Đánh giá ảnh hưởng của những biện pháp tài chính của G7 trong đại dịch COVID-19

Andrew Barton | Trần Giao Thủy

Đại dịch COVID-19 buộc chính phủ trên thế giới phải thực hiện những biện pháp tài chính bất thường để hỗ trợ nền kinh tế của quốc gia. Ở Canada, cũng như những nước khác ở Nhóm Bảy quốc gia (G7), những biện pháp này có hình thức kết hợp các biện pháp hỗ trợ trực tiếp (ví dụ: Trợ cấp lương khẩn cấp của Canada và Trợ cấp ứng phó khẩn cấp của Canada [CERB]), hỗ trợ thanh khoản thuế (ví dụ: thuế thu nhập, thuế bán hàng, chuyển tiền và hoãn thanh toán quan thuế), và hỗ trợ thanh khoản và giảm vốn khác (ví dụ: Chương trình sẵn có tín dụng kinh doanh). Bài này duyệt xét những biện pháp tài chính mà các nước G7 áp dụng trong thời kỳ đại dịch và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội thực (real GDP)  và việc làm ở những nước đó. Tuy nhiên, nó không  xét đến ảnh hưởng của những phản ứng tiền tệ của những ngân hàng trung ương G7 trong thời đại dịch COVID-19, điều này cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến hai biến số kinh tế nói trên.

Những biện pháp tài chính của G7 trong đại dịch COVID-19

Theo Chính phủ Canada, chi tiêu thêm để đối phó với đại dịch COVID-19 cho những chương trình và những biện pháp hỗ trợ trực tiếp lên tới 349,8 tỷ USD, hỗ trợ thanh khoản thuế tổng cộng là 85,1 tỷ USD và hỗ trợ thanh khoản khác cho các doanh nghiệp là 81,9 tỷ USD. Tổng chi phí cho phản ứng của chính phủ liên bang Canada cho đại dịch là 516,7 tỷ USD tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2021.

Trong số các nước G7, có hai cách ứng phó bằng tài chính trái ngược nhau để đối phó với đại dịch. Một là cách giải quyết là tập trung vào số tiền chi tiêu thêm và doanh thu đã bỏ qua (ví dụ như không thu thuế bán xe đạp để thúc đẩy dân chúng góp phần bảo vệ môi trường) cho cá nhân và doanh nghiệp (tức là kết hợp những biện pháp hỗ trợ trực tiếp và giảm thuế). Hai là cách đối phó khác là ưu tiên vốn cổ phần, các khoản vay và bảo đảm cho các doanh nghiệp (tức là hỗ trợ thanh khoản và giảm vốn).

Từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021, Hoa Kỳ (U.S.),  Anh (U.K.) và Canada đã cung cấp nhiều hỗ trợ hơn dưới hình thức chi tiêu thêm và doanh thu đã bỏ qua so với các hình thức vốn cổ phần, các khoản vay và bảo đảm — cách thứ nhất.  Ý, Nhật Bản, Đức và Pháp đã hỗ trợ nhiều hơn dưới hình thức vốn cổ phần, các khoản vay và bảo đảm so với các hình thức chi tiêu thêm và doanh thu đã bỏ qua — cách thứ 2.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ba quốc gia G7 cung cấp mức hỗ trợ cao nhất dưới hình thức chi tiêu thêm và doanh thu đã bỏ qua tính theo phần trăm GDP năm 2020 là Mỹ (25,5%), Anh (19,3%) và Nhật Bản (16,7%). Ba quốc gia có mức hỗ trợ cao nhất dưới dạng vốn cổ phần, cho vay và bảo lãnh theo tỷ lệ phần trăm trong GDP năm 2020 là Ý (35,3%), Nhật Bản (28,3%) và Đức (27,8%). Biểu đồ 1 trình bày các phản ứng tài chính COVID-19 của các nước G7 theo tỷ lệ phần trăm trong GDP năm 2020 của họ từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021.

Biểu đồ 1 — Những biện pháp tài chính trong đại dịch COVID-19 của G7, từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021

(phần trăm tổng sản phẩm quốc nội). Lưu ý: Năm tham chiếu tiêu chuẩn cho tổng sản phẩm quốc nội là năm 2020.
Nguồn: Biểu đồ do Thư viện Quốc hội chuẩn bị dựa trên dữ liệu thu được từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cơ sở dữ liệu giám sát tài khóa về các biện pháp tài chính quốc gia để ứng phó với Đại dịch COVID-19, tháng 10 năm 2021.

Sự tiến triển của Tổng sản phẩm quốc nội thực ở nhóm G7

Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 khiến GDP thực  của tất cả các nước G7 giảm cho đến quý II năm 2020. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP thực của Canada giảm 13,1% giữa quý IV. của năm 2019 và quý II năm 2020. Trong cùng thời kỳ, mức giảm GDP thực nhỏ nhất trong số các nước G7 xảy ra ở Nhật Bản (8,4%), trong khi mức giảm GDP thực lớn nhất xảy ra ở Anh (21,7%).

Đến quý III năm 2021, GDP thực của Hoa Kỳ đã vượt quá mức trước đại dịch của quý 4 năm 2019 là 1,4%, trong khi GDP thực của Pháp gần như đã trở lại mức trước đại dịch. Đối với Nhật Bản, Anh, Canada, Ý và Đức, GDP thực của họ trong quý III năm 2021 vẫn thấp hơn mức của quý 4 năm 2019 lần lượt là 2,2%, 2,1%, 1,5%, 1,4% và 1,1%. OECD dự đoán rằng sẽ phải đến quý II năm 2022 trước khi GDP thực của tất cả các nước G7 vượt quá mức trước đại dịch. Biểu đồ 2 trình bày chỉ số GDP thực của các nước G7 từ quý IV năm 2019 đến quý IV năm 2022.

Biểu đồ 2 — Sự phát triển của Tổng sản phẩm quốc nội thực ở các nước G7, Quý IV năm 2019 đến Quý 4 năm 2022 (Chỉ số, Quý IV năm 2019 = 0%).

Lưu ý: Tổng sản phẩm quốc nội thực được đo lường theo khối lượng bằng đô la Mỹ và theo sức mua tương đương không đổi. Sức mua tương đương là tỷ lệ chuyển đổi tiền tệ cố gắng cân bằng sức mua của các loại tiền tệ khác nhau bằng cách loại bỏ sự khác biệt về mức giá giữa các quốc gia. Năm tham chiếu tiêu chuẩn là 2015. Các phần được biểu thị bằng dấu hoa thị là những dự phóng.
Nguồn: Biểu đồ do Thư viện Quốc hội vẽ, sử dụng dữ liệu thu được từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, “Economic Outlook số 110 – tháng 12 năm 2021, ”OECD.Stat, Cơ sở dữ liệu, truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2021.

Sự tiến triển của việc làm ở nhóm G7

Từ quý IV năm 2019 đến quý II năm 2020, việc làm ở Canada và Hoa Kỳ lần lượt giảm 12,6% và 13,2%. Trong cùng thời kỳ, Ý, Pháp, Nhật Bản, Đức và Anh đã có mức giảm việc làm ít nghiêm trọng hơn lần lượt là 3,3%, 1,7%, 1,7%, 1,2% và 1,0%. OECD dự báo trong quý IV năm 2022, Pháp, Canada và Ý sẽ trở lại bằng hoặc cao hơn mức việc làm trong quý IV năm 2019 là 2,7%, 2,3% và 0,0%. Tuy nhiên, mức việc làm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Anh trong quý IV năm 2022 được dự báo sẽ thấp hơn mức của quý IV năm 2019 lần lượt là 0,6%, 0,6%, 0,3% và 0,3%. Biểu đồ 3 trình bày chỉ số việc làm ở các nước G7 từ quý IV năm 2019 đến quý IV năm 2022.

Biểu đồ 3 — Sự tiến triển của việc làm ở các nước G7, Quý 4 năm 2019 đến Quý 4 năm 2022, (Chỉ số, Quý 4 năm 2019 = 0%)

Lưu ý: Các phần được biểu thị bằng dấu hoa thị là những dự phóng. Nguồn: Biểu đồ do Thư viện Quốc hội vẽ sử dụng dữ liệu thu được từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, “Triển vọng kinh tế số 110 – tháng 12 năm 2021,” OECD.Stat, Cơ sở dữ liệu, truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2021.

Tăng trưởng dự phóng của Tổng sản phẩm Quốc gia sau đại dịch và hỗ trợ tài chính cho dân và doanh nghiệp trong đại dịch ở nhóm G7

Biểu đồ 4: Tổng số tài trợ trong đại dịch COVID-19 (% của GDP), từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021 và tăng trưởng dự phóng 2 năm 2022 và 2023 của GDP của G7 

Nguồn: Biểu đồ do TGT vẽ dựa trên 1/ Cơ sở dữ liệu giám sát tài khóa về các biện pháp tài chính quốc gia để ứng phó với Đại dịch COVID-19, tháng 10 năm 2021; 2/ Dữ liệu Selected Economies Real GDP Growth, World Economic Outlook, July 2022 Update của IMF

Kết luận

Bất kể phản ứng tài chính của họ đối với đại dịch như ra sao, không quốc gia G7 nào có thể ngăn chặn hoàn toàn sự sụt giảm GDP thực trong nửa đầu năm 2020.

Tuy nhiên, vào quý III năm 2021, chỉ có Mỹ — nước mà phản ứng tài chính tập trung nhiều hơn về chi tiêu thêm và doanh thu đã bỏ qua so với vốn cổ phần, các khoản vay và bảo đảm (cách thứ 1) — đã thu hẹp khoảng cách GDP thực do đại dịch tạo ra, trong khi Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức và Ý dự tính sẽ được như vậy trong quý đầu tiên của năm 2022, tiếp theo là Anh vào quý II năm 2022.

Mặc dù Canada đã trải qua mức giảm việc làm nghiêm trọng thứ hai sau Mỹ, nhưng nước này được dự đoán là nước G7 thứ hai — sau Pháp — sẽ thu hẹp khoảng cách việc làm vì đại dịch trong quý IV năm 2021. Ý là nước G7 duy nhất khác được dự báo thu hẹp khoảng cách việc làm liên quan đến đại dịch vào năm 2022.

Tổng số tài trợ — % của GDP — cho dân và doanh nghiệp trong đại dịch (từ tháng 1, 2020 đến tháng 9 2021) của nhóm G7, thấp nhất là Canada (19.9), Pháp (24.8 ), Hoa Kỳ (27.9), Anh (36), Đức (43.1), Nhật Bản (45), và nhiều nhất là Ý (46.2).

Tuy nhiên, theo World Economic Outlook, July 2022 Update của IMF, tỉ lệ tăng trưởng dự phóng Tổng sản phẩm Quốc gia sau đại dịch COVID-19 của G7, năm 2022, cao nhất là Canada (3.4), Anh (3.2), Ý (3), Pháp và Mỹ (2.3), thấp nhất là Đức (1.2); năm 2023 Canada (1.8 ). Nhật Bản (1.7), Pháp và Hoa Kỳ (1), Đức (0.8 ), Ý (0.7), và thấp nhất là Anh (0.5). Kết quả cũng tương tự như dự báo mới về nền kinh tế thế giới của OECD, đã công bố ngày 8 tháng 6: Canada dẫn đầu G7 về tăng trưởng GDP năm 2022

Do đó Tổng sản phẩm Quốc gia sau đại dịch COVID-19 của G7 không phải là hàm số thuận theo tổng số tiền tài trợ cho dân và doanh nghiệp như đã thấy rõ trong Biểu đồ 4. Canada là quốc gia bỏ tiền tài trợ doanh nghiệp và giúp người dân ít nhất G7 (19.9% GDP) nhưng có dự phóng tăng trưởng GDP cao nhất trong G7 (3.4 + 1.8 ) trong 2 năm 2022-23. Trong cùng thời gian đó Nhật Bản chỉ tăng (1.7 + 1.7) dù đã chi 46% GDP tài trợ trong thời đại dịch. Nói cách khác không phải cứ đổ tiền hỗ trợ cho dân và doanh nghiệp trong đại dịch thì Tổng sản phẩm Quốc gia sẽ tăng sau cơn khủng hoảng y tế và kinh tế.

Tác giả | Andrew Barton là một nhân viên làm việc trong Thư viện Quốc hội Canada trong vai trò Chuyên viên phân tích.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Assessing the Impact of G7 COVID-19 Fiscal Responses  | Andrew Barton | Library of Parliament (Canada)| The HILLNotes | DECEMBER 10, 2021.