Nỗi đau và mất mát

Izzeldin Abuelaish |DCVOnline

Izzeldin Abuelaish tự hào với hai cô con gái còn sống của mình (từ trái sang phải) Dalal và Shatha, tốt nghiệp Đại học Toronto. (Izzeldin Abuelaish/Facebook)

Bác sĩ Abuelaish, người đã mất 3 cô con gái và một cháu gái ở Gaza, kêu gọi tình nhân loại

Tôi vô cùng đau buồn và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới cả mọi người Palestine và người Israel đã mất  người thân. Vì tôi biết ý nghĩa của sự mất mát; ba con gái của tôi là Bessan, Mayar, Aya và cháu gái Nour của tôi đều bị giết một cách bi thảm. Chúng ta phải chữa lành vết thương và tìm thấy sự bình yên trong chính mình và sau đó là giữa chúng ta. Mất người thân là một kinh nghiệm đau thương và khó khăn đối với tất cả chúng ta, và tôi hoàn toàn hiểu nó đau đớn đến mức nào. Tôi cầu nguyện để tất cả có kiên nhẫn và sức mạnh để đối phó với giai đoạn khó khăn này, đồng thời giúp đỡ mọi người — và cầu mong tất cả tìm thấy biện pháp giảm bớt nỗi đau của mình.

Chúng ta phải nỗ lực để giữ cho những người thân yêu của mình được sống bằng những việc làm tốt, những lời nói tử tế và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Chúng ta có thể biến nỗi đau và mất mát này thành năng lượng tích cực. Chúng ta cần rút kinh nghiệm qua những bài học khó khăn này và sống một cuộc sống bền vững, tràn đầy tình yêu thương và sự lạc quan để biến nỗi đau và mất mát này thành năng lượng tràn đầy hy vọng. Biến cái chết và sự hủy diệt thành một cuộc sống tràn ngập tình yêu và một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy trở thành nguồn cảm hứng cho người khác bằng hành động và lời nói của mình, đồng thời cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình,  yêu thương và hy vọng.

Bây giờ chúng ta nghe thấy gì? Xúc động dâng cao—chúng ta nghe thấy tiếng bom, tiếng đạn, sự giết chóc, nỗi đau, sự tức giận và sự trả thù. Chúng ta cần tự hỏi: Tại sao việc này lại xẩy ra và chúng ta có thể làm gì để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đau đớn, chia rẽ và tuyệt vọng này? Chu kỳ này không mang lại cho chúng ta sự an toàn, bình an và giết chết niềm hy vọng và sự sống. Mỗi người trong chúng ta rút lui về góc riêng của mình, biện minh cho quan điểm của mình trong khi bị cơn tức giận, lo lắng và đau khổ tiêu diệt.

Cuộc khủng hoảng hiện nay là một thực tế ảm đạm với những ảnh hưởng toàn cầu. Chấn thương như vậy có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến những cá nhân và toàn bộ cộng đồng. Trong những hoàn cảnh như thế này, căng thẳng và nỗi đau có thể tràn ngập.

Những phương pháp giải quyết truyền thống bằng sức mạnh quân đội đã không đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong việc giải quyết xung đột và giảm bớt đau khổ. Những cách giải quyết như vậy là vô ích, chỉ làm tăng thêm đổ máu, hận thù và chủ nghĩa cực đoan, đồng thời liên tục thu hút những tân binh. Chúng ta nên rút ra bài học từ con cái của mình. Con gái tôi, Bessan, người từng tham dự những trại hòa bình, đã từng nói: “Dùng bạo lực với bạo lực không bao giờ giải quyết được vấn đề.” Cô ấy cũng nói, khi gặp những cô gái Israel, “Con nhận ra tụi con giống nhau quá.”

Chúng ta cần can đảm để tự suy ngẫm, công nhận những thất bại của mình và học hỏi từ những kinh nghiệm đó. Chúng ta đã học được từ quá khứ và những sai lầm trước đây của mình chưa?

Liệu cuối cùng chúng ta có nói “đủ” trước những đau khổ mà người Palestine, người Israel và những nạn nhân trên toàn thế giới phải chịu đựng không?

Chúng ta hãy chú ý đến những lời của Tiến sĩ Martin Luther King Jr.:

Một quốc gia tiếp tục chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng hơn là cho những chương trình nâng cao xã hội từ năm này sang năm khác đang tiến gần đến sự diệt vong về mặt tinh thần.”

Dr. Martin Luther King Jr

Người Palestine và người Israel, giống như nhiều người trên thế giới, từ lâu đã phải chịu đựng bạo lực, mất mát và đau đớn. Tất cả chúng ta đều hướng tới một thế giới nơi mọi người đều có thể sống trong hòa bình, công lý và cuộc sống tử tế, không phân biệt tôn giáo hay quốc tịch. Tất cả chúng ta phải nỗ lực tìm ra những giải pháp khuyến khích sự chung sống hòa bình và công bằng xã hội và kinh tế.

Lời kêu gọi chấm dứt đau khổ không chỉ giới hạn ở người Palestine và người Israel; nó mở rộng đến toàn thể nhân loại. Tất cả chúng ta cần phấn đấu vì một thế giới được đánh dấu bằng hòa bình và khoan dung, nơi mọi người đều có thể sống có phẩm giá và an ninh.

Tất cả chúng ta đều phải trả giá —  qua cuộc sống, con cái và tương lai của mình — và phần lớn đã đoàn kết chúng ta trong cuộc đấu tranh này. Người phải trả giá không phải là những tiếng nói xa xôi rao bán ảo tưởng.

Chúng ta bác bỏ quan điểm cho rằng cuộc sống, con cái và tương lai của chúng ta là nhiên liệu được sử dụng cho những lợi ích và chương trình nghị sự chính trị. Chúng ta sẽ nói gì với con cái chúng ta? Chúng ta sẽ để lại gì cho họ?

Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất cũng vẫn có hy vọng vì hy vọng là sự sống và hành động.

Chúng ta phải phá vỡ những rào cản của sự thiếu hiểu biết, kiêu ngạo và cuồng tín. Bằng cách làm việc cùng nhau và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của bạo lực, chúng ta có thể mong muốn một thế giới an ninh, hòa hợp và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Với ý chí mạnh mẽ và quyết tâm kiên định thì không có gì là không thể đạt được. Nếu người dân muốn đạt được cuộc sống, hòa bình và công lý thì chắc chắn họ sẽ tìm ra cách. Ý chí tập thể của người dân, kết hợp với hành động bền vững, có thể mang lại sự thay đổi tích cực và nâng cao sự an toàn và thịnh vượng của xã hội.

Tôi tin rằng nếu chúng ta muốn sống đoàn kết như anh em, như họ hàng và láng giềng, chúng ta cần nhiều hơn những biện pháp phản động đơn thuần chống lại những mối đe dọa đối với tương lai của chúng ta; chúng ta phải tích cực xua tan nỗi sợ hãi. Chúng ta thường thể hiện và thao túng nỗi sợ hãi, sử dụng nó như một lá chắn hơn là đối phó với thực tế.

Hận thù là chất độc tích tụ và cuối cùng biểu hiện dưới dạng bạo lực.

Hận thù xâm chiếm trái tim và tâm hồn của chúng ta, thay thế niềm hy vọng và khiến chúng ta mất đi cả sự sống và tinh thần.

Phương thuốc chữa trị sự căm ghét và giận dữ nằm ở sự quyết tâm, kiên nhẫn, học vấn và thành đạt.

Cuộc sống là những gì chúng ta tạo nên nó. Nó nằm trong taychúng ta. Đừng đổ lỗi cho người khác. Chúng ta có thể định hình nó và biến nó thành thứ chúng ta muốn.

Robert Fisk đã viết sau thảm kịch mà tôi phải đối diện: “Hiếm khi lịch sử có thể định rằng máu của ba cô con gái bị chặt đầu nên được truyền vào huyết mạch của hy vọng.

Chúng ta nên quan sát, tìm hiểu, học hỏi, kết nối và hành động. Giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy sự hiểu biết giữa những cộng đồng và tôn trọng những quyền và phẩm giá cá nhân có thể tạo tiền đề cho hòa bình lâu dài.

Chúng ta nên học hỏi từ lịch sử trong khi tập trung vào hiện tại và tương lai. Con cái chúng ta đại diện cho cả hiện tại và tương lai; họ là niềm hy vọng và cuộc sống của chúng ta.

Không có gì là không thể; cuộc sống là, và luôn luôn như vậy, do chúng ta tạo ra.

Như Theodor Herzl đã nói: “Nếu bạn muốn thì đó không phải là huyền thoại.

Và như nhà thơ người Tunisia Aboul-Qacem Echebbi đã nói:

Nếu một ngày nào đó, một dân tộc khao khát được sống, thì số phận sẽ đáp lại tiếng gọi của họ. Và màn đêm của họ sẽ bắt đầu mờ dần, xiềng xích của họ sẽ đứt và rơi xuống.

Aboul-Qacem Echebbi

Tác giả | Bác sĩ Izzeldin Abuelaish là giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Khoa Y tế Công cộng Lâm sàng tại Trường Y tế Công cộng Dalla Lana, Đại học Toronto.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Pain And Loss  | Izzeldin Abuelaishl | The Medialine | Oct 29, 2023