Gorbachev Của Việt Nam Là Ai?

David Hutt | DCVOnline

Với một số người ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, bí thư đảng cuối cùng của Liên Xô là một câu chuyện cảnh cáo.

Võ Văn Thưởng, đảng viên trẻ nhất của Bộ Chính trị đã được ĐCSVN bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ tới. © Thông tấn xã Việt Nam

Những người cộng sản đã được dạy phải sợ lịch sử lặp lại. Bộ máy lãnh đạo Đảng cộng sản băn khoăn về “Brumaire thứ mười tám” của họ,  khi Napoléon Bonaparte lên nắm quyền và tuyên bố Cách mạng Pháp đã kết thúc — và tình tiết được Karl Marx1 dùng cho tựa đề bài tiểu luận của ông mà từ đó chúng ta rút ra câu cách ngôn của ông được dùng quá mức về bi kịch, rồi sự khôi hài của lịch sử lặp lại. Đối với Leon Trotsky, đó là một sự lặp lại khác khiến ông khiếp sợ. Ông ngâm nga rằng việc Josef Stalin lên nắm quyền vào năm 1922 là “phản ứng Thermidor” của Liên Xô, một gợi nhắc khác về Cách mạng Pháp. Vào thời điểm đó, Trotsky nói, cách mạng bị phản bội.

Những người cộng sản thế kỷ 21 có một mối đe dọa lịch sử khác. Ai sẽ là “Gorbachev” của đảng cộng sản Trung Hoa hay Việt Nam? Trong suy nghĩ của phương Tây, việc so sánh với Mikhail Gorbachev, tổng bí thư, người đã vô tình dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, có vẻ như là một lời khen ngợi. Nhưng nói chuyện với tờ New York Times vào năm ngoái sau cái chết của Gorbachev ở tuổi 91, sử gia chính trị Kerry Brown nói rằng giới lãnh đạo Trung Hoa “sẽ coi mọi thứ người lãnh đạo cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô đã làm như một cuốn sách giáo khoa về cách không nên theo.” Ở Việt Nam cũng y như vậy.

Đi vào chi tiết nằm ngoài phạm vi của bài này và vấn đề đó vẫn còn được giới sử gia tranh luận, nhưng có một luồng suy nghĩ phản đối ý kiến cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là không thể tránh khỏi. Nền kinh tế của nó đang thất bại nhưng nó có thể đã sống còn trong nhiều thập niên. Thứ đã kết thúc đế chế cộng sản trước tiên là chính sách không can thiệp của người lãnh đạo Liên Xô. Leonid Brezhnev, người tiền nhiệm của Gorbachev, đã từ bỏ học thuyết mang tên mình bằng cách không đàn áp công đoàn Ba Lan vào năm 1981. Thay vì trấn áp những cuộc biểu tình ở Đông Âu vào cuối những năm 1980, tổng bí thư Gorbachev đã không làm gì cả.

Như vậy, Liên Xô sụp đổ từ bên ngoài vào bên trong, từ khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cho đến những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa ở vùng Baltics, Ukraine và Kavkaz. Không khó để thấy sự chuyên chế của chính phủ Trung Hoa ở những vùng ngoại vi của nó – ở Tân Cương, Hong Kong và, có thể là cả Đài Loan – như một nỗ lực nhằm ngăn chặn một đế chế cộng sản khác suy tàn từ ngoài vào trong.

Thứ hai, cam kết của Gorbachev đối với “chủ nghĩa xã hội đổi mới” có nghĩa là ông phản đối bất kỳ chiến thuật nào mà những người tiền nhiệm mà ông đang chống lại phong cách cải cách của họ đã sử dụng. (Đối với Gorbachev, điều đó có nghĩa là Stalin.) Theo một nghĩa nào đó, Gorbachev đang phản ứng chống lại lịch sử như chống lại những sự kiện đương đại. Nếu Gorbachev dùng đến biện pháp khủng bố kiểu Stalin thì có lẽ Liên Xô đã đứng vững. Stephen Kotkin, sử gia tại Đại học Princeton và là người viết tiểu sử của Joseph Stalin, lập luận: “Bạn không thể là người cộng sản nửa vời. Hoặc là bạn tóm thâu quyền lực hoặc bạn không.”

Trong số những đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) có một khuynh hướng gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc “cờ đỏ”2, được đặt tên theo lá cờ đỏ sao vàng của nước CSVN. Hoạt động chính trên mạng, họ lập luận rằng Đảng đã quá khoan dung với những người theo chủ nghĩa tự do, đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội, đã trở nên quá tư bản chủ nghĩa và thường làm ô danh những anh hùng của Đảng như Hồ Chí Minh bằng cách thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, là những con cừu đen của Đảng. Và họ đang đi tìm  một nhân vật có thể là Gorbachev.

Theo một số người trong phong trào này, đó có thể là Võ Văn Thưởng, tân chủ tịch nước của CHXHCNVN. Vào ngày 2 tháng 3, tại một phiên họp bất thường của Quốc hội, đại biểu đã xác nhận Thưởng là chủ tịch nước, một ngày sau khi ĐCSVN đề cử ông là ứng cử viên duy nhất. Trong diễn văn nhậm chức, ông nói sẽ “phấn đấu hoàn thành tốt nhất, trong khả năng của mình, những trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”,  và nguyện “không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là điều đương nhiên đối với những người lãnh đạo cộng sản. Nhưng hãy lắng nghe những gì ông ấy nói sau đó. Ông nói thêm:

“Từ khắp mọi miền đất nước, tôi đã từng thấy nhiều công nhân từ bỏ [đảng và ý thức hệ cộng sản] khi tất cả những nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, và sau đó dần dần nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của của sự trung thành và kiên định với mục tiêu của những kế hoạch và con đường của dân tộc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.”

Võ Văn Thưởng

Một chuyên gia nhận xét rằng đây có thể là lần đầu tiên một người lãnh đạo Việt Nam, trong bài phát biểu nhậm chức, nhắc đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Tuy nhiên, coi Thưởng là một nhân vật như Gorbachev là điều vô nghĩa. Gorbachev là tổng bí thư đảng ở Liên Xô, một vị trí đầy quyền lực đến mức ít người có thể chống lại con đường mà ông đang thực hiện để đánh sập đế chế của mình, kể cả những kẻ âm mưu những cuộc đảo chính nực cười chống lại ông. Trong khi đó, Thưởng giữ vai trò phần chính mang tính nghi lễ. Ông ấy là một người tận tụy với đảng. Rõ ràng ông được Nguyễn Phú Trọng tin tưởng; Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư ba nhiệm kỳ mà toàn bộ sự nghiệp của ông là khôi phục, đặt quyền lực của Đảng trên nhà nước và chính phủ.

Nếu  thực sự đang tìm một nhân vật Gorbachev ở Việt Nam, người ta sẽ phải nói rằng đó là Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng đã bị Trọng đè bẹp vào năm 2016. Dũng đổi mới theo chủ nghĩa cá nhân như một người gần giống một nhân vật lãnh đạo độc tài ở một nước không cộng sản hơn, đã bị một người khác lật đổ vì sợ rằng Dũng đang giám sát vai trò của Đảng đang thoái lui trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyên gia phân tích Carl Thayer từng mô tả Dũng là “một người theo chủ nghĩa cá nhân làm việc trong một hệ thống lãnh đạo tập thể bảo thủ.”

Thật rất bị cám dỗ để tưởng tượng chuyện gì sẽ xẩy ra nếu Dũng trở thành tổng bí thư vào năm 2016 thay vì Trọng. Sẽ không có chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” biến đảng theo hình ảnh của Trọng, một nhân vật lý luận không thực tế và thận trọng – và, thực sự, một người đã nuôi dưỡng một thói quen đạo đức bắt nguồn từ sự khởi đầu tinh gọn của Đảng. Có thể đã có một mối quan hệ thậm chí còn gần gũi hơn với những nền dân chủ phương Tây, có lẽ phải trả giá bằng sức mạnh nội bộ của chính Đảng. Khu vực tư nhân đáng lẽ đã độc lập và có quyền lực hơn so với hiện nay, gây ra mối đe dọa đối với sự độc quyền của Đảng. Thay vào đó, Trọng, bây giờ có thể trong nhiệm kỳ cuối cùng là tổng bí thư, đã làm được nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào để đặt chủ nghĩa xã hội và đạo đức – và, thực sự, đạo đức xã hội chủ nghĩa, như ông thấy – ở trung tâm của những mối quan hệ của Đảng. Trong cái khuôn ấy người ta tìm thấy Thưởng.

Dù đã nói như vậy, thực tế là khuynh hướng của những người trung thành với Đảng vẫn đang chờ đợi sự xuất hiện của một nhân vật Gorbachev với sự lo lắng (và, thực sự, tin thuyết định mệnh) cho thấy một sự bất an sâu sắc về sự ổn định của hệ thống cộng sản. Theo biệt ngữ của Đảng, có hai mối đe dọa chính. “Diễn biến hòa bình” đề cập đến những nỗ lực của những thế lực bên ngoài nhằm thúc đẩy thay đổi chế độ. Một tướng ở Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, viết trên Tạp chí Quốc phòng năm 2018, đã nói một cách thực tế:

“Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng những thủ đoạn thâm độc để  kiên quyết và mạnh mẽ chống phá cách mạng Việt Nam nhằm lật đổ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Tạp chí Quốc phòng

Mối đe dọa thứ hai và tất yếu, đối với một số người, là “tự diễn biến” hoặc “tự chuyển hóa”, một luận điệu cho rằng có những thế lực đang cố ý lật đổ chế độ từ bên trong. Tuy nhiên, lý thuyết đó mâu thuẫn với thực tế. Nỗi sợ “tự diễn biến” hay “diễn biến hòa bình” đã ăn sâu vào những thế hệ cán bộ và lý thuyết gia đến nỗi những kẻ có quyền lực luôn rình rập những viên chức/cán bộ có thể bị nghi ngờ. Ngoài ra, nó sẽ đòi hỏi cả một “thế hệ cán bộ thân phương Tây” vươn lên dẫn đầu Đảng để tiêu diệt nó từ bên trong.

Nhưng những người tố cáo đó có khuynh hướng cho rằng đây là một tiến trình từ dưới lên. Một bài khác của Tạp chí Quốc phòng viết,

“Một số cán bộ, đảng viên mất phương hướng, hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Khi [tư tưởng] chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, mất phương hướng thì hệ thống chính trị có thể suy yếu, chia rẽ, thậm chí sụp đổ.”

Tạp chí Quốc phòng

Nếu người ta muốn hiểu vai trò tổng bí thư trong ba nhiệm kỳ của Trọng là như thế nào, thì câu cuối cùng đó là một tổng kết đầy đủ.

Tuy nhiên, “mối đe dọa Gorbachev” chỉ ra một điều gì đó khác biệt. Gorbachev không bao giờ có ý định làm Liên Xô sụp đổ. Ông không phải là “cán bộ thân phương Tây” đang đi vào con đường “tự chuyển hóa”. Thay vào đó, ông đã lầm đường lạc lối (nếu nhìn qua con mắt của đảng) khi tin rằng người ta có thể cải cách kinh tế và chính trị cùng một lúc. Đối với những ý thức hệ đã cam kết, Gorbachev là một lời nhắc nhở về một quy luật thực tế duy nhất của lịch sử, đó là những hậu quả không lường trước được.

TÁC GIẢ | David Hutt là một nhà báo và người bình luận. Ông là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Á Trung Âu (CEIAS), nhà báo chuyên mục của The Diplomat, và là phóng viên của Asia Times.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: ‘Who Is Vietnam’s Gorbachev? | David Hutt |  The Diplomat | 03/27/2023

(1) Bài tiểu luận xét lại những sự kiện lịch sử thực tế từ quan điểm duy vật mà Karl Marx viết từ tháng 12 năm 1851 đến tháng 3 năm 1852, và xuất bản lần đầu năm 1852 trên tạp chí Die Revolution , một nguyệt san của Đức xuất bản tại Thành phố New York và do Joseph Weydemeyer thành lập của. Những ấn bản tiếng ông sau này, chẳng hạn như ấn bản Hamburg năm 1869, ghi tựa đề The Eighteenth Brumaire of Louis Bonaparte. Tiểu luận này của Marx bàn về cuộc đảo chính ở Pháp năm 1851, để rồi Louis-Napoleon Bonaparte độc tài cai trị.

(2) Thuật ngữ dùng trên mạng xã hội tiếng Việt là “bò đỏ”