Việt Nam phàn nàn những biện pháp kiểm soát biên giới của Trung Hoa để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus là ‘quá mức cần thiết’

Laura Zhou | DCVOnline

Việc kiểm soát chặt chẽ như một phần của chiến lược zero-Covid của Hoa lục đã khiến hàng nghìn xe vận tải bị ứ đọng tại cổng biên giới

Bộ Thương mại Việt Nam cho biết những biện pháp này đã gây ra ‘tổn thất lớn’ cho những doanh nghiệp và thương nhân và kêu gọi phía Trung Hoa hành động để giải quyết vấn đề

Trung Hoa đã áp dụng những hạn chế chặt chẽ ở biên giới Việt-Trung trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ảnh: Reuters

Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích những chính sách zero-Covid của Trung Hoa sau khi những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ gây ra tình trạng ứ đọng hàng nghìn xe vận tải và làm gián đoạn thương mại. Sau cuộc gọi video với những giới chức chính phủ khu vực Tây Nam Trung Hoa vào thứ Sáu, bộ Thương mại Việt Nam cho biết,

“Những biện pháp ngăn chặn đại dịch mà Quảng Tây đang áp dụng theo chính sách ‘zero Covid’, chẳng hạn như ngừng hoạt động cổng quan thuế hoặc ngừng nhập cảng một số loại trái cây, là quá mức cần thiết. Việc này làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.” Bộ Thương mại Việt Nam

Bộ Thương mại Việt Nam kêu gọi Trung Hoa thực hiện những biện pháp khẩn cấp để giảm bớt ứ đọng tại những cổng biên giới, gồm việc bắt đầu một chương trình thí điểm cho phép công nhân được tiêm ngừa đầy đủ xếp dỡ những xe chở hàng đang bị giữ tại nhữngcồng biên giới của Trung Hoa.

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, hai ngày trước, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc điện đàm với phụ tá Ngoại trưởng Trung Hoa Wu Jianghao, trong cuộc nói chuyện đó hai bên đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ để giải quyết vấn đề.

Thương mại giữa Trung Hoa và Việt Nam, đặc biệt là đường bộ, đã gặp khó khăn sau khi hàng nghìn xe chỏe hàng bị giữ ở biên giới sau những báo cáo rằng có những người nhiễm Covid-19 xuyên biên giới đã xuất hiện ở Pingxiang, một thành phố biên giới ở Quảng Tây.

Kể từ đó, Trung Hoa đã tăng cường kiểm soát biên giới với Việt Nam, quốc gia đang phải vật lộn với sự gia tăng số người nhiễm bệnh kể từ cuối tháng 11, gồm  cả 16.000 trường hợp mới hôm thứ Sáu.

Dongxing, một thành phố biên giới khác ở Quảng Tây, thông báo rằng họ đã tạm thời ngừng thông quan hàng hóa nhập cảng vào ngày 21 tháng 12, và bốn ngày sau Hà Khẩu, một thị trấn biên giới ở tỉnh Vân Nam, thông báo những biện pháp tương tự.

Cùng ngày, những cơ quanthuế vụ tại đèo Hữu nghị giữa Pingxiang và tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam kêu gọi những thương nhân tìm kiếm những đường vận chuyển khác vì khả năng thông quan ở đây đã hết “do tình hình dịch bệnh phát triển bên ngoài nước”.

Nhập cảng thanh long của Việt Nam đã bị đình chỉ trong bốn tuần. Ảnh: AFP

Trung Hoa cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập cảng thanh long trong 4 tuần qua đèo Hữu nghị, con đường lớn nhất giữa hai nước, cho đến ngày 26 tháng 1 sau khi cơ quan y tế tỉnh Sơn Tây cho biết họ đã tìm thấy coronavirus trên bao bì từ Việt Nam.

Trung Hoa là đối tác thương mại lớn nhất với Việt Nam và là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo chí Việt Nam cho biết nhiều nhà xuất cảng đã phải quay trở lại, rời biên giới do những biện pháp kiểm soát mới và hiện đang cố gắng bán trái cây với giá thấp hơn trong nước để hạn chế thua lỗ.

Tác giả | Laura Zhou gia nhập văn phòng Bắc Kinh của tờ SCMP vào năm 2010, viết in về mối quan hệ ngoại giao của Trung Hoa và đã đưa tin về những chủ đề như quan hệ Trung-Mỹ, tranh chấp Trung Hoa-Ấn Độ và phản ứng với cuộc khủng hoảng hạch tâm Triều Tiên, cũng như những tin tức khác.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Vietnam complains China’s border controls to stop coronavirus spreading are ‘overkill’ | Laura Zhou | SCMP | Jan 2, 2022.