Tam giác bạo lực của Johan Galtung trong phạm vi lý thuyết xung đột

Kalpalata Dutta | Trà Mi

Trong bài viết trước trên blog về mối liên hệ giữa xung đột và nhân quyền, tôi đã nói về xung đột bạo lực và mối liên hệ của nó với nhân quyền. Trong bài này, chúng ta sẽ cố gắng hiểu các loại hoặc chiều khác nhau của bạo lực bằng cách dùng khung lý thuyết xung đột do Johan Galtung1 đề xướng.

Tam giác xung đột của Johan Galtung

Chúng ta hiểu bạo lực như thế nào?

Johan Galtung giải thích bạo lực theo ba chiều của nó; bạo lực trực tiếp, bạo lực cấu trúc và bạo lực văn hóa. Ông cho rằng những khía cạnh bạo lực này có thể được mô tả như ba nhánh của một tam giác.

Bạo lực trực tiếp

Bạo lực trực tiếp là những gì chúng ta thấy và kinh qua. Vì vậy, nó có thể là bạo lực thể chất như tấn công thể xác, giết chóc, v.v. Cùng với đó, nó cũng có thể là bạo lực tâm lý hoặc hành động gây chấn thương, lo lắng hoặc căng thẳng.

Bạo lực cấu trúc

Bạo lực cấu trúc xây dựng trong cấu trúc xã hội. Hệ thống tạo thành xã hội được. Những hệ thống này gồm có: luật pháp và những thể chế thiết lập để thi hành chúng, những hệ thống kinh tế như thị trường, những mối quan hệ xã hội, những thể chế tôn giáo và hoạt động của chúng, cũng như trong nhiều trường hợp, những thể chế của quân đội.

Những hệ thống này tương tác với nhau để tạo ra mối quan hệ quyền lực phức tạp. Chúng ta có thể đo lường quyền lực bằng mức độ sở hữu tài nguyên, có quyền quyết định và có cơ hội. Có thể cấu trúc của một xã hội dẫn đến việc gạt ra ngoài lề một số nhóm người nhất định hoặc phân biệt đối xử với họ. Những điều này dẫn đến việc xâm phạm quyền con người.

Bạo lực như vậy không phải lúc nào cũng có chủ đích; nó là một sản phẩm của những cấu trúc có sẵn trong xã hội. Galtung cũng dùng thuật ngữ ‘bất công xã hội’ để giải thích bạo lực cấu trúc.

Bạo lực văn hóa

Bạo lực văn hóa đề cập đến thái độ hoặc niềm tin phổ biến dùng để hợp pháp hóa bạo lực mang tính trực tiếp hoặc cấu trúc. Chúng gồm cả những định kiến hoặc khuôn mẫu hiện hữu trong xã hội, đã được cá nhân nội tâm hóa. Những khuôn mẫu biểu hiện trong những tương tác giữa mọi người với nhau.

Liên kết Tam giác bạo lực với Mô hình tảng băng trôi

Tam giác bạo lực với Mô hình tảng băng trôi

Galtung cho rằng ba hình thức bạo lực này nuôi dưỡng và củng cố lẫn nhau. Trong khi có thể nhìn thấy được bạo lực trực tiếp, thì bạo lực cấu trúc và văn hóa không quá để nhận thấy rõ ràng trong xã hội.

Nếu dùng mô hình tảng băng trôi đã thảo luận trong bài viết trước về mối quan hệ giữa xung đột và nhân quyền, chúng ta có thể nói rằng phần nổi của tảng băng đại diện cho bạo lực trực tiếp. Bạo lực cấu trúc và bạo lực văn hóa là một phần của tảng băng trôi nằm dưới mực nước vì không thể nhìn thấy chúng.

Ví dụ: Hiểu về Tam giác Bạo lực của Johan Galtung trong Bối cảnh của Lý thuyết Xung đột

Hãy lấy ví dụ về bạo lực đối với phụ nữ như tôi đã trình bầy trong bài viết về mối quan hệ giữa xung đột và quyền con người, để giải thích các khía cạnh khác nhau của bạo lực.

Bạo lực gia đình hoặc các hình thức bạo lực khác mà phụ nữ và thiếu nữ (phái nữ nói chung) phải đối phó trong xã hội là một ví dụ về bạo lực trực tiếp. Nó có thể nhìn thấy và chúng ta có thể dễ dàng xác định những kẻ gây ra bạo lực đó.

Nhưng, bạo lực gia đình có phải là vấn đề cá nhân/riêng tư giữa hai cá nhân? Nói cách khác, trừng phạt chồng đánh vợ liệu có giải quyết được vấn đề bạo lực gia đình hay không?

Có và không.

Đúng vậy, việc trừng phạt người chồng có thể giải quyết vấn đề giữa cặp vợ chồng đó. Tuy nhiên, hình phạt như vậy chỉ có thể thực hiện được nếu có luật về bạo lực gia đình. Có nghĩa là, cấu trúc pháp lý của xã hội công nhận bạo lực gia đình là sai trái và làm luật chế tài chống lại nó.

Ngay cả khi có luật về bạo lực gia đình, văn hóa ở nhiều xã hội vẫn dung thứ cho hành vi này. Văn hóa có thể chấp nhận việc đánh vợ và không coi đó là điều sai trái. Trong trường hợp như vậy, ngay cả khi có luật về bạo lực gia đình, cảnh sát có thể miễn cưỡng nộp đơn khiếu nại và có thể yêu cầu người vợ tự giải quyết.

Trong một ví dụ khác, một số nền văn hóa giải thích những trường hợp tấn công tình dục phụ nữ bằng những bình luận như “con trai là con trai”, hoặc “người phụ nữ muốn như vậy bằng cách ăn mặc như vậy”. Những thái độ loại đó là một hình thức bạo lực văn hóa, mà cấu trúc gia trưởng của xã hội ủng hộ. Chế độ gia trưởng, như bạn đọc đã biết, là một hệ thống xã hội dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ.

Trở lại với câu hỏi, xử phạt chồng đánh vợ có giải quyết được vấn đề bạo lực gia đình hay không?

Không, trừ khi cấu trúc và văn hóa của xã hội cũng trải qua một sự thay đổi.

Tóm tắt

Tóm lại, chúng ta có thể dùng tam giác xung đột của Johan Galtung trong phạm vi lý thuyết xung đột để truy tìm nguồn gốc của bạo lực trực tiếp có thể nhìn thấy trong xã hội.

Chúng ta cũng có thể sử dụng tam giác xung đột của Johan Galtung để kiểm soát xem bạo lực có phải là biểu hiện của xung đột ở mức cá nhân hay không (tội phạm có tính chất cá nhân hoặc chỉ giới hạn ở hai cá nhân trở lên), hoặc liệu nó có liên quan đến các cấu trúc hiện có trong xã hội và văn hóa của nó hay không .

Nếu bạo lực có liên quan đến nguyên nhân cấu trúc, thì có thể bạo lực đó có bản chất là vi phạm nhân quyền.

© 2023 DCVOnline


Nguồn: Violence Triangle of Johan Galtung in Context of Conflict Theory | Kalpalata Dutta | The Asian Institute for Human Rights (AIHR) | March 31, 2020

1 Johan Galtung, Cultural Violence, Journal of Peace Research, Vol. 27, No. 3. (Aug., 1990), pp. 291-305.vStable URL: http://links.jstor.org/sici?sici=0022-3433%28199008%2927%3A3%3C291%3ACV%3E2.0.CO%3B2-6.

“Đã trình bày như một bài giảng của Nhóm Nghiên cứu Hòa bình tại Đại học Melbourne. Tháng 3 năm 1989: vào mùa hè Schoola về Nghiên cứu Hòa bình tại Đại học Oslo và Đại học Hawaii. tháng 7 năm 1989; và tại Viện nghiên cứu hòa bình Quốc tế. Oslo. Tháng 8 năm 1989. Tôi mang ơn những người thảo luận ở tất cả những nơi này.” — Johan Galtung