Nơi nào là quê hương

Caubay

“Thôi chánh da đi ông… thợ chánh! Chánh da cho tui mần cho lẹ rồi còn dìa nữa chớ!”

Đường Lê Lợi, bờ kè Tân Châu nằm bên bờ trên bờ sông Tiền, Xã Long Châu, Huyện Tân Châu, An Giang, Việt Nam mang vẻ đẹp thanh bình, dịu dàng và lặng lẽ. Nguồn ảnh: https://mapio.net/

Anh Ba Lumbing vừa nói vừa giựt cái mỏ lết trên tay Caubay, giọng thân mật nhưng cũng rất kẻ cả. Số là độ rày do tình hình kinh tế èo uộc, công việc cắt cỏ cũng… xịch lụi lắm, Caubay bèn xin theo anh Ba Lumbing phụ việc đặng kiếm thêm chút đỉnh cho vợ đi shopping! Trong thời buổi khó khăn này hình như chỉ có nghề thông cống nghẹt, thụt hầm cầu của anh Ba là không bị ảnh hưởng, mà có vẻ khả quan hơn. Hình như người Mỹ nằm nhà ở không, lại khoái ăn vặt nên cầu tiêu, ống cống vì thế cũng hay bị nghẹt hơn.

Caubay theo anh Ba đi thay cái bàn cầu cho bà Mỹ già. Nguồn: OntheNet

Caubay tính khí phóng túng, nóng nảy, quen múa gậy vườn hoang nên rất vụng về trong những công việc tỷ mỉ. Hôm nay theo anh Ba đi thay cái bàn cầu cho bà Mỹ già, loay hoay mãi mà không gắn được con bù lon nên bị anh Ba rầy.

– Thôi chú ngồi đó… chơi cho vui với tui được rồi. Chú mần chỉ tổ hư việc mất công tui sửa.

Vốn là người có chút tự trọng, Caubay cho việc không làm mà hưởng thì khác gì bọn ăn bám, nên tìm cớ đóng góp với anh Ba:

– Thì anh coi có cái gì đúng khả năng thì giao cho tui chớ ngồi chỉ tay năm ngón kiểu… bí thư như vầy mà lãnh tiền của anh tui ngại lắm.

– Chú thì ngoài việc cắt cỏ chỉ giỏi …lướt net chớ có tài nghề gì. Cỏ thì không có trong buồng tắm, thôi chú ngồi đó phụ đưa đồ cho tui rồi cho tui hỏi thăm chút chuyện trên diễn đàn.

Gãi trúng chỗ ngứa! Gì chớ chuyện thiên hạ thì độ rày không ai… “bà tám” bằng Caubay, nên hăng hái hỏi:

– Diễn đàn thì thiên hình vạn trạng, trong ngoài nước nở rộ như trăm hoa; chính trị, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, thanh tục tui đều nắm cả, anh muốn nghe chuyện gì?

– Chuyện thiên hạ thì để khi nào rảnh hẳn hay. Tui muốn chú nói chuyện…của chú, chuyện làm tui buồn hổm rày, bởi vì tui với chú là chỗ thân tình bấy nay nên tui mới nói.

Caubay nghe giọng anh Ba nghiêm nghị pha chút trầm buồn mà đâm lo, tự hỏi không biết mình làm cái gì mà mất lòng anh. Băn khoăn hồi tưởng lại thì kể từ ngày lên diễn đàn, Caubay chỉ nhớ mỗi một điều là… chửi cha mấy thằng cộng sản. Có đôi lần nguyền rủa mấy anh Ba, nhưng đó là mấy anh Ba mắc dịch láo trước lừa sau đã làm điêu đứng đất nước, chớ còn anh Ba Lumbing thì nếu có nhắc tới chỉ khen nức nở, cớ sao ảnh buồn mình vậy cà?

– Chỗ anh em mình có cái gì không phải anh nói…phứt cho tui nghe cho nó nhẹ cái bụng, rào đón làm gì anh Ba.

– Tui nghe má bầy trẻ nói chú chửi tui thế này thế nọ. Chú nói tui dơ, tui lông lá, tui tham lam, tui ăn bám…lại đòi tống cổ tui đi cho khuất mắt nữa chớ! Chú làm nhục tui vừa vừa thôi chứ chú Bảy!

– Ủa? Nói lộn chịu khó nói lại đi ông anh, tui nói như vậy hồi nào?

– Nị nhớ lại coi. Ngộ cho nị cái… “hint” đó.

Đã đến nước này rồi mà Caubay vẫn không nghĩ ra cái lý do, vẻ mặt đờ ra như thằng ngố, anh Ba thấy thế thương hại bật cười nói:

– Chú chửi bọn Tàu vừa vừa thôi. Chú quên thằng anh chú đây là… người Việt gốc xì dầu hả?

À há! Thì ra cái nguyên cớ là đây. Quả có như vậy, gì chớ chửi Tàu thì Caubay không chối, mà bút sa gà chết, nó nằm đầy dẫy trên diễn đàn thì chối làm sao được. Nhưng bọn Tàu nào mà Caubay nhắm vào thì lại là một vấn đề cần… nói lại cho rõ!

Đến đây có lẽ xin sang đàng để nói chút đỉnh về anh Ba Lumbing và cái cơ duyên đã khiến anh và Caubay trở thành đôi bạn thân thiết hơn hai mươi năm nay.

Anh Ba, tên thật là Hồng Đại Hiến, quê ở huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Anh là người gốc Triều Châu đã mấy đời đi dân đến đất Việt. Tuy sinh đẻ ở Việt Nam, gia đình anh có thời sinh sống ở Nam Vang, thành ra anh rành cả 3 thứ tiếng, Việt, Miên, Tiều và chút ít Quảng Đông. Sau năm 1977, theo dòng người Việt tỵ nạn Khờ me Đỏ, anh trở về “quê cũ” là thị trấn Vĩnh Xương ở ngay biên giới Việt Miên.

Nói anh là người gốc Hoa chỉ vì…ông cao tằng cố tổ của anh là người Tiều, chứ thực ra trong dòng máu của anh có đủ thứ hết, vì mẹ anh là người Việt lai Khơ-me, bà nội anh là người nước…Huế, có họ dài ngoằng là Công tằng Tôn nữ. Và cũng cần nói thêm chị Ba thì trăm phần trăm là canh chua cá kho tộ. Thế mà các con anh lại cứ mang …”tội” là người Việt gốc Hoa. Cho hay cái chế độ phụ hệ cộng với cái luân lý trọng nam khinh nữ của cụ Khổng đã tạo ra nhiều hậu quả tâm lý thật là bất công.

Vào mùa thu năm 1987, Caubay quen được anh Ba khi cùng vài người bạn tìm đường đi vượt biên ngã Campuchia. Lúc đó anh Ba nghèo lắm, tài sản bị mất hết bên Nam Vang. Cũng vì cái nghèo, cái khổ mà người ta dễ rõ lòng nhau. Ở anh Ba, Caubay thấy được đó là một người chơn chất, rất khả tín và đầy tình nghĩa. Nhiều lần qua lại giữa Sài Gòn và Nam Vang, căn nhà xập xệ của anh ở Tân Châu là nơi dừng chân. Đến đó ngủ lại, giao hết mấy lượng vàng cho anh giấu giùm rồi cùng nhau qua biên giới. Né biên phòng, làm thông dịch,…mọi thứ anh lo hết.

Chợ Olympic ở Nam Vang. Nguồn: https://www.yourphnompenh.com

Những ngày ở lại Nam Vang để chờ chuyến đi, anh Ba đi làm bồi cho một quán nhậu gần chợ Olympic. Đêm đêm mấy thằng kéo tới đó ăn lẩu dê, uống rượu đế. Kêu một cái lẩu “trung” mà ăn mãi không hết thịt vì A Hiến cứ châm nước lèo hoài. Nước lèo thì chủ cho… free, nhưng nước lèo của A Hiến thì đầy ngắp thịt bên dưới. Kể ra thì cũng không phải, nhưng việc ấy vào ngày ấy cảm động lắm.

“Anh Ba thương mấy thằng bay chút chút hổng sao. Chủ nó cũng biết nhưng nó …thương và hiểu tao lắm, chẳng rầy tao đâu tụi bây lo!”

Sau đó thì mỗi người đi mỗi ngã, trầy vi tróc vảy chớ chẳng suôn sẻ gì, cho đến khi tìm lại nhau bên Mỹ và thật là vui khi lại ở gần nhau.

Bây giờ xin trở lại với chuyện… chửi Tàu. Bấy lâu nay Caubay chửi Tàu có hơi nhiều (mà vẫn cho là chưa đủ) vì đó là bọn đế quốc tham lam ôm mông bá quyền truyền kiếp. Cái sự phẩn nộ đó được nhân lên khi lũ hèn Ba Đình một mực bu chân Trung Nam Hải, lộ chân tướng nô lệ, dâng đất, nhượng biển và đàn áp người dân yêu nuớc. Bọn Tàu mà Caubay chửi đó là bọn Tàu xâm lược, vô ơn, phản trắc mà đại đa số là Tàu… cộng (cái gì dính tới cộng mà không đáng chửi!) Đó là bọn “người Trung quốc xấu xí,” nhưng không phải tất cả là người Tàu đều là người xấu. Nghĩ là câu chuyện sẽ dài dòng và cần khung cảnh thích hợp hơn để giải bày tâm sự, Caubay đấu dịu với anh Ba:

– Khà khà, anh Ba! Chuyện anh trách tui cũng có phần đúng mà cũng có phần chưa đúng. Nhưng tui cần thì giờ để nói cho anh rõ, hay là mần xong cái này tui mời anh đi lai rai vài chai chơi, tôi biết chỗ này mới có món lẩu dê hầm thuốc bắc khá lắm, không kém món…nước lèo của anh hồi ở Nam Vang đâu.

Nghe nói đến lai rai, lại nhắc đến kỷ niệm xưa, mặt anh Ba có vẻ dịu, cười hích hích nói:

– Ừa, “dụ” đó thì nghe được. Thôi chú ra dọn đồ lên xe đi, tui lắp cái bồn cầu xong thì anh em mình đi.

Đến quán nhậu, gọi thức ăn bia bọt xong rồi anh Ba hỏi móc:

– Chú Bảy à, tui nghe nói hôm rồi chú có viết bài khuyên các bạn trẻ …bớt nhậu mà sao bữa nay còn rủ tui?

Caubay biết anh Ba đùa chơi nên cười:

– Thì tui khuyên các bạn trẻ bỏ nhậu chớ có khuyên… tui bỏ nhậu hồi nào đâu anh Ba! Với lại lâu lâu mình sương sương cho vơi nỗi buồn tha hương chớ xứ này đâu có say sưa gì được! Thôi trở lại chuyện tui mần anh bức xúc. Anh Ba nè, tui chửi bọn Tàu chớ tui có chửi người… Hoa đâu mà anh giận.

– Chú nói lấp lửng kiểu mấy thằng Vẹm tui đách hiểu.

– Tàu với Hoa tuy một mà hai, để từ từ tui nói. Trước hết, tui nghĩ có sự lẫn lộn giữa chủng tộc với công dân của một nước. Công dân của nuớc Việt, thường gọi tắc là “người Việt”, thật ra là tập hợp của tất cả các sắc dân trên lãnh thổ nước Việt Nam như người Kinh, người Thượng, người Hoa, người Chăm…Bất cứ người nào chấp nhận nước Việt làm quê hương, nhập tịch Việt và làm tròn bổn phận của công dân Việt thì đó là “người Việt”. “Người Mỹ” như tui với anh hôm nay là một ví dụ minh họa rõ nhất cho trường hợp này.

Anh Ba hớp một ngụm bia rồi hỏi:

– Nhưng mà tui vẫn có thêm cái…gốc Hoa!

Chính điện Đình Minh Hương Gia Thạnh (Chợ Lớn, Việt Nam). Nguồn:
Bùi Thụy Đào Nguyên

– Có hề chi! Lịch sử nước Việt cho thấy rất nhiều người gốc Hoa là công dân Việt xuất sắc. Thí dụ như cụ Phan Thanh Giản là người gốc Minh Hương mà cả dân tộc mang ơn, khi nói về ông có ai nhớ tới gốc gác hay phân biệt gì đâu. Ai cũng mang ơn cụ vì cụ đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước này. Bên văn học thì có nhà thơ Hồ Zếnh, ai cũng thích thơ ông ta và rất cảm động về cái tình với “quê ngoại” của ông ấy. Trong cuộc chiến vừa qua rất nhiều người gốc Hoa đã ở trong quân đội miền Nam chống lại sự xâm lăng của Bắc Việt, cũng là chống lại âm mưu bành trướng của Tàu cộng. Cụ thể như trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, người anh hùng Việt Nam là Ngụy Văn Thà đã hy sinh chống lại bọn Tàu. Tui không biết anh hùng họ Ngụy có gốc Hoa không chứ cái họ thì nghe… nghi lắm đó. Ngoài ra khắp nơi người Việt sống rất hài hòa với người Hoa chớ có bao giờ kỳ thị gì đâu?

– Vậy chớ hồi ông Diệm cấm người Hoa làm bảy nghề chú Bảy có biết hông?

– Tui có … nghe nói! Nhưng nếu người Hoa chịu nhập tịch, làm tròn nhiệm vụ của một công dân Việt Nam với đất nước thì không còn sự phân biệt đó. Tui nghĩ tổng thống Diệm làm như vậy để đối phó với thành phần người Tàu bất hảo, lợi dụng đất nước Việt Nam để làm giàu mà không có trách nhiệm, bổn phận với nơi mà mình sinh sống. Theo ý tui thì người gốc Hoa ở Việt Nam có thể phân làm 3 loại.

– Kể ra nghe thử chú Bảy.

– Thứ nhất là người gốc Hoa do hoàn cảnh lịch sử đã đến đất nước Việt Nam, ở đó họ đồng cam cộng khổ cùng người Việt để xây dựng quê hương mới. Họ làm tròn nhiệm vụ và có bổn phận với nước Việt như tất cả giống dân khác sống trên lãnh thổ Việt Nam. Họ chọn nước Việt làm quê hương, yêu thương, gắn bó, hy sinh giữ gìn từng tất đất của non sông nước Việt. Họ thực sự là “người Việt” , dù nhiều người nói tiếng Việt vẫn còn… “không mấy gì hay!”

Thứ hai là thành phần người Hoa tha phương cầu thực. Nơi nào có ăn thì đến, khó làm ăn thì ra đi mà không hề cảm thấy lưu luyến, mang ơn, quan tâm hay xót xa gì về những thăng trầm nơi đã cưu mang bao đời gia đình mình. Họ là bọn chỉ biết tiền, đến và đi như hạng tầm gởi. Hạng người này thì tui không nỡ đuổi nhưng cũng không mời. Khi họ cần chỗ dung thân, tui mở lượng đón tiếp họ, nhưng nếu ra đi thì xin đừng hẹn ngày tái ngộ. Đất nước này nay nạn nhân mãn cũng đã nhiều rồi.

Thứ ba là bọn người Hoa đến nước Việt với ý đồ xấu, ăn nhờ ở đậu trên đất nước này nhưng buôn gian bán lận, lũng đoạn kinh tế, trốn tránh nghĩa vụ, và tệ nhất là dòm ngó cơ đồ nước Việt. Hạng này là ong trong tay áo, là tình báo của Hoa lục hay Đài Loan, dù cộng hay không cộng đều là thứ đáng khinh bỉ, đều là kẻ thù. Ngày nay Trung cộng tìm cách đưa công nhân vào Việt Nam như ở Tây Nguyên, Quảng Nam, Thanh Hóa, đó thật ra là bọn gián điệp, đội quân thứ năm của Hoa lục. Thành phần này chính là thứ tui đòi quét cho…thiệt sạch ra khỏi bờ cõi nước Việt đó anh Ba.

Anh Ba chờ Caubay dứt lời, đưa ly bia cụng một cái nhưng không uống, giọng buồn buồn hỏi:

– Thế thì theo chú tui thuộc thành phần nào?

– Tui mà chơi với anh thì còn phải hỏi! Nè anh Ba, cho tui hỏi quê hương anh là nơi đâu?

Ngồi im suy nghĩ một hồi anh Ba hỏi lại:

– Quê hương là gì hả… chú Bảy?

– Định nghĩa quê hương thì có nhiều lắm. Tui không học quốc văn giáo khoa thư, nhưng nghe nói trong đó định nghĩa quê hương là nơi đẹp nhất. Định nghĩa này nghe cũng ba phải, đôi khi quê hương không còn đẹp thì vẫn là quê hương. Ông Đỗ Trung Quân có bài thơ định nghĩa về quê hương nghe cũng được, anh có thuộc bài đó không?

– Chút chút! Tui nghe nói có món khế ngọt khế chua gì đó! Chú sính thơ thì ngâm cho tui nghe coi.

– Giữa quán nhậu mà ngâm thơ thì thiên hạ tưởng tui xỉn! Thôi để tui đọc khe khẽ cho anh nghe đoạn tui thích nhất. Nó như vầy:

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè…

Đỗ Trung Quân, “Quê Hương”

– Còn cái câu thành người thành khỉ gì đó nữa chứ chú Bảy?(1)

– Câu đó là cái mồi câu cơm thôi chớ thơ thẩn gì anh Ba!  Anh coi bộ cũng khoái thơ, thôi tui thêm chơi như vầy anh coi có được không:

Quê hương là nơi sinh đẻ
Cơm ăn áo mặc từng ngày
Là nơi nuôi tôi khôn lớn
Dù cho nay bị đọa đày…

– Chú chỉ được cái mần vè  nói xía bọn Vẹm! Nhưng cứ như ông Quân định nghĩa và chú phụ họa thì quê hương tui…là Tân Châu, là Việt Nam.

– Thế thì tại sao anh giận tui?

– Thì tại ông…cố tổ tui nghe nói ở bên Tàu qua.

– Nói như anh thì thằng… Caubay này cũng dám bà con với ông Câu Tiễn hay ông Mohamed lắm. Có nghiên cứu cho rằng dân Việt xuất xứ từ sông Dương tử, ông Bình Nguyên Lộc thì nói có nguồn gốc Mã lai, người khác lại nói người Việt có mắt xếch như người Mông Cổ…

– Nhưng đó là lâu đời rồi chú Bảy.

– Theo tui thì lâu mau gì cũng thế thôi. Một đời người chỉ có khoảng chưa tới trăm năm. Trăm năm đó nơi nào sinh ra mình, gắn bó với mình, nuôi dưỡng mình lớn lên thì đó là quê hương. Quê hương, tổ quốc là nơi in đậm dấu ấn trong trái tim, trong tâm hồn mình hơn là một vùng địa dư.

Bến Phà Tân Châu Đi Qua Hồng Ngự. Nguồn: YouTube

– Chú nói tui nghe cũng…tạm thông. Mà chú Bảy à, thiệt ra thì tụi Việt cộng nó thương tui lắm, nó không cho tui là người Hoa đâu.

– Vậy sao anh Ba?

– Thì hồi có vụ nạn kiều năm 79, nó có cho tui “hồi hương” đâu, nó nói tui nghèo rớt mồng tơi nên cứ tạm vinh hạnh làm người Việt cái đã. Khi nào kiếm đủ 7 lượng vàng thì nó mới cứu xét.

– Vụ nạn kiều ngoài Bắc, ngoài Trung thì tui không biết chớ trong Nam thì tui rành lắm. Hoa với Việt gì anh ơi, ai có tiền thì nó tống đi để cướp của. Mà anh có muốn…khiếu kiện hãy chờ khi nào ông đương kim Thủ tướng trả lời trực tuyến thì hỏi. Ông ta rành vụ này lắm! Tui đoán cái từ đường tổ chảng của dòng họ ổng ở Rạch Giá xây bằng vàng của “nạn kiều” chứ lương Thủ tướng thì chưa đủ xây cái hàng rào!

– Thằng bịp đó đóng kịch có lần một thôi chú Bảy à! Nó có “yêu sự thật, ghét giả dối” đâu mà hỏi cho mất công.

Nói xong anh Ba nhìn Caubay vừa cười vừa hỏi:

– Còn chú, quê hương của chú là nơi đâu?

– Hỏi khó tui anh Ba! Bây giờ quê hương tui là… nước Mỹ chứ đâu!

– Vậy chú quên Việt Nam rồi sao?

– Nhớ canh cánh từng ngày chớ quên sao được anh Ba. Nhưng để tui nói cho nó rõ như vầy:

Khi bỏ nước ra đi tui cũng như mọi người tỵ nạn khác mang theo cả quê hương của mình, đó là Việt Nam. Trái tim tui đã chia ngăn để ấp ủ nó cho đến mãn đời. Riêng đối với nước Mỹ, tôi cũng không bằng lòng khi họ bỏ rơi mình, nhưng tôi hiểu đó là việc của chính quyền Mỹ, và mình cũng phải tự kiểm cái trách nhiệm về phần mình. Nhưng lỗi phải là một vấn đề phức tạp mà lịch sử sẽ phán xét. Tui mang ơn xứ sở này vì trong khi bị bọn Việt cộng hất hủi, họ đã mở lòng nhân đạo đón tiếp, đối xử tử tế, giúp đỡ cho gia đình tui mà không phân biệt nguồn gốc hay chủng tộc. Vì vậy khi quyết định xin nhập tịch, tui mặc nhiên chấp nhận nơi này làm quê hương và tự thấy có trách nhiệm phải làm tròn bổn phận của một công dân cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Cái lương tri đã khiến tui làm điều đó chớ không ai khác. Tuy vậy tui không quên quê hương xưa nên vẫn ray rứt về nỗi khổ của đồng bào tui.

– Giả dụ mai này tụi Việt cộng nó xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội, sẵn trớn quá giang mấy chiếc “tàu lạ” qua giải phóng nhân dân lao động Mỹ – cỡ như tui với chú – khỏi ách bóc lột của bọn tư bản thì chú đứng về phe ai?

San Diego skyline. Nguồn: https://medium.com

– Anh rõ khéo tưởng tượng! Tui sẽ một lòng bảo vệ xứ sở tự do này, oánh bỏ mẹ tụi Việt cộng… bành trướng đó chớ nghĩ suy gì nữa! Nếu tụi ác ôn đó mạnh quá thì tui… chạy tiếp, ở với nó sao được anh Ba! Nhưng xin nhớ là đừng lẫn lộn Việt cộng với tổ quốc Việt Nam, tụi cộng sản hay nhập nhằng băng đảng của chúng với tổ quốc, với nhân dân lắm đó! Anh hiểu tui nói gì chớ?

– Chút chút! Cái “tổ quốc Trung Hoa vĩ đại” thực ra chỉ là cái bong bóng sặc sỡ bọn bành trướng Trung cộng thổi ra nhằm lợi dụng những người gốc Hoa tha hương mà thôi. Ở ngoài làm gián điệp, làm kinh tài gởi tiền về cho chúng thì được, chớ về sống bên đó nó coi còn thua… con chó, muốn đẻ nó cũng chẳng cho.

– Rất đúng! Bọn cộng sản, dẫu Hoa hay Việt cũng chỉ một sách. Chúng chỉ bóc lột chứ có thương yêu gì người dân. Thử coi bọn Tàu cộng đối xử với “nạn kiều” ở Quảng Tây thì rõ. Chúng phủ nhận họ là người Hoa, châm biếm ngay cả cách phát âm của người Hoa từ Việt Nam. Tương tự với Việt kiều hay người Thựợng hồi hương từ Camphuchia, bọn Việt Cộng nghi kỵ, khủng bố, khinh rẻ chớ có tình nghĩa ruột già ruột non gì!

Tóm lại thì những lưu dân như chúng ta cần phải nhận chân đâu là quê hương, tổ quốc của mình và đâu là lẽ phải của đạo làm người. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn cây nào rào cây nấy cũng là những lời khuyên hợp đạo lý phải không anh Ba?

Câu chuyện đến đây thì bị cắt ngang vì cái cell phone của Caubay nó cứ rung liên hồi và trời cũng đã nhá nhem tối. Khi sánh vai nhau ra khỏi quán, anh Ba nói nho nhỏ vừa đủ cho Caubay nghe:

– Quê hương đất nước mình sao cứ điêu linh, đồng bào mình sao cứ khổ mãi, buồn quá chú Bảy ơi!

Tiếng “mình” anh Ba nói ra nghe nó cảm động làm sao!

San Diego, Aug 9, 2007.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Caubay, Nơi nào là quê hương, Blog CAUBAYTHIEM, . Đăng lần đầu . DCVOnline trình bày. 

DCVOnline: (1) Trong cuộc phỏng vấn với Mặc Lâm (RFA Tiếng Việt), tác giả bài Quê hương nói,

“Tập thơ “Cỏ Hoa Cần Gặp” (1991) thì trước khi rời Việt Nam thì nhà thơ — nhà dịch giả Hoàng Ngọc Hiến in cho tôi, và cái bản chính của nó là nằm ở tập này, không có câu cuối cùng.”

Đỗ Trung Quân

Câu cuối cùng “sẽ không lớn nổi thành người”, không phải là thơ của Đỗ Trung Quân.