Khủng bố ở Saigon Nhỏ – Phần 2
Patrice Taddonio | Trà Mi
Chúng tôi đang cố gắng hiểu những gì đã xảy ra và đi tìm những người phải chịu trách nhiệm, và một trong những nhóm mà chúng tôi đang bắt phải nhận trách nhiệm là chính chúng ta – giới truyền thông tiếng Anh, dòng chính.
Bên trong việc thực hiện phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”
Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10, P11, Kết
Ba mươi năm trước đây, một cựu sĩ quan Hải quân Việt Nam Việt Nam Cộng hoà đã cố gắng khơi lại chiến tranh Việt Nam bằng một đội quân du kích tại một khu rừng ở Thái Lan. Ông ta đã kêu gọi sự ủng hộ và gây quỹ trong quần chúng ở Mỹ cho những hoạt động này. Chung cuộc, nhóm của ông được coi là có liên hệ với một đội ám sát trên đất Mỹ để bịt miệng những nhà báo chỉ trích của hoạt động của tổ chức của ông, hoặc bày tỏ quan điểm thiên cộng.
Nghe như truyện tiểu thuyết viễn tưởng thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng khi A.C. Thompson và Richard Rowley bắt đầu chú ý đến những vụ ám sát năm nhà báo người Mỹ gốc Việt chưa được giải quyết trong khoảng 1981–1990 ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, đó chính xác là lúc những kịch bản bắt đầu xuất hiện.
Thompson, một phóng viên của ProPublica và FRONTLINE đoạt giải thưởng George Polk (Life and Death in Assisted Living, Law & Disorder), và Rowley, một đạo diễn phim tài liệu đã được đề cử nhận giải Oscar (Dirty Wars, Zapatista), đã dành hai năm vừa qua đào sâu vào chi tiết trong tập hồ sơ của những vụ giết người đã bị lãng quên từ lâu như Lê Triết (và vợ) cùng Đỗ Trọng Nhân ở Virginia; Phạm Văn Tập ở Garden Grove, California; Nguyễn Đạm Phong ở Houston; và Dương Trọng Lâm ở San Francisco.
Tất cả các nhà báo bị sát hại đã từng làm việc cho những tờ báo tiếng Việt có số phát hành nhỏ phục vụ dân Việt Nam tị nạn tại Mỹ sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975 – và nhiều trong số những tờ báo đó đã chỉ trích một tổ chức bán quân sự chống Cộng sản gọi là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, hoặc, “Mặt trận”, với mục tiêu cuối cùng là để chiếm lại Việt Nam.
Việc tìm câu trả lời về những vụ giết người và Mặt trận của Thompson và Rowley đã đưa họ đi từ các thành phố Mỹ như Houston và San Francisco, tới khu rừng ở Đông Nam Á, và hành lang quyền lực ở Washington – tất cả được trình bầy trong phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”, sản phẩm đa nền, kết quả của hợp tác giữa FRONTLINE và ProPublica.
FRONTLINE đã trao đổi với Thompson và Rowley về lý do tại sao họ lại thấy có trách nhiệm để khám phá câu chuyện chưa được kể này và những gì đã làm họ ngạc nhiên nhất trong dự án.
Dưới đây là bản chép lại, và hiệu đính cuộc nói chuyện vào ngày 29 tháng 10, 2015.
Như phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” đã nói rõ, có rất ít tin tức trên các phương tiện truyền thông dòng chính về những vụ giết người và tấn công khi chúng bắt đầu xảy ra. Trước nhất, làm thế nào hai ông đã khám phá ra câu chuyện này?
Thompson: Một vài năm trước, khi làm một loạt các phóng sự về cái chết của một nhà báo ở Oakland tên là Chauncey Bailey, tôi đã gặp một nhà làm phim người Mỹ gốc Việt tên Tony Nguyễn. Ông ấy nói với tôi, “Này, điều này thực sự xảy đã ra trong cộng đồng người Việt nhiều lần, và không ai ngoài cộng đồng đó thực sự để ý tới.”
Tôi không thể quên được câu chuyện đó. Tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về những vụ giết người dựa vào những bản tin của Tony – trước đó anh đã thực hiện một bộ phim về một trong những cuộc khủng bố, và anh đã nhận lời tham dự như một phó giám đóc sản xuất. Và sau đó, do một may mắn không ngờ rất lớn, bằng cách nào đó tôi mời được cả Rick vào tham gia. Tôi đã muốn làm việc với anh ấy từ nhiều năm rồi.
Rowley: Tôi nhớ email đầu tiên của A.C. gởi cho tôi – đại ý là, “Đây có thể là chuyện xa vời, nhưng tôi muốn nói chuyện với anh một câu chuyện về một đội ám sát hoạt động tại Mỹ vào những năm 1980.” Ngay lập tức tôi bị câu chuyện đầy kinh ngạc này thu hút, và bị sốc vì nó chưa bao giờ được thuật lại.
Tôi muốn nói là, đây là một toán ám sát hoạt động gần không bị trừng phạt trên đất Mỹ có thể đã giết năm nhà báo và can dự vào hàng chục vụ hành hung bạo lực khác trong suốt một thập kỷ, và chúng ta không biết gì hết?
Thompson: Đó chính là sự hấp dẫn của nó. Đã có rất ít những bài báo về các cuộc khủng bố, và chỉ có một vài nhà báo đã thực sự chắp ghép được những dữ kiện liên đới. Chúng tôi đang cố gắng hiểu những gì đã xảy ra và đi tìm những người phải chịu trách nhiệm, và một trong những nhóm mà chúng tôi đang bắt phải nhận trách nhiệm là chính chúng ta – giới truyền thông tiếng Anh, dòng chính.
Nguồn: ProPublica.org
Những gì làm các ông ngạc nhiên nhất khi bắt tay vào cuộc điều tra?
Thompson: Dự án đi từ ngạc nhiên khác đến ngạc nhiên khác. Nhưng điều chắc chắn đáng ngạc nhiên là việc các cơ quan cảnh sát địa phương, thực sự không muốn nói chuyện khi chúng tôi tiếp xúc. Nó trái ngược với những gì người ta thường thấy trong một vụ án bị đông lạnh – họ không muốn sự chú ý.
Rowley: Hầu như mọi cuộc phỏng vấn chúng tôi thu hình đều bất ngờ đối với tôi. Nó không giống như đã có một bản in sẵn trước, và chúng tôi chỉ trở lại để minh họa nó bằng một vài cuộc phỏng vấn quan trọng. Thành hay bại thực sự là ở đây. Những khám phá đã diễn ra ngay trước mắt và xảy ra ngay lúc thâu hình – với người chưa bao giờ ngồi trước trước một camera và lần đầu tiên họ nói về những sự kiện này. Tôi nghĩ rằng người ta sẽ cảm thấy điều đó, trong suốt bộ phim – người ta nghe và thấy những tiết lộ đó cùng một lúc với chúng tôi.
Những yêu cầu của các ông dựa trên Luật Tự do Thông tin đã mang lại hàng ngàn trang tài liệu mới về tổ chức gọi là Mặt trận. Những gì những tài liệu đó tiết lộ về mối quan hệ của tổ chức này với chính phủ Mỹ đã làm thay đổi phạm vi điều tra của các ông?
Rowley: Mỗi cấp bậc chúng tôi khai phá mở ra một thế giới lớn hơn và lớn hơn.
Thompson: Khi chúng ta bắt đầu điều tra tổ chức bán quân sự này bị tình nghi giết người đã chỉ trích họ ở Mỹ và thấy rằng nó có liên hệ tới một tổ chức thực sự đã bắt đầu một cuộc chiến tranh và xâm nhập vào Việt Nam nhiều lần – nhưng chưa có ai bị bắt hoặc phải chịu trách nhiệm trước công luận – câu hỏi hiển nhiên, mà chúng tôi và bất kỳ người xem nào cũng phải đặt ra là: “Này, chính phủ Hoa Kỳ có núp đâu đó ở phía sau hay không?” Chúng tôi thấy rằng càng đi tìm hiểu thì sự việc càng u ám hơn nữa.
Rowley: Vâng, vô cùng khó khăn để nắm bắt tất cả mọi chi tiết. Nhưng hoàn toàn rõ ràng là đây không chỉ là một nhóm tội phạm “bình thường” đi giết người. Đây là một nhóm do một số cựu sĩ quan quân đội VNCH đã được Hoa Kỳ hậu thuẫn trong thời chiến tranh Việt Nam thành lập, có một lực lượng dân quân hoạt động trong vùng biên giới Thái Lan và Lào và cố gắng để tái chiếm Việt Nam. Đây là một tổ chức chính trị – một đoàn quân du kích là một phần của hành tinh những nhóm nằm trong phía Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh.
Thompson: Và chính phủ Mỹ đã biết sự hiện hữu của họ, ở nhiều mặt. Các tài liệu chúng tôi tìm được cho thấy có một liên hê giữa [người chỉ huy Mặt trận] Hoàng Cơ Minh tại Thái Lan và Richard Armitage, cựu thứ trưởng Quốc phòng [thời Bộ trưởng Colin Powell và Tổng thống George W. Bush 2001-2005. – TM] .
[Richard Armitage cũng chính là đặc sứ dân sự nhận lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ huy cuộc giải thoát tất cả chiến hạm và kỹ thuật của Hải quân Việt Nam không để rơi vào tay cộng sản vào ngày 30 tháng 4, 1975; khi ấy Armitge vừa 30 tuổi. Đoàn tàu gồm hơn 30 chiến hạm VNCH do Mỹ viện trợ, khoảng một chục tàu đánh cá và vận tải dân sự chở khoảng 30000 người tị nạn đã tụ tập quanh đảo Côn Sơn. Ngày 1 tháng 5, 1975 đoàn tàu bắt đầu cuộc hải hành đến vịnh Subic của Philippines.- TM]
Chúng tôi biết rằng Lầu Năm Góc đã yêu cầu việc nhập tịch của Hoàng Cơ Minh được giải quyết nhanh. Chúng tôi biết rằng CIA và Hội đồng An ninh Quốc gia đã biết về những người này, và Bộ Ngoại giao và cả FBI cũng đã biết rằng họ hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, dường như không có ai đã nói, “Này, bạn biết không, điều này thực sự không phải là một hình ảnh đẹp cho chúng ta, đã để cho một lực lượng dân quân do một công dân Hoa Kỳ chỉ huy tái lập chiến tranh với một quốc gia mà chúng ta không còn chiến tranh ở đó nữa.”
Khi thực hiện cuộc điều tra có bao giờ các ông quan tâm đến sự an toàn của riêng mình hay không?
Rowley: Trong cuộc điều tra này, AC và tôi đã không thực sự là những người có thể gặp nguy hiểm.
Thompson: Vâng, tôi nghĩ rằng mối quan tâm lớn hơn của chúng tôi là mọi người sẽ gặp nguy hiểm cho bản thân họ khi nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi đã có rất nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các nhà báo, những người muốn câu chuyện được thuật lại, nhưng họ sợ đưa tên của họ trước công luận và có liên hệ với nó. Đáng chú ý là – họ có thể nói, “Nhìn đi, tôi là một ông già, và tôi muốn chết một cái chết an bình, vì vậy tôi không muốn nói công khai về những gì tôi biết.”
Các ông có gặp bất kỳ sự phản đối nào đại ý như, “Đây là chuyện cách đây 30 năm – tại sao bây giờ lại tập trung vào cái chương tiêu cực này của lịch sử cộng đồng người Mỹ gốc Việt?”
Thompson: Chúng tôi đã gặp những ngăn trở đó – và bạn biết, ở một chừng mực nào đó, chúng tôi có thể hiểu được nghi ngại đó. Đã có cả hàng loạt những câu chuyện về cộng đồng người Việt. Trong những năm 1980. Người Mỹ nói chung hồi đó có thể đã nghĩ như vầy, “Hãy nhìn đám người điên rồ này! Họ có những vấn đề băng đảng, tội phạm có tổ chức và vân vân.” Trong rất nhiều cách khác nhau, cộng đồng ngươi Việt cảm thấy thực sự bị bầm dập vì tất cả các tiêu đề giật gân trên báo chí và những clip truyền hình vào thời điểm đó. Vì vậy, tôi có thể hiểu được, ở một mức độ nào đó, khi người ta nói, “Đây thực sự là một khoảnh khắc nghiệt ngã trong lịch sử cộng đồng của chúng tôi, và bây giờ ông quay trở lại và rọi đèn chiếu vào nó, thay vì nói đến tất cả thành công của cộng đồng.”
Cuối cùng, cảm giác chúng tôi nhận được từ nhiều người mà chúng tôi đã tiếp xúc là: “Hãy nhìn xem, mọi người đã qua Mỹ vì họ sợ – và sau đó sự khủng bố còn tồi tệ hơn khi họ đến nơi.” Đó là một chương không nên xảy ra [trong lịch sử]. Nó chưa bao giờ thực sự được giải quyết. Và đó là một câu chuyện đáng thuật lại.
Khi phóng sự điều tra của các ông đã trình chiếu trên toàn thế giới, các ông hy vọng công chúng sẽ phản ứng như thế nào?
Thompson: Tôi hy vọng công chúng sẽ cảm thông được niềm đam mê của những nhà báo bị sát hại, và cường độ cùng cảm hứng sâu sắc lúc họ làm báo.
Tôi hy vọng rằng mọi người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt nếu có thông tin về những gì xảy ra trong những sự kiện này sẽ bước tới trước để chia sẻ nó với mọi người – có thể là với chúng tôi, với các phóng viên khác, với nhân viên thi hành pháp luật, hoặc với các gia đình của các nạn nhân. Tôi hy vọng những người bị khủng bố trong những ngày xa xưa đó ở những Saigon Nhỏ trên khắp nước Mỹ sẽ bước ra và lên tiếng nói rằng, “Những gì đã xảy ra với tôi là điều sai trái. Nó đã không nên xảy ra, và nó không nên xảy ra một lần nữa.”
Rowley: Bạn biết đấy, Đạm Phong biết Mặt trận sẽ thanh toán. Ông ấy đã được nhận được lời đe dọa trong nhiều tháng trước, nhưng ông vẫn tiếp làm báo. Bởi vì với ông, những gì ông đã viết trên báo đáng đáng để hy sinh mạng sống của mình. Ông nghĩ rằng nếu Mặt trận giết ông vì những gì ông đã viết về hoạt động và về căn cứ của họ ở Thái Lan, những nhà báo khác sẽ đổ xô đến viết tiếp những câu chuyện đó, và như thế công việc của ông và mạng sống của ông sẽ không bị lãng phí.
Nhưng điều đó đã không phải là những gì đã xảy ra. Không ai đến lượm cây viết của ông để viết tiếp. Đơn giản, ông đã bị lãng quên, trong khi những cựu thành viên của Mặt trận vẫn là những nhân vật nổi bật của cộng đồng.
Đã trễ 30 năm rồi, nhưng tôi hy vọng rằng, với phóng sự điều tra này, chúng tôi đã tiếp tục được công trình bỏ dở của những nhà báo can đảm, như Đạm Phong, đã bắt đầu. Vì tất cả chúng ta đều hy vọng rằng khi chúng ta chấp nhận rủi ro thi hành nghiệp vụ, thì nó sẽ xứng đáng vì những người đi sau sẽ tiếp tục khi chúng ta không còn nữa.
Đọc lại phần 1. Đọc tiếp phần 3, phần 4, phần 5
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:
– Inside the Making of “Terror in Little Saigon”. By Patrice Taddonio, FRONTLINE, November 3, 2015.
– Hãy giúp chúng tôi điều tra những vụ Ám sát của Năm Nhà báo Mỹ gốc Việt. A.C. Thompson, ProPublica “Terror in Little Saigon” in partnership with Frontline.
Tại sao giờ nầy ông Thompson lại đưa vụ nầy ra? Có ai ở đằng sau “mướn” ông không? Sở dĩ Mỹ cho vụ nầy “chìm xuồng” luôn vì người bị giết là “Mít”. Hơn nữa những người chết kia lúc đó có được coi là “nhà báo” chưa hay chỉ được coi như một người tỵ nạn bình thường? Nếu ông Thom muốn nổi tiếng thì thiếu gì cách sá gì phải dùng tới thứ nầy, còn nếu có ai mướn ông vì tiền thì xin ngã mũ chào thua.