Với 24 tỷ đô-la, Việt Nam mở cuộc giải cứu ‘chưa từng có’ cho ngân hàng đang chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ

Francesco Guarascio | DCVOnline

HÀ NỘI, ngày 17 tháng 4 (Reuters) – Việt Nam mở cuộc giải cứu “chưa từng có” cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB); ngân hàng này là trọng tâm của vụ lừa đảo tài chánh lớn nhất Việt Nam, theo ba tài liệu ngân hàng và thông tin chính thức mới nhất mà Reuters mới được một chuyên gia có quyền truy cập cung cấp.

Công nhân trang trí bảngn hiệu Ngân hàng TMCP Sài Gòn tại địa điểm trước đây do First Bank điều hành, ở Hà Nội, ngày 5 tháng 1 năm 2012. REUTERS/Kham/File Photo

Theo thông tin Reuters mới nhận được, “Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ. Nếu tiếp tục cho vay, ngân khố quốc gia sẽ dần cạn kiệt.”

Reuters không xác định nguồn cụ thể hơn do tính nhạy cảm của vấn đề.

Thông tin mới cũng mô tả tình trạng này về số tiền mặt khổng lồ “chưa từng có” được huy động, sự phức tạp của kế hoạch cũng như mức độ thiệt hại hiện tại và tiềm ẩn cho hệ thống tài chánh Việt Nam.

Reuters không thể xác định liệu những kết luận về ảnh hưởng đến ngân khố nhà nước có được viên chức khác hiện đang tham gia giám sát SCB công bố hay không.

Nợ công của Việt Nam năm ngoái ổn định ở mức 37% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi thâm hụt ngân sách tăng nhẹ lên 4,4% GDP. Theo ngân hàng trung ương, dự trữ ngoại hối ở 100 tỷ USD vào cuối năm nay. Con số này tăng từ khoảng 90 tỷ USD vào cuối tháng 10, theo Văn phòng Nghiên cứu và Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 của cơ quan giám sát độc lập khu vực.

Tính đến đầu tháng 4, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã bơm 24 tỷ USD “khoản nợ đặc biệt” vào SCB, theo một trong những tài liệu ngân hàng mà Reuters đã xem, cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày kể từ ngày 29 tháng 3 về tổng số tiền ngân hàng trung ương bơm sang SCB.

Theo tài liệu đó, cho vay đã chậm lại một chút nhưng đạt trung bình hơn 900 triệu USD mỗi tháng trong 5 tháng qua, tài liệu thứ hai cập nhật từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 20 tháng 3 và tài liệu thứ ba từ tháng 11 với những cập nhật hàng tháng từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 10 năm 2023.

Ngân hàng trung ương đã không trả lời yêu cầu bình luận về nỗ lực giải cứu SCB. Bộ tài chánh đã chuyển câu hỏi tới ngân hàng trung ương. SCB ban đầu nói với Reuters rằng họ sẽ lưu chuyển yêu cầu bình luận của hãng tin này, nhưng không trả lời những email tiếp theo. Một viên chức SCB từ chối bình luận khi liên lạc qua điện thoại.

Người gửi tiền đồng loạt rút tiền từ ngân hàng sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt

Khoản tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bơm vào SCB chưa được báo cáo trước đây lên tới 5,6% sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia, hay khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Ngân hàng trung ương đang giám sát SCB để ngăn chặn tình trạng người gửi tiền đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng vì vụ bắt giữ trùm bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10 năm 2022. Kể từ đó, SCB đã dùng số tiền này để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một trong những tài liệu ngân hàng mà SCB đã gửi cho ngân hàng trung ương vào tháng 11 để giải thích cho cách sử dụng những khoản vay.

Theo thông tin chính thức mới từ nguồn tin, sau khi ngân hàng trung ương vào cuộc, tiền gửi của SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ USD vào tháng 12 năm 2023. SCB có thể hết tiền gửi vào giữa năm với tốc độ hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% số nợ tín dụng còn lại của SCB tính đến tháng 10.

Lan, bị bắt vào tháng 10 năm 2022 đã gây ra khách rút tiền khỏi ngân hàng, đã bị kết án tử hình hôm thứ Năm sau khi bị kết tội chủ mưu vụ lừa đảo. Bà đã không nhận tội tham ô và hối lộ vì bị cáo buộc bòn rút khoản vay 12,5 tỷ USD từ SCB cho những công ty vỏ bọc trong khi kiểm soát SCB một cách hiệu quả bằng những sự uỷ nhiệm.

Một trong những luật sư của Lan, trước đây là một nhân vật nổi bật trong làng tài chánh Việt Nam, cho biết bà sẽ kháng cáo án lệnh của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,

Theo thông tin mới, bất chấp sự hỗ trợ chính thức, tính đến tháng 12, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và đôi khi phải vật lộn để giải quyết những khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang những ngân hàng khác và trả tiền qua hệ thống thanh toán bù trừ chính của Việt Nam. Việc này ảnh hưởng đến “tâm lý” khách hàng và gây ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chánh ngân hàng.

Ngân hàng trung ương đã bơm cho SCB, trước đây là một trong những tổ chức cho vay thương mại lớn nhất nước bằng tiền gửi, 592,7 ngàn tỷ đồng (23,72 tỷ USD) dưới dạng “khoản nợ đặc biệt” tính đến ngày 2 tháng 4, theo một bản cập nhật gần đây do ngân hàng đưa ra về vấn đề này.

Con số này tăng so với mức 478 ngàn tỷ đồng vào cuối tháng 10, theo văn bản SCB gửi ngân hàng trung ương. Điều đó cho thấy số tiền bơm vào là 23 ngàn tỷ đồng ($91 0 triệu) một tháng kể từ tháng 11.

Tài liệu ngân hàng cho thấy lưu lượng tiền bơm vào SCB đã chậm lại so với mức trung bình ban đầu là 3,7 tỷ USD mỗi tháng mà ngân hàng trung ương đã chuyển vào tháng 10 và tháng 11 năm 2022 và tốc độ hàng tháng là gần 1,2 tỷ USD từ đó đến tháng 10 năm 2023.

Tái Cơ Cấu Ngân Hàng

Ngành ngân hàng Việt Nam hiện đang phải đối phó với rủi ro ngày càng cao do tình trạng bất ổn kéo dài trong lãnh vực bất động sản. Việc truy tố gian lận là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” của chính quyền, gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản, đè nặng lên nền kinh tế và che mờ triển vọng của những ngân hàng.

Báo đài nhà nước cộng sản cho biết ngân hàng trung ương và chính phủ đã nhiều lần tìm sự giúp đỡ cho SCB từ khu vực tư nhân, đặc biệt là kêu gọi giới đầu tư nước ngoài, bất chấp những hạn chế như người nước ngoài có quyền làm chủ tối đa là 30% tài sản kết hợp của những ngân hàng Việt Nam.

Theo thông tin gần đây từ nguồn tin và ba người quen thuộc với kế hoạch này, cuối năm ngoái, ngân hàng trung ương đã giao cho công ty bất động sản tư nhân Sungroup lập kế hoạch tái cơ cấu SCB. Sungroup đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Reuters không thể xác định liệu kế hoạch của Sungroup có được thông qua hay không.

Theo thông tin mới, bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào cũng sẽ xoay quanh việc đánh giá tài sản bất động sản mà Lan và những công ty của bà dùng làm tài sản thế chấp cho những khoản nợ, nhưng tình trạng pháp lý của những tài sản đó thường không rõ ràng, vì nhiều người vẫn đang xin giấy phép trong khi một số vi phạm những quy định về đất công hoặc giấy phép.

Một số tài sản kể cả bất động sản có giá trị tại những quận sang trọng ở Tp. HCM nhưng phần lớn là những dự án chưa hoàn tất.

Theo một tài liệu của ông an công khai tháng 11, gia đình Lan ước tính tài sản ở mức 30 tỷ USD, một đại diện của gia đình nói với Reuters trong tháng này, trong khi công ty thẩm định thị trường Hoàng Quân, được ngân hàng trung ương thuê để định giá, định giá tài sản khoảng 12 tỷ USD, trong đó có nêu chi tiết hành vi sai trái của Lan.

Reuters đưa tin hồi đầu tháng 4 cho hay một số đối tác kinh doanh ở Hong Kong của Lan đã tỏ ra quan tâm đến tài sản này. Họ không trả lời yêu cầu bình luận thêm về lợi ích của họ đối với tài sản sau án lện của phiên tòa xét xử Lan.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Vietnam mounts ‘unprecedented’ $24 billion rescue for bank engulfed in giant fraud | Francesco Guarascio | Reuteurs | April 16, 2024.