Poilievre có thể kinh miệt người khác, nhưng liệu ông ấy có đủ sức nhận lời chỉ trích hay không?

Stephen Maher | DCVOnline

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Pierre Poilievre phát biểu trong cuộc họp báo tại Giáo xứ Shaarei Shomayim ở Toronto vào thứ Năm ngày 23 tháng 11 năm 2023. (Frank Gunn/The Canadian Press)

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy tên mình xuất hiện trong chuyên mục của Shannon Proudfoot vào tháng trước về cuộc tranh luận trong lúc nhai táo của Pierre Poilievre với một phóng viên yếu hơn.

Poilievre sử dụng tôi như một công cụ hùng biện, hỏi Proudfoot rằng liệu tôi có thể bị đổ lỗi cho những lời đe dọa giết chết mà ông ấy nhận được cách đây một chục năm trước khi tôi đang đưa tin về những thay đổi gây tranh cãi của ông ấy đối với Đạo luật Bầu cử, hồi ông ấy còn là bộ trưởng cải cách dân chủ của Stephen Harper.

Proudfoot đã hỏi anh ta liệu anh ta có lo lắng về hiệu ứng người học việc với một phù thủy hay không — nguy cơ rằng cường độ dùng tu từ của ông ta có thể kích động những người ủng hộ ông ta đi quá xa. Ông ấy không lo ngại về điều đó. Ông ấy lấy tôi làm ví dụ về việc chúng ta không nên đổ lỗi cho những người của quần chúng về phản ứng căm thù của người khác. Theo một cách nào đó, ông ấy có lý. Không một người có lý trí nào có thể đọc được những bài báo của tôi hồi đó và quyết định đe dọa tính mạng của Poilievre.

Nhưng tôi không tranh cử cho bất cứ vị trí công nào, và ông ấy là người của công chúng. Poilievre có thể bác bỏ ý kiến cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về bầu không khí mà ông tạo ra bằng lời nói của mình, nhưng cử tri không bắt buộc phải tin vào lời nói của ông.

Ông ấy hiện đang dẫn đầu trong những cuộc thăm dò trong nhiều tháng qua và có vẻ chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng khi tất cả chúng ta đi bỏ phiếu lần tới, nhưng nhiều người lãnh đạo chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng đã thua trong ngày bầu cử. Những người đọc loại bài báo này có thể khó tin, nhưng nhiều người Canada chỉ có khái niệm rất mơ hồ về Poilievre, ông ấy là ai, không phải vì ông ấy chưa kết nối tốt với cử tri, điều mà ông ấy đã làm, mà bởi vì họ không chú ý.

Những cuộc tập hợp của ông ấy rất ấn tượng — với đám đông người cổ vũ từng lời nói — nhưng tôi nhận thấy rằng những tiếng cổ vũ lớn nhất thường dành cho những vấn đề được những người chống chủng ngừa yêu quý nhất — chẳng hạn như khi ông ấy hứa sẽ không cho những bộ trưởng của ông ta tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông ta phải giữ cho khối cử tri đó để ý vì sợ mất phiếu vào tay Đảng Nhân dân, nhưng họ sẽ làm đục nước, vì Poilievre có thể trông mạnh mẽ hơn ông ta trong thực tế nếu sự nhiệt tình mà chúng ta thấy tại những cuộc tập hợp hần lớn đến từ những người cho rằng Klaus Schwab đang âm mưu áp đặt một chính phủ thế giới toàn trị và cấy chip vào tất cả chúng ta.

Khi cử tri có cái nhìn rõ hơn về Poilievre trong một cuộc vận động tranh cử, họ sẽ phải cảm thấy rằng ông ấy phản ảnh những giá trị của họ. Ông ấy đang làm tốt điều đó trong những cuộc tập hợp của mình, nơi ông ấy đưa ra những lập luận thuyết phục theo chủ nghĩa tự do về chính phủ nhỏ hơn, mang lại hy vọng cho những người Canada đang kiệt sức vì những người theo chủ nghĩa Tự do lãng phí tiền bạc và toàn nói đạo đức.

Nhưng chúng ta vẫn chưa thể biết người Canada sẽ nghĩ gì về ông ấy khi cuộc vận động bắt đầu, và ông ấy phải tung ra những cú đấm và đủ sức nhận lấy chúng. Chẳng hạn, cuộc tranh cãi của ông ấy hôm thứ Năm, nơi ông ấy bắt nạt một phóng viên của Canadian Press, sẽ được coi là một ngày tồi tệ trong cuộc vận động tranh cử.

Kỳ lạ thay, một vụ tai nạn xe hơi ở tiểu bang New York lại là nguyên nhân khiến Poilievre mất bình tĩnh. Một người đàn ông 53 tuổi ở New York chuẩn bị đi nghe buổi hòa nhạc Kiss vì lý do nào đó đã lái chiếc Bentley của ông ta với vận tốc rất cao đâm vào bời xi-măng ở Cầu Rainbow ở biên giới tại Thác Niagara, bay lên không trung và bùng cháy khi rơi xuống, khiến cả hai vợ chồng thiệt mạng. Bi kịch gia đình này đã trở thành một bản tin tức quốc gia khi những kẻ ngu ngốc ở Fox News đưa tin rằng đó là một cuộc tấn công khủng bố, và một số kẻ ngu ngốc khác trong đảng Cộng hòa đã khuếch đại cáo buộc sai lầm đó trên mạng xã hội, liên kết nó với cuộc tấn công của họ nhằm vào Joe Biden vì đã không bảo vệ được biên giới của họ.. Ứng cử viên tổng thốngxun xoe, nịnh nọt của GOP Vivek Ramaswamy, người đã kêu gọi xây một bức tường ở biên giới phía bắc, đã dẫn đầu cuộc tấn công.

Trong Thời gian Hỏi đáp ở Hạ viện, Poilievre đã thiếu thận trọng khi đề cập đến những bản tin của giới truyền thông về một cuộc tấn công khủng bố. Khi sự thật lộ ra, Đảng Tự do cáo buộc ông ta đã vội kết luận khi không nắm đủ thông tin và hỏi ông ta về vụ ‘khủng bố’ — một lời phê bình chính đáng nhưng không gây nhiều thiệt hại.

Một phóng viên của Canadian Press — một phụ nữ trẻ thường đưa tin tại tòa án — đã hỏi ông ta về điều đó một cách tự nhiên tại cuộc họp báo tiếp theo ở Toronto. Ông ta đối xử thiếu tôn trọng và chế nhạo phóng viên đó bằng sự mỉa mai và trịch thượng; đầu tiên ông ta phàn nàn một cách cáu kỉnh về một số sai sót trong một câu chuyện phức tạp về quan hệ Canada-Ấn Độ đã gây xôn xao trên Canadian Press vào tháng trước. Ông đối xử với cô bằng sự khinh thường. “Cô đã phạm một sai lầm nữa trong câu hỏi của mình. Cô sai ở chỗ CTV đã đưa tin rằng chính phủ Canada cho rằng vụ việc là khủng bố. Đó là những gì tôi đã nói trong phần nhận xét của mình.

Khi ông ấy lao vào tấn công phóng viên ở B.C., ông ấy trông rất ngon lành vì điềm tĩnh nhai táo. Ở Toronto ông ấy quá nóng, bừng cả mặt.

Và báo cáo của CTV đăng tải sau khi Poilievre phát biểu tại Hạ viện. Có lẽ ông ta đã nhận được tin từ Fox News, làm dấy lên những nỗi sợ hãi vô căn cứ về một tai nạn xe hơi ở một nơi xa xôi, và khi bị hỏi về chuyện đó, ông ta đối xử với một nhà báo trẻ như một kẻ ngu ngốc độc ác.

Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer, người hiện nay sẽ có thể đã là thủ tướng nếu ông có khả năng trả lời tốt hơn những câu hỏi của phóng viên về chuyện hai quốc tịch và công việc lâu năm của ông trong ngành bảo hiểm ở Saskatchewan, đã tweet một đoạn clip về sự nạt nộ một cách đắc thắng: “Khi ‘những nhà báo’ thiên vị cố làm công việc bẩn thỉu của Đảng Tự do, ít nhất họ cũng nên đúng sự kiện của mình. Nếu không thể làm được điều đó thì ít nhất họ cũng có thể mang theo một ít táo.

Nhưng sự kiện của phóng viên CP đưa ra là sự thật. Poilievre đã sai và có hành động khinh thường người được sếp cử đến để đặt câu hỏi. Thật là thiếu lịch sự, vô giáo dục, đểu cáng.

Nó làm tôi nhớ đến câu chuyện 10 năm trước mà ông ấy đã đề cập với Proudfoot. Hồi đó, tôi đang viết những câu chuyện và chuyên mục chi tiết và nhàm chán về dự luật bầu cử của ông ấy. Tôi liên tục đề nghị được phỏng vấn ông ấy và ông ấy luôn từ chối, và ông ấy vẫn nghĩ về điều đó cả mười năm sau.

Đây là cách ứng xử của những kẻ bắt nạt. Họ tránh đương đầu với những người có thể ngang bằng và tìm cách coi thường những người mà họ nghĩ rằng họ có thể lấn áp.

Nhiều cử tri có thể vui mừng khi thấy ông ta đối xử khinh miệt với những nhà báo — đó là quyền của họ quyết định — nhưng công việc của chúng ta là kiểm điểm ông ta và nghiên cứu tính khí của ông ta trước khi ông ta lãnh đạo đất nước, và chúng ta không nên chùn bước trước nhiệm vụ ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải lên tiếng nạt nộ.

Tác giả | Stephen Maher, người gốc Truro, Nova Scotia, chuyển đến Ottawa vào năm 2004 để đưa tin về chính trị cho tờ Halifax Chronicle-Herald. Năm 2011, ông chuyển sang làm việc với Postmedia News. Ông là Nghiên cứu sinh Nieman của Harvard năm 2015-2016, người nhận Giải thưởng Michener cho thành tích báo chí phục vụ công chúng, một giải thưởng Báo chí Quốc gia, hai Giải thưởng Hội Báo chí Canada, một Giải thưởng Hillman Canada. Cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, Social Misconduct, được Simon & Schuster xuất bản.

Quan điểm, ý kiến bày tỏ bởi tất cả những người viết chuyên mục và cộng tác viên của iPolitics là của riêng tác giả. Chúng không phản ánh một cách cố hữu hoặc rõ ràng quan điểm, ý kiến và/hoặc lập trường của iPolitics.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Poilievre can dish it out, but can he take it? | Stephen Maher | iPolitics | Nov 24, 2023