Những cuộc biểu tình của Iran là cuộc phản cách mạng đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo

Robin Wright | Trà Mi

Phụ nữ vẫn đang bất chấp nguy hiểm cho bản thân và chết trong một cuộc nổi dậy có một không hai trong lịch sử đặt quyền tự do của phụ nữ làm trung tâm.

Trong nhiều tuần, phụ nữ ở Iran đã can đảm xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “ Phụ nữ, Đời sống, Tự do”. Tranh của Roshi Rouzbehani

Thiếu nữ và phụ nữ Iran thật rất can đảm khi chửi thẳng vào mặt Lãnh tụ tối cao của nước này, như một thách thức đối với một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Ngày qua ngày trải qua nguy hiểm, trên những con phố rộng mở và trong những trường học bị kiểm soát, trong một loạt những tweet và video bất chấp tất cả, họ đã chế giễu một chế độ thần quyền tự cho mình là chính phủ của Thượng đế. Chỉ huy phó Lực lượng Vệ binh Cách mạng tuyên bố vào tuần trước, tuổi trung bình của những người biểu tình bị bắt chỉ khoảng mười lăm. Trong tiến trình này, họ đã thu hút được sự quan tâm, để ý của cả thế giới; có các cuộc biểu tình đồng cảm tổ chức từ London đến Los Angeles, từ Sydney đến Seoul, và Tokyo đến Tunis.

Nhưng cuộc biểu tình tại Iran có thể là lần đầu tiên trong lịch sử mà phụ nữ vừa là người châm ngòi vừa là động cơ cho một nỗ lực phản cách mạng. Daniel Edelstein, một chuyên gia khoa học chính trị tại Stanford và là chuyên gia về những cuộc cách mạng, nói với tôi: “Vai trò của phụ nữ Iran lúc này dường như rất chưa từng có tiền lệ.” Ông nói, một trong số ít những điểm tương đồng có thể xảy ra là vai trò của các phụ nữ poissonières ở Paris, hay người buôn bán ở chợ Paris, những người đã xông vào Versailles để ngăn chặn nhà vua quay lưng lại với Quốc hội và phá tan cuộc Cách mạng Pháp mới ra đời. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, “những người phụ nữ đã tìm cách ngăn cản phản cách mạng, chứ không phải là đóng góp vào cuộc phản cách mạng.”

Anne O’Donnell, một sử gia về Nga tại Đại học New York nói, trong Cách mạng Nga, những cuộc bạo động bánh mì do phụ nữ lãnh đạo ở Petrograd đã đóng một vai trò quan trọng làm sụp đổ của đế chế Nga hoàng. Nhưng bà nói những cuộc phản kháng của Iran là duy nhất vì “đây không phải là một biến động liên quan đến phụ nữ, mà là một biến động về phụ nữ và quyền tự do của phụ nữ, và điểm đó làm cho nó rất đặc biệt.

Bất chấp hiểm nguy, bị bắt hay chết, phụ nữ Iran thuộc những sắc tộc khác nhau đã đoàn kết một cách đầy sáng tạo. Tia lửa là cái chết đột ngột của Mahsa Amini, một thiếu nữ Kurd hai mươi hai tuổi, sau khi cô bị đưa đến giữ tại một trung tâm cải huấn vì “trang phục không phù hợp” — để nhiều tóc ngoài khăn trùm đầu —  ở Tehran. Cuối cùng, cô rơi vào tình trang hôn mê, phải thở bằng máy và qua đời ba ngày sau đó, vào ngày 16 tháng 9.

Một người biểu tình giơ bức ảnh của  Mahsa Amini trong cuộc biểu tình chống Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 9 tháng 9. 21 ở Thành phố New York. (Stephanie Keith / Getty Images)

Những lời hô hào phản đối vì cái chết của Amini nhanh chóng trở thành những lời kêu gọi lật đổ chế độ: “Cái chết cho kẻ độc tài” và “Sự ô nhục của chúng ta là người lãnh đạo bất tài của chúng ta” và “Chúng ta không muốn Cộng hòa Hồi giáo”. Khẩu hiệu — và thẻ bắt đầu bằng # — của những cuộc biểu tình đã trở thành #WomanLifeFreedom.

Hôm thứ Tư, một video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ghi lại cảnh các nữ sinh ở Tehran cười khúc khích trước sự táo bạo của chính họ khi dẫm lên một  khung ảnh của hai người lãnh đạo tối cao — Ayatollah Ruhollah Khomeini và người kế nhiệm của ông, Ayatollah Ali Khamenei — người đã cai trị kể từ cuộc Cách mạng năm 1979 chống lại Shah. Họ xé toạc bức ảnh và vui vẻ tung giấy vụn lên không. Quay lưng về phía máy thu hình, những thiếu nữ xếp thành hàng dài và cởi khăn trùm đầu. Họ hô vang “Đừng sợ, chúng ta đoàn kết.”  

Trong nhiều dòng tweet, những thiếu nữ khác   — ảnh chụp từ phía sau để giấu danh tính — giơ ngón tay giữa của họ lên trước hình ảnh của hai người Lãnh đạo Tối cao. Trong một video vào tuần trước của Karaj, những nữ sinh tập hợp trước mặt một viên chức chính phủ nam giới, cởi khăn trùm đầu và đồng thanh hô lớn: “Cút đi.” Họ ném những chai đã hết nước khi ông ta chạy trốn qua cổng trường. Ở khu Isfahan lịch sử vào tuần trước, ba phụ nữ trẻ đã giăng một biểu ngữ cỡ tấm chăn trên một cây cầu trên đường xa lộ. Trên đó là bức tranh của một người phụ nữ với mái tóc đen dài; và dòng chữ cảnh cáo, “Một trong số chúng ta sẽ là người kế tiếp.” Nhưng cô gái sau đó lột khăn trùm đầu và vứt đi; biểu ngữ vẫn còn. Ở tây bắc Sanandaj và nam Shiraz, phụ nữ trẻ đã xuống đường biểu tình — hô vang những  khẩu hiệu chống chính phủ và bỏ khăn trùm đầu — và họ kêu gọi những người lái xe cùng tham gia. Nhiều xe đã bấm còi ủng hộ.

Có những cô gái và phụ nữ khác đã bị giết hoặc bị bắt trong hơn ba tuần biểu tình. Lần cuối Nika Shakarami, một sinh viên trẻ khoa nghệ thuật, lên tiếng vào ngày 20 tháng 9, khi cô gọi cho một người bạn để nói rằng đang bị công an đuổi theo trên phố. Mười ngày sau, gia đình Shakarami được gọi đến để nhận xác của cô tại một trung tâm giam giữ ở Tehran. Dì của cô ấy nói với BBC, đầu của Shakarami dường như bị đánh dập.

Nika Shakarami nhắn tin cho một người bạn để nói rằng cô đang bị công an truy đuổi. Nguồn của BBC ở Iran

Chính quyền cho rằng cô chết sau khi rơi xuống từ sân thượng. Cô được chôn cất — một cách bí mật, để tránh là một điểm bùng phát mới cho các cuộc biểu tình — vào sinh nhật lần thứ mười bảy của cô. Tang lễ từ lâu đã trở thành mục tiêu quan trọng trong việc vận động chính trị ở Iran. Theo Hồi giáo Shiite, người chết được tưởng niệm sau đó bốn mươi ngày, thường làm dấy lên những cuộc biểu tình đầy cảm xúc biến thành những cuộc biểu tình mới — và những cuộc biểu tình mới đối đầu với công an, tiếp theo là nhiều người chết hơn và một chu kỳ biểu tình kéo dài. Tang lễ đã tạo ra nhịp điệu của cuộc Cách mạng Iran năm 1978 mà đã khiến Shah bỏ trốn vào năm 1979.

Năm ngày sau cái chết của Mahsa Amini, Hadis Najafi, một người đam mê TikTok tuổi khoảng đôi mươi, đã ghi lại một tin nhắn video trong một cuộc biểu tình. Cô ấy  nói, “Tôi hy vọng trong một vài năm khi nhìn lại, tôi sẽ hạnh phúc vì mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.” Cô ấy đã bị bắn vào đầu vài giờ sau đó.

Sarina Esmailzadeh, một vblogger mười sáu tuổi, gần đây đã đăng: “Tôi luôn nghĩ, Tại sao tôi phải sinh ra ở Iran?” Cô được cho là đã bị đánh chết trong một cuộc biểu tình ở Karaj; chính phủ tuyên bố rằng cô ấy cũng đã nhảy từ một tầng thượng. Những cái chết mới càng làm tăng thêm cơn thịnh nộ — và nhiều đám tang hơn. Để ngăn chặn các cuộc biểu tình, nhà chức trách Iran thậm chí đã nhắm vào những phụ nữ từng là những người ủng hộ cuộc Cách mạng, kể cả Faezeh Hashemi, một cựu thành viên quốc hội và con gái của cựu Tổng thống Hashemi Rafsanjani, đã bị bắt vì “kích động bạo loạn”.

Phụ nữ và những cô gái trẻ cũng đang cắt những lọn tóc dài của họ — và đăng video trên mạng xã hội — như một hành động bất chấp. “Phụ nữ cắt tóc là một truyền thống Ba Tư cổ đại cũng thấy trong “The Shahnameh ”, người viết truyện Iran, Shara Atashi, đã tweet, đề cập đến một kiệt tác văn học được nhà thơ Ba Tư Ferdowsi viết cách đây một ngàn năm trước. “Khoảnh khắc chúng ta chờ đợi đã đến. Chính trị được thúc đẩy bằng thơ ca.

Hai nữ diễn viên Marion Cotillard và Juliette Binoche đã đăng ảnh cắt tóc để ủng hộ phụ nữ Iran. Trên Instagram, Angelina Jolie kêu gọi phụ nữ Iran tiếp tục. Bà viết:

“Trân trọng những người phụ nữ can đảm, bất chấp và không sợ hãi của Iran. Tất cả những người sống sót và kháng cự trong nhiều chục năm, những người xuống đường hôm nay, Masha Amini và tất cả những người Iran trẻ tuổi như cô ấy.”

Angelina Jolie

Balenciaga, người vẽ mẫu thời trang, đã tweet, “Chúng tôi ủng hộ tất cả phụ nữ Iran, để tưởng nhớ Mahsa.” trên một hình ảnh đen trắng rõ ràng có dòng chữ “Woman Life Freedom” bằng tiếng Anh và tiếng Farsi.

Những người đi làm cách mạng Iran đã gieo mầm cho sự quyết tâm của chính họ. Sau Cách mạng, giáo dục đại học tăng vọt vì những gia đình bảo thủ cho rằng hệ thống Hồi giáo bảo vệ đạo đức kềm chế thiếu nữ không được tiếp xúc với phương Tây hoặc hiện đại hóa nhiều hơn. Tỷ lệ biết đọc biết viết của phụ nữ tăng vọt — từ dưới 30% vào năm 1976 — lên 80% sau 4 chục năm. Trong hơn mười năm nay, phần lớn sinh viên đại học của Iran là phái nữ, mặc dù họ vẫn chiếm chưa đến 20% số công nhân viên.

Haleh Esfandiari, một người Mỹ gốc Iran và là cựu giám đốc chương trình Trung Đông của Trung tâm Wilson, nói, “Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ phụ nữ trẻ được giáo dục và kết nối với thế giới.”

Phụ nữ cũng nổi bật hơn và hoạt động chính trị nhiều hơn, giữ chức Phó Tổng thống và một số ghế trong quốc hội. Shirin Ebadi đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2003 vì bảo vệ những người hoạt động nhân quyền trước tòa, đồng thời Samira Makhmalbaf là đạo diễn trẻ nhất (17 tuổi) được chọn tham dự Đại hội điện ảnh ở Cannes. Vào năm 2016, tôi đã nói chuyện với cháu gái của Khomeini, Zahra Eshraghi, một người hoạt động vì quyền của phụ nữ đã kết hôn với em của một người đổi mới là cựu Tổng thống Mohammad Khatami. Bị cấm tranh cử quốc hội vì quan điểm đổi mới của mình, bà phàn nàn rằng chính phủ bị ảo tưởng rằng họ có thể tạo ra tư duy thống nhất và loại bỏ những người thách thức chế độ. Esfandiari cho rằng, “Phụ nữ Iran đã chờ đợi thời điểm này trong suốt 4 mươi năm khi họ có thể tự mình giải quyết vấn đề.” Năm 2017, thanh nữ đã phát động phong trào khăn quàng trắng. Họ xuất hiện trên đường phố — thường đi một mình — cởi bỏ khăn quàng và gắn vào gậy, giơ lên ở nơi công cộng. Một số người đã bị xét xử và bị kết án lên đến mười lăm năm tù. Nhưng nữ luật sư của họ, kể cả Nasrin Sotoudeh cũng bị như vậy.

Những cuộc biểu tình thách thức hai chủ đề cốt lõi của Cách mạng năm 1979: khăn trùm đầu phản ảnh ý thức hệ và quy tắc đạo đức của nó, và việc từ chối công nhận Hoa Kỳ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Hồi giáo. Việc từ bỏ một trong hai nguồn căn cước sẽ phản ảnh sự thất bại của cuộc Cách mạng. Những cuộc biểu tình bùng lên vào thời điểm chuyển tiếp chưa rõ ràng. Khamenei, 83 tuổi vào mùa hè này, đã trải qua cuộc giải phẫu ung thư  tiền liệt tuyến vào năm 2014. Tuần trước, một nhà ngoại giao  cao cấp của châu Âu nói với tôi rằng Khamenei đang phấn đấu với căn bệnh ung thư một lần nữa. Vì vậy,  tình hình hôm nay — vào một thời điểm mong manh đối với tương lai của Cách mạng — có tầm quan trọng rất lớn.

Cho đến nay, chế độ đã tuyệt vọng và vô hiệu trong phản ứng của họ. Tổng thống cứng rắn Ebrahim Raisi đã gọi cho Gia đình Amini gửi lời chia buồn và tuần trước đã công  nhận “những điểm yếu và thiếu sót” của nền Cộng hòa Hồi giáo. Nhưng ông ta kêu gọi sự đoàn kết “khiến kẻ thù của chúng ta trở nên vô vọng.” Chế độ cũng đã đưa công an ninh vào khuôn viên trường đại học và huy động những cuộc chống biểu tình phản đối của họ với những phụ nữ mặc áo đen. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì ngăn cản được sự phẫn nộ của dân chúng. Vào thứ Bảy, Raisi đã bị các sinh viên quay cuồng trong một bài phát biểu tại Đại học Alzahra của Tehran dành cho phụ nữ. Họ hô vang, “Chúng tôi không muốn một cơ chế tham nhũng. Chúng tôi không muốn một kẻ giết người làm diễn giả . . . cút đi.”  (Raisi là thành viên của một ủy ban quyết định tử hình gồm bốn người đàn ông đã kết án tử hình khoảng 5.000 tù nhân chính trị vào năm 1988.) Hôm thứ Bảy, những người biểu tình cũng đã làm gián đoạn bài phát biểu của Khamenei trên truyền hình nhà nước với lời kêu gọi ông đi chết đi và hình ảnh của những phụ nữ trẻ bị giết trong các cuộc biểu tình. Bài hát “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do” đã được hát  vang lên.

Những cuộc biểu tình trước đó ở Iran đã bùng nổ theo thời gian. Phong trào Xanh lịch sử, khi hàng triệu người ở tất cả 31 tỉnh thành để lên án cuộc bầu cử Tổng thống gian lận vào năm 2009, đã sụp đổ sau bảy tháng hoạt động. Hàng trăm người bị kết án trong các phiên tòa xét xử hàng loạt kiểu của Stalin. Chế độ có thể vẫn có đủ công cụ tàn ác và Đội quân Bão tố để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Nhưng những ý thức hệ không tưởng có khuynh hướng sụp đổ khi sự kết hợp của các yếu tố — xa lánh chính trị, tai ương kinh tế, giận dữ xã hội và thảm họa thiên nhiên — cùng xảy ra một lúc. Vào năm 2021, đa số người Iran không thèm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống đưa Raisi lên nắm quyền. Những lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ  đã làm giảm giá trị đồng tiền của Tehran và hạn chế xuất khẩu dầu, mặc dù cho đến nay, vẫn chưa đủ để làm tê liệt chế độ. Iran cũng là tâm chấn ban đầu của đại dịch. Trong năm đầu tiên, gần 60 ngàn người đã chết. Và bây giờ những cô gái (cũng được nhiều đàn ông hỗ trợ hơn) đã tìm thấy tiếng nói của họ — và đang sử dụng chúng. Họ có thể không thắng thế, nhưng những người dân đầu cách mạng phải đối mặt với một mối đe dọa hiện sinh. Đối với Iran, #WomanLifeFreedom là một bước ngoặt. ♦

Tác giả | Robin Wright, một nhà văn và nhà báo viết chuyên mục, đã viết cho The New Yorker từ năm 1988. Bà là tác giả của “Rock the Casbah: Rage and Rebellion Across the Muslim World”.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Iran’s Protests Are the First Counter-Revolution Led by Women  |  Robin Wright | The New Yorker | October 9, 2022.