Trung Hoa tự sụp bẫy như thế nào

Michael Pettis | Trà Mi

Mô hình kinh tế của ĐCSTH chỉ còn lại những lựa chọn tồi tệ

Bãi rác trước một khu chung cư ở Zhuozhou, Trung Hoa, tháng 3 năm 2021. Lusha Zhang / Reuters

Hết tháng này sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH), ban lãnh đạo của nước này sẽ phải đối phó với những lựa chọn kinh tế khó khăn nhất mà họ đã gặp trong nhiều chục năm qua. Họ có thể chuyển ra khỏi mô hình tăng trưởng kinh tế đã tạo ra rất nhiều của cải, bất chấp cái giá phải trả là tăng sự bất bình đẳng, nợ tăng cao và số đầu tư lãng phí ngày càng tăng trong mười năm vừa qua. Nhưng Bắc Kinh có thể chọn tiếp tục với mô hình kinh tế hiện tại trong vài năm nữa cho đến khi bị mức giá sinh hoạt gia tăng buộc họ đi vào một tiến trình chuyển đổi thậm chí còn ngặt nghèo hơn nữa.

Vấn đề mà Trung Hoa phải đối phó là vấn đề mà chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Đức Albert Hirschman đã mô tả cách đây nhiều chục năm. Hirschman lưu ý rằng tất cả những tăng trưởng nhanh đều là tăng trưởng không cân bằng, và một mô hình phát triển thành công là một mô hình trong đó tăng trưởng không cân bằng giải quyết và đảo ngược những mất cân bằng hiện có trong nền kinh tế. Nhưng khi những điều này bị đảo ngược và nền kinh tế phát triển, mô hình ngày càng trở nên không phù hợp với tập hợp mất cân bằng ban đầu và cuối cùng bắt đầu tạo ra một loạt những vấn đề rất khác.

Thật không may, Hirschman lưu ý, rất khó để từ bỏ một mô hình phát triển thành công. Sự thành công của nó có khuynh hướng tạo ra một tập hợp các thể chế chính trị, kinh doanh, tài chính và văn hóa bắt rễ sâu xa dựa trên tính liên tục của mô hình, và có thể sẽ có sự phản đối mạnh về thể chế và chính trị đối với bất kỳ sự đảo ngược đáng kể nào.

Đó là vị trí của Trung Hoa ngày nay. Mô hình phát triển đầu tư cao của nó đã thiết lập để giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn đầu tư bất thường của Trung Hoa nhưng gần 4 chục năm sau, nó đã khiến Trung Hoa phải gánh một tỉ lệ đầu tư cao ngất ngưởng. Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư thường chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu, dao động từ 17 đến 23% trong những nền kinh tế trưởng thành hơn, đến 28 đến 32% ở những nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trong một chục năm, Trung Hoa đã đầu tư một  40% đến 50% GDP hàng năm mỗi năm. Nó phải giảm rất nhiều mức đầu tư cao bất thường này, nhưng với tốc độ tăng trưởng quá phụ thuộc vào đầu tư, nó có thể không thể làm như vậy nếu không có sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế nói chung.

CHÌM SÂU TRONG NỢ

Tỉ lệ đầu tư cao không phải lúc nào cũng là một điều xấu cho Trung Hoa. Khi bắt đầu kỷ nguyên “đổi mới và mở cửa” vào cuối những năm 1970, sau 5 chục năm  chiến tranh với Nhật Bản, nội chiến và chủ nghĩa Mao, Hoa lục đã không được đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, hậu cần và bộ máy sản xuất. Những gì nó cần trên hết là một mô hình phát triển ưu tiên cho đầu tư nhanh chóng.

Phương pháp giải quyết trong vài năm tiếp theo đã làm được việc đó. Đầu tiên, Bắc Kinh tăng tỉ lệ tiết kiệm trong nước trên GDP cần để tài trợ cho đầu tư. Theo định nghĩa, trong bất kỳ nền kinh tế nào, mọi thứ sản xuất ra mà không tiêu dùng, đều được tiết kiệm, vì vậy việc tăng tỉ lệ tiết kiệm trên GDP chỉ có nghĩa là  giảm tỉ lệ tiêu dùng.

Bắc Kinh đã làm điều này bằng cách hạn chế sự tăng trưởng của tỉ lệ của mỗi gia đình trong GDP. Tổng thu nhập của một quốc gia được chia cho mọi gia đình, doanh nghiệp và chính phủ, và những gia đình, không giống như doanh nghiệp và chính phủ, tiêu dùng hầu hết những gì họ kiếm được. Trên thực tế, việc buộc phải giảm tỉ lệ tiêu dùng có nghĩa là  bảo đảm rằng doanh nghiệp và chính phủ giữ lại một tỉ lệ không tương xứng so với những gì đã sản xuất và những gia đình sẽ giảm tỉ lệ này. Tỉ lệ gia đình giữ thu nhập lại trong GDP càng nhỏ thì tỉ lệ tiêu dùng càng thấp và tỉ lệ tiết kiệm càng cao.

Đến cuối những năm 1990, tỉ lệ tiết kiệm trong nước trên GDP đạt 50%, mức cao nhất từng được ghi nhận ở bất kỳ quốc gia nào. Hệ thống ngân hàng, vốn là trung gian tiết kiệm chính của Trung Hoa, đã cung cấp những khoản tiết kiệm khổng lồ này cho doanh nghiệp, giới phát triển bất động sản và chính quyền địa phương của Trung Hoa với lãi suất thấp giả tạo do chính phủ xác định. Kết quả là tăng trưởng nhanh chóng được thúc đẩy nhờ vào mức đầu tư cao. Động lực đó đã cho phép Trung Hoa thu hẹp khoảng cách đầu tư dưới mức với một tốc độ đáng kinh ngạc.

Trong một chục năm, Trung Hoa đã đầu tư một khoản tiền bằng 40% đến 50% GDP hàng năm của mình mỗi năm.

Nhưng giống như mọi quốc gia khác đi theo mô hình tương tự, gồm cả Liên Xô và Brazil trong những năm 1950 và 1960 và Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980, Trung Hoa phải đối phó với một cái bẫy không nhìn thấy: một khi Trung Hoa thu hẹp khoảng cách giữa mức vốn dự trữ và mức mà người lao động và doanh nghiệp có thể tiếp thu một cách hiệu quả, nó sẽ cần phải chuyển sang một chiến lược tăng trưởng khác không đặt năng việc đầu tư mà khuyến khích tiêu dùng. Khoảng cách này có lẽ đã được thu hẹp ít nhất 15 năm trước, khi gánh nặng nợ của Trung Hoa bắt đầu tăng nhanh.

Đây không phải là một sự ngẫu nhiên. Thông thường, khi một nền kinh tế chuyển một số lớn nợ vào đầu tư sản xuất, thì sự gia tăng GDP của nền kinh tế đó có thể cao hơn sự gia tăng nợ và gánh nặng nợ của quốc gia đó vẫn ở mức thấp. Nhưng khi dùng nợ để tài trợ cho đầu tư có lợi ích kinh tế nhỏ hơn giá lao động và tài nguyên sử dụng (gọi là “đầu tư không hiệu quả”), nợ bắt đầu tăng nhanh hơn GDP. Gánh nặng vì nợ của Trung Hoa bắt đầu tăng vào khoảng năm 2006 đến năm 2008.

Kể từ lúc đó, tỉ lệ nợ chính thức của Trung Hoa đã tăng từ khoảng 150% GDP lên gần 280% GDP — một trong những mức tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Những nguồn chính của gánh nặng nợ nần gia tăng này là đầu của tư tư nhân vào lĩnh vực bất động sản ở Trung Hoa, kể cả những tòa nhà đầy những căn trống đã mua để đầu cơ và đầu tư của chính quyền địa phương vào cơ sở hạ tầng dư thừa, chẳng hạn như hệ thống đường sắt quá lớn, đường bộ và xa lộ không dùng đến, và những sân vận động với trung tâm hội nghị huy hoàng .

Trong khi cả lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động kinh tế của Trung Hoa và trở nên quan trọng về mặt chính trị đối với giới tinh hoa địa phương, giới hoạch định chính sách kinh tế ngày càng lo ngại rằng cách duy nhất để họ có thể giành lại quyền kiểm soát nợ là hạn chế đầu tư không hiệu quả vào hai lĩnh vực này. Nhưng với việc những con số này chiếm hơn một nửa tổng số mức tăng trưởng GDP của Trung Hoa trong những năm gần đây — và hơn một nửa trong những giai đoạn đặc biệt khó khăn của nền kinh tế — thì hầu như không thể hạn chế chúng mà không gây ra sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh tế.

VỠ BONG BÓNG

Những cơ quan quản lý cuối cùng đã thực hiện một bước quan trọng đầu tiên trong việc giải quyết tình trạng nợ tăng vọt vào năm ngoái, khi họ quyết định hạn chế đòn bẩy bằng cách gây khó khăn hơn cho giới phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất. Trong nhiều năm, những chủ đầu tư này đã chạy đua để vay càng nhiều càng tốt, không chỉ từ ngân hàng mà còn từ khách hàng, nhà cung cấp và nhà thầu. Họ đã dùng những khoản tiền này để mua càng nhiều bất động sản càng tốt, và miễn là giá bất động sản có thể tăng mãi mãi, họ ít chịu rủi ro về tín dụng và luôn có thể bán lại lấy lãi.

Nhưng với lĩnh vực bất động sản chiếm từ 20% đến 30% tổng hoạt động kinh tế, điều không thể tránh được là bất kỳ sự sụt giảm mạnh nào trong lĩnh vực bất động sản sẽ nhanh chóng tự củng cố và dẫn đến sự suy giảm đáng kể — và không ai muốn — trong hoạt động kinh tế. Điều có lẽ bất ngờ sau đợt kìm chế việc vay nợ trong khu vực bất động sản vào năm ngoái là mức độ mà tình trạng kiệt quệ tài chính lan sang các bộ phận khác của nền kinh tế. Điều này đặc biệt đúng đối với chính quyền địa phương mà việc bán đất là nguồn thu duy nhất lớn nhất; những gia đình đột nhiên bắt đầu lo lắng rằng giá cả sẽ không tăng vô thời hạn; và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vì  Tình trạng không trả được nợ trong lĩnh vực địa ốc.

Với những lo ngại ngày càng tăng về tốc độ suy giảm kinh tế của Trung Hoa, Bắc Kinh chỉ có thể đáp ứng bằng những cách hạn chế. Một lựa chọn là quay trở lại thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng do nợ nần, bằng cách cố gắng hồi sinh lĩnh vực bất động sản hoặc bù đắp cho sự suy giảm của nó bằng cách tăng chi tiêu đáng kể vào cơ sở hạ tầng. Chính quyền địa phương đã rất háo hức, gần như tuyệt vọng, để vực dậy thị trường bất động sản, nhưng có thể đã quá muộn để làm việc đó nếu kỳ vọng của người mua nhà rằng giá nhà ở Trung Hoa có thể tiếp tục tăng đã bị vĩnh viễn phá vỡ .

Hơn nữa, giới chức chính phủ ở Bắc Kinh dường như rất miễn cưỡng quay lại phương thức kinh doanh cũ, trong đó các giới phát triển địa ốc đã gánh một khoản nợ khổng lồ để tài trợ cho những dự án mới mang tính đầu cơ. Với giá bất động sản nhà ở của Trung Hoa cao gấp ba lần mức tương đương ở Hoa Kỳ, và với lĩnh vực bất động sản chiếm tỉ lệ cực cao trong tổng hoạt động kinh tế, hầu hết giới hoạch định chính sách kinh tế từ lâu đã muốn thấy thị trường hạ nhiệt.

Tỉ lệ đầu tư cao không phải lúc nào cũng là một điều xấu đối với Trung Hoa.

Chính phủ Trung Hoa có thể sẽ bù đắp cho ảnh hưởng tiêu cực của thị trường bất động sản chậm hơn và nhỏ hơn, ít nhất là một phần, bằng cách tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng đi theo con đường này và đã nói với chính quyền địa phương rằng họ phải đẩy nhanh hoặc tăng kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng hoặc cả hai.

Nhưng việc xây thêm cầu và hệ thống đường sắt vận tốc cao vẫn có nghĩa là cho phép phần lớn tăng trưởng được thúc đẩy bằng đầu tư không hiệu quả, như đã từng xảy ra trong chục năm qua. Điều này sẽ khiến gánh nặng nợ của Trung Hoa tiếp tục tăng lên và các nguồn tài nguyen bị phân bổ sai cho đến khi nền kinh tế không còn có thể chịu đựng được hậu quả. Khi chuyện đó đã xảy ra trong các trường hợp trước đây, kết quả thường là một sự điều chỉnh rất đột ngột, thường là dưới dạng khủng hoảng tài chính giống như ở Brazil đâu thập niên 1980.

Lựa chọn thứ hai đối với Bắc Kinh là duy trì tăng trưởng cao bằng cách tái cân bằng nền kinh tế ngày càng hướng tới tiêu dùng. Bắc Kinh đã cố gắng thực hiện điều này ít nhất là từ năm 2007, nhưng sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng đòi hỏi phải tăng tỉ lệ mà những gia đình giữ lại trong GDP. Nói cách khác, những người bình thường sẽ phải nhận được một phần lớn hơn những gì nền kinh tế tạo ra dưới dạng tiền lương cao hơn, lương hưu cao hơn, nhiều phúc lợi hơn, v.v. và điều này sẽ phải do Bắc Kinh và chính quyền địa phương chi trả bằng cách từ bỏ một phần tỉ lệ GDP của họ.

Một sự điều chỉnh như vậy là rất khó thực hiện về mặt chính trị. Sự phân bố quyền lực chính trị ở Trung Hoa, cũng như ở bất kỳ quốc gia nào, một phần là hệ quả của việc phân bổ quyền lực kinh tế, và một sự thay đổi lớn trong việc phân bổ quyền lực kinh tế gần như chắc chắn sẽ tạo ra một sự thay đổi tương xứng với sự phân bố quyền lực chính trị. Điều đó không có nghĩa là nó không thể xảy ra, nhưng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy Trung Hoa sẽ quản lý việc tái cân bằng phân phối thu nhập mà các nước khác có vấn đề tương tự đã không thể đạt được.

Gánh nặng nợ của Trung Hoa bắt đầu tăng vào khoảng năm 2006 đến năm 2008.

Cuối cùng, nếu Bắc Kinh quyết tâm hành động ngay bây giờ để kiểm soát sự gia tăng không bền vững của nợ và không thể tái cân bằng nền kinh tế, lựa chọn thứ ba chỉ đơn giản là Bắc Kinh cho phép vận tốc tăng trưởng GDP giảm mạnh, có thể xuống dưới ba (hoặc thậm chí hai) phần trăm. Nếu được giải quyết đúng cách, phần lớn cái giá phải trả cho sự sụt giảm này sẽ rơi vào khu vực chính phủ chứ không phải những gia đình, vì vậy điều này sẽ không quá quan trọng đối với người dân bình thường, nhưng nó có nghĩa là tăng trưởng chậm hơn đối với nền kinh tế Trung Hoa nói chung và đặc biệt là trong bộ máy nhà nước.

Sau gần ba chục năm với tỉ lệ đầu tư trên GDP cao nhất trong lịch sử, do cần thiết, quá nhiều đầu tư của Trung Hoa đã hướng đến các dự án tạo ra hoạt động kinh tế (và nợ) nhưng không tạo ra giá trị kinh tế thực sự. Đó là lý do tại sao Trung Hoa vẫn không thể tiếp tục đầu tư một cách hiệu quả vào bất kỳ nơi nào gần với số tiền tương tự hàng năm.

Trong trường hợp đó, những lựa chọn duy nhất của Trung Hoa là giảm đầu tư nhanh chóng và chấp nhận hậu quả của việc tăng trưởng thấp hơn nhiều, hoặc duy trì mức tăng trưởng cao bằng cách buộc tiếp tục tỉ lệ đầu tư cao cho đến khi gánh nặng nợ tăng lên gây khó khăn hoặc không thể ở đi theo con đường đó. Nói cách khác, bằng cách này hay cách khác, tăng trưởng của Trung Hoa sẽ rẽ ngoặt và chậm lại và cách  mà việc đó  xảy ra sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc cho Hoa lục, ĐCSTQ và nền kinh tế toàn cầu.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How China Trapped Itself   |Michael Pettis  | Foreign Affairs | October 5, 2022.