Chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc như thế nào?

Timothy Snyder | Trà Mi

Đôi khi bạn thay đổi chủ đề, và đôi khi chủ đề thay đổi bạn

Thoạt đầu, không ai có thể tưởng tượng rằng cuộc chiến Nga-Ukraine có thể bắt đầu. Và nó đã bắt đầu. Và bây giờ, không ai có thể tưởng tượng nó sẽ kết thúc như thế nào. Và nó sẽ kết thúc.

Chiến tranh cuối cùng là về chính trị. Việc Ukraine đang thắng trên chiến trường có ý nghĩa vì Ukraine đang gây áp lực lên chính trường Nga. Những kẻ bạo ngược như Putin gây ra một sự mê hoặc nhất định, vì đã tạo ấn tượng rằng họ có thể làm tất cả những gì họ thích. Tất nhiên điều này không đúng; và chế độ của họ sẽ sụp đổ. Chiến tranh kết thúc khi chiến thắng của quân đội Ukraine làm thay đổi thực tế chính trị của Nga, một tiến trình mà tôi tin rằng đã bắt đầu.

Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, người Ukraine hóa ra là những chiến binh thiện chiến tuyệt vời. Họ đã mở một loạt những cuộc hành quân phòng thủ và bây giờ là hành quân tấn công mà người ta muốn gọi là đúng “sách vở”, nhưng sự thật là những cuốn sách giáo khoa đó vẫn chưa được viết; và khi chúng được viết ra, cuộc kháng chiến Ukraine sẽ cung cấp những ví dụ. Họ đã kháng chiến với sự bình tĩnh đáng ngưỡng mộ, ngay cả khi kẻ thù của họ gây ra những tội ác khủng khiếp và công khai mở chiến dịch tiêu diệt quốc gia của họ.

Tuy nhiên, ngay bây giờ, chúng ta có khó khăn nhất định để thấy Ukraine sẽ chiến thắng như thế nào, ngay cả khi Ukraine tiến bước. Đó là do nhiều tưởng tượng của chúng ta bị kẹt ở một lối giải thích duy nhất và khá khó xảy ra về cách cuộc chiến kết thúc: bằng một vụ nổ hạch tâm. Tôi nghĩ rằng chúng ta bị lôi cuốn vào viễn cảnh này, một phần, vì chúng ta dường như thiếu cách nhìn khác, và nó giống như một kết cục.

Tuy nhiên, việc dùng đám mây hình nấm để kết thúc câu chuyện sẽ tạo ra sự lo lắng và cản trở sự suy nghĩ rõ ràng. Việc tập trung vào kịch bản đó thay vì những kịch bản có thể xảy ra hơn sẽ ngăn cản chúng ta, không thấy những gì đang thực sự xảy ra và chuẩn bị cho những tương lai có thể xảy ra hơn. Thật vậy, chúng ta đừng bao giờ để lạc tầm nhìn chiến thắng của Ukraine sẽ cải thiện thế giới chúng ta đang sống đến mức nào.

Nhưng làm sao chúng ta đạt được điều đó? Chiến tranh có thể kết thúc theo nhiều cách. Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra một kịch bản hợp lý có thể xuất hiện trong vài tuần và vài tháng tới. Tất nhiên là có những kịch bản khác. Nhưng, điều quan trọng là bắt đầu hướng suy nghĩ của chúng ta về một số tình trạng có thể xảy ra hơn. Kịch bản mà tôi sẽ đưa ra ở đây là một thất bại quy ước của Nga ở Ukraine đang kết hợp không thể nhận thấy thành một cuộc tranh giành quyền lực ở Nga, do đó sẽ buộc Nga rút khỏi Ukraine. Về mặt lịch sử, đây là một chuỗi sự kiện rất quen thuộc.

Trước khi tôi trình bày chuyện này, trước tiên chúng ta sẽ phải loại bỏ chuyện bom hạch tâm. Nói đến chiến tranh hạch tâm một cách khái quát, rộng rãi, chúng ta hình dung rằng Chiến tranh Nga-Ukraine là tất cả về chúng ta. Chúng ta cảm thấy như là những nạn nhân. Chúng ta nói về nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta. Chúng ta viết các tựa đề giật gân hoặc gây hiểu lầm để thu hút bạn đọc nhấp chuột vào nội dung về ngày tận thế. Nhưng cuộc chiến này gần như chắc chắn sẽ không kết thúc với việc tấn công nhau bằng vũ khí hạch tâm. Những quốc gia có vũ khí hạch tâm đã chiến đấu và thua cuộc trong các cuộc chiến tranh kể từ năm 1945, mà không sử dụng chúng. Những cường quốc hạch tâm thua nhục nhã trong những cuộc chiến tranh ở những nơi như Việt Nam và Afghanistan và họ không sử dụng vũ khí hạch tâm.

Chắc chắn, có một sự cám dỗ nhất định để chấp nhận sự hăm dọa bằng hạch tâm về mặt tinh thần. Một khi chủ đề chiến tranh hạch tâm được nêu ra, nó có vẻ quan trọng quá mức, và chúng ta trở nên chán nản và ám ảnh. Đó chỉ là chỗ mà Putin đang cố gắng dẫn dắt chúng ta đến bằng những ám chỉ mơ hồ của ông ấy về vũ khí hạch tâm. Một khi chúng ta nhận gợi ý của ông ta, chúng ta tưởng tượng đến những mối đe dọa mà Nga không thực sự thực hiện. Chúng ta bắt đầu nói về một dân tộc Ukraine đầu hàng, chỉ để giảm bớt áp lực tâm lý mà chúng ta cảm thấy.

Tuy nhiên, điều này nghĩa là chúng ta đang làm việc thay cho Putin, giúp ông ta thoát khỏi thảm họa do chính ông ấy gây ra. Ông ta đang thua cuộc chiến tranh quy ước do chính ông ta đã khai mạc. Hy vọng của ông ấy là sự đề cập đến vũ khí hạch tâm sẽ ngăn cản những nước dân chủ giao vũ khí cho Ukraine, và giúp ông ta có đủ thời gian để đưa lực lượng trừ bị của Nga tới chiến trường nhằm làm chậm cuộc tấn công của Ukraine. Có lẽ ông ấy đã sai khi nghĩ rằng chiến thuật này này sẽ có hiệu quả; nhưng sự leo thang hùng biện là một trong số ít những vở kịch mà ông đã để lại.

Như tôi sẽ giải thích trong giây lát, nhượng bộ sự hăm dọa tấn công hạch tâm sẽ không kết thúc cuộc chiến quy ước ở Ukraine. Tuy nhiên, nó sẽ làm cho chiến tranh hạch tâm trong tương lai dễ xảy ra hơn nhiều. Việc nhượng bộ một kẻ hù dọa bằng vũ khí hạch tâm dạy ông ta rằng loại đe dọa này sẽ khiến ông ta có được thứ mà ông ta muốn, điều này đảm bảo cho các kịch bản khủng hoảng tiếp theo. Nó dạy cho những nhân vật độc tài khác, những kẻ hù dọa có thể có trong tương lai, rằng tất cả những gì họ cần là vũ khí hạch tâm và một số vụ nổ để đạt được thứ họ muốn, đồng nghĩa với nhiều cuộc đối đầu hạch tâm hơn. Nó có khuynh hướng thuyết phục mọi người rằng cách duy nhất để tự vệ là chế tạo vũ khí hạch tâm, nghĩa là phổ biến vũ khí hạch tâm trên toàn cầu.

Đến mức như vậy khi có một số loại đe dọa hạch tâm, nó không nhằm vào chúng ta, mà nhắm vào người Ukraine. Họ đã cưỡng lại sự hăm dọa hạch tâm trong bảy tháng; và nếu họ làm được, chắc chắn chúng ta cũng làm được. Khi nhân vật chính trị nổi tiếng của Nga như nhân vật lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov nói về việc sử dụng hạch tâm, ý họ là ở Ukraine. Nhưng đây cũng không phải là cách cuộc chiến sẽ kết thúc. Kadyrov cũng tuyên bố rằng ông đang gửi những con trai chưa 20 tuổi của ông ta ra mặt trận chiến đấu ở Ukraine. Để chúng có thể bị nhiễm phóng xạ vì vũ khí hạch tâm của Nga à?

Nga tuyên bố sẽ huy động hàng trăm ngàn quân mới. Điều này không tốt chút nào, nhưng ngay cả như vậy: liệu Putin có thực sự chấp nhận rủi ro chính trị khi động viên quân trừ bị nhiều như vậy, gửi những thanh niên Nga đến Ukraine, và sau đó cho nổ bom hạch tâm gần đó hay sao? Tinh thần là một vấn đề nghiêm trọng rồi. Có vẻ như hơn nửa triệu đàn ông Nga đã bỏ trốn khỏi đất nước thay vì được đưa sang Ukraine. Sẽ chẳng giúp ích được gì cho tinh thần binh sĩ nếu người Nga nghĩ rằng họ đang được điều động đến một khu vực mà vũ khí hạch tâm sẽ được kích nổ. Họ sẽ không nhận được quan trang bảo vệ thích hợp. Nhiều binh sĩ được huy động thiếu trang bị thích hợp ngay cả cho một cuộc chiến tranh quy ước.

Nga vừa tuyên bố rằng các vùng phía đông và nam Ukraine là của Nga. Điều này tất nhiên là vô lý. Nhưng liệu Moskva có thực sự sử dụng vũ khí hạch tâm trên những vùng đất mà nước này tuyên bố là của Nga, giết hoặc để những người mà nước này tuyên bố là công dân, dân thường và binh lính Nga nhiễm phóng xạ hay không? Nó không phải là không thể. Nhưng nó rất khó xảy ra.

Và ngay cả khi nó xảy ra, nó sẽ không kết thúc chiến tranh, hoặc ít nhất là không với một chiến thắng của Nga. Cho đến nay, tôi đã suy luận mà không hề đề cập đến sự răn đe: dự đoán rằng việc sử dụng vũ khí hạch tâm sẽ gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ những quốc gia khác. Người Mỹ đã có nhiều tháng để suy nghĩ về điều này, và tôi có thể tưởng tượng rằng phản ứng của họ đối với việc Nga sử dụng vũ khí hạch tâm đã được tính toán để vô hiệu hóa quân đội Nga và sỉ nhục cá nhân Putin. Một hình thức răn đe gián tiếp khác là sự hiểu biết chắc chắn rằng việc sử dụng vũ khí hạch tâm sẽ làm mất đi sự ủng hộ của Putin và Nga trên toàn thế giới.

Tôi cũng tự hỏi liệu Nga có mạo hiểm đưa vũ khí hạch tâm vào hoặc thậm chí đến gần Ukraine hay không, vì pháo binh tầm xa chính xác của Ukraine, hệ thống hậu cần bị rò rỉ của Nga và khả năng người Ukraine lấy được những hệ thống vũ khí mà người Nga đã đưa vào đất nước của họ. Thật khó để nói quá trớn về những khó khăn mà người Nga gặp phải trong việc giữ quân cụ của riêng họ. Chắc chắn, người Nga có thể dùng hỏa tiễn để thay thế; nhưng một số hỏa tiễn của họ đã rơi xuống đất và nhiều hỏa tiễn khác đã bị bắn hạ. Máy bay Nga có khuynh hướng hay rơi và bị bắn hạ, đến mức rất hiếm khi các phi vụ của Nga xảy ra — và thu hút sự chú ý tiêu cực.

Giả sử rằng Nga muốn kích nổ một vũ khí hạch tâm nhỏ ở Ukraine và đã thành công trong việc làm như vậy, bất chấp tất cả những chuyện này, nó sẽ không tạo ra sự khác biệt nào về mặt quân sự. Không có cụm quân hoặc căn cứ lớn nào của Ukraine để mà tấn công, vì Ukraine chiến đấu theo một cách rất phi tập trung. Nếu có một vụ nổ, người Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu. Họ đã nói như vậy trong nhiều tháng, và không có lý do gì để nghi ngờ họ.

Ngoài ra còn có vấn đề về động cơ. Putin muốn chúng ta thông cảm với hoàn cảnh của ông ấy, đó dĩ nhiên là một hành động rất đáng ngờ. Nhưng những gì ông ấy nói có đáng tin không? Chúng ta nói rằng “Putin bị dồn vào chân tường. Ông ấy sẽ làm gì?” Đó là cách chúng ta tự nói về vũ khí hạch tâm: Putin đưa chúng ta vào điều mà chúng ta phải tin là không gian tâm lý của chính ông ấy. Nhưng tất cả chỉ là cảm giác. Nó không thực sự là một động cơ.

Nếu cảm xúc tuyệt đối do thất bại sẽ thúc đẩy việc sử dụng vũ khí hạch tâm, thì điều đó đã xảy ra rồi, nhưng nó đã không xảy ra. Ít có thể nhục nhã hơn sự thất bại của Nga tại Kyiv, một tháng sau cuộc chiến. Sự sụp đổ ở vùng Kharkiv vào tháng trước cũng là một cú sốc. Khi tôi viết những dòng này, người Ukraine đang đạt được những thắng lợi đáng kể ở các khu vực mà Putin vừa tuyên bố sẽ là nước Nga mãi mãi trong một buổi lễ truyền hình khổng lồ; phản ứng chính thức của Nga là nói rằng biên giới của họ không được xác định. Phản ứng của Nga trước lực lượng vượt trội là rút lui.

Vì vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn vị trí của Putin. Quân đội Nga “không bị dồn vào chân tường” ở Ukraine: họ sẽ an toàn nếu rút lui về Nga. Phép ẩn dụ “chân tường” cũng không thực sự hữu ích trong việc nhìn thấy vị trí của Putin. Nó giống như đồ đạc đã được di chuyển xung quanh ông ta, và ông ta sẽ phải định lại hướng đi của mình.

Những gì ông ấy đã làm ở Ukraine đã thay đổi vị trí của ông ấy ở Moscow, và ngày càng tệ hơn. Tuy nhiên, nó không theo sau từ đó là họ “phải” thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, bất kể điều đó có nghĩa là gì (“có thể” đến một cách hợp lý trước “phải”). Nắm giữ quyền lực ở Moscow có tính quan trọng, và điều đó không nhất thiết có nghĩa là tự mình phải đối diện với rủi ro hơn nữa ở Ukraine. Một khi (và nếu) Putin hiểu rằng thất bại trong chiến tranh, ông ấy sẽ điều chỉnh suy nghĩ về vị trí của ông ta ở quê nhà.

Qua mùa hè, vị trí đó đơn giản hơn. Cho đến rất gần đây, có thể là cho đến khi ông đọc bài phát biểu tuyên bố động viên một phần vào tháng 9, ông có thể đơn giản tuyên bố chiến thắng trên các phương tiện thông tin đại chúng, và hầu hết người Nga sẽ hài lòng. Tuy nhiên, giờ đây, ông ta đã đưa cuộc chiến vô nghĩa của mình đến điểm mà ngay cả không gian thông tin của Nga cũng bắt đầu rạn nứt. Người Nga hiện đang lo lắng về chiến tranh, vì lời gọi động viên (như các cuộc thăm dò dư luận cho thấy). Và bây giờ giới tuyên truyền truyền hình của họ thừa nhận rằng quân đội Nga đang rút lui. Vì vậy, không giống như nửa năm đầu của cuộc chiến, Putin không thể chỉ tuyên bố rằng tất cả đều tốt và sẽ xong. Ông ta phải làm một cái gì đó khác.

Đất đã chuyển động dưới chân Putin. Sự nghiệp chính trị của ông ấy dựa trên việc dùng những phương tiện truyền thông có kiểm soát để biến chính sách đối ngoại thành một cảnh tượng nhẹ nhàng. Nói cách khác: sự tồn tại của chế độ phụ thuộc vào hai tiền đề: những gì diễn ra trên truyền hình quan trọng hơn những gì diễn ra trên thực tế; và những gì xảy ra ở nước ngoài quan trọng hơn những gì xảy ra ở quê nhà. Đối với tôi, dường như những tiền đề này không còn giữ được nữa. Với sự đông viên một phần, sự phân biệt giữa trong và ngoài nước đã bị phá vỡ; với những lần bại trận, sự khác biệt giữa truyền hình và thực tế đã suy yếu. Thực tế đang bắt đầu có ý nghĩa hơn truyền hình, và Nga sẽ bắt đầu có ý nghĩa hơn Ukraine.

Có một sự rạn nứt cả trong giới ưu tú và công luận ở Nga, và nó hiện đang hiện ra trên truyền hình. Một số người nghĩ rằng chiến tranh là một mục đích thánh thiện và có thể chiến thắng nếu có đầu rơi, lãnh đạo cư xử đúng mực, và càng có nhiều quân và chiến cụ được gởi ra mặt trận. Trong số đó có các blogger quân đội thực sự ở tiền tuyến, và tiếng nói của họ đang trở nên chính thống hơn. Đây là một cái bẫy đối với Putin, vì ông ấy đã gửi tất cả những gì có thể. Những tiếng nói đó làm cho ông ta trông yếu ớt. Những người khác cho rằng chiến tranh là một sai lầm. Những tiếng nói này sẽ khiến ông ta trông thật ngốc nghếch. Đây chỉ là điều cơ bản nhất trong số những lập trường mâu thuẫn mà Putin hiện đang phải đối phó, từ một vị thế bị phơi bày và suy yếu.

Nếu một cuộc chiến tranh ở nước ngoài đang làm suy yếu vị thế của bạn, và nếu cuộc chiến đó không thể chiến thắng, thì tốt nhất bạn nên kết thúc nó ngay hôm nay chứ không phải ngày mai. Tôi nghi ngờ rằng Putin chưa nhìn thấy điều này. Tuy nhiên, ông ấy đã đi đủ xa để hiểu rằng ông ấy phải hành động trong thế giới thực, mặc dù cho đến nay những lựa chọn của ông ấy không phải là những lựa chọn tốt.

Việc động viên một phần vốn là điều tồi tệ nhất của cả hai thế giới: đủ lớn để khiến dân chúng xa lánh, quá nhỏ và trên hết là quá muộn để tạo ra sự khác biệt trước mùa đông. Đó có thể là kết quả của một sự thỏa hiệp, cho chúng ta thấy rằng Putin không cầm quyền một mình. Putin đang cố gắng chỉ huy quân đội ở Ukraine. Những thất bại của ông ấy dẫn ông ấy đến những lời chỉ trích (gián tiếp, cho đến nay). Nhưng Putin dường như vẫn còn mắc kẹt: chỉ cần kết thúc chiến tranh ngay bây giờ, mà không thay đổi chủ đề, sẽ củng cố vị thế của một số người chỉ trích ông ta. Nhưng bây giờ việc động viên một phần đã được công bố, ông ta có ít cách để áp dụng sức mạnh lớn hơn. Vậy chủ thể thay đổi như thế nào?

Nó đang tự thay đổi. Putin hiện đang bị mắc kẹt vì một sự kiện được cho là qua truyền hình và về một nơi xa xôi, nhưng lại mang hình thức chính trị tức thời trong nước Nga. Hai nhân vật chính trị nổi tiếng của Nga là Ramzan Kadyrov và Yevgeny Prigozhin đã chỉ trích khá thô bạo bộ tư lệnh  cao cấp của Nga. Dù rằng mọi người đều biết rằng Putin đang thực làm việc chỉ huy thực sự, điều này có thể gây chia rẽ. Điện Kremlin đã trả lời trực tiếp Kadyrov, và tuyên truyền của quân đội đã cho thấy một chỉ huy bị chỉ trích với quân của mình đang ở mặt trận.

Bích chương tuyển mộ cho Wagner, với Prigozhin được miêu tả là Người lãnh đạo vĩ đại của Nga. Khẩu hiệu trên huy hiệu đầu thần chết là “Cái chết là công việc kinh doanh của chúng tôi. Kinh doanh đang tốt.” Một trong những biệt đội Wagner công khai theo chủ nghĩa phát xít.

Theo những gì tôi cho là không phải ngẫu nhiên, cả Kadyrov và Prigozhin đều kiểm soát một thứ giống như một quân đội của tư nhân. Kadyrov, nhân vật độc tài trên thực tế của vùng Chechnya của Nga, có lực lượng dân quân của riêng ông ta. Nó đã được đưa tới Ukraine, dường như chuyên để khủng bố thường dân và tự quảng cáo cho mình. Sau khi thúc đẩy việc động viên một phần ở Nga vào tháng trước, Kadyrov sau đó tuyên bố rằng sẽ không có ai từ Chechnya có thể bị động viên. Người ta có thể kết luận rằng ông ta đang cứu quân của mình vì một điều gì đó khác.

Prigozhin là thủ lĩnh của thực thể lính đánh thuê mờ ám Wagner, và đã khiến chính ông ta trở nên rõ ràng hơn với tư cách đó. (Ông ấy cũng chịu trách nhiệm lãnh đạo cho Cơ quan Nghiên cứu Internet, là một trong những tác nhân trong cuộc chiến hỗn hợp chống lại Ukraine vào năm 2014 và các cuộc chiến không gian mạng chống lại Anh và Mỹ vào năm 2016.)

Wagner đã tham gia vào một số chiến dịch thay đổi chế độ, gồm cả những cuộc thanh trừng đẫm máu của những chính phủ bù nhìn Nga ở các vùng Luhansk và Donetsk, và các âm mưu ám sát Volodymyr Zelenskyi vào đầu cuộc chiến. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là lệnh của Putin. Nhưng đó là một khả năng đáng kinh ngạc.

Hiện tại, Wagner đang dẫn đầu các cuộc hành quân hàng ngày của Nga nhằm vào những cuộc tấn công ở khu vực Bakhmut của vùng Donetsk, những chiến dịch này không thực sự đi đến đâu. Wagner dường như không hoạt động tích cực ở những nơi mà Ukraine đang tiến lên, điều này quan trọng hơn. Hôm qua Gulagu.net đã đưa tin cho hay một máy bay chiến đấu Wagner đã bắn một sĩ quan quân đội Nga, điều này dường như cho thấy rằng tất cả không an toàn ở khu vực đó của mặt trận. Có phải là một sự căng thẳng khi giả sử rằng Prigozhin đang tiết kiệm bất cứ người đàn ông và vật chất quý giá nào mà ông ta còn lại? Ông ta đã công khai tuyển mộ các tù nhân Nga để chiến đấu cho Wagner ở Ukraine; tôi sẽ mạo hiểm giả định rằng ông ta sẽ gửi họ đến chỗ chết và giữ lại những người lính và quân cụ, những người có thể có tương lai trong một số chiến dịch khác.

Prigozhin và Kadyrov đang kêu gọi tăng cường chiến tranh và chế nhạo chỉ huy cấp cao của Nga bằng giọng điệu hung hăng nhất có thể, nhưng trong khi đó họ dường như đang bảo vệ người của họ. Đó cũng có vẻ như là một cái bẫy. Bằng cách chỉ trích cách tiến hành cuộc chiến, họ làm suy yếu khả năng kiểm soát thông tin của Putin; bằng cách buộc ông ta phải chịu trách nhiệm ngay cả khi họ sẽ không nhận trách nhiệm, họ càng làm lộ vị trí của ông ta hơn nữa. Họ đang nói với ông ta để giành chiến thắng trong một cuộc chiến mà bản thân họ dường như không cố gắng giành chiến thắng.

Theo logic tổng thể mà tôi đang mô tả, những đối thủ sẽ tìm cách bảo tồn bất kỳ lực lượng chiến đấu nào mà họ có, hoặc để bảo vệ lợi ích cá nhân của họ trong thời gian không thể đoán trước, hoặc để tạo ra một vở tuồng cho Moscow. Nếu đây thực sự là tình hình hiện tại, sẽ sớm có vẻ ngu ngốc đối với tất cả những người liên quan khi có quân đội đóng ở Ukraine xa xôi, hoặc, vì vấn đề đó, khiến họ bị giết ngày này qua ngày khác. Sau đó, đến một điểm tới hạn. Một khi một số người nhận ra rằng người khác đang kìm hãm quân của họ, việc dùng (hoặc khiến quân) của người đó xa lánh dường như là vô nghĩa.

Tại một thời điểm nhất định, logic này áp dụng cho chính quân đội Nga. Như Lawrence Freedman đã nêu lên, nếu quân đội muốn có một vai trò trong chính trị Nga hoặc uy tín trong xã hội Nga, những chỉ huy của họ có động cơ rút lui trong khi họ vẫn còn các đơn vị để chỉ huy. Và nếu bản thân Putin muốn tiếp tục nắm quyền, thì cả một đội quân mất uy tín hay mất tinh thần đều không có lợi cho ông ấy.

Chính việc động viên một phần bắt đầu giống như một mũi giáo chĩa sai đường: liệu có lý do gì khi đưa hàng ngàn người lính không được chuẩn bị và thiếu thốn vào cái mà họ ngày càng biết là diệt vong? Tất nhiên, giả thiết của Putin là những người lính bị động viên sẽ chết hoặc chiến thắng; nhưng nếu họ chạy trốn, họ trở thành một nhóm nguy hiểm, có lẽ đã sẵn sàng theo một thủ lĩnh khác.

Và vì vậy chúng ta có thể thấy một kịch bản hợp lý cho cách kết thúc cuộc chiến này. Chiến tranh là một hình thức chính trị, và chế độ Nga bị thay đổi sau thất bại. Khi Ukraine tiếp tục giành chiến thắng trong các trận chiến, một sự đảo ngược đi kèm với một sự đảo ngược khác: phương tiện truyền hình nghiêng về thực tế, và chiến dịch của Ukraine dẫn đến cuộc tranh giành quyền lực ở Nga. Trong một cuộc đấu tranh như vậy, không có ý nghĩa gì nếu có các đồng minh vũ trang ở xa Ukraine, những người có thể được động viên hữu ích hơn ở Nga: không nhất thiết là trong một cuộc xung đột vũ trang, mặc dù điều này không thể loại trừ hoàn toàn, nhưng để răn đe những người khác và bảo vệ chính mình. Đối với tất cả các bên liên quan, thua ở Ukraine có thể là tệ, nhưng thua ở Nga còn tệ hơn.

Logic của tình trạng thiên về người nhận ra điều này nhanh nhất và có thể kiểm soát và điều hợp lại. Một khi dòng thác bắt đầu, việc bất kỳ lực lượng nào của Nga ở Ukraine sẽ nhanh chóng trở nên vô nghĩa. Một lần nữa, từ đó không nhất thiết phải theo sau rằng sẽ có các cuộc đụng độ vũ trang ở Nga: chỉ là, khi sự bất ổn do chiến tranh ở Ukraine xuất hiện, giới lãnh đạo Nga muốn giành được lợi ích từ sự bất ổn đó, hoặc tự bảo vệ mình thoát được nó , sẽ muốn các trung tâm quyền lực của họ gần Moscow. Và điều này, tất nhiên, sẽ là một điều rất tốt, cho Ukraine và cho thế giới.

Nếu đây là điều sắp xảy ra, Putin sẽ không cần lý do gì để rút khỏi Ukraine, vì ông ấy sẽ làm như vậy vì sự sống còn chính trị của chính mình. Đối với tất cả sự gắn bó cá nhân của ông ấy với những ý tưởng kỳ quặc của ông ấy về Ukraine, tôi cho rằng ông ta gắn bó hơn với quyền lực. Nếu kịch bản mà tôi mô tả ở đây diễn ra, chúng ta không phải lo lắng về những thứ mà chúng ta có khuynh hướng lo lắng, như cách Putin cảm thấy thế nào về cuộc chiến và liệu người Nga có buồn khi thua cuộc hay không. Trong cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ ở Nga, Putin và những người Nga khác sẽ có những suy nghĩ khác, và cuộc chiến sẽ nhường chỗ cho những mối quan tâm cấp bách hơn đó.

Đôi khi bạn thay đổi chủ đề, và đôi khi chủ thể thay đổi bạn.

Tất nhiên, tất cả những điều này vẫn rất khó dự đoán, đặc biệt là ở bất kỳ mức độ chi tiết nào. Những kết quả khác hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng đường phát triển mà tôi thảo luận ở đây không chỉ tốt hơn mà còn có khả năng hơn nhiều so với viễn cảnh ngày tận thế mà chúng ta lo sợ. Do đó, nó đáng xem xét và đáng chuẩn bị.

Tác giả | Timothy Snyder là một sử gia người Mỹ về Châu Âu và là một trí thức ở cả hai lục địa. Trong số những cuốn sách của ông có On Tyranny and Bloodlands, ấn bản mới 2022. Tác phẩm của ông truyền cảm hứng cho nghệ thuật và âm nhạc, và được đọc tại các cuộc biểu tình trên khắp thế giới.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How does the Russo-Ukrainian War end? | Timothy Snyder | https://snyder.substack.com | Oct 5, 2022.