Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam cần giải quyết tận gốc rễ

Jonathan London | DCVOnline

Không có gì phải bàn cãi rằng nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam là việc cần thiết. Nhưng chiến dịch này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sự sai lầm.

Cựu viên chức chính phủ, doanh nhân Việt Nam chờ tuyên án ở Toà về tội tham nhũng và lừa đảo, tại Hà Nội ngày 28/7/2023. (Ảnh Thông tấn xã Việt Nam/AFP)

Vào ngày 2 tháng 5, Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và là ủy viên cao cấp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đã vào danh sách ngày càng nhiều những cán bộ cao cấp bị buộc phải từ chức vì những bê bối tham nhũng. Làn sóng từ chức gần đây có cả hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và hàng chục thành viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN. Nó nêu bật cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng nhằm giải quyết nạn tham nhũng có hệ thống trong khi vẫn duy trì ổn định chính trị và giữ sự phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ.

Mặc dù những thay đổi này ở những cấp cao nhất của Đảng là chưa từng có nhưng ý nghĩa và mối quan hệ của chúng với sự phát triển thể chế của Việt Nam vẫn chưa được hiểu rõ một cách rộng rãi. Phần lớn phân tích xung quanh những vụ (bị buộc phải) từ chức tập trung vào suy đoán về động lực quyền lực trong Bộ Chính trị và phân tích về những cá nhân hoặc phe phái nào sẽ đứng đầu trước Đại hội Đảng vào đầu năm 2026. Tuy nhiên, cách suy luận như vậy bỏ qua hai vấn đề quan trọng: nguồn gốc mang tính hệ thống của tham nhũng và cách thức mà Đảng giải quyết vấn đề này có nguy cơ gây thiệt hại đến công tác quản trị và phát triển của Việt Nam.

Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng việc từ chức của những cán bộ cao cấp, tuy đáng kể, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong vấn đề tham nhũng lớn hơn ở Việt Nam. Bộ Chính trị hiện do Tổng Bí thư 79 tuổi Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, chịu trách nhiệm định hình đường lối đất nước, nhưng trong 3 năm qua, những vụ từ chức liên quan đến tham nhũng đã khiến số Ủy viên Bộ Chính trị từ 18 xuống còn 13. Đáng chú ý, những lần từ chức này gồm cả ba người có thể kế nhiệm Trọng. Tất cả những thành viên còn lại đều đã đến tuổi giới hạn để có thể phục vụ một nhiệm kỳ khác.

Chiến dịch chống tham nhũng và việc từ chức của những người chống tham nhũng cũng diễn ra trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một cơ chế gồm 160-200 cán bộ cao cấp được tuyển chọn từ cấp trung ương và cấp tỉnh. Mặc dù trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đóng vai trò quan trọng trong chính trường quốc gia khi những thành viên của nó định hình và hạn chế những quyết định của Bộ Chính trị và Chính phủ. Ban Chấp hành Trung ương cũng kiểm soát những đòn bẩy chính cho sự phát triển kinh tế quốc gia và địa phương. Phản ảnh tình trạng rỗng không cấp bậc trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thấy số thanh viên giảm dần. Trong vài năm qua, hơn 30 thành viên đã bị cách chức, kỷ luật hoặc bị buộc tội liên quan đến tham nhũng. Ở một số tỉnh như Phú Yên, Bắc Giang, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, cả bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng đều bị cách chức.

Tham nhũng trong những thể chế chính trị của Việt Nam cũng như những nỗ lực xác định và trừng phạt hành động này vượt xa những vụ được nhiều người biết đến này. Năm 2023, có 839 vụ tham nhũng mới với hơn 2.270 người bị buộc tội, gấp ba lần so với năm trước.

Mặc dù có nhiều sự đồng thuận về nhu cầu của Việt Nam trong việc giải quyết nạn tham nhũng có hệ thống, nhưng cách theo đuổi hoạt động chống tham nhũng không phải là không có vấn đề và rủi ro.

Ví dụ, một số người cho rằng khi cơ quan an ninh hùng mạnh của Việt Nam đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng, chiến dịch này có thể tạo vỏ bọc cho một cuộc thanh trừng chính trị mà hầu hết sẽ mang lại lợi ích cho chính cơ quan an ninh. Mặc dù Việt Nam chắc chắn cần một chính phủ trong sạch hơn nhưng cũng cần có sự lãnh đạo có đủ trình độ và nhậy bén trong những lĩnh vực then chốt. Dù cần thiết đến đâu, an ninh và phát triển quốc gia không nên là một sự đánh đổi.

Hậu quả chính của nỗ lực chống tham nhũng là tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống và đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng trong khu vực đầu tư công đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP của đất nước. Năm 2023, chỉ có 63,4% vốn ngân sách phân bổ hàng năm cho đầu tư công được dùng do sự thận trọng của giới hữu trách và vì họ sợ bị giám sát. Hiệu quả không chỉ đơn thuần là giảm tăng trưởng. Sự suy thoái của chính phủ đã dẫn đến sự chậm trễ trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng đến việc tạo việc làm và dẫn đến việc giảm hiệu quả của nền kinh tế.

Do chiến dịch chống tham nhũng không thể đoán trước được, nỗi sợ hãi đến bất động đã trở nên phổ biến ở những cấp chính quyền trung ương và địa phương, và điều này càng được củng cố thêm do Chỉ thị 24 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị này được cơ quan an ninh và tình báo ủng hộ, yêu cầu toàn bộ cơ sở hạ tầng và những chi bộ của Đảng phải kiểm tra chặt chẽ, hạn chế hợp tác với những tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong khi chống tham nhũng và an ninh quốc gia là cần thiết, những nỗ lực để đạt được chúng có nguy cơ làm suy yếu hợp tác quốc tế và làm suy yếu khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức phát triển quan trọng.

Cần phải thừa nhận rằng việc từ chức của những cán bộ cao cấp tuy đáng kể nhưng chỉ là một phần nhỏ trong vấn đề tham nhũng lớn hơn ở Vietnam.

Một diễn biến đáng chú ý gần đây là việc cựu Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc liên tục tái xuất hiện trước công chúng. Mặc dù nhìn chung được đánh giá là người có năng lực và tương đối phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam, nhưng Phúc vẫn bị buộc phải từ chức vào cuối năm 2023 do bị cáo buộc tham nhũng của những thành viên trực hệ trong gia đình ông. Mặc dù không rõ liệu Phúc và những bộ trưởng có thẩm quyền khác bị sa thải vì cáo buộc tham nhũng có thể được phục hồi bằng cách nào đó hay không, nhưng sự xuất hiện của Phúc vẫn chứng tỏ nhu cầu rõ ràng của giới thượng lưu Việt Nam là phải ổn định chính sách.

Rõ ràng, tham nhũng ở Việt Nam là vấn đề nghiêm trọng nhưng chỉ tập trung trừng phạt cá nhân cán bộ cao cấp sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Cách xử trí này không giải quyết được những điểm yếu mang tính hệ thống trong thể chế của Việt Nam, vốn được tạo ra bởi những cách thức cụ thể mà ĐCSVN đã thiết lập nền kinh tế. Việt Nam là một nền kinh tế thị trường phụ thuộc vào những thể chế chính trị Lênin, trong đó quyền lực chính trị và kinh tế được thực thi một cách không chính thức, không minh bạch và rất thường xuyên theo cách không thể giải trình được.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam cần phải giải quyết nạn tham nhũng. Nhưng nó cũng cần lãnh đạo có đủ trình độ. Thay vì chờ đợi đến năm 2026 và có thể xa hơn, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN cần chuyển đổi đất nước sang những thể chế quản trị minh bạch hơn. Trong tiến trình này, ĐCSVN phải thực hiện những biện pháp để ngăn chặn tình trạng tê liệt chính trị và chứng hoang tưởng tiếp diễn do làm mất khả năng hành động của nhà nước. Ví dụ, điều này có thể có cả một tòa án xét xử theo quy định có thể làm giảm sự tê liệt của chính phủ bằng cách cung cấp cho những người ra quyết định những con đường để hành động có trách nhiệm. Dù bằng cơ chế nào cũng cần có hành động kịp thời. Việt Nam không thể tiếp tục xao lãng trong việc giải quyết những thách thức phát triển quốc gia cấp bách. Người dân Việt Nam xứng đáng được kết quả tốt hơn.

Tác giả | Jonathan D. London là Nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng trong Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak và Phó Giáo sư Kinh tế Chính trị tại Viện Nghiên cứu Khu vực của Đại học Leiden.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Vietnam’s War Against Corruption Needs to Address Root Causes | Jonathan London | The Fulcrum | May 9, 2024