Chủ nợ áp dụng chiến thuật cho vay ‘cắt cổ’ và hù dọa con nợ ở Việt Nam

Govi Snell | DCVOnline

Luật lệ yếu kém của chính phủ không giúp giải quyết việc nợ nần trong đại dịch Covid-19 khiến con nợ gặp khó khăn khi những công ty cho vay hợp lệ sử dụng chiến thuật mạnh tay: với tiền lời ‘cắt cổ, có người đi vay đã phải trả nợ bằng mạng sống.

Tài xế xe Grab bên ngoài FE Credit tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Govi Snell

Tờ quảng cáo với dòng chữ ‘Cho vay tiền góp’[‘cho vay trả góp’] dán lên tường, cột điện và bảng chỉ đường  ở trung tâm kinh tế của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh. Gọi đến những số điện thoại ghi trên giấy quảng cáo chắc chắn sẽ vay được tiền nhanh với lãi suất cắt cổ và nỗi lo bị băng đảng của chủ nợ truy lùng đòi trả nợ. Ngô Huyền kể,

“Tôi đã nghe câu chuyện về một cặp vợ chồng phải đối phó với một kẻ cho vay nặng lãi… Chuyện xảy ra vào tháng 3 năm ngoái ở Sài Gòn. Họ đi vay lấy vốn làm ăn nhưng lãi suất cao ngất ngưởng, hơn 40%. Họ lấy địa chỉ đi vay tiền từ những tờ quảng cáo.”

Ngô Huyền

Không thể trả được nợ, cặp vợ chồng này đã bỏ trốn vì sự an toàn của họ. Huyền kể tiếp,

“Cặp vợ chồng vẫn đang lẩn trốn và họ đã đổi địa chỉ và số điện thoại. Tôi nghe nói họ mắc nợ khoảng 400 triệu đồng [17,647 đô la] nhưng tiền lãi đã lên đến hơn 2 tỷ đồng [88,237 đô la].”

Ngô Huyền

Mặc dù ngành tài chính tiêu dùng đang phát triển mạnh đã bén rễ ở Việt Nam, nhưng luật lệ yếu kém đã cho phép nhiều tổ chức tài chính quấy rối người đi vay, đẩy căng giới hạn của tính pháp lý. Một số người cho vay hợp lệ không khác gì những kẻ cho vay cắt cổ: làm phiền người thân của người đi vay, đăng ảnh bôi nhọ lên mạng và đến nhà con nợ để gây áp lực và đòi nợ.

Ảnh hưởng kinh tế của Covid-19 đã khiến nhiều người ở Việt Nam kiệt quệ tài chính và vấn đề nợ xấu ngày càng trầm trọng hơn. Trong quý đầu tiên của năm 2020, các ngân hàng địa phương cho biết các khoản nợ quá hạn tăng 45%. Kể từ đó, Việt Nam trải qua thời kỳ tệ nhất của đại dịch. Vào cuối tháng 4, biến thể Delta đã đến đây, làm tê liệt nền kinh tế và tăng số người chết từ 35 lên hơn 23.000 người vào giữa tháng 11.

Từ tháng 7 đến tháng 9, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam giảm 6,17%, mức giảm mạnh nhất trong kỷ lục kể từ khi Tổng cục Thống kê bắt đầu báo cáo tốc độ tăng trưởng hàng quý vào năm 2000. Một cuộc thăm dò vào tháng 9 cho thấy 62% trong số 69.132 người trả lời đã bị mất việc làm vì Covid-19.

Trong khi Chính phủ Việt Nam khuyến khích các bên cho vay hợp lệ điều chỉnh lại thời hạn trả nợ, miễn hoặc giảm lãi suất và chi phí để giúp người đi vay trong thời kỳ đại dịch, nhiều người đã báo cáo những chỉ thị này đã không được tuân thủ. Hiếu Nghĩa, nột người hỗ trợ người vay gặp trở ngại trong việc trả nợ tại Việt Nam, nói,

“Trong đợt dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng đến tất cả mọi người nên vấn đề chậm thanh toán là không thể tránh khỏi… Khi dịch Covid xảy ra và họ chậm trả nợ, các công ty cho vay này bắt đầu có hành động đe dọa. Do luật dân sự của Việt Nam còn nhiều điều chưa quy định nên các công ty tài chính thường lách luật để cho vay và tiếp tục hoạt động. Họ có hành vi đe dọa, bôi nhọ danh dự người đi vay khi họ chậm trả nợ.”

Hiếu Nghĩa
Tờ quảng cáo cho vay tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Govi Snell

Sự hiện hữu của những kẻ cho vay tiền bất hợp pháp, thường được gọi là cho vay cắt cổ, cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng là chuyện hàng ngày ở Việt Nam. Năm 2019, Bộ Công an đã điều tra 210 đường dây cho vay nặng lãi do hơn 2.000 người điều hành.

Tài chính tiêu dùng chính thức phát triển ở Việt Nam trong mười năm qua. Trong khi cho vay theo hợp lệ được khuyến khích như một giải pháp giảm việccho vay nặng lãi, thì việc đòi nợ quá tay vẫn còn do thiếu luật lệ.

Một công ty tiên phong trong lĩnh vực cho vay tiền chính thức, FE Credit, đã nổi lên như một trong những công ty gây tranh cãi nhất đất nước.

Nicolas Lainez, một viện sĩ thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho biết: “Tài chính tiêu dùng đã thực sự thành công cách đây 10 năm với việc FE Credit đề nghị những hình thức cho vay mới cho quần chúng, điều chưa từng xảy ra trước đây. Giữa các tổ chức truyền thống cho vay nặng lãi và các nhóm tài chính tiêu dùng, có một số hoạt động tương tự nhau.”

FE Credit hoạt động dưới sự điều hành của một trong những tổ chức tài chính tư nhân lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng hay còn gọi là VP Bank. FE Credit tự mô tả trên trang web là “công ty dẫn đầu trong thị trường tài chính tiêu dùng” đã giúp “10 triệu người Việt Nam giải quyết khó khăn tài chính”. Công ty, trị giá 2,8 tỷ đô la, là công ty cho vay chính thức lớn nhất trong nước.

Ông Đặng Cao Trinh, chuyên gia phân tích của Dezan Shira and Associates tại TP.HCM, cho biết tranh cãi đã nổ ra do FE Credit bị cáo buộc quấy rối người đi vay.

“Họ vẫn hoạt động như một [chủ nợ] không chính thức. Họ sẽ gọi cho con nợ rất nhiều lần. Nghe nói họ từng cử rất nhiều người đến nhà đòi tiền giống như xã hội đen.”

Đặng Cao Trinh

Không thể liên lạc được với đại diện của FE Credit qua điện thoại hoặc email.

Hiếu Nghĩa bắt đầu giúp đỡ những người vay nợ vượt qua khó khăn vì nợ khi ông thấy nhiều gia đình tan nát. Ông đưa ra một ví dụ từ năm ngoái khi một cặp vợ chồng đi vay tiền của FE Credit. Theo một bản tin, một người đòi nợ đã đến nhà của họ ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19 tháng 6 và đe dọa sẽ giết người chồng nếu ông ta không trả tiền trước ngày 22 tháng 6. Ngày 21/6, chồng là Lê Thanh Tâm tự tử chết chết.

Tờ quảng cáo cho vay tiền tại TP HCM. Ảnh: Govi Snell

Nghĩa nói,

“Có những trường hợp túng quẫn nên đưa đến việt tụ sát, do đó một lời khuyến khích, và sự hướng dẫn chân thành sẽ giúp họ rất nhiều. Gia đình tan nát khi bị đe dọa nên tôi chấp nhận hỗ trợ người đi vay.”

Hiếu Nghĩa

Các nhóm thành hình trên mạng với hàng nghìn thành viên đang tìm cố vấn về cách để đối phó với các hoạt động đòi nợ ác ôn của FE Credit.

Thảo Nguyên ở TP. Hồ Chí Minh đã xem các đoạn viết chia sẻ trên Facebook trong đó người vay tiền bị đe dọa. Bà nói,

“[Người đòi nợ] viết trong tin nhắn rằng nếu bạn không trả tiền, bạn phải trả bằng máu và trong 24 giờ họ sẽ làm cho nạn nhân xấu hổ trên mạng xã hội.[Họ] thậm chí còn đe dọa sự an toàn của cả gia đình.”

Thảo Nguyên

Huân Lê là thành viên của nhóm Facebook ‘Tẩy chay Fe Credit’ với hơn 11.000 thành viên.

Ba năm trước, Lê mua điện thoại bằng thẻ tín dụng tiêu dùng do FE Credit cấp. Sau khi hoàn trả đầy đủ khoản vay, ông đã ngừng sử dụng thẻ và cuối cùng đánh mất thẻ tín dụng. Cuối tháng trước, FE Credit bắt đầu gọi điện và khẳng định ông vẫn nợ tiền công ty. Huân Lê nói,

“Một tuần trước, họ gọi cho tôi và nói rằng tôi nợ họ 1.200.000 đồng [khoảng 53 đô la] trong khi tôi bị mất thẻ và không có bất kỳ mua bán nào dùng thẻ của FE Credit.

Huân Lê

Họ đã gọi cho tôi hơn mười lần. Tôi đã nói là tôi không tiêu số tiền đó. Tất nhiên là họ không chấp nhận và họ tiếp tục nói rằng tôi nợ họ. Tôi vừa cài đặt một ứng dụng chặn cuộc gọi và tôi sẽ chặn các cuộc gọi từ họ trong vài phút nữa.”

Một tuần sau khi Huân Lê chặn cuộc gọi từ FE Credit, họ đã liên lạc với mẹ ông. Ông nói, “FE Credit vừa gọi cho mẹ tôi và đe dọa buộc tôi phải trả tiền.”

Chuyên viên phân tích Trinh cho biết, vùng xám hợp pháp mà lĩnh vực tài chính tiêu dùng hoạt động đã cho phép FE Credit và các tổ chức tài chính tương tự quấy rối khách hàng. Ông nói,

“Không có quy định cụ thể hoặc không có hướng dẫn cụ thể về cách họ sẽ bị trừng phạt. Nếu họ [FE Credit] liên tục cử người đến nhà bạn hoặc gọi điện cho bạn nhiều lần trong ngày, thì sẽ không có hình phạt, không có hướng dẫn, không có quy định nào về điều đó.”

Đặng Cao Trinh

Các chỉ thị trong đại dịch không rõ ràng cũng đã cản trở việc nới lỏng các khoản trả nợ cho người Việt Nam. Mặc dù thông tư do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành vào tháng 3 năm 2020 kêu gọi các tổ chức tín dụng điều chỉnh lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi suất, nhưng đề nghị này không có hiệu lực pháp lý. Trinh nói,

“Nếu họ thực sự muốn điều chỉnh lại thời gian trả nợ và chờ trả lãi và chi phí những thì việc đó tùy thuộc vào tổ chức tài chính. Đó không phải là trách nhiệm của họ.” 

Đặng Cao Trinh

Các khoản nợ xấu — những khoản không có thể được hoàn trả đủ — tăng 30% vào năm 2020 so với năm 2019. Vào tháng 9, ngân hàng nhà nước đã ban hành một chỉ thị khác sửa đổi các thông tư trước đây về việc nới lỏng nợ cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19. Trinh nói,

“Theo quan điểm của tôi, thông tư này cho thấy chính phủ thực sự quan tâm đến những gì đang diễn ra trong đại dịch.”

Đặng Cao Trinh

Chúng ta không thể mong đợi một quốc gia như Việt Nam có thể thực hiện tất cả các bước hợp nhất này trong một vài năm. Điều đó là không thể.

 Ông Trinh cho biết, cũng giống như các chỉ thị trước đây, người cho vay không bắt buộc phải tuân theo thông tư. Một danh sách dài các tiêu chuẩn mà người đi vay phải đáp ứng càng cản trở việc  con nợ có thể sẽ được coi là xứng đáng được hỗ trợ, đặc biệt là khi một số tiêu chuẩn được giải thích theo kiểu của nhưng công ty cho vay. Tám tiêu chuẩn cần có đủ để gia hạn nợ, trong đó một tiêu chuẩn dựa trên nhận thức của người cho vay về mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với người đi vay. Trinh nói,

“Về căn bản không có quy định nào về việc một tổ chức tài chính sẽ đánh giá sức khỏe tài chính của công ty bạn như thế nào. Vì vậy, bạn không thể làm gì nếu họ đến công ty của bạn và nói rằng không sao, chúng tôi nghĩ rằng công ty của bạn không thực sự bị ảnh hưởng vì COVID-19. Họ thực sự muốn hỗ trợ bạn một cách cụ thể đó hay không thực sự phụ thuộc vào họ, bởi vì bạn cần phải hội đủ tất cả các tiêu chuẩn đó.”

Đặng Cao Trinh

Như Lainez đã lưu ý, cần có thời gian để một ngành kỹ nghệ có thể tự phát triển trong một quốc gia. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của lĩnh vực tài chính tiêu dùng và sẽ có vấn đề và khó khăn. Việc tìm kiếm các mục tiêu chung giữa những người đi vay và người cho vay và việc thực thi pháp luật thành công sẽ mất nhiều thời gian. Ông nói:

“Ở Mỹ, việc hợp nhất ngành tài chính tiêu dùng đã mất 60, 70 hoặc 80 năm. Chúng tôi không thể mong đợi một quốc gia như Việt Nam có thể thực hiện tất cả các bước hợp nhất này trong một vài năm. Điều đó là không thể. Nó không hoạt động như thế này. Trong khi đó, sẽ có những điểm không hoàn hảo, sẽ có những thứ như hành động mạnh tay này.”

Nicolas Lainez

Trong khi ngành kỹ nghệ trên đường trưởng thành và nhiều người gặp khó khăn về tài chính trong đại dịch Covid-19, Trinh lo ngại nhiều người Việt Nam sẽ chuyển sang cho vay phi chính thức như một nguồn nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu tiền mặt, làm gia tăng các khoản cho vay bất hợp pháp và nợ xấu trong nước. Ông nói,

“Tôi thấy rất nhiều bài đăng trên Facebook nói rằng họ rất cần sữa cho con vì họ không có việc làm gì cả. Chừng nào đại dịch vẫn còn thì nhu cầu đối với hệ thống cho vay không chính thức đó vẫn còn thực sự cao.”

Đặng Cao Trinh

© 2021 DCVOnline   Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


Nguồn: Vietnam lenders adopt loan shark tactics | Govi Snell  | SEA Globe | November 18, 2021.