Tại sao Tập Cận Bình công khai phàn nàn Justin Trudeau, và chuyện đó có ý nghĩa gì đối với quan hệ của Canada với Trung Hoa

Mark Gollom | DCVOnline

Chủ tịch Trung Hoa than phiền với thủ tướng vì sự tiết lộ cuộc trò chuyện của họ ở G20 với báo giới

Một số cựu nhân viên ngoại giao và chuyên gia cho biết việc Tập Cận Bình phàn nàn Justin Trudeau là một hành động hiếm thấy và đáng ngạc nhiên của chủ tịch Trung Hoa, đồng thời cho thấy ông coi thường thủ tướng Canada. (PMO)

Một số cựu nhân viên ngoại giao và chuyên gia cho biết việc Tập Cận Bình phàn nàn Justin Trudeau là một hành động hiếm thấy và đáng ngạc nhiên của chủ tịch Trung Hoa, đồng thời cho thấy ông coi thường thủ tướng Canada. Charles Burton, một nhà ngoại giao trước đây tại Trung Hoa và là thành viên cao cấp  của Viện Macdonald-Laurier cho biết,

“Ông ấy chắc chắn sẽ không nói như vậy với tổng thống Mỹ. Vì vậy, điều đó cho thấy rằng ông Tập có thái độ khinh thường thủ tướng và không coi Canada là một đối tác quan trọng.”  

Charles Burton

Burton cho biết ông thấy ngôn ngữ mà Tập dùng trong cuộc trò chuyện với Trudeau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, là “khá coi thường và đe dọa”, cho thấy rằng chính phủ nếu có bất kỳ ảo tưởng nào về việc Trung Hoa tôn trọng Canada như một quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới đã biến mất từ lâu.

Nhận xét của Xi ‘rất chướng tai gai mắt’

Burton nói,

“Nói chung, tôi chỉ nghĩ rằng điều đó thật khó chịu. Tôi thấy ý định của ông ấy rất xúc phạm.

Chúng tôi chưa hề thấy chủ tịch Trung Hoa dùng ngôn ngữ thô bạo, thực sự khá phi ngoại giao này với một người lãnh đạo đồng cấp của một quốc gia khác.”

 Charles Burton

Trudeau và Xi đã nói chuyện trực tiếp với nhau trong thời gian ngắn bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào thứ Ba. Sau cuộc họp không chính thức, Văn phòng Thủ tướng đã công bố nội dung cuộc trò chuyện ghi lại các chủ đề đã được thảo luận và người nêu ra các chủ đề đó.


XEM | Tập Cận Bình phàn nàn Trudeau tiết lộ chi tiết cuộc thảo luận của họ với báo chí

Theo nội dung bản ghi lại, trong cuộc thảo luận ngắn giữa hai nhân vật lãnh đạo — đã có bất đồng về thương mại, việc Trung Hoa bắt và giam giữ hai người Canada và việc Canada bắt và giam giữ một giám đốc điều hành Huawei của Trung Hoa — Trudeau đã nêu quan ngại về những bản tin của báo giới cho rằng Trung Hoa đã bí mật tài trợ 11 ứng cử viên trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019.

Tuy nhiên, cả hai sau đó lại chạm mặt nhau bên lề hội nghị ở Bali, trước sự chứng kiến của giới truyền thông,  đã ghi lại được cuộc trao đổi ngắn ngủi của họ.

Qua một thông dịch viên, ông Tập đã phàn nàn Thủ tướng Trudeau tiết lộ nội dung cuộc thảo luận của họ một cách không phù hợp, đồng thời tuyên bố rằng những gì được báo giới đưa tin không chính xác cuộc trò chuyện của họ.

Trudeau ngắt lời nhà lãnh đạo Trung Hoa, nói rằng Canada tin tưởng vào “đối thoại tự do, cởi mở và thẳng thắn” và dù có những bất đồng, họ vẫn nên hợp tác với nhau.

Giới chuyên gia nói Xi muốn cuộc trao đổi bên lề G20 được mọi người nhìn thấy.

Tuy nhiên, thông dịch viên của Tập đã không dịch tất cả những gì chủ tịch Trung Hoa nói.

Theo bản dịch của The Canadian Press, Tập cũng nói với ông Trudeau rằng “chúng ta nên nói chuyện một cách tôn trọng, nếu không, không thể đoán trước được kết quả.”

Sau khi trao đổi, hai người bắt tay nhau và chia tay.

Trong cuộc họp báo kết thúc, Trudeau đã trả lời về cuộc trao đổi đó, nói rằng chính phủ của ông tin tưởng công dân Canada muốn được thông báo về công việc mà ông đang làm thay mặt họ. Thủ tướngTrudeau nói

“Tôi sẽ không ngại cởi mở với người dân Canada, ngay cả khi chúng ta thảo luận về những chủ đề quan trọng và đôi khi tế nhị.”

TT Justin Trudeau

Lynette Ong, giáo sư khoa học chính trị tại Trường Quan hệ Toàn cầu và Chính sách Công Munk của Đại học Toronto, nói rằng ông Tập là người thường chắt lọc lời nói và rất cẩn thận về những gì ông nói trước công chúng.

Bà nói rằng ông Tập biết lời than phiền của ông sẽ được báo giới ghi lại, điều đó có nghĩa là ông muốn “sự hạ bệ” này được khán giả trong nước và quốc tế nhìn thấy.


XEM | Cựu đại sứ nói: Xi đối đầu với Trudeau là việc ‘rất hiếm’. Cựu đại sứ Canada tại Trung Hoa Guy Saint-Jacques nói về việc ông Tập đối đầu với ông Trudeau: “Rất hiếm khi Tập Cận Bình có hành động như vậy. “Ông ấy rất khích động, mặt đỏ bừng, khoa tay… và ông ấy biết rằng máy đang thu hình.”

Lời đe dọa có thể có ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao

Guy Saint-Jacques, từng là đại sứ Canada tại Trung Hoa từ năm 2012 đến năm 2016, nói rằng tất cả đều “đã được sắp đặt trước” và rằng Tập muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Trudeau khi máy quay đang thu hình. Saint-Jacques nói với David Cochrane, người dẫn chương trình Power & Politics của CBC.

“Tôi đồng ý rằng đây là một lời đe dọa úp mở và tôi thấy toàn bộ tình tiết này rất đáng ngạc nhiên vì rất hiếm khi Tập Cận Bình có những ứng xử loại này.”

Guy Saint-Jacques

Saint-Jacques cho biết, mục đích của Tập là làm cho ông Trudeau mất mặt trước công chúng trong nước và trên toàn thế giới, đồng thời lưu ý rằng cuộc đối đầu cho thấy chủ tịch Trung Hoa coi thường thủ tướng Canada.

“Chúng ta phải chú ý đến sự đe dọa úp mở này, vì ông ấy có đang nghĩ gì hay không?”

Chủ tịch Eurasia Group Ian Bremmer nói với Power & Politics rằng ông tin rằng lời đe dọa của Tập Cận Bình đối với Trudeau chẳng hề úp mở, “khá trực tiếp” và rằng có thể có những ảnh hưởng đếm kinh tế hoặc ngoại giao.


XEM | Chuyên gia phân tích Ian Bremmer nói rằng ông Tập đã đưa ra một “lời đe dọa khá trực tiếp” với Trudeau | 3:17.

Chủ tịch Tập đoàn Eurasia Ian Bremmer nói về những bình luận mà Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Justin Trudeau:

“Đó không phải là một lời đe dọa úp mở. Tôi nghĩ đó là một mối đe dọa khá trực tiếp. Cứ như thể ông ấy đang gửi một thông điệp và không cần Trudeau.

Trước đây, chúng ta đã thấy rằng Trung Hoa sẵn sàng bêu xấu cá nhân lãnh đạo và quốc gia khi họ cảm thấy không được tôn trọng.”

Ian Bremmer

Bremmer nói cứ như thể Tập gửi thông điệp và không cần Trudeau. Bremmer nói,

“Ông ấy tỏ ra hoàn toàn thờ ơ với câu nói của Trudeau cố gắng biện minh cho quan điểm của mình trong mối quan hệ. Đó không phải là cách bạn muốn mối quan hệ giữa người Canada và người Trung Hoa diễn ra.

Vì vậy, rõ ràng là người Canada và người Mỹ cũng sẽ cần suy nghĩ, cân nhắc về cách giải quyết vấn đề này trong tương lai.”

Ian Bremmer

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada có thể chọc giận Bắc Kinh

Canada dự định sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nay mai, chiến lược này sẽ gồm cả những biện pháp nhất định khiến Bắc Kinh tức giận.

Saint-Jacques cho biết cố vấn của ông dành cho Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly là bà nên nói chuyện với người đồng cấp Trung Hoa tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần tới và cố gắng giữ cho không thiệt hại thêm.


XEM | Hội thảo Vấn đề thảo luận về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, 17:57. Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly nói về chiến lược mới của Canada đối với quan hệ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gồm cả việc giải quyết căng thẳng giữa Trung Hoa, Canada và phần còn lại của thế giới.

Ông nói,

“Nếu nói, ‘Này, chúng ta phải hạ nhiệt. Tôi biết quý vị không thích chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi, nhưng chúng tôi có những chủ đề cần thảo luận với quý vị. Chúng tôi có thể giúp quý vị trong một số lĩnh vực có lợi cho cả hai bên. Và chúng ta hãy cố gắng tiến lên phía trước.

Nhưng tôi nghĩ rằng trong trường hợp của thủ tướng Trudeau và Chủ tịch Tập, sẽ khó đạt được tiến triển.”

Guy Saint-Jacques

‘Thái độ trịch thượng’

Trong khi đó, hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa Mao Ning cáo buộc Canada co ‘thái độ coi thường’, và bác bỏ việc Trung Hoa đã can thiệp vào nội bộ của những quốc gia khác và nói rằng Canada phải chịu trách nhiệm về sự suy thoái quan hệ giữa hai nước. Mao nói trong cuộc họp báo hàng ngày

“Canada nên có những hành động cụ thể để tạo điều kiện cải thiện quan hệ Trung Hoa-Canada.” Cuộc trò chuyện “khá bình thường và không nên được hiểu là Chủ tịch Tập chỉ trích hay đổ lỗi cho bất kỳ ai.”

Mao Ning

Mao nói rằng rõ ràng đã có sự thiếu tôn trọng từ phía Canada. Bà nói:

“Trung Hoa không có vấn đề gì với việc đối thoại thẳng thắn với các nước khác. Nhưng chúng tôi hy vọng một cuộc đối thoại thẳng thắn như vậy sẽ dựa trên sự đối xử bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, thay vì chỉ trích đối phương một cách trịch thượng.”

Mao Ning

TÁC GIẢ | Mark Gollom là phóng viên của CBC News tại Toronto. Ông đưa tin về chính trị và các vấn đề thời sự của Canada và Hoa Kỳ.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Why Xi Jinping publicly rebuked Justin Trudeau, and what it means for Canada’s relations with China |Mark Gollom · CBC News · Nov 17, 2022