Một chuyên gia khoa học lỗi lạc bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm virus Winnipeg. Không ai biết tại sao.

Justin Ling | Trà Mi

Việc bà được RCMP hộ tống ra khỏi phòng thí nghiệm cách đây hơn hai năm làm dấy lên sự tranh cãi quốc tế. Thực sự chuyện gì đã xảy ra với Xiangguo Qiu?

 (Minh họa của Ben Shmulevitch)

Xiangguo Qiu (邱香果 – Khâu Hương Quả) dường như là một người thủ vai khó có thể xảy ra trong một câu chuyện về mưu đồ quốc tế. Một khoa học gia ứng xử nhẹ nhàng đã được nhiều giải thưởng cho những nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm an toàn nhất của Canada, chống lại virus Ebola nguy hiểm chết người. Sự nghiệp của bà đã bị cắt ngang vào tháng 7 năm 2019, khi Qiu và chồng được RCMP hộ tống ra khỏi phòng thí nghiệm Winnipeg. Kể từ đó, bà trở thành nhân vật trung tâm trong trận chiến chính trị lớn ở Ottawa và là ngôi sao của các thuyết âm mưu quốc tế. Bà đã bị buộc tội bán bí mật quốc gia, đóng góp vào một chương trình vũ khí sinh học bí mật của Trung Hoa và thậm chí giúp tạo ra COVID-19.

Câu chuyện về Xiangguo Qiu vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng các đồng nghiệp cũ của bà đã nói với Maclean rằng trường hợp của Qiu liên quan nhiều đến sự căng thẳng và việc tranh giành ưu tiên trong phòng thí nghiệm hơn là bất cứ điều gì bất chính. Họ nói rằng thành tích khoa học của Bs Qiu cho thấy một số manh mối về việc mọi thứ đã trật đường rầy ở đâu.

Là một bác sĩ y khoa và nhà sinh vật học, Qiu bắt đầu làm việc với Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia (NML) — do Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) điều hành — vào năm 2003. Phần lớn công việc của bà tại NML tập trung vào Ebola. Tại đó, bà đã dẫn đầu một dự án với hy vọng chứng minh rằng các kháng thể “đơn dòng” nuôi trong phòng thí nghiệm có thể ngăn chặn virus lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh — nếu chiến lược của họ hiệu quả, nó có thể là một bước đột phá lớn trong việc điều trị các bệnh nhiễm virus khác, từ HIV đến các coronavirus khác cho đến nhiều bệnh lây nhiễm chưa biết đến. (Chồng của bà, Keding Cheng, cũng là một nhà sinh vật học tại phòng thí nghiệm, đã đôi khi đóng góp trong dự án.)

Qiu, bên trái, là một bác sĩ y khoa và nhà virus học từ Thiên Tân, Trung Quốc, đến Canada để nghiên cứu sau đại học vào năm 1996. Chồng bà, Keding Cheng, bên phải, là một nhà sinh vật học. (Giải thưởng Sáng tạo của Toàn quyền). CBC News

Năm 2005, Qiu và các đồng nghiệp của bà trong chương trình Mầm gGây bệnh Đặc biệt của NML đã xuất bản một báo cáo phác thảo cách thức hoạt động của những kháng thể đơn dòng này, nhưng hiệu quả hứa hẹn của chúng vẫn chỉ là giả thuyết. Chúng đã được sử dụng để điều trị ung thư và những loại bệnh khác trong nhiều năm, nhưng vấn đề là các virus như Ebola xâm lấn hệ thống miễn dịch của nạn nhân một cách cực kỳ nhanh chóng và kháng thể không đủ nhanh để kịp thời chống lại.

Trong khi nhiều đồng nghiệp của Qiu bắt tay vào nghiên cứu loại vaccine Ebola hứa hẹn hơn của phòng thí nghiệm, bà đã tách ra, đi đường khác. Tiến sĩ Gary Kobinger, người đứng đầu chương trình, cho biết: “Mặc kệ thực tế là mọi người đều nói rằng nó sẽ không bao giờ có kết quả, bà ấy vẫn kiên quyết.

(Minh họa của Ben Shmulevitch)

NML là cơ sở sinh học an toàn (biosafety level, BSL) cấp 4 duy nhất của Canada — cấp 4 là mức an toàn nhất trên thế giới, có nghĩa là NML có thể thí nghiệm với các mầm bệnh chết người và nguy hiểm nhất. Phòng thí nghiệm này được thành lập để theo đuổi những nghiên cứu mà các phòng thí nghiệm nhỏ hơn không thực hiện được hoặc không mang lợi nhuận về cho các cơ sở tư nhân. Nhưng do chính phủ điều hành cũng có những hạn chế riêng: vào năm 2010, NML đã bị cắt giảm ngân sách đáng kể. Kobinger đã phải tạm xếp lại một số dự án, nhưng ông ấy đã cho Qiu một thời hạn cuối cùng, ông đã nói, “Quý vị nghe đây, chúng ta sẽ lập quy trình thí nghiệm và chúng ta có sáu tháng.”

Khi thời hạn sắp hết, dường như lại có kết quả: Qiu đã thử đưa cùng lúc ba kháng thể đơn dòng khác nhau, những kháng thể này nhanh chóng tràn ngập hệ thống miễn dịch của động vật thí nghiệm. Những con khỉ bị nhiễm Ebola, trước ngưỡng cửa tử thần, đã phục hồi một cách thần kỳ. Qiu đặt tên cho loại cocktail gồm ba loại kháng thể đó là ZMAb.

Sự nhẹ nhõm gần như hiện rõ trên những trang của luận văn khoa học mà nhóm nghiên cứu của bà xuất bản vào năm 2013:

“Những kết quả phúc trình ở đây lần đầu tiên chứng minh sự bảo vệ hoàn toàn chống lại nhiễm trùng [Ebola] gây chết người ngay cả khi việc điều trị bắt đầu muộn [ba ngày sau khi nhiễm trùng].”

ZMAb nhanh chóng được phòng thí nghiệm nộp đơn lấy bằng sáng chế và cấp giấy phép sản xuất cho một công ty Canada.

Khi dịch Ebola bắt đầu ở Tây Phi vào năm 2014, Bộ Y tế Canada đã yêu cầu sản xuất một lô nhỏ ZMAb. Hợp tác với hai công ty sản xuất sinh học của Canada, họ đã bào chế  một lượng nhỏ kháng thể, đủ để cung cấp cho các nhân viên y tế tuyến đầu đã bị nhiễm bệnh ở Tây Phi. Đây là lần đầu tiên kháng thể được truyền cho bệnh nhân đang bị nhiễm Ebola và nó đã có kết quả. (Nhiều năm sau, một bác sĩ được ZMAb cứu sống đã đến thăm phòng thí nghiệm để cảm ơn Qiu và Kobinger vì đã cứu sống ông.)

Giới làm khoa học trong chính phủ không quan tâm đến tiền bạc hay vinh quang: khi một công ty của Mỹ, Mapp Biopharmaceuticals, đưa ra loại cocktail kháng thể của riêng họ, phòng thí nghiệm Winnipeg đã đề nghị kết hợp cả hai. Họ gọi phương pháp điều trị kết hợp đó là ZMapp. Ottawa đã lên kế hoạch sản xuất hàng loạt loại cocktail này và chuyển đến Tây Phi: với 60 triệu đô la, chính phủ Canada có thể sản xuất đủ lượng kháng thể trong nước — ZMAb hoặc ZMapp — để điều trị cho 40.000 người bị Ebola.

Nhưng việc đó đã không bao giờ xảy ra. Thay vì đầu tư vào hai công ty Canada có thể sản xuất các kháng thể, vốn đã thiết lập ở Canada như một trung tâm sản xuất sinh học nghiêm túc hơn, Ottawa đã giao công việc sản xuất cho một công ty Mỹ. Canada chưa bao giờ mua được một lượng đáng kể liệu pháp do Winnipeg góp phần sáng chế.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu sản xuất vẫn tiếp tục. Công ty Regeneron của Mỹ đã phát triển một loại cocktail ba kháng thể đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola. Những công ty khác cũng đã dựa trên những kết quả  đột phá của phòng thí nghiệm ở Winnipeg. Những kháng thể đơn dòng dùng để điều trị COVID-19 đã cứu tới 70% bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, trong khi liệu pháp kháng thể đơn dòng đầu tiên gần đây đã được phê duyệt để điều trị và ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Tiềm năng của liệu pháp đó là vô tận.

Năm 2018, Qiu cùng với Kobinger đã được trao Giải thưởng Sáng tạo của Toàn quyền, vì đã phát triển ZMAb và Qiu đã được ca ngợi vì cam kết của bà đối với “những kỹ thuật tiên tiến, không chính thống, đi ngược lại quan điểm khoa học hiện hành.

Sau khi nhận giải thưởng, bà nói:

“Rất nhiều phòng thí nghiệm đang phát triển các liệu pháp kháng thể cho các bệnh khác. Tôi rất vui mừng. Không chỉ là chúng tôi đã tìm ra cách chữa khỏi bệnh Ebola, mà công việc của chúng tôi đang có ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng khoa học. Nó đã trở thành một bảng vẽ chi tiết cho việc điều trị các bệnh truyền nhiễm khác.”

Bs Xiangguo Qiu

Kobinger nói với tôi vào năm 2019, không lâu sau khi Qiu bị loại khỏi phòng thí nghiệm

“Đây là điều tôi vui mừng nhất. Tôi nghĩ, chỉ cần có một chút đóng góp vào việc này, đã là sự nghiệp của tôi.”  

Dr. Gary Kobinger

Tuy nhiên, bên trong phòng thí nghiệm, là bầu không khí thất vọng. Một số người từng làm việc ở đó nói với Maclean’s rằng nhiều người cảm thấy chương trình Mầm Gây bệnh Đặc biệt đã khám phá ra cách cứu sống hàng chục nghìn người và có thể là công ty hàng đầu thế giới về phương pháp trị liệu đa năng này. Nhưng, chính phủ đã bỏ lỡ cơ hội vì cái nhìn thương mại thiển cận.

***

Hầu hết người Canada đều không biết về Qiu hoặc NML — cho đến khi bà ấy bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm vào năm 2019 đã gây ra một cơn bão lửa chính trị.

Chi tiết về những gì, chính xác, Qiu bị cáo buộc là đã vi phạm vẫn còn mờ mịt. PHAC sẽ chỉ nói rằng bà ấy đã bị loại khỏi phòng thí nghiệm trong khi chờ “điều tra hành chính”,  và cam kết rằng sẽ “thực hiện các bước để giải quyết nó một cách cáp bách.”

RCMP đã mở cuộc điều tra riêng vào năm 2020, nhưng vẫn chưa rõ chính xác là họ đang điều tra những gì. Cơ quan tình báo CSIS xác nhận họ đã được RCMP liên hệ, nhưng khẳng định cuộc điều tra thuộc về cảnh sát, không phải của cơ quan tình báo.

Khoa học gia, cựu nhân viên của NML, Tiến sĩ Gary Kobinger yêu cầu phơi bầy sự thật trung thực về những gì đã xảy ra ở phòng thí nghiệm – và những gì có thể xảy ra nếu câu chuyện bị che đậy.

Trong 2 năm rưỡi kể từ đó, không một ai bị truy tố. Trong lúc không có bất kỳ lời giải thích nào, tin tức xung quanh vụ việc tập trung vào các mối quan hệ của Qiu với Trung Hoa. Những tờ báo đưa tin về công việc của bà với các nhà khoa học từ Học viện Khoa học của Giải Phóng Quân Nhân dân, nơi thực hiện rất nhiều công việc nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và vaccine. Một số tin tức tập trung vào thực tế là các sinh viên hậu đại học của Đại học Manitoba có nghiên cứu do Qiu làm cố vấn và giám sát cũng bị loại khỏi phòng thí nghiệm — trường đại học từ chối bình luận về những sinh viên đó, nhưng trước đó đã nói với CBC rằng họ đã được “chuyển lại” cho những giáo sư khác phụ trách.

Có nhiều tin cho rằng bà đã chuyển các loại virus nguy hiểm, kể cả Ebola, đến phòng thí nghiệm BSL-4 ở Vũ Hán, Trung Hoa và có rất nhiều suy đoán rằng bà ấy có thể đã chuyển tài sản sở hữu trí tuệ của Canada cho những người liên hệ ở Trung Hoa.

Tại Ottawa, các đảng đối lập đã lên khung vụ sa thải ra như một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia và là bằng chứng về mối quan hệ quá thân thiết của chính quyền Trudeau với Trung Hoa. Khi họ yêu cầu công bố những tài liệu của PHAC, tổng chưởng lý đã can thiệp để chặn việc công bố tài liệu — làm như vậy, chính phủ lập luận, có thể gây trở ngại cho những thủ tục tòa án, vẫn mang tính giả định,  trong tương lai. Đến đầu năm 2022, cuộc chiến đó vẫn chưa đến hồi kết. Các bên tiếp tục tranh cãi về cách những hồ sơ đó có thể được công bố, và ai sẽ quyết định thông tin nào sẽ tiết lộ, biên soạn lại hoặc giữ lại hoàn toàn.

Thuyết  âm mưu tràn ngập trên các blog và cổng phát tán tin vịt — sau cùng, họ lập luận,  không phải COVID đã rò rỉ ra khỏi chính phòng thí nghiệm Vũ Hán mà Qiu đã hợp tác hay sao? Erin O’Toole, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ của Canada, người đã yêu cầu được biết bằng cách nào mà Qiu được cấp phép làm việc tại “cơ sở bí mật” ở Winnipeg ngay từ đầu.

Vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ: điều gì đã xảy ra với bác sĩ Qiu?

***

Những đồng nghiệp cũ nhìn thấy manh mối về việc sa thải  Qiu và Cheng trong câu chuyện về pháp liệu ZMAb.

Các đồng nghiệp cũ của Qiu cho biết dưới thời chính phủ Bảo thủ, Ottawa đã “bị ám ảnh với sở hữu trí tuệ,” Điều đó có nghĩa là các cơ sở nghiên cứu như NML buộc phải tập trung vào nghiên cứu có thể sẵn sàng lấy bằng sáng chế, chuyển giao cho các công ty tư nhân để thương mại hóa. Áp lực này dẫn đến căng thẳng trong phòng thí nghiệm giữa các nhà khoa học hy vọng có được những phát minh đột phá có thể cứu người và giới quản trị, những người được giao nhiệm vụ giảm ngân sách và tạo ra lợi nhuận bằng cách cấp giấy phép cho tư nhân sản xuất. (Hầu hết các đồng nghiệp cũ của Bs Qiu chỉ lên tiếng khi Maclean’s giữ kín danh tính để không gây nguy hiểm cho công việc hoặc các mối quan hệ nghề nghiệp của họ. Chính bs Qiu đã không trả lời dù đã có nhiều yêu cầu trả lời phỏng vấn về câu chuyện này.)

ZMAb là biểu tượng của sự thay đổi đó. Những kế hoạch nhằm tiếp tục sản xuất liệu pháp đó tại  Canada, bằng tiền thuế của dân, đã bị từ bỏ để giao lại dự án đó cho Mapp Biopharmaceuticals, một công ty tư nhân của Mỹ, mặc dù Mapp vẫn chưa thực hiện bất kỳ số lượng thuốc đáng kể nào để điều trị. Số phận tương tự suýt xảy ra với vaccine Ebola do NML phát triển: một phúc trình năm 2020 của những nhà nghiên cứu khoa học tại Đại học Dalhousie cho thấy “khu vực tư nhân không chỉ không cần thiết đối với sự phát triển của nó mà còn có khả năng làm nó chậm lại .

Trong các phòng thí nghiệm được kiểm soát chặt chẽ như NML, luôn có một bộ quy trình, giao thức và thủ tục giấy tờ phức tạp. Một số trong số đó liên quan đến an toàn, do các vật liệu nguy hiểm đang được dùng trong thí nghiệm. Đề phòng trộm cắp và gián điệp cũng là một mối quan tâm hàng đầu — đó là lý do tại sao nhân viên tại phòng thí nghiệm phải được CSIS điều tra về nhân thân và vấn đề bảo mật trước khi làm việc tại NML.

Nhưng sự nhấn mạnh mới về thương mại hóa phát minh khoa học có nghĩa là sự tập trung mới vào sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, giới nghiên cứu khoa học cảm thấy như thể họ đang bị yêu cầu vắt đá ra máu: nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, những chuyên gia khoa học giải thích với tôi, đơn giản là không mang lại nhiều lợi nhuận hoặc hấp dẫn đối với khu vực tư nhân. Các liệu pháp điều trị và vaccine chỉ thực sự hữu ích trong thời kỳ bùng phát, và trong thời kỳ đại dịch, chúng thường được bán với giá gốc hoặc cho đi. Hiện có cảm giác rằng trọng tâm mới (thương mại hóa) này đang làm xáo trộn công việc mà giới nghiên cứu khoa học coi là nhiệm vụ nhân đạo của họ.

Kobinger nói: “Chúng tôi đã đi trước, đi trước trên tất cả các mặt trận, để rồi mất tất cả lợi thế này. Thật không may.

Không lâu sau khi tìm ra ZMAb, Kobinger đã ngồi lại với Qiu để nói với bà rằng ông sẽ bỏviệc ở NML. “Tôi đã nói, ‘Qiu, nghe này, chúng ta sẽ mất hết lợi thế này. Nếu tôi muốn tiếp tục có cơ hội đóng góp, [tôi cần phả]  bỏ đi và đến với khu vực hàn lâm.’”

Kobinger bỏ việc ở NML để đi làm việc  với trường Đại học Laval vào năm 2016. Năm ngoái, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston danh giá, một cơ sở BSL-4 ở Texas.

Qiu ở lại. Và, nhờ sự đột phá của bà với ZMAb, bà đã nhận được những cuộc gọi từ khắp nơi trên thế giới, mong muốn được cộng tác. Có sự quan tâm đặc biệt từ Trung Hoa, nơi gần đây đã hoàn thành công việc lập phòng thí nghiệm cấp 4 đầu tiên, Viện Virus học Vũ Hán. Sự kết hợp giữa tham vọng toàn cầu và mối quan tâm trong nước, sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003, có nghĩa là Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường nghiên cứu virus học trong nước.

Canada lạc quan với ý tưởng về mối quan hệ chặt hơn nữa với Trung Hoa. Chẳng hạn, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã vui lòng cung cấp một trong những dòng tế bào độc quyền của mình để giúp các nhà nghiên cứu Trung Hoa phát triển các nền tảng vaccine mới — thậm chí báo trước việc bào chế một vaccine Ebola đột phá vào năm 2018 như một ví dụ điển hình về “sự hợp tác R&D chiến lược.” (Ottawa sau đó đã cố gắng hợp tác với nhà sản xuất CanSino về vaccine COVID-19, chỉ để thấy thỏa thuận đổ bể khi Trung Hoa đóng băng những lô vaccine vình tình trạng cảnh căng thẳng chính trị trực tiếp liên quan đến việc tạm giữ giáp đóc tài chính của công ty Hoa Vi (Huawei.))

Qiu là một tài sản trong việc xây dựng các mối quan hệ khoa học. Từ Thiên Tân, Trung Hoa — ngay phía nam Bắc Kinh, Qiu đã đến Canada từ giữa những năm 90  — và đã tốt nghiệp bs y khoa và thạc sĩ miễn dịch học ở Trung Hoa. Khi Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu Canada cung cấp nhân sự giúp chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, Qiu đã được chọn để đi công tác. Trong nhiều năm làm việc trong phòng thí nghiệm, bà thường xuyên hợp tác với giới nghiên cứu ở Trung Hoa về các chiến lược để đánh bại dịch bệnh do virus Ebola và coronavirus gây ra.

Một đồng nghiệp nói với Maclean’s rằng việc Qiu biết rằng căn cước của bà ấy có thể là một yếu tố phức tạp — đặc biệt là trong một phòng thí nghiệm nơi bắt buộc phải được thông quan an ninh. Bà ấy làm việc chăm chỉ hơn và đặc biệt thận trọng, người đồng nghiệp nói, “ ấy là phụ nữ. Vì  ấy là người Trung Hoa.

Sự thận trọng đó đã được chứng minh là có hiệu quả. Mối quan hệ của Ottawa với Trung Hoa nguội lạnh đáng kể vào năm 2018 với vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Meng Wanzhou, sau đó là các vụ bắt giữ trả đũa và tùy tiện đối với Michael Spavor và Michael Kovrig. Những lo ngại âm ỉ từ lâu về gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Hoa đột nhiên tăng vọt lên hàng đầu.

(Minh họa của Ben Shmulevitch)

Qiu không quên. Một đồng nghiệp cũ nói, khi tên của bà xuất hiện trên các bằng sáng chế nộp cho Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Hoa — hai bước đột phá trong việc điều trị Ebola và virus Marburg có liên quan, được xây dựng dựa trên công trình nghiên cứu đã xuất bản của bà — bà đã nhanh chóng thông báo cho thượng cấp của mình rằng việc người ta dùng tên của bà như vậy mà không có sự cho phép của bà.

Qiu giải thích, đó là sự công nhận đóng góp của bà trong lĩnh vực nghiên cứu, chứ không phải bằng chứng về sự hợp tác bí mật của bà với một phòng thí nghiệm nước ngoài. (Thật vậy, Qiu thường xuyên hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Trung Hoa về các biện pháp đối phó với Ebola, cũng như những người khác trong phòng thí nghiệm đã làm.)

Nhưng việc tập trung vào thương mại hóa và sở hữu trí tuệ có nghĩa là một lớp giám sát khác:  bảo đảm rằng Canada giữ quyền sở hữu và uy tín cho mọi thứ mà Canada có thể đòi quyền sở hữu và uy tín một cách hợp lý. Một đồng nghiệp cũ cho biết Qiu và một số đồng nghiệp của bà ấy đôi khi cảm thấy mâu thuẫn với văn phòng sở hữu trí tuệ. Trong khi Qiu “cực kỳ chăm chỉ”, họ nói rằng bà ấy đôi khi phạm tội “lỏng lẻo đối với quy tắc.” Tuy nhiên, họ nhấn mạnh, Qiu không phải là người duy nhất đưa ra ý tưởng lo lắng về thủ tục giấy tờ và các quy tắc sở hữu trí tuệ, vì những người nghiên cứu khoa học đã cố gắng tạo ra những đột phá hứa hẹn cứu sống hàng nghìn nhân mạng, có thể hàng triệu người. Một đồng nghiệp cũ nói, “Người làm khoa học là một nhóm kỳ lạ. Họ sẵn sàng nhận [tài trợ]. . . nhưng không thích ý tưởng phải tuân theo tất cả các quy tắc.

Họ nói rằng sự thay đổi đột ngột trong quan hệ với Trung Hoa có thể làm tăng sự giám sát đối với công việc của Qiu. Họ cho rằng sự kết hợp giữa “thái độ kiêu ngạo đối với việc tuân theo quy tắc” và “không hiểu các ảnh hương địa chính trị khi hợp tác với quê cũ của bạn” có thể đã đưa bà ấy vào mớ hỗn độn này.

Những đồng nghiệp cũ của Qiu nói rằng lô hàng Ebola thực sự là điều khiến Qiu gặp rắc rối với những thượng cấp của bà ấy — không phải vì bà ấy bí mật hợp tác với Bắc Kinh, mà vì cuối cùng bà ấy đã xem thường nỗi ám ảnh về sở hữu trí tuệ của phòng thí nghiệm.

Vào tháng 5 năm 2018, Qiu đã viết một email cho David Safronetz, người đứng đầu chương trình Mầm Gây bệnh Đặc biệt tại phòng thí nghiệm. Bà ấy viết:

“Một đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm do chính phủ điều hành ở Vũ Hán đã liên hệ với tôi về việc có thể nhận virus [Nipah] và Ebola từ chúng ta. Nếu được thì cần làm những giấy tờ gì bên cạnh giấy phép nhập cảng từ phía họ và giấy phép xuất cảng từ phía  chúng ta? MTA?”

Bs Xiangguo Qiu

MTA, hoặc Thỏa thuận chuyển giao vật liệu, chỉ định những điều khoản mà phòng thí nghiệm phải tuân theo để có thể chia sẻ mẫu với một phòng thí nghiệm khác: chẳng hạn, nó có thể ra lệnh rằng phòng thí nghiệm cung cấp mẫu đó chủ nhân của nguyên vật liệu đó vĩnh viễn. Nó cũng có thể yêu cầu rằng bất kỳ đổi mới hoặc khám phá nào tìm được nhờ những kết quả của mẫu cũng phải thuộc quyền sở hữu của phòng thí nghiệm đã cung cấp mẫu và đặt ra các điều khoản về loại nghiên cứu nào có thể bị cấm.

Qiu viết, “Tôi không hiểu tại sao phải có MTA trong trường hợp này nếu PHAC không yêu cầu?

Với những virus thu thập từ các đợt bùng phát ở Tây Phi, bà ấy khẳng định, “không ai là chủ tài sản trí tuệ [đó hết].”

Đã có một cuộc tranh luận trong phòng thí nghiệm về việc liệu thỏa thuận có cần thiết hay không. Safronetz viết “Cá nhân tôi không tin vào MTA cho những nguyên vật liệu này.”

Matthew Gilmour, khi đó là người đứng đầu NML, đã cân nhắc trong vài tháng sau đó: “[MTA] sẽ là điều bắt buộc, chứ không phải giấy ‘bảo đảm’ chung chung về việc lưu trữ và sử dụng chúng.” Tuy nhiên, khác xa với sự hoài nghi hoặc thù địch đối với phòng thí nghiệm Trung Hoa, thượng cấp của Qiu có vẻ sôi nổi với triển vọng xây dựng mối quan hệ tốt hơn với phòng thí nghiệm BSL-4 ở Vũ Hán. Gilmour viết, “Có nguyên vật liệu nào mà [Viện Virus Vũ Hán] có mà chúng ta sẽ có lợi khi nhận được không? [Sốt xuất huyết do virus] khác? Cúm đường cao?

Safronetz bảo đảm với cấp trên của mình rằng các thỏa thuận chuyển nhượng và tất cả các thủ tục giấy tờ khác, sẽ được điền đầy đủ. Chuyến hàng rời Toronto vào cuối tháng 3 năm 2019. Một email viết, “Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi có tất cả hồ sơ liên quan đến lô hàng và tất cả các quy trình đã được tuân thủ.” Mẫu virus đến mà không có sự kiện nào nghiêm trọng xẩy ra.

Tuy nhiên, bản MTA chưa bao giờ được ký nhận. Đó có thể là điểm khiến mọi việc đi trật đường rầy với Qiu. Mặc dù bà có thể tin rằng không ai có thể làm chủ một loại virus tự nhiên và một loại virus đã thu thập ở Tây Phi, nhưng đó không phải là quan điểm của Canada. Ottawa tin rằng nếu nó virus từ một tủ đông lạnh của chính phủ, thì nó thuộc về chính phủ. Bằng cách không ký MTA, Canada có thể sẽ không thể đưa có yêu sách với bất kỳ khám phá nào mà giới nghiên cứu Trung Hoa đã đạt được bằng cách dùng mẫu của NML.

Khi Iain Stewart, người đứng đầu PHAC lúc bấy giờ,  ra điều trần trước một ủy ban quốc hội vào tháng 5 năm 2021 để làm sáng tỏ cuộc điều tra, ông nhấn mạnh rằng

“thực tế là việc chuyển giao virus đã diễn ra — một lần nữa, đã được thực hiện và tuân thủ với các chính sách nội bộ và phê duyệt thích hợp — không liên hệ gì đến sự ra đi của hai nhân viên.”  

Iain Stewart

Ông giải thích rằng MTA không được yêu cầu một cách rõ ràng vì nó “không phải là yêu cầu về an toàn mà là tài liệu cung cấp cơ chế chuyển vật liệu được kiểm soát từ bên này với bên khác, phần lớn là để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.”

Luận điểm do PHAC đưa ra, viết sau khi Qiu bị sa thải khỏi phòng thí nghiệm, cho biết rằng không cần phải có MTA, vì cơ quan này đang tìm cách thúc đẩy “xây dựng mối quan hệ với [Viện Virus Vũ Hán], chia sẻ được thực hiện để thúc đẩy chương trình sức khỏe toàn cầu mạnh mẽ bằng cách tạo điều kiện cho những tiến bộ khoa học về các mầm gây bệnh có thể gây ra những hậu quả xã hội đáng kể.” (Những dòng thông tin đó cũng cố gắng hạ thấp công việc của Qiu với ZMAb, viết: “Sự đóng góp của PHAC trong việc giải quyết Ebola vượt xa bất kỳ cá nhân nào.”)

Chính việc chuyển virus có thể không phải là lý do khiến họ mất việc, nhưng chỉ 4 tháng sau khi virus được gửi đến Vũ Hán, Qiu và Cheng đã bị đưa ra khỏi phòng thí nghiệm.

Không lâu sau khi loại bỏ chúng, vào năm 2020, chính phủ bắt đầu yêu cầu MTA đối với tất cả các lần chuyển mẫu, “để nhân viên rõ ràng và các biện pháp bảo vệ cho khoa học của chúng ta.”

Ít nhất một số đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm tin rằng lập luận, mặc dù PHAC đã từ chối cẩn thận rằng những vụ sa thải không liên quan đến chính lô hàng, quan điểm của Qiu rằng Canada không có yêu sách về quyền sở hữu trí tuệ đối với các mẫu virus là điều khiến bà gặp rắc rối. Một trong những đồng nghiệp cũ của Qiu, người đã nói chuyện với Qiu trong vài tuần sau khi bà bị sa thải khỏi phòng thí nghiệm, nói rằng thủ tục giấy tờ cho lô hàng “không được thực hiện đúng cách” là chất xúc tác khiến bà bị sa thải. Từ đó, mọi thứ “ngày càng chồng chất như quả cầu tuyết”.

***

Việc loại bỏ Qiu và Cheng khỏi NML không thể xẩy ra vào thời điểm tồi tệ hơn. Chưa đầy một năm sau, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã trở thành tâm điểm của những nghi ngờ rằng virus COVID-19 bắt nguồn từ đó và bị rò rỉ ra ngoài. Các cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào và cả hai đều kết luận rằng, trừ những bằng chứng mới, giả thuyết COVID-19 xuất hiện từ tự nhiên mà không có sự tham gia của con người là đúng. Điều đó không làm hài lòng những người hoài nghi.

Tại ZeroHedge, một trang web đầy thuyết âm mưu rao bán thông tin sai lệch của chính phủ Nga, việc Qiu bị loại khỏi phòng thí nghiệm đã trở thành bằng chứng cho một âm mưu rộng lớn hơn: Một hàng tít lớn hỏi, “Có phải Trung Hoa đã đánh cắp Coronavirus từ Canada và vũ khí hóa nó không?” .

Dự án Bằng chứng (Evidence), một kho lưu trữ mã nguồn mở thường được trích dẫn rất nhiều về bằng chứng cho rằng giả thuyết COVID-19 đã thoát khỏi phòng thí nghiệm, dành cả một trang cho Qiu.

“Chúng tôi yêu cầu bạn, độc giả, dùng phán đoán tốt nhất của mình để xác định xem liệu một cuộc điều tra về lỗi [sic] nhỏ về văn thư hoặc văn phòng, chẳng hạn như biểu mẫu thất lạc, có phải mất gần một năm để đi đến kết luận hay không?” Những tác giả ẩn danh kết luận, “Chúng tôi tin rằng rẩ rất có thể cuộc điều tra này liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia.”

Tại Hạ viện, Đảng Bảo thủ đã năm lấy lý lịch và mối liên hệ với Trung Hoa của Qiu như một bằng chứng về điều gì đó bất chính. “Thủ tướng có thể cho Hạ viện biết làm thế nào mà một người có mối quan hệ thân thiết với quân đội Trung Hoa lại có được thông quan an ninh cấp cao của Canada hay không?” Lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole đã đặt câu hỏi đó với Thủ tướng Justin Trudeau vào tháng 5/2021.

Nhưng những lời buộc tội đã đưa ra một kết luận trước rồi mới đi tìm kiếm bằng chứng. “Mối liên hệ thân thiết” của Qiu với quân đội Trung Hoa gồm một số bài báo học thuật, xuất bản trên các tạp chí có uy tín, mà bà là đồng tác giả với những nhà khoa học làm việc tại Học viện Khoa học Quân sự của chính phủ Trung Hoa.

Kiểu hợp tác đó hầu như rất phổ biến trước khi mối quan hệ hai nước nguội lạnh vào năm 2018. Theo một tài liệu được đưa ra tại Hạ viện, đã có sáu luận văn khác nhau được xuất bản trong những năm gần đây là sự hợp tác giữa phòng thí nghiệm quân sự Trung Hoa và NML. Có hơn nửa tá tác giả được liệt kê trên các luận văn khoa học đó, ngoài Qiu, những người tiếp tục làm việc trong Chính phủ Canada. Ngay cả một luận văn không có tên bà ấy. (Và sự hợp tác với Học viện Khoa học Quân sự Trung Hoa có từ trước năm 2015, dưới thời chính phủ Bảo thủ mà O’Toole từng là bộ trưởng.)

Các thành viên bảo thủ của Quốc hội còn gọi việc sa thải Qiu là một “sự trùng hợp kỳ lạ” ngay khi COVID-19 bùng phát, làm dấy lên giả thuyết rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán và cáo buộc chính phủ Trudeau là “che đậy” và “tham nhũng” trong trường hợp này.

***

Thông tin có thể tiếp tục rò rỉ về trường hợp của Qiu và cách các cơ quan tình báo Canada đã thăm dò mối quan hệ có thể có của bà với Bắc Kinh. Nhưng với mức độ quyết liệt của chính phủ Tự do đang đấu tranh để giữ lại thông tin này, gồm cả tài liệu đã được coi là loại “Mật”, tất cả tình tiết của câu chuyện có thể sẽ không được biết đến trong một thời gian dài. Đảng Bảo thủ dường như quyết tâm vũ khí hóa vụ việc để chứng minh chính phủ Trudeau đã không hành động trong việc giải quyết gián điệp của Trung Hoa — việc thiếu bằng chứng chắc chắn là một tài sản trong nỗ lực đó.

Đã 2 năm rưỡi kể từ khi Qiu và Cheng bị loại khỏi phòng thí nghiệm. Đã một năm kể từ khi họ thực sự bị sa thải, vào tháng 1 năm 2021. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bị cáo buộc chính thức về bất cứ điều gì và không biết liệu họ có thuê cố vấn pháp lý hay không. Maclean’s đã nhiều lần đưa ra yêu cầu với chính phủ liên bang để thảo luận về việc sa thải Qiu và Cheng nhưng bị từ chối. Không rõ liệu hai vợ chồng Qiu và Cheng vẫn ở Canada hay họ đã trở về Trung Hoa, nơi họ vẫn còn gia đình.

Ở Winnipeg, nhà của họ là minh chứng cho sự lấp lửng mà hai vợ chồng đã vướng vào. Mức lương sáu con số gộp lại của họ hướng đến hai điều, một đồng nghiệp cũ nói: con cái và mua ngôi nhà mơ ước của họ. Hai vợ chồng này mới mua nhà không lâu trước khi họ được RCMP hộ tống khỏi phòng thí nghiệm. Ngồi trong nhà của mình sau khi bị đình chỉ công tác ở phòng thí nghiệm, họ băn khoăn về việc trả nợ cho tài sản trị giá 1,2 triệu đô la. Qiu nói với đồng nghiệp cũ của họ: “Chúng tôi đã làm việc cả đời cho ngôi nhà  đang ở.”

Các đồng nghiệp cũ của Qiu tiếp tục tin rằng đây là sự hỗn loạn về thủ tục hành chánh đã để cho câu chuyện rơi vào vòng xoáy quốc tế. Như một đồng nghiệp cười và nói: “Tôi không bao giờ có nghĩ rằng bà ấy là một đặc công nằm vùng.” Những người khác trong giới quan sát khác nhận thấy dấu hiệu của những cố gắng hết mực của Trung Hoa trong việc xây dựng chuyên môn khoa học của riêng họ bằng cách ăn cắp kết quả việc của người khác. Dù lời giải thích là gì, đã đến lúc Ottawa và RCMP phải làm rõ chính xác những gì Qiu bị cáo buộc hay được cho là đã làm. Vào thời điểm mà Canada vô cùng cần phải duy trì niềm tin vào giới nghiên cứu khoa học của mình, thì bí ẩn về những nhà sinh vật học bị sa thải chỉ khiến cho âm mưu và sự nghi ngờ trở nên mưng mủ.

Tác giả | Justin Ling là một nhà báo điều tra tự do, viết về Quyền riêng tư, an ninh, chính sách đối ngoại, chính trị, luật pháp, quốc phòng và giao điểm của tất cả những chủ đề đó.

Bài này đăng trong ấn bản tạp chí Maclean’s số tháng 3 năm 2022 với tựa đề “Hồ sơ Qiu”.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: A brilliant scientist was mysteriously fired from a Winnipeg virus lab. No one knows why. | Justin Ling | Maclean’s | February 15, 2022