‘Chúng ta chưa sẵn sàng’: mối đe dọa từ đợt sóng rút lui của Covid ngăn không cho Trung Hoa mở cửa trở lại

Edward Whitem, Qianer Liu và Eleanor Olcott | DCVOnline

Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã thất bại trong việc chuẩn bị cho việc dịch bùng phát hàng loạt không thể tránh khỏi vì đã tập trung vào việc be bờ

Một bác sĩ đã cảnh cáo rằng hệ thống y tế của Trung Hoa ‘có thể bị tê liệt’ nếu số người nhiễm bệnh tăng đột biến khi mở cửa lại  | © AFP/Getty Images

Bác sĩ ở Trung Hoa gởi một thông điệp thẳng thắn cho Tập Cận Bình: hệ thống y tế của nước này chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với đợt bùng phát coronavirus trên toàn quốc, điều chắc chắn sẽ xảy ra sau bất kỳ sự nới lỏng nào của những biện pháp nghiêm ngặt đang áp dụng để ngăn chặn Covid-19.

Hàng chục chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh cáo người lãnh đạo Trung Hoa — gồm những bác sĩ và y tá ở tiền tuyến cũng như những cán bộ y tế của chính quyền địa phương — đã được Financial Times phỏng vấn trong tháng này và quan ngại của họ đã được những chuyên gia quốc tế lặp lại.

Một bác sĩ tại bệnh viện công ở Vũ Hán, miền trung Trung Hoa, nơi đại dịch bắt đầu gần ba năm trước, cho biết: “Hệ thống y tế có thể sẽ bị tê liệt khi đối phó với hàng loạt người nhiễm bệnh.

Lời cảnh cáo này cũng là một bài kiểm thực tế đối với nhiều người ở Trung Hoa và trên thế giới hy vọng rằng Tập sẽ chấm dứt chính sách zero Covid đặc trưng ở Hoa lục. Giới chuyên gia cho biết áp dụng chính sách zero Covid này có nghĩa là Trung Hoa đã không ưu tiên xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh hơn để ngăn chặn dịch bùng phát hàng loạt, thay vào đó tập trung tài nguyên vào việc ngăn chặn, be bờ sự lây lan.

Trọng tâm của vấn đề mà Bắc Kinh tự tạo cho Trung Hoa là điều mà nhiều người coi là “đợt sóng rút lui” không thể tránh khỏi, một sự gia tăng nhanh chóng số người nhiễm bệnh khi nước này nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt đã áp dụng để ngăn chặn đại dịch.

Làn sóng đó có nguy cơ áp đảo các dịch vụ y tế của đất nước trừ khi Tập và cộng sự viên hàng đầu của ông thực hiện những thay đổi căn bản đối trong chính sách zero Covid trong tiến trình chuẩn bị nới lỏng.

Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, cho biết:

“Mối đe dọa lớn của làn sóng rút lui là một con số rất lớn người nhiễm bệnh trong một khoảng thời gian ngắn. Tôi không muốn nói rằng có một kịch bản trong đó làn sóng rút lui không gây ra vấn đề gì cho hệ thống y tế. Điều đó thật khó tưởng tượng.”

Ben Cowling

Con số chính thức người nhiễm bệnh của Trung Hoa đang ở mức cao nhất trong 6 tháng,  gồm cả số người nhiễm bệnh cao nhất từ trước đến nay ở thủ đô Bắc Kinh và Quảng Châu, trung tâm sản xuất ở phía nam.

Chiến lược zero Covid nghĩa là phải đóng cửa — các tòa nhà, vùng ngoại ô hoặc toàn bộ thành phố — cũng như làm xét nghiệm hàng loạt, cách ly và theo dõi những người có liên lạc bằng phương tiện điện tử. Mặc dù thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát, nhưng chính sách này đã làm trầm trọng thêm những vấn đề khác trong hệ thống y tế của Trung Hoa và khiến một bộ phận lớn dân chúng vô cùng lo sợ về virus.

Người cao tuổi của Trung Hoa đã cưỡng lại việc chích ngừa để ngăn chận virus. Chỉ có 40% những người trên 80 tuổi đã tiêm ba mũi thuốc ngừa virus sản xuất trong nước; đó liều thuốc cần thiết để đạt được mức độ bảo vệ cao chống lại biến thể Omicron.

Jin Dong-yan, một chuyên gia về virus tại Đại học Hong Kong, cho biết bệnh viện ở Trung Hoa có thể bị không đủ sức đối phó vì số bệnh nhân lớn tuổi chưa được chủng ngừa nếu có một đợt bùng phát hàng loạt, lặp lại một cuộc khủng hoảng ở Hong Kong trong năm nay khi bệnh viện và nhà xác hết chỗ chứa ở đỉnh điểm bùng phát. Ông nói:

“Có thể tránh được một đợt bùng phát kiểu Hong Kong nếu họ tăng tỷ lệ chủng ngừa cho người lớn tuổi và dự trữ thuốc kháng virus, cả hai điều mà Hong Kong đã không làm được trước khi dịch bệnh bùng phát.” Jin Dong-yan

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, một số chuyên viên phân tích và thương nhân thị trường chứng khoán đã phản ứng một cách hân hoan trước những dấu hiệu nhận thấy về việc Bắc Kinh đang xoay trục sang kế hoạch “mở cửa trở lại” – một sự thay đổi mà họ hy vọng sẽ dựng lại niềm tin vào thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và giảm bớt sự gián đoạn đã gây ra cho những chuỗi cung ứng toàn cầu đôi khi bị xáo trộn. Sự lạc quan đã tăng lên vào tuần trước sau khi Bắc Kinh nới lỏng yêu cầu cách ly đối với những người tiếp xúc gần và khách du lịch quốc tế.

Chỉ có 40% người Trung Hoa trên 80 tuổi đã tiêm 3 mũi thuốc ngừa COVID-19 sản xuất trong nước | © AFP/Getty Images

Theo những nhân viên ở tiền tuyến, gần ba năm sau đại dịch, hệ thống y tế của Trung Hoa căng thẳng hơn nhiều so với lúc đầu. Kinh phí khan hiếm, nhân viên và các nguồn tài nguyên y tế đã được chuyển hướng sang các biện pháp kiểm soát đại dịch thay vì chuẩn bị để điều trị những người dễ bị tổn thương nhất.

Một cán bộ y tế ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Hoa cho biết: “Trong vài năm qua, hệ thống y tế của Trung Hoa đã hoàn toàn khập khiễng, dồn toàn bộ nhân lực, kinh phí và hỗ trợ vào công tác phòng ngừa và kiểm soát Covid. Biện pháp này không bền vững.”

Cán bộ này cho biết những lo ngại này đã được chuyển đến Bắc Kinh. Viên chức chính phủ địa phương này nói thêm,

“Thật không may, chính quyền trung ương vẫn chưa thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh đáng kể nào theo hướng chung.”

Một y tá tại một thành phố hẻo lánh ở khu vực phía nam Quảng Tây cho biết những bệnh viện nhỏ hơn “không có nhân lực hoặc dụng cụ” để điều trị một số lớn bệnh nhân.

Việc đóng cửa ở nhiều địa phương cũng khiến nhân viên y tế ở tiền tuyến bị cô lập, khiến những nhân viên y tế khác phải làm nhiều giờ hơn, thay cho những đồng nghiệp của họ bị đang cô lập. Một lớp dày đặc của bộ máy quan liêu tập trung vào coronavirus cũng đã làm chậm mọi thứ trong một hệ thống vốn đã cồng kềnh.

“Hầu hết các quan chức địa phương và nhân viên y tế thường phải tuân theo các mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, đó là điều khiến bi kịch bệnh nhân không được chăm sóc y tế kịp thời xảy ra hết lần này đến lần khác”, một bác sĩ khác ở Vũ Hán cho biết.

Trong thời gian Thượng Hải bị  phong tỏa hồi tháng 4, nhân viên y tế ở tiền tuyến đã phải khốn đốn đối phó với khối lượng công việc ngày càng tăng sau khi nhiều nhân viên được chuyển đi xét nghiệm trên toàn thành phố.

Một bác sĩ khác làm việc tại một bệnh viện cấp quận ở Nội Mông, miền bắc Trung Hoa cho biết: “Hệ thống y tế chưa sẵn sàng để mở cửa trở lại trên toàn quốc.”

Xét nghiệm coronavirus hàng loạt rất tốn kém vẫn tiếp tục trên khắp Trung Hoa như một phần của chính sách zero Covid | © Aly Song/Reuters

Để chuẩn bị cho những đợt lây nhiễm bùng phát lớn hơn, kể từ đầu năm 2020, Trung Hoa đã ra lệnh cho chính quyền địa phương xây dựng một loạt những bệnh viện dã chiến để cách ly và điều trị những bệnh nhân nhiễm Covid nhẹ và không có triệu chứng. Chính quyền cũng đã kêu gọi những cơ sở cách ly tiếp nhận cả những người tiếp xúc gần và người đã nhiễm bệnh.

Guo Yanhong, một cán bộ cao cấp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Hoa, nói với phóng viên ở Bắc Kinh hôm thứ Năm rằng nhiều địa điểm lớn hơn, gồm cả sân vận động và trung tâm triển lãm, sẽ được chuyển thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân không có triệu chứng và những người có triệu chứng nhẹ. Vài giờ sau, cán bộ chính quyền ở Quảng Châu đã công bố kế hoạch nâng sức chứa tại những bệnh viện dã chiến và các cơ sở kiểm dịch tập trung khác từ 70.000 giường lên gần 250.000.

Karen Grépin, một chuyên gia về hệ thống y tế tại Đại học Hong Kong, cho biết bất chấp chương trình xây dựng bệnh viện,

Nhân lực “sẽ là một vấn đề lớn, nếu không muốn nói là lớn hơn.

Trước đây, họ có thể di chuyển khắp đất nước — tỉnh này giúp đỡ tỉnh khác — nhưng nó sẽ không thể áp dụng được nếu Covid bùng phát ở khắp mọi nơi cùng một lúc.

Và thật khó để điều trị cho bệnh nhân Covid khi nhân viên cũng bị bệnh.”

Karen Grépin

Đồng thời Grépin lưu ý rằng trong đợt bùng phát dịch bệnh chết người ở Hong Kong trong năm nay, thành phố đã phải dựa vào nhân viên y tế của Hoa lục.

Giới chuyên gia cho biết chính quyền của Tập Cận Bình sẽ cần phải dựa vào việc thực thi giãn cách xã hội trong thời gian dài, kể cả việc đóng cửa trường học và các biện pháp như làm việc tại nhà, làm chậm tiến trình trở lại sinh hoạt bình thường như trước đại dịch.

Trung Hoa cũng sẽ cần dành riêng các bệnh viện và cơ sở cách ly chỉ cho những trường lâm trọng bệnh và làm như thế giới đã làm trong việc cho phép những trường hợp nhẹ và không có triệu chứng được cách ly tại nhà, nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế của nước này một cách đáng kể.

Cowling cảnh cáo, nếu áp lực lên các bệnh viện không giảm bớt và khả năng chăm sóc giảm, kinh nghiệm của Hong Kong cho thấy tỷ lệ người chết vì Covid sẽ cao hơn nhiều.  

Ông nói, “Khi chúng tôi xem xét dữ liệu về nguy cơ những người bị nhiễm bệnh chết vào tháng 3 ở Hong Kong so với tháng 2, nguy thiệt mạng của họ trong tháng 3 cao gấp đôi” vì các cơ sở y tế ở đó không còn đủ sức chịu đựng.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: ‘We’re not ready’: threat of Covid exit wave stymies China’s reopening |Edward White in Seoul and Qianer Liu and Eleanor Olcott in Hong Kong · Finacial Times · Nov 17, 2022. Wang Xueqiao và Thomas Hale ở Thượng Hải và Gloria Li ở Hong Kong đưa tin bổ túc.