Dù họ nói gì đi nữa, không chính khách nào thực sự muốn giảm giá nhà

Andrew Coyne | DCVOnline

Tiếng ồn ào mà bạn đọc nghe thấy là âm thanh của những người cấp tiến đang hốt hoảng vì Pierre Poilievre. Nó đang lan tràn khắp Twitter trong tuần này, sau khi ứng cử viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ công bố video mới nhất, trong đó ông ta chỉ trích gay gắt về chi giá nhà ở quá cao. Tự nhiên, muốn nói gì về ông ấy cũng được, Twitter tự do lo lắng tự nhủ, nhưng ông ta đang đánh đúng đến điều gì đó trong tâm lý quần chúng.

So sánh giá nhà ở Canada giữa tháng Ba và tháng Chín năm 2021. Nguồn:  CMHC.

Có thật thế không? Người ta sẽ nghĩ như vậy, nếu đánh giá những gì trong ngân sách chính phủ liên bang vừa công bố, có đầy đủ các biện pháp nhằm vào giá nhà cao: lệnh cấm người nước ngoài không cư trú mua nhà; Trương mục Tiết kiệm để Mua nhà Lần đầu miễn thuế mới; tăng gấp đôi khoản trừ thuế thuế của Người mua nhà lần đầu; thuế đánh vào “việc mua đi bán lại bất động sản”, tức là những người bán nhà trong vòng 12 tháng sau khi mua; tất cả được yểm trợ với một cam kết bằng cách nào đó sẽ tăng gấp đôi số căn nhà được xây dựng trong 10 năm tới.

Liệu bất kỳ điều nào trong số những biện pháp này có thể có ảnh hưởng nhiều đến giá cả hay không là một vấn đề khác. Mặc dù vậy, những người ngoại quốc mua nhà ở Canada, những vật tế thần được yêu thích, chỉ là một phần nhỏ của vấn đề tổng thể, như những năm qua lẽ ra đã dạy chúng ta biết. Chính phủ ở B.C. và Ontario đã áp đặt những khoản thuế khổng lồ đối với những người ngoại quốc hông phải là cư dân mua nhà tại Canada. Giá còn tăng nhanh hơn trước.

Tác dụng của các trương mục tiết kiệm mới cũng gây tranh cãi (số tiền 40.000 đô la có thể tiết kiệm được trong đó không đủ để trả trước cho khoản trả trước ở hầu hết các thành phố của Canada). Dường như không ai có nhiều ý kiến về việc chính phủ đề nghị tăng gấp đôi việc xây nhà mới — đó dường như là một nguyện vọng hơn bất cứ điều gì khác.

Nếu nghe có vẻ quá hoài nghi, thì đó là do kinh nghiệm lâu năm tạo ra. Chính phủ đã công bố hết chương trình này đến chương trình khác để kiềm chế giá nhà trong nhiều năm qua, nhưng ít có hiệu quả rõ ràng.

Có thể điều này không hoàn toàn ngẫu nhiên. Nó có khuynh hướng bị lãng quên trong hầu hết những bản tin về vấn đề này, nhưng giá nhà cao và tăng cao có nhiều người hưởng lợi hơn nạn nhân: 2/3 gia đình Canada có nhà riêng, so với một phần nhỏ trong số còn lại thích có nhà hơn thuê nhà.

Nếu bạn nghĩ rằng giá cả tăng là một vấn đề chính trị nóng bỏng, chỉ cần đợi cho đến khi lãi suất nợ mua nhà tăng lên, giá nhà sẽ bắt đầu giảm và những chủ nhà đã lợi dụng thị trường quá mức sẽ thấy mình đang chìm dưới nước. Vì vậy, đối với các chính khách trong nghề, điểm đáng chú ý là phải làm gì đó để giảm giá nhà, mà không thực sự giảm chúng.

Điều này không hẳn là không hợp lý. Giá nhà có thể đã tăng vọt trong vài năm qua, nhưng tổng thể, ảnh hưởng xã hội của giá nhà cao đã bị phóng đại rất nhiều. Đặc biệt, thế hệ Millennials không phải là thế hệ nạn nhân như người ta đã tưởng, như một nghiên cứu năm 2019 (Kinh tế Hạnh phúc qua các thế hệ người trẻ Canada: Thế hệ Millennials tốt hơn hay tệ hơn?) của hai chuyên gia kinh tế thuộc Cơ quan Thống kê Canada cho thấy rõ.

Thu nhập trung bình của gia đình theo thế hệ. Nguồn: Statisctics Canada

Họ nhận thấy thế hệ millennials (1981-1996), thế hệ hiện ở độ tuổi 30, có thu nhập trung bình cao hơn một phần ba và giá trị tài sản trung bình cao hơn hai phần ba (cả tính theo đô la được điều chỉnh theo lạm phát) so với thế hệ X (1965-1980) ở độ tuổi của họ — những người này lại khá giả hơn so với Baby Boomers (1946-1964).

Chắc chắn, thế hệ millennials đã gánh mức nợ cao hơn các thế hệ trước, nhưng tại sao lại không? Họ đang trả một phần lãi suất rất thấp so với lãi suất mà cha mẹ họ đã trả. Nhìn chung, thế hệ millennials có khả năng có nhà riêng (51%) như Gen-X ở độ tuổi của họ, và chỉ thấp hơn một chút (55%) so với Baby Boomers.

Tài sản, nợ gia đình theo thế hệ dựa trên trị giá đồng đo-la năm 2016. Nguồn: Statisctics Canada

Nhưng giả sử chính phủ muốn giảm giá nhà, thay vì chỉ nói về nó. Họ sẽ làm những gì, bằng các nào? Một cách là giảm nhu cầu về nhà ở: điều đó sắp xảy ra, với lãi suất sắp tăng. Thuế “mua đi bán lại” có thể dẫn đến một tình trạng hấp dẫn khác: tiền lệ đánh thuế thu nhập từ vốn đối với những căn nhà chính (để ở) đã được thiết lập, biện pháp là chuẩn bị để kéo dài thời gian  tối thiểu phải làm chủ/ở trong căn nhà đó.

Nhưng con đường hứa hẹn nhất, như mọi chuyên gia về nhà ở sẽ nói với bạn, là nâng nguồn cung. Thực ra có một số điểm chung ở đây giữa chính phủ và ông Poilievre. Poilievre thề sẽ cứng rắn với các thành phố đang ém sự phát triển trong đống thủ tục hành chánh: “Nếu họ muốn có thêm tiền liên bang, các chính khách ở  những thành phố lớn này sẽ cần phải phê duyệt xây dựng nhà nhiều hơn.”

Điều đó, loại bỏ khỏi những lời khoa trương, ít nhiều dường như là mục đích của Quỹ Tăng tốc độ xây Nhà ở Mới của ngân sách 2022, là để “khuyến khích” các thành phố xây dựng nhiều nhà ở hơn, gồm cả “tài trợ trước cho các khoản đầu tư vào kế hoạch và quy trình giao nhà ở thành phố.

Nhưng điều này thực sự có nghĩa gì? Nói chính phủ thành phố chấp thuận xây dựng nhà ở nhiều hơn là một chuyện, nhưng xây ở đâu? Khi đã có quá nhiều đất đô thị dành riêng cho những ngôi nhà của một gia đình, thì việc có thể có nhiều nhà hơn (ở đô thị) sẽ bị hạn chế.

Sau đó, đây là một cách để phân biệt giữa những đối thủ từ những kẻ giả danh về vấn đề này: Họ có sẵn sàng thúc đẩy chính phủ thành phố cho phép xây dựng nhiều hơn, loại nhà ở nhiều căn (multiunit homes) hơn trong những khu vực này ở thành phố không? Nếu không, tất cả chỉ là chuyện đãi bôi.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Whatever they may say, no politician actually wants to cut house prices  | Andrew Coyne | G&M | 13 Apr 2022.