Một chuyên gia giải thích tại sao Bitcoin là tào lao

Sean Illing phỏng vấn Nicholas Weaver: | DCVOnline

Hóa ra tiền điện tử và blockchain có một số vấn đề.

Biểu tượng Tiền điện tử kỹ thuật số, Bitcoin vào ngày 07 tháng 12 năm 2017 tại London, Anh. Các loại tiền điện tử gồm Bitcoin, Ethereum và Lightcoin đã tăng trưởng chưa từng có trong năm 2017, mặc dù vẫn  rất biến động. Ảnh của Dan Kitwood / Getty Images

Các loại tiền điện tử như Bitcoin liên tục là chủ đề của những bản tin, cũng như kỹ thuật blockchain đằng sau chúng. [Blockchain là một sổ cái được phân phối, bất biến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ghi lại những vụ giao dịch (mua/bán) và theo dõi tài sản trong một mạng lưới kinh doanh.]

Nếu, giống như tôi, bạn đọc không thực sự hiểu những điều này, thì thật khó hiểu vấn đề. Liệu Bitcoin và các loại tiền điện tử khác là tương lai hay cuộc thí nghiệm này sẽ dần biến mất như một chú thích lịch sử? Tiền điện tử có thực sự phân tán hay chúng do một nhóm nhỏ kiểm soát? Chúng không thể gian lận hay chúng có thể bị những người trong cuộc thao túng?

Để có một số câu trả lời, tôi đã liên hệ với Nicholas Weaver, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Máy tính Quốc thuộc Đại học California ở Berkeley. Weaver dạy một khóa học về blockchain và dường như nghĩ rằng kỹ thuật này tốt nhất là chệch hướng  và tệ nhất là lừa đảo. Vì vậy, tôi đã yêu cầu ông ấy giải thích quan điểm của ông một cách đơn giản nhất.

Sau đây là bản ghi lại đã được chỉnh sửa cho ngắn gọn cuộc trò chuyện của chúng tôi.

SI: Tôi  thực sự khônghiểu về Bitcoin hay blockchain, và có cảm giác là tôi không đơn độc. Vì vậy, hãy bắt đầu với một câu hỏi căn bản: Blockchain là gì?

NW: Nó tùy vào ý của ông là gì. Có những blockchain riêng tư, là một kỹ thuật cũ, đã có từ 20 năm qua, bằng cách nào đó khiến những kẻ ngốc ném tiền vào đó, và sau đó người ta có các blockchains công khai, được cho là một cấu trúc lưu trữ hồ sơ phân tán nhưng trên thực tế, cả hai đều là những cấu trúc tập trung và kém hiệu quả một cách kinh khủng. Việc dùng những blockchain riêng tư khá đa dạng vì không có gì mới và đó là một ý tưởng cũ. Việc dùng những blockchain công khai về căn bản chỉ giới hạn ở tiền điện tử.

SI: Ông nói rằng các loại tiền điện tử như Bitcoin không được phân tán, nhưng mọi người lại say mê những loại tiền này chính xác vì họ tin rằng chúng được phân tán. Họ không hiểu những chuyện gì?

NW: Không có loại tiền điện tử nào thực sự phân tán (không tập trung). Chúng thực sự bị những người khai thác kiểm soát tập trung; những người này về đơn giản có thể viết lại lịch sử theo ý họ muốn.

SI: Tôi không chắc chúng ta có thể hiểu những người khai thác là ai trừ khi chúng ta hiểu cách hoạt động của Bitcoin. Ông có thể hướng dẫn tôi phần này chứ?

NW: Hãy tưởng tượng chúng ta có một quảng trường công cộng ghi số tiền có trong trương mục cá nhân ở ngân hàng của mọi người và nếu tôi muốn gửi cho ông một số tiền, đơn giản, tôi sẽ  viết ngân phiếu cho ông và đăng nó ở quảng trường thành phố. Những người khai thác thu thập tất cả những tấm ngân phiếu chưa được xác nhận này và khắc chúng thành những vào bia đá và đưa vào quảng trường công cộng.

Vì vậy, nếu tôi đã gửi cho ông một tấm ngân phiếu và ông muốn thấy rằng nó có ‘tiền’ bảo chứng, ông chỉ cần nhìn thấy bảng đá và xác nhận là nó có bảo chứng. Hãy nghĩ những người khai thác như những người giữ hồ sơ quản lý tất cả những giao dịch này. Họ xác thực những tấm ngân phiếu, tạo chúng thành một gói (gọi là khối, block), và sau đó họ được trả tiền cho vai trò của họ trong tiến trình giao dịch đó. Trên thực tế những người khai thác này là cơ quan trung ương trong các sàn giao dịch tiền điện tử.

SI: Tuy nhiên, có rất nhiều người coi tiền điện tử là một bước đi đúng hướng vì ít nhất chúng cũng tước bỏ quyền lực khỏi các cơ quan quản lý (của chính phủ) và cho phép mọi người tự do hơn. Nhưng ông có vẻ nghĩ rằng điều này là nhảm nhí. Tại sao?

NW: Vâng, có nhiều lý luận khác nhau. Những hệ thống này yêu cầu một khối năng lượng lớn không tưởng được để có thể hoạt động. Và các blockchains không phân tán và chúng không có hiệu quả, vì vậy, blockchain đã mất hai điểm chính yếu có lợi cho chúng. Nhưng tiền điện tử cũng không có hiệu quả vì chúng không thực sự hoạt động như tiền tệ.

SI: Nghĩa là gì khi ông nói  là chúng không hoạt động như một loại tiền tệ?

NW: Lý do cho những điều đó là không có cơ quan trung ương, có nghĩa là không ai có thể chặn hoặc hoàn tác một giao dịch. Và ít nhất cho đến nay, đúng là các giao dịch không bị chặn. Nhưng tại sao người ta lại cần một hệ thống như vậy? Bởi vì người ta đang thực hiện những loại giao dịch mà cơ quan trung ương (của chính phủ) sẽ ngăn chặn, chẳng hạn như thanh toán tiền thuê một sát thủ hoặc mua bán ma túy.

Nếu đó là thứ người ta cần tiền để thanh toán thì tiền điện tử là loại tiền duy nhất nên dùng. Nhưng nếu người ta không cần mua ma túy hoặc trả tiền thuê sát thủ, thì tiền điện tử sẽ kém hiệu quả hơn rất nhiều. Ý tôi là, hãy nhìn vào sự biến động của Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác — chúng dao động lung tung. Vì vậy, nếu người ta đến một trong số ít thương nhân hợp pháp nhận Bitcoin, họ không thực sự lấy Bitcoin. Họ đang dùng một dịch vụ cho phép họ định giá bằng đô la và dịch vụ đó ngay lập tức bán Bitcoin và gửi đô la cho thương nhân đó. Vì vậy, có một bước chuyển tiền bắt buộc phải có.

Nếu tôi muốn mua thứ gì đó bằng Bitcoin, tôi không muốn giá cả lên xuống thất thường. Vì vậy, tôi phải chuyển đô la của mình thành Bitcoin và sau đó thực hiện giao dịch (mua hàng), và đó là một tiến trình tốn kém đáng kể. Việc đó, theo tôi, không phải là một hệ thống hoạt động có hiệu quả.

SI: Dường như thành tựu chính của Bitcoin là nó cho phép mọi người mua mọi thứ hàng hay dịch vụ một cách bí mật, chỉ theo một cách vô lý không hiệu quả.

NW: Đúng thế. Nhưng nếu người ta muốn mua thứ gì đó mà không muốn mọi người biết, người ta vẫn có thể dùng thẻ tín dụng trả trước. Vẫn không cần đến Bitcoin.

SI: Ông cũng nói rằng tất cả các loại tiền điện tử đều đầy rẫy gian lận và đã bị cấm vào những năm 1930. Ông có thể giải thích thêm về việc này?

NW: Các sàn giao dịch tiền điện tử không giống như các sàn giao dịch chứng khoán thông thường. Trong sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu đều được gắn liền với nhau nên giá rất gần nhau. Các sàn giao dịch Bitcoin này là các thực thể không được kiểm soát, cho phép tất cả mọi loại gian lận có thể có. Ví dụ: trong một sàn giao dịch chứng khoán thông thường, người ta không được phép mua bánh với chính mình vì đó là hành động thao túng giá cả thi trường. Nhưng đó là điều thường xuyên xảy ra trên các sàn giao dịch tiền điện tử này.

Một số sàn giao dịch tiền điện tử này cũng bị cáo buộc là biết trước, có nghĩa là những người điều hành chúng đang dùng quyền truy cập của họ để xem khách hàng muốn giao dịch những gì và sau đó mua bán trước (khách hàng) để có được lợi thế. Cũng có những tuyên bố hợp lý về giao dịch nội gián trong các sàn giao dịch tiền điện tử khác nhau. Tôi có thể tiếp tục nói thêm, nhưng ông có lẽ đã hiểu hiểu.

SI: Ông có thấy một loại tiền điện tử nào đó sẽ xuất hiện trong tương lai khả thi hơn những gì chúng ta đã thấy cho đến nay không?

NW: Để tiền điện tử có thể hoạt động hiệu quả,  người ta cần sự ổn định. Giá trị phải giữ. Vì vậy, những gì người ta cần là một thực thể sẽ lấy, chẳng hạn như đô la, và giao cho họ tiền mã hóa (điện tử) một đổi một và ngược lại. Nhưng chúng ta đã biết những định chế này là gì; nó được gọi là ngân hàng và họ sử dụng tiền giấy. Và nếu người ta xây dựng tiền điện tử theo cách đó, người ta sẽ có một trong ba lựa chọn.

Một, hoạt động giống như một tổ chức tài chính được quản lý như PayPal hoặc Venmo và không cho phép gian lận, phạm tội. Vậy thì mới mẻ của nó nằm ở đâu? Thứ hai, trở nên giống như một ngân hàng hoang dã từ những năm 1800 và phát hành tiền giấy không được bảo chứng, nhưng sau đó bạn gặp rủi ro khi ngân hàng phá sản và giá trị tài sản của mọi người sẽ bằng không. Vậy vấn đề là gì? Hoặc người ta có một loại tiền điện tử thực sự được gửi bằng tiền giấy và không cho phép hoạt động tội phạm, nhưng việc đó đã được thử trước đây; tên nó là Liberty Reserve, và nó đã bị chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa vì rửa tiền vào năm 2013.

SI: Ý kiến của ông có phải là thiểu số trong thế giới tiền điện tử không?

NW: Đúng vậy, vì có thiên kiến tự chọn. Hầu hết những người nghĩ rằng điều này là không có thật thì họ quay lưng bỏ đi. Còn ai là tín đồ thì vẫn là tín đồ. Rất ít người đã theo dõi nó như tôi đã nghiên cứu trong 5 năm và vẫn thấy nó quái đản đến nực cười, nhưng đó là vì tôi là một chuyên viên trong giới hàn lâm và tôi có không gian và điều kiện để làm điều đó và tôi thấy những bộ phận của nó, đặc biệt là tính hình sự, rất thú vị. Nhưng những lập luận bảo vệ lợi tiền điện tử này ngày càng trở nên đơn độc hơn.


Sean Illing | Người viết Phỏng vấn cho Vox và là người tổ chức podcast Cuộc trò chuyện Vox. Trước khi xuất bản trên Internet, ông đã dạy Chính trị và Triết học tại ở đại học. Trước đó, ông phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ. Illing tốt nghiệp Ph.D. ngành Khoa học Chính trị và Triết tại đại học Louisiana State University năm 2014.

Nicholas Weaver | Nicholas Weaver tốt nghiệp B.A. về Vật lý Thiên văn và Khoa học Máy tính năm 1995, và Ph.D. Khoa học Máy tính năm 2003 cả hai tại Đại học California tại Berkeley. Mặc dù luận án của ông viết về các kiến trúc FPGA, ông cũng rất quan tâm đến chủ đề Bảo mật máy tính, kể cả việc đưa ra giả thuyết về khả năng xuất hiện sâu máy tính rất nhanh vào năm 2001.

Năm 2003, ông  gia nhập Viện Khoa học Máy tính Quốc tế (ICSI), trước là một nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ và sau đó là một chuyên viên nghiên cứu. Trọng tâm nghiên cứu chính của Weaver là về an ninh mạng, đặc biệt là sâu, botnet và các cuộc tấn công quy mô internet khác và đo lường mạng. Các lĩnh vực khác kể cả tăng vận tốc phần cứng và phần mềm song song phát giác việc xâm nhập mạng, phòng thủ cho thiết bi giải DNS và các công cụ để phát hiện các thao tác do ISP đưa vào kết nối mạng của người dùng. Ông cũng là giảng viên Khoa Khoa học Máy tính tại UC Berkeley.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Why Bitcoin is bullshit, explained by an expert | Sean Illing | VOX.com | Apr 11, 2018.