Israel có ứng xử theo luật chiến tranh ở Gaza không?

Trung Đông và Châu Phi | DCVOnline

Ngay cả những cuộc di tản hợp pháp và tấn công vào Hamas cũng sẽ gây thiệt hại nặng nề cho thường dân

IDF: “Cảnh tượng ở Gaza sẽ thật khó coi.” Ảnh: Getty

Hơn 1.900 người Palestine đã thiệt mạng trong những cuộc oanh tạc của Israel vào Gaza kể từ ngày 7 tháng 10, khi những quân khủng bố Hamas giết 1.300 người ở miền nam Israel. Phản lực cơ và pháo binh của Israel đã tấn công vùng đất ven biển. Người phát ngôn của Lực lượng Phòng thủ Israel (idf) hôm 12/10 cảnh cáo: “Cảnh tượng ở Gaza sẽ thật khó coi.” Hamas, tổ chức đã cố tình tàn sát thường dân và hiến chương thành lập của tổ chức này cam kết tiêu diệt Israel, chắc chắn phạm tội ác chiến tranh. Israel có thể đi xa đến mức nào để trả đũa?

Những hành động ban đầu của Israel đã gây ra làn sóng chỉ trích. B’tselem, một nhóm nhân quyền của Israel, đã cáo buộc Israel thực hiện “chính sách tội ác để trả thù”, cho rằng tấm mức của những cuộc oanh kích và phong tỏa của Israel  cấu thành “tội ác chiến tranh do giới chức hàng đầu của Israel công khai ra lệnh.” Médecins Sans Frontières, một tổ chức nhân đạo, đã cáo buộc Israel đã có hành động “trừng phạt tập thể bất hợp pháp” đối với Gaza “dưới hình thức bao vây toàn diện, thả bom bừa bãi và đe dọa sẽ xảy ra một trận chiến trên bộ.”

Tuy nhiên, theo những chuyên gia pháp lý, trên thực tế, luật pháp quốc tế và những quy tắc cụ thể chi phối chiến tranh – luật xung đột vũ trang (loac), còn được gọi là luật nhân đạo quốc tế (ihl) – cho Israel quyền tự do đáng kể để phản công Hamas. Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho mọi quốc gia quyền tự vệ khi bị  tấn công vũ trang, với điều kiện là, theo luật tập quán quốc tế, vũ lực mà họ dụng đến là cần thiết và tương xứng. Tương xứng không có nghĩa là đối xứng về loại vũ khí sử dụng hoặc số thương vong gây ra. Điều đó có nghĩa là quốc gia tự vệ có thể dùng vũ lực ở mức cần thiết để giải quyết mối đe dọa – và không hơn thế.

Khu vực đang có chiến tranh. Ảnh: The Economist

Vạch ra giới hạn đó là một tiến trình chủ quan và gây tranh cãi. Aurel Sari, giáo sư luật tại Đại học Exeter, người giảng dạy cho những quân đội của khối NATO, lập luận, nhưng cuộc hành quân của Israel cho đến nay đã đáp ứng những tiêu chuẩn đó. Ông nói, tâm mức của cuộc tấn công của Hamas, với mục đích đã được chứng minh và khả năng đã được chứng minh của nó có nghĩa là việc xâm lăng Gaza hoặc ngay cả chiếm giữ Gaza tạm thời để tiêu diệt nhóm này “sẽ tương đối dễ dàng để biện minh” về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, một số biện pháp đặc biệt đã gây tranh cãi. Israel, với sự giúp đỡ của Ai Cập, nước kiểm soát biên giới phía nam, đã duy trì phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Gaza từ nhiều năm, chỉ cho phép một số hàng hóa và người dân được phép đi qua. Chính những cuộc bao vây và phong tỏa không phải là bất hợp pháp. Nhưng vào ngày 9 tháng 10, Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cho biết điều đó sẽ biến thành một “cuộc bao vây toàn diện”, “không điện, không lương thực, không nhiên liệu, mọi thứ đều đóng cửa.” Ba ngày sau, Bộ trưởng năng lượng Israel Katz cảnh cáo rằng “sẽ không có công tắc điện nào được bật, vòi nước sẽ không được mở và xe chở nhiên liệu sẽ không đi vào” cho đến khi Hamas thả con tin.

Giới chức chính phủ Israel biện minh cho hành động này trên cơ sở rằng Hamas chuyển hàng hóa dân sự sang dùng cho mục đích quân sự. Amichai Cohen, giáo sư luật tại Viện Dân chủ Israel ở Jerusalem, nói: “Rõ ràng là có một số mức tiếp liệu mà Israel nên cho phép. Câu hỏi đặt ra là liệu Israel có nên cung cấp điện cho những khu vực rõ ràng do Hamas kiểm soát hay không và Hamas sẽ lấy điện ở đâu để tấn công Israel.” Những người khác, chẳng hạn như Tom Dannenbaum, giáo sư luật tại Đại học Tufts ở Boston, cho rằng lệnh của ông Gallant rõ ràng vi phạm lệnh cấm bỏ đói thường dân — ngay cả khi mục tiêu là nhằm gây sức ép với Hamas. Đó có thể là một lý do tại sao, bất chấp những lời lẽ gay cấn của ông Gallant, giới chức chính phủ Israel đang làm việc riêng với Ai Cập để bảo đảm có một số nguồn tiếp liệu có thể qua biên giới phía nam.

Nguồn tranh chấp pháp lý thứ hai là quyết định của IDF, muộn vào tối ngày 12 tháng 10, yêu cầu 1,1 triệu thường dân sống ở phía bắc Gaza di tản về phía nam. (Hamas kêu gọi thường dân không nghe theo lời kêu gọi của IDF.) Không còn nghi ngờ gì nữa về những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng của quyết định này. Cơ sở hạ tầng của Gaza đang bị tàn phá và có rất ít khu vực cho nhiều người di tản đến. Nhưng những khía cạnh pháp lý phức tạp hơn.

Những luật sư phân biệt giữa việc di tản thường dân tạm thời trong vùng chiến sự, có thể là hợp pháp, và việc di dời vĩnh viễn, với mục đích ngăn cản họ quay trở lại, là không hợp pháp. Tuy nhiên, Ủy ban Hồng Thập Tự Quốc tế (icrc), một tổ chức nhân đạo, nói rằng những hướng dẫn di tản, kết hợp với việc bao vây, “không phù hợp với luật nhân đạo quốc tế”. Việc di tản cũng không phải lúc nào cũng an toàn trong khi cuộc bắn phá vẫn tiếp tục. Đoạn video được Washington Post xác minh cho thấy một số người, trong đó có một số trẻ em, đã thiệt mạng, dường như là do một cuộc tấn công của Israel khi họ đang chạy trốn về phía nam hôm thứ Sáu.

Vấn đề di tản gặp trở ngại vì những điều kiện cụ thể của Gaza, nơi Hamas trà trộn sát với với thường dân. IHL, cơ quan quản lý hành động của quân đội khi họ tiến hành chiến tranh, yêu cầu binh lính một mặt phải phân biệt giữa chiến binh và vật thể quân sự, mặt khác là thường dân  và vật thể dân sự. Chủ đích nhắm vào mục tiêu sau luôn là việc bất hợp pháp. Nhưng một cuộc tấn công giết chết thường dân — ngay cả rất nhiều người — có thể hợp pháp nếu nó cần thiết cho một số mục đích quân sự và tương xứng  “liên quan đến lợi thế quân sự cụ thể và trực tiếp được dự đoán trước”.

Michael Schmitt của Đại học Reading và Trung tá John Merriam, một Luật sư Quân đội Hoa Kỳ, lập luận trong những luận văn xuất bản sau khi họ đến thăm trụ sở của IDF, và nghiên cứu những thủ tục của nó ngay sau Cuộc hành quân Protection Edge, cuộc chiến kéo dài 50 ngày của Israel với Hamas vào năm 2014: Mục tiêu của Israel “nằm trong tập quán chủ đạo của nhà nước hiện đại” và phù hợp với học thuyết của Mỹ.

Nhưng cùng những nguyên tắc pháp lý này, ngay cả khi được giải thích như nhau, có thể dẫn đến những kết quả khác nhau và đôi khi do hoàn cảnh địa phương. Ông Schmitt và Trung tá Merriam lưu ý rằng số hoả tiễn hùng mạnh của Hamas, có thể tấn công hầu hết Israel, có nghĩa là “lợi thế quân sự” được dự đoán trước của những cuộc tấn công được coi là rất cao. Theo quan điểm của IDF, điều đó có thể biện minh cho mức độ thiệt hại đi theo cao có vẻ quá mức đối với một quân đội mà thường dân đã không phải lo ngại vì mối đe dọa tương đương — tuy nhiên, ngược lại, hiệu quả của hệ thống phòng thủ bằng hoả tiễn Vòm sắt (Iron Dome) của Israel có thể cóhiệu lực pháp lý ngược lại. Tương tự như vậy, quân đội có nhiều lính quân dịch của Israel không thích thương vong và nhậy cảm với việc binh lính bị bắt làm tù binh. Điều đó có thể dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào hỏa lực.

Cách  giao chiến của Hamas cũng đóng một vai trò nào đó ở Gaza. Avichai Mandelblit, người từng là Tư lệnh Luật sư Quân đội của Israel từ năm 2004 đến năm 2011 và tổng chưởng lý từ năm 2016 đến năm 2022, lập luận: “Đây không phải là một thành phố bình thường. Có hàng ngàn mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong những khu vực lân cận của Gaza. Không ai có thể phân biệt được chúng.” Mục đích chiến tranh của Israel là tiêu diệt Hamas. Ông Mandelblit nói: “Nếu muốn làm điều đó, thì phải tiêu diệt Gaza, bởi vì mọi thứ ở Gaza, hầu hết mọi tòa nhà ở đó, đều là thành trì của Hamas.” Ông cho rằng việc di tảnthường  dân là điều không thể tránh khỏi. “Không còn cách nào khác — cách khác là họ sẽ bị giết.”

Tuy nhiên, luật pháp yêu cầu có sự phân biệt đối xử. Mỗi mục tiêu phải được đánh giá riêng lẻ. Nhưng mức độ của cuộc oanh tạc của Israel – 6.000 quả bom thả trong sáu ngày, so với 2.000 đến 5.000 quả mỗi tháng trên khắp Iraq và Syria trong cuộc oanh kích do Mỹ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo từ năm 2014 đến năm 2019 – đã làm dấy lên lo ngại rằng định nghĩa về những mục tiêu quân sự đang bị kéo căng đến mức đột phá. Adil Haque của Trường Luật Rutgers ở New Jersey lập luận:

“Rất khó để thấy cơ sở pháp lý cho nhiều cuộc oanh kích như vậy. Thật khó để tin rằng tất cả những tòa nhà này đều được Hamas sử dụng tích cực khi chúng bị san bằng, hoặc giá trị quân sự của chúng sẽ lớn hơn những thiệt hại có thể thấy trước đối với dân thường ở trong hoặc gần chúng.” Adil Haque

Ông Sari nói rằng IDF, theo kinh nghiệm của ông, là “thuộc hạng thế giới” về chuyên môn pháp lý và đạo đức chuyên nghiệp. “Tôi rất tin tưởng vào quân đội Israel, những luật sư và hệ thống của họ. Nó rất vững.” Những luật sư quân luật có mặt tại trụ sở quân đội Israel từ cấp lữ đoàn trở lên để cố vấn về mục tiêu. Ông Mandelblit khẳng định: “Mọi mục tiêu đều được kiểm soát về mặt pháp lý.”  Chính sách pháp lý do luật sư và tổng chưởng lý dân sự cùng nhau đặt ra, sau đó tổng chưởng lý lấy quyết định cuối cùng.

Nhưng hệ thống này có thể sẽ phải đối đầu với thử thách lớn nhất trong những tuần tới. Vào ngày 10 tháng 10, một viênn chức chính phủ Israel nói với đài truyền hình: “Gaza cuối cùng sẽ biến thành thành phố lều. Sẽ không còn tòa nhà nào cả.” Daniel Hagari, người phát ngôn của IDF, khoe rằng “hàng trăm tấn bom” đã thả xuống Gaza. Sau đó, ông nói thêm: “điểm nhấn là sát thương chứ không phải độ chính xác.” Không có tuyên bố nào có thể coi là đúng với pháp luật.

Ảnh: AFP qua Getty Images

Những hành động khủng bố lớn có thể khiến ngay cả những quân đội chuyên nghiệp nhất cũng phải tháo neo. Nước Mỹ đã dùng kỹ thuật tra tấn sau ngày 11/9. Lực lượng đặc biệt của Mỹ, Úc và Anh đều phải đối phó với nhữngcáo buộc về tội ác chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Một đoạn video xuất hiện ngày 10/10 cho thấy quân đội Israel hành quyết những chiên binh Palestine đang quỳ gối và vẫy cờ đầu hàng. Jack McDonald thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King’s College London cảnh cáo:

“Nếu bạn gửi hàng chục nghìn lính quân dịch đi thực hành nhiệm vụ trả thù tại một khu đô thị đông đúc màthường  dân không thể rời đi, thì kết quả hoàn toàn có thể đoán trước được.” Jack McDonald

Những kìm chế đãc áp dụng trong những hoạt động quân sự trước đây có thể không được áp dụng trong cuộc chiến này. Ông Mandelblit đưa ra ví dụ về chính sách của IDF là đưa ra cảnh cáo trước đối với một số cuộc oanh kích. Quân đội thường có trách nhiệm cảnh cáo trước về những cuộc tấn công khi họ có thể, mặc dù không phải vậy nếu điều cần thiết là phải gây bất ngờ. Ông nói, ám chỉ đến cuộc chiến của Israel với  nhóm chiến binh Hezbollah vào năm 2006,

“Bạn không thể làm điều đó trong một cuộc chiến như vậy. Bây giờ nó giống Lebanon hơn. Tất cả những gì chúng tôi có thể nói với người dân là: nhìn xem, hãy rời khỏi thành phố hoặc nhà của bạn, nơi Hamas lẩn trốn.”

Avichai Mandelblit

IDF đã từ bỏ phương pháp “đập mái nhà” trước đây — dùng bom nhỏ hơn vài phút trước những cuộc tấn công lớn hơn — để chuyển sang cảnh cáo chung cho toàn bộ khu vực lân cận.

Cuộc chiến của Israel đã tìm được tính chất hiện sinh. Ông Mandelblit nói: “Lần này sẽ là một cuộc chiến đến cùng. Một là chúng tôi hai là họ vì chúng tôi biết họ sẽ làm gì với chúng tôi.”

Tuy nhiên, ông Cohen cảnh báo rằng luật pháp không phải là yếu tố duy nhất phải cân nhắc khi tiến hành chiến tranh.

“Thực tế là rất nhiều trẻ em ở Gaza, trẻ em Palestine, sẽ chết trong một cuộc tấn công — ngay cả khi nó hợp pháp — đang hủy hoại tính hợp pháp của Israel trên toàn thế giới.”

Amichai Cohen

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Is Israel acting within the laws of war in Gaza? | The Economist | Middle East and Africa | October 14, 2023