Nghiên cứu mới cho thấy Đạo luật 21 có ảnh hưởng ‘tàn phá’ đối với các nhóm tôn giáo thiểu số  ở Quebec

Steve Rukavina | DCVOnline

Cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Hồi giáo Quebec cảm thấy ít được chấp nhận hơn, kém an toàn hơn và ít hy vọng hơn với đạo luật mới

Một phụ nữ đội khăn trùm đầu tham dự cuộc biểu tình chống lại Dự luật 21 ở Montreal, Chủ nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2019. Luật về chủ nghĩa thế tục gây tranh cãi ở Quebec cấm một số công chức đeo biểu tượng tôn giáo ở nơi làm việc. (Graham Hughes/The Canadian Press)

Nghiên cứu mới cho thấy ba năm sau khi luật về chủ nghĩa thế tục của Quebec — thường được gọi là Đạo luật 21 — được phê chuẩn, những nhóm tôn giáo thiểu số trong tỉnh bang ngày càng cảm thấy bị xa lánh và tuyệt vọng.

Miriam Taylor, trưởng nhóm nghiên cứu và giám đốc xuất bản và quan hệ đối tác tại Hội Nghiên cứu Canada, nói với CBC trong một cuộc phỏng vấn: “Những cộng đồng thiểu số tôn giáo đang gặp phải — ở mức độ đáng lo ngại — phản ảnh của sự coi thường, thù ghét, không tin tưởng và hung bạo. Chúng tôi thậm chí còn thấy những lời đe dọa và bạo lực.”

Đạo luật 21, thông qua năm 2019, cấm giáo viên trường công, nhân viên cảnh sát, thẩm phán và luật sư của chính phủ, trong số những công chức khác ở những vị trí có thẩm quyền, không được mặc các biểu tượng tôn giáo — chẳng hạn như khăn trùm đầu, thánh giá hoặc khăn vấn — khi làm việc.

Taylor và các đồng nghiệp của bà tại Hội Nghiên cứu Canada đã làm việc với công ty thăm dò Leger để thu thập một bức chân dung độc đáo về thái độ của quần chúng đối với Bill 21 ở Quebec.

Miriam Taylor, trưởng nhóm nghiên cứu của nghiên cứu, nói với CBC rằng cô rất buồn trước kết quả cho thấy phụ nữ Hồi giáo nói riêng ở Quebec đang cảm thấy bị xa lánh, không an toàn và tuyệt vọng. (Twitter)

Hội Nghiên cứu Canada đã thăm dò thành viên của một số cộng đồng thiểu số tôn giáo bao gồm 632 người Hồi giáo, 165 người Do Thái và 56 người Sikh.

Những kết quả đó được gom lại thành một cuộc thăm dò của Leger về toàn bộ dân số Quebec, và sau đó được tính trọng số để bảo đảm là mẫu đại diện cho toàn bộ dân số.

Điều đó cho phép Taylor so sánh và đối chiếu thái độ đối với Bill 21 của những người Quebec là những người thiểu số tôn giáo với thái độ của những người Quebec nói chung.

Tổng cộng 1.828 người đã được hỏi trong cuộc thăm dò trực tuyến.

Taylor đã cho CBC đọc bản kết quả trước của phúc trình cuối cùng của bà ấy, sẽ được phát hành vào ngày hôm nay.

Phụ nữ Hồi giáo bị ảnh hưởng nhiều nhất

Mặc dù cả ba nhóm thiểu số tôn giáo được thăm dò đều cho biết họ đã kinh qua những ảnh hưởng tiêu cực vì Đạo luật 21, nhưng những ảnh hưởng này đang được người Hồi giáo và đặc biệt là phụ nữ Hồi giáo cảm nhận sâu sắc nhất.

Taylor cho biết:

“Chúng tôi đã chứng kiến sự kỳ thị xã hội nghiêm trọng đối với phụ nữ Hồi giáo, sự gạt ra ngoài lề phụ nữ Hồi giáo và sự suy giảm rất đáng lo ngại về cảm giác hạnh phúc, khả năng thực hiện nguyện vọng, cảm giác an toàn và hy vọng vào tương lai.”

Một phụ nữ đội khăn trùm đầu khoác cờ Quebec với hàng chữ Quebec Tự do của tôi đâu? trong cuộc biểu tình phản đối Dự luật 21 ở Montreal vào năm 2019. Nghiên cứu của Taylor cho thấy phụ nữ Hồi giáo phải chịu hậu quả tiêu cực nhất kể từ khi luật được thông qua. (Graham Hughes/The Canadian Press)

Trong số những phụ nữ Hồi giáo được khảo sát, 78% cho biết cảm giác được chấp nhận là một thành viên bình đẳng trong xã hội Quebec đã trở nên tồi tệ hơn trong ba năm qua.

53% cho biết họ đã nghe những lời nhận xét có tính định kiến về người Hồi giáo từ gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp.

Những người được thăm dò có cơ hội đưa ra những ví dụ về nhận xét mà họ đã nghe hoặc hành động mà họ đã kinh qua.

Một phiên điều trần cho biết: “Những phụ nữ Hồi giáo đội giẻ trên đầu, nếu họ không thể hòa nhập, hãy để họ trở về nước của họ.

47% phụ nữ Hồi giáo cho biết họ đã bị một người có chức vụ và quyền hạn đối xử bất công.

Một người cho biết bị cảnh sát ở thành phố Quebec gọi là “dân di cư bẩn thỉu”. Một báo cáo khác cho biết một giáo viên đã kể lại những giai thoại miệt thị về đạo Hồi trong lớp học.

Hai phần ba phụ nữ Hồi giáo cho biết họ từng là nạn nhân và / hoặc nhân chứng của tội ác thù hận. 73% cho biết cảm giác an toàn ở nơi công cộng của họ đã trở nên tồi tệ hơn.

Taylor nhận thấy rằng gần 3/4 phụ nữ Hồi giáo được thăm dò cảm thấy sự thoải mái của họ về sự an toàn nơi công cộng đã trở nên tồi tệ hơn trong 3 năm kể từ khi Đạo luật 21 thông qua. (Hội Nghiên cứu Canada)

Những người được khảo sát đã đưa ra các ví dụ khác nhau, từ nhận xét phân biệt chủng tộc đến đe dọa giết, xé toạc khăn trùm đầu và bị nhổ nước miếng. Một người cho biết một người đàn ông cố tình cố tình tông bà và con gái ba tuổi bằng một chiếc xe bán tải.

Đa số người Hồi giáo cũng cho biết họ cảm thấy ít hy vọng hơn, ít tự do bày tỏ trước đám đông và ít có khả năng tham gia vào đời sống xã hội và chính trị.

Taylor nói: “Đối với một đạo luật được cho là rất ôn hòa và chỉ ảnh hưởng đến một số rất nhỏ người dân, chúng tôi đã bị sốc trước những trả lời của dân thiểu số tôn giáo.”

Bà cho biết câu trả lời khiến bà cảm thấy khó chịu nhất là 83% phụ nữ Hồi giáo được thăm dòcho biết niềm tin của họ vào tương lai của con cái họ đã xấu đi kể từ khi Đạo luật 21 thông qua.

Taylor cho biết điều khiến cô buồn nhất là người Hồi giáo Quebec thiếu hy vọng về tương lai của con cái họ. (Hội Nghiên cứu Canada)

“Nói “Bạn biết không, tôi đang trải qua rất nhiều sự đối xử bất công vì tôi không được hiểu rõ” là một chuyện nhưng Taylor nói, “Đó là một việc rất khác để dự đoán về tương lai và không có hy vọng cho con cái của bạn.”

Luật pháp củng cố những định kiến hiện có

Taylor tin rằng không phải chỉ minh Bill 21 chịu trách nhiệm về cảm giác xa lạ và bất an mà người Hồi giáo Quebec và các tôn giáo thiểu số khác cảm thấy.

Bà cho biết những thái độ thành kiến đã hiện hữu ở Quebec trong gần 20 năm, khi cuộc tranh luận về cái gọi là “sự hòa giải hợp lý” với những nhóm thiểu số tôn giáo lần đầu tiên diễn ra.

Taylor nói: “Sự khó chịu, sợ hãi và lo lắng bị kích động theo thời gian.”

Bà ấy nói rằng những lo lắng thường dựa trên sự thiếu hiểu biết. Taylor nói:

“Bằng lời thú nhận của chính họ, người Quebec nói chung có rất ít liên hệ với những thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số. Tất cả những ý kiến tiêu cực này đều dựa trên sự thiếu hiểu biết.”

Taylor cho biết Bill 21 đã tạo điều kiện cho những định kiến đó — bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết — trở thành chuẩn mực.

Taylor nói:

“Chúng ta kết thúc với một tình trạng trong đó tâm trạng bất ổn của tha nhân át đi niềm tin sâu sắc của người thực sự đeo các biểu tượng tôn giáo.

“Chúng tôi xác nhận và củng cố những định kiến đó, và sau đó chúng ta đang chính trị hóa các biểu tượng. Những biểu tượng đó trở thành là cột thu lôi.”

Taylor nói: “Và vì vậy, cuối cùng chúng ta đi đên việc phi nhân tính hóa những người đeo biểu tượng.”

Phụ nữ nói chung ít ủng hộ Đạo luật 21 hơn

Taylor nói rằng Bill 21 đã liên tục duy trì sự ủng hộ của khoảng 2/3 người dân Quebec kể từ khi nó được thông qua, với sự sụt giảm vào tháng 1 năm ngoái sau vụ việc nổi tiếng về một giáo viên mặc hijab ở Chelsea, bị mất việc dạy học và được đưa đi làm việc khác.

Nhưng bà ấy nói rằng sự ủng hộ có nhiều sắc thái và đầy mâu thuẫn.

Ví dụ, phụ nữ ở Quebec thường ít ủng hộ Đạo luật 21 hơn nam giới. Sáu mươi tám phần trăm nam giới ủng hộ luật này so với 58 phần trăm phụ nữ.

Taylor cho biết nghiên cứu cho thấy phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, ít ủng hộ Bill 21 hơn nam giới. (Hội Nghiên cứu Canada)

Và phụ nữ càng trẻ thì họ càng ít có thể ủng hộ Bill 21. Chỉ 31% phụ nữ từ 18-24 tuổi ủng hộ Đạo luật 21.

Taylor nói rằng điều đó đã đặt ra câu hỏi.

“Những người ủng hộ nó nói đó là luật nữ quyền. Vậy tại sao đặc biệt là những phụ nữ trẻ của Quebec lại ít ủng hộ nó hơn nhiều trong khi người ta mong đợi tỷ lệ ngược lại?”

Ủng hộ luật nhưng không ủng hộ việc áp dụng

Một thống kê khác khiến Taylor ngạc nhiên: ngay cả những người Quebec ủng hộ luật cũng không nhất thiết muốn thấy nó áp dụng.

Chỉ 40% số người được thăm dò tin rằng một công chức không tuân thủ pháp luật sẽ bị mất việc.

Học sinh đi biểu tình chống lại Bill 21 ở Chelsea, Que., Tháng 12 năm ngoái sau khi cô giáo của các em bị loại khỏi lớp học vì đeo khăn trùm đầu. Nghiên cứu cho thấy hầu hết người Quebec không muốn thấy mọi người mất việc vì Bill 21. (Justin Tang/The Canadian Press)

Taylor cho biết: “Người dân Quebec ủng hộ và thích Đạo luật 21. Nhưng họ có vẻ ít muốn thấy nó thực sự được áp dụng.

Tôi nghĩ rằng chúng ta là một xã hội loài người và chúng ta quan tâm đến mọi người. Tất cả chúng ta đều cần thu nhập để sống và tôi nghĩ rằng mọi người nhận thức được cái giá quá đắt sẽ phải trả.”

Người Quebec quan tâm đến những gì tòa án nói về Dự luật 21

Taylor cũng rất ngạc nhiên khi cuộc thăm dò cho thấy người dân Quebec quan tâm sâu sắc đến những gì tòa án nói về Đạo luật 21.

Khi soạn thảo luật, chính phủ Quebec, nhận thấy rằng luật này có thể vi phạm Tuyên ngôn nhân quyền của cả Canada và Quebec, và đã viện dẫn trước điều khoản bất chấp hiến pháp, và thay đổi hiến chương Quebec để cố gắng ngăn chặn những thách thức có thể có ở tòa án.

Nhưng những thách thức đó dù sao cũng đã đến, và giờ đây, cả chính phủ và những nhóm phản đối đạo luật đó đều đang thách thức án lệnh của Tòa thượng thẩm Quebec năm 2021 đã hậu thuẫn hầu hết đạo luật trước Tòa phúc thẩm Quebec.

Nhiều người cho rằng đạo luật này cuối cùng sẽ bị phản đối tại Tối cao Pháp viện Canada.

Phụ nữ rời Tòa phúc thẩm Quebec ở Montreal vào năm 2019 sau phiên điều trần liên quan đến một thách thức của Dự luật 21. Nghiên cứu mới cho thấy rằng hầu hết người Quebec quan tâm sâu sắc đến những gì tòa án phải nói về đạo luật. (Graham Hughes/The Canadian Press)

Kiến trúc sư của đạo luật này, Bộ trưởng Tư pháp Simon Jolin-Barrette, đã lập luận rằng chính khách được bầu vào Quốc hội — chứ không phải tòa án — quyết định cách họ muốn tổ chức những mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo.

Nhưng người dân Quebec dường như cảm thấy khác.

64%, gần bằng tỷ lệ ủng hộ dự luật, cũng cho rằng việc Tối cao Pháp viện đưa ra ý kiến về việc Đạo luật 21 có phân biệt đối xử hay không là rất quan trọng.

Và nếu tòa án xác nhận luật đó phân biệt đối xử, thì sự ủng hộ đối với dự luật sẽ giảm mạnh.

Chỉ 46%  — chưa đến một nửa — số người được thăm dò cho biết họ sẽ tiếp tục ủng hộ luật nếu tòa án xác nhận nó vi phạm Hiến chương Nhân Quyền.

‘Một đạo luật rất hợp lý’

Thủ tưởng tỉnh bang Quebec François Legault đã trả lời hôm thứ Tư về kết quả của cuộc thăm dò và nói rằng ông nghĩ Dự luật 21 là một “đạo luật rất hợp lý.”

“Nó chỉ cấm những người có chức vụ quyền hạn: giáo viên, cảnh sát, giám thị nhà tù và thẩm phán đeo biểu tượng tôn giáo đối. Vậy đó, thế thôi. Vì vậy, điều đó có nghĩa là người Hồi giáo — hoặc bất kỳ người dân theo tôn giáo nào — có thể làm những gì họ muốn trên đường phố, họ có thể làm những gì họ muốn ở nhà.”  

François Legault

Legault nói rằng những người thiểu số nên coi Quebec là một nơi chào đón mọi người đã “quyết định, vì tất cả các loại lý do, rằng chủ nghĩa thế tục là quan trọng.”


XEM | Thủ tướng Quebec François Legault bảo vệ Dự luật 21: Thủ tướng Quebec phản ứng khi nghiên cứu về ảnh hưởng của Dự luật 21, nói rằng đạo luật là ‘hợp lý’.

Sau cuộc thăm dò với ba cộng đồng thiểu số tôn giáo ở Quebec cho thấy “sự suy giảm đáng lo ngại về cảm giác hạnh phúc của họ”, Thủ tướng Quebec François Legault một lần nữa bảo vệ luật thế tục của mình vào hôm thứ Tư.

Tranh luận chưa kết thúc

Jolin-Barrette đã miêu tả những người Quebecers đoàn kết ủng hộ dự luật, và cáo buộc những kẻ gièm pha cố gắng chia rẽ dân Quebec.

Nhưng cuộc thăm dò và kết quả nghiên cứu của Taylor cho thấy rằng phần lớn người Quebec — 56% — tin rằng chính đạo luật 21 có tính chia rẽ.

Khi đạo luật 21 được thông qua, Jolin-Barrette nói rằng nó sẽ “cho phép một sự chuyển đổi hài hòa sang chủ nghĩa thế tục” cho Quebec.

Taylor nói rằng rõ ràng không phải như vậy.Bà nói,

“Cuộc tranh luận còn rất lâu mới kết thúc. Đạo luật 21 đang có những ảnh hưởng tàn khốc đối với người dân ở tỉnh bang của chúng ta. Nó xé nát cấu trúc xã hội của chúng ta và tôi nghĩ nó đang phá hoại nền dân chủ của chúng ta.”

Bà nói tiếp:

“Nếu sự đoàn kết quốc gia chỉ đạt được bằng đổ hết thiệt hại cho những nhóm thiểu số tôn giáo là có hại hoặc là mối đe dọa, thì đây là những dấu hiệu cho thấy sự thoái hóa của nền dân chủ.”

Taylor cho biết với tư cách là một người Quebec, bà ấy thấy điều này thật đáng buồn.

“Chúng ta sống ở một tỉnh bang rất khác biệt. Chúng ta khác biệt. Đó là một thí nghiệm mà ở một mức độ nào đó lẽ ra không bao giờ thành công: một xã hội Pháp thịnh vượng trên lục địa Anh.

Trong suốt đời mình, tôi liên kết bản chất khác biệt đó với đặc tính của con người, với việc hiểu biết bản sắc quan trọng như thế nào.”

Taylor nói Bill 21 đe dọa điều đó.

“Tôi cảm thấy như chúng ta đang gây thiệt hại lớn cho những giá trị mà chúng ta yêu quý và những điều khiến chúng ta trở nên đặc biệt.”

Tác giả | Nhà báo Steve Rukavina đã làm việc cho CBC News ở Montreal từ năm 2002. Năm 2019, ông được giải thưởng RTDNA vì tiếp tục đưa tin về các cáo buộc hành động sai trái tình dục tại Đại học Concordia. Ông ấy cũng là người đồng sáng tạo podcast, Montreapolis. Trước khi làm việc ở Montreal, ông đã làm phóng viên cho CBC ở Regina và Saskatoon. Bạn đọc có thể liên lạc với ông ấy qua email [email protected].

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: New research shows Bill 21 having ‘devastating’ impact on religious minorities in Quebec |Steve Rukavina  | CBC | August 10, 2022.