Chúng ta muốn thẩm phán và bác sĩ khách quan. Tại sao không cả nhà báo nữa?

Martin Baron | DCVOnline

Gần đây nhiều người quan tâm đến tính khách quan trong làng báo. Nó cũng là một chủ đề đã bị nhầm lẫn và bị bóp méo rất nhiều.

Tôi sắp làm một việc rất không phổ biến trong nghề nghiệp của mình ở giai đoạn này: Bảo vệ quan điểm.

Nguồn: widepixel/istock

Hãy lùi lại một chút. Đầu tiên, một định nghĩa từ điển về tính khách quan. Đây là định nghĩa từ Merriam — Webster: “bày tỏ hoặc giải quyết những sự kiện hoặc điều kiện theo nhận thức mà không vì cảm xúc, định kiến hoặc diễn giải cá nhân làm sai lệch.”

Đó là một phần có giới hạn, giúp hiểu được quan niệm. Tôi đề nghị bạn đọc suy nghĩ về tính khách quan trong bối cảnh của những ngành nghề khác. Bởi vì là nhà báo và là công dân, chúng ta thường mong đợi sự khách quan từ những chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực.

Chúng ta muốn thẩm phán khách quan. Chúng ta muốn bồi thẩm đoàn khách quan. Chúng ta muốn  cảnh sát tuyến đầu phải khách quan khi họ bắt giữ và thám tử phải khách quan khi điều tra. Chúng ta muốn những công tố viên đánh giá những vụ án một cách khách quan, không có sự thiên vị hoặc nghị trình từ trước. Tóm lại, chúng ta muốn công lý được thực thi một cách công bằng. Tính khách quan — nghĩa là đánh giá bằng chứng một cách công bằng, trung thực, chính trực, chính xác, nghiêm ngặt, vô tư, cởi mở — là trọng tâm của sự công bằng trong việc thi hành pháp luật.

Chúng ta muốn bác sĩ phải khách quan khi chẩn bệnh cho bệnh nhân. Chúng ta không muốn họ đề nghị những phương pháp điều trị dựa trên linh cảm hoặc những đánh giá chủ quan, hời hợt về bệnh nhân của họ. Chúng ta muốn bác sĩ có những đánh giá công bằng, trung thực, chính trực, chính xác, nghiêm ngặt, khách quan và cởi mở với bằng chứng lâm sàng.

Chúng ta muốn giới nghiên cứu y tế và cơ quan hữu trách của chính phủ khách quan trong việc xác định liệu những loại thuốc mới có hữu hiệu hay không và liệu chúng có thể được sử dụng một cách an toàn hay không. Chúng ta muốn giới khoa học khách quan trong việc đánh giá tác động của hóa chất trong đất, không khí và nước. Nói tóm lại, chúng ta muốn biết một cách chắc chắn rằng chúng ta có thể sống trong điều kiện lành mạnh, không gây hại cho con cái, cha mẹ, bạn bè hoặc chính chúng ta.

Tính khách quan giữa những chuyên gia khoa học và y tế là cốt lõi niềm tin của chúng ta đối với thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống, không khí chúng ta hít thở và thuốc chúng ta uống.

Trong kinh doanh cũng vậy, chúng ta muốn có sự khách quan. Chúng ta muốn những người vay ngân hàng được xét một cách khách quan, dựa trên những tiêu chuẩn hợp lệ về tài sản thế chấp và khả năng trả nợ của người vay — không dựa trên thành kiến về chủng tộc và sắc tộc. Điều tương tự cũng áp dụng với thẻ tín dụng, sự bình đẳng để đi vào thị trường tiêu dùng phải dựa trên những tiêu chuẩn khách quan chứ không dựa trên định kiến hoặc giả định sai lầm về việc ai đủ điều kiện là người tốt và ai không.

Khái niệm khách quan trong tất cả những lĩnh vực này không được báo giới tranh luận. Chúng ta chấp nhận nó, nắm lấy nó, nhấn mạnh nó. Nhà báo điều tra khi chúng ta thấy thiếu sót, đặc biệt khi điều đó dẫn đến những hành động bất công.

Và ngày nay — trong thời đại của thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc và những thuyết âm mưu lập dị đang đầu độc chính trường của chúng ta và đe dọa sức khỏe cộng đồng — chúng ta có quyền yêu cầu những người lãnh đạo thuộc mọi ngành nghề phải đối diện với “thực tế khách quan” hay cái mà chúng ta thường gọi là sự thật.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng đạt được tính khách quan. Thẩm phán, cảnh sát và công tố viên không phải lúc nào cũng hành động mà không thiên vị. Giới khoa học đôi khi không chống lại được suy nghĩ viển vông hoặc thao túng dữ liệu để theo đuổi vinh quang nghề nghiệp một cách không trung thực. Trong kinh doanh, sự thiên vị đã gây ra thiệt hại sâu sắc và lâu dài cho những cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội bằng cách ngăn cản họ tham gia tròn vẹn vào nền kinh tế.

Nhưng việc không đạt được những tiêu chuẩn không làm giảm nhu cầu đối với chúng. Nó không làm cho chúng lỗi thời. Nó làm cho chúng cần thiết hơn. Và nó đòi hỏi chúng ta phải áp dụng chúng một cách chung thủy hơn và thực thi chúng một cách kiên quyết hơn.

Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết công chúng cũng mong đợi nghề của tôi phải khách quan. Bỏ qua kỳ vọng của họ — ngang nhiên thách thức chúng — là một hành động kiêu ngạo. Nó bào chữa cho những thành kiến của chúng ta. Nó trân trọng chúng. Và, quan trọng nhất, nó không bảo vệ được sự thật.

Hiện nay, ngày càng nhiều nhà báo — đặc biệt là thế hệ đang lên — đang bác bỏ tiêu chuẩn mà chúng ta thường tuân theo và kiên quyết áp dụng cho những người khác.

Những lời chỉ trích về tính khách quan của những nhà báo chuyên nghiệp, được nhiều người trong giới học thuật khuyến khích và cho phép, tin chắc rằng báo chí đã thất bại ở nhiều mặt và tính khách quan đó là gốc rễ của vấn đề.

Có nhiều lập luận khác nhau:

Đầu tiên, không ai có thể thực sự khách quan — tất cả chúng ta đều có ý kiến riêng. Tại sao không nhận như vậy? Tại sao lại giấu chúng? Chúng ta không trung thực nếu chúng ta công nhận mình có quan điểm riêng.

Thứ hai là không thể đạt đượctính khách quan thực sự đó. Quan điểm của chúng ta định hình mọi lựa chọn mà chúng ta đưa ra khi hành nghề báo chí — từ những bản tin chúng ta chọn để theo đuổi, đến những người chúng ta phỏng vấn, những câu hỏi chúng ta đặt ra, đến cách chúng ta viết tin. Vì vậy, nếu tính khách quan thực sự nằm ngoài tầm với, thì lập luận sẽ diễn ra, đừng giả vờ rằng chúng ta đang thực hành nó và thậm chí đừng cố.

Thứ ba, tính khách quan đó chỉ là cách gọi khác của sự cân bằng sai, sự tương đương sai, tính trung lập, đi hai hàng và làm báo kiểu “một mặt thế này, và mặt khác…” Theo lập luận này, tính khách quan không gì khác hơn là một nỗ lực để bảo vệ chúng ta tránh được những lời chỉ trích phe phái: Khi bằng chứng chỉ về một hướng hoàn toàn áp đảo, chúng ta sẽ giả dối đề nghị góc nhìn khác.

Cuối cùng, những người phê bình coi quan niệm về tính khách quan là trái ngược với sứ mệnh của chúng ta nói chung: Lập luận cho rằng tiêu chuẩn là một chiếc áo trói. Chúng ta không thể nói sự thật được. Hiệu quả thực tế là thông tin sai. những giá trị đạo đức bị tước khỏi tác phẩm của chúng ta. Sự thật bị chôn vùi.

Nhiều nhà báo đã kết luận rằng nghề nghiệp của chúng ta đã thất bại thảm hại trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình vào thời điểm nguy hiểm của lịch sử. Bằng chứng của họ là Donald Trump đã đắc cử ngay từ đầu, bất chấp những lời dối trá, chủ nghĩa bản địa, tính tàn bạo và ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và coi thường phụ nữ; rằng Donald Trump vẫn giữ sự kiểm soát chặt chẽ đối với những chính khách Đảng Cộng hòa và rất nhiều công chúng Mỹ; và rằng rất nhiều cử tri Mỹ từ chối chấp nhận những sự thật căn bản, rằng họ từ chối lý trí, logic và bằng chứng, và bị cuốn vào những suy nghĩ kỳ quặc về âm mưu.

Giới phê bình tin rằng nếu chúng ta không bị những tiêu chuẩn như tính khách quan ràng buộc, thì chúng ta đã trung thành hơn với sứ mệnh nói lên sự thật của nghề mình. Chính trị Mỹ có thể khác. Mọi người tốt hơn nên sàng lọc sự thật với lời nói dối.

Cũng có quan điểm cho rằng chúng ta chưa bao giờ thực sự là những người nói thật đáng tin. Trên thực tế, cái mà chúng ta gọi là “khách quan” thực ra là chủ quan.

Những người gièm pha Tính khách quan lưu ý rằng giới truyền thông Mỹ đã bị đàn ông Da trắng thống trị. Trong lịch sử, kinh nghiệm của phụ nữ, người da màu và những nhóm dân cư bị thiệt thòi khác chưa được nói lên một cách tròn vẹn — hoặc không được nói đến chút nào. Ho nói những gì đàn ông Da trắng coi là thực tế khách quan hoàn toàn không phải như vậy. Theo quan điểm của họ, nó thực sự không hơn gì một thế giới nhìn từ góc nhìn của đàn ông Da trắng.

Nhà báo Mỹ Walter Lippman. (Thư viện Quốc hội)

Đó là lời chỉ trích. Vì vậy, quan điểm khách quan này đến từ đâu? Và làm thế nào nó trở thành một tiêu chuẩn báo chí ngay từ đầu? Nguồn gốc hơi mờ mịt, nhưng chúng bắt nguồn từ khoảng một thế kỷ trước.

Năm 1920, Walter Lippmann, một nhà báo nổi tiếng người Mỹ, đã xuất bản “Liberty and the News.” Ông là một trong những người có ảnh hưởng nhất ủng hộ ý tưởng “tính khách quan” trong báo chí. Trong tập ngắn gọn những bài tiểu luận đó, ông đã tìm đưa khái niệm này lên cao.

Về ngữ cảnh, đây là những gì ông ấy đã nói về thời đại của mình. Nó nghe khá quen thuộc.

“Ở khắp mọi nơi ngày càng có sự vỡ mộng tức giận về báo chí, cảm giác bị bối rối và bị lừa ngày càng tăng.” Ông ấy đã nhìn thấy một loạt tin tức đến “trốn tránh—lấp lánh, trong sự nhầm lẫn không thể tưởng tượng được” và công chúng “không được bảo vệ bằng quy tắc về bằng chứng nào.”

Walter Lippman.

Ông ấy sợ một môi trường mà mọi người, như ông ấy nói, “không còn phản hồi với sự thật, và chỉ phản hồi với các ý kiến … những gì ai đó khẳng định, chứ không phải những gì thực sự là.”

Ông nói: “Thực tế cốt yếu là người đọc mất liên lạc với thông tin khách quan.” Và ông ấy lo ngại rằng mọi người “tin bất cứ điều gì phù hợp nhất với những dự đoán của họ.”  Walter Lippmann

Chẩn đoán của ông ấy rất giống với điều khiến chúng ta rất lo ngại hiện nay: Những thể chế dân chủ đang bị đe dọa. Ông coi báo chí là điều cần thiết cho nền dân chủ. Nhưng để phục vụ đúng mục đích của mình, báo chí — theo quan điểm của ông — cần có tiêu chuẩn.

Ông viết:

“Không có sự bảo vệ chống lại tuyên truyền, không có tiêu chuẩn bằng chứng, không có tiêu chuẩn để nhấn mạnh, nội dung sống động của mọi quyết định phổ biến sẽ bị phơi bày trước mọi định kiến và bị khai thác vô tận. … Không thể có tự do cho một cộng đồng thiếu thông tin để thấy đâu là những lời nói dối.”

Walter Lippman.

Lippmann đang tìm một phương tiện để chống lại sự tuyên truyền của thời đại mình. Ông hiểu rõ những công cụ để thao túng dư luận. Bản thân ông đã tham gia vào bộ máy tuyên truyền của chính quyền Woodrow Wilson. Ông ấy đã thấy cách tuyên truyền ở đầu thế kỷ 20 đã đưa thế giới vào cuộc tàn sát trong Thế chiến thứ nhất, và cách mà tình cảm của công chúng có thể bị ảnh hưởng và lợi dụng bằng những nỗ lực có tính toán. Và ông ấy gọi sự tuyên truyền này bắt nguồn từ chính phủ là “sự sản xuất sự đồng ý”.

Lippmann nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có định kiến riêng. Nhưng ông ấy đã viết rằng “chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn bằng cách đấu tranh cho sự thật hơn là đấu tranh cho các lý thuyết của mình.” Và vì vậy, ông ấy kêu gọi “một cuộc điều tra về sự thật một cách công bằng nhất mà con người có thể làm được.” Đó là lúc ý tưởng về tính khách quan ra đời: một cuộc điều tra về sự kiện một cách khách quan nhất có thể đối với con người.

Công việc của chúng ta với tư cách là những nhà báo, như ông ấy thấy, là xác định sự thật và đặt chúng vào bối cảnh. Mục tiêu là làm cho công việc của chúng ta trở nên khoa học nhất có thể. Nghiên cứu của chúng ta phải tận tâm và cẩn thận. Chúng ta sẽ được những gì bằng chứng cho thấy hướng dẫn. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải là những người lắng nghe hào phóng và ham học hỏi, đặc biệt ý thức được những giả định, định kiến, quan điểm đã có từ trước và kiến thức hạn chế của chính mình.

Vì vậy, khi tôi bảo vệ tính khách quan, tôi đang bảo vệ nó như nó đã được định nghĩa ban đầu và bảo vệ ý nghĩa thực sự của nó. Ý nghĩa đích thực của tính khách quan không phải là con người rơm thường được giới phê bình dựng lên để rồi phá bỏ.

Khách quan không phải là trung lập. Nó không phải là báo-chí-mặt- khác. Nó không phải là sự cân bằng giả tạo hay đi hai hàng. Nó không mang lại sức nặng ngang nhau cho các lập luận đối lập khi bằng chứng nghiêng về một hướng một cách áp đảo. Nó không đề nghị chúng ta với tư cách là những nhà báo nên tham gia nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng chỉ để rồi hèn nhát đầu hàng khi không đưa tin về những sự thật mà chúng ta đã dầy công khám phá.

Mục tiêu không phải là tránh chỉ trích, chiều chuộng đảng phái hay xoa dịu công chúng. Mục đích không phải để giành được tình cảm từ độc giả và người xem. Nó không đòi hỏi chúng ta phải sử dụng uyển ngữ khi lẽ ra chúng ta phải nói rõ ràng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta với tư cách là một người chuyên nghiệp mà làm việc mà không có niềm tin đạo đức về đúng và sai.

Nguyên tắc khách quan cũng không “có nghĩa là các nhà báo không thiên vị,” như Tom Rosenstiel, giáo sư báo chí tại Đại học Maryland và cựu giám đốc điều hành của Viện Báo chí Hoa Kỳ, và Bill Kovach, cựu biên tập viên hàng đầu, đã viết trong cuốn sách của họ, “Những phần tử của báo chí.” họ lưu ý,

“Hoàn toàn ngược lại.” Thuật ngữ này xuất hiện “từ sự thừa nhận ngày càng tăng rằng các nhà báo đầy thành kiến, thường là một cách vô thức. Tính khách quan đòi báo giới phát triển một phương pháp kiểm tra thông tin thủy chung như nhất — một cách làm việc có bằng chứng minh bạch — chính xác để những thành kiến cá nhân và văn hóa không làm suy yếu tính chính xác trong công việc của họ.” 

The Elements of Journalism

Như Rosenstiel và Kovach đã nêu lên, “phương pháp là khách quan, không phải nhà báo,” và “điều quan trọng là ở kỷ luật nghề nghiệp.”

Ý tưởng là phải cởi mở khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu và thực hiện công việc đó một cách tận tâm nhất có thể. Nó đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng lắng nghe, ham học hỏi — và nhận thức được rằng có nhiều điều để chúng ta biết.

Chúng ta không bắt đầu với câu trả lời. Chúng ta đi tìm chúng, đầu tiên là với thử thách vốn đã ghê gớm là đặt câu hỏi đúng và cuối cùng là nhiệm vụ xác minh khó nhọc.

Không phải là chúng ta không biết gì khi bắt đầu đưa tin. Nhưng chúng ta không biết tất cả mọi thứ. Và thông thường chúng ta không biết nhiều, hoặc thậm chí hầu hết, về những gì chúng ta nên làm. Và những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết có thể không đúng hoặc có thể thiếu những phần quan trọng. Và vì vậy chúng ta bắt đầu tìm hiểu những gì chúng ta không biết hoặc không hiểu đầy đủ.

Tôi gọi đó là đưa tin. Nếu đó không phải là điều chúng tôi muốn nói khi đưa tin chính xác, thì chính xác chúng tôi muốn nói gì?

Tôi tin rằng nghề nghiệp của chúng ta sẽ có lợi nếu chúng ta lắng nghe công chúng nhiều hơn và nói ít hơn trước công chúng, như thể chúng ta biết tất cả. Tôi tin rằng chúng ta nên khắc ghi những gì chúng ta không biết hơn là những gì chúng ta biết — hoặc nghĩ rằng chúng ta biết. Trong lĩnh vực báo chí, chúng ta nên khiêm tốn hơn — và ít kiêu ngạo hơn.

Tất nhiên chúng tai muốn báo giới mang kinh nghiệm sống vào công việc của họ. Kinh nghiệm sống tập thể của tất cả chúng ta trong tòa soạn là một nguồn ý tưởng và quan điểm vô giá. Nhưng kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân, không thể tránh khỏi, hạn hẹp. Kinh nghiệm sống có thể cho chúng ta biết. Nhưng thành thật mà nói, nó cũng có thể hạn chế chúng ta. Có một vũ trụ bao la bên ngoài cuộc sống mà chính chúng ta đã sống. Và nếu có những hạn chế về khả năng hiểu biết về một thế giới bên ngoài thế giới chúng ta, với tư cách là những nhà báo chúng ta nên cố gắng vượt qua những hạn chế đó.

Tôi đã viết trong thư nghỉ hưu gửi nhân viên vào đầu năm 2021 thể hiện niềm tin của tôi: “Chúng ta bắt đầu với nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, thiên về sự tò mò và tìm hiểu hơn là sự chắc chắn. Chúng ta luôn có nhiều điều để học hỏi.”

Điều này khiến người bạn lâu năm và cũng là đối thủ cạnh tranh của tôi, Dean Baquet, khi đó là biên tập viên điều hành của tờ New York Times, đã trình bày một cách hùng hồn trong một bài phát biểu vào năm 2021. Tôi hết lòng ủng hộ quan điểm của ông ấy.

Dean nói:

“Giả thuyết của tôi, được nhiều biên tập viên mà tôi biết và tôn trọng bí mật chia sẻ, đó là một trong những cuộc khủng hoảng lớn trong nghề nghiệp của chúng tôi là sự xói mòn tính ưu việt của báo cáo.

Không có đủ lời nói về vẻ đẹp của cách đưa tin cởi mở và đồng cảm cũng như nỗi sợ rằng giá trị của nó sẽ phai nhạt trong thời đại mà những nhận định nóng hổi, phân tích nhanh và những đoạn ngắn được đánh giá cao như vậy. …”

Dean Baquet

 Dean nói, “Sự chắc chắn là một trong những kẻ thù của việc đưa tin tuyệt vời.” Và ông ấy kêu gọi việc đưa tin cần được “đưa trở lại trung tâm.”

Dean trích lời Jason DeParle, phóng viên xuất sắc của tờ New York Times về vấn đề nghèo đói ở Mỹ: Jason nói, 

“Bài học tuyệt vời về việc đưa tin là thế giới hầu như luôn phức tạp và không chắc có thực hơn so với khi bạn ngồi ở bàn làm việc.” 

Jason DeParle

Tác giả | Martin Baron là biên tập viên điều hành của The Post từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 2 năm 2021 và trước đó là biên tập viên của tờ Boston Globe trong hơn 11 năm. Cuốn sách của ông, “Sự va chạm  quyền lực: Trump, Bezos, và The Washington Post,” sẽ xuất bản vào tháng 10. Bài tiểu luận này tóm lược diễn văn của ông vào ngày 16 tháng 3 tại Đại học Brandeis.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  We want objective judges and doctors. Why not journalists too? | Martin Baron | The Washinton Post | March 24, 2023