Khi những người Canada đi nghỉ mát trở lại Cuba, thì chính những người Cuba đang bỏ chạy với con số kỷ lục

Evan Dyer | Trà Mi

Dân Canada chiếm hơn một nửa số khách du lịch đến Cuba vào đầu năm 2023

 Vợ chồng người di cư Cuba Mario Perez khi đang chờ làm thủ tục xin tị nạn sau khi vượt biên sang Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2023, gần Yuma, Ariz. Gregory Bull/Associated Press

Hôm thứ Tư, ngày 25 tháng 1 năm 2023, chính quyền Biden cho biết tỷ lệ người di cư vượt biên trái phép giảm 97% kể từ khi Mexico bắt đầu tiếp nhận di dân từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela bị trục xuất theo lệnh hành pháp trong thời kỳ đại dịch.  

Một số lơn khách du lịch Canada đã quay trở lại Cuba vào mùa đông năm nay sau khi  gần như không có ai du lịch trong thời đại dịch. Số liệu sơ bộ cho thấy dân Canada chiếm khoảng 52% tổng số khách nước ngoài đến Cuba trong tháng Giêng.

Trong khi đó, chính người dân Cuba đang trốn khỏi hòn đảo với con số kỷ lục để chạy thoát với mức độ nghèo đói và đàn áp chính trị chưa từng có.

Nam ngoái, hơn 220.000 người Cuba — khoảng 2% dân số của hòn đảo — đã bị bắt giam sau khi vượt qua biên giới Mỹ-Mexico. Một số khác định cư ở những nước khác ở châu Mỹ hoặc đi xa đến tận Nga và Serbia (đều là những nước cho phép người Cuba nhập cảnh miễn chiếu khán).

Cộng đồng người Cuba hải ngoại có cảm giác rằng Cuba đang rỗng dần — vì hầu như bất kỳ ai có đủ phương tiện để bỏ đi đều đang tích cực lên kế hoạch đi trốn hoặc ít nhất là họ đang nghĩ về điều đó.

Một ngành kỹ nghệ đã phát triển xung quanh việc di cư, với những hãng hàng không trục lợi của những người Cuba tuyệt vọng bằng cách tính giá vé cắt cổ tới những nơi mà người Cuba được phép hạ cánh.

Và có những dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Cuba và đồng minh của họ ở Nicaragua, chế độ Ortega-Murillo, đang cho phép và thậm chí khuyến khích dân chúng di cư như một mũi tên trúng hai đích bằng cách có thêm ngoại tệ cùng lúc loại bỏ những người bất đồng chính kiến.

‘Mọi người đang bỏ nước ra đi’

Jorge Duany, một chuyên gia về di cư Cuba tại Đại học Quốc tế Florida, cho biết: “Đây sẽ là con số người rời khỏi hòn đảo lớn nhất từng được ghi nhận, trước hoặc sau cuộc cách mạng.

“Nó còn hơn cả (vụ cứu người vượt biển đi từ hải cảng Mariel) vào năm 1980, kỷ lục trước đó, hay sự bùng nổ di cư Cuba gần đây hơn trong cuộc khủng hoảng dùng bè vượt biển năm 1994.”

Jorge Duany

Duany cho biết nhiều yếu tố kết hợp đã thúc đẩy cuộc di cư gồm cả đàn áp chính trị, kinh tế thất bại và “những vấn đề y tế, đặc biệt là trong đại dịch trong vài năm qua.” Ông nói:

“Và tất cả những yếu tố này kết hợp lại để tạo nên một cơn bão hoàn hảo. Vì vậy, mọi người chỉ muốn rời đi, cho dù đó là vì những lý do tức thời như không có đủ thức ăn trên bàn hay vì đã tham gia những cuộc biểu tình ôn hòa, không chỉ vào ngày 11 tháng 7 (2021) mà còn cả những cuộc biểu tình nhỏ hơn trong 18 tháng vừa qua, cũng như phản ứng rất cực đoan của chính phủ Cuba khi đàn áp những cuộc biểu tình  và bỏ tù mọi người.”

Jorge Duany

Với nền kinh tế đang gặp khó khăn, Cuba phụ thuộc rất nhiều vào kiều hối do người Cuba sống ở Mỹ gửi về. Chính quyền Trump đã áp đặt giới hạn về số tiền và cách gửi tiền, khiến Western Union phải đóng cửa hoạt động tại Cuba.

Tháng 5 năm ngoái, chính quyền Biden đã nới lỏng những điều lệ đó và trong tháng này, Western Union đã hoạt động chuyển tiền trở lại bình thường. Nhưng Duany cho biết sự kết hợp của đại dịch – khiến ngành du lịch gần như đình trệ – và những khó khăn xung quanh kiều hối đã đẩy nhiều người Cuba đến chỗ tuyệt vọng.

Duany cho biết cuộc di cư ảnh hưởng đến mọi thành phần của xã hội Cuba. Ông nói,

“Tôi nghĩ mọi người đang bỏ nước ra đi. Chúng tôi chưa có hồ sơ rõ ràng về đợt di cư cuối cùng của… năm 2022, 225.000 người bỏ đi, nhưng dữ liệu mà chúng tôi có trước đây từ Bộ Nội An cho thấy rằng trong đó là một phần lớn người Cuba thuộc mọi tầng lớp xã hội. Tất nhiênm họ thường là lớp người trẻ hơn.”

Jorge Duany

‘Mọi gia đình đang bán tất cả những gì họ có’

Kirenia Carbonell là một công chức chính phủ liên bang Canada xuất thân từ thị trấn nhỏ La Canela ở tỉnh Holguin phía đông Cuba. Bà nói với CBC,

“Ở quê tôi có những gia đình bán tất cả những gì họ có và họ sẽ di cư qua ngả Nicaragua. Một số thậm chí còn định đến Suriname. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến Suriname trước đây. Một số họ hàng tôi đang sống ở Suriname. Họ tìm được việc làm và họ có đủ khả năng tài trợ cho những người thân còn ở lại từ Cuba đến Suriname.”

Kirenia Carbonell

Carbonell cho biết lạm phát đã đàu sâu khoảng cách giữa lương của dân Cuba và giá cả nhu yếu phẩm căn bản nhất đến một điểm mà nhiều người không còn có thể xoay sở được nữa. Bà kể chuyện

“Chúng tôi có thẻ khẩu phần để mỗi tháng nhận được thứ này thứ kia, năm cân gạo từ cửa hàng tạp hóa địa phương. Tháng này ở thành phố của tôi, mỗi người được một kí gạo cho  cho cả tháng. Nhưng cũng chính quyền đó, họ có các cửa hàng đặc biệt và dân chúng có thể đến mua một cân với giá 150 peso. Trung bình họ được trả lương 2.500 peso và chỉ tiền ăn thôi, mỗi tháng tốn hơn 30.000 peso.”

Kirenia Carbonell

Lối thoát mới

Định kiến về một người di cư Cuba là “balsero” hoặc người vượt biển bằng bè trôi nổi qua eo biển giữa Cuba với Florida.

Cách di cư đó vẫn đang diễn ra. Lực lượng tuaadn duyên Hoa Kỳ đã bắt giữ khoảng 2.500 chiếc bè chỉ trong tháng Giêng 2023.

Nhưng hiện nay, chỉ những người Cuba nghèo nhất và tuyệt vọng nhất mới đi bè qua eo biển nguy hiểm.

Nhưng đường hàng không và đường bộ mới mở ra được người di cư ưa chuộng — và cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho chính phủ Cuba và đồng minh Nicaragua.

Cuba có một trong những sổ thông hành yếu nhất thế giới về du lịch miễn chiếu khán vì người Cuba nổi tiếng có khuynh hướng trốn ở nước ngoài một khi họ rời đảo. Nhưng vào tháng 11 năm 2021, Nicaragua đã dỡ bỏ chiếu khán du lịc cho công dân Cuba, bề ngoài là để thúc đẩy du lịch.

Một người dân Cuba đi bộ dọc theo con đường sau khi băng qua biên giới Mexico—Texas tại Rio Grande, ngày 23 tháng 9 năm 2021, ở Del Rio, Texas. Chính phủ Nicaragua đã thông báo vào Thứ Hai, ngày 22 tháng 11 năm 2021, rằng họ đã bỏ chiếu khán du lịch cho công dân Cuba, một hành động có thể làm gia tăng số người Cuba đến đó để đi sang Hoa Kỳ. (AP)

Ana Carolina Garcia của văn phòng du lịch Nicaragua lúc đó cho biết, “Họ là những người yêu núi lửa của chúng tôi. Họ không có núi lửa.”

Trên thực tế, đại đa số người Cuba đến Nicaragua sau đó tiêp tục đi về phía bắc và cố gắng vượt qua biên giới giữa Hoa Kỳ-Mexico.

Ngay sau khi yêu cầu chiếu khán du lịch được dỡ bỏ, một nhóm những hãng hàng không thuê bao ít người biết đến đã bắt đầu bán vé cho những chuyến bay giá cắt cổ từ Havana hoặc Camaguey, Cuba đến Managua, Nicaragua. Những hãng hàng không như Air Century, Aruba Airlines và Conviasa của chính phủ Venezuela đã giá tới 6.000 đô la cho mỗi vé trên chuyến bay kéo dài hai giờ.

Thông thường,  dân di cư Cuba chỉ có thể trả những chi phí đó bằng cách vay tiền của người thân đã rời đảo.

Chế độ thu ngoại tệ từ người di cư

Việc di cư bằng máy bay là một vận may đối với cả hai chế độ Nicaragua và Cuba, những chế độ này trục lợi rất nhiều qua thuế, sở phí sân bay, sở phí hạ cánh và những sở phí khác.

Nếu những người di cư đến được Mỹ thành công, Cuba có thể hy vọng họ gửi tiền cho người thân ở quê nhà — lúc đó chế độ này trục lợi lần thứ hai bằng cách đánh thuế các khoản tiền gửi về. (Ở Nicaragua cũng vậy, kiều hối đã trở nên thiết yếu)

Chính quyền Cộng sản Cuba ăn chận lần thứ ba khi than nhân trong gia đình ở Cuba phải tiêu những đô la đó ttại những cửa hàng  độc quyền của chính phủ Cuba, nơi bán hàng hóa với mức tăng giá trung bình trên 200% và chỉ nhận dollars.

(CBC News đã liên hệ với tòa đại sứ Cuba về bài viết này nhưng không nhận được trả lời.)

Hơn nữa, những người bất đồng chính kiến nói rằng cả hai chế độ Cuba và Nicaragua đều coi việc dân di cư là họ đạt được mục đích chính trị kép: trục xuất những người bất đồng chính kiến và những công dân thất vọng trong khi làm suy yếu Hoa Kỳ bằng làn sóng người nhập cư bất hợp pháp.

Mẹ bồng con biểu tình đòi có điện sau sáu ngày mất điện do sự tàn phá của cơn bão Ian ở Havana, Cuba vào ngày 1 tháng 10 năm 2022. (Ramon Espinosa/Associated Press)

Diễn giải sự liên hệ trực tiếp giữa làn sóng phản đối càn quét Cuba vào mùa hè năm 2021 với quyết định mở van thoát sang Nicaragua vào mùa thu năm đó, Carbonell nói,

“Đây là cách giải quyết của họ, mỗi khi căng thẳng ở Cuba gia tăng. Nó làm giảm áp lực bằng cách mở cửa biên giới, như trong trường hợp của Mariel (năm 1980).” Kirenia Carbonell

Và trong trường hợp này, họ đã tìm được đồng lõa ở Nicaragua, có thể nhận người Cuba mà không cần chiếu khán du lịch.

“Ai cũng biết những người Cuba đó sẽ đi đến đâu, cho dù đó là ở Hoa Kỳ hay trên đường đến Quebec, Canada. Ai cũng biết rằng họ sẽ không ở lại Nicaragua.”

Xuất cảng người

Duany nói,

“Dường như có một thỏa thuận nào đó giữa chính phủ Nicaragua và chính phủ Cuba nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư này. Mặc dù một lần nữa, nó không có trong bất kỳ tài liệu nào tôi đã xem.

Nhưng rõ ràng chính phủ Cuba trục lợi từ việc xuất cảng một con số lớn dân Cuba, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, cũng như những người không thể tìm được việc làm ở Cuba. Và điều đó dường như đó cũng là một vấn đề trong vài năm qua, tỷ lệ thất nghiệp phi chính thức ngày càng tăng. Nếu chỉ nhìn vào những con số, Cuba có một trong những tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, nhưng nhiều người trong số họ không làm việc hiệu quả và họ đang có mức lương rất thấp.”

Ông nói, kiều hối “có lẽ đã trở thành nguồn tiền tệ lớn thứ hai hoặc thứ ba sau du lịch và xuất cảng những dịch vụ chuyên nghiệp (chẳng hạn như bác sĩ Cuba).

“Đó là một trong những cách mà chính phủ Cuba có thể tìm ra cứu cánh bằng dòng tiền này, rốt cục sẽ quay trở lại Cuba.”

Một cách khác mà chế độ Cuba hy vọng thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là tăng gấp đôi hoạt động du lịch. Duany nói,

“Có rất nhiều nỗ lực để thiết lập lại ngành du lịch của dân Nga.”  Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ gây khó khăn cho việc khôi phục số khách du lịch Nga mà Cuba có được trước đại dịch.

Hơn bao giờ hết Cuba phụ thuộc vào người Canada

Trước đại dịch, nguồn thu nhập du lịch lớn nhất cho chế độ Cuba là người Canada.

Khoảng 1,3 triệu người Canada sẽ đi du lịch Cuba trong một năm điển hình — nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác, kể cả chính người Cuba.

Chính phủ Cuba và quân đội Cuba là chủ nhiều khu nghỉ mát trong những năm gần đây đã tập trung chi tiêu vào việc xây dựng khách sạn mới.

Nhưng mặc dù người Canada hiện đang quay trở lại — Swoop, một hãng hàng không giá rẻ, đã công bố ba chuyến bay mới hàng tuần đến Varadero vào tháng Giêng — số khách du lịch đã không phục hồi nhanh chóng như Đảng Cộng sản Cuba đã hy vọng. Tháng 1 năm 2023 chỉ có khoảng 63% số phòng đã cho thuê so với tháng 1 năm 2020, mặc dù đối với khách du lịch Canada, con số này lên đến gần 80%.

Khách du lịch đến bãi biển ở Varadero, Cuba vào ngày 7 tháng 12 năm 2018. (Fernando Medina/Reuters)

Cuba đã phải giảm một nửa dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 6% xuống 3% khi phải vật lộn để phục hồi sau mức sụt giảm 11% vào năm 2020.

Giới hoạt động dân chủ Cuba tiếp tục kêu gọi người dân Canada không đến Cuba. Carbonell nói:

“Tôi tin rằng có sự thiếu nhận thức về những điều này đang diễn ra ở Cuba. Tôi có nhiều người bạn thậm chí du lịch ở Cuba vì khi đi, họ nghĩ rằng họ giúp đỡ người dân Cuba.

Và đúng là họ mang hành lý toàn thuốc men, đầy đủ đồ cần thiết, ngay cả vớ mỏng cho các chị dọn phòng, làm việc làm ở resort v.v… vì họ biết chẳng có gì ở đó. Nhưng có lẽ họ không nhận ra rằng họ có thể đang giúp tất cả bạn bè ở Cuba những gì họ muốn, nhưng thực ra họ vẫn đang đóng góp cho chế độ.”

Kirenia Carbonell

Carbonell cho biết phần lớn số tiền mà chế độ Cuba và quân đội thu được từ ngành du lịch được tái đầu tư vào việc xây dựng các khách sạn mới, trong khi công nhân Cuba chỉ được trả một phần rất nhỏ so với mức lương mà nhân viên khách sạn được trả ở các nước láng giềng. Số tiền thu được từ ngành du lịch cũng tài trợ cho bộ máy đàn áp của Đảng Cộng sản Cuba. Bà nói

“Không ai đến khu nghỉ mát có thể tưởng tượng rằng bên ngoài những bức tường đó, mọi người đang phải chịu đựng rất nhiều.”

Mặc dù những con đường mới ra khỏi Cuba có vẻ an toàn hơn so với việc mạo hiểm ra biển trên những chiếc bè ọp ẹp, nhưng hàng trăm người Cuba đã thiệt mạng hoặc mất tích trong đợt di cư gần đây. Một số chết vì tai nạn hoặc bị sát hại trên đường bộ, hoặc chết đuối khi cố băng qua Rio Grande.

Carbonell nói:

“Người tị nạn đã mất mạng trên sông, đã mất mạng trên biển.

Như vậy, họ có thể đã tuyệt vọng đến mức nào? Và chính phủ đã lợi dụng điều đó, chỉ lợi dụng những người có người thân ở nước ngoài có thể gửi tiền cho họ để làm điều đó, của những người đã bán hết mọi thứ nhỏ nhặt mà họ có để có thể thu được tiền và lên đường bỏ nước ra đi.”

Kirenia Carbonell

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: As holidaying Canadians return to Cuba, Cubans themselves are fleeing in record numbers | Evan Dyer · CBC News · Mar 06, 2023