Cuộc đời với Hầu tước de Sade

Francine du Plessix Gray | Trần Giao Thuỷ

Khi Sade trở thành một quái vật vô luân, vợ ông trở thành một hình mẫu của sự tận tâm.

Khi Sade trở thành một quái vật vô đạo đức, vợ ông trở thành một hình mẫu của sự tận tâm. Tanh trình bầy của Edward Sorel

Donatien Alphonse François, Hầu tước de Sade, có thể là nhà văn duy nhất không bao giờ mất khả năng gây sốc cho chúng ta. Và trong mối quan hệ mang tính cách mạng—thật ra là tàn bạo—mà ông đã tạo ra giữa tác giả và độc giả, một mối quan hệ từ bỏ niềm vui kể chuyện truyền thống và thay vào đó là sự xúc phạm, xa lánh và buồn chán, ông có thể được coi là cha đẻ của trường phái hiện đại. Tuy nhiên, trong nền văn học bao la lấy cảm hứng từ những cuộc truy hoan hư cấu và sự phóng đãng đời thực của Hầu tước, người ta rất ít chú ý đến người vợ hết lòng yêu thương ông, người mà ông đã viết thư gởi từ phòng giam trong nhà tù Vincennes:

Tranh chân dung Donatien Alphonse François de Sade (June 2, 1740 – December 2, 1814) – khi còn trẻ do Charles Amédée Philippe van Loo (1719-1795) vẽ.

“Hãy yên tâm, linh hồn của hồn anh, việc nhỏ đầu tiên anh sẽ làm khi được tự do, hành động đầu tiên của anh là một người tự do, sau khi hôn vào mắt, nhũ hoa và mông em, là anh sẽ mua . . . toàn bộ tác phẩm của Montaigne. . . Voltaire, J.-J. Rousseau. . . . Và đừng quá keo kiệt với sự quay cuồng nho nhỏ của anh. . . . Cưng ơi, liệu một hoặc hai chai rượu đào, có thể lật đổ luật Salic hay đe dọa bộ luật Justinian không? Nghe này, trò cưng của Minerva, chỉ có kẻ say mới phải chấp nhận bị từ chối như vậy: cưng yêu, nhưng anh chỉ say và không bao giờ thoả mãn với vì sự quyến rũ của em, chìa khóa dẫn đến sự bất tử, không nên từ chối mà không cho anh một chút rượu đào. . . . Ngọn lửa của cuộc đời anh, khi nào, khi nào những ngón tay ngà ngọc của em sẽ đến để đổi song sắt của [người cai ngục của anh] lấy những bông hồng trên ngực em? Vĩnh biệt, anh hôn em và đi ngủ. Ngày 24 tháng 11 năm 1783, lúc 1 giờ sáng.”

Renée-Pélagie de Sade là một phụ nữ đạo đức, đoan trang nhưng niềm đam mê chồng đã khiến bà liên luỵ vào nhiều vụ tai tiếng tình dục khét tiếng nhất trong thời đại của mình. Cuộc hôn nhân lập dị của họ không được nhiều người chú ý đến trong nhiều thế kỷ và rất ít lá thư họ gửi cho nhau được phiên dịch. Tuy nhiên, chính sự thành tâm hàng chục năm của bà Hầu tước đã cho phép tài năng quái lạ của Sade trổ hoa và, dù tốt hay xấu, đã trở thành một phần di sản của phương Tây.

Renée Pélagie Cordier de Launay de Montreuil (December 2, 1741 – July 7, 1810, thọ 68 tuổi). Wikidata

Renée-Pélagie de Montreuil không biết mặt chồng tương lai của mình cho đến đêm trước đám cưới của họ, tổ chức tại Paris vào ngày 17 tháng 5 năm 1763. Cô dâu, nhút nhát và sống ẩn dật, 21 tuổi; chú rể vui vẻ, 22 tuổi, nổi tiếng là một kẻ vung tay quá trán và phóng túng. Không cần phải nói, hôn nhân này là do cha mẹ hai người sắp đặt và vì những cân nhắc vật chất thô bỉ nhất. Gia đình đàng hoàng của cô dâu, thuộc giai cấp tiểu tư sản mới nổi, rất giàu có. Gia đình Sades phóng túng, thuộc giới quý tộc — tự hào là họ hàng xa của hoàng gia, nhưng tài sản chỉ có một số điền trang ở Provence, quê hương của họ — gần như đã phá sản. Ông de Montreuil, từng là thẩm phán của một trong những tòa án quan trọng nhất của Paris, có mối quan hệ với giới quyền lực ở Versailles, trong khi những liên hệ của họ Sades ở đó đã bị xói mòn vì cha của vị Hầu tước trẻ đã nhiều lần làm ô nhục gia đình. Còn với người phụ nữ đầy tham vọng và năng động, bà de Montreuil, liên minh hai họ đã đáp ứng được mong muốn của bà là gả con gái lớn vào giới quý tộc. Trong những năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, bà đóng vai trò là người biện hộ và bảo vệ nhiệt tình nhất cho con rể.

Tuy nhiên, có một khía cạnh của cuộc hôn nhân này mà không một bậc cha mẹ nào liên quan có thể đoán trước được — đôi vợ chồng trẻ Sades yêu nhau vô cùng chỉ trong thời gian rất ngắn. Họ rất khác nhau về tính khí: Renée-Pélagie hiền lành, khiêm tốn hoàn toàn không có bất kỳ sự khoa trương hay phù phiếm nào, trong khi Donatien xấu tính là một người ăn diện diêm dúa và tự yêu mình với những ảo tưởng trắng trợn về sự vĩ đại. Tuy nhiên, họ đã có quan hệ tình cảm mật thiết và âm mưu, đây là điều bất thường trong bối cảnh những cuộc hôn nhân sắp đặt của thế kỷ 18. Bà Hầu tước cuối cùng đã sinh cho Sade ba đứa con, đã thanh thản chấp nhận vô số những cuộc truy hoan của chồng mình với tài tử, kỹ nữ và gái điếm đủ loại. Bà đã che giấu dấu vết của chồng với cảnh sát trong những cuộc vượt ngục kỳ quặc nhất của ông ta, và chứng kiến, nếu không tham gia, một số những cuộc truy hoan của ông. Qua nhiều năm, sự tận tâm của bà đã đạt được một loại sức mạnh thần bí. Bà viết cho chồng vào một trong những khoảnh khắc chán nản mà ông ấy chịu đựng trong thời gian ngồi tù, “Em vẫn tôn thờ anh với cùng một sự mãnh liệt. Em chỉ có một niềm hạnh phúc duy nhất trong đời, đó là được đoàn tụ với anh và được thấy anh hạnh phúc và mãn nguyện. . . . Chúng ta sẽ cùng sống và chết cùng nhau.”

Chàng Hầu tước trẻ tuổi đẹp trai được biết là người thông minh sống động và sự hiểu biết sâu rộng về văn chương, trong khi Pélagie là cô gái chất phác (tôi sẽ gọi bà ấy như vậy) không xinh đẹp cũng không có học thức. Tuy nhiên, những gì thiếu về sự lịch duyệt, bà ấy đã bù đắp bằng tính khí mạnh mẽ và sự độc lập. Giống như chồng, bà ấy hoàn toàn không quan tâm đến những mưu mô của đời sống xã hội và từng mô tả xã hội thượng lưu Pháp là “một lũ vô lại, những kẻ thành công nhất trong số đó là những kẻ lừa đảo nhất.” Là một cô gái tính như con trai, bà thích tiết kiệm, thích quần áo cũ và giầy cao gót. Khi còn ở quê, bà rất thích làm những công việc ngoài trời, như cắt tỉa cây ăn trái và chẻ củi. Trên thực tế, một trong những chìa khóa dẫn đến sự hòa hợp hôn nhân đáng kinh ngạc của gia đình Sades là sự mộc mạc chung của họ và cảm giác bị gạt ra ngoài lề trong môi trường quý tộc, điều này sẽ dễ dàng khiến họ trở thành những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Họ thậm chí còn có thói quen xưng hô với nhau bằng ‘tu’ — một cách xưng hô khi đó phần lớn chỉ giới hạn giữa những cặp vợ chồng trong tầng lớp nông dân và thợ thủ công.

Hai vợ chồng nhà Sades đều là những đứa trẻ cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Pélagie đã phải đau khổ vì tình yêu thiên vị mà mẹ, bà de Montreuil, dành cho cô em gái, Anne-Prospère xinh đẹp mê hồn. Mẹ của Donatien, một người phụ nữ lạnh lùng, ích kỷ, ít quan tâm đến cuộc sống gia đình, đã lui vào tu viện Carmelite khi ông lên bốn, và cha ông thường đi công tác ngoại giao. Cậu bé được họ hàng ở Provence nuôi dưỡng và sau đó được gửi đến trường nội trú của Dòng Tên ở Paris. Pélagie dường như ngay lập tức cảm thấy rằng trong Donatien đang ẩn náu một đứa trẻ cô đơn, quá nhạy cảm sẽ chết nếu không có sự hỗ trợ của bà, và trong phần lớn cuộc sống hôn nhân của họ, vợ chồng Sades bám lấy nhau như hai đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi, bất chấp thế giới của người lớn với sự nịnh bợ, leo thang xã hội và lợi ích vật chất, thường theo cách khoa trương.

Tình cảm của Sade dành cho vợ khó giải mã hơn vì những cảm xúc thất thường của và sự phức tạp tột độ của chứng rối loạn thần kinh của ông. Nhưng rõ ràng là ông đã lệ thuộc vào bà như trẻ con; ông trân trọng sự can đảm và chung thủy của bà và luôn lo sợ đánh mất sự quý trọng của bà: trong những năm đầu của cuộc hôn nhân của họ, lời cầu xin đầu tiên của ông với chính quyền sau khi rơi vào bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào là “Đừng để vợ tôi biết.” Sự thắm thiết của họ được thể hiện rõ qua những bức thư họ trao đổi trong thời gian Sade ngồi tù. Trong một trong những bức thư của mình, ông ấy đã khéo léo gọi vợ là “hành tinh vũ trụ thứ mười bẩy”, “men lấp lánh trong mắt anh”, “ngôi sao của thần Vệ nữ”, “con chó cưng của anh”, “cưng của anh”, “niềm hạnh phúc của Muhammad”, “màu tím của vườn Địa đàng” và “mèo con thiên đường”. Về phần Pélagie, bà thường gọi chồng mình là “cậu bé ngoan của em.”

Anne Prospère Cordier de Launay de Montreuil (December 27, 1751 – May 13, 1781, thọ 29 tuổi. https://gw.geneanet.org/

Trong 5 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, Hầu tước de Sade, với sự đồng tình của mẹ vợ, đã cố giấu vợ về những lầm lỗi không đáng kể và cả những mối quan hệ ồn ào của ông với những nữ tài tử Paris. Khi ngồi tù hai tuần vào mùa thu năm 1763, vì những gì mà phúc trình của cảnh sát mô tả là “lời báng bổ và hành vi phạm thánh” phát biểu trước sự chứng kiến ​​của một gái mại dâm, Pélagie đã tin rằng chồng bà phải ngồi tù vì nợ. Ông ta cũng không cho vợ biết mức độ trác táng của mình: ngoài việc phung phí số tiền chẳng là bao của riêng mình, Donatien còn tiêu sạch phần lớn của hồi môn lớn của vợ ông ta — tương đương với khoảng sáu trăm năm mươi ngàn đô la ngày nay — để tài trợ cho bệnh bài bạc của ông ta.

Sự sắp xếp giữa Mme. de Montreuil và con rể của bà vẫn nguyên vẹn cho đến mùa xuân năm 1768, ngay sau khi đứa con đầu lòng của Sades ra đời, khi hậu quả của một trong những hành động hoang đàng của Hầu tước không còn có thể kiểm soát được. Vào Chủ nhật Phục sinh năm đó, Hầu tước mặc một chiếc áo choàng dài màu xám, một tay cầm một chiếc khăn choàng lông mèo trắng và một tay cầm gậy, đã đứng trước lối vào một nhà thờ ở Paris và gạ gẫm một phụ nữ ăn xin đi với ông đến một trong vô số “ngôi nhà nhỏ” mà ông ấy giữ ở ngoại ô Paris để làm nơi hẹn hò. Sau đó, người phụ nữ, có thể là gái mại dâm hoặc không, đã tố cáo ông ta đã đánh bà đến chẩy máu và đổ sáp đóng triện vào vết thương của bà ấy. Sade đã trở nên dễ bị tổn thương vì sự nhục nhã của cha mình và vì việc ông coi thường chuyện giữ liên lạc với những người cũng giới quý tộc, và vụ án của ông đã được đưa lên Quốc hội Paris, cơ quan pháp lý cao nhất của Pháp.

Đánh giá đúng những hành động phạm tội này sắp trở thành một vụ tai tiếng lớn, Hầu tước đã đột ngột bỏ thói quen trước đây là che chở để vợ mình không biết đến những chi tiết đáng sợ về đời sống riêng tư của ông và thông báo cho bà ấy biết hết về những hành động sai lầm của mình. Sau đó, trong những tuần tiếp theo, khi bắt đầu thụ án tù sáu tháng tại lâu đài/nhà tù Pierre-Encize, gần Lyons, Bà Hầu tước de Sade từ bóng tối bước ra và trở thành chính mình, đảm nhận vai trò người bảo vệ chồng trước đây do mẹ bà đảm nhận. Pélagie, không hề xa lạ với tội ác ghê tởm của chồng mình, nhận thấy sự say mê của bà dành cho ông ngày càng mãnh liệt. Để khôi phục lại tự do và bảo vệ chồng khỏi những kẻ bắt giữ ông ngày càng cảnh giác đã trở thành mục tiêu trong cuộc đời của bà, và bà đã thi hành sứ mệnh đó như sự cống hiến vị tha mà những linh mục hoặc nữ tu đầy cảm hứng mang đến cho ơn gọi của họ. Qua nhiều năm, hy sinh tình mẹ với những đứa con của mình và mối quan hệ với mẹ mình, bà đã có được một danh tính mới, vui vẻ hòa nhập với Donatien, về mặt tinh thần, trong trạng thái của người bị xã hội ruồng bỏ của ông ấy.

Lâu đài/nhà tù Pierre-Encize. https://www.patrimoine-lyon.org/

Theo lời cầu xin của chồng, bà vẫn ở gần ông trong suốt thời gian ông bị giam cầm, Pélagie sống ở Lyons, bán tất cả kim cương của mình để trang trải cho chuyến đi thăm và thuê chỗ ở cho mình. Mặc dù sắc lệnh ban đầu của nhà vua chỉ cho phép hai vợ chồng gặp nhau hai hoặc ba lần trong thời gian Sade trong tù, nhưng bà đã mê hoặc người chỉ huy lâu đài/nhà tù cho phép họ được gặp nhau thường xuyên và thân mật hơn nhiều, và trong những tháng cuối cùng khi Donatien bị giam cầm, Pélagie đã mang thai một đứa con khác, con trai thứ hai của họ.

Ba năm sau khi Sade được trả tự do, ra khỏi Pierre-Encize, vào mùa thu năm 1771, gia đình Sades và ba đứa con của họ (một bé gái sinh ra vào mùa xuân năm đó) dọn đến La Coste, một điền trang của gia đình ở Provence, để tránh những chủ nợ của Hầu tước và trốn khỏi tai tiếng ngày càng xấu đi của ông ta.

Lâu đài La Coste. Bản quyền hình ảnh – Alain Hocquel – Vaucluse – Provence

Lâu đài gia đình Sade cư ngụ ở La Coste, một khu trên đỉnh đồi cách Avignon khoảng ba mươi dặm về phía đông, nơi đã thuộc về gia đình này qua nhiều thế hệ, có từ trước thế kỷ thứ 11, khi nó được dùng làm nơi ẩn náu và thành trì chống lại quân xâm lăng Saracen. Tính phong kiến, lãng mạn của địa điểm này đã tạo ra một hợp âm sâu đậm nào đó trong trí tưởng tượng ảo giác của Hầu tước: nó trở thành nguồn cảm hứng cho những lâu đài hùng vĩ, những tu sĩ khát máu, giới quý tộc trụy lạc khủng khiếp, cũng như những trinh nữ bị hành hạ và phá trinh đã thấm đẫm tiểu thuyết của ông. Khi những vi phạm của ông ta nhân lên ngày càng nhiều, nó cũng trở thành nơi ở duy nhất mà Donatien và Pélagie cảm thấy hoàn toàn an toàn — một nơi ẩn náu không tưởng tránh khỏi những lời khiển trách của gia đình, những lời khiển trách của xã hội và sự can thiệp can thiệp của Hoàng gia.

Chính trong bối cảnh khải huyền, hẻo lánh của La Coste, Sade bắt đầu ngoại tình với em gái của vợ mình, Anne-Prospère, kém Pélagie mười tuổi. Cô ấy là một nữ cư sĩ — hơi giống một nữ tu nhưng với những lời thề ít ràng buộc hơn — trong một tu viện dòng Benedictine ở Beaujolais, và đã đến nghỉ mùa đông ở Provence để dưỡng bệnh. Là em vợ và là một trinh nữ, thấm nhuần giáo lý và vẫn mặc trang phục nữ tu, Anne-Prospère là hiện thân của một số điều cấm kỵ mà những vai chính hư cấu của Hầu tước sẽ đắc thắng phá bỏ—phá trinh, bội giáo, loạn luân. Và cô em vợ đã dễ dàng khơi dậy lòng ham muốn kỳ quặc của ông ta.

Ngay theo sau sự loạn luân này là sự vi phạm rất công khai. Một ngày hè năm 1772, Sade, đội một chiếc mũ gắn lông, mặc áo sa tanh màu vàng cúc vạn thọ với quần ống túm và tay cầm cây gậy có núm vàng, tổ chức một bữa tiệc trong phòng của một gái điếm ở Marseilles, nơi người hầu cận đã tập hợp bốn cô gái để mua vui cho ông ấy. Trong những giờ điên cuồng sau đó, ông ta say mê quan hệ tình dục kê gian cả chủ động lẫn thụ động với người hầu của mình trong khi liên tục giao cấu, roi vọt và bị những gái mại dâm đánh bằng roi; họ đã bị ông cho ăn đồ ngọt kích thích tình dục khiến họ phát ốm sau đó. Việc bóc lột dâm dục này đã khiến ông ta bị tòa án Marseille kết án về tội kê gian và âm mưu đầu độc. Với sự thông đồng của Pélagie, ông ta đã trốn chính quyền bằng cách trốn sang Ý cùng với cô em vợ.

Lối vào lâu đài/nhà tù Miolans, ở Savoy. Tác giả: Otourly CC BY-SA 3.0

Người mẹ vợ, từng yêu quý Sade, khi biết tin ông đã phá trinh cô con gái yêu quý của mình, đã trở thành kẻ thù hung hãn nhất của ông. Do sự chủ mưu của bà, sau khi trở về Pháp, ông bị giam ở một trong những nhà tù bất khả xâm phạm nhất châu Âu, lâu đài/nhà tù Miolans, ở Savoy. Tuy nhiên, một lần nữa Pélagie lại lao vào giải cứu. Với phong cách can đảm thường ngày của mình, bà đã sống nhiều tuần ở một ngôi làng lân cận, ăn mặc như một người đàn ông, cố gắng sắp xếp cho chồng mình một cuộc vượt ngục. Sau khi trốn thoát thành công, Sade sống ẩn dật vài tháng ở Provence, rồi lại trốn sang Ý, để vợ một mình ở La Coste trong mùa đông. Vào thời điểm này, bà đã gửi con trẻ — tất cả đều dưới sáu tuổi — trở lại Paris cho bà de Montreuil nuôi dưỡng. Pélagie rơi vào tình trạng túng thiếu trầm trọng đến mức không thể tự mình chăm sóc cho con.

Pélagie có thể cảm nhận được những khó khăn mà tình trạng sống ngoài vòng pháp luật của chồng hiện đang đè nặng lên mình, cũng như về những hành động sai lầm chồng chất của ông — đặc biệt là mối quan hệ bất chính của ông với chính em gái của bà? Bất kỳ dọ đoán nào như vậy đều phải tính đến thái độ phi thường của bà de Sade về cuộc hôn nhân của mình. Người ta không thể giải mã nó bằng những quan niệm truyền thống về tình yêu vợ chồng, vì sự gắn bó của bà ấy với Sade đã vượt xa hầu hết những gắn bó như vậy và khiến lòng chung thủy trong hôn nhân thông thường trở nên tầm thường. Giống như một Cơ đốc nhân gương mẫu có tình yêu dành cho tội nhân cũng phải rộng lớn như sự vi phạm của tội nhân, bà ấy dường như đã cảm thấy rằng nếu Sade trở thành một con quái vật vô luân thì bà ấy càng phải trở thành một hình mẫu của sự hiến dâng.

Ngoài ra, chúng ta chưa bao giờ vào phòng ngủ của Sades. Nữ Hầu tước trẻ tuổi có thể thích hoặc không thích kinh nghiệm kê gian lúc ban đầu, những đây lại cách hành lạc yêu thích của chồng bà, nhưng qua nhiều năm, rõ ràng bà đã trải qua một số tiến trình khiêu dâm tiệm tiến, vì kiểu nhiệt tình hôn nhân mà bà thể hiện là không thể tưởng tượng được nếu không có sự đồng cảm bằng xác thịt. Vì vậy, dù thế giới có thương hại bà thế nào đi chăng nữa — vì bị bỏ rơi hết lần này đến lần khác, vì có một người chồng bị phỉ báng hơn bất kỳ người quý tộc nào khác trong thế giới này—Pélagie nhận thấy niềm hạnh phúc lớn như vậy khi phụng sự Donatien de Sade trong suốt hai mươi năm, bà chưa bao giờ tự nhận mình là một người phụ nữ bất hạnh.

Đó có thể là lý do tại sao bà có thể ở lại La Coste một mình, kiên cường đấu tranh đòi tự do cho Hầu tước, trong khi ông ta, đang trốn ở Ý, sống một cuộc đời loạn luân với em gái của bà. Đó cũng có thể là lý do tại sao, ngay sau khi chồng chấm dứt mối tình với Anne-Prospère, Pélagie đã âm mưu với ông ấy trong hành động tội lỗi liều lĩnh nhất từ trước đến nay.

Năm 1774, ngay sau khi Hầu tước trở về sau một trong những cuộc sống lưu vong ở Ý, gia đình Sades gặp nhau ở Lyons để chiêu mộ thêm một số người hầu làm nhân viên cho họ tại La Coste: một nam thư ký mười lăm tuổi và năm cô gái xấp xỉ tuổi đó, tất cả đều rõ ràng được chọn nhằm mục đích lạm dụng tình dục. Rõ ràng là, từ những lời buộc tội sau đó, rằng những buổi chè chén ồn ào mà Hầu tước dàn dựng tại lâu đài của ông ta kể một số kịch bản từ những kỳ tích ở nhà thổ trước đây của ông ta: rất nhiều cảnh đồng tính, cả đồng tính và dị tính; roi chín đuôi và những loại roi khác; rất nhiều chuỗi hoa cúc (nhóm người hành lạc dưới hình thước bú liếm quay thành vòng). Và, lần đầu tiên, những người tham dự còn quá trẻ để dễ dàng bị khuất phục. Điều rõ ràng không kém là Mme. de Sade biết mục đích của việc thuê thư ký vệ tinh và những nữ thần trẻ đẹp đi cùng, và sự hợp tác của bà ấy là có chủ ý, hiệu quả và tốt bụng. Lần này, có thể có một lý do thực tế khiến bà sẵn sàng cộng tác với ông chồng: để giữ hành động hèn hạ đó có thể gây tai tiếng nằm trong giới hạn của những bức tường nhà của họ thay vì để nó bùng phát ra xã hội bên ngoài.

Hơn nữa, những lá thư của Hầu tước gởi cho vợ ông cho chúng ta biết rằng bà ấy đã tham dự hoặc chứng kiến ​​những vụ trụy lạc xẩy ra vào mùa đông năm đó trong khung cảnh riêng tư của gia đình họ. Vài năm sau, khi ông giải thích thêm, với sự thẳng thắn đáng kinh ngạc đánh dấu sự trao đổi thư từ của họ, về bản chất gần như động kinh của những cơn cực khoái của mình, ông viết cho Pélagie, “Em đã thấy những mẫu về chúng ở La Coste. . . . Em đã thấy nó xẩy ra.” (Một số nhà bình luận về Sade, trong số đó có Simone de Beauvoir, người tin rằng anh ta “bán bất lực”, đã cho rằng ham muốn tình dục kỳ lạ của ông ta là do tính chất hỗn loạn đặc biệt của những lần khoái lạc và thực tế là ông ta gặp khó khăn lớn để đạt được khoái lạc cực đỉnh.) Về vai trò của Pélagie trong những việc làm hèn hạ ở La Coste, người ta cho rằng bà ấy vẫn dịu dàng — thực an ủi — đối với những thanh niên thiếu nữ được thuê. Họ đồng nhất khen ngợi bà.

Phải hai năm sau câu chuyện Những Cô gái Nhỏ, tên gọi của những cuộc truy hoan đó, Mme de Montreuil ghê gớm mới xuất hiện; bà ngày càng xa lánh con gái mình đến mức dọa sẽ tống giam Pélagie nếu bà không bỏ Hầu tước, và đã giăng một cái bẫy khéo léo. Vào tháng 1 năm 1777, Sade nhận được tin nhắn rằng mẹ ông, nữ Bá tước de Sade, đã lâm bệnh và có thể chỉ còn sống được vài ngày. Bất chấp sự thờ ơ suốt đời của bà đối với ông, Hầu tước quyết định về Paris để gặp bà lần cuối, và Pélagie đã đi với ông.

Khi đến Paris, gia đình Sades, vì lý do an ninh, đã ở trong một khu riêng biệt. Vào ngày 13 tháng 2, khi Marquise đang chiêu đãi chồng trong phòng ngủ của bà ở một khách sạn nhỏ trên đường Rue Jacob thì có tiếng gõ cửa. Đó là một viên chức cao cấp của cảnh sát Pháp, trao cho Sade một lettre de cachet — lệnh tuỳ nghi bắt giữ mà chỉ nhà vua mới có thể ban hành và có thể bỏ tù bị cáo suốt đời mà không cần xét xử trước toà. Bà de Montreuil đã lấy được lệnh tuỳ nghi bắt giữ từ Louis XVI. Ngay đêm hôm đó, Hầu tước de Sade bị đưa đến lâu đài/nhà tù hoàng gia Vincennes để bắt đầu án tù dài mười ba năm và chỉ kết thúc sau khi Cách mạng Pháp bắt đầu.

Lâu đài Hoàng gia Vincennes,Paris. https://twoinfrance.com/

Bà de Sade không được phép gặp lại chồng mình trong 4 năm rưỡi sau đó. Vài tháng sau khi ông bị giam, bà viết cho ông một bức thư sùng bái, trong đó có đoạn, “Niềm an ủi của em là lập lại hàng ngàn lần rằng em yêu anh và tôn thờ anh mãnh liệt nhất, và vượt xa tất cả những gì có thể diễn tả bằng lời. Khi nào em mới được phép hôn anh lần nữa? Em nghĩ em sẽ chết trong vui sướng.” Và bà ấy kết thúc, “Tạm biệt, cậu bé ngoan của em. Em hôn anh.”

Ở giai đoạn đầu bị giam, những lá thư dài của Donatien gửi Pélagie cũng bày tỏ những cảm xúc đau buồn và dịu dàng tương tự. Ông viết cho bà hai tuần sau khi bị bắt, ngay khi những lá thư của ông được cho phép sẽ được đưa ra khỏi Vincennes, “Em yêu, em là tất cả những gì anh còn lại trên thế giới này, cha, mẹ, chị, vợ, bạn bè, em là tất cả đối với anh. Tạm biệt, người bạn thân yêu nhất của anh, tất cả những gì anhxinem là yêu anh sâu đậm như anh đau khổ.

Nhưng sau nhiều tháng trôi qua, giọng điệu trong thư từ của Sade ngày càng trở nên điên cuồng, xen kẽ một cách cộc cằn giữa sự chán nản và giận dữ, những lời cầu xin dịu dàng và những lời buộc tội man rợ, những lời lẽ âu yếm và những lời lăng mạ cay đắng. Nhà chức trách nhà tù cho phép ông ta nhận hai gói hàng mỗi tháng từ vợ mình, và mặc dù bà ấy đã đi khắp Paris để đáp ứng đơn đặt hàng xa hoa của ông ta về quần áo, mỹ phẩm và những món ngon dành cho người sành ăn, ông ta hiếm khi hài lòng. (Ông ấy trở thành người phì nộn vì ăn quá nhiều đồ ngọt trong thời gian ngồi tù, viết trong thư rằng ông ta đã trở thành “người đàn ông mập nhất Paris.”) Trong nhiều khoảnh khắc xấc xược lạnh như băng, ông ta gọi vợ mình là Madame, và bất cứ khi nào có thể ông ta đều chĩa súng chống lại mẹ vợ, người mà anh ta gọi là “mẹ đẻ con điếm”, “tú bà”, “con thú có nọc độc” và “con quái vật địa ngục”. Ông viết, “Em có thể . . . và gia đình đáng ghê tởm của em cùng những tay sai hèn hạ của họ đều bị cho vào bao tải và ném xuống vực sâu. Tôi thề với trời đây sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi.”

Pélagie không chỉ bị dày vò vì những cơn thịnh nộ của chồng; bà ấy đã bị quấy rối ở mọi mặt trận, vì bà ấy tiếp tục mâu thuẫn gay gắt với mẹ mình, và thậm chí còn cố đưa bà ra tòa vì những hành động chống lại Hầu tước. Bà viết trong một lá thư gửi luật sư của mình, “Một khi tôi thoát khỏi tình thế khó khăn đặc biệt này, tôi thà trở thành một người nông dân còn hơn rơi vào móng vuốt của bà ta.” Chưa hết, vì việc đáp ứng những đòi hỏi của Sade tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc nên những đứa con của Pélagie, trước nỗi đau buồn vô hạn của bà, phải ở lại để mẹ bà chăm sóc.

Cuối cùng, vào một ngày hè năm 1781, Donatien và Pélagie được phép gặp lại nhau, cuộc gặp gỡ của họ không vui vẻ chút nào. Kể từ khi chồng bị giam cầm, Marquise giản dị, thẳng thắn đã trở thành đối tượng trung tâm cho những khao khát tình ái của ông, và ông ngày càng — một cách vô lý — nghi ngờ về sự chung thủy của bà. Sade phô trương thương hiệu đạo đức của riêng mình, tự hào rằng ông đã không xúc phạm đến “sự thiêng liêng của hôn nhân” là ngoại tình với một phụ nữ đã có gia đình. Trong lần đoàn tụ đầu tiên này, ông ta cáo buộc vợ mình ngoại tình với một trong những thư ký cũ của ông ta và cả với chính chị họ của bà ta, một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu Paris mà ông ta coi là “hơi giống Sappho”. Một tuần sau, Pélagie nhận được một lá thư từ Donatien — lời khiển trách giận dữ và cao ngạo nhất mà ông từng viết cho bà — bầy tỏ sự phẫn nộ trước bộ trang phục mà bà đã nghĩ ra cho lần đầu tiên gặp lại chồng (“trang phục của gái điếm,” ông gọi nó) và thông báo với bà rằng ông sẽ từ chối không gặp bà nếu bà lại ăn mặc như vậy một lần nữa. Bức thư tiếp tục:

“Hãy nói cho tôi biết, em sẽ đi lễ Mùa Chay của mình trong trang phục của thằng hề hay bác sĩ lang băm đó? Em sẽ không làm vậy phải không? Chà, cảm giác tôn kính tương tự thể hiện những nhiệm vụ Mùa Chay của em sẽ truyền cảm hứng cho những chuyến viếng thăm của em ở đây, trong trường hợp của em, nỗi đau buồn và đau buồn sẽ tạo ra lòng đạo đức và sự tôn trọng thiêng liêng tạo ra trong những tâm hồn khác. . . . Tóm lại, tôi muốn em phải đến. . . đội mũ với một chiếc mũ rất lớn. . . không có một chút lọn quăn nào trên tóc, búi tóc và không bím tóc; Cổ của em phải được che giấu một cách đặc biệt, không được hở hang một cách khiếm nhã như ngày hôm trước, và màu sắc y phục của em phải càng u ám càng tốt.”

Pélagie than thở trong một bức thư gửi cho ông ta vài ngày sau đó, “Em là người chỉ sống. . . vì anh, ở đây, em bị nghi ngờ và bị xúc phạm.” Nhưng tính chiếm hữu cuồng loạn của Hầu tước đã gây ra một sự thay đổi căn bản trong cuộc đời vợ ông, một điều ảnh hưởng lớn đến cuộc hôn nhân của họ: Pélagie quyết định rời căn nhà nhỏ ở Marais mà bà từng sống và gia nhập một cộng đồng tôn giáo. Bà ấy viết: “Để giúp anh không hành hạ bản thân thế này nữa, em sẽ tìm một tu viện, [và sống ở đó] cho đến ngày anh được trả tự do, khi đó em sẽ được đoàn tụ với anh mãi mãi.”

27 rue Lhomond, cộng đồng Saint-Anne (Sainte-Aure) cũ. Cảnh đường phố, quận 5, Paris. Ảnh: Charles Joseph Antoine Lansiaux, nhiếp ảnh gia (sinh. 1855, tử: sau 1939)

Kể từ thời Trung Cổ, hàng ngàn phụ nữ quý tộc Pháp — những bà độc thân và góa phụ, những người vợ bị bỏ rơi, những phụ nữ, giống như mẹ của Hầu tước, không quan tâm đến cuộc sống gia đình, hoặc như Pélagie, là người nghèo khổ — đã chọn thuê chỗ ở trong những tu viện. Cộng đồng được Pélagie chọn, Sainte-Aure, dường như là một cộng đồng đặc biệt sùng đạo. Bà ấy không buộc phải tuyên thệ, nhưng bà ấy phải tham gia vào những buổi lễ tôn giáo của những nữ tu, và bà ấy cho biết rằng Sainte-Aure yêu cầu có “sự siêng năng tuyệt vời trong dàn hợp xướng”. Ban đầu Pélagie chiếm hai căn phòng nhỏ trên tầng hai, cạnh tiệm bánh của tu viện. Bà viết, những tiện nghi dành cho người ở tu viện hết sức khiêm tốn, thức ăn “chỉ đủ để không chết vì đói”. Tuy nhiên, dù cuộc sống của bà có trở nên khiêm tốn đến đâu, bà vẫn tiêu số tiền lớn mua những thứ xa xỉ cho chồng mình trong tù đến nỗi bà luôn thiếu tiền mặt: bà thậm chí còn phải bán đi những chiếc khóa giày bằng bạc, một tài sản quý giá vào thời điểm đó, với giá một ngàn livres. Nhưng bà bắt đầu có một thái độ ngoan đạo đối với những khó khăn của mình: chúng sẽ cải thiện tâm hồn bà. Bà viết cho một người bạn ngay sau khi dọn đến tu viện, “Với lòng mộ đạo hơn một chút, tôi sẽ là một sinh vật hoàn hảo.”

Người ta có thể trở nên ngoan đạo nhờ thói đạo đức giả, hoặc nhờ niềm tin bẩm sinh, hoặc nhờ sự thẩm thấu. Đức tin hồi phục lại của Pélagie thuộc loại thứ ba: trong suốt cuộc đời trưởng thành, bà khá lơ là đối với những nghi lễ nhà thờ, nhưng đã dần dần hòa nhập với tinh hoa của những nữ tu mà bà chung sống. Nghịch lý thay, kẻ bội đạo cuối cùng, Sade, thường xuyên bị những cơn ghen tuông kích động, đã góp phần khiến bà ngày càng sùng đạo bằng cách đòi bà ngày càng tách ra khỏi thế giới bên ngoài. Ông ta lớn tiếng với bà, “Trên hết hãy yêu mến Thiên Chúa và chạy trốn mọi người! Tôi giao cho em ở một phòng,” ra lệnh, “và, với tất cả quyền hạn của một người chồng đối với vợ mình, cấm em rời khỏi phòng, vì bất cứ lý do gì.” Đồng thời, ông ác độc chế nhạo vợ vì lòng sùng đạo ngày càng tăng của bà. Pélagie phản đối những lời trách móc mâu thuẫn này, vì bà dần dần làm hòa với mẹ mình nên đã trở thành nguyên nhân gây xích mích trong cuộc hôn nhân. Bà viết cho chồng: “Trái tim đáng thương của em quá đau đớn khi thấy anh có những suy nghĩ như vậy. [Cảm xúc của em dành cho anh] càng sâu đậm, em càng cảm thấy buồn hơn khi thấy anh quy phục những sai lầm như vậy.” Sự tế nhị của câu tiếp theo thật đau lòng: “Cảm giác hài lòng khi lăng mạ một người ít nhất là bằng chứng cho sự hiện hữu của chúng ta.”

Bastille trở thành nhà tù quốc gia ở thế kỷ 17. © Roger Violet

Năm 1784, Sade được chuyển từ Vincennes đến Bastille — một địa điểm mà trớ trêu thay, dường như lại giữ vai trò là Nàng thơ của ông, vì đó là nơi ông thực sự bắt đầu viết. Trong vòng 5 năm tiếp theo, ông đã viết một loạt những tác phẩm bất hủ về những cảnh trụy lạc tình dục mây mưa tên là “120 ngày của Sodom”; rất nhiều truyện ngắn, tiểu luận và những vở kịch rất trong sáng; bản thảo đầu tiên của cuốn “Justine” nổi tiếng của ông; và một cuốn tiểu thuyết ngổn ngang, đạo đức, theo phong cách thư từ được phổ biến rộng rãi bằng cuốn “Clarissa” của Richardson, tựa đề “Aline et Valcour,” trong đó Mme. de Sade đã viết một bài phê bình dài và chi tiết. Khoảng 20 trang bình luận của bà gửi cho chồng vào tháng 6 năm 1789, trước Cách mạng, vẫn còn lưu giữ. Họ thể hiện một tài năng chưa được bộc lộ trước đây—những hiểu biết sâu sắc về văn học. Họ cũng phơi bày những quan điểm ngày càng khác nhau của đôi vợ chồng về đạo đức và tôn giáo—những vấn đề càng làm gia tăng căng thẳng giữa họ.

Justin hay Những bất hạnh của đức hạnh. Ảnh: Ωριγένης – Greek wikipedia, Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=2636617

Bà Hầu tước bắt đầu bằng cách nêu bật những khía cạnh trong cuốn sách của chồng là bà ấn tượng nhất, chẳng hạn như khả năng đối thoại và mô tả đặc điểm của ông ấy, nhưng bà nghiêm khắc phê bình tính hoài nghi vô chính phủ, quy cách sinh tồn của kẻ mạnh nhất và khuynh hướng vạch trần cái ác của con người qua sự hèn hạ quá mức của những kẻ phản diện. Bà nhắc nhở ông rằng “chỉ những kẻ man rợ mới đánh đồng sự hung dữ với lòng can đảm,” và đối lập sự sùng bái sự tàn nhẫn của ông với lòng vị tha của Cơ đốc giáo, “sự vĩ đại của tâm hồn khiến một số người phải liều mạng. . . để giúp cho những người không nơi nương tựa, bơ vơ.” Bà cũng phản đối chủ nghĩa duy vật thô thiển của Sade (bắt nguồn từ hai triết gia Khai sáng mà ông yêu thích, La Mettrie và Holbach), phủ nhận sự hiện hữu của tâm hồn và quy mọi hiện tượng của con người thành tổ chức vật chất. Bà ấy viết, “Làm sao sự kết hợp của vật chất lại có thể tạo ra một linh hồn biết suy nghĩ, lý luận và suy luận những ý tưởng trái ngược nhau như vậy? Thiên nhiên không thể tạo ra tâm hồn: những gì được tạo ra luôn thấp kém hơn người tạo ra nó.”

Trong những năm đó, bà Hầu tước khẳng định rằng chính nội dung thường đáng sợ trong những bài viết của chồng bà và những ý tưởng gây phản cảm của ông là nguồn gốc của những vấn đề của vợ chồng Sades: những ý tưởng đó đã khiến giới chức chính phủ tức giận và ngăn cảnviệc thả ông. Bà trách chồng trong một lá thư, “Những gì anh viết đang gây thiệt hại khủng khiếp cho anh. Hãy hạn chế bài viết của anh, em cầu nguyện cho anh. . . . Đừng viết hoặc nói về sự lầm lạc. . . qua đó thế giới có thể chọn để đánh giá anh.” Bà ấy cũng hỏi Sade, người đang vô cùng tự hào về thiên hướng văn học mới của mình, một câu hỏi mà ông ấy cho là rất xúc phạm: “Những bài viết vô ích của anh có ích lợi gì?”

Sade viết nguệch ngoạc đầy thù hận bên lề thư của vợ, “Anh sẽ nhớ đoạn này.”

Vào ngày 2 tháng 7 năm 1789, không lâu sau cuộc trao đổi đó, Sade đứng trước cửa sổ phòng giam của mình ở Bastille, dùng một phần của cái bô làm loa phóng thanh, phát biểu trước đám đông những người bất đồng chính kiến đang biểu tình bên dưới và khuyến khích họ giải phóng nhà tù. Bị chính phủ đang bị bao vây đánh giá là “không thể kiểm soát được” và “nguy hiểm”, ông ta bị đưa đến một trại giam khác ở ngoại ô Paris. Sau đó, vào mùa xuân năm 1790, Công hội Quốc dân, dưới áp lực của Robespierre, đã ra lệnh trả tự do cho tất cả những tù nhân đã bị giam giữ bằng cơ chế lệnh tuỳ nghi bắt giữ (lettres de cachet) đáng ghét.

Sade được trả tự do vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh, mặc một chiếc áo khoác len xoắn màu đen, không mang theo tài sản gì khác ngoài một tấm nệm và một đồng xu vàng trong túi. Ông đã hai mươi bảy tuổi vào thời điểm đi chơi ngày Chủ nhật Phục sinh với người đàn bà ăn xin ở Paris, ba mươi hai tuổi khi ông ta vui đùa với những gái điếm ở Marseilles, ba mươi sáu tuổi khi ông ta bắt đầu vào tù ở Vincennes. Bây giờ ông sắp bước sang tuổi năm mươi — một người đàn ông tóc bạc, đã hói một phần, quần áo rách rưới, phì nộn đến mức, như chính ông phải nhận, ông “hầu như không thể di chuyển được,” Ông tìm đường đến Tu viện Sainte-Aure và xin được gặp vợ mình, hy vọng sẽ dành những ngày còn lại với bà ấy. Tuy nhiên, với sự trở mặt tuyệt đối như lòng nhiệt thành của sự tận tâm trước đây của bà dành cho ông, Pélagie đã từ chối không ra gặp. Bà nhắn tin ra cửa rằng bà không bao giờ muốn gặp lại chồng mình nữa. Ngày hôm sau, bà viết thư cho luật sư của mình ở Provence, “M. de Sade đã tự do từ hôm qua, Thứ Sáu Tuần Thánh. Ông ấy muốn gặp tôi, nhưng tôi trả lời rằng tôi vẫn đang có ý định ly thân, đó là cách duy nhất.”

Có phải khá đơn giản là Pélagie đã kiệt sức, sau một phần tư thế kỷ đấu tranh chống lại những cơn thịnh nộ và những đòi hỏi phi thường của chồng, sự khinh miệt của xã hội, sự tống tiền của gái mại dâm, sự nghiêm khắc của chính phủ và bộ máy quan liêu của nhà tù, cơn thịnh nộ của mẹ của bà và những chủ nợ khắp nơi?

Lòng sùng đạo ngày càng tăng của bà chắc chắn rất đáng kể, cũng như áp lực của cộng đồng tôn giáo mà trớ trêu thay, chính chồng bà đã thúc đẩy bà gia nhập. Hơn nữa, người ta nên xem lại ảnh hưởng của những tác phẩm khiêu dâm của ông Hầu tước đối với một người phụ nữ đang trải qua một cuộc cải đạo tâm linh. Trong những tháng hỗn loạn về mặt chính trị trước khi ngục Bastille sụp đổ, Pélagie, ngồi một mình trong căn phòng nhỏ ở tu viện của mình, chắc chắn đã đọc kỹ những bản thảo mà chồng đã chuyển cho bà để giữ ở nơi an toàn (một trong số đó là bản thảo đầu tiên của cuốn sách cực kỳ dâm ô của ông “Justine”) và cảm thấy kinh hoàng.

Và còn những xáo trộn tâm lý mà phụ nữ thường phải trải qua ở tuổi trung niên thì sao? Pélagie đã bốn mươi tám tuổi, già yếu trước tuổi, hầu như không thể bước đi nếu không có người đỡ, cảm thấy bệnh của tuổi già trong từng tấc tâm hồn và thể xác, cảm thấy gánh nặng của sự cống hiến sai lầm của chính mình. Người ta cũng có thể mạo hiểm cho rằng những biến động chính trị bắt đầu vào năm 1789 là chất xúc tác cho sự thay đổi của Pélagie, củng cố quyền lực của mẹ bà và những vị thánh nhân của bà. Bà đã bị siết chặt trong Nỗi sợ Lớn bao trùm toàn bộ đất nước Pháp, và giờ đây bà đang sống trong nỗi sợ hãi nội tâm vĩ đại của chính mình — nỗi kinh hoàng về quá khứ tội lỗi đau đớn và về tương lai bất định của mình.

Những bình luận của Hầu tước liên quan đến việc vợ ông bỏ đi, khiến ông đau buồn, cho thấy rằng sự thay đổi trái tim của bà không phải là đột ngột. Ông viết cho luật sư của mình vài tháng sau khi được trả tự do, “Đã lâu rồi tôi nhận thấy thái độ của Bà. de Sade, khi bà ấy đến gặp tôi ở Bastille, điều đó khiến tôi lo lắng và đau buồn. Vì tôi cần bà ấy nên tôi phải giả vờ, nhưng mọi khía cạnh trong cách cư xử của bà ấy đều khiến tôi cảnh giác. Tôi đã phân định rõ ràng vai trò của những thánh nhân của bà ấy, và nói thật với ông, tôi đã thấy trước rằng sự tự do của tôi sẽ dẫn đến sự chia ly.”

Đồng tiền vàng 24₶ Pháp năm 1793. Nguồn: National Museum of American History

Thỏa thuận ly hôn của Sades quy định rằng Donatien phải trả cho Pélagie bốn ngàn livres mỗi năm — tiền lãi từ số tiền hồi môn một trăm sáu mươi ngàn livres của bà mà ông ta đã phung phí trong cuộc hôn nhân của họ. Cáo buộc rằng Pélagie đã giữ số tiền mà ông ta thừa hưởng từ mẹ mình (Pélagie tuyên bố, có lý do chính đáng, rằng số tiền đó đã trợ cấp tiền phòng và tiền ăn ở trong tù cho Sade), ông ta không bao giờ trả lại bất cứ khoản nào trong số tiền anh ta nợ bà ấy, và liên tục phàn nàn rằng gia đình bà ấy đã cố tình hủy hoại ông một cách ác ý: “Người cha đáng thương của tôi thường nói ‘Tôi gả con trai tôi cho con gái người thu thuế để nó trở nên giàu có,’ và thực tế là họ đã tàn phá tôi.”

Sau mùa xuân năm 1790, hầu hết thư từ trong gia đình Sades đều kể những tranh chấp tài chính gay gắt. Pélagie trả lời những đòi hỏi về tiền của Sade bằng những tờ giấy ngắn gọn, cộc lốc, trong đó cho thấy bà đã quay trở lại với cha mẹ mình một cách trọn vẹn như thế nào: “Tôi rất vinh dự được nói với anh điều đó, vì anh không trả cho tôi một xu nào cho những gì tôi đã làm. Anh nợ tôi, tôi không thể gửi bất cứ thứ gì vào trương mục của anh. Về phần gia đình tôi, chuyện đó không liên quan gì đến chuyện của anh nữa, và nếu anh tấn công họ, họ sẽ luôn trả lời anh bằng sự thật, như họ đã làm từ trước đến nay.”

Dưỡng trí viện Charenton nay là bệnh viện Esquirol . Nguồn: By Parisette – Self-photographed, Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=1276638

Sau khi ly thân với người vợ 27 năm, ông Hầu tước bắt đầu cuộc sống thứ hai thậm chí còn kỳ lạ hơn cuộc sống trước đó của ông về nhiều mặt. Tuy nhiên, ông ta đã trở nên phì nộn, suy sụp và nghèo khó trong thời gian bị giam cầm, trong vòng vài tháng sau khi được thả, ông ta đã thu hút được sự chú ý của một nữ diễn viên quyến rũ kém ông ta hai mươi tuổi, người đã dành cho ông ta nhiều tình cảm và sự chung thủy như Pélagie, và là người ở bên cạnh ông ta cho đến ngày cuối của cuộc đời. Ông phục vụ chính nghĩa cách mạng với lòng nhiệt thành giả tạo một cách khéo léo, bắt đầu xuất bản những cuốn tiểu thuyết gây sốc của mình và suýt nữa thì không thoát Triều đại Khủng bố. Mười ba năm cuối cùng của đời ông đã trải qua tại nhà thương điên Charenton, nơi ông bị tống giam vào năm 1801 theo lệnh của Napoléon, với lý do rằng những tác phẩm của ông thể hiện “chứng mất trí nhớ theo chủ nghĩa tự do” và đó cũng là nơi ông thành lập một nhà hát đã đạt được thành công đáng kể về tai tiếng với khán giả Paris. Ông qua đời ở đó vào năm 1814, thọ 74 tuổi. Bà de Sade qua đời năm 1810, thọ sáu mươi tám tuổi, sống những thập niên cuối đời trong đạo đức và ẩn dật lớn nhất, tại điền trang của cha mẹ bà gần Paris. Em gái của bà, Anne-Prospère, người mà triển vọng hôn nhân đã bị hủy hoại vì mối tình với Hầu tước, đã chết vì bệnh đậu mùa hơn một phần tư thế kỷ trước, lúci hai mươi chín.

Chỉ có một khoảnh khắc lễ độ trong mối quan hệ của hai vợ chồng Sades được ghi lại trong những chục năm sau khi họ chia tay: ở đỉnh cao của Cách mạng, năm 1791, Hầu tước đã yêu cầu luật sư của mình, ở Provence, gởi đến cho Bà de Sade vài thùng dầu ô liu hảo hạng của La Coste. ♦


© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

_____________________

Nguồn: At Home With the Marquis de Sade | Francine du Plessix Gray | The New Yorker | Oct 12, 1998.
Bài đã đăng trong ấn bản của the New Yorker số ra ngày 12 tháng 10 năm 1998.