Cái Âm Điệu Tủi Thân Bi Đát

Nguyễn Hữu Liêm

Cho đến lúc cái hệ luỵ bi đát này được vươn thoát, khối người Việt hải ngoại vẫn sẽ còn là một khối dân tộc không có quyền lực – và sẽ không làm nên lịch sử.

Ca sĩ Thu Hường — Bài hát: Thư Tình Em Gái. Nguồn: Giọng ca để đời
Tác giả: Quý Phi (Hồng Vân) tên thật là Trần Công Quý, sinh năm 1938. Khoảng thập niên 1960, ông vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề viết nhạc. Bút danh Hồng Vân là tên thật người vợ của ông. Nhiều bài hát của ông được ký tên Hồng Vân – Trần Quý. Ngoài ra ông còn dùng nhiều bút danh khác là Dạ Lan ThanhTrúc Bạch và một số tên ghép.
Ngoài viết nhạc, ông còn mở thêm lớp nhạc Hồng Vân tại số 16/47 Trần Bình Trọng, Chợ Quán do ông trực tiếp dạy nhạc lý và Trung Chỉnh luyện hát. Một số ca sĩ nổi tiếng từ lớp nhạc này gồm có Giao Linh, Trường Thanh, Thủy Tiên, Thanh Hương, Tuyết Linh… Ngoài ra, ông còn làm trưởng ban Nhạc Thời Trang Đài Truyền hình Việt Nam, ban Hồng Hà trên đài Đài Phát thanh Sài Gòn và điều khiển nghệ thuật cho hãng đĩa Continental. Tuy nhiên, đến năm 1973, ông chuyển về sống tại Gò Vấp, và lớp nhạc cũng được chuyển về đây dạy cho đến năm 1975. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Việt Nam. Ông qua đời vào năm 2003 tại Sài Gòn. Ông kết hôn vào năm 1971 và có 2 người con. (Nguồn: Wikipedia.org)

Qua bài viết “Cà phê Nghèo, Cà phê Hồi ấy” của tác giả Nguyễn Quang An đã đăng trong Đàn Chim Việt, số 43, tháng 7/2003, người Việt ở Ba Lan và Đông Âu đã hiểu thêm một nét sinh hoạt đặc thù của người Việt tại Hoa Kỳ. Bài viết dưới đây, vào tháng 7 2003, của tác giả Nguyễn Hữu Liêm, một người sống và làm việc lâu năm tại Bắc California cho bạn đọc thấy quan điểm của ông về một sinh hoạt văn hóa thú vị khác. Người Việt ở Ba Lan và Đông Âu thường tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ với sự cộng tác của giới ca sĩ hải ngoại nhưng không rõ khi đó bạn đọc ở đó đã đón nhận những nhận định của tác giả Nguyễn Hữu Liêm như thế nào so với sự bàn tán râm ran và tiêu cực trong cộng đồng người Việt Nam tị nạn cộng sản ở Bắc Mỹ về bài viết của ông.

20 năm sau, dòng âm nhạc Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục được những thế hệ tiếp nối yêu mến thưởng thức. Họ là thế lớp con cháu của boat people, những người vượt biên, vượt biển chạy cộng sản nhưng năm sau 1975. Nhưng không chỉ có thế hệ mới ở hải ngoại mà còn có cả những người trẻ, sinh sau 1975, ở cả hai miền nam bắc Việt Nam mến mộ, biết thưởng thức nhạc vàng và yêu quý di sản âm nhạc VNCH. Nền âm nhạc miền nam đã và đang đứng ở một vị trí đáng nể, chưa từng thấy trước đây. Hiện nay ở trong nước đã xuất hiện vô số những giọng ca mới, Quang Lập, Thu Hường, Đạt Võ (Giọng ca để đời) là một vài thí dụ điển hình cũng như hàng trăm giọng ca trẻ khác hát trên YouTube “nhạc lính” VNCH, nhạc Trần Thiện Thanh, nhạc Nguyễn Ánh 9, nhạc Hoàng Thi Thơ, nhạc Trầm Tử Thiêng, v.v. Dĩ nhiên vẫn có những giọng hát, trẻ, mới trình bầy những bản nhạc boléro, những bản tình ca của Phạm Duy, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ khác của miền nam trước 1975. Ngoài ra một số ca sĩ mới còn cố tập để có giọng ca như của Chế Linh, Duy Khánh, Nhật Trường, Hoàng Oanh và những ca sĩ đã thành danh khác ở miền Nam ngày trước.

Dân Việt Nam hiện nay thế nào sao lại yêu mến nhạc vàng đến như vậy? Tâm thức ca sĩ ở Việt Nam thế nào mà họ lại cứ nhạc vàng mà hát? Tâm hồn của dân Việt đang ở nấc thang thứ mấy?

Ý kiến của bạn đọc ở trong cũng như ngoài nước liệu có khác với quan điểm của người nghe và người hát nhạc vàng hôm hay không? Tuyệt đại đa số họ là những người không có hệ lụy với cuộc nội chiến; họ không phải là người bên thắng cuộc, cũng chẳng phải là người bên thua cuộc, hay người bỏ cuộc.

Mời độc giả đọc lại “Cái Âm Điệu Tủi Thân Bi Đát” của tác giả Nguyễn Hữu Liêm.

DCVOnline (2023)

Nếu có một sắc điệu văn hóa nào rất đặc thù cho người Việt hải ngoại, đặc biệt nhất là ở Mỹ, thì đó là cái bản chất âm nhạc. Dòng tân nhạc được đem theo từ miền Nam trước 1975 qua đây và vẫn cứ tiếp tục là một dòng âm nhạc bi đát, yếu đuối, trống rỗng và băng hoại.

Cứ nghe thử các giọng ca hàng đầu hiện nay của phái nữ: Khánh Hà, Khánh Ly, Ý Lan. Đây là những giọng ca được ăn khách nhất hiện nay ở Mỹ. Nhất là ở vùng bắc California, hình như là tuần nào cũng có đại nhạc hội, nhạc thính phòng. Mà “đi vô, đi ra cũng thằng cha khi nãy”. Cũng chừng đó ca sĩ, chừng đó emcees, chừng đó bản nhạc, và nhất là vẫn chừng đó cái âm điệu ai oán, bi đát của các cô cậu ca nhạc sĩ Việt Nam hải ngoại.

Cũng một bài ca đó, mà khi Khánh Hà hát lên thì mức độ não nùng bi đát tăng lên gấp bội. Có những đoạn không đáng gì bi thảm, nhưng Khánh Hà cứ nức nở hóa một cách quá trớn, thành ra như tiếng khóc, trộn lẫn với một chất điệu yếu đuối, não nề. Cái nồng độ nức nở này như là một thứ trade-mark, một gia vị đặc thù, một thứ nước dừa ngọt ngầy ngậy mà bất cứ món ăn nào Khánh Hà cũng cứ quậy lên không cần phân biệt.

Kẻ ở miền xa. Tác giả: Trúc Phương | Ca sĩ: Phương Ý. Nguồn: Phương Ý Official (YouTube)

Cũng một bản nhạc đó, mà khi Ý Lan hát lên thì thành ra tức tưởi, bi ai. Hễ đến đoạn nào thay đổi âm khúc thì Ý Lan lắc lư cái đầu, nức nở hóa tiếng ngâm, khàn vô cổ họng cái tiếng lớ để gia tăng cái bi kịch của tính lẳng lơ nhưng đầy tang thương của tiếng hát. Không như tiếng hát của Thái Thanh, mẹ của Ý Lan, vốn trong sắc và mạnh, tiếng hát của Ý Lan là của văn hóa Bolsa, đầy nhộn nhịp của bầy kiến nhiều thương tích, nhưng hoàn toàn trống rỗng và vô vị.

Cũng một bài hát đó, của Trịnh Công Sơn chẳng hạn, nhưng khi Khánh Ly hát lên thì nó trở thành mê muội, lạc lõng. Chất giọng yếu ớt, lè nhè của Khánh Ly không được cân bằng với một âm sức cao và mạnh để cứu lấy âm điệu cho toàn thể âm cảnh đã làm cho bản nhạc trở nên một sự đày đọa cho người nghe. Không ai phá nát nhạc Trịnh Công Sơn và làm mất âm hưởng của chúng hơn là Khánh Ly.

Nhưng bách tính thiên hạ của người Việt ở Mỹ rất được thoả mãn với các giọng ca này. Vì sao? Vì tâm chất họ được thể hiện qua các giọng ca đó. Quần chúng nào thì âm nhạc đó; tâm thức nào thì ca sĩ đó. Khánh Hà, Ý Lan và Khánh Ly là những biểu tuợng âm thanh của một tập thể dân chúng muốn được ru mình bằng cái não nề, lẳng lơ, yếu đuối. Đây là những bài văn tế cho những tâm hồn mất quê hương và mất nước.

Từ khi nhà Nguyễn thẩm nhập cái âm nhạc mất nước của dân tộc Chàm bằng những lời ca Huế thì triều đại này chỉ còn đi xuống dốc. Nghe nhạc Huế thì chỉ còn có muốn nhảy xuống sông Hương mà tự vận – cứ nghe thử nhạc của Dương Thiệu Tước thì biết. Một triều đại quyền lực, một trung tâm chính trị quốc gia lẫy lừng khi thống nhất đất nước mà từ khi bị nhiễm lấy cái vi khuẫn của loại nhạc “mất hồn” của dân Chàm thì chỉ cần một thời gian ngắn là cả hệ thống chính trị Việt Nam bị suy đồi từ tri thức cho đến ý chí, từ tình cảm cho đến nghệ thuật. Chuyện mất nước là kết quả đương nhiên.

Tôi về Việt Nam và có dịp nghe các ca sĩ trong nước sau 1975 hát – như Mỹ Linh, Trần Thu Hà, như Hồng Ngọc, như Thu Phương. Cái khác hẵn là tính mạnh và sắc sảo của thế hệ âm nhạc mới này. Và vắng bóng hoàn toàn cái bi đát, não nùng. Có phải chăng các ca sĩ này biểu lộ được tâm thức và ý chí của những kẻ chiến thắng – từ vô thức tập thể? Dĩ nhiên, đây không phải là một chính sách văn hóa của chính quyền. Cái mạnh và tự tin của các lời ca mới đại diện cho cái collective unconsciousness của phe thắng cuộc.

Ca sĩ Khánh Hà

Hãy lắng nghe Hồng Ngọc hát nhạc Trịnh Công Sơn! Cũng một bài, có câu, “Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương…” mà khi Khánh Ly hát thì người nghe chỉ thấy muốn ngồi xuống sàn nhà và bưng hai lỗ tai. Nhưng khi Hồng Ngọc cất lên những lời ca đó, nhạc họ Trịnh trở thành cơn giông cuồng nộ để làm cho người nghe muốn đứng dậy để làm cách mạng.

Cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm, hai nhà hiền triết Đông Tây, Khổng Tử và Socrates, đã đồng lúc khuyến cáo đến cái tầm quan trọng của âm nhạc. Âm nhạc là sinh khí của tinh thần. Hễ nhạc xuống là nước nhà xuống; hễ nhạc uỷ mị là con người tha hóa. Cái thối nát của con người khởi đi từ sự thối nát của âm nhạc. Âm thanh là logos của tâm thức. Chính vũ trụ này chẳng qua là một trường âm thanh của tạo hóa mà thôi. Mỗi cung diệu đại diện cho một cõi hiện hữu. Âm nhạc chính là nấc thang của tâm hồn.

Nietzsche trong cuốn The Will to Power có nói tới cái tâm thức amor fati – cái bệnh tủi thân, cái lòng yêu số phận bi đát của mình. Cái bệnh amor fati của dân Việt khởi đi từ Truyện Kiều và kéo dài cho đến ngày nay. Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua nhạc bolero đã làm cho miến Nam ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau mước mắt. Cái quần chúng lau nước mắt này bị lưu đày qua đất mới và tiếp tục uống nước dừa tang thương bằng âm nhạc.

Cho đến lúc cái hệ luỵ bi đát này được vươn thoát, khối người Việt hải ngoại vẫn sẽ còn là một khối dân tộc không có quyền lực – và sẽ không làm nên lịch sử.

California 7/2003

©Đàn Chim Việt

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Xuân này Con Không về. Tác giả: Trịnh Lâm Ngân. Ca sĩ: Tài Nguyễn (Một Duy Khánh của thế hệ mới). Nguồn: Giọng ca để đời.

Nguồn: Bài đã đăng trên báo Đàn Chim Việt, số 44, tháng 8, năm 2003, trang 55-6. DCVOnline chỉnh sửa, trình bầy và giới thiệu.