Vũ Khúc Con Cò – thư gởi bạn

Đôi Dòng

Chuyện phim Vũ Khúc Con Cò cố nói lên những phi lý của cuộc chiến, nhưng Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Văn Thuỷ, Thu Bồn, Wayne Karlin và cả Ngô Vĩnh Long nữa đã quên. Họ đều quên, không nhắc đến điều phi lý nhất. Dù đất nước đã nối liền, gần ba mươi năm sau cuộc chiến, năm triệu người Việt Nam đã nằm xuống, để hôm nay – lòng người vẫn chưa nối; để hôm nay – con người và đất nước đang được hưởng được những gì? Dân chưa giầu, nước không mạnh, xã hội không công bằng, không dân chủ và cũng chẳng văn minh.

Anh Meo Bờn thân

Song of the Stork / Vũ khúc con cò (2002)

Canada, xứ lạnh tình nồng, như ước lệ đầu môi của những người sinh sống ở đây.  Mùa hè là mùa của ngày dài đêm ngắn, mùa của mặt trời, mùa có nhiệt độ trung bình trên số không; vì cũng là mùa ngắn ngủi như tiếng hát ve sầu, hè ở Montréal hay ở những đô thị Bắc Mỹ khác là lúc người ta đem đời sống bầy ra ngoài phố. Bắt đầu từ tháng năm, mùa hội đã rộn ràng; nào là hội kịch, hội bia, hội nhạc, hội múa, ngày hội văn hoá — từ Á châu sang Trung Mỹ đến Phi châu và nhiệu hội lễ khác kéo dài suốt bốn tháng ấm áp.

Ảnh của 
MegaMedia Pte Ltd

Đầu tháng chín, phố phường Montréal đang nhộn nhịp trong Đại Hội Điện Ảnh Thế Giới.  Nói là Montréal nhộn nhịp trong không khí điện ảnh không có nghĩa là người Việt ở đây cũng nhộn nhịp theo; nói chung và thật phiến diện, có lẽ đại đa số đồng bào ta ở thành phố này chẳng quan tâm gì lắm đến những sinh hoạt gọi là văn hóa của người khác, bất kỳ là tranh ảnh, chiếu bóng, kịch nghệ, âm nhạc hay văn học.

Anh Meo Bờn, câu chuyện muốn kể anh nghe lần này là Đại Hội Điện Ảnh năm nay ở Montréal.  Đại Hội Điện Ảnh có hai phim Việt Nam tham dự là Vũ Khúc Con Cò và Thung Lũng Hoang Vắng. 

Thung Lũng Hoang Vắng kể chuyện hai cô giáo, ông hiệu trưởng và anh kỹ sư địa chất loanh quanh, luẩn quẩn trong tam giác tình yêu ở vùng núi rừng thiếu thốn, với lũ học trò mươi đứa ở miền cao cực Bắc Việt Nam. Tuy đề tài phim truyện không bắt người xem phải ray rứt suy nghĩ, khung cảnh hùng vĩ bao la ở Sa Pa và công viên Cúc Phương làm nhân vật nhỏ lại, dễ gây xúc động.  Nói chung đây là một trong rất ít phim Việt Nam đang được ưa chuộng và có đủ phẩm chất để phát hành trong vùng Đông Nam Á hay các quốc gia Âu Mỹ. Thế cũng tạm đủ về Thung Lũng Hoang Vắng, anh Meo Bờn nhá!

Bây giờ đến Vũ Khúc Con Cò. Chiều trong tuần, con phố chính không còn một khoảng trống đậu xe và người đi nườm nượp; Montréal vẫn còn không khí mùa hè và người đi xem đông thật đấy. Ngồi được vào ghế thì phim đã bắt đầu ở trại Xuân Mai vào mùa Xuân 1968 với khuôn mặt năm vai chính, năm thanh niên trên đường vào cuộc chiến. Qua vài phút đầu phim tôi cảm thấy như tài tử và khung ảnh gần mình hơn; chẳng hiểu gần hơn vì diễn viên nói cùng ngôn ngữ hay gần hơn vì khung cảnh dù không quen nhưng cũng biết đó là giải núi sông nước Việt hay gần hơn vì ngàn cây xanh ngát giữa núi rừng Việt Nam trùng trùng điệp điệp. Cũng có thể tôi cảm thấy thân quen vì cuộc chiến Việt Nam là đề tài máu thịt của vài thế hệ đang qua, như một anh bạn ở đây đã so sánh.  Trong những giây phút đầu tiên ấy, tôi nghe tiếng bom, tiếng xe, tiếng đạn chạy quanh rạp. Thì ra âm thanh nổi, kỹ thuật Dolby là đây. 

Câu chuyện theo chân của người trong cuộc qua ký ức của một cựu phóng viên chiến trường kể lại với những người bạn và cả kẻ thù.  Lối kể chuyện không theo không gian đường thẳng hay chen vào những khoảng flashback, những khúc quanh, vẫn còn kém về kỹ thuật, ngắn và không cần thiết, giật ngược người xem khỏi chuỗi suy nghĩ, phức tạp hóa việc theo dõi chuyện phim. 

Năm vai chính trong phim, mỗi người một định mệnh; những định mệnh chẳng khác hàng triệu người trong bao cuộc chiến. Cuộc chiến nào chẳng có mất mát, có máu lửa, yêu, thù, thương, hận rối tung vào nhau.

May là một thanh niên vui tính, mộng ước thật bình thường, mơ ngày hòa bình về quê lấy vợ sinh con.  Mạnh, thiếu niên mười sáu tuổi, nói dối để được ra trận, lúc nào cũng cố giữ vẻ gan góc và dĩ nhiên là người khóc trước nhất  khi vưa thấy bộ mặt thật của chiến trường. Hình ảnh vợ trẻ con thơ lúc nào cũng bám sát Văn, người cán bộ chính trị lãng mạn, thích làm thơ, viết nhật ký, tay đàn miệng hát. Vinh, trầm lặng, người quay phim chiến trận, không cần được xướng danh; có lẽ đây là nhân vật trưởng thành nhất. Như những phóng viên mặt trận khác, anh chỉ được vũ trang bằng giấy bút và máy quay phim để đương đầu với đạn bom và khói lửa. Lâm, người đặc công, anh gián điệp hoạt động trong vùng địch.  Gián điệp cũng yêu, cũng sinh con sau khi cưới con gái kẻ thù. Nhưng rồi vợ con phải bỏ anh đi ngày anh đang say men chiến thắng.  Tình chồng vợ, nghĩa cha con, thật hay chỉ là ảo tưởng, hay chỉ là phương tiện để cuộc chiến của anh đến đích, có người thắng, có kẻ thua?

Phim truyện muốn nói đến những con người phải xông pha vào máu lửa, chịu mất mát, yêu, thù, thương, hận cũng chỉ mong cho mình tìm được một cuộc sống an bình với gia đình, với người thân thuộc.  Chiến tranh thật phi lý!

Ảnh của MegaMedia Pte Ltd

Hai nhân vật nữ trong phim là Hoài, vợ Văn và Thúy Lan vợ của Lâm.  Hải Yến, môt nữ diễn viên đang lên, thủ vai Hoài như bộ mặt chung cho bao chinh phụ trong cuộc chiến.  Vai Thúy Lan do Nguyễn Ngọc Hiệp diễn xuất, cô là một trong những diễn viên nổi tiếng đã được biết đến qua trong những phim như Ba Mùa và Dấu Ấn Của Quỷ.

Ngồi xem phim mà đầu óc lan man đến những so sánh không tránh được. Mâu thuẫn quá! Xem phim nói tiếng Việt, với cảm nhận gần gũi ngay từ đầu nhưng đợi mãi không thấy tim thắt lại, chẳng thấy xốn xang. Người Mỹ võ biền như hai ông Hal More và Randall Wallace làm phim “Mình là lính” có lẽ đã đem đến cho người xem nhiều xúc động tê thắt hơn. Cảnh vợ nhận tin chồng tử trận, tình đồng đội của người lính Mỹ, lòng can đảm, mối lo âu về gia đình của những người chiến sĩ ở cả hai bên chiến tuyến trong thung lũng tử thần và những xác người cháy, xác người chồng chất trên mặt trận Ia Darang. Làm phim như thế không được! Làm phim loại ấy có thể lại được ban Tư tưởng Văn hoá  mời đi làm việc và ra lệnh cho báo chí lên án như trường hợp Đơn Dương. Những ngôi sao sáng trong làng văn thơ xã hội chủ nghĩa, những người làm phim mới, những người làm phim thời sự, hay nói nôm na là những nhà văn, nhà thơ, nhà điện ảnh cỡ bự, có hạng như các ông Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Văn Thủy, Thu Bồn đã để quên sáng tạo hay óc sáng tạo đang kẹt trong tủ khóa khi viết kịch bản cho Vũ Khúc Con Cò! Khỏi mất thì giờ suy nghĩ sâu sắc, các ông dùng những mẫu có sẵn trên kệ hàng. Làm phim bằng những ước lệ quá tầm thường và hời hợt, bỏ rơi cả thực tế: Lính của ngụy trông thật chán, đã gầy guộc, không đẹp trai lại còn gian ác, chỉ thích chơi bời, bắn người bừa bãi. Không như Mỹ làm phim, ông Đơn Dương đã phải nhịn ăn để xuống cân để rõ nét phong sương của rừng núi; bộ đội ta trong Vũ Khúc Con Cò vừa thông minh, vừa khỏe mạnh, khỏe mạnh đến mập mạp; béo tròn ngay cả lúc nằm trên rừng núi Trường Sơn hay lúc ngôi ở nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn. Tình nghĩa của quân đội cách mạng cực kỳ cao cả. Chính ủy sắt thép của quân đoàn chưa đợi Văn xin đã cho anh ba ngày phép đi thăm vợ. 

Làm phim, viết kịch bản, dĩ nhiên cần hư cấu nhưng không thể, hay không nên phản bội một số thực tế quã rõ ràng, quá minh bạch. Đại tá ngụy thì phải phì nộn, mặt đen như chì, tóc dài như bốn tháng chưa cắt, mặc đại lễ phục như mới lấy từ khu bán đồ cũ đi ăn nhà hàng, đi khiêu vũ.  Người để ý hơn có thể còn hỏi thăm trình độ của Lâm (hay của những người viết lịch bản) anh thầu khoán trung tá đặc công, với tư cách gì, với văn hóa nào, anh ngồi ở ghế chủ tọa trong buổi tiệc? Ở những năm 1972, học sinh Sài Gòn biểu tình đả đảo đế quốc Mỹ à? Cũng buồn cười, cùng lúc tiếng đả đảo đế quốc Mỹ vang cả rạp tôi cố tìm đọc những dòng phụ đề những chẳng bắt được câu nào có chữ Down with the American Imperialists ở đâu cả. Đế quốc Mỹ vừa mới ký hiệp thương với ta, có lẽ đả đảo tàm tạm bằng tiếng ta cũng đủ rồi chăng?

Hơn hai mươi bẩy năm rồi! đâu cần chà đạp thêm những chiến sĩ Cộng Hòa dù còn sống sót sau những ngày tù hay đã hy sinh cho tổ quốc; vả lại gia đình các ông bà đại tá, dù có đô la hay không, và cả phó thường dân tị nạn, những đứa con phản quốc ngày xưa ấy bây giờ đã là núm ruột nghìn dặm cả rồi còn gì! Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, năm ngoái họ vừa đóng góp đầu tư bẩy trăm tỉ đồng và bốn mươi lăm triệu đô la Mỹ.  Họ còn gởi cho họ hàng làng nước ba tỉ đô la đấy!

Giọng đanh đá của bà đại tá đô la kéo tôi về quá khứ. À, ở phim này người ta chỉ đưa ra những đại tá đô la, đại tá thuốc phiện và cho đó là sĩ quan ngụy.  Hò vờ quên đi những Ngụy Văn Thà tuẫn tiết theo chiến hạm trong hải chiến chống giặc Tầu bảo vệ Hoàng Sa năm 1974; họ định xóa tên những Nguyễn Khoa Nam, những Lê Văn Hưng, những Phạm Văn Phú, và những chiến sĩ anh hùng của miền Nam ngày trước. Họ có thể lừa được một số người, ở một giai đoạn, nhưng họ và chẳng ai có thể xóa bỏ hay xuyên tạc lịch sử một các trí trá như thế!

Gần 30 năm sau ngày hòa bình, những người làm văn hóa hạng gộc ở  Việt Nam — Việt Nam bị cái Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa án lối chận đường — vẫn chưa tìm được can đảm để viết thật, nói thật về con người và cuộc chiến. Có cần cho May bị bắn vào ngực lúc anh theo xe bọc sắt ủi xập cửa Dinh Độc Lập hay không? Lúc ấy ông Tổng Thống sau cùng và ông thiếu tướng gián điệp Vũ Ngọc Nhạ đang chờ đầu hàng thì làm gì có chuyện bắn súng, có đạn bay vào ngực của May như thế. Nói như người Sài Gòn, “Dạ không dám đâu.”

Đấy là người trong nước, thế còn các ông ở bên ngoài như Wayne Karlin, người thủy quân lục chiến Mỹ trong trận chiến năm nào, có lẽ ông không hiểu rõ hết các người Việt cùng viết truyện phim nói gì, nghĩ gì, viết cái gì.  Nhưng còn ông cố vấn viết kịch bản Ngô Vĩnh Long? Ông là giáo sư sử học, tuy viết Vũ Khúc Con Cò không quan trọng và cần để ý chi tiết như một sử liệu và tôi cũng không tin là ông lại cố vấn bịa như thế. 

Nhưng nếu ông cố vấn mạnh hơn một tí nữa cũng nên chăng?

Cái tựa Vũ Khúc Con Cò, có lẽ phần liên hệ duy nhất với chuyện phim là  bài hát, là tiếng hòa âm, và hình ảnh đàn cò trắng bay lả bay la, bay qua ruộng lúa bay về Đồng Đăng.  Và ông Vượng, với mười một năm đặc công, mười một năm tẩm quất giác hơi, vài trò của ông là gì trong phim? Điện ảnh Việt Nam định giới thiệu nền văn hóa giác hơi à? hay chỉ muốn mượn cái bàn tẩm quất để ông Trần Văn Thủy nằm kể chuyện.

Ngoài những giải thưởng và khen ngợi ở Âu, ở Úc, tôi không vẫn chưa tin rằng đại chúng ngoài Viêt Nam sẵn sàng đưa sản phẩm nghệ thuật thứ bẩy của Việt nam mon men đến Hollywood, dẫn tài tử và đạo diễn Việt Nam bước lên thảm đỏ ở đại hội Oscars. Và trong nước, khi ăn chưa no, co chưa ấm người ta có còn thì giờ để nghĩ đến phim ảnh, nghệ thuật hay văn hóa hay chăng?  Nếu chỉ có bốn khán giả ngồi xem “Người đi tìm giấc mơ,” đã chiếu ba ngày ở Sài Gòn từ hôm cuối tháng tám, và khi người dân còn hài lòng xem phim bộ Nam Hàn xem diễn hài hời hợt, có lẽ còn lâu lắm, còn lâu lắm Việt Nam mới so vai đứng cùng mọi người trong làng điện ảnh quốc tế.

Tóm lại Vũ Khúc Con Cò múa điệu giả tưởng hay giới thiệu tẩm quất giác hơi có lẽ tại Nguyễn Phan Quang Bình mới làm đạo diễn lần đầu, hay tại nhà sản xuất Ngô thị Tuyết Hạnh là thương gia chỉ quan tâm đến tiếp thị và thương mại.

Chuyện phim Vũ Khúc Con Cò cố nói lên những phi lý của cuộc chiến, nhưng Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Văn Thuỷ, Thu Bồn, Wayne Karlin và cả Ngô Vĩnh Long nữa đã quên. Họ đều quên, không nhắc đến điều phi lý nhất. Dù đất nước đã nối liền, gần ba mươi năm sau cuộc chiến, năm triệu người Việt Nam đã nằm xuống, để hôm nay — lòng người vẫn chưa nối; để hôm nay — con người và đất nước đang được hưởng được những gì? Dân chưa giầu, nước không mạnh, xã hội không công bằng, không dân chủ và cũng chẳng văn minh.

Anh Meo Bờn thân, thư đã dài, hẹn anh thư sau nhé.


Montréal, tháng 9, 2002

© 2002-2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline trình bày.

Phim Vũ Khúc Con Cò (Song of the Stork) trình chiếu tại

  • Montréal World Film Festival, tháng 9, 2002
  • Hà Nội, Việt Nam – 22 tháng 12, 2002
  • Sài Gòn, Việt Nam – 14 tháng giêng, 2003
  • France – 4 tháng 4, 2003
  • United States – Quý thứ 4, 2003