Món ăn đặc biệt của Việt Nam

Nguyễn Phát Quang

Nếu đi được từ Bắc vô/vào Nam như trong trường ca Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương hay Con Đường Cái Quan của Phạm Duy để thấy cảnh mỗi nơi, giọng nói mỗi miền và văn hóa mỗi vùng thì cuộc đời thật là sung sướng biết bao.

Đặc Sản Việt Nam – Nhớ lại đôi lần

Canh chua cá linh bông điên điển đậm đà hương vị miền Tây. Nguồn: Bách hoá XANH

Thấm thoát đã hơn 2 năm thế giới bị COVID, mọi người bị ở nhà, bị giới nghiêm bị hạn chế đi lại, không đi ăn nhà hàng và cản trở đi du lịch nên Tôi ở nhà ôm TV, đọc sách vở và trao dồi kiến thức hay đi du lịch ảo trên Youtube.

Trong thời gian tiêu khiển và đi bộ thể dục Tôi nảy ra ý viết bài này để gợi nhớ, bổ túc lại môn lịch sử, địa lý đã học mấy chục năm trước về đất nước Việt Nam chúng ta. Ai cũng hãnh diên nơi mình sanh thành, nơi chôn nhau cắt rốn,với những đặc sản, đia danh, di tích, v.v. Tôi khám phá ra là Tôi thích Ăn, mê Chơi, lại hiếu kỳ; nôm na là thích Ăn Chơi !

Dịch bệnh COVID cản trở không được đi du lịch, không được đi ăn; tránh né cẩn thận suốt hơn 2 năm nhưng nay vẫn bị dính Covid/Omicron dù đã chích 3 mũi!

Tôi đã coi hơn 100 clips video và đọc hơn 100 bài phóng sự để đặt bút biên soạn “Đặc sản Việt nam − Nhớ lại đôi lần”.

Đặc Sản là gì

Trong tiếng Việt, đặc sản thường dùng để chỉ về lĩnh vực ẩm thực đặc biệt là những món ăn, thức uống, nguyên liệu, hương liệu, gia vị trong ẩm thực mang tính đặc thù của một địa phương, đặc sản thường được dùng là quà biếu trong mỗi chuyến đi du lịch. Ở phương Tây, khái niệm đặc sản (local food) là một phần của khái niệm mua bán hàng hóa địa phương và nền kinh tế địa phương[ Đặc sản, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia].

Trong bài này Tôi ‘lượm’ hết về ẩm thực (ăn và uống), trái cây và địa danh du lịch cộng thêm chút lịch sử.

Một chút Sử Địa

Từ cuối năm 1831, vua Minh Mạng bỏ các dinh, trấn và thành lập các tỉnh. Năm 1832 cả nước có 31 tỉnh, gồm:

  • Bắc Kỳ[1] (từ này đặt ra từ năm 1834) có 13 tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên.
  • Trung Kỳ[2] có 12 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.
  • Nam Kỳ[3] có 6 tỉnh: Phiên An (năm 1836 đổi tên thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Minh Mạng đặt các quan Tổng đốc (đối với tỉnh lớn) hoặc Tuần phủ (đối với tỉnh nhỏ), riêng tỉnh Thừa Thiên là Phủ doãn.

Thời kỳ 1945-1946: Việt Nam có 69 tỉnh và thành phố trong đó Bắc Kỳ gồm có 29 tỉnh, thành, Trung Kỳ gồm 19 tỉnh, thành và Nam Kỳ gồm có 21 tỉnh, thành.

Thời kỳ 1954-1975: Đến năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 2 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng) và 23 tỉnh.

Thời Việt Nam Cộng hòa, năm 1956, miền Nam có 35 tỉnh,1964: 49 tỉnh, 1974: 44 tỉnh với dân số khoảng 25 triệu.

Chi tiết đặc biệt tỉnh thành (bắc, trung, nam; miền đông, tây)

Châu thành: là một từ được sử dụng khá nhiều trong những địa danh ở miền Nam Việt Nam. Trong lịch sử, danh xưng là một tên chung để gọi “lị sở” (lỵ sở[4]) hay là “thủ phủ” của tỉnh. Sau biến thành tên riêng của cả loạt “lị sở” hay là “thủ phủ” của nhiều tỉnh ở Nam Kỳ. Ngày nay, địa danh này vẫn còn được sử dụng khá nhiều ở miền Nam Việt Nam, với 11 huyện và 4 thị trấn. Thí dụ: Huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre, Châu thành: thành phố, ‘Châu thành Sài-gòn’.

Cơm gà luộc Tam Kỳ xứ Quảng. Nguồn: Tạp chí điện tử Làng Nghề Việt Nam

Nam Kỳ Lục Tỉnh: Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán triều Nguyễn thì đất Nam Kỳ được chia thành 6 tỉnh: 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường; 3 tỉnh miền Tây là: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Miền Đông/Miền Tây: Thực tế, khi nhìn vào bản đồ Nam Bộ cũng không hiểu vì sao tỉnh này lại thuộc Miền Đông, tỉnh kia thì miền Tây[5].

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), thì Gia Định thuộc khu vực sao Khiển Ngưu. Sao này có 6 ngôi sao. Có lẽ vì thế mà triều Nguyễn chia Nam bộ làm 6 tỉnh. Trịnh Hoài Đức còn dựa theo thuyết “Sơn hà lưỡng giới” chỉ ra rằng các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường thuộc khu vực sao Dực và sao Chẩn. Các tinh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thuộc khu vực sao Dư Quỷ và sao Thuần Thủ. Có lẽ vì thế mà 6 tỉnh nói trên thuộc 2 miền Đông và Tây. Năm 1862 Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông và năm 1867 chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây. Pháp thay đổi hành chính liên tục và đến năm 1900 thì Nam Kỳ có 20 tỉnh. Khi xưa tỉnh Long An thuộc miền Đông Nam Kỳ nhưng sau năm 1975 thì thuộc miền Tây hay Đồng bằng sông Cửu Long. Đại thần Phan Thanh Giản bị vua Tự Đức giáng chức khi để  mất 3 tỉnh miền Đông (1862) và 3 tỉnh miền Tây (1867), 10 năm sau được vua Đồng Khánh phục chức, nhưng vẫn bị giới sử học mácxit bôi nhọ rồi đến 2008 mới được phục hồi phần nào!

Tổng đốc: Chức hàm quan văn ở trật chánh nhị phẩm đứng đầu một tỉnh lớn. Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát, Lãnh binh tại địa phương cấp liên tỉnh và cấp tỉnh. Ví dụ: Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu.

Sắc tộc: Theo thống kê dân số năm 2019, Việt Nam có 54 sắc tộc chia theo ngôn ngữ có 8 nhóm. Việt Nam có 98 triệu dân, trong đó có 82 triệu người Kinh (Việt), 1.4 triệu người Mường, 1 triệu người Nùng, 1.8 triệu người Tày, 1.8 triệu người Thái, 1.3 triệu người Khmer, 1.4 triệu người H’Mông, v.v.

Việt Nam năm 2022

Năm 2022, ước tính Việt Nam có 99 triệu dân ½ sống trên vĩ tuyến 17, tuổi trung bình 33.3 tuổi và tuổi thọ là 75.6.

Tháp Dân số Việt Nam năm 2022. Nguồn: https://www.populationpyramid.net/viet-nam/2022/

Việt Nam chia làm 3 vùng và 8 miền với tất cả 63 tỉnh thành. Trước đây, số lượng tỉnh thành cũ là 64. Năm 2008, tỉnh Hà Tây sát nhập vào Thành phố Hà Nội, khiến số lượng tỉnh thành từ Nam ra Bắc giảm từ 64 xuống còn 63 tỉnh và thành phố[6].

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam
63 tỉnh thành ở 3 miền Nam Trung Bắc Việt Nam. Nguồn Bankervn

63 tỉnh thành với dân số và diện tích (2019)

TỉnhTỉnh lỵDân sốDiện tích (km2)
1An GiangTp Long Xuyên 1.908.3523.536,7
2Bà Rịa Vũng TàuTp Bà Rịa 1.148.3131.980,8
3Bạc LiêuTp Bạc Liêu 907.2362.669
4Bắc KạnTp Bắc Kạn 313.9054.861
5Bắc GiangTp Bắc Giang 1.803.9503.851,4
6Bắc NinhTp Bắc Ninh 1.368.840822,7
7Bến TreTp Bến Tre 1.288.4632.394,6
8Bình DươngTp Thủ Dầu Một 2.426.5612.694,7
9Bình ĐịnhTp Quy Nhơn 1.486.9186.066,2
10Bình PhướcTp Đồng Xoài 994.6796.877
11Bình ThuậnTp Phan Thiết 1.230.8087.812,8
12Cà MauTp Cà Mau 1.194.4765.294,8
13Cao BằngTp Cao Bằng 530.3416.700,3
14Cần ThơQuận Ninh Kiều 1.235.1711.439,2
15Đà NẵngQuận Hải Châu 1.134.3101.284,9
16Đắk LắkTp Buôn Ma Thuột 1.869.32213.030,5
17Đắk NôngTp Gia Nghĩa 622.1686.509,3
18Đồng NaiTp Biên Hòa 3.097.1075.905,7
19Đồng ThápTp Cao Lãnh 1.599.5043.383,8
20Điện BiênTp Điện Biên Phủ 598.8569.541
21Gia LaiTp Pleiku 1.513.84715.510,8
22Hà GiangTp Hà Giang 854.6797.929,5
23Hà NamTp Phủ Lý 852.8860,9
24Hà NộiQuận Hoàn Kiếm 8.053.6633.358,9
25Hà TĩnhTp Hà Tĩnh 1.288.8665.990,7
26Hải DươngTp Hải Dương 1.705.0591.668,2
27Hải PhòngQuận Hồng Bàng 1.837.1731.561,8
28Hòa BìnhTp Hòa Bình 854.1314.591
29Hậu GiangTp Vị Thanh 733.0171.621,8
30Hưng YênTp Hưng Yên 1.252.731930,2
31SAI GON / Tp HCMQuận 1 8.993.0822.061
32Khánh HòaTp Nha Trang 1.231.1075.137,8
33Kiên GiangTp Rạch Giá 1.723.0676.348,8
34Kon TumTp Kon Tum 540.4389.674,2
35Lai ChâuTp Lai Châu 460.1969.068,8
36Lào CaiTp Lào Cai 730.426.364
37Lạng SơnTp Lạng Sơn 781.6558.310,2
38Lâm ĐồngTp Đà Lạt 1.296.6069.783,2
39Long AnTp Tân An 1.688.5474.490,2
40Nam ĐịnhTp Nam Định 1.780.3931.668
41Nghệ AnTp Vinh 3.327.79116.493,7
42Ninh BìnhTp Ninh Bình 982.4871.387
43Ninh ThuậnTp Phan Rang – Tháp Chàm 590.4673.355,3
44Phú ThọTp Việt Trì 1.463.7263.534,6
45Phú YênTp Tuy Hòa 961.1525.023,4
46Quảng BìnhTp Đồng Hới 895.438.001
47Quảng NamTp Tam Kỳ 1.495.81210.574,7
48Quảng NgãiTp Quảng Ngãi 1.231.6975.135,2
49Quảng NinhTp Hạ Long 1.320.3246.177,7
50Quảng TrịTp Đông Hà 632.3754.739,8
51Sóc TrăngTp Sóc Trăng 1.199.6533.311,8
52Sơn LaTp Sơn La 1.248.41514.123,5
53Tây NinhTp Tây Ninh 1.169.1654.041,4
54Thái BìnhTp Thái Bình 1.860.4471.570,5
55Thái NguyênTp Thái Nguyên 1.286.7513.536,4
56Thanh HóaTp Thanh Hóa 3.640.12811.114,7
57Thừa Thiên – HuếTp Huế 1.128.6205.048,2
58Tiền GiangTp Mỹ Tho 1.764.1852.510,5
59Trà VinhTp Trà Vinh 1.009.1682.358,2
60Tuyên QuangTp Tuyên Quang 784.8115.867,9
61Vĩnh LongTp Vĩnh Long 1.022.7911.475
62Vĩnh PhúcTp Vĩnh Yên 1.154.1541.235,2
63Yên BáiTp Yên Bái 821.036.887,7
Danh sách 63 tỉnh thành với dân số và diện tích (2019). Lưu ý: Những số liệu về diện tích và dân số các tỉnh Việt Nam 2022 ở trên chỉ mang tính tương đối, có thể thay đổi theo thời gian. Trong đó, số liệu về diện tích của các tỉnh thành được tổng hợp vào năm 2019.

Đặc Sản địa phương ở Việt Nam (2019)

Nem nắm Giao Thủy, Nam Định – món ngon tiến vua, Nguồn: http://yourvacation.vn
  1. An Giang: Khô rắn An Phú, Cốm dẹp, Tung lò mò (lạp xưởng thịt bò), Bò cạp bảy núi chiên (ngon bá cháy), Bún cá Long Xuyên, Gỏi sầu đâu (xoan) vị đắng, Mắm Châu Đốc (cá lóc, trén, chốt, linh), Cơm nị-cà púa (cơm sữa/nước dừa+ thịt bó), Quả trúc (~chanh), Đường và chè thốt nốt, Mắm ruột (cá bỏ ruột), Quả mây gai, Cà na đập. Du lịch: Làng nổi Châu Đốc, Địa điểm Tà Pa, Miếu bà chúa Xứ, Khu Thất Sơn, Chợ Tinh Biên.
  2. Bà Rịa Vũng tàu: Bánh hỏi lòng heo, ốc Vú nàng nướng, luộc, trộn gỏi, hạt bàng, Gỏi cá Mai, Tiết canh tôm hùm, bánh khọt, Cháo hàu Long Sơn, rượu áp xanh (nép+gia vị), mứt hạt bàng, mắm Trí Hải. Du lịch: Bãi sau, Côn Đảo, Linh Sơn cổ tự, Thích Ca Phật Đài, Rừng nguyên sinh Bình Châu, Long Hải.
  3. Bạc Liêu: Cao văn lầu đờn ca tài tử Dạ Cổ Hao lang, Chùa Khmer Xiêm Cán, Bún nước lèo (mắm cá sặc, cá lóc, tôm dừa xiêm) năm Hớn, Nhãn hột nhỏ Da bò từ Huế- Xứ Cơ cầu – Lẩu mắm (cá, thịt heo, rau), Xá pấu Triều Châu (củ cãi trắng khô với muối hột), bồn bồn, ba khía, đuông chà là, bánh củ cải, cá kèo, mắm cá chốt. Du lịch: Biển Bạc Liêu, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Sân chim Bạc Liêu, Nhà công tử Bạc Liêu, Chùa Xiêm Cán.
  4. Bắc Kạn: người dân tộc, măng vàu cuốn thịt, xào, nấu canh, khâu nhục ( thịt ba rọi ướp chưng), bánh ngải (nép người Tày), miếng dong Na Rì. Du Lịch: Hồ Ba Bể, Động Nàng Tiên.
  5. Bắc Giang: Rượu làng Vân, Cam Bố Hạ (sông Thương), Mì Chũ Lục Ngạn, Bánh Đa Thổ Hà, Gà Đồi Yên Thế, Vải Thiều Lục Ngạn, Bún Đa Mai, Xôi Trứng Kiến, Cua Da, Bánh Đúc Đồng Quan, Bánh Vắt Vai, Nham Cá Vân Xuyên (gỏi trám), Chè Xanh Yên Thế, Gạo Nếp Phì Điền, Na Lục Nam, Gạo Thơm Yên Dũng, Tương La. Du Lịch: chùa Vĩnh Nghiêm, Khu di tích Khuôn Thần, Suối Mỡ.
  6. Bắc Ninh: Bánh khúc làng Diềm, Cháo thái Đình Tổ, Nem bùi Ninh Xá, Bánh tro Đình Tổ, Bánh đa kế, Bánh tẻ làng Chờ, Gà Hồ, Tương Đình Tổ, Rượu làng Vân, Bánh phu thê Đình Bảng; làng tranh Đông Hồ đi vào sử sách, có làng gốm Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu. Du Lịch: Chùa Phật Tích, Hội Lim, Đền Đô,
  7. Bến Tre: Bánh tráng Mỹ Lồng (mè, dừa, nép), bánh phồng Sơn Đốc, Chuối đập (chuối xiêm nướng+ nước cốt dừa), bánh xèo ốc gạo, bánh canh bột xắt thịt vịt, Chuột dừa, Đuông dừa chấm nước mắm (nướng, chiên bơ, hấp dừa), Kẹo dừa, Rượu dừa, củ hũ dừa, canh chua cá linh so đũa, Nấm mối nướng muối ớt. Du Lịch: Khu du lịch Lan Vương, Miệt vườn Cái Mơn, chợ Lách, Khu du lịch Cồn Phụng (Đạo Dừa).
  8. Bình Dương: Bò nướng ngói, Bánh bèo bì chợ Búng, Gà quay xôi phồng, bún tôm, Cháo môn, nem Lái Thiêu, Gỏi gà măng cụt, Lẩu bò nhúng mằm ruốt, Gỏi ngói lục bình trộn tôm thịt, trái cây Lái Thiêu, Hạt điều, Mứt gừng Bình Nhâm. Du Lịch: Chùa Hội Khánh, Làng tre Phú An, Chùa núi Châu Thới, vườn trái cây Lái Thiêu.
  9. Bình Định: Nem chợ Huyện, Bún chả cá Quy Nhơn, Cua Huỳnh Đế Tam Quan, Mắm nhum (oursin) Mỹ An, Gié bò Tây Sơn, Gỏi cá Chình Trà Ô, Mực ngào Bình Định, Rượu Bầu đá, Bánh tráng nước dừa Tam Quan. Du Lịch: Đảo Kỳ Co, Eo gió, Tượng Phật Đôi, Ghềnh Ráng, mộ Hàn Mặc Tử, Tháp Đôi.
  10. Bình Phước: (xưa: Bình Long+Phước Long) Hạt điều rang muối Bình Phước, Gỏi trái điều, Heo thả rông, Cơm lam, Ve sầu sữa chiên giòn, Đọt mây nướng, Rượu cần. Du Lịch: Rừng cao su Bình Phước, Hồ Suối Lam, Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập.
  11. Bình Thuận: Bánh tráng cuốn dẻo, Bánh canh chả cá, Cá lồi xối mỡ hành, Bánh quai vạc, Bánh căn Phan Thiết, Gỏi ốc giác, Bún bò Phan Thiết, Bánh rế, Nước mắm, Bánh tráng mắm ruốc nướng, Chả cá Phan Thiết, Cốm hộc, Mì Quảng vịt Phan Thiết, Lẩu cá Bớp. Du lịch: Biển Cổ Thạch, Mũi Né, đảo Phú Quý, Tháp Chàm.
  12. Cà Mau: Ốc móng tay chúa nướng mỡ hành, Chả Trứng Mực, Cua đá rang muối, Bánh tằm, Lẩu mắm U Minh, Tôm khô Rạch Gốc, Mật ong rừng U Minh, Ba Khía Cà Mau, Rượu trái giác, Bồn Bồn Cái Nước, Chả Trứng Mực Đất Mũi, Cháo Cá Kèo Rau Đắng, Đuông Chà Là, Gỏi Nhộng Ong Rừng, Cá Leo Cây (thòi lòi) kho, Ốc Móng Tay Chúa. Du Lịch: Mũi Cà mau, Khu Vườn Chim, Rừng đước Năm Căn, Đảo hòn khoai.
  13. Cao Bằng: Vịt quay 7 vị, Rau dạ hiến, Bánh trứng kiến, Lạp xưởng thịt rừng, Hạt dẻ Trùng Khánh, Bánh áp chảo, Xôi tram, Phở chua Cao Bằng, Bánh khảo, Bánh chè Lam, Miến dong đen, Chè giảo cổ lam. Du Lịch: Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, Di tích Pắc Bó.
  14. Cần Thơ: Gỏi xoài khô cá sặc, Bánh cống Cần Thơ, Nem nướng Cái Răng, Ốc nướng tiêu, Lẩu bần phù sa, Bánh tét lá cẩm, Bánh tráng Thuận Hưng, Rượu mận Sáu Tia. Du Lịch: bến Ninh Kiều, Làng du lịch Mỹ Khánh, Chợ Nổi Cái Răng, Vườn cây trái Miệt Vườn.
  15. Đà Nẳng: (xưa tỉnh Q.Nam) Bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu da, Nước mắm Nam Ô, Đá khắc Non Nước, Bánh khô mè, Chả bò, Bê thui Cầu Mống, Khô Nai Đà Nẵng. Du Lịch: Ngũ Hành Sơn,Chùa Linh Ứng, Bải biển Mỹ Khê.
  16. Đak Lak: (phần tỉnh xưa Darlac) Rượu cây, cơm lam, măng le, bơ sáp, thịt nai, cà phê chồn Ban Mê Thuột, bò một nắng. Du Lịch: Cưởi voi ở Buôn Đôn, Hồ Lắk và Biệt điện Bảo Đại, Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin.
  17. Đak Nông: (2004 tách từ Dak Lak) Rượu cần, Canh thụt, Cà đắng, sầu riêng, hạt tiêu, cà phê. Du Lịch: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Thiền Viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, Thác Liêng Nung.
  18. Đồng Nai: (xưa Biên Hòa/Long Khánh/Phước Tuy) Gỏi cá Biên Hòa, Gà hấp bưởi, Cơm gà cá mặn, Lẩu lá khổ qua rừng, Canh chua lá giang, Dơi xào lăn, Dế cơm chiên nước mắm, Nấm mối xào tỏi, Bưởi Tân Triều, Mít tố nữ Long Khánh, Hạt ươi rừng, Rượu bưởi, Cá kìm khô. Du Lịch: Khu du lịch thác Giang Điền, Khu du lịch Bửu Long, Thác Mai.
  19. Đồng Tháp: (xưa Sa Đéc+Kiến Phong) Bánh xèo Cao Lãnh, Vịt nướng Sa Đéc, Hủ tiếu Sa Đéc, Cá lóc nướng cuốn lá sen non, Ốc lác treo giàn bếp, Dồi rắn bông súng, rắn nước, Lẩu cá linh bông điên điển, Tắc kè xào lăn, Bánh phồng tôm Sa Giang, Sen Tháp Mười, Xoài Cao Lãnh (Cát Chu/Hòa Lộc), Nem Lai Vung. Du Lịch: Vườn Quốc Gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, chùa Phước Kiểng với sen rộng 2 m.
  20. Điện Biên: Xôi nếp Hương, Pa Pỉnh Tộp (Cá nướng), Sâu chit. Du Lịch: Di tích lịch sử Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Thanh, Suối khoáng nóng Hua Pe.
  21. Gia Lai: (xưa Pleiku) Phở khô Gia Lai, Cơm lam gà nướng, Bò một nắng, Gỏi lá rừng (40 loại lá), Bún mắm nêm, Mật ong rừng, Cà phê Pleiku, Muối kiến vàng,Rượu cần. Du lịch: Biển Hồ, Núi Hàm Rồng, Chùa Minh Thành (~ Nhật).
  22. Hà Giang: Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn cùng chén nước lèo ninh xương nóng, Thắng dền (~bánh trôi nước), Phở Tráng Kìm. Du lịch: cổng trời Sà Phìn, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, Thiên hạ đệ nhất đèo Mã Pí Lèng, chợ Mèo Vạc.
  23. Hà Nam: Bún Tái Kênh, cá kho niêu Vũ Đại, bánh đa Kiện Khê, mắm cáy Bình Lục, bánh cuốn Phủ Lý, bún cá rô đồng. Du Lịch: Đình đá Tiên Phong, Đền Trần Thương, Chùa Bà Đanh (linh thiêng).
  24. Hà Nội: Phở, Bún chả, Bún thang, Bánh Tôm Hồ Tây, Chả cá Lã Vọng, Bánh cuốn Thanh Trì, Bánh cốm Làng Vòng, Bún đậu mắm tôm, Lòng nướng phố Gầm Cầu. Du Lịch: Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn, Văn miếu Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, Hồ Tây, Chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm, Cự Đà.
  25. Hà Tĩnh: Mực nhảy Vũng Áng, Gỏi cá đục, Ram bánh ướt, Hến sông La, Kẹo cu đơ, Bưởi Phúc Trạch, Cam bù (màu đỏ) Hương Sơn, Hồng Đông Lộ và hồng Tiến. Du Lịch: Biển Hoành Sơn, Khu sinh thái Sơn Kim, Núi Hồng Lĩnh, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Chùa Hương Tích.
  26. Hải Dương: Bánh đậu xanh, Gà tươi Mạnh Hoạch, Bánh cuốn chả rươi, thịt nướng Hải Dương, Vải thiều Thanh Hà, Bún cá rô đồng, chả rươi Tứ Kỳ, Bánh đa gấc Kẻ Sặt, Bánh dày Gia Lộc, Bánh lòng Kim Môn, , Bánh gai Ninh Giang. Du Lịch: Đền Kiếp Bạc, Đền Cao An Phụ, Khu di tích Côn Sơn.
  27. Hải Phòng: Bánh mì cay, Các loại ốc, Nem cua bể, Bánh đa cua, Cháo sườn – cháo cay, Bánh cuốn, Lẩu cua đồng, Bánh đúc tàu, bún tôm Hải Phòng, Giá bể Hải Phòng, Sủi dìn. Du lịch: bãi biển Đồ Sơn, chùa Hang, Cát Bà.
  28. Hòa Bình: Cá nướng sông Đà, Chả cuốn lá bưởi, Măng chua nấu thịt gà Lạc Sơn. Du Lịch: Bản Lác, Thung Nai (Hạ Long trên cạn), Mùa hoa đào, hoa mận trắng trời Mai Châu.
  29. Hậu Giang: Đọt choại, Chả cá thác lác, Sỏi mầm Phụng Hiệp (heo rừng nướng trên viên sỏi), Cháo lòng Cái Tắc với bún, Ốc Len xào dừa, Bánh xèo bông điên điển, Cá ngát (~ cá trê). Du lịch: Khóm Cầu Đúc, Bưởi năm roi Phú Hữu, Quýt đường. Du Lịch: Chợ nổi Ngã Bảy, Công viên Xà No, Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng.
  30. Hưng Yên: Bún thang lươn, Chả gà Tiểu Quan, Ếch om Phượng Tường, Thịt gà Đông Tảo, Cá mòi, Bánh cuốn Phú Thị, Bánh dày làng Giàu, Chè sen long nhãn, tương Bần, Nhãn lồng Hưng Yên, Giò bì phố Xuôi. Du Lịch: Đền Mẫu, Chùa Hiến, Văn Miếu Xích Đằng, Hàm Tử – Bãi Sậy, Phố Hiến.
  31. Tp HCM (Saigon): Cơm tấm, Hủ tiếu Nam Vang, Sủi cảo, Bột chiên, Cá dứa Cần Giờ, Bánh mì kẹp thịt, Cà phê đá, Súp cua, Phá lấu, Gỏi cuốn, Bánh tráng trộn và đủ loại món ăn 3 miền và thế giới. Du Lịch: Trung tâm thành phố Quận 1, Chợ Bến Thành, Nhà Thờ Đức Bà, Chợ Lớn.
  32. Khánh Hòa: Bún chả cá, Bánh ướt Diên Khánh, Bún sứa, Nem Ninh Hòa, Bò nướng Lạc Cảnh, Bánh căn mắm nêm, Yến sào, bánh tráng xoài, Nem chua Ninh Hòa, Mực khô/mực một nắng/mực rim/ghẹ sữa ram. Du lịch: Tháp bà Ponagar, Nhà thờ đá, bãi biển Cam Ranh.
  33. Kiên Giang: Cơm ghẹ Phú Quốc, Hủ tiếu hấp Hà Tiên , Bún kèn , gỏi cá trích, bún cá kiên giang( cá lóc, tôm), Nước mắm Phú Quốc , Rượu sim Phú Quốc, Tiêu Phú Quốc,sò mai, điệp cà xỉu Hà Tiên. Du lịch: đảo Phú Quốc, quần đảo Hải tặc, rừng tràm U Minh, Rạch Giá, Lăng mộ Mặc Cửu- Hà Tiên.
  34. Kontum: Cá tầm nấu măng, heo măng đen quay, thịt bê non nướng, gỏi lá, thịt chuột đồng, thịt nhím, xôi măng, cá gỏi kiến vàng. Du Lịch: Rừng Thông Măng Đen, Nhà Thờ Gỗ KonTum, Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray,  Thác Pa Sĩ.
  35. Lai Châu: Lợn cắp nách, heo thui luộc, thua nau ( đậu nành xay), pa dính (cá nướng), gà luộc chấm chéo tắp. Du Lịch: Đèo Ô Quy Hồ, Cao Nguyên Sìn Hồ, Ngã Ba sông Đà – Nậm Na.
  36. Lào Cai: Mầm đá (rau), Cuốn sủi (phở khan), Thắng cố (thịt và nội tạng ngựa ướp thảo quả), Lẩu cá hồi, Thịt gừng (hỗn hợp thịt lợn ướp được mang bỏ vào chum, ủ), Đồ thổ cẩm, Nấm hương Sapa, Rượu táo mèo/rượu Sán Lùng, Tương ớt Mường Khương, Mận hậu, đào. Du lich: Sapa, Núi Hàm Rồng, Đỉng Phanxipang.
  37. Lạng Sơn: Bánh cuốn trứng, Phở vịt quay,bánh Áp chao, Phở chua, Bánh cao sằng, Rượu mẫu Sơn. Du Lịch: Nàng Tô Thị, Ải Chi Lăng, Đền Kỳ Cùng, Mẫu Sơn.
  38. Lâm Đồng: (với Tuyên Đức xưa) Bánh tráng nướng Đà Lạt, Cà phê chồn, Xắp xắp Đà Lạt (gỏi đu đủ), Chả ram bắp, Bánh ướt lòng gà, bánh căn, Lẩu bò tiềm Yersin Đà Lạt, Dâu tây, Atisô, Rượu vang. Du lịch: Thác Pongour,  Khu du lịch Đà Lạt, Đồi cỏ và rừng Tà Năng.
  39. Long An: Gạo nàng thơm Chợ Đào, Rượu đế Gò Đen, Lạp xưởng tươi, đậu phộng Đức hòa, dưa hấu Long Trì, Mắm còng Cần Giuộc, Canh chua cá chốt lá me, Thanh Long Châu Thành. Du Lịch: Làng nổi Tân Lập, Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, Nhà cổ trăm cột Cần Giuộc, HappyLand.
  40. Nam Định: Phở bò, Bánh Xíu Páo, Cá nướng úp chậu, Bánh cuốn Làng Kênh, Bánh gai Nam Định, Xôi xíu, Bánh gối, Chè bưởi, Bánh nhãn, Kẹo Sìu Châu, Kẹo dồi, Lục tàu xá. Du Lịch: Biển Quất Lâm, Khu di tích Phủ Dầy, Đền Trần.
  41. Nghệ An: Cháo lươn Vinh, Mực nhảy nướng Cửa Lò, Cá mát sông Giăng, Bánh mướt(~ ướt) Diễn Châu, Bánh đa Đô Lương, Bánh ngào, Giò bê Nam Đàn, Nhút (dưa muối )Thanh Chương, Tương Nam Đàn, Bánh gai xứ Dừa, Cam Xã Đoài. Du lịch: Bãi Biển Cửa Lò, Bãi Lữ Nghệ An, Hang Thẩm Ồm.
  42. Ninh Bình: Miến lươn, Thịt dê núi, Cơm cháy ruốc, Xôi trứng kiến, Gỏi cá nhệch, Bún mọc (mộc nhĩ), Cá kho gáo, Cua đồng rang lá lốt, Bánh trôi, Rượu cần Nho Quan, Mắm tép Gia Viễn, Nem chua Yên Mạc, Nem dê. Du lịch: Tam Cốc, cố đô Hoa Lư, Tràng An, Nhà Thờ Phát Diệm.
  43. Ninh Thuận: Bún cá dằm Ninh Chữ, gỏi dông và dông nướng, Ghẹ xanh, thịt cừu và thịt dê nướng, Bánh canh chả cá, Bánh tráng mắm ruốc, nem chua Phan Rang, Nho Ninh Thuận, Táo xanh, Rượu nho, Tỏi Phan Rang. Du lịch: Tháp Chàm, bãi biển Ninh Chử, Vịnh Vĩnh Hy.
  44. Phú Thọ: Thịt chua Thanh Sơn, trám om thịt, cá kho tram, xôi quả tram, Cá Anh Vũ hấp, gà chín cựa, Cơm nắm lá cọ, Tằm cọ, Bánh tai, Rêu đá, Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc Trì, Mì gạo Hùng Lô. Du Lịch: Khu di tích đền Hùng, đền Âu Cơ, nước khoáng nóng Sơn Thủy.
  45. Phú Yên: Bánh canh hẹ, Mắt cá ngừ Đại Dương, Chả Dông, Bò một nắng, Rượu Quán Đế (cá ngựa), Cháo hàu, Cua Huỳnh Đế, Sò huyết đầm Ô Loan, Xôi Bồ Câu Tuy Hòa. Du Lịch: Vịnh Xuân Đài, Đập Tam Giang, Nhà thờ gothic Mằng Lăng (1892), gành Đá Dĩa.
  46. Quảng Bình: Cá nghéo bao tử, Khoai deo, chắt chắt xào, bánh bột lọc, bánh khoái Đồng Hới, canh trị khẩu nghiệp. Du Lịch: Biển Nhật Lệ, Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang động Sơn Đoòng.
  47. Quảng Nam: Mì Quảng, Cao lầu, Nem nướng, Bánh tráng cuốn thịt heo, Gà Đèo Le, Bánh đậu xanh Hội An, Rượu Hồng Đào, Bánh tổ, Phở sắn (khoai mì) Quế Sơn, Bánh chiên tôm ghẹ, Mít hông Tam Kỳ, Tào phớ, Chí mà phù, Chè bắp. Du lịch: Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm.
  48. Quảng Ngải: Cá niên nướng, Cá cơm, Sò điệp, Nhum Quảng Ngãi, Cúm núm Sa Huỳnh, Ram bắp, Bún cá ngừ um, Bún riêu cua, Don, Chim mía, Cá bống sông Trà, Kẹo gương, Đường phèn, đường phổi, Quế Trà Bồng, Mạch nha, Tỏi Lý Sơn. Du Lịch: Đảo Lý Sơn, Thác trắng Minh Long, Đồng muối Sa Huỳnh.
  49. Quảng Ninh: bánh gật gù, Ruốc lỗ, Sam biển, Bánh cuốn chả mực, Cà sáy (vịt lai ngan) Tiên Yên, Ngán (~ngao biển), Canh hà, Sá sùng (trùn biển), Ruốc hàu Vân Đồn, Nem chua, nem chạo, Rượu mơ Yên Tử, Chả mực. Du lịch: Vịnh Hạ Long, chùa Ngọa Vân.
  50. Quảng Trị: Bánh khoái, Thịt trâu lá trơng, Lòng sả, Cháo bột, Bún hến Mai Xá, Bánh ướt Phương Lang, Bắp hầm, Rượu nếp Tân Long, Cà phê Khe Sanh, Cao chè vằng Quảng Trị, Ớt dầm Câu Nhi, Nước mắm Thuyền Nan. Du Lịch: Nhà thờ La Vang, Thác Động Tà Puồng, khu danh lam thắng cảnh Đakrông.
  51. Sóc Trăng: Cá bống sao, Bún vịt nấu tiêu, Bánh cóng, Lạp xưởng Vũng Thơm, Mè láo (bánh rán), Bánh ống, Hủ tiếu cà ri, Khô trâu Thạnh Trị, Bánh in, Bánh pía. Du lịch: Cồn Mỹ Phước, Chùa Chén Kiểu, Chùa Dơi, Vườn cò Tân Long.
  52. Sơn La: (người Thái đen), nậm Pịa ( ruột non bò và bộ long), Cá hồi Mộc Châu, Cá suối, Bê chao, Ốc đá suối Bàng, Nộm da trâu, Cải mèo, Xôi ngũ sắc, Chè xanh, Xoài trứng Yên Châu. Du Lịch: Hồ Chiềng Khoi, Bản Mòng, Thác Dải Yếm, Di tích Mộc Châu.
  53. Tây Ninh: Thằn lằn núi bà Đen, Bò tơ Củ Chi, Ốc xu núi Bà, Bánh canh Trảng Bàng, Bánh tráng phơi sương cuốn thịt, Mắm chua Tây Ninh, Thèo lèo Tây Ninh, Nem bưởi, Muối tôm Tây Ninh. Du lịch: Núi Bà Đen, Tháp cổ Bình Thạnh, Thánh thất Cao Đài.
  54. Thái Bình: Gỏi Nhệch, Bún Bung, Bánh gai Đại Hồng, Bánh cáy làng Nguyễn. Du Lịch: Bãi biển Đồng Châu, Chùa Keo, khu sinh thái Cồn Vành.
  55. Thái Nguyên: Bánh chưng Bờ Đậu, Cơm lam Định Hóa, Trám đen Hà Châu, Chè Tân Cương, Tương nếp Úc Kỳ, Đậu phụ Bình Long, Nem chua Đại Từ, Mỳ gạo Hùng Sơn, Tôm cuốn Thừa Lâm, Bánh cóoc mò(bánh sừng bò-Tày), Bánh ngải, Trà đen Thái Nguyên, Xôi thập cẩm, Măng đắng Ngàn Me, Chuối rừng & hột, Nham trám, Bánh tro, Gạo bao thai Định Hóa. Du Lịch: Hồ Núi Cốc, Bảo tàng dân tộc Việt Nam, Thác Nậm Dứt.
  56. Thanh Hóa: Bánh răng bừa, Chả tôm Sầm Sơn, Phi Cầu Sài, Bưởi Luận Văn (màu đỏ), Cháo canh, Bánh đúc sốt, Bánh cuốn, Bánh gai Tứ Trụ, Canh lá đắng, Mắm cáy, Chè lam Phủ Quang, Rượu Chi Nê, Bánh nhè. Du Lịch: Sầm Sơn, Biển Hải Tiến, Vườn Quốc Gia Bến En, Khu bảo tồn Thiên Nhiên Pù Luông.
  57. Thừa Thiên-Huế: Bún bò Huế, nem lụi, chè Huế, cơm Hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc. Du Lịch: Đại Nội Huế, Lăng Minh Mạng vv., Chùa Thiên Mụ, Đèo Hải Vân, Biển Lăng Cô.
  58. Tiền Giang: (xưa Mỹ Tho/Gò Công) Hủ tiếu Mỹ Tho, Bún gỏi già/dà Mỹ Tho, Cháo cá lóc rau đắng, Cá lóc nướng trui, Chuối quết dừa, Chả nướng chợ Gạo, Vú sữa Lò Rèn, Mận hồng đào Trung Lương, Mắm còng Gò Công, Mắm tôm chà Gò Công. Du Lịch: Chợ nổi cái Bè, Biển Tân Thành, Chùa Vĩnh Tràng, Cù Lao Thới Sơn, cầu Mỹ Thuận, Vườn cây trái Vĩnh Kim.
  59. Trà Vinh: Bún nước lèo (mắm bò hóc,heo quay, cá lóc), dừa sáp (cơm dầy mềm), chù ụ, bánh tét cốm dẹp, mắm bò hóc, bún suông/đuông, cháo ám (nước cá luộc), nước mắm rươi , trái quách (màu nâu vị me chín và thơm), loi choi xã ớt (20 cm than như chiếc đủa), Sá pấu (củ cải muối) Cầu kè, bánh ú Đa Lộc (nép,rau ngót, thịt mở,đậu xanh). Du Lịch: Ao Bà Om, Bãi biển Ba Động, Cù Lao Long Tri, Chùa Vàm Rây.
  60. Tuyên Quang: Cam sành Hàm Yên, Bánh nếp nhân trứng kiến, Thịt lợn đen, Ngô nếp Soi Lâm, Gỏi cá bỗng sông Lô, Mắm cá ruộng Chiêm Hóa, Măng khô Tuyên Quang, Rượu ngô Na Hang, Bánh khảo, Hồng không hạt Xuân Vân, Vịt bầu Minh Hương, Chè Tuyên Quang, Thịt chua. Du Lịch: Núi Pác ta, Đền Thương, Suối khoang Mỹ Lâm.
  61. Vĩnh Long: óc lác hấp lá gừng (hấp cách thủy+ nước mắm chua cay), Cá lăng nấu ngót, Cam xoàn Trà Ôn (ít nước,ngọt thanh và thơm), Cá cháy Trà Ôn (nhiều xương-kho mía), Cá Tai tượng chiên xù, khoai lang Bình Tân (chè bà ba), trái thanh trà, Chuột đồng nướng, Bưởi năm Roi (ngọt thanh chua nhẹ, không hạt), Ve sầu sữa chiên dòn, Tôm càng xanh nướng, Bánh Tét 3 nhân (chuối,đậu,thịt mở), Chôm chôm Bình Hòa Phước. Du Lịch: Khu du lịch Vinh Sang, Văn Thánh Miếu, Chùa cổ Long An, Vườn Bonsai.
  62. Vĩnh Phúc: Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường, Bánh gio Tây Đình, Chè kho Tứ Yên, Bánh ngõa Lũng Ngoại, Su su Tam Đảo, Bò tái kiến đốt, Cá thính Lập Trạch, Gà đồi Vĩnh Phúc, Dứa Tam Dương, Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa, Bánh gạo rang. Du Lịch: Hồ Đại Lải, Nhà thờ đá Tam Đảo, Chùa Tây Thiên.
  63. Yên Bái: (Món người Thái và Tày) Xôi ngũ sắc, Cá nướng Pa pỉnh tộp, Bánh chưng đen, Thịt trâu gác bếp, Gà nướng lá mắc mật, Khoai tím Lục Yên, Dế chiên giòn, Lạp xưởng Yên Bái, Mận tam hoa Mù Cang Chải, Bưởi Đại Minh, Cam Văn Chấn, Bánh chuối Lục Yên, Chè Shan tuyết suối Giàng, Mật ong nhãn Văn Chấn. Du Lịch: Mù Cang Chải mùa lúa chin, Xã La Pán Tẩn, Hồ Thác Bà.

Ai cũng cho Tỉnh của mình là nhất, món ăn, trái cây cùng vô số ca dao. Ai cũng hãnh diện nơi mình sinh ra như Tiên Điền Nguyễn Du, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Kiên Giang Trương Khương Trinh hay Út Trà Ôn, v.v.

Con người nhân bản đâu cũng như đâu đều “dĩ thực vi tiên”. Trong việc ăn có cách ăn và món ăn. Chữ “Ăn” vì thế đã trở nên một từ nhiều nghĩa nhất và ám ảnh nhất trong ngôn ngữ người Việt.

Một số thống kê nhỏ về 63 tỉnh, thành phố

Chè hạt sen bọc nhãn lồng xứ Huế. Nguồn: https://dvpmarket.com
  • Việt Nam chia thành 3 vùng cơ bản: Bắc, Trung, Nam. Trong đó Miền Bắc có 25 tỉnh, Miền Trung 19 tỉnh, Miền Nam 19 tỉnh.
  • 5 tỉnh có diện tích lớn nhất lần lượt là: Nghệ An, Gia Lai, Sơn La, Đắk Lắk, Thanh Hóa.
  • 5 tỉnh có diện tích nhỏ nhất lần lượt là: Băc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng.
  • 5 địa phương đông dân nhất (số liệu 2019): TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai.
  • 5 địa phương có dân số thấp nhất lần lượt là: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận.
  • Tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất là Quảng Ninh với 4 th.phố: Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả.
  • Đắk Nông là tỉnh duy nhất không có thành phố trực thuộc.
  • Bình Dương là tỉnh có nhiều thị xã nhất với 4 thị xã: Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát.
  • Hà Nội là địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhất, bao gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện.
  • Hà Nam là địa phương có ít đơn vị hành chính cấp huyện nhất với 1 thành phố, 5 huyện.
  • TP Hồ Chí Minh là địa phương có GDP bình quân đầu người cao nhất, Hà Giang là địa phương có GDP bình quân đầu người thấp nhất.

Gần như mỗi tỉnh đều có một biệt danh như:  xứ Tràm (Khánh Hòa), xứ Dừa (Bến Tre), đất Mũi (Cà mau), miền Đất võ (Bình Định), xứ Nghệ (Nghệ an+Hà Tỉnh), xứ Nậu (Phú Yên), xứ Mắm ( Châu Đốc), miền Đồng tháp (Sa Đéc), xứ Thanh (Thanh Hoa/Hóa), v.v.

Saigon ngày nay

  • Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập huyện Tân Bình thuộc phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Phủ Gia Định khi đó bao gồm Sài Gòn và các tỉnh xung quanh hiện nay (Tây Ninh, Long An…) còn huyện Tân Bình là chỉ vùng đất Sài Gòn. Như vậy Saigon đã có hơn 300 năm.
  • Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ “Lũy Sài Gòn” (theo chữ Hán viết là  “Sài Côn”). Đây là lần đầu tiên chữ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam.
  • Ngày 15 tháng 3 năm 1874, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn, rộng khoảng 3 Km2, gồm 1 phần nhỏ quận 1 hiện nay. Đến năm 1940: 50 Km2, Saigon /Cholon có khoảng 256 000 dân.
  • Năm 1931 Khu Sài Gòn – Chợ Lớn được thành lập, bao gồm Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn. Năm 1941 Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn. Năm 1949, Sài Gòn trở thành thủ đô của Quốc gia Việt Nam.
  • Năm 1949: 1.2 triêu, 1954: 2 triệu với 6 quận, 1959: 8 quận, 1967: 9 quận, 1969: 11 quận.

Saigon năm 2020 có 18 quận, 1 thành phố (Thủ Đức), 5 huyện, với 9.3 triệu người, nếu tính không đăng ký chổ ở thì là gần 14 triệu người.

Thành phố Saigon hiện nay có diện tích rộng 2.095 km², lớn hơn gấp 30 lần so với Sài Gòn trước năm 1975 (67,5 km²). Thành phố ngày nay bao gồm toàn bộ đô thành Sài Gòn cũ, cộng thêm toàn bộ tỉnh Gia Định, quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương và quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa cũ.Đông tây: 75 Km, Tây bắc –Đông nam: 150 Km. Tuy rằng sau 1975 không còn tên Saigon nữa nhưng đa số dân đầu dùng chữ Sài gòn.

Thu nhập bình quân đầu người là 7 triệu đồng/tháng, đứng hạng thứ nhì sau tỉnh Bình Dương và trước Hanoi. Saigon góp 30% tổng thu ngân sách của cả Việt Nam.

Saigon và Hà Nội thay phiên thêm Huyện, sửa đổi diện tích để hơn nhau. Tỉnh Sơn Tây và Hà Đông không còn, hay Gia Định, Biên Hòa cũng mất luôn.

Saigon, thiên đường ẩm thực hàng đầu Việt Nam. Nơi đây có quá nhiều món ngon từ truyền thống đến mới lạ để bạn tha hồ lựa chọn cho dân ‘Ăn Rành’. Trong đó, nói về đặc sản, bạn không thể không nhắc đến Cơm tấm, Hủ tiếu Nam Vang, Sủi cảo, Bột chiên, Cá dứa Cần Giờ, Bánh mì kẹp thịt, Cà phê đá, Súp cua, Phá lấu, Gỏi cuốn, Bò 7 món vv. món ăn có hương vị khác biệt mà du khách nào tới Saigon cũng nên thử một lần.

Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng…    

Sài Gòn ơi vĩnh biệt (Nam Lộc)

Lời kết

Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên tại Saigon, được hấp thụ nền văn hóa Á đông và Âu tây, nơi đây có đủ món ăn Tây, Tàu, Ta, Bắc, Nam, Trung, v.v. Nay sinh sống tại Montreal/Canada văn minh tiến bộ với nền văn hóa Anh Pháp, tôi cho thiên đường là đây…

Tôi cũng đi qua hơn 30 tỉnh thành Việt Nam cùng thưởng thức biết bao món ăn đặc sản nơi đó.

Món cơm gia đình mà tôi ưa thích có hương vị 3 miền là:

  • Canh chua cá Linh bông điên điển miền Tây
  • Gà luộc Tam Kỳ xứ Quảng
  • Nước mắm nhĩ Phú Quốc
  • Rau muống luộc Thanh Chiểu xứ Đoài
  • Tương bần Hưng Yên
  • Cơm gạo nàng thơm Chợ/Rạch Đào
  • Chè sen hồ Tịnh Tâm bọc nhãn lồng Thành nội xứ Huế
  • Trái dừa Xiêm Bến Tre
Dừa Xiêm mang chất riêng của xứ dừa Bến Tre. Nguồn: https://duaxiembaconut.com

Mong rằng bài viết này đem lại cho độc giả những ký ức đẹp của thời thơ ấu và những địa danh hấp dẫn.

Nếu đi được từ Bắc vô/vào Nam như trong trường ca Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương hay Con Đường Cái Quan của Phạm Duy để thấy cảnh mỗi nơi, giọng nói mỗi miền và văn hóa mỗi vùng thì cuộc đời thật là sung sướng biết bao. Được như vậy là có số hưởng.

Mùa Phục Sinh 2022

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, trình bày và phụ chú

[1] Bắc Kỳ, Wikipedia dẫn Hữu Ngọc “Wandering through Vietnamese Culture”. Thế giới publishers, 2004, reprinted April 2006 & 2008, 1 124 pp. ISBN 90-78239-01-8 và Forbes, Andrew, and Henley, David: Vietnam Past and Present: The North (History and culture of Hanoi and Tonkin). Chiang Mai. Cognoscenti Books, 2012. ASIN: B006DCCM9Q.

[2] Trung Kỳ, Wikipedia

[3] Nam Kỳ, Wikipedia

[4] Từ chữ Hán “省蒞”, phiên âm là tỉnh lỵ

[5] Miền Tây là các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (sông Mekong) và nằm ở hướng tây, theo trục bắc-nam, của miền Nam Việt Nam. Tuy Long An không tiếp giáp với sông Mekong nhưng phần lớn vùng đầm tháp mười – vùng ngập nước của sông Cửu Long năm trên đất tỉnh Long An. Miền Đông là các tỉnh không ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và nằm ở hướng đông, theo trục bắc-nam, của miền Nam Việt Nam.