Tình báo Canada đã phúc trình với Thủ tướng Trudeau việc Cộng sản Trung Hoa bí mật tài trợ cho một số ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2019

 Sam Cooper | Trà Mi

Những nguồn tin cho biết những cáo buộc này gồm cả những ví dụ chi tiết khác về nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng của Hoa lục và lật đổ tiến trình dân chủ của Canada.

Tòa Lãnh sự CS Trung Hoa tại Toronto

Theo nguồn tin của Global News, tình báo Canada đã báo cho Thủ tướng Justin Trudeau biết Trung Hoa bị cáo buộc đã coi Canada là một mục tiêu trong  một chiến dịch lớn nhằm xen vào nội tình nước ngoài kể cả việc tài trợ cho một mạng lưới bí mật gồm ít nhất 11 ứng cử viên trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019.


Hôm thứ Hai, trả lời về một phúc trình của giới chức tình báo Canada với Thủ tướng Trung Hoa bị  cáo buộc đang nhắm vào Canada trong một chiến dịch lớn nhằm xen vào nội bộ nước ngoài, Justin Trudeau cho biết Canada đang “tạo dựng công cụ mới” để bảo vệ  thể chế của chúng ta chống lại những kẻ tìm cách phá hoại cuộc bầu cử của chúng ta.

Dựa trên thông tin gần đây từ Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS), những nỗ lực đó bị cáo buộc có  liên quan đến việc dùng những khoản tiền chi, qua trung gian, cho những ứng cử viên có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH), đặt mật vụ vào văn phòng của các dân biểu nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách, tìm cách kết nạp và hủ hóa những cựu viên chức chính phủ Canada để đạt được ảnh hưởng đòn bẩy ở Ottawa, đồng thời tổ chức những chiến dịch gây hấn nhằm trừng phạt chính khách Canada mà chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) coi là mối đe dọa đối với lợi ích của họ.

CSIS nói với Global News rằng họ không thể trả lời một số câu hỏi cho phóng sự này. Nhưng CSIS xác nhận họ đã xác định được sự can thiệp từ nước ngoài của CHND Trung Hoa vào Canada, có thể kể cả việc bí mật tài trợ để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. CSIS tuyên bố,

 “Đảng Cộng sản Trung Hoa… đang sử dụng mọi phần tử quyền lực của nhà nước để thực hiện nhửng hoạt động đe dọa trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia của chúng ta”

CSIS

Phúc trình của CSIS không xác định những ứng cử viên năm 2019 có liên hệ với Đảng CSTH. Nhưng mạng lưới xen vào cuộc bầu cử bị cáo buộc có cả những đảng viên của cả hai đảng Tự do và Bảo thủ, theo những nguồn tin thông thạo.

Global News không thể xác nhận với nguồn tin là những bộ trưởng nào trong nội các đã được quyền xem bản phúc trình của CSIS cũng như thời điểm cụ thể mà thông tin đó được thảo luận trong nội các.

Đứng đầu trong số những cáo buộc là CSIS đã báo cáo rằng tòa lãnh sự  của Trung Hoa ở  Toronto đã chỉ đạo một cuộc chuyển tiền bí mật lớn cho một mạng lưới gồm ít nhất 11 ứng cử viên tranh cử liên bang và nhiều mật vụ của Bắc Kinh từng làm nhân viên vận động tranh cử của họ.

Quỹ đen của Bắc Kinh được cho là đã được chuyển qua một Dân biểu tỉnh bang của Ontario và một nhân viên của một ứng cử viên tranh cử liên bang. Những nguồn tin riêng hiểu biết tình hình cho biết một nhóm ủy nhiệm của ĐCSTH, đóng vai trò trung gian, đã chuyển khoảng 250.000 đô la cho mạng lưới mật vụ.

Bản phúc trình năm 2022 cho biết một số, nhưng không phải tất cả, thành viên của mạng lưới bí mật đó bị cáo buộc đã tự ý liên kết với Đảng Cộng sản Trung Hoa. Các nguồn tin tình báo không kết luận liệu CSIS có tin rằng mạng lưới mật vụ này đã thành công trong việc gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tháng 10 năm 2019 hay không.

CSIS có thể thu thập thông tin qua các lệnh cho phép  chặn liên lạc điện tử  giữa những viên chức của tòa lãnh sự Trung Hoa với chính khách Canada và nhân viên của họ.

Những nguồn tin thông thạo này cho biết họ đang tiết lộ những chi tiết trong bản phúc trình năm 2022 để người dân Canada hiểu rõ hơn về những cuộc tấn công của Cộng sản Trung Hoa vào hệ thống dân chủ của Canada. Vì sợ bị trả thù, họ đã yêu cầu giấu tên.

Trả lời về chi tiết của bản phúc trình,  giới chuyên gia cho rằng những cáo buộc có việc nước ngoài xen vào nội tình của Canada cho thấy những nhược điểm trong luật gián điệp và phản gián lỗi thời của Canada, mà những mạng lưới gây nhiễu tinh vi do Trung Hoa, Nga và Iran điều hành đang khai thác.

Tuy nhiên, tin tình báo năm 2022 khẳng định rằng Cộng sản Trung Hoa dùng gián điệp xen vào nội bộ của nước ngoài nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và những mối đe dọa của CSTH với Canada đã tăng lên vào năm 2015 khi chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình nâng cấp cái gọi là mạng lưới gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Mặt trận Thống nhất .

Văn phòng Thủ tướng (PMO) đã không trực tiếp trả lời một loạt câu hỏi của Global News, kể cả việc Thủ tướng Trudeau có được phúc trình vào năm 2022 về việc tình báo Canada cáo buộc CS Trung Hoa đã bí mật tài trợ  cho một mạng lưới  bí mật của ứng cử viên trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019 hay không.

PMO cũng không trả lời câu hỏi về sự cần thiết của những quy luật liên bang chặt chẽ hơn để chống lại ảnh hưởng của nước ngoài đối với nội tình chính trị Canada. Thông báo của PMO cho biết,

“Bảo vệ an ninh của người dân Canada là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đe dọa, quấy rối hoặc hăm dọa công dân Canada là việc không thể chấp nhận được và tất cả các cáo buộc xen vào nội bộ đều được những cơ quan an ninh của chúng ta điều tra kỹ lưỡng.

Khi những mối đe dọa thay đổi thì những phương pháp dùng để giải quyết chúng cũng phải như vậy. Đó là lý do tại sao Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công  nhiệm vụ cải tiến sự hợp tác giữa những cơ quan an ninh của Canada.”

Văn phòng Thủ tướng

Ban lãnh đạo Đảng Bảo thủ đã không trả lời câu hỏi của Global News trước khi phóng sự này này được đăng tải.

Dan Stanton, một cựu nhân viên CSIS nghiên cứu về việc Trung Hoa xen vào nội bộ Canada, nhưng không được biết về phúc trình 2022 của CSIS, cho biết:

“Đơn giản là chúng ta không có phương tiện tố tụng dứt điểm để đối phó với việc  nước ngoài xen vào nội bộ của Canada. Độ tinh vi của những đe dọa đó không phải là một người đội mũ phớt và áo choàng đen, như ngày xưa ở KGB. Toàn bộ của mạng lưới gây ảnh hưởng là bất kỳ ai cũng có thể được chính phủ nước nước ngoài dùng như một người được kết nạp, hoặc như một gián điệp, hoặc là một cán bộ giao liên.”

Dan Stanton

Stanton và các chuyên gia khác nói với Global News rằng CSIS nhờ có luật chống khủng bố được hiện đại hóa đã cho phép họ giải trừ được những mạng lưới tài trợ và lập kế hoạch  kể từ vụ khủng bố ngày 11/9, nhưng luật gián điệp của Canada vẫn mắc kẹt ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Stanton nói,

“Vì vậy, cho đến khi chúng ta có những thay đổi bằng luật pháp về việc nước ngoài xen vào nội bộ thì CSIS chỉ nói nói với các chính khách của chúng ta, ‘Này, hãy cẩn thận.’”

Dan Stanton

Vào tháng 4 năm 2021, một dự luật do một Dân biểu tại Hạ viện kêu gọi lập sổ ghi danh ảnh hưởng của nước ngoài, nhưng nó đã không trở thành luật.

Những nguồn tin cho biết, Kenny Chiu, dân biểu Đảng Bảo thủ B.C, người đã viết dự luật đó, sau đó đã là mục tiêu bị mạng lưới của ĐCSTH xen vào cuộc bầu cử tại Canada theo dõi. Chiu nói rằng luật của ông sẽ buộc bất kỳ ai làm việc cho những chế độ thù địch, chẳng hạn như Nga, Iran và Trung Hoa, phải tuyên bố lợi ích của họ và sự minh bạch này sẽ bảo vệ nền dân chủ của Canada.

Tòa lãnh sự tại Toronto và giới hữu trách Trung Hoa tại Ottawa đã không trả lời câu hỏi của Global News về những cáo buộc trong bản phúc trình năm 2022.

Tiền và ảnh hưởng

 Theo bản phúc trình năm 2022, sự can thiệp vào nội tình đất nước Canada do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất quyền lực của ĐCSTH điều hành; cơ quan này huy động nhiều bộ phận trong xã hội ở nước ngoài để thực hiện những mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Hoa.

Những hoạt động của Mặt trận Thống nhất có thể gồm cả những chính khách, giới truyền thông, doanh nghiệp, sinh viên và những nhóm cộng đồng, và nhằm củng cố sự ủng hộ những chính sách của ĐCSTH cũng như nhắm vào những người đối lập và vận động bảo vệ cho những nhóm sắc tộc bị ĐCSTH coi là “chất độc”, chẳng hạn như người Uyghurs và người Tây Tạng.

Một số ứng cử viên liên bang trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019 của Canada đã gặp gỡ với những viên chức của Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất có trụ sở tại Trung Hoa, bản phúc trình tình báo cáo buộc, nhưng không xác định được những chính khách đó.

Mặc dù Mặt trận Thống nhất của Tập Cận Bình không phải là một cơ quan gián điệp, nhưng những bản phục trình tình báo cáo buộc những mạng lưới mật vụ của họ ở Canada tạo điều kiện cho những hoạt động can thiệp vào nội bộ Canada của cơ quan gián điệp nước ngoài của Trung Hoa thuộc Bộ Công An Nhà nước.

Bản phúc trình 2022 cũng cho biết Mặt trận Thống nhất của Tập Cận Bình hoạt động qua những lãnh sự quán Trung Hoa tại Canada, từ đó nhân viên tòa lãnh sự chuyển tiền vào hệ thống chính trị của Canada bằng cách sử dụng người đại diện của ĐCSTQ.

Bản phúc trình của CSIS cũng cho thấy  tình trạng rắc rối phức tạp năm 2014 về mối quan hệ đối tác của Hội đồng Học chính Toronto với Viện Khổng Tử, chương trình văn hóa-giáo dục gây tranh cãi do chính quyền cộng sản Trung Hoa tài trợ. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh phản đối sự tham gia của những Viện Khổng tử này, do chính Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất dẫn dắt.

Theo bản phúc trình, Tòa lãnh sự  Trung Hoa ở Toronto bị cáo buộc đã chuyển 1 triệu đô la cho những nhóm ủy nhiệm không xác định, những nhóm này đã tổ chức các cuộc biểu tình để ủng hộ việc tiếp tục tích hợp chương trình cuatr Viện Khổng Tử vào hệ thống hội đồng học chính của Toronto. Nỗ lực đó cuối cùng đã thất bại khi Hội đồng Học chính Toronto bỏ phiếu cắt đứt quan hệ với tổ chức của chính quyền CSTH.

Nhưng những chiến dịch của Mặt trận thống nhất của Trung Hoa bị cáo buộc còn vượt ra ngoài việc dùng tiền mua chuộc cho đến việc kết nạp những chính khách và sự quấy nhiếu đối với nhưng nhóm đối lập với  chính quyền CS Trung Hoa.

Một trong những cáo buộc kịch tính hơn trong bản phúc trình liên quan đến cuộc bỏ phiếu quan trọng vào tháng 2 năm 2021 tại Hạ viện, trong đó dân biểu sẽ ủng hộ hoặc bác bỏ một nghị quyết của Liên hợp quốc tuyên bố việc Trung Hoa đối xử với người Uyghur là một tội ác diệt chủng.

Bản phúc trình tình báo cũng cáo buộc rằng, sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, nhân viên tình báo Trung Hoa đã tiến hành điều tra chi tiết về nhân thân của những dân biểu đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, tuyên bố Trung Hoa phạm tội diệt chủng.

Mật vụ cộng sản Trung Hoa đã nghiên cứu về khu vực bầu cử của những dân biểu bị nhắm đến, để tìm hiểu về những ngành kỹ nghệ và công ty nào đang hoạt động ở đó và liệu những công ty này có liên kết kinh tế với Trung Hoa hay không.

Những nguồn tin cho biết, mục tiêu của họ là đánh giá liệu Trung Hoa có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương của những chính khách Canada mà ĐCSTH coi là kẻ thù hay không.

Ngoài ra, có cáo buộc rằng trước cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 năm 2021, một số nhỏ dân biểu cho biết họ lo sợ cho an ninh gia đình và danh tiếng cá nhân và tin rằng họ đang là mục tiêu của những hoạt động có thể gây thiệt hại cho họ trong cuộc bầu cử.

Một trong những dân biểu mà ĐCSTQ bị cáo buộc đã nhắm là mục tiêu, dân biểu Kenny Chiu, nói rằng ông tin rằng những mật vụ Trung Hoa đã thành công trong việc bôi nhọ ông là một người kỳ thị chủng tộc trên WeChat và trên những bản tin bằng tiếng Quan Thoại. Là thành viên của Steveston-Richmond, Chiu đã vận động cuộc bầu cử minh bạch ở Hong Kong, bỏ phiếu ủng hộ tuyên bố những hành động của Trung Hoa ở Tân Cương là tội ác diệt chủng, và thảo dự luật tháng 4 năm 2021 kêu gọi lạp sổ ghi danh ảnh hưởng nước ngoài. Chiu nói trong một cuộc phỏng vấn,

“Không phải ĐCSTQ đã gửi cho tôi một lời hăm dọa giết, họ chỉ muốn giết chết sự nghiệp chính trị của tôi.  

Vì vậy, trước cuộc bầu cử năm 2021, tôi đã bị giới truyền thông Hoa ngữ cách xa. Và trong suốt cuộc vận động tranh cử, mọi người đã xập cửa vào mặt tôi. Những thông điệp tôi nhận được là, ‘Kenny Chiu là một kẻ kỳ thị chủng tộc. Kenny là kẻ chống người châu Á.’”

Kenny Chiu

Tuy nhiên, một số chuyên gia lập luận rằng Chiu thắng cho Đảng Bảo thủ vào năm 2019 và khu vực bầu cử đó đã trở lại với Đảng Tự do hai năm sau đó.

Gián điệp Trung Hoa ở nước ngoài

Bản phúc trình năm 2022 cáo buộc rằng một viên chức trong  Tòa Lãnh sự Trung Hoa ở Toronto đã chỉ đạo cho một nhân viên vận độngch bầu cử liên bang năm 2019 kiểm soát và giám sát các cuộc họp của các ứng cử viên. Những nỗ lực này gồm cả việc ngăn chặn các cuộc gặp gỡ với đại diện của Đài Loan, một quốc gia dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh nổi loạn.

Theo bản phúc trình, kiểu xen vào sinh hoạt nội bộ loại này cũng mở rộng đến giới dân cử, đề cập đến những trường hợp trong đó các mật vụ bí mật được cài cắm vào với giới dân cử để cố gắng kiểm soát những lựa chọn chính sách của những dân biểu liên bang. Harry Tseng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan và là nhà ngoại giao hàng đầu ở Ottawa cho biết,

“Tôi không ngạc nhiên chút nào. Hoạt động loại này được Bắc Kinh chỉ đạo cho nhiều lãnh sự quán ở nước ngoài. Tôi nghĩ Trung Hoa có thể cưỡng chế được như vậy vì họ có một danh sách rất đầy đủ về những chính khách của Canada.

Và khi họ có thể tìm thấy mối liên hệ với Trung Hoa, họ có thể giật dây gây ảnh hưởng đến người dân Canada.”

Harry Tseng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan

Bản phúc trình năm 2022 cũng trình bày chi tiết các nỗ lực của tình báo Trung Hoa nhằm xâm nhập, khảo sát và “gây rối” trong những cộng đồng người Hoa hải ngoại.

Fenella Sung, một nhân vật lãnh đạo cộng đồng người Canada gốc Hong Kong tại Vancouver, cho biết từ lâu bà đã tin rằng tình báo Trung Hoa đã thâm nhập vào những cộng đồng người Canada gốc Hoa bằng cách sử dụng các chiêu dụ kinh doanh và “chiến tranh tâm lý tinh vi”.

Bà cũng tin rằng Mặt trận Thống nhất của Trung Hoa kiểm soát và tài trợ cho mạng lưới những ứng cử viên và những cuộc đề cử ứng viên “có thể hoán đổi cho nhau” ở một số tỉnh bang như British Columbia và Ontario.

Tunisa Matsedik-Qira, một người hoạt động Canada gốc Uyghur, cho biết nhiều người trong cộng đồng của bà tin rằng các mật vụ Trung Hoa đã theo dõi và quấy rối họ. Bà đã cung cấp những bức ảnh từ bài bà đã đăng trên Facebook vào tháng 12 năm 2021 cho thấy sự quấy nhiễu. Trong bài đăng, Matsedik-Qira nói rằng bà ấy đang biểu tình bên ngoài Tòa Lãnh sự Trung Hoa ở Vancouver khi một chiếc xe lao tới, và hai người đàn ông nhảy ra ngoài. Matsedik-Qira nói,

“Một trong số họ đã nhổ nước bọt vào người tôi và nói, ‘Tôi ước tất cả những người Uyghur của bà chết hết đi.

Tôi sợ hãi và lo lắng cho sự an toàn của mình. Tôi nghĩ chắc chắn ông ta có liên hệ với Tòa Lãnh sự Trung Hoa. Tòa Lãnh sự có nhiều người ở Canada làm việc cho Trung Hoa.”

Tunisa Matsedik-Qira

Hồi hương cưỡng bức

Bản phúc trình năm 2022 cũng làm sáng tỏ cái gọi là Fox Hunt của CSTH, một chiến dịch quốc tế nổi tiếng trong nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm chống tham nhũng và thuyết phục những kẻ đào tẩu kinh tế quay trở lại Trung Hoa.

Giới chuyên gia an ninh quốc gia cho rằng Fox Hunt không phải là cuộc chiến chống tham nhũng mà nhiều hơn là về việc ĐCSTH mở rộng những chiến dịch đàn áp vào những cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài và kìm hãm những đối thủ và những người bất đồng chính kiến.

Bản phúc trình năm 2022 cáo buộc rằng một trong những mục tiêu Fox Hunt của Trung Hoa ở Canada có mối liên hệ với Bộ Chính trị, nhóm lãnh đạo tối cao của ĐCSTH.

Mối quan tâm đã dấy lên vào năm 2020 khi một công an Trung Hoa làm việc với một cảnh sát Canada để hồi hương một người đào tẩu kinh tế. Bản phúc trình năm 2022 cáo buộc rằng trong một vụ cưỡng bức hồi hương khác, công an Trung Hoa đã đưa anh và cha của một nhân vật là mục tiêu của Fox Hunt vào Canada và không cho phép họ trở lại Trung Hoa trừ khi  người đào tẩu kinh tế cũng đồng ý quay trở lại.

Một báo cáo mới của tổ chức phi chính phủ nhân quyền Tây Ban Nha SafeGuard Defenders củng cố những nghi ngờ này, xác định ba đồn cảnh sát bí mật của Trung Hoa ở Toronto, trong số 50 đồn tương tự trên toàn thế giới, được đùng để hồi hương những người bị coi là mục tiêu của Fox Hunt. SafeGuard Defenders trích dẫn hồ sơ nhà nước Trung Hoa kết nối những địa điểm ở Toronto với những văn phòng công an ở tỉnh Phúc Kiến.

Dan Stanton, cựu nhân viên CSIS, và David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Hoa, nói rằng Canada dễ bị ảnh hưởng hơn những nước dân chủ phương Tây khác đối việc Trung Hoa xen vào nội tình của Canada, và khi Hoa Kỳ, Anh và Úc tăng cường luật chống can thiệp và tăng cường mở những cuộc điều tra về mạng lưới Mặt trận Thống nhất của Tập Cận Bình, Ottawa vẫn bất động một cách kỳ lạ.

Mulroney nói:

“Hai khía cạnh đáng lo ngại nhất của vấn đề này là ngoại bang can thiệp trực tiếp vào tiến trình bầu cử của chúng ta và chúng ta đang thấy bằng chứng về điều này, và và quấy rối những người dân Canada gốc Uyghur và gốc Tây Tạng, những người có họ hàng dễ bị tổn thương ở Hoa lục.”

David Mulroney

Global News cũng mô tả một số cáo buộc mà những nguồn tin nói rằng đã được thông báo cho Trudeau vào năm 2022, gồm cả sự can thiệp của Trung Hoa vào cuộc bầu cử và nhắm mục tiêu vào những dân biểu và cộng đồng người ngoại kiều ở Canada cho Dennis Molinaro, cựu chuyên viên phân tích cao cấp của CSIS và chuyên gia về can thiệp nước của ngoài, người hiện đang dạy pháp lý nghiên cứu tại Đại học Kỹ nghệ Ontario.

Molinaro cho biết nếu những nguồn tin cảnh cáo tình báo của CSIS nói rằng đã phúc trình cho Trudeau được xác nhận là chính xác, thì lo ngại trước mắt là lý do tại sao chính phủ vẫn chưa có hành động đối phó bằng cách dùng luật mới để chống lại những mối đe dọa đó. Molinaro nói,

“Mức độ hoạt động xen vao nội bộ của nước ngoài mà quý vị mô tả là nghiêm trọng và đáng báo động. Và nếu được xác nhận, mức độ can thiệp mà quý vị vừa trình bày cho tôi biết rằng những đối thủ nước ngoài hiểu rõ những lỗ hổng lập pháp hiện có ở Canada và đang tận dụng  chúngmột cách tối đa.”

Dennis Molinaro

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Canadian intelligence warned PM Trudeau that China covertly funded 2019 election candidates: Sources | Sam Cooper | Global News | Nov 07, 2022.