Nếu Putin dùng vũ khí hạch tâm ở Ukraine, Mỹ phải trả lời bằng quân lực

Leon E. Panetta | DCVOnline

Đơn giản là Nga không thể được phép dùng vũ khí hạch tâm ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang chiến đấu trên hai mặt trận — ở Ukraine và ở chính nước Nga. | Ảnh: Gavriil Grigorov

Trong thế kỷ 21, vẫn là điên khùng khi tin rằng có thể chấp nhận được việc dùng vũ khí hạch tâm. Trong Chiến tranh Lạnh, rõ ràng hậu quả của một cuộc tấn công hạch tâm sẽ là sự hủy diệt lẫn nhau. Điều đó không thay đổi.

Vladimir Putin, ngày càng bị ở chân tường, tiếp tục đe dọa dùng cái gọi là vũ khí hạch tâm ở mặt trận để cố giành lợi thế quân sự ở nội địa Ukraine. Một số trong giới phân tích tình báo hiện tin rằng xác suất dùng vũ khí hạch tâm chiến thuật ở Ukraine đã tăng từ 1-5% khi bắt đầu chiến tranh lên 20-25% hiện nay.

Khi là là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đã nghe những lập luận rằng việc dùng những vũ khí như vậy có thể được hạn chế và nhắm mục tiêu theo một cách không dẫn đến chiến tranh hạch tâm. Vấn đề của lý luận kiểu đó là sự trả đũa vô hạn. Bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ có phản ứng kiên định. Và bất kỳ phản ứng cứng rắn nào cũng sẽ có nguy cơ leo thang. Chính vì việc dùng bất kỳ vũ khí hạch tâm nào là điều không tưởng nên Putin không thể được phép tiếp tục đe dọa thế giới mà không hiểu hết hậu quả đối với ông ta và chế độ của ông ấy. Putin nói rằng ông ấy “không tháu cáy.” Chúng ta cũng không thể chấp nhận “hù dọa”.

Trong khi Hoa Kỳ những đồng minh NATO của chúng ta nên tiếp tục cảnh cáo công khai về hậu quả “thảm khốc” của việc ông Putin đem hạch tâm hù dọa một cách liều lĩnh, chúng ta nên nói rõ một cách tàn nhẫn với Putin rằng: Nếu ông ấy có quyết định liều lĩnh dùng vũ khí hạch tâm ở Ukraine, thì Mỹ sẽ đáp trả bằng trực tiếp bằng quân lực chống lại quân đội Nga đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine,  bảo đảm rằng Putin sẽ bị đánh bại ở đó. Chúng ta phải sẵn sàng dùng các tài nguyên quân sự của Mỹ, kể cả chiến đấu cơ và các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo, để  bảo đảm rằng Putin không thể đe dọa Ukraine bằng vũ khí hạch tâm. Mặc dù chính quyền sẽ cần phải mơ hồ về những sức mạnh cụ thể thế nào sẽ dùng đến, nhưng họ nên thông báo rằng nó có thể có đủ những khả năng thông thường mà chúng ta có trong kho vũ khí của mình, điều mà Putin biết sẽ tàn phá quân đội của Nga. Tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ được huy động để bảo vệ Đài Loan khi có cuộc tấn công của Hoa lục. Cam kết tương tự cũng sẽ được áp dụng với Ukraine nếu Putin đưa có quyết định dùng vũ khí hạch tâm.

Putin hiện đang đánh ở hai mặt trận — ở Ukraine và ở chính Nga. Một cuộc tấn công có kế hoạch tốt của Ukraine đã đẩy lùi quân Nga và Putin đang bị bao vây, đang vật lộn để huy động tân binh trong lúc bất đồng quan điểm ở Nga ngày càng gia tăng. Tổng hợp những sự kiện này đang làm suy yếu mặt tiền của sự bất khả chiến bại ở Moscow. Các cuộc trưng cầu dân ý trí trá ở các khu vực Ukraine do Nga kiểm soát sẽ không thay đổi thực tế những gì đang diễn ra.

Tình hình chiến tranh đã thay đổi và cuộc chiến của Putin đang thất bại. Ông ấy không chỉ đối diện với thất bại trên chiến trường và trong nước mà còn ngay cả với những người ở nước ngoài mà ông ấy đang mong đợi được hỗ trợ. Chủ tịch Tập Cận Bình của Hoa lục đã nói rõ rằng ông có “những câu hỏi và lo ngại” nghiêm túc về việc tiến hành chiến tranh. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí còn thẳng thắn hơn khi gần đây ông nói với Putin rằng “không phải lúc chiến tranh”.

Phe diều hâu ở Moskva đang lớn tiếng chỉ trích việc tiếp tục chiến tranh, và những người theo chủ nghĩa dân tộc trên truyền hình Nga đang cố gắng ngỏ ý một cách khéo léo nói rằng Putin đã được cố vấn tồi. Trong khi đó, các chính khách can đảm ở địa phương và ở cả Moscow và St. Petersburg đã yêu cầu Putin từ chức.

Những dự đoán về chiến tranh và số phận của Putin luôn đầy rủi ro. Nhưng những bài học lịch sử không thể bỏ qua: Không quốc gia nào có thể chấp nhận thoả hiệp vô lý hoặc để bị những kẻ bắt nạt đe dọa. Thông điệp duy nhất mà bạo chúa hiểu được là vũ lực. Hoa Kỳ, NATO và Ukraine đã nói rõ rằng họ vẫn thống nhất trong việc phản đối hành động gây hấn của Putin. Sự thống nhất và hỗ trợ là yếu tố rất quan trọng để thành công.

Khả năng kiểm soát chiến trường của Ukraine phụ thuộc vào việc có đủ tài nguyên và nhân lực. Về vũ khí, Ukraine hiện có một lợi thế ngày càng tăng. Mỹ và những đồng minh NATO của chúng ta đã gửi cả đại bác và hỏa tiễn đủ tầm bắn và độ chính xác để thay đổi điều kiện giao tranh. Ukraine hiện có khả năng nhìn thấy và đánh trúng các kho đạn, trung tâm chỉ huy và các nút hậu cần của đối phương ở xa chiến tuyến. Ưu thế trên không của Nga đã bị những hệ thống phòng không di động kềm chế.

Lợi thế về nhân lực của Ukraine cũng đang tăng lên. Quân số ban đầu 200.000 người của Putin chưa bao giờ đủ lớn để duy trì cuộc xâm lược hoặc chiếm đóng Ukraine. Nga đã bị thiệt hại nặng nề — ước tính 70.000 đến 80.000 binh sĩ của họ đã thiệt mạng hoặc bị thương. Những gia đình tử sĩ ở Nga buồn thảm đã khiến việc huy động thêm tân binh trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho Putin. Ông ta đang gặt cơn bão sau khi gieo làn gió dối trá và lừa lọc của mình.

Đây là thời điểm vừa nguy hiểm vừa mang tính then chốt ở Ukraine — nguy hiểm bởi vì Putin có thể dùng vũ khí hạch tâm, nhưng quan trọng là vì thành công ở Ukraine có thể gửi một thông điệp mạnh tới tất cả các nước dân chủ rằng những quốc gia và người lính can trường có thể chống lại những kẻ đi bắt nạt trên khắp thế giới. Đây là một trong những khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử: Hoa Kỳ và những  đồng minh của chúng ta có cơ hội thể hiện tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ 21.

Tác giả | Leon E. Panetta là cựu bộ trưởng quốc phòng và giám đốc CIA.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: If Putin Uses Nukes in Ukraine, the U.S. Must Respond with Military Force | Leon E. Panetta | Politico | Oct 12, 2022