Những học sinh khóa đầu tiên trường Petrus Trương Vĩnh Ký

Lê Văn Cư (Thừa Phong)

Trường Petrus Trương Vĩnh Ký mở cổng khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1927, tính đến nay đã 68 năm! Trong khoảng thời gian đó bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu, bao nhiêu lớp người thay, bao nhiêu lần vật đổi? Hai thế hệ người đã tiếp tục trôi qua. Lớp con cháu của những người được hân hạnh làm khóa sinh đầu tiên của trường, có thể đã ngồi vào bàn học, nơi ông cha của họ đã ngồi.

Cổng trường Petrus Trương Vĩnh Ký, Saigon. Nguồn: delcampe.net

Giờ này nghe câu hỏi trên, các bạn trẻ sẽ lắc đầu cho là chuyện đời xửa đời xưa. Đúng vậy. Chuyện đã gần 70 năm qua không gọi là xưa thì gọi là gì? Những người trong lứa tuổi tám mươi ngoài mà hàng ngũ lần lượt thưa thớt, sẽ nhìn vào khoảng trống xa xăm lắc lư đầu… nghĩ ngợi cố tìm lại một gì đã mất. Đó là những kỷ niệm của một thời rất trẻ, lứa tuổi 13 đến 15, vừa bước chân vào trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký. Những người này giờ đây còn bao nhiêu? Họ ở đâu?

Tôi không biết các khóa học sau đó có gì đặc biệt không, chớ niên khóa mở màn 1927-1928 có đến 5 cậu học sinh quá trẻ phải xin miễn tuổi (dispense d’âge ) cho đủ tuổi quy định để vào bậc trung học. Năm khóa sinh tí hon này được các giáo sư người Pháp gọi là les cinq moustiques (năm con muỗi). Đặc điểm thứ hai là trong số khóa sinh khóa đầu này lại có cậu trùng tên trùng họ, tên chỉ khác nhau bằng dấu nặng, dấu hỏi và không dấu. Giáo sư người Pháp không đọc được chữ Việt có dấu, không phân biệt được, nên nhà trường phải ghi thêm sinh quán của mỗi đứa sau cái tên cúng cơm, như :

– Lê Văn Cự (Tây Ninh)

– Lê Văn Cử (Thủ Dầu Một)

– Lê Văn Cư (Chợ Lớn)

Hai người số 1 và 2 trên đây bỏ học nửa chừng, đến năm thứ 3 không còn thấy họ nữa. Còn lại một người đang ghi lại những kỷ niệm này, là một trong số 5 con muỗi. Con muỗi thứ 2 là Nguyễn Tăng Nguyên, ba người kia không theo học hết khóa, ra đời sớm, lạc lõng trong đám chợ người không còn nghe tông tích nữa. Riêng sau khi học xong bậc Trung học ở trường Petrus Trương Vĩnh Ký, ra Hà Nội tiếp tục đèn sách, sau đỗ Bác sĩ Y Khoa. Trở về Saigon mở phòng mạch trị lao phổi ở đường Phan Thanh Giản (đoạn đường này hồi thời Tây gọi là Général Lizé, gần bệnh viện Bình Dân. Sau đó có thời làm Tổng Trưởng Y Tế dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau 1975 Nguyên di cư qua Pháp rồi qua đời ở xứ của Thủ Đô Ánh sáng. Một bạn đồng khóa khác tên Nguyễn Minh Mẫn cũng trở thành bác sĩ Y Khoa trị bệnh tổng quát (médecine générale), cũng có phòng mạch ở đường Phan Thanh Giản. Nghe đâu Mẫn chết sớm vì lao lực. Xin trở về năm 1927 là đầu đề bài này.

Một số không biết chắc là bao nhiêu, ước chừng hơn 100 học sinh “bổn xứ” (section indigène) của trường Tây Chasseloup-Laubat (đầu thập niên 50 được đổi thành Jean – Jacques Rousseau, rồi sau Lê Quí Đôn), được dời qua học khóa đầu tiên của trường Petrus Trương Vĩnh Ký mới xây cất còn dang dở. Thành phần gồm có 2 lớp học sinh “externe”, một số học sinh ăn nghỉ trưa ở trường gọi là demi-pensionnaire, và một ít nội trú, ăn ở luôn trong trường. Thời đó giới trí thức người Việt hay dùng tiếng Pháp. Không ai để ý dịch ra tiếng Việt. Ví dầu có muốn dịch cũng chỉ có thể dùng danh từ interne ra là nội trú rát sát nghĩa. Danh từ demi-pensionnaire (bán trú) thì dịch ra quá dài dòng, còn danh từ externe thì không kém luộm thuộm. Cho nên người ta cứ dùng tiếng Pháp. Đám học sinh externe phần lớn là con nhà nghèo không được cấp học bổng trong cuộc thi tuyển để nhập học. Thành phần này đông đảo nhất, mỗi ngày hai lượt đi hai lượt về, làm cho không khí trường sở náo nhiệt. Họ chia ra nhiều nhóm nhỏ, năm hoặc mười người, chuyện trò, đùa nghịch, kết thân với nhau. Đối với học sinh lớp khác, nhất là đối với dân nội trú, họ gần như hoàn toàn xa lạ. Biết tên nhau chỉ nhờ đọc quyển niên giám của trường, trong có danh sách của toàn thể học sinh, trong những buổi lễ phát thưởng hàng năm tổ chức trước ngày nghỉ hè tháng bảy. Sự cách biệt đó được các ông giám thị thi hành nghiêm nhặt, sợ cái đám externe truyền vi trùng “ba gai” cho các đám kia.

Bọn externe chúng tôi – muốn gọi là ngoại trú, nhưng bị chê là dịch ẩu giả, vì có trú gì đâu, chỉ có đến trường học xong rồi về nhà tự xem mình ở ngoài vòng kiểm tỏa của các vị giám thị. Chúng tôi đùa giỡn tự do ngoài khuôn viên nhà trường thì còn sợ ai? Hằng ngày tụ họp dưới bóng cây dầu cao ngất trồng bên đường Charles Thompson (sau là Hùng Vương), chờ chuông trường reo lên mới được phép vào cổng. Con đường Nancy sau đổi tên là đường Cộng Hòa, thường hay lầy lội vào mùa mưa vì xe bò chở gạch cát để xây trường, vấy bùn lên bám vào đôi guốc cây, nên ít ai dùng. Vả lại con đường này trơ trụi không có bóng cây làm nơi tụ họp. Nhà tôi ở vùng Chợ Lớn. Tôi dùng xe điện đi từ ga Chợ Lớn cũ tới ga Nancy là trạm cuối cùng trên đường Galliéni (sau là Trần Hưng Đạo). Từ ga Nancy trở ra phía Saigon có một vùng ô rô và lục bình rộng mênh mông. Xuống trạm xe điện Nancy còn phải đi bộ gần một ngàn thước mới tới cổng trường.

Trần Văn Lắm, Bộ Trưởng Ngoại Giao VNCH. Tại Pháp, ngày 28-2-1973, trong phòng khách sạn, ngồi trên ghế bành, đọc báo LE FIGARO. (Ảnh của Jean-Claude Deutsch/Paris Match qua Getty Images)

Ít lâu sau thấy hành trình như vậy bất tiện và tốn nhiều thì giờ, gia đình tôi mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ. Tôi dùng nó mỗi ngày đi lại trên con đường Hùng Vương là đường sắt xe hỏa Saigon-Mỹ Tho, đặt trên một xẻo ruộng, mùa mưa còn được cấy lúa. Cũng từ Saigon vào Chợ Lớn bên phải là một vùng nghĩa địa, mồ mả rải rác, sau này nhà triệu phú Hoa kiều Hui Bòn Hỏa xây nhiều biệt thự trên đó. Chúng tôi thường chơi đá bóng trên bãi tha ma này, chờ chuông nhà trường reo lên để hối hả đạp xe nước rút vào trường, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đường Hùng Vương từ Chợ Lớn ra nối với đường Chasseloup-Laubat từ Saigon vào, nơi giáp nối có một cổng, mỗi khi xe hỏa đến, người gác cổng hạ hai cây cản bằng tre xuống ngăn người và xe cộ qua lại. Kế bên cổng có một căn nhà nhỏ của Sở Hỏa xa dùng làm chỗ ở cho người gác cổng. Đối diện với cổng trên giao điểm hai đường Chasseloup Laubat và Charles Thompson có mấy gian nhà lá của tư nhân, bán nước trà Huế giải khát và chút ít kẹo bánh cho học trò, nơi đây chúng tôi thường đến tránh mưa. Mùa nắng chúng tôi núp dưới bóng cây dầu trên đường Hùng Vương là nơi tụ họp thường xuyên của đám externe có thêm đám học sinh ăn ở trưa trong trường (demi-pension) nhập bọn mỗi buổi sáng. Nhờ đó chúng tôi quen với vài người như Huỳnh Công Cẩn, Văn Ngọc Đậu và đặc biệt là Trần Văn Lắm.

Huỳnh Công Cẩn làm giảng nghiệm viên ở Đại học khoa học Saigon, giờ này có thể còn sống ở Saigon. Tôi gặp lại Văn Ngọc Đậu trên bước đường tha hương ở Kompong Cham (Cam Bốt), nơi đây anh giúp việc cho nhà máy phát điện của thành phố. Sau 1949 tôi trở về Saigon, Trần Văn Lắm đã trở thành một nhân vật quan trọng hàng đàu của thời đại. Sau khi học xong ban trung học ở trường Petrus Trương Vĩnh Ký, anh ra Hà Nội học Dược khoa, cùng lúc với Nguyễn Tăng Nguyên, Dương Tấn Trương… Sau khi tốt nghiệp Lắm về Saigon lập viện bào chế Cường Lắm (trước năm 1945). Rồi bước vào hoạt động chính trị, đắc cử dân biểu Hạ viện, rồi Chủ Tịch, rồi Tổng Trưởng ngoại giao cho tới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhiệm sở cuối cùng của anh là Úc Châu. Anh ở luôn xứ này cho đến lúc lâm chung. Trong đám “du học” Hà Nội còn có Dương Tấn Trương, em của giáo sư Dương Văn Canh dạy chúng tôi môn Pháp Văn và Sử Địa. Tôi biết Trương học luật ở Hà Nội, khi về Saigon anh khoác áo luật sư, lại còn đâm ra viết báo với bút hiệu Tiểu Nguyên Tử, giữ mục hàng ngày của một tờ báo lớn, chuyên viết truyện châm chọc những nhân vật có máu mặt đương thời, với ngòi bút duyên dáng và sắc bén. Khóa năm 1927 còn có anh Nguyễn Kim Thọ, có bộ vó con nhà võ. Anh thích luyện tập môn quyền Anh và chơi bóng tròn rất hay. Anh là linh hồn của hội bóng tròn của trường, thường mang nhiều thành tích tốt cho hội nhà trong những cuộc tranh tài với trường Chasseloup Laubat.

Trần Bạch Đằng bí danh Tư Ánh, bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định những năm 1967-1971. Nguồn: https://tuoitre.vn/

Số đông những người học hết bậc trung học, mang mảnh bằng ra bươn chải với đời. Người chọn ngành thương mại, kinh doanh như anh Đặng Phước Cự, có cơ sở xuất nhập cảng ở đường Nguyễn Huệ, Saigon. Khiêm tốn hơn nhiều, có bạn Bùi Văn Nên làm chủ một cửa hàng tạp hóa đối diện với chùa Ngọc Hoàng ở Dakao. Nhiều anh trở về sinh sống ở quê nhà rồi mất tích luôn. Chắc chắn cò nhiều ngươi vào bưng biền kháng chiến chống Pháp năm 1945 rồi trở thành những cán bộ trung kiên của Cộng Sản, như Trần Bạch Đằng hiện trong hàng ngũ chóp bu và cũng là lý thuyết gia của Cộng Sản. Đa số dùng mảnh bằng làm phương tiện tiến thân trong quan trường cho đến cuối con đường quan lộ. Trong số phải kể anh Phạm Văn Ích làm Tổng Giám Đốc thuế vụ cho đến năm 1975, Lê Văn Thu sau giữ chức Tổng Trưởng Tư pháp thời Việt Nam Cộng Hòa đến ngày Cộng Sản thôn tính miền Nam. Lê Văn Thới, giáo sư Vật Lý học của trường và trở thành Tổng Cục Trưởng Nguyên tử lực Cuộc. Kẻ hèn này thuộc vào công chức kiếm cơm, lặn lội trong quan trường cho đến ngày trả ghế về hưu vào năm 1969, rồi dùng những ngày tàn của đời mình để trông mây ngắm nước, lựa chữ chọn vần, ráp nối thành những câu gọi là thơ không có công dụng rõ ràng. Nếu nhờ một tình cờ nào đó có những ” cố nhân ” biết được, họ không khỏi nở một nụ cười mai mỉa.

G.s Vật lý Petrus Trương Vĩnh Ký Lê Văn Thới.  1958-1975: Khoa trưởng Khoa học Đại học đường Saigon, Trưởng ban Hóa học, Viện trưởng Viện Đại học Saigon, Tổng Cục Trưởng Nguyên tử lực Cuộc, Chủ tịch Uy ban Khảo cứu Khoa học, Giám đốc Tủ sách Khoa học, Chủ tịch Uy ban soạn thảo Danh từ Chuyên môn. Nguồn: http://vietsciences.free.fr/

Giờ đây, ngồi kiểm điểm lại những khuôn mặt quen thời đó, tôi không khỏi cảm thấy buồn cho những người bạn đồng khóa 1927, vì lý do này hay lý do khác, phải gãy gánh dọc đường, bỏ dở học hành quá sớm! Tôi chợt nhớ anh bạn Ông Kiến Minh, có máu người Trung Hoa, là bạn học lâu năm nhất và thân thiết nhất của tôi. Chúng tôi học cùng lớp trong suốt những năm tiểu học. Anh là học sinh giỏi nhất, tánh tình hiền hậu, có biệt tài vẽ giỏi, viết chữ đẹp nên luôn luôn được thầy giao phó công việc giữ sổ điểm danh và cũng là sổ phê điểm học trò trong lớp. Mỗi tháng phải cộng điểm và xếp hạng học sinh. Nhà anh ở khu Chợ Lớn cũ, gần dốc cầu Chà Và. Gia đình anh có một quầy hàng nhõ bán kim chỉ, một ít vật dụng và sách vở chữ Việt, đặc biệt là những pho truyện Tàu, từ Phong thần, Thuyết đường, Tống Dịch Thanh, Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, Tam Quốc, Thủy Hử. Anh ở đối diện với dãy phố người Ấn Độ bán vải, cách chiếc cầu sắt bắt ngang con kinh Tàu Hủ (Arroyo chinois) độ mười thước tây. Cầu sắt này có tên là cầu Chà Và. Người đi bộ qua cầu phải đi qua một đoạn đường hầm gọi là Cầu Hang. Cầu Hang khá rộng đủ chỗ cho người qua lại, thường dùng làm chỗ hành nghề cho mấy ông thầy mù đoán vận mạng người qua đường nhận chút ít tiền công. Vào những ngày thứ năm và chủ nhật nghỉ học, Minh mang một số truyện Tàu ra bày bên lề đường Cầu Hang câu đọc giả. Những tập sách mỏng lối 30 trang, bày trước mắt người qua lại cũng được nhiều người chiếu có. Khách ngồi bẹp xuống nền xi măng đọc ngấu nghiến và tỏ vẽ khoái trá , xong trả hai xu tiền mướn sách. Tôi là đọc giả thường xuyên mà khỏi phải trả tiền. Nhờ vậy tôi đã đọc gần hết những truyện Tàu của anh. Anh vào học ban trung học khọng lâu rồi nghỉ học và lập một nhà bào chế thước cao đơn hoàn tán, tranh thương với nhà thuốc Võ Đình Dần, Ông Tiên . . Sau khi ra trường tôi sống ở xứ Chùa Tháp. Hơn 20 năm sau tôi mới gặp lại anh. Lúc bấy giờ anh dời về ở một xóm mới mở rộng, gần Chợ Lớn mới. Anh mất đi vào năm 1952, tôi có đến phúng điều và đưa anh đến an nghỉ cuối cùng.

Cầu Chà Và, Quận 8. Nguồn: Photos via Flickr user manhhai

Trên đây tôi đã nhắc lại một số người ở một thời xa xôi. Một số đã thành danh, một số lớn không được đời ưu đãi phải sống một cuộc đời không mấy sáng sủa. Một số thuộc vào hàng lục lục thường tài lỡ ông lỡ thợ sống với một mức sống tầm thường, phó mặc cho hoàn cảnh đảy đưa. Tôi thuộc vào hạng người này. Có thể tôi không nhớ đến một số người nữa vì quá lâu mất liên lạc.

Để chấm dứt tôi phải nhắc đến các vị giáo sư đầu tiên của trường, những người có công lớn dạy dỗ học sinh khóa 1927 được thành danh, làm rạng danh cho trường. Tôi xin thay mặt các bạn đồng khóa để nói lên đây dù quá muộn, đôi lời tri ân sâu xa.

Đứng đầu là giáo sư Dương Văn Cảnh, dáng người thanh lịch, đẹp trai cốt cách hào hoa phong nhã luôn luôn mặc âu phục đúng thời trang, cổ thắt nơ papillon màu rượu chát đỏ. Ông có tài hùng biện nhất trong ban giáo sư trong có nhiều giáo sư người Pháp. Ông không hề mang theo một quyển sách hay cả một mảnh giấy gì trên tay khi vào lớp giảng bài. Câu đầu ông hỏi học trò là “Hôm trước chúng ta đến đâu rồi?” Tiếp theo là ông thao thao bất tuyệt nói đến hết giờ rồi đi ra. Ông giảng rất hay, rất sâu sắc, duyên dáng và hấp dẫn học sinh, dù là môn văn chương Pháp, Sử ký hay Địa dư.

Chắc chắn những khóa sinh năm 1927 không quên giáo sư Đặng Minh Trứ có dáng điệu cởi mở, có lối hành văn gọn ghẽ và rõ ràng để thu phục sự kính phục của học trò. Về phía giáo sư người Pháp có bà Caricaburu có sắc đẹp và một khoảng tình ái đầy sóng gió.

Một người đáng nhớ nữa là giáo sư Lê Văn Kiêm mặt nghiêm trang đúng với một nhà mô phạm. Ông chỉ nhìn thẳng dường như không hề để ý đến đám học trò ngồi ngay trước mặt mà chỉ lưu tâm đến những con toán ôngviết trên bảng đen. Mỗi ngày ông đến trường bằng chiếc ô-tô hiệu Citroën sơn đen do anh Lê văn Chim lái. Anh Lê văn Chim sau này đọat giải quán quân quần vợt Mã Lai Á, làm rạng danh Việt Nam với môn thể thao quý phái này. Quý vị tiền bối khả kính trên đây nay đã ra người thiên cổ. Xin thành kính gởi một nén hương lòng đến quý vị ấy.

Cuối cùng tôi không khỏi có chút tự hào đã có mặt trong đám khóa sinh năm 1927, đã đào tạo ra một số nhân tài hữu dụng mà tên tuổi vẫn được người đời nhắc tới. Tôi không biết có hình dung từ nào thật đúng để chỉ họ không? Và nếu linh hồn còn lai vãng trên đường Nancy, họ có buồn lòng thấy tên trường của họ bị thay tên không?

Thừa Phong – Lê Văn Cư (Chợ lớn), 1995

***

DCVOnline: Về tác giả Lê Văn Cư (1914 – ?) | Theo bài “Thi sĩ trào lộng : tế nhị – lê văn chính ( 1907- saigon 1986)” của Đường Bá Bổn (một bút danh khác của Thế Phong, Đỗ Mạnh Tường) thì thư ủy quyền của thi sĩ Tế nhị – Lê Văn Chính ( 1907- saigon 1986) cho một người bạn, ông Lê Văn Cư, thì bút hiệu của ông là Thừa Phong thay vì Thuần Phong như nguồn trong Magazine Good Morning | 2 novembre 2014 đã ghi.

Cũng theo Đường Bá Bổn, thi sĩ Thừa Phong có một số tác phẩm đã xuất bản và những tác phẩm khác:

  • Mùa Gió loạn (thơ trào lộng, 1985)
  • Những áng mây chiều (thơ mới, 1985)
  • Như cánh nhạn bay (thơ cổ điển, 1986)
  • Đường thi ( thơ dịch, 1986)
  • Thơ xa luân (đặc thể, 1986)
  • Những mảnh tình xuân (1986)
  • Đường thi: 236 bài Đường thi dịch ra thơ Việt (1986)
  • Tôi làm thơ (hồi ký, 1991)
  • Còn mấy mùa hoa ( tạp ghi) đang biên soạn
Title/TựaMùa gió loạn : thơ / Thừa-Phong.
Author/Tác giảThừa Phong, 1914-
Publisher/Nhà xuất bảnBirmingham, Alabama: Lê Văn Cư, 1985
Original from/GốcThe University of Michigan, HathiTrust Digital Library
Digitized/Số hóa19 May 2006
Length/Số trang179 pages
Title/TựaNhư cánh nhạn bay : Thơ cổ-điển / Thừa Phong Lê Văn Cư.
Author/Tác giảThừa Phong
Publisher/Nhà xuất bảnBirmingham, Alabama: Lê Văn Cư, 1985
Original from/GốcThe University of Michigan, HathiTrust Digital Library
Digitized/Số hóa17 May 2008
Length/Số trang161 pages
Title/TựaĐường thi: 236 bài Đường thi dịch ra thơ Việt / Dịch giå: Thừa Phong.
Contributor/Dịch giảThừa Phong, 1914-
Publisher/Nhà xuất bảnBirmingham, Alabama : Thừa Phong, 1986
Original from/GốcThe University of Michigan, HathiTrust Digital Library
Digitized/Số hóaN/A
Length/Số trang220 pages

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Lê Văn Cư (Thuần Phong),  Những học sinh khóa đầu tiên trường Petrus Trương Vĩnh Ký” | AEJJR – Amicale des anciens élèves du lycée Chasseloup-Laubat / Jean-Jacques Rousseau de Saigon – Site internet :  http://aejjrsite.free.fr | Magazine Good Morning | 2 novembre 2014 | © D.R. petruskylhp.org/Lê Văn Cư.
DCVOnline trình bầy bổ túc.