Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đang trong Chiến tranh thế giới thứ ba với Nga?

Susan B. Glasser | DVOnline

Những hành động khiêu khích mới nhất của Putin một lần nữa khiến Washington rơi vào thế kẹt vô cùng.

“Tất nhiên, vấn đề là chúng ta hiểu lầm ông ấy, nhưng ông ấy cũng hiểu lầm chúng ta”, một chuyên gia Nga nói về Vladimir Putin. Ảnh của Pavel Bednyakov / Sputnik/AFP/Getty

Tống tiền bằng hạch tâm, thôn tính bất hợp pháp lãnh thổ, hàng trăm ngàn người Nga bị động viên và đưa ra tiền tuyến ở Ukraine, đường ống dẫn khí đốt dưới biển tới châu Âu bị nổ tung một cách bí ẩn. Sau vô số suy đoán, giờ đây chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng: đây là cách Vladimir Putin phản ứng khi bị dồn vào thế bí.

Trong suốt bảy tháng chiến tranh khủng khiếp ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden đã giữ một đường lối kiên định khi nói đến cuộc xâm lăng của Nga: mục tiêu của ông là giúp Ukraine giành chiến thắng đồng thời bảo đảm rằng chiến thắng không gây ra Chiến tranh thế giới thứ ba. Nhưng khi quân đội Nga đã gặp những thất bại trên chiến trường do Mỹ hỗ trợ trong những ngày gần đây, Putin đã phản ứng bằng cách tăng cường áp lực. Không rõ bằng cách nào mà Washington có thể tiếp tục đồng thời theo đuổi cả hai mục tiêu, vì Putin đang giữ Ukraine — và phần còn lại của thế giới — làm con tin cho những yêu sách của ông ta. Hôm thứ Sáu, Putin có kế hoạch khẳng định kết quả của điều mà Chính quyền Biden đã nghiêm khắc gọi là “cuộc trưng cầu dân ý giả tạo” như một cái cớ để tuyên bố các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraine là một phần của nhà nước Nga. Làm thế nào Biden, hoặc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hoặc bất kỳ ai khác tin tưởng vào trật tự quốc tế có thể đồng ý với chuyện đó?

Tuy nhiên, Donald Trump và nhóm cổ động viên ủng hộ Putin ngày càng tăng trên mạng truyền thông xã hội bảo thủ — Tucker Carlson, tôi đang nghĩ đến ông — vẫn đang đòi phải nhượng bộ Nga nhiều hơn trước những lời đe dọa ngày càng leo thang của Putin. Vào đêm khác, Carlson, không viện dẫn bằng chứng nào, đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì bằng cách nào đó đã đóng một vai trò nào đó trong các cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí Nord Stream. Charlie Kirk, một trong những người nổi tiếng nhất trong số những Trumpists mới vào nghề, đã suy đoán rằng đó là “có thể là một hoạt động nhắm vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ” và những cơ quan tình báo Hoa Kỳ nên được coi là “kẻ chủ mưu cho đến khi được chứng minh là vô tội” — một lời bôi nhọ đáng kinh ngạc được truyền hình nhà nước Nga trơ trẽn lặp lại. Cựu Tổng thống — người trong thời gian cầm quyền đã làm rất nhiều điều để làm suy yếu NATO và làm suy yếu những đồng minh của Mỹ, đồng thời ca ngợi Putin — thậm chí còn tự đề nghị mình làm trung gian hòa giải. Vào thứ Tư, trong một bài đăng trên Truth Social, mạng truyền thông xã hội có tên kiểu Orwellian, ông  ấy nhấn mạnh, “hãy hoàn thành một thỏa thuận thương lượng NGAY BÂY GIỜ.

Tất nhiên, đó chính là những gì Putin muốn Trump nói. Sau một cuộc phản công của Ukraine ở khu vực phía đông Kharkiv trong tháng này đẩy quân Nga trở lại biên giới của họ, Putin đã đáp trả bằng những hành động khiêu khích mới nhằm buộc phương Tây vào bàn thương lượng, vì việc áp dụng lực lượng quân sự đặc biệt tàn bạo nhưng không hiệu quả của ông đã không đạt được kết quả. vì thế. Đó, ít nhất, là quan điểm đồng thuận của nhiều người theo dõi Điện Kremlin thông minh nhất của Mỹ.

Như Alexander Vershbow, người từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Moskva trong lúc tôi là phóng viên của tờ Washington Post, đã nói với tôi: “Thất bại trong việc ngăn chặn người Ukraine trên chiến trường, Putin đang cố gắng giành chiến thắng từ hàm của thất bại bằng những biện pháp chính trị.” Vershbow nói thêm, người lãnh đạo của Nga, hy vọng rằng

“ông ấy có thể làm suy yếu sự đồng thuận của Liên minh và khiến phương Tây sợ hãi về việc thu hẹp hỗ trợ quân sự cho Kyiv vì lo ngại việc Nga sử dụng vũ khí hạch tâm để bảo vệ ‘tổ quốc.’ Vụ phá hoại đường ống Nord Stream càng củng cố hình ảnh Putin là kẻ điên rồ, điều này có thể thuyết phục một số đồng minh thúc đẩy việc ngừng bắn và mở những cuộc đàm phán chắc chắn sẽ có nghĩa là Ukraine từ bỏ một phần lớn lãnh thổ.”

Alexander Vershbow

Đúng là một thỏa thuận tồi tệ.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream để khí thoát vào biển Baltic.
Ngày 27 tháng 9 năm 2022 Video do Bộ Tư lệnh Quốc phòng Đan Mạch công bố cho thấy nước bị xáo trộn ở Biển Baltic, cho thấy nguyên nhân liên quan đến việc đường ống rò rỉ. Quân đội Đan Mạch cho biết có ba chỗ rò rỉ trên đường ống Nord Stream ở Biển Baltic. Các bong bóng khí đốt hiện trên mặt biển có đường kính khoảng 1 km. Giới hữu trách cho biết còn một khu vực khác nhỏ hơn với các bong bóng khí có đường kính khoảng 200 mét. Đức nghi ngờ có phá hoại, điều có thể dẫn đến sự leo thang lớn trong cuộc tranh chấp năng lượng giữa Nga và châu Âu. Tucker Carlson, không viện dẫn bằng chứng, đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì bằng cách nào đó đã đóng một vai trò nào đó.
 Nguồn Bloomberg BNN

Rõ ràng rằng đàm phán lúc này sẽ là một sự nhượng bộ bất thường đối với sự man rợ và sẵn sàng đe dọa chiến tranh hạch tâm của Putin. Tuy nhiên, không chỉ những người theo chủ nghĩa Trump, những người gấp rút kêu đòi một nền hòa bình qua thương lượng kể từ khi Putin tuyên bố, vào đầu tháng 9, sẽ “sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí có sẵn cho chúng tôi” và cảnh báo, “Đây không phải là một trò tháu cáy.”

Hoặc nó là như thế? Cuối tuần qua, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan, đã hứa sẽ có một phản ứng “thảm khốc” nếu Putin dùng đến vũ khí hạch tâm trên chiến trường ở Ukraine. Giới chức quân sự Mỹ chắc chắn đã đưa ra nhiều lựa chọn nghiêm túc để Mỹ cân nhắc trong trường hợp như vậy, gồm cả việc trực tiếp tham chiến bên cạnh Ukraine — đúng là kịch bản Chiến tranh thế giới thứ ba mà Biden đã kiên quyết tránh.

Theo dõi tất cả những điều này, thật khó để không nghĩ đến việc phương Tây thường xuyên thất bại trong việc hiểu đúng Putin — hoặc không hiểu ông ấy chút nào. Vào mùa hè, Nhóm Chiến lược Aspen đã yêu cầu tôi thuyết trình về nước Nga trong chiến tranh, và điều nổi bật đối với tôi trong nghiên cứu là những lần và nhiều cách khác nhau, mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã không hiểu Putin ở những thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ lâu dài của ông ta như một sa hoàng hiện đại của Nga.

Đã nhiều lần, Putin thắng lợi vì đã dùng vũ lực quân sự để đạt được những lợi ích chính trị không thể đạt được bằng cách khác. Ông ấy lên nắm quyền bằng cách thúc đẩy chiến tranh ở tỉnh Chechnya ly khai của Nga. Ông đã gửi quân đội Nga đến Gruzia và Syria, và vào năm 2014, tới Ukraine. Mỗi lần như vậy, có vô số lời đồn đoán ở những thủ đô phương Tây về việc làm thế nào để tạo ra một “lối thoát hiểm” cuối cùng để kéo Putin chấm dứt cuộc xâm lăng. Putin tiếp tục lao trên đường xa lộ và bỏ qua những ngã rẽ thoát hiểm đó.

Đúng thế, tôi nghi ngờ khi nghe vòng nói chuyện mới nhất về “ngõ thoát”. Nếu có một điều tôi học được khi theo dõi Putin suốt thời gian qua, đó là ông ấy không phải là người bỏ cuộc hoặc lùi bước khi thua cuộc — leo thang là trò chơi của ông ấy, và đến nay thì ông ấy đã dày công luyện tập. Như tờ Thời báo Moscow đã nói, trong một bài tường thuật hấp dẫn từ bên trong Điện Kremlin, “Putin luôn chọn biện pháp leo thang.”

Hôm thứ Năm, tôi đã nói chuyện với chuyên gia Nga Fiona Hill. Bà ấy nói với tôi rằng bà tin rằng có một yếu tố tự huyễn hoặc bản thân đối với phần lớn các bài bình luận hiện tại về xác suất Washington và phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong khi tránh xung đột với Putin — người đã phát động cuộc chiến chống Ukraine không phải vào tháng Hai 2022 mà là 8 năm trước khi ông ta xâm lăng Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea một cách bất hợp pháp. Theo như Hill được biết, chúng ta đã đang ở trong Chiến tranh thế giới thứ ba, cho dù chúng ta có công nhận hay không. Fiona Hill nói, “Chúng ta đã ở trong cuộc chiến này trong một thời gian dài, và chúng ta đã không thể nhận ra nó.”

Suy nghĩ lạnh lùng của bà đặt ra một câu hỏi nhức nhối về chính sách của Hoa Kỳ: Nếu mục tiêu là tránh một cuộc xung đột mà chúng ta đang chiến đấu, thì phần còn lại của cách đối phó của Washington đối với cuộc xâm lăng của Nga có cần phải được xét lại không? Dòng suy nghĩ của Hill là một trong những lý do khiến nhiều người theo dõi Nga ngày càng có nhiều lời kêu gọi đừng khuất phục trước những yêu sách của Putin vào thời điểm khi cả những điểm yếu của ông ấy và những điểm yếu trong hệ thống của ông ấy đều đã bộc lộ rõ ràng.

Ngoài ra còn có vấn đề Putin đã hiểu sai phương Tây. Chúng ta ở Washington hầu như không có độc quyền về những giả định sai lầm là một yếu tố thúc đẩy các vấn đề quốc tế. Trên thực tế, nhiều chỉ số cho thấy chúng là nguyên nhân chính khiến cuộc chiến này xảy ra. Putin không chỉ không hiểu rằng người Ukraine sẽ đứng lên và chiến đấu chống lại sự xâm lăng của ông ta; ông cũng không lường trước được việc Hoa Kỳ và các đồng minh NATO vẫn đoàn kết và tài trợ cho cuộc kháng chiến của người Ukraine. Sự sáp nhập không có thật của Moscow đối với nhiều lãnh thổ Ukraine hơn dường như chỉ tạo ra nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây hơn — và việc kéo dài cuộc chiến có thể xảy ra mà Putin ngày càng có vẻ như đang thua cuộc.

“Tất nhiên, vấn đề là chúng ta đã hiểu lầm ông ấy, nhưng ông ấy cũng hiểu lầm chúng ta.”

Fiona Hill

Trò hù doạ dùng vũ khí hạch tâm của một nhân vật độc tài Nga đang bị thương, đang hờn dỗi với một liên minh NATO ngày càng đáng lo ngại — trong lúc Ukraine bị mắc kẹt ở giữa — đúng là một tình trạng xấu nhất cho một thế giới hầu như không cần đến một cuộc khủng hoảng khác. Washington sẽ tiếp tục lộ trình? ♦

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: What if We’re Already Fighting the Third World War with Russia?  | Susan B. Glasser | The New Yorker | September 29, 2022.