ĐÊM MẤT NGỦ

Vũ Thư Hiên

Người mất ngủ giật mình, chợt nhận ra anh đang ở Tràng Tiền.

Tiếng chuông đồng hồ đột ngột bay ra từ một cửa sổ tối đen trên gác một ngôi nhà hai tầng cắt ngang những suy nghĩ của anh. Nó đập vỡ thành từng mảnh cái yên lặng tịch mịch của đêm khuya với một tiếng động ròn và sắc của cốc pha lê rơi xuống sàn đá hoa. Người mất ngủ bất giác rùng mình, đi chậm lại. Sau bản nhạc dạo, chiếc đồng hồ vô hình đĩnh đạc điểm giờ.

Trong giai đoạn 1945-1951, đường France đổi tên thành Đồn Thủy, đường Paul Bert thành đường Tràng Tiền, Hàng Khay tách thành phố riêng. Từ năm 1951-1954, hai đoạn đường lần lượt mang tên là Pháp Quốc và Anh Quốc, đền rồi sau 1954 được gộp thành phố Tràng Tiền như ngày nay. Nguồn: redsvn.net

‒ Một…hai…ba…

Người mất ngủ lẩm bẩm đếm theo và sửng sốt vì đã ba giờ khuya.

“Ta có nên quay về chăng?” ‒ anh tự hỏi, trong khi vẫn tiếp tục bước. Nghe rõ tiếng dép lệt xệt trên vỉa hè. Nhưng phút yên lặng đó không lâu. Cái đồng hồ thứ hai đã lên tiếng, cái thứ ba tiếp theo, rồi cái thứ tư.

Người mất ngủ đứng lại, ngạc nhiên một giây, rồi lại tiếp tục đi trong bản đàn ngân nga của những chiếc đồng hồ cũ. Tưởng như cùng một lúc cả loài đồng hồ cùng thức giấc: chúng uể oải trở dậy, vặn mình cọt kẹt, và sau khi rũ khỏi giấc mơ, chúng bắt đầu dạo nhạc. Như mọi đồng hồ trên trái đất, chúng chạy nhanh và chạy chậm, không cái nào giống cái nào, vì thế cuộc hòa tấu của chúng kéo dài đến mười lăm phút. Cả một phố xôn xao hẳn lên trong đêm vắng với những tiếng trong và cao, những tiếng trầm và đục, những tiếng rè rè, yếu đuối của cái dàn nhạc gồm những nhạc cụ khác nhau được sản xuất trong những thời gian khác nhau ấy.

Khi tiếng cái đồng hồ cuối cùng vừa dứt và đêm bắt đầu trở lại lặng lẽ, người mất ngủ nghe thấy một tiếng còi tàu rúc lên ở một nơi nào đó rất xa. Cùng với tiếng còi, tưởng chừng cả những tiếng động của kim khí va chạm nhau khi tàu dồn toa, tiếng người ồn ào ở sân ga cũng vẳng đến và người mất ngủ nghĩ rằng đáng lẽ anh nên đi về phía ấy: ở đó dù sao cũng còn nhiều người thức và làm việc. Anh nghĩ thế, nhưng không quay lại. Vệt sáng của những ngọn đèn nê‒ông ở tầng trên một nhà in hắt xuống đường. Có tiếng máy chạy nhưng không nghe thấy tiếng người: những cái máy chạy trầm trầm một điệu.

Người mất ngủ đi qua những cửa sắt gấp, những cửa sổ mở và nghe rõ những tiếng ngáy bên trong. Một người con gái nào đó nói mê và cười khúc khích một mình. Anh thấy ghen với họ: sao mà họ có thể ngủ say đến thế. Anh giận cái đầu của anh, nó không chịu nghỉ ngơi, nó làm việc như một cái máy không có chốt hãm, bắt toàn bộ cơ thể của anh phải sống với nó, làm việc cùng với nó và anh cứ phải đi miết như thế này, một mình.

Người mất ngủ dừng lại trên quảng trường Nhà hát Thành phố. Anh dừng ở đó, nhìn những con đường chạy đi nhiều ngả và lúng túng không biết chọn ngả nào. Những ngọn đèn vàng hắt ánh sáng xuống những bậc đá thênh thang. Người mất ngủ đi đi lại lại một lúc lâu trên cái khoảng rộng mà chưa bao giờ anh có thể đi chậm rãi và thoải mái như thế ban ngày. Rồi, không hiểu sao, anh chọn con đường dẫn ra bờ sông. Đi qua một vườn hoa nhỏ anh bỗng mơ hồ cảm thấy có một cái gì đó cản trở những ý nghĩ của anh: giống như có một đôi mắt sắc và lạnh trong bóng tối đang theo dõi anh.

Đôi mắt sắc và lạnh ấy dấy lên trong anh một cảm giác bực bội. Mấy lần người mất ngủ dừng chân, ngoảnh lại, chăm chú nhìn vào những chỗ tối nhưng bằng ấy lần anh không trông thấy gì hết. Đến khi những ý nghĩ lộn xộn trở lại và chảy đều trong óc anh, anh mới chợt nhìn thấy một bóng đen lặng lẽ rời khỏi chân tường màu xám của nhà hát bước ra ngoài ánh đèn đường rồi thản nhiên đi chầm chậm theo anh.

‒ Một tay công an…

Người mất ngủ nói khẽ thành tiếng ý nghĩ của anh và, thật kỳ lạ, tự nhiên anh cảm thấy sự xuất hiện của người công an nọ không làm anh bực dọc nữa. Trái lại, anh sung sướng thấy anh không chỉ có một mình. Anh ta, tất nhiên không bị mất ngủ, nhưng dù sao cũng là một người đang thức và cũng đang lang thang như anh trong giờ khuya khoắt này. Người mất ngủ chợt nảy ra ý muốn đến bắt tay người ấy và rủ anh ta cùng ngồi xuống một chỗ nào đó với mình để trò chuyện, chuyện gì cũng được, miễn cho đêm chóng qua.

Nhưng anh không đến bắt tay anh ta, anh tiếp tục đi. “Có khi anh ta lại nghi mình cũng nên”. Người mất ngủ buồn rầu nghĩ thế và rẽ vào vườn hoa trước viện Bảo tàng Lịch sử.

Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, trước đây là Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, được coi là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa. Nguồn: redsvn.net

Trời dịu dần. Cái nắng ngột ngạt và hung hãn tưởng chừng đã bị đêm đen dồn sâu vào lòng đất, ở đó nó kiệt lực rồi chết, không còn có thể trở dậy nữa, và trên đất đai bao la chỉ còn một mình cái mát mẻ trong vắt của đêm khuya ngự trị.

Người mất ngủ nhìn xuống – trong bóng đêm anh không trông thấy gì mà chỉ nghe những viên cuội kêu lạo xạo khe khẽ dưới mỗi bước đi. Những viên cuội tròn lẩn tránh chân anh và sau khi anh đi qua chúng lại chen chúc nhau nằm vào chỗ cũ. Bỗng người mất ngủ dừng lại: dưới gốc một cây cọ bên kia một bụi cây dày xén phẳng có tiếng người nói. Hình như người ngồi đấy đã nghe tiếng chân anh. Một câu nói vụt đứt giữa chừng và người mất ngủ cảm thấy anh vừa vô tình làm một việc sỗ sàng. Anh cố bước cho thật nhẹ về phía chiếc ghế đá và cũng nhẹ nhàng như thế, anh ngồi xuống. Cái mát lạnh của xi‒măng về đêm chuyền qua vải vào da thịt anh một cảm giác thật dịu. Sương đêm lẩn quất trong những vòm lá lọt vào người qua các kẽ hở của áo.

Tiếng nói lại cất lên và lần này người mất ngủ nghe rõ đó là tiếng một người con gái. Căn cứ vào giọng nói ấm áp, êm và rõ, người mất ngủ hình dung người con gái mà anh không thấy mặt kia phải có đôi mắt sáng, một miệng cười rất tươi và một tâm hồn dịu dàng. Lúc đầu anh không chú ý đến câu chuyện của họ ‒ câu chuyện rời rạc như hai mẩu độc thoại cùng cất lên một lúc trên sân khấu, nhưng rồi không biết tự lúc nào anh quên bẵng những ý nghĩ lan man của mình. Anh bắt gặp mình chú ý lắng nghe, anh biết mình đang tò mò, mà tò mò là một thói xấu.

Người con gái: Anh đừng giục em về… Em cứ ngồi đây với anh đến khi nào anh nói ra điều anh hứa sẽ nói. Anh đừng lo cho em. Em đã nói dối mẹ là em đến giúp một cô bạn thân sắp cưới và sẽ ngủ lại với cô ấy đêm nay. Em chờ anh mà, vì thế em đã nói dối mẹ. Anh nói đi…

Người con trai: Nếu em biết trước anh sẽ nói gì…

Người con gái: Hình như trước kia… em biết. Nhưng đêm nay: em không tin điều đó nữa… Cũng có thể, anh sẽ nói với em đúng điều em đã nghĩ.

Người con trai: Anh không biết chắc, nhưng hình như anh hiểu em nghĩ gì và chính vì vậy, anh không muốn nói với em điều anh không muốn nói ra, mà nó lại là điều trước sau gì anh cũng phải nói ra… Vì thế, anh im lặng.

Người con gái: Anh không thực thà được với em sao?

Người con trai: Có những điều ta nên giữ trong lòng, hay nói đúng hơn, có những sự im lặng không có lỗi.

Họ im lặng một lúc lâu. Người mất ngủ trông thấy một mảnh sao băng kẻ một vạch sáng dài phía chân trời và nghĩ hai người kia cũng như anh, cũng đang nhìn mảnh sao băng đó.

Người con gái: (rất khẽ, hồi hộp) Vậy thì em nói thay anh nhé?

Người mất ngủ tưởng tượng thấy người con trai gật đầu. Anh ta không thể không gật đầu được. Anh ta là một người hạnh phúc.

Người con gái: (nói nhanh như nếu không nói nhanh, cô sẽ không nói được điều cô nghĩ) Anh nghĩ thế nào về em khi em nói thẳng ra điều đó? Nhưng em không chịu được nữa rồi. Nếu anh yêu em, sao anh không dám nói? Còn em, em nói thẳng với anh đây, em không giấu anh ‒ em … yêu anh.

Người con trai: (sau một lát im lặng, rất lâu, giọng xúc động) Anh không thể nói là anh yêu em. Mặc dầu anh nghĩ rằng nói ngược lại tức là anh nói dối. Nhưng bây giờ anh phải nói. Em có nghe anh nói không?

Người con gái: (yên lặng nặng nề ‒ rất khẽ, run run) Vâng, anh nói đi…

Người con trai: (giọng cố trấn tĩnh, nhưng không giấu nổi cảm xúc) Đáng lẽ anh không nên gặp em.

‒ Tại sao?

‒ Anh là người đã có vợ con, em ạ…

Người con gái: Anh!

Người con trai: (bình tĩnh hơn) Anh đã có vợ con. Lương tâm anh không cho phép anh nói dối. Anh không được phép yêu em. Vì thế anh đòi được gặp em đêm nay. Anh biết em nghĩ khác, em nghĩ rằng anh gặp em để nói là anh yêu em, để cho quan hệ giữa chúng ta trở nên chính đáng. Vì thế mà anh ngần ngại, ngần ngại mãi, mà không dám nói. Nhưng em dã nói thay anh và cái đó đã giúp anh thêm can đảm. Em hiểu tâm trạng anh không?

Người con gái: (khẽ, lạnh lùng) Em không hiểu được.

Người con trai: Để anh nói hết. Anh yêu vợ anh. Tưởng chừng không bao giờ anh có thể yêu ai khác. Nhưng em biết đây, hòa bình trở lại, anh ra Bắc và từ đó, mấy năm rồi, anh không được thấy vợ anh nữa. Anh không cố tình quên, nhưng hình ảnh Ngân cứ mờ dần, mờ dần, cho đến khi anh không tài nào khôi phục lại trong trí nhớ của anh hình ảnh thân yêu ấy. Anh đau khổ, em ạ. Thời gian cứ trôi qua… Rồi anh gặp em. Em có tin rằng ở trên đời này có những người giống nhau như lột không? Đây, ảnh của Ngân đây, em xem cô ấy có giống em không?

Một phút yên lặng và một tiếng diêm quẹt. Ánh sáng bừng lên bên kia bụi cây và người mất ngủ nhìn thấy bóng họ: người con trai quay sang phía người con gái và người con gái lặng thinh nhìn xuống.

Người con trai: Có giống em không?

Người con gái: Thôi, anh cho em về…

Que diêm tắt và bóng hai người lại lẫn trong bụi cây.

Người con trai: Không, em đừng về trước khi anh nói hết. Đó là ảnh Ngân chụp trước ngày anh tập kết và cũng là ảnh chụp sau ngày cưới. Anh mang chiếc ảnh đó bên mình, cả trong lúc anh ngủ, nhưng hình ảnh Ngân cứ mờ dần và anh chỉ có thể nhìn thấy vợ anh trong ảnh…

Người con gái: (năn nỉ) Anh đừng nói nữa…

Người con trai: Thế rồi anh gặp em. Em còn nhớ không? Đó là một buổi liên hoan rất vui…

Người con gái: (năn nỉ, nghẹn ngào) Em nhớ… nhưng em đã xin anh rồi, anh đừng nói nữa…

Người con trai: Hôm đó anh tưởng như anh gặp lại Ngân và anh đau khổ thêm khi biết anh không chống nổi lòng mình. Anh đến nhà em, gõ vào cánh cửa gỗ.

Người con gái: (giọng đã bình tĩnh hơn) Hôm đó em vắng nhà. Nhưng anh để mảnh giấy lại làm gì?

Người con trai: Đừng trách anh. Nên hiểu cho anh. Đúng hơn, nên tha lỗi cho anh.

Người con gái: (lạnh lùng) Em không muốn tha lỗi cho anh.

Người con trai: Anh đi chơi với em mà anh cảm thấy như bảy năm trước, anh đang đi cùng với Ngân bên bờ suối con kênh miền Nam. Cũng một buổi tối có trăng…

Người con gái: (buồn rầu) Hôm đó trăng non…

Người con trai: Hôm đó trăng non. Em đi bên anh và anh lắng nghe em nói. Chỉ có tiếng nói của em nhắc anh rằng em không phải là Ngân, em vừa gần gũi vừa xa lạ.

Người con gái: Anh đừng nhắc đến hôm ấy …

Người con trai: Cho anh nhắc đến. Có thể sau đêm nay chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau nữa.

Người con gái: Tốt hơn hết là chúng ta không bao giờ gặp nhau…

Người con trai: Tối hôm đó anh đi bên em, lẳng lặng…

Người con gái: (ngắt lời) Giá đêm nay anh cũng lẳng lặng như thế. Giá như anh đưa ra một lý do nào khác…

Người con trai: Anh muốn được vuốt ve đôi tay em, được hôn lên mái tóc của em… Nhưng làm thế anh sẽ trở thành một tên khốn kiếp…

Người con gái: Em hiểu, em nhớ rõ buổi tối hôm ấy. Anh nghĩ đúng và anh đã làm đúng.

Người con trai: Tha lỗi cho anh…

Người con gái: (giọng mệt mỏi) Hình như em đã tha lỗi cho anh rồi. Anh không cảm thấy điều đó ư?

Người con trai: Anh không cảm thấy điều đó. Anh thấy anh có lỗi nhiều với vợ anh, với em…

Người con gái: Nếu chị giống em, chị sẽ tha thứ cho anh…

Người con trai: Lòng em thật rộng rãi. Thế mà anh lo sợ, anh nghĩ rằng em sẽ quay ngoắt đi và chửi rủa anh trong lòng khi anh thú thực với em.

Người con gái: Em đã ngồi lại và nghe anh nói hết…

Một mảnh sao nữa rơi. Người mất ngủ rùng mình; anh cảm thấy lạnh…

Người con gái: Lại một ngôi sao đổi ngôi…

Người con trai: Người ta nói rằng khi sao rơi là có một người vừa qua đời.

Người con gái: Nhưng sao của những người mới sinh? Những ngôi sao ấy mọc lên ở đâu?

Người con trai: Ở xa lắm, có lẽ thế

Người con gái: (trầm ngâm) Những cái chết dễ nhận thấy hơn những cái gì mới chớm nở.

Người con trai: Em muốn nói gì?

Người con gái: Một tình yêu vừa chết (im lặng một lúc lâu) Nhưng một tình cảm mới đã ra đời.

Người con trai: Em!

Người con gái: Chẳng lẽ anh không hiểu ý em. Chính lúc này em hiểu anh hơn bao giờ hết. Đáng lẽ phải thù ghét anh vì anh đã làm em đau khổ, em lại thương anh…

Người con trai: Em thương anh ư?

Người con gái: Và còn quý mến anh nữa…

Họ im lặng. Người mất ngủ cài lại khuy cổ áo. Anh muốn đi khỏi nơi này nhưng lại sợ bước chân làm kinh động họ. Xa xa tiếng chuông đồng hồ Nhà Thờ Lớn vẳng đến, chậm chạp,anh không nghe rõ nó điểm mấy tiếng. Mà cái đó, xét cho cùng có quan hệ gì. Anh sẽ ngồi đây, thức trắng đêm cùng hai người đang đau khổ kia.

Người con trai: (ưu tư) Không biết đến bao giờ anh mới gặp lại vợ anh?

Người con gái: Ngày ấy rồi sẽ đến thôi.

Người con trai: Anh tin như vậy.

Người con gái: Đêm sẽ qua. Anh thấy không, trời sắp sáng.

Người con trai: Lúc đó anh sẽ trở về…

Người con gái: Em cũng sẽ vào Nam công tác, biết đâu đấy. Nếu có dịp thuận tiện và nếu anh bằng lòng, em sẽ đến gặp chị ấy.

Người con trai: Anh sẽ đưa em và Ngân đi chơi trên bờ con kênh làng anh. Một đêm trăng sáng.

Người con gái: Em sẽ khóc với chị ấy và không nói gì hết.

Người con trai: Em và Ngân… hai người mà anh yêu quý nhất.

Người con gái: Em sẽ khóc thật nhiều. Khóc cho tình yêu của em, và khóc vì lẽ khác ‒ dù sao chăng nữa, em cũng đã làm tình cảm của chị bị mất mát phần nào.

Người con trai: Em hoàn toàn không có lỗi.

Người con gái: Không ai có lỗi cả. Lỗi ở cái giới tuyến ngăn cách những người yêu nhau. Nó gây ra đau khổ cho mọi người, không trừ cả em.

Người con gái bật khóc. Người con trai lấy một vốc sỏi ném vào những hòn khác và chúng lóe lên những tia sáng xanh.

Người con trai: Em.

Người con gái: Chúng ta đi thôi. Đi lên đê. Ở đó em và anh sẽ chờ mặt trời mọc.

Họ đứng lên.

Người mất ngủ cố dán mình vào ghế đá nhưng họ không nhìn lại.

Người mất ngủ nhắm mắt lại nhưng anh hoàn toàn không cảm thấy buồn ngủ.

Có tiếng ai bước nhẹ trên sỏi và ngồi xuống cạnh anh. Người mất ngủ mở mắt, anh tin rằng người ngồi đó chính là tay công an lúc nãy, hay nói cho đúng hơn, người mà anh cho là một tay công an.

Anh ta ngồi yên lặng, đầu ngả vào thành ghế.

‒ Đồng chí có thuốc không? ‒ người mất ngủ bắt đầu trước, vui mừng vì có người tiếp chuyện. Lúc này anh mới thấy cảm thấy phần còn lại của đêm sao mà dài vô tận ‒ Tôi hút hết vèo một bao tối nay rồi. Đến lúc hết thuốc thì phố đã chẳng còn một hàng quán nào.

‒ Có đây – anh công an không hiểu vì lẽ gì hơi bối rối, nhưng rồi móc túi lấy bao thuốc, đưa cho người mất ngủ ‒ Phải cái hơi nặng.

‒ Tôi quen hút thuốc nặng – người mất ngủ trả lời, đỡ lấy bao thuốc, rút một điếu.

Anh công an cũng rút cho mình một điếu và đánh diêm. Khi ngọn lửa bùng lên, anh nhìn thấy một cái sẹo dài chạy suốt từ trong mớ tóc dày trên trán người mất ngủ sang thái dương. Anh nhìn đăm đăm vào cái sẹo ấy, nó làm anh quên không châm thuốc cho mình.

Người mất ngủ đưa điếu thuốc lá cho anh công an nối. Khi điếu thuốc của anh công an sáng đỏ lên, người mất ngủ nhìn thấy đôi mắt của anh dừng lại quá lâu trên cái sẹo của mình.

‒ Tôi bị thương trong trận Đông Khê đợt hai, trận mở đầu chiến dịch biên giới – người mất ngủ thở ra một khói thuốc đậm đặc và lim dim nhìn về phía bờ đê – Từ đó tôi bị mất ngủ thường xuyên, nhất là những khi trở giời. Nó làm cho tôi biết trước ngày mưa, ngày nắng, y như một cái phong vũ biểu. Mất ngủ là một bệnh kinh khủng! Thế mà đã mười một năm rồi!

Toàn cảnh Thị trấn Đông Khê thời Pháp thuộc. Nguồn: vov2.vov.vn

Người mất ngủ nói và ngay sau đó anh giận mình sao lại đi nói như thế: cái đó giống như một lời biện bạch, tệ hơn, một chuyện bịa.

Anh công an nghe và im lặng. Thái độ lạnh lùng của anh ta làm người mất ngủ càng giận mình. “Thật vớ vẩn: mình nói thế làm gì chứ?”

‒ Lúc đó anh ở đơn vị nào? – anh công an hỏi và người mất ngủ nghĩ nó giống như câu hỏi đầu cho một cuộc thẩm vấn.

‒ Trung đoàn 174 – người mất ngủ quay mặt đi, không muốn trả lời.

‒ Đồng chí có biết không? – anh công an nói, trầm ngâm và quay hẳn về phía người mất ngủ ‒ Chúng ta đã gặp nhau trong chiến dịch đó Tôi ở tiểu đoàn 625.

‒ Thế ư? – người mất ngủ kêu lên và ngồi nhích lại gần hơn ‒ cảm giác bực dọc biến mất, anh vui mừng như gặp được một người quen, những người quen như thế hiếm dần, họ đã chết hoặc tứ tán khắp mọi miền đất nước.

‒ Tôi dự hết chiến dịch biên giới. Ở Đông Khê, đồng chí nhớ không? Trận đó xảy ra vào một ngày sương mù…

‒ Quên sao được? Chúng tôi đánh vào đồn chính, trên đồi. Chúng nó bắn chéo cánh sẻ và mũi của chúng tôi bị cắt làm đôi. Chính lúc đó các đồng chí đã nã pháo 75 yểm trợ chúng tôi.

‒ Nhưng không phải pháo của chúng tôi làm đồng chí có cái sẹo trên trán kia chứ? ‒ anh công an cười.

‒ Không, các đồng chí bắn tốt lắm. Vết sẹo này là do một mảnh “moóc” ở hàng rào lông nhím ‒ chúng nó đã dựng ngược súng cối lên mà bắn.

‒ Chúng mình giờ là phế phẩm rồi – anh công an nói và rít một hơi thuốc dài – Tôi bị cắt một đoạn ruột ở Điện Biên. Lớp mới họ đã vượt chúng ta xa. Một cái đồn như Đông Khê họ dập một phát là xong –không quá ba phút…

‒ Có thế thật – người mất ngủ gật – Nhưng bọn lính cũ chúng mình có về hưu đâu. Chúng ta có những công việc mới của chúng ta. Anh vứt cái đầu mẩu và nói tiếp – Không hiểu đồng chí nghĩ thế nào chứ tôi thì tôi thấy chúng ta chẳng bao giờ hưu cả. Trước mắt chúng ta còn biết bao nhiêu là công việc…

Hai người không nói thêm gì nữa. Trời hình như sáng hơn, những ngôi sao xa đã bắt đầu lấp lánh một cách yếu ớt và lụi dần. Chỉ có sao Mai là vẫn rực rỡ như một ngọn đèn. Người mất ngủ thấy anh công an nhìn xuống đất và hút từng hơi thuốc dài liên tiếp.

‒ Đồng chí có nghe câu chuyện của đôi trai gái vừa đi khỏi đây không?

‒ Tôi rẽ vào cùng một lúc với đồng chí… Ngồi một ghế khác.

Hai người lại yên lặng hút thuốc.

Người mất ngủ nhắm mắt lại. Trong đầu anh cuồn cuộn những ý nghĩ sôi nổi, những ý nghĩ về quá khứ, về hiện tại và về tương lai. Anh muốn xua đuổi những ý nghĩ đó bởi vì chúng lại bắt đầu làm anh mệt mỏi nhưng không đủ sức: đầu anh là một cái máy không có chốt hãm, nó làm việc không biết nghỉ. Người mất ngủ nhớ đến những đêm anh cũng lang thang như thế này, những cái anh nhìn thấy, những chuyện anh nghe được, nhất là câu chuyện đêm nay…

‒ Chúng ta còn phải làm biết bao nhiêu là việc…‒ anh nói, mắt vẫn nhắm nghiền và nhìn ra một nơi nào rất xa trong tưởng tượng.

‒ Còn biết bao nhiêu là công việc… ‒ anh công an gật đầu đồng ý và vòng tay lên thành ghế. Đầu ngón tay của anh chạm vào vai người mất ngủ, nhưng anh vẫn để nguyên đó, thân mật như anh đang đặt tay lên vai một người bạn.

Người mất ngủ chợt mở mắt. Trước mặt anh, ở đàng đông, một đám mây cháy đỏ lên giữa lưng chừng trời. Từ đám mây, như một vạt áo hồng, những dải mây đỏ lan dần xuống mặt đất, những ngôi sao tắt tự lúc nào không biết, rồi khi ở chân trời một vầng đỏ vừa xòe ra như một cái quạt vô cùng lớn và hai vầng đỏ kia giao nhau thì khắp bầu trời bừng lên những đám mây nhiều màu sắc như những mảng xà cừ lớn và nhỏ. Nền trời trong khoảnh khắc từ màu tím nhạt biến thành màu xanh – thứ màu xanh kỳ lạ của nước biển ngoài đại dương. Người mất ngủ đứng dậy, vươn vai và đưa tay cho anh công an:

‒ Sáng rồi – anh nói và ngẩng mặt lên, vui mừng nhìn cái màu xanh ấy – Chào đồng chí, tôi về, tắm một cái rồi đến cơ quan.

‒ Chúc đồng chí đêm mai ngủ ngon – anh công an lắc mạnh bàn tay gầy guộc của người mất ngủ và mỉm cười – Đồng chí hút thêm điếu thuốc.

‒ Cảm ơn đồng chí ‒ người mất ngủ đỡ lấy điếu thuốc, anh công an đánh diêm, họ cùng hút và người mất ngủ nắm chặt tay anh công an lần nữa.

Anh công an nhìn theo cho đến khi người mất ngủ chỉ còn là một cái bóng đầu phố, cái bóng ấy lẫn vào những cái bóng khác, cũng không rõ nét như thế, đang hối hả đi lại. Đến lúc đó anh mới nghe thấy tiếng ô tô chạy, tiếng người nói đâu đây, tiếng chuông xe điện ở xa.

“Một ngày mới bắt đầu” – anh lẩm bẩm.

Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.

Trích Truyện ngắn của Vũ Thư Hiên (Tạp chí Văn học – số 170 – năm 1961)

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: ĐÊM MẤT NGỦ, Vũ Thư Hiên, Facebook,19 December 2022