ở Bắc Kinh.

Năm 1683 thực sự đã bắt đầu một thời kỳ kéo dài hơn 200 năm khi Đài Loan bị những người Mãn Châu đang làm chủ Bắc Kinh cai trị gián tiếp như một phần của tỉnh Phúc Kiến. Nhưng dưới thời nhà Thanh cai trị, đã có tổng cộng hơn 100 cuộc nổi dậy được ghi nhận trên hòn đảo, một số cuộc nổi dậy dã cần hơn 50.000 quân để dẹp yên. Giới sử gia Đài Loan mô tả nó là “Mỗi ba năm có một cuộc nổi dậy, mỗi năm năm lại có một cuộc nổi loạn.” Dân chúng coi Mãn Châu là một chế độ thuộc địa ngoại bang; không muốn trở thành một phần của Trung Hoa.

Năm 1887, vào cuối thời nhà Thanh, người Mãn Châu đang làm chủ ở Bắc Kinh đã quyết định nâng vị trí của Đài Loan từ một phần của tỉnh Phúc Kiến thành một tỉnh chính thức của Trung Hoa. Quyết định này chính là để ngăn chặn tham vọng  của Pháp và Nhật Bản muốn chiếm Đài Loan làm thuộc địa, nhưng thống đốc Lưu Minh Truyền (Liu Mingchuan), do Bắc Kinh bổ nhiệm, đã làm rất nhiều để phát triển Đài Loan như đem điện vào đảo, bắt đầu xây đường sắt từ thị trấn Cơ Long (基隆市, Keelung) về phía nam, và thiết lập mạng điện tín. Nhưng công trình hiện đại hóa chỉ kéo dài được tám năm.

Cộng hòa Formosa độc lập

Thời đại tiếp theo có lẽ còn đáng kể hơn. Khi Nhật Bản thắng Trung Hoa  trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895, chính phủ nhà Thanh ở Bắc Kinh đã đồng ý, theo Hiệp ước Shimonoseki, chấp nhận  nhượng Đài Loan cho Nhật Bản vĩnh viễn. Giới tinh hoa ở Đài Loan, kể cả thống đốc Đường Cảnh Tùng (唐景崧,Tang Jingsong), đứng về phía chính quyền  Đài Loan và tuyên bố Cộng hòa Formosa độc lập để chặn trước việc hòn đảo có thể trở thành một phần của Nhật Bản.

Nền cộng hòa này hiện hữu trong thời gian ngắn vì lực lượng áp đảo của quân Nhật, nhưng nó đã gây ra sự kháng cự lớn, đặc biệt của dân quân địa phương ở miền trung và miền nam Đài Loan. Thủ lĩnh của quân đội chính quy là tướng “Cờ đen” nổi tiếng Lưu Vĩnh Phúc (劉永福, Liu Yongfu),  chỉ huy một đội quân khoảng 100.000 binh sĩ. Không có nhiều người muốn trở thành một phần của Nhật Bản.

Thuộc địa kiểu mẫu của Nhật Bản

Đài Loan đã trở thành thuộc địa của Nhật Bản vào năm 1895, và chắc chắn trong khoảng 20 năm đầu, đã có rất nhiều cuộc kháng chiến và nổi dậy của những cộng đồng thổ dân Hoklo, Hakka và người bản địa chống lại sự cai trị của Nhật Bản . Nhưng người Nhật đã làm rất nhiều để cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng đường xá, đường sắt, hải cảng, bệnh viện và trường học. Đến những năm 1920, hòn đảo này đã trở thành một thuộc địa kiểu mẫu thịnh vượng với hệ thống giáo dục và y tế tốt, nhưng dưới sự quản lý chặt chẽ.

Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, Trùng Khánh, tháng 8, 1945. Nguồn: Public Domain

Điều quan trọng cần lưu ý là trong những năm 1920 và 1930, khi Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông đang tranh giành quyền lực tối cao ở Trung Hoa, cả những người theo chủ nghĩa Quốc dân cũng như Cộng sản đều không quan tâm nhiều đến Đài Loan. Trên thực tế, cả Tưởng và Mao đều được cho là đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nền độc lập của Đài Loan, tất nhiên là khỏi sự cai trị Nhật Bản.

Quan điểm của Tưởng và Mao bắt đầu thay đổi vào năm 1942-43, trước thềm Hội nghị Cairo tháng 11 năm 1943, Tưởng Giới Thạch bắt đầu tuyên bố rằng Đài Loan nên được “trả lại cho Trung Hoa”. Không kém, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung cũng đưa những tuyên bố tương tự. Do đó, Đài Loan đã trở thành một con tốt trong luận điệu tuyên truyền của cả Quốc dân đảng và ĐCSTH. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm chi tiết trong cuốn sách của Richard C. Bush “At Cross Purposes: US-Taiwan Relations Since 1942.”

Tình trạng “Sẽ được xác định”

Tình trạng chính thức của Đài Loan trở nên mờ đục sau khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm 1945. Trong giai đoạn 1945-1949, Đài Loan chính thức bị coi là “bị Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng thay mặt cho Lực lượng Đồng minh”. Tình trạng của Đài Loan đã được xác định sau đó, bằng hiệp ước chính thức chấm dứt Thế chiến II, mà cuối cùng trở thành  Hòa ước San Francisco 1951-52. Do đó, chính phủ Hoa Kỳ không chính thức coi Đài Loan là “một phần của Trung Quốc”, nhưng rõ ràng Quốc dân Đảng (Kuomintang, hoặc KMT) của Tưởng Giới Thạch và Trung Hoa Dân Quốc đã cai trị hòn đảo khá tệ. Tất nhiên, chính chính phủ Quốc Dân Đảng đã đưa ra quan điểm cho rằng Đài Loan đã được “trả lại” cho Trung Hoa vào Ngày Tái Độc lập (Đài Loan Quang phục Tiết, 台湾光复节) vào ngày 25 tháng 10 năm 1945. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ công nhận vị trí đó của Đài Loan. Một số người trong chính phủ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Tướng Douglas MacArthur, tiếp tục cổ động cho một cuộc trưng cầu dân ý dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nhưng sau khi MacArthur và Tổng thống Harry Truman bất hòa với nhau, lời khuyên của ông tướng đã không được để ý đến. Tuy nhiên, cuộc tranh luận cho thấy Hoa Kỳ đã không tuyên bố lập trường trong thời kỳ “Đài Loan là một phần của Trung Hoa”.

Từ 1949 đến nay: Hiện hữu độc lập

Với những điểm nêu trên, rõ ràng là tuyên bố “Đài Loan luôn là một phần của Trung Hoa” tốt nhất là không rõ ràng. Nó luôn nằm ở ngoại vi — và hầu hết thời gian ở ngoại vi — của đế chế Trung Hoa.

Và từ lịch sử gần đây, rõ ràng là CHNDTH — thành lập vào năm 1949 — và Trung Hoa Dân Quốc/Đài Loan đã đi theo những con đường rất khác nhau. Không nghi ngờ gì nữa, CHNDTH đã trở thành một cường quốc hùng mạnh và có ảnh hưởng lớn trên thế giới, nhưng nó vẫn bị một chế độ độc tài, đàn áp của ĐCSTQ dưới triều của Chủ tịch Tập Cận Bình cai trị.

Mặt khác, Đài Loan đã chuyển từ một chế độ đàn áp, độc tài dưới thời Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng trở thành một nền dân chủ năng động, với Đảng Dân chủ Tiến bộ từng đối lập hiện nắm cả chức tổng thống (hành pháp) và cơ quan lập pháp. Đất nước này có lịch sử đáng tự hào của riêng họ, đã phát triển bản sắc Đài Loan độc đáo của đảo quốc, và mong muốn giữ vai trò là một thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế — một vai trò đã bị phủ nhận vì những luận điệu tuyên truyền của những người theo chủ nghĩa Trung Hoa Dân quốc  Quốc và mhững người cộng sản ở Hoa lục. Theo nghĩa đó, Pompeo đáng được cảm ơn vì đã phản biện những luận điệu tuyên truyền đó và vì đã nhìn Đài Loan theo đúng nghĩa và dưới ánh sáng của riêng nó.

Tác giả | Gerrit van der Wees là một cựu chuyên gia ngoại giao Hòa Lan. Từ năm 1980 đến năm 2016, ông là chủ biên của “Taiwan Communique”. Ông hiện đang giảng dạy lịch sử Đài Loan tại Đại học George Mason và các vấn đề thời sự ở Đông Á tại Đại học George Washington.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Has Taiwan Always Been Part of China? |Gerrit van der Wees  | The atlantic | Dec 1, 2020.