Elon Musk muốn xây lại “quảng trường công luận”

The Economist | DCVOnline

Kỹ sư nổi tiếng nhất thế giới tự đặt ra cho mình một vấn đề lớn khác để giải quyết

Những tuyên bố chung chung về tương lai của nhân loại thường không xuất hiện trong các cuộc thảo luận về việc mua lại dùng đòn bẩy [mua lại và sáp nhập doanh nghiệp bằng nguồn tài chính đi vay]. Nhưng Elon Musk chưa bao giờ cảm thấy bị quy ước ràng buộc. Khi được hỏi về kế hoạch mua mạng xã hội Twitter, và chuyển nó thành một công ty của tư nhân — đã được hội đồng quản trị của Twitter phê duyệt vào ngày 25 tháng 4 — ông ấy đã đi thẳng vào ý tưởng lớn.

“Nhận thức trực quan mạnh của tôi là việc có một nền mạng công luận được tin cậy tối đa và bao trùm rộng rãi là điều vô cùng quan trọng đối với tương lai của nền văn minh. Tôi không quan tâm chút nào về mặt kinh tế.”

Elon Musk

So với các đối thủ  — Facebook, Instagram và TikTok — Twitter là một mạng xã hội nhỏ. Nhưng việc Musk mua Twitter là vấn đề quan trọng. Một lý do là kích cỡ của Twitter gây ấn tượng sai lầm về tầm quan trọng của nó. Twitter là nỗi ám ảnh của các chính khách, chuyên gia và những kẻ quá siêng năng, nó thiết lập thời tiết chính trị — một “quảng trường công luận” kỹ thuật số, như ông Musk đã nói, có ảnh hưởng rất nhiều.

Một điểm khác là ông Musk đã tạo dựng tên tuổi và tài sản  bằng cách thay đổi những ngành kỹ nghệ. Lần này, ông ấy sẽ phải đối diện với một vấn đề gay gắt mà nhiều chính phủ trên thế giới đang quan tâm — làm thế nào để đặt ra những quy định cho lời nói trên mạng xã hội. Hầu hết thường sinh thêm nhiều quy tắc, điều lệ. Nhưng Musk muốn đi theo hướng khác, loại bỏ các hạn chế thay vì áp đặt các hạn chế mới. Giới điều hành của các mạng xã hội lớn khác sẽ quan tâm đến cuộc thí nghiệm của ông Musk.

Trước nhất, ông Musk — nổi tiếng với ô tô điện và hỏa tiễn sử dụng lại — dường như khó có thể là một ông trùm mạng xã hội. Nhưng xem xét kỹ hơn cho thấy việc ông ấy mua lại Twitter phù hợp với cách kinh doanh của ông ta. Ông Musk, một kỹ sư đầy nhiệt huyết, thích sử dụng những kỹ thuật kém hiệu quả và cải tiến chúng. Tesla đã xé bỏ cuốn sách quy tắc của ngành kỹ nghệ xe hơi bằng cách thay thế xăng bằng điện, bỏ các đại lý và coi ô tô như máy tính. SpaceX đã chứng minh rằng một công ty khởi nghiệp đang đói khách, di chuyển nhanh và đột phá, hoạt động bằng một ngân sách khiêm nhường có thể vượt qua những công ty hàng không vũ trụ khổng lồ vốn trở nên thận trọng và béo phì nhờ các hợp đồng hào phóng của chính phủ. Cả hai công ty đều bị những công ty  đương đại lớn hơn xem thường — cho đến một ngày họ đã không còn ứng xử như vậy nữa.

Tất cả những kỹ thuật và sự gián đoạn đó đều được quan niệm của riêng ông Musk làm cho sống động, đôi khi mang phong cách riêng về quan niệm về lợi ích xã hội. Mục đích của Tesla là thúc đẩy thế giới hướng tới một nền kinh tế không có carbon nhanh hơn (một mục tiêu được chứng minh bằng tốc độ mà nhưng công ty sản xuất ô tô khác hiện đang chuyển hướng sang xe điện). Tham vọng của SpaceX lớn đến mức, một số trong giới bình luận phải đắn đo suy nghĩ để tin rằng ông Musk chân thành: đưa con người trên sao Hỏa, nếu có thảm họa xảy ra trên Trái đất, một ngày nào đó nó có thể được chứng minh là một chính sách bảo hiểm cho nền văn minh của nhân loại.

Giả sử rằng ông Musk thực sự đã sẵn sàng chi hàng tỷ đô la tiền của riêng mình để bảo đảm “tương lai của nền văn minh” (mặc dù ông có một điều khoản thoát khỏi cam kết nếu ông rút lui).

Câu hỏi đặt ra là liệu tầm nhìn của ông về tự do ngôn luận trên Twitter có hợp lý hay không.

Twitter phù hợp với mô hình của Tesla và SpaceX, cung cấp cho Musk một hệ thống kỹ thuật phức tạp khác để mày mò và lý do chính để làm như vậy. Phương tiện truyền thông xã hội dùng những thuật toán để làm nổi bật nội dung “hấp dẫn”, sử dụng một loạt các quy tắc cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng phụ tồi tệ nhất, càng tốt để bán người dùng cho những công ty quảng cáo. Đó là một mô hình kinh doanh đầy mâu thuẫn và những đánh đổi không thể xác định được mà dường như đã chín muồi để phá vỡ. Việc ông Musk muốn trở thành đại diện của hãng Twitter có lẽ không có gì ngạc nhiên, vì ông đã bắt đầu kinh doanh vào những năm 1990, khi chủ nghĩa tự do kỹ thuật và chống kiểm duyệt là những ý tưởng sôi nổi của internet.

Việc ông Musk là một tỷ phú không thể là lý do để tước quyền của ông ấy đi mua một công ty truyền thông quan trọng. Ông ấy đã đề ra một số ý tưởng cho Twitter, nhiều ý tưởng trong số đó thận trọng và hợp lý. Kết quả là sự ồn ào cho thấy ý kiến trên mạng xã hội đã trở nên không phóng khoáng đến mức nào. Ông ấy muốn có ít lệnh cấm hoàn toàn và nhiều lệnh tạm thời đình chỉ  hơn. Người dùng cần chứng minh họ không phải là bot. Khi nghi ngờ, hãy để lại tweet trên mạng, không gỡ chúng xuống.

Quan trọng hơn, ông ấy cho rằng chi tiết của thuật toán mà Twitter đề nghị sẽ quyết định những tweet nào mà người dùng nhìn thấy, nên được công khai. Giới nghiên cứu có thể xem xét chúng; các lập trình viên khác có thể chỉnh sửa chúng. Một phiên bản ít có khuynh hướng ít bị ảnh hưởng vì những nội dung “lôi kéo” hơn — trong thực tế, thường có nghĩa là các tweet gây phẫn nộ, gây tranh cãi hoặc đơn giản là ngớ ngẩn — có thể làm giảm nhiệt độ toàn bộ mạng xã hội, khiến công việc kiểm duyệt trở nên dễ dàng hơn và có thể dẫn đến những cuộc tranh luận chu đáo hơn. Hoặc, có lẽ, Twitter có thể trở thành một mạng xã hội mở, nơi những người dùng khác nhau có thể chọn một trong nhiều thuật toán khác nhau, không phải của Twitter  — hoặc không có thuật toán nào — theo sở thích của họ. Điều hợp nội dung là sản phẩm lộn xộn vì áp lực chính trị và xã hội. Sẽ rất lý thú vị khi thấy nó dễ dàng bị kỹ thuật khuất phục.

Ông Musk sẽ không thể một tay tự tung tự tác. Úc, Anh, EU và Ấn Độ, đều đang nghiên cứu về quy định kỹ thuật. Thierry Breton, một viên chức cao cấp của EU lưu ý rằng “Không phải quy tắc của [ông Musk] sẽ được áp dụng ở đây.” Những người đầu tư khác của Musk đang lo lắng. Càng dành nhiều thời gian cho Twitter, ông ấy càng có ít thời gian cho các dự án kinh doanh khác. Cổ phiếu của Tesla đã giảm 12% sau tin tức về  vụ mua bán Twitter.

Phong cách của ông Musk có thể gây ra rủi ro lớn. Ông ấy thông minh, có nghị lực và làm việc chăm chỉ. Ông ta cũng có thể là một người ngoan cố và hay báo thù, những đặc điểm đã lộ ra năm 2018 khi ông ta cáo buộc một chuyên gia cứu cấp hang động người Anh, không có bằng chứng, là một “gã ấu dâm”. Những cơn bùng nổ như vậy của một người dùng Twitter có lượng người theo dõi lớn là một chuyện. Nhưng khi ông a là chủ của Twitter, người dùng sẽ đặt câu hỏi về việc liệu ông ta có thể cưỡng lại được sự cám dỗ để khai thác vị trí mới của mình để theo đuổi những ám ảnh và nhiệm vụ của riêng anh ta hay không.

Con chim và cây sồi

Tạp chí này chia sẻ niềm tin về quyền tự do ngôn luận của Musk. Không ai có độc quyền về trí tuệ. Các chuyên gia đôi khi sai và những người huênh hoang khoác lác đôi khi đúng. Ngay cả trong thời đại internet, phản biện tốt nhất đối với một lập luận tồi là một lý luận vững vàng hơn. Việc kiểm duyệt trên nhiều mạng xã hội đã trở nên nặng tay và được áp dụng một cách tùy tiện. Nếu tài năng của ông Musk trong việc gây chấn động các ngành kỹ nghệ có thể giúp cắt giảm vấn đề hắc búa của tự do ngôn luận trên mạng xã hội, thì mọi người sẽ được hưởng lợi.

Nhưng chúng tôi cũng quan tâm đến một nguyên tắc tự do khác, đó là thể chế phải lớn hơn người điều hành chúng. Ông Musk có thể đặt ra các quy tắc mới, nhưng ông không có vai trò gì trong việc áp dụng chúng. Nếu ông thực sự muốn thuyết phục người dùng rằng ông sẽ là người bảo vệ khách quan cho “không gian công luận kỹ thuật số” của mình, ông Musk có thể thực hiện những đổi mới của mình — và sau đó đóng băng trương mục của chính mình. ■

Bài này đã đăng trong phần Lãnh đạo của ấn bản với tựa đề Vua kỹ thuật của Twitter

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Elon Musk wants to re-engineer the “public square” | The Leader | The Econmist | 30 April 2022