Kết thúc của Chiến lược rút lui của Mỹ ở Trung Đông

Suzanne Maloney | Trà Mi

Cuộc tấn công của Hamas – và vai trò của Iran trong đó – phơi bày ảo tưởng của Washington

Một người lính Israel ở Sderot, Israel, tháng 10 năm 2023. Ronen Zvulun / Reuters

Cuộc tấn công gây kinh hoàng của Hamas vào Israel đã kết tủa thành sự khởi đầu và kết thúc cho Trung Đông. Việc đã bắt đầu, gần như không thể tránh khỏi, là cuộc chiến tiếp theo — một cuộc chiến sẽ đẫm máu, tốn kém và đau thương không thể đoán trước được về diễn biến cũng như kết quả của nó. Việc đã kết thúc, đối với bất kỳ ai quan tâm thừa nhận, là ảo tưởng rằng Hoa Kỳ có thể thoát khỏi khu vực đã thống trị nghị trình an ninh quốc gia của Mỹ trong nửa thế kỷ qua.

Người ta khó có thể đổ lỗi cho chính quyền Biden vì đã cố gắng làm việc đó. Hai mươi năm chiến đấu chống khủng bố, cùng với việc xây dựng đất nước thất bại ở Afghanistan và Iraq, đã gây thiệt hại nặng nề cho xã hội và chính trị Mỹ cũng như làm cạn kiệt ngân sách của Mỹ. Thừa hưởng hậu quả hỗn loạn vì cách giải quyết thất thường của chính quyền Trump ở khu vực, Tổng thống Joe Biden nhận ra rằng sự vướng mắc của Mỹ ở Trung Đông đã làm xao lãng những thách thức cấp bách hơn do cường quốc đang lên, Trung Hoa, và thế lực ngoan cố đang suy yếu của Nga đặt ra.

Toà Bạch Ốc đã nghĩ ra một chiến lược rút lui sáng tạo, cố gắng tạo ra một sự cân bằng quyền lực mới ở Trung Đông, cho phép Washington giảm bớt sự hiện diện và sự chú ý đồng thời bảo đảm rằng Bắc Kinh không lấp đầy khoảng trống. Một nỗ lực mang tính lịch sử nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi hứa hẹn sẽ chính thức liên kết hai đối tác khu vực quan trọng nhất của Washington để chống lại kẻ thù chung của họ là Iran và đưa Saudi Arabia ra ngoài phạm vi quỹ đạo chiến lược của Trung Hoa.

Song song với nỗ lực này, chính quyền Mỹ cũng tìm cách giảm bớt căng thẳng với Iran, đối thủ nguy hiểm nhất mà Mỹ phải đối phó ở Trung Đông. Sau khi cố gắng và thất bại trong việc khôi phục thỏa thuận hạch tâm năm 2015 với mạng lưới hạn chế và giám sát phức tạp đối với chương trình hạch tâm của Iran, Washington đã chấp nhận Kế hoạch B gồm những khoản mua chuộc và những hiểu biết không chính thức. Người ta hy vọng rằng, để đổi lấy những phần thưởng kinh tế khiêm tốn, Tehran có thể bị thuyết phục giảm tốc độ thực hiện những chương trình hạch tâm của họ và lùi bước, không còn những hành động khiêu khích trong khu vực. Giai đoạn 1 diễn ra vào tháng 9, với một thỏa thuận trả tự do cho 5 người Mỹ bị giam giữ oan uổng ra khỏi  nhà tù ở Iran và cho phép Tehran dùng 6 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ bị đóng băng trước đây. Cả hai bên đều sẵn sàng cho những cuộc đàm phán tiếp theo ở Oman, với bánh xe ngoại giao được bôi nhớt nhờ xuất cảng dầu của Iran ở mức kỷ lục; được như vây là do Washington ngoảnh mặt đi thay vì thực thi những biện pháp trừng phạt của chính họ.

Khi đang đi những nước cờ chính sách đầy tham vọng, thế cờ này có rất nhiều điều để đề nghị — đặc biệt là sự kết hợp lợi ích thực sự giữa những người lãnh đạo Israel và Ả Rập Saudi đã tạo ra động lực hữu hình hướng tới hợp tác song phương công khai hơn về những vấn đề an ninh và kinh tế. Nếu thành công, sự liên kết mới giữa hai quốc gia lớn trong khu vực có thể đã có ảnh hưởng thực sự mang tính biến đổi đối với môi trường an ninh và kinh tế ở Trung Đông rộng lớn hơn.

CHUYỆN GÌ ĐÃ ĐI SAI LỐI?

Thật không may, lời hứa đó có thể tự huỷ. Nỗ lực của Biden nhằm nhanh chóng rời khỏi Trung Đông có một sai sót chết người: nó hiểu rất sai về động cơ thúc đẩy Iran, quốc gia gây rối nhất ở khu vực. Không bao giờ có thể tin rằng những hiểu biết không chính thức và việc giảm nhẹ những biện pháp trừng phạt sẽ đủ để xoa dịu nước Cộng hòa Hồi giáo và những nước ủy nhiệm của nước này, những quốc gia có sự đánh giá sâu sắc và đã được thời gian kiểm chứng về tiện ích của việc leo thang trong việc thúc đẩy những lợi ích chiến lược và kinh tế của họ. những người lãnh đạo Iran có mọi động cơ để cố gắng ngăn chặn một bước đột phá trong quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi, đặc biệt là một bước đột phá sẽ mở rộng những bảo đảm an ninh của Mỹ cho Riyadh và cho phép Ả Rập Saudi phát triển chương trình năng lượng hạch tâm dân sự.

Tại thời điểm này, người ta chưa biết liệu Iran có vai trò cụ thể nào trong vụ tàn sát ở Israel hay không. Đầu tuần này, Tạp chí Wall Street đưa tin rằng Tehran trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch tấn công, trích dẫn những thành viên  cao cấp giấu tên của Hamas và Hezbollah, nhóm chiến binh Lebanon. Bản tin đó chưa được giới chức chính phủ Israel hoặc Mỹ xác nhận, và họ chỉ đi xa hơn khi cho rằng Iran “nói chung là đồng lõa” theo lời của Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia. Ít nhất, hoạt động này “mang dấu ấn về sự yểm trợ của Iran”, như một bản tin trên The Washington Post đã đưa ra, trích lời giới chức cao cấp hiện tại và trước đây của Israel và Hoa Kỳ. Và ngay cả khi nước Cộng hòa Hồi giáo không bóp cò, bàn tay của họ cũng không thể sạch. Iran đã viện trợ, huấn luyện và trang bị cho Hamas và những nhóm chiến binh Palestine khác, đồng thời phối hợp chặt chẽ về chiến lược cũng như những hoạt động — đặc biệt là trong thập kỷ qua. Không thể tưởng tượng được rằng Hamas đã mở một cuộc tấn công có quy mô và độ phức tạp như vậy mà không có sự hiểu biết trước và sự hỗ trợ chắc chắn từ và sự lãnh đạo của Iran . Và giờ đây, giới  chức chính phủ và giới truyền thông Iran đang vui mừng trước sự tàn bạo đối với thường dân Israel và kỳ vọng rằng cuộc tấn công của Hamas sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Israel.

 TEHRAN ĐƯỢC GÌ?

Thoạt nhìn, lập trường của Iran có vẻ nghịch lý. Rốt cuộc, với việc chính quyền Biden đưa ra những khích lệ  kinh tế để hợp tác, có vẻ như không khôn ngoan khi Iran kích động sự bùng nổ giữa người Israel và người Palestine mà chắc chắn sẽ đánh chìm bất kỳ tình trạng có thể, tan băng nào giữa Washington và Tehran. Tuy nhiên, kể từ Cách mạng Iran năm 1979, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã dùng việc leo thang như một công cụ chính sách đã lựa chọn. Khi chế độ bị áp lực, vở kịch cách mạng kêu gọi phản công để khiến đối thủ mất bình tĩnh và đạt được lợi thế chiến thuật. Và cuộc chiến ở Gaza thúc đẩy mục tiêu ấp ủ từ lâu của giới lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo là làm tê liệt kẻ thù đáng gờm nhất trong khu vực. Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, chưa bao giờ dao động trong thái độ đối kháng gay gắt của ông đối với Israel và Hoa Kỳ. Ông ta và những người xung quanh có niềm tin sâu sắc về sự vô đạo đức, lòng tham và sự độc ác của người Mỹ; họ chửi rủa Israel và kêu gọi tiêu diệt nước này, như một phần trong chiến thắng cuối cùng của thế giới Hồi giáo trước những gì họ coi là một phương Tây đang suy tàn và một “thực thể theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái” bất hợp pháp.

Ngoài ra, trong những cuộc đàm phán và hòa giải của chính quyền Biden, Tehran đã ngửi thấy mùi điểm yếu — sự tuyệt vọng của Washington trong việc trút bỏ gánh nặng thời kỳ 11/9, ngay cả khi cái giá phải trả khá cao. Tình trạng bất ổn trong nước ở cả Mỹ và Israel có thể cũng kích thích sự thèm muốn của những người lãnh đạo Iran, từ lâu đã tin rằng phương Tây đang mục rữa từ bên trong. Vì lý do này, Tehran đã cam kết mạnh mẽ hơn trong mối quan hệ  với Trung Hoa cộng sản và Nga. Những liên kết nàyphần chính được thúc đẩy bằng chủ nghĩa cơ hội và sự bất bình chung đối với Washington. Nhưng đối với Iran, còn có yếu tố chính trị trong nước: khi những bộ phận ôn hòa hơn trong giới tinh hoa Iran bị đẩy sang bên lề, định hướng kinh tế và ngoại giao của chế độ đã chuyển sang phương Đông, vì những người môi giới quyền lực của họ không còn coi phương Tây là một nguồn tốt hơn hoặc thậm chí là một nguồn khả thi về những cơ hội kinh tế và ngoại giao. Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Hoa cộng sản, Iran và Nga đã khuyến khích tư thế Iran hung hăng hơn, vì cuộc khủng hoảng ở Trung Đông khiến Washington và những thủ đô châu Âu mất tập trung sẽ tạo ra một số lợi ích kinh tế và chiến lược cho Moscow và Bắc Kinh.

Cuối cùng, triển vọng về một thỏa thuận công khai giữa Israel và Saudi Arabia chắc chắn đã tạo thêm lực đẩy cho Iran, vì nó sẽ làm thay đổi cán cân khu vực một cách vững chắc theo hướng có lợi cho Washington. Trong bài phát biểu chỉ vài ngày trước cuộc tấn công của Hamas, Khamenei cảnh cáo rằng

“quan điểm vững chắc của Cộng hòa Hồi giáo là những chính phủ đang đánh cá vào việc bình thường hóa quan hệ với chế độ Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái sẽ phải chịu tổn thất. Thất bại đang chờ đợi họ. Họ đang phạm sai lầm.”

TỪ ĐÂY SẼ ĐI  ĐÂU?

Khi cuộc hành quân trên bộ của Israel ở Gaza đang được tiến hành, rất khó có khả năng xung đột sẽ tiếp tục ở đó; câu hỏi duy nhất là tầm mức và tốc độ mở rộng của chiến tranh. Hiện tại, người Israel đang tập trung vào mối đe dọa trước mắt và không muốn mở rộng xung đột. Nhưng sự lựa chọn có thể không phải là của họ. Hezbollah, đồng minh quan trọng nhất của Iran, đã tham gia một cuộc đọ súng ở biên giới phía bắc của Israel, trong đó ít nhất 4 chiến binh của nhóm này thiệt mạng. Đối với Hezbollah, sự cám dỗ để tiếp nối cú sốc thành công của Hamas bằng cách mở mặt trận thứ hai sẽ rất cao. Nhưng giới lãnh đạo của Hezbollah đã công nhận rằng họ đã không lường trước được thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến năm 2006 với Israel, khiến nhóm này dù vẫn còn nguyên vẹn nhưng cũng làm xói mòn nghiêm trọng khả năng của họ. Lần này họ có thể thận trọng hơn. Tehran cũng có lợi ích trong việc duy trì nguyên vẹn Hezbollah, như một biện pháp bảo hiểm trước một cuộc tấn công có thể có từ Israel nhằm vào chương trình hạch tâm của Iran trong tương lai.

Do đó, hiện nay, mặc dù mối đe dọa về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn vẫn còn hiện hữu, nhưng kết quả đó khó có thể tránh khỏi. Chính phủ Iran đã có nghệ thuật tránh xung đột trực tiếp với Israel và hợp với mục đích của Tehran cũng như mục đích của những nước ủy nhiệm và đại ca bảo trợ khu vực ở Moscow, là châm ngòi nhưng đứng  xa ngọn lửa. Một số người ở Israel có thể ủng hộ việc tấn công những mục tiêu của Iran, dù chỉ để gửi tín hiệu, nhưng lực lượng an ninh nước này hiện đang bận rộn và giới chức cao cấp dường như quyết tâm tập trung vào cuộc chiến trước mắt. Rất có thể, khi xung đột phát triển, Israel đến một lúc nào đó sẽ tấn công những tài sản của Iran ở Syria, chứ không phải ở chính Iran. Cho đến nay, Tehran đã tiếp nhận những cuộc tấn công như vậy ở Syria mà không cảm thấy cần phải trả đũa trực tiếp.

Khi thị trường dầu mỏ phản ứng với sự trở lại của khoản phí bảo hiểm rủi ro ở Trung Đông, Tehran có thể bị cám dỗ tiếp tục những cuộc tấn công và quấy rối những tàu vận tải ở Vịnh Ba Tư. Tướng Hoa Kỳ C. Q. Brown, Tham mưu trưởng Liên quân mới được bổ nhiệm, đã đúng khi cảnh cáo Tehran hayc đứng bên lề “đừng can dự.” Nhưng không may cách dùng chữ của ông lại có ý nói rằng Iran đã liên can không thể gỡ ra.

Đối với chính quyền Biden, đã lâu rồi họ không loại bỏ tư duy đã định hình nền ngoại giao trước đây đối với Iran: niềm tin rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể bị thuyết phục chấp nhận những thỏa hiệp thực tế phục vụ lợi ích của đất nước. Ngày xửa ngày xưa, điều đó có thể đáng tin cậy. Nhưng chế độ Iran đã quay trở lại với tiền đề nền tảng của họ: quyết tâm thay đổi trật tự khu vực bằng mọi biện pháp cần thiết.

Washington nên loại bỏ ảo tưởng về một trò lừa bịp với giới tài phiệt thần quyền của Iran.

Đối với mọi thách thức địa chính trị khác, quan điểm của Biden đã phát triển đáng kể so với cách giải quyết thời Obama. Chỉ có chính sách của Mỹ đối với Iran là vẫn sa lầy vào những giả định lỗi thời cách đây cả chục năm. Trong môi trường hiện tại, sự tham gia ngoại giao của Mỹ với giới chức chính quyền Iran tại những thủ đô vùng Vịnh sẽ không tạo ra sự kiềm chế lâu dài đối với phía Tehran. Washington cần áp dung i chủ nghĩa hiện thực cứng rắn tương tự đối với Iran như chính sách gần đây của Mỹ đối với Nga và Trung Hoa: xây dựng những liên minh sẵn sàng tăng cường áp lực và làm tê liệt mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia của Iran; khôi phục việc thực thi có ý nghĩa những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nền kinh tế Iran; và truyền đạt rõ ràng—thông qua ngoại giao, tư thế vũ lực và những hành động nhằm đánh chặn hoặc đáp trả những hành động khiêu khích của Iran—rằng Hoa Kỳ sẵn sàng ngăn chặn hành động xâm lược khu vực và phát triển hạch tâm của Iran. Trung Đông có cách tự đặt mình lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mọi tổng thống; sau cuộc tấn công tàn khốc này, Toà Bạch Ốc phải vượt qua thử thách.

Tác giả | Suzanne Maloney là Phó Chủ tịch Viện Brookings và Giám đốc chương trình Chính sách đối ngoại của viện.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn:  The End of America’s Exit Strategy in the Middle East | Foreign Affairs | Suzanne Maloney

October 10, 2023