Những mâu thuẫn của Kissinger

Timothy Naftali | Trần Giao Thuỷ

Cái nhìn sâu sắc về chiến lược và sự thiển cận về đạo đức đã định hình chính khách vĩ đại nhất nước Mỹ như thế nào

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ở Montréal, tháng 6 năm 2008. Shaun Best/Reuters

Sau hơn sáu chục năm ở sân khấu thế giới, trên đó ông vừa thuyết phục một cách xuất sắc vừa khéo léo đánh lừa những thế lực và tạo ra những mối quan hệ giữa những quốc gia còn sống sót với ông, Henry Kissinger nay đã thuộc về lịch sử mà ông đã góp phần tạo nên. Là viên chức chính phủ Mỹ duy nhất từng nắm giữ tất cả những đòn bẩy hoạch định chính sách đối ngoại – trong hai năm, ông đồng thời giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng – ông không có đối thủ ngang hàng nào trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ trong kỷ nguyên siêu cường. Ngoại trưởng của Tổng thống Harry Truman, Dean Acheson, chỉ gần được như thế. Nhưng ảnh hưởng của Acheson, mặc dù mang tính toàn cầu, phần lớn nằm ở việc định hình liên minh phương Tây chứ không phải trật tự thế giới. Những người ngang hàng thực sự với Kissinger là cố vấn cho những quốc vương của những cường quốc châu Âu (Charles Maurice de Talleyrand, Hoàng tử Klemens von Metternich, và Otto von Bismarck), điều này nói lên sự độc đáo trong vai trò của ông trong thời đại hiện đại và tính đặc thù của việc trở thành một mối quan hệ đồng phụ thuộc với người lãnh đạo được bầu của một siêu cường dân chủ.

Kissinger là một con người đầy mâu thuẫn. Được trời phú cho trí tuệ sắc sảo và sự tự tin cao độ, Kissinger tuy nhiên lại dễ xúc động và đôi khi có cảm giác bất an. Là một người đọc vô hạn, tuy nhiên ông ta có thể là tù nhân của những tư duy tiền định. Khi những sự việc mâu thuẫn với những suy nghĩ đó, Kissinger sẽ rơi vào tình trạng lo âu. Mặc dù cam kết vì hòa bình và thông thạo ngôn ngữ ngoại giao, ông là người thích mạo hiểm và không chỉ tin vào việc đe dọa bằng bạo lực mà còn tin vào việc áp dụng nó. Sẽ cần phải có một đối tác khác thường mới có thể khai thác được điểm tối ưu của Kissinger. Những hoàn cảnh giúp ông có thể thành công trong sự nghiệp không chỉ đòi hỏi thiên tài cá nhân mà còn cả cơ hội.

KHI HENRY GẶP RICHARD

Mặc dù Kissinger, sinh ra ở Fürth, Đức, vào năm 1923, đã cống hiến hết mình cho đất nước tiếp nhận mình, tuy nhiên ông vẫn tham gia vào chính phủ Mỹ với thái độ hết sức sự thờ ơ. Với tư cách là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại vào giữa những năm 1950, ông đã viết rằng việc tìm kiếm sự chắc chắn đặc trưng của người Mỹ mà ông cảm thấy bắt nguồn từ “chủ nghĩa kinh nghiệm của Mỹ” đã gây ra “những hậu quả tai hại trong việc thực hiện chính sách.” Như ông đã viết trên tạp chí Đối ngoại năm 1956 (và được nhắc lại trong cuốn sách nổi tiếng năm 1957 của ông, Nuclear Weapons and Foreign Policy | Vũ khí hạch tâm và Chính sách đối ngoại),

Trong cùng một bài luận, ông viết:

Một phần, đây là một lập luận hợp lý cho lịch sử chứ không phải cho khoa học chính trị để chuẩn bị cho những nhân vật lãnh đạo tương lai. Nhưng đó cũng là lời kêu gọi thực hiện một đại chiến lược của Hoa Kỳ, một mục tiêu hiếm khi được bất kỳ Toà Bạch Ốc nào theo đuổi ngoại trừ là kim chỉ nam của những người nắm quyền lực mà ông tìm hiểu khi còn là nghiên cứu sinh về lịch sử ngoại giao.

Bước đầu tiên của Kissinger đi vào công việc chính phủ đã mang lại sự thất vọng. Khi Tổng thống mới nhậm chức John F. Kennedy tuyển chọn một toán gồm toàn những nhân vật ưu tú của Harvard để làm việc cho chính quyền của ông, Kissinger lần đầu tiên nếm mùi quyền lực gần tổng thống, khi làm cố vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia. Kinh nghiệm thật khiêm tốn. Ông viết cho người bạn, Arthur Schlesinger, con ruồi của Toà Bạch Ốc Kennedy, người đã giúp đưa Kissinger đến Washington, “Nếu tôi không thể làm việc một cách đàng hoàng và với một chút tôn trọng thì tiếp tục cũng chẳng ích gì.” Đe dọa từ chức sẽ trở thành nét chủ đạo trong sự nghiệp của Kissinger. Vấn đề đối với ông vào năm 1961 là Kennedy chính xác là người theo chủ nghĩa kinh nghiệm Mỹ mà Kissinger đã dành nhiều năm phê phán. Ông than thở với Schlesinger, “Tôi lo ngại về việc thiếu một chiến lược tổng thể khiến chúng ta trở thành tù nhân của những sự kiện…. Kết quả là sự quan tâm quá mức đến chiến thuật.

Trong cuộc khủng hoảng Berlin năm đó, Kissinger phàn nàn với Schlesinger về việc “ở trong tư thế một người ngồi cạnh một người lái xe đang lao tới một vách núi và được yêu cầu bảo đảm rằng có bình xăng đầy và đủ áp suất dầu.” Tuy nhiên, vấn đề thực sự là những ý tưởng của ông không được Phòng Bầu dục của Kennedy hoan nghênh.

Kissinger đồng tình với văn hóa táo bạo được vị tổng thống trẻ ấp ủ; nhưng không giống như Kennedy, Kissinger không lo về mối nguy hiểm do vũ khí hạch tâm gây ra. Như ông đã viết vào những năm 1950, ông không chỉ tin vào việc có thể xẩy ra một cuộc chiến tranh hạch tâm có giới hạn, có thể sống sót mà còn lập luận rằng việc lập kế hoạch sử dụng hạn chế chiến tranh hạch tâm là cần thiết để ngăn chặn Liên Xô. Khi Kennedy đối mặt với cuộc khủng hoảng siêu cường lớn đầu tiên của ông, Kissinger đã tìm cách thực hiện khái niệm đó. Trong một bản ghi nhớ tuyệt mật vào tháng 10 năm 1961 có tựa đề “Kế hoạch của NATO”, mãi đến năm 2016 mới được giải mật hoàn toàn, Kissinger đã viết rằng “không thể thực hiện bất kỳ hành động nào trừ khi chúng ta quyết định trước phải làm gì nếu nó không thành công.

Kissinger đề nghị lập kế hoạch sử dụng hạn chế vũ khí hạch tâm trong trường hợp quân đội quy ước của NATO bị áp đảo trong nỗ lực duy trì quyền vào Berlin bị chia đôi. Tuy nhiên, Kennedy muốn giảm bớt vai trò của vũ khí hạch tâm trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ vị thế của đồng minh ở Berlin. Kissinger nhận thấy mình lạc nhịp với người quyền lực nhất thế giới.

Tám năm sau, Kissinger hợp tác với một tổng thống tỏ ra thích hợp hơn về mặt trí tuệ. Năm 1961, Kissinger đã mô tả chính quyền Kennedy là “niềm hy vọng tốt nhất, có lẽ là cuối cùng của chúng ta” với hàm ý rằng đối thủ của Kennedy trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, Richard Nixon, sẽ không phải là một sự thay thế thích hợp. Nhưng khi hoàn cảnh (và tài đánh cá đầy tham vọng của Kissinger) đưa Kissinger vào quỹ đạo của Nixon, ông đã tìm thấy cơ hội làm việc cho một người có tầm nhìn xa về chính sách đối ngoại. Tám năm bắt đầu từ năm 1969 là thời kỳ có hậu quả nghiêm trọng nhất đối với chính trị quốc tế trong nửa sau thế kỷ XX (với ngoại lệ đáng chú ý là giai đoạn từ 1989 đến 1991). Họ đã nhìn thấy những năm cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, sự sụp đổ của quyền lực phi cộng sản ở Đông Nam Á, nạn diệt chủng ở Campuchia, sự mở rộng mối quan hệ hòa hoãn Mỹ–Liên Xô, sự mở cửa chiến lược của Mỹ đối với Trung Hoa cộng sản, cuộc nội chiến ở Jordan, cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ vào Cyprus, Chiến tranh Ấn Độ–Pakistan, cuộc đảo chính quân sự ở Chile, Chiến tranh Yom Kippur ở Israel và cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu sau đó. Ngay giữa thời kỳ này, nhiệm kỳ tổng thống của Nixon bắt đầu dần dần sụp đổ sau những tiết lộ về việc Nixon lạm dụng quyền lực và liên luỵ với một âm mưu tội phạm nhằm cản trở công lý – như vậy có nghĩa là phần lớn trong thời kỳ này, Kissinger đã hành động một mình.

Sau sự thất vọng về kinh nghiệm với Kennedy, Kissinger đã viết “Tôi luôn tin rằng để có hiệu quả, một cố vấn phải là người thân cận với người uỷ nhiệm mình hoặc nếu không thì ông ta nên giữ một vị trí độc lập.” Với Nixon, Kissinger không được hưởng những lợi thế đó, điều này khiến ông vĩnh viễn không an toàn với tư cách là đối tác của Nixon trong việc xây dựng cái mà họ gọi là “cấu trúc hòa bình”. Bởi vì ông nhận ra rằng cá nhân ông không bao giờ có thể trở nên thân thiết với tổng thống – dù vì chủ nghĩa bài Do Thái của Nixon hay vì ông không có thể có được bất kỳ bạn thân mới nào ở tuổi trung niên – Kissinger sợ rằng Nixon có thể coi ông là người không trung thành, và vì vậy Kissinger thường bỏ công sức nhiều như vậy trong những trò chơi quan liêu cuối cùng là vô nghĩa ở Washington khi ông cố gắng giải thoát Hoa Kỳ khỏi một cuộc chiến đang thua ở Đông Nam Á. Để chứng minh lòng trung thành với Nixon và để phát giác bất kỳ sự phản bội nào, Kissinger đã yêu cầu FBI nghe lén nhân viên của ông khi tin tức về vụ thả bom bí mật ở Campuchia bị rò rỉ đến tờ The New York Times. Trớ trêu thay, nhân viên không trung thành nhất với Kissinger lại là phụ tá của ông ta, Alexander Haig đầy tham vọng, người đã cấp cho Nixon những diễn giải đen tối về động lực thúc đẩy Kissinger nhưng có vẻ như người này chưa bao giờ bị nghe lén.

NỖI ÁM ẢNH VỀ SỰ TÍN NHIỆM

Kissinger vẫn cam kết dùng vũ lực để phục vụ trật tự quốc tế như thời Kennedy, và ông nhanh chóng bộc lộ mình là thành viên diều hâu nhất trong đội ngũ an ninh quốc gia của Nixon. Thời kỳ đầu trong chính quyền, khi Bắc Hàn bắn hạ một máy bay trinh sát của Mỹ trên vùng biển quốc tế vào tháng 4 năm 1969, Kissinger là người lên tiếng chủ trì việc tấn công căn cứ không quân của Bắc Hàn để trả đũa. Như chánh văn phòng của Nixon, H. R. Haldeman, đã ghi lại trong nhật ký:

Theo Haldeman, Kissinger cũng đề nghị nếu Bắc Hàn trả đũa Nam Hàn, Washington nên “dùng vũ khí hạch tâm và thổi chúng bay mất.”

Nixon không nhận lời khuyên của Kissinger về vấn đề Bắc Hàn. Nhưng Nixon đồng ý với quan điểm của Kissinger về sự cần thiết phải gửi thông điệp bằng bạo lực đi và quyết định phát động làn sóng thả bom bí mật vào những căn cứ quân sự của Bắc Việt ở Campuchia. Họ mong Liên Xô và Trung Hoa sẽ nhận được thông điệp, ngay cả khi dân Mỹ không biết gì. Vào thời điểm đó, Kissinger đã bị ám ảnh với điều mà ông coi là thách thức trong việc duy trì uy tín của Mỹ khi nước này rút khỏi Việt Nam. Kissinger không bao giờ chấp nhận rằng cuộc chiến đã thất bại, nhưng ông vấp phải sự phản đối kiên trì từ phía Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, một cựu dân biểu hiểu rằng trong một nền dân chủ, chính phủ đã duy trì một cuộc chiến tranh ở ngoài nước, xa xôi, trong tình trạng nguy hiểm về mặt chính trị. Laird thuyết phục Nixon chấp nhận rằng ông ta sẽ phải rút số quân nhân ngày càng tăng.

Kissinger lo ngại rằng, đối với công chúng Mỹ, những cuộc rút quân như vậy đang gây nghiện – chính sách tương đương với “đậu phộng muối”, như ông nói. Với mỗi lần rút quân, mối lo lắng của Kissinger lại tăng lên rằng Washington sẽ mất khả năng đe dọa Bắc Việt ngồi vào bàn đàm phán. Giải pháp của ông cho vấn đề này là leo thang chiến tranh trên không và vào năm 1970, mở rộng chiến trường cho quân đội Mỹ sang Campuchia trung lập.

Kissinger và Nixon cũng tìm kiếm những nguồn ngoại lực áp đặt thêm lên Hà Nội. “Ngoại giao tam giác” phức tạp đã trở thành dấu ấn trong sự nghiệp của Kissinger – giảm căng thẳng với Moscow, gồm cả thỏa thuận hạn chế vũ khí hạch tâm đầu tiên trong lịch sử, cùng với việc mở rộng quan hệ với Bắc Kinh – bắt đầu như một cách để bù đắp những ảnh hưởng của việc Mỹ rút khỏi Đông Nam Á. Sau khi ban đầu nghi ngờ tính khôn ngoan trong đề nghị của Nixon rằng Hoa Kỳ chuẩn bị thiết lập lại liên lạc với Trung Hoa, Kissinger đã say sưa nói về tính bí mật của những cuộc đàm phán qua kênh ngầm với Bắc Kinh và hiểu những lợi ích mà việc chấp nhận rủi ro này có thể mang lại. Có vẻ như chưa có nhà ngoại giao Mỹ nào trước đây hoặc kể từ đó tham gia vào kiểu hành động căng thẳng như Kissinger đã thực hiện trong nhiều cuộc họp bí mật của ông vào năm 1971, mở đường cho chuyến thăm khải hoàn của Nixon tới Trung Hoa và Liên Xô vào năm sau. Hà Nội có nhiều quyền tự quyết hơn trong Chiến tranh Lạnh so với những gì Nixon và Kissinger tưởng, và sẽ phải có quyết định về phía lãnh đạo Bắc Việt để phá vỡ tình trạng bế tắc trong những cuộc đàm phán căng thẳng giữa Kissinger và nhân vật trong ban lãnh đạo Bắc Việt Lê Đức Thọ vào mùa thu 1972. Nhưng chính sách ngoại giao tam giác, trong đó có sự tham gia của hai nguồn viện trợ quân sự quan trọng nhất của Hà Nội, đã không gây thiệt hại gì.

Phức tạp hơn nữa là chính sách ngoại giao con thoi của Kissinger sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Cuộc chiến đã khiến Kissinger sợ hãi. Ông đã không đoán trước được cuộc tấn công bất ngờ của Ả Rập vào Israel, nhưng ban đầu ông chắc chắn rằng Israel sẽ dễ dàng đánh bại Ả Rập và lo ngại rằng một chiến thắng của Israel sẽ làm mất hòa khí với Liên Xô. Thay vào đó, khi Israel đang bấp bênh trên bờ vực sụp đổ quân sự, Kissinger đã ủng hộ một cuộc không vận của quân đội Mỹ. Một khi tình thế đã thay đổi, Kissinger tìm cách áp đặt một cơ cấu lên Israel và những nước láng giềng nhằm ràng buộc tất cả họ với Washington và đẩy họ ra khỏi Moscow. Kissinger không bao giờ có thể đẩy Moscow ra khỏi Syria (nơi họ vẫn có mặt cho đến ngày nay), nhưng Washington đã có được Ai Cập như một đồng minh lâu dài, một thành tựu mà trước đây dường như không thể thực hiện được do Mỹ hỗ trợ cho Israel.

BÀN TAY BẨN

Với tất cả thiên tài ngoại giao của mình, Kissinger có một điểm mù đạo đức khổng lồ. Ông ta chỉ có thể nhìn thế giới từ độ cao 30.000 bộ–hoặc qua con mắt của những người có quyền lực. Đúng như ông đã xem khái niệm chiến tranh hạch tâm hạn chế trên phương diện lâm sàng (và theo cách mà hai vị tổng thống mà ông đang phục vụ không có chung quan điểm), ông không đặt nặng vấn đề hậu quả về mặt con người của những lựa chọn chiến thuật tiềm ẩn trong cấu trúc chiến lược mà ông và Nixon đang xây dựng. Theo nhiều cách, bất chấp kinh nghiệm của ông khi còn là một đứa trẻ di cư vào những năm 1930 và là một người lính Mỹ trong Thế chiến thứ hai, ông vẫn là một kỹ thuật viên quyền lực vô cảm và nhạt nhẽo.

Vào thời điểm Hoa Kỳ bắt đầu thả bom bí mật vào Campuchia năm 1969, nước này đã bị lôi kéo vào Chiến tranh Việt Nam: trong một chục năm, Bắc Việt đã lợi dụng đường biên giới lỏng lẻo giữa Campuchia và Việt Nam Cộng hoà để xâm nhập tiếp vận cho quân chính quy và quân MTDTGPMNVN phía nam gần Sài Gòn. Nhưng cuộc xâm lăng chung giữa Mỹ và Nam Việt Nam vào năm 1970 đã xóa sạch những gì còn sót lại của nền trung lập Campuchia. Mặc dù viện trợ quân sự của Hà Nội cho Khmer Đỏ là nguyên nhân lớn nhất gây ra sự bất ổn ở Campuchia, sự can thiệp của Mỹ, đầu tiên dưới hình thức thả bom bí mật và sau đó dưới hình thức xâm lăng, đã góp phần tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của cái gọi là chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Chưa hết, trong hồi ký của mình, Kissinger đã không nhận bất kỳ trách nhiệm nào về việc gây bất ổn cho Campuchia. Ông chế giễu việc đổ lỗi cho vụ đánh bom của Hoa Kỳ gây ra kết quả đó “cũng có lý như đổ lỗi cho Holocaust của Hitler là do người Anh ném bom vào Hamburg.

Điểm mù của Kissinger kéo dài ra khỏi vùng Đông Nam Á. Năm 1972, Kissinger đã sắp đặt hành động bí mật của Mỹ để phối hợp sự hỗ trợ của Iran và Israel cho những quân Kurd chống lại chế độ Iraq thân Liên Xô của Saddam Hussein, trói buộc phần lớn quân đội Iraq mà lẽ ra Saddam có thể đã phái đi chiến đấu với Israel. Nhưng khi vua Iran, vì lý do riêng, quyết định giải quyết tranh chấp biên giới với Iraq và rút lại sự hỗ trợ vào năm 1975, Kissinger đã không làm gì khi lực lượng Iraq đôi xử tàn bạo với người Kurd.

Tại Chile, chính quyền Nixon tiếp tục chính sách do Kennedy khởi xướng là khai triển hành động bí mật nhằm ngăn chặn Salvatore Allende theo chủ nghĩa xã hội trở thành tổng thống. Vào tháng 9 năm 1970, Kissinger giám sát những nỗ lực của CIA nhằm dàn xếp một cuộc đảo chính quân sự để ngăn chặn Allende, người vừa nhận được số phiếu bầu lớn nhất trong một cuộc bầu cử quốc gia, trở thành tổng thống vào năm đó. Kissinger tuyên bố với hội đồng đề nghị hành động bí mật của Hoa Kỳ đối với Nixon, “Tôi không hiểu tại sao chúng ta phải để một quốc gia đi theo chủ nghĩa Mác chỉ vì người dân của nước đó vô trách nhiệm.” Được biết đến qua cái tên “Đường số II”, hành động bí mật này không mang lại kết quả như mong muốn. Ba năm sau, không có tay sai bù nhìn nào của Mỹ trong cuộc đảo chính quân sự do Augusto Pinochet tàn bạo cầm đầu đã hạ bệ Allende. Nhưng Kissinger hoan nghênh kết quả này và không chịu gây áp lực với chính quyền mới thân Mỹ để ngăn chặn những vi phạm nhân quyền–thực tế, Kissinger đã làm điều ngược lại. Vào tháng 6 năm 1976, sau khi chính quyền của Pinochet bắt giữ hàng ngàn người Chile vô tội, tra tấn ước tính khoảng 30.000 người và hành quyết ít nhất 2.200 người trong số đó, Kissinger nói với Pinochet trong một cuộc họp riêng, “Đánh giá của tôi là ông là nạn nhân của tất cả những nhóm cánh tả trên khắp thế giới, và cái tội lớn nhất của ông là đã lật đổ một chính phủ đang theo hướng cộng sản.

Ở Iraq và Chile, Kissinger được cho là đã không dính đến những hành động trái đạo đức và bất hợp pháp. Nhưng không có gì có thể tách rời ông khỏi cuộc tàn sát thường dân ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1972 trong cái được gọi là “vụ thả bom Giáng sinh.” Hoạt động quân sự này vẫn là một trong những quyết định chính sách đối ngoại tồi nhất của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Vào mùa thu năm 1972, Kissinger đã đàm phán thành công, đạt được một khung sườn với Hà Nội để Mỹ rút khỏi cuộc chiến, nhưng những nỗ lực của ông đã gặp phải sự phản đối gay gắt của Việt Nam Cộng hoà. Để báo hiệu cho Sài Gòn rằng Washington vẫn là một đồng minh đáng tin cậy, Kissinger chủ trương ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Không có biện minh nào thuyết phục cho cuộc tấn công này, gồm 729 phi vụ của máy bay B–52 thả 15.000 tấn bom. Cuộc tấn công đã giết chết khoảng 1.000 thường dân Việt Nam nhưng không ảnh hưởng gì đến sức mạnh quân sự hoặc vị thế đàm phán của cả hai bên. Nixon, với tư cách là tổng thống, xứng đáng lãnh nhận trách nhiệm cuối cùng, nhưng khi những tài liệu được giải mật và những đoạn ghi âm bí mật mà Nixon thực hiện đã tiết lộ nhiều chục năm sau đó, thì chính Kissinger đã thúc ép Nixon bất đắc dĩ dùng đến bạo lực với thường dân Việt Nam ở miền Bắc vì những lý do thuần túy mang tính biểu tượng. Điểm mấu chốt trong sự nghiệp phức tạp của Kissinger là niềm tin rằng bất cứ khi nào uy tín của Mỹ bị đe dọa thì máu của người dân nước khác đều phải đổ.

Sự coi thường giá trị mạng sống con người như vậy là điển hình của những chính khách phục vụ những chế độ quân chủ đế quốc ở thế kỷ 18 và 19, rất lâu trước khi những giá trị tự do ăn sâu vào xã hội phương Tây. Trong trường hợp như sự tàn bạo của Talleyrand đối với người dân bị bắt làm nô lệ ở Haiti, điểm mù mang tính xã hội, trái ngược với cá nhân. Kissinger, phục vụ một nền cộng hòa dân chủ tự do vào nửa sau thế kỷ 20, không có lời bào chữa nào như vậy cho hành động vô đạo đức của ông ta.

MỘT NGƯỜI PHI THƯỜNG

Ảnh hưởng của Kissinger không hề suy giảm sau khi ông rời Bộ Ngoại giao vào năm 1977. Ông gần như trở thành ngoại trưởng một lần nữa trong vai trò đồng tổng thống được cựu Thống đốc tiểu bang California Ronald Reagan và cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford xét đến trong thời gian ngắn tại Đại hội đảng Cộng hòa năm 1980. Nhưng ngay cả khi không có chức vụ trong nội các, Kissinger vẫn sẵn sàng tham gia những ủy ban cao cấp của tổng thống và thường xuyên đưa ra lời khuyên cho những tổng thống tiếp theo. Điều quan trọng nhất là ông tiếp tục chăm sóc khu vườn của giới tinh hoa quyền lực phi thường mà ông từng làm việc cùng bằng cách truyền tải những thông điệp, chia sẻ những phân tích, kết nối mọi người và duy trì sự thích hợp trong một thế giới luôn thay đổi.

Rất lâu sau khi những người khác có thể đã bỏ qua vấn đề, Kissinger vẫn bị ám ảnh với di sản của mình. Cuốn hồi ký ba tập của Kissinger sẽ trở thành những tập sách phải đọc trước cho tất cả sinh viên trong thời kỳ hỗn loạn về những vấn đề toàn cầu kéo dài từ năm 1969 đến năm 1977. Cách giải thích sự kiện của Kissinger đã xoa đi chủ nghĩa cảm xúc, sở thích sử dụng vũ lực, sự thờ ơ của ông đối với nhân quyền và những thỏa hiệp về mặt đạo đức mà ông phải thực hiện để theo kịp một người lãnh đạo hoang tưởng và mù quáng như Nixon.

Tuy nhiên, ngay cả khi người ta sửa chữa những sai sót trong lời biện bạch của Kissinger, thì không thể phủ nhận bản chất phi thường trong những thành tựu của ông. Kissinger coi như bất tử trong những vấn đề toàn cầu, xây dựng mối quan hệ bền vững cho Hoa Kỳ. Và ông để lại một di sản chứa đầy những lời cảnh cáo cho những người nắm giữ quyền lực của Mỹ trong tương lai. Như ông đã ngụ ý vào năm 1957, khi ông cảnh cáo về sự nguy hiểm của giáo điều đối với giới hoạch định chính sách, không có quy tắc nào cho chính sách thực dụng của ông. Nó mang phong cách riêng của những người như – Nixon và Kissinger – đã thực hiện nó. Phong cách đó cũng phần lớn xa lạ với truyền thống quản lý nhà nước của Mỹ. Không có bất kỳ ý thức chính trị hay sự đồng cảm nhân bản nào, đó là một cách đối xử trái ngược với những thể chế của một nền dân chủ tự do đến mức nó phải được thực hiện một cách bí mật. Trớ trêu thay, di sản tích cực của Kissinger bắt nguồn từ những trường hợp trong đó thiên tài về tương tác giữa giới thượng lưu, tham vọng và sức chịu đựng đặc biệt của ông đã dẫn đến những thỏa thuận đàm phán được khiến việc dùng bạo lực để bảo vệ chính sách thực dụng trở nên khó khăn hơn.

Tác giả | Timothy Naftali là Học giả Khoa tại Viện Chính trị Toàn cầu tại Trường Quan hệ Công và Quốc tế của Đại học Columbia. Ông là Giám đốc sáng lập của Thư viện và Viện Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How Strategic Insight and Moral Myopia Shaped America’s Greatest Statesman | Timothy Naftali | Foreign Affairs | December 1, 2023