CÓ MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC VỀ TẤM ẢNH “EM BÉ NAPALM”

Ngoc Nguyen Vinh

Tác phẩm ảnh báo chí “Em bé Napalm” được chụp năm 1972 tại Trảng Bàng (Tây Ninh, Việt Nam) đã mang lại cho hãng tin AP giải Pulizter danh giá. Nó được gắn với tên tuổi của Nick Út, người trước đó hoàn toàn vô danh.

Khi gởi tấm ảnh đó về tổng hành dinh hãng AP, trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn Horst Faas không nghĩ rằng nó sẽ được trao giải.

Nick Út cầm tấm hình nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, “Em bé Napalm” (“Napalm Girl”: Ngày 8 tháng 6 năm 1972: Kim Phúc, ở giữa, trần truồng chạy trên con đường gần Trảng Bàng, Việt Nam). Hình ảnh do Nick Út cung cấp chohttps://www.vice.com/

CUỘC GẶP TÌNH CỜ

Tôi gặp anh Carl Robinson, 80 tuổi, trong một chuyến đi phượt cùng nhau ở vùng núi Tây Bắc vào tháng 9 năm 2022. Chuyến đi này do một người bạn của tôi là nhà du khảo Đoàn Kim Trang tổ chức. 

Carl Robinson từng làm cho hãng tin AP tại Sài Gòn từ năm 1968 đến năm 1975. Anh cưới 1 người vợ Việt Nam trong thời gian làm việc ở quốc gia này.  Carl Robinson hỏi tôi, liệu tôi có muốn khám phá sự thật về một anh hùng hay không (anh dùng từ hero).

Tôi hỏi ai và chuyện gì, anh trả lời là Nick Út cùng với tấm ảnh “Em bé Napalm”.

Sau khi biết được câu chuyện, tôi thấy đây là một vấn đề khó gặm. Lật tẩy một huyền thoại đã được lịch sử nhiếp ảnh báo chí thừa nhận cách đây hơn nửa thế kỷ, khi mọi vật chứng và nhiều nhân chứng đã mất?

Thế nhưng là một nhà báo, tôi không thể bỏ qua câu chuyện này mà không ghi ra đây để hầu mọi người.

NHÂN CHỨNG SỐ 1

Biên tập viên của Associated Press: Horst Faas (lưng quay về máy hình), Max Nash giữa), và Carl Robinson (phải), đang làm việc ở phòng hình ảnh của AP tại Saigon, Việt Nam, April 1968. Hình ảnh của AP Photo

Dĩ nhiên đó là Carl Robinson, người nghĩ rằng, lương tâm không yên ổn nếu trước khi chết không nói ra được sự thật đã ám ảnh ông, kể từ khi tấm ảnh “Em bé Napalm” được hưởng mọi vinh quang của nó cùng với Nick Út.

Tấm ảnh này đã góp phần kết thúc một cuộc chiến lớn nhất nửa sau thế kỷ 20, được vinh danh là số 1 trong 10 tấm ảnh báo chí mọi thời đại. Người chụp nó đã được gặp những nhân vật quyền quý nhất của thế giới này, từ các tổng thống cho đến Đức Giáo hoàng, được dự những buổi lễ vinh thân trang trọng nhất…

Nhưng sự thật, theo Carl Robinson là Nick Út không phải tác giả của tấm ảnh, dù anh cũng có mặt tác nghiệp tại Trảng Bàng thời điểm bé Kim Phúc chạy ra từ môt xóm đạo bị thả bom Napalm với nhiều vết phỏng trên người.  Hôm ấy, có nhiều phóng viên các hãng chứ không chỉ Nick Út của AP.

Anh Đặng Văn Huân, người phụ trách phòng tối của AP tại Sài Gòn. Người từng khẳng định với Carl Robinson tấm ảnh Em bé Napalm là của Huỳnh Văn Nghệ. Đứng sau anh là Nick Út lúc này đang giúp việc trong phòng tối. Ảnh của tác giả Ngoc Nguyen Vinh để trên Facebook
  1. Những phân tích của Carl Robinson cho thấy, từ góc đứng của mình, Nick Út không thể chụp được tấm ảnh “Em bé Napalm” mà là một người khác. 
  2. Là biên tập viên ảnh, Carl Robinson đã trình tấm ảnh đó cho người phụ trách văn phòng AP tại Sài Gòn là Horst Faas. Anh biết rõ tấm ảnh đó do một người khác chụp nhưng không hiểu sao Horst Faas lại ra lệnh ghi tên tác giả là Nick Út khi gởi nó đi. 
  3. Cuốn phim chứa tấm ảnh ấy được hãng AP tại Sài gòn mua lại của một phóng viên ảnh tự do làm cho hãng NBC. Cuốn phim nào mua của ai được nhân viên AP ghi sổ cẩn thận cũng như đề tên người đó trên cuốn phim.
  4. Theo Carl Robinson, có hai nhân chứng quan trọng biết rõ tác giả tấm ảnh là người phụ trách phòng tối và nhân viên ghi sổ phim ngày ấy nhưng giờ đã lên thiên đàng.
  5. Theo Carl Robinson, sở dĩ Horst Faas yêu cầu nhân viên dưới quyền ghi tên Nick Út là tác giả vì Nick Út là nhân viên của hãng AP; thêm nữa, Horst Faas làm vậy vì ông nợ ơn cái chết của người bạn thân — cũng là anh ruột của Nick Út tên Huỳnh Thành Mỹ, phóng viên ảnh của AP đã tử trận trước đó trên chiến trường. Nick Út được tuyển vào AP cũng vì hãng tin này muốn trả ơn cho Huỳnh Thành Mỹ. (Riêng chi tiết trả ơn này, tôi được chính Nick Út kể cho nghe khi gặp anh viết bài vào năm 2000).

Khi tấm ảnh “Em bé Napalm” đọat giải Pulitzer, tại sao Carl Robinson cùng các cộng sự của ông không lên tiếng đính chính về tác giả thật sự của tấm ảnh mà phải đợi đến 50 năm sau mới tìm cách phơi bày sự thật này ra với công chúng?

Carl cho rằng, lúc ấy, danh tiếng và sự ảnh hưởng của tấm ảnh quá lớn đối với công chúng toàn thế giới. Không chỉ Nick Út mà cả hãng AP đều được hào quang của tấm ảnh chiếu rọi, họ không muốn bất kỳ một sự rủi ro nào có thể xảy đến cho tấm ảnh. Bản thân Carl Robinson biết chắc mình sẽ bị đuổi việc nếu lên tiếng về tác giả thật sự của nó, trong khi anh cần việc làm và một vợ cùng 3 con nhỏ đang sống bằng tiền lương của anh.

Cho nên Carl Robinson đã im lặng. Những người khác dưới quyền Horst Faas cũng im lặng dù người ta xì xào sau lưng ông ấy.

Tác giả Ngoc Nguyen Vinh cùng vợ chồng Carl Robinson. Ảnh của tác giả Ngoc Nguyen Vinh để trên Facebook

ĐI TÌM NHÂN CHỨNG CUỐI CÙNG

Muốn dựng lại câu chuyện, một mình Carl Robinson là không đủ, cần một nhân chứng quan trọng nhất là người chụp tấm ảnh đó, người mà văn phòng AP tại thời điểm đó ai cũng biết là ai nhưng không biết hiện giờ đang ở đâu, còn sống hay đã chết?

Anh ta chính là chìa khóa của câu chuyện và cũng là nhân chúng cuối cùng, nhưng mọi tìm kiếm nát óc đều vô vọng, ngay cả Carl Robinson cũng chỉ biết anh ta có một cái tên duy nhất là Nghệ. Không họ, không chữ lót. Làm sao tìm ra anh ta sau nửa thế kỷ vật đổi sao dời không biết sống chết ra sao?

Huỳnh Văn Nghệ cùng các phóng viên khác tại Trảng Bàng đang chụp ảnh các nạn nhân bom napalm. Ảnh của tác giả Ngoc Nguyen Vinh để trên Facebook

Đó là khi tôi được nhờ vả.

Carl Robinson theo dõi Facebook của tôi và biết rằng nó có thể ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thông tin một cá nhân. Anh đưa cho tôi vài tấm ảnh mơ hồ không rõ mặt mũi của Nghệ tại thời điểm Mỹ ném bom Napalm tại Trảng Bàng và Kim Phúc chạy ra.

Tôi đăng các tấm ảnh đó lên trang phây (Facebook) Vinh Râu cùng chú thích những những đặc điểm cần thiết để tìm kiếm.

Thật là kỳ diệu, vài tuần sau, qua nhiều đầu mối bạn phây (Facebook) từ Việt Nam và Mỹ, anh Nghệ đã điện thoại cho tôi và  bảo rằng anh ta chính là người tôi tìm kiếm.

Họ tên đầy đủ của anh là Huỳnh Văn Nghệ hay còn gọi là Davis Nghệ (tên Mỹ). Khi biết được mục đích tìm kiếm của tôi anh liền nói ngay, chính anh là người chụp tấm ảnh “Em bé Napalm”.

Nhận được điện thoại, tôi lập tức lên đường đi Vĩnh Long để gặp anh Nghệ. Anh từ Mỹ về đây được một tháng.

Huỳnh Văn Nghệ qua Mỹ trước ngày 30-4-1975 và làm cho một hãng ảnh ở Hollywod. Anh sinh năm 1937 (86 tuổi). Thời điểm chụp tấm ảnh “Em bé Napalm”, Nghệ đang làm cho hãng NBC (Mỹ) tại Sài Gòn. Anh chính là người lái xe chở cả đoàn quay phim của NBC lên điểm hẹn có bom nổ tại Trảng Bàng.

Anh Huỳnh Văn Nghệ cùng Vinh Râu (tác giả) tại Vĩnh Long hôm nay. Ảnh của tác giả Ngoc Nguyen Vinh để trên Facebook

Theo lời Nghệ, sau khi về Sài Gòn, anh mang phim chụp Kim Phúc đến văn phòng AP để bán. Trưởng văn phòng Horst Faas trực tiếp nhận phim  và trả anh 20 đô Mỹ. Sau khi rửa ảnh xong, Horst Faas tặng cho Nghệ tấm ảnh “Em bé Napalm” cùng 4 cuộn phim mới. Nghệ kể rằng ông mang tấm ảnh về nhà để trên đầu tủ lạnh nhưng vợ ông thấy hình ảnh em bé lõa lồ nên đem vứt sọt rác.

Sau khi tấm ảnh được giải, những người quen với Nghệ trong văn phòng AP xúi ông lên tiếng để giành tấm ảnh cho mình, nhưng ông đã im lặng. Tôi hỏi tại sao im lặng, ông bảo, vì đó là số phận của ông.

Giấy phép lái xe của NGUYEN DAVIS NGHE. Ảnh của tác giả Ngoc Nguyen Vinh để trên Facebook

Horst Faas, người duy nhất có thể thay đổi tên tác giả trên tấm ảnh “Em bé Napalm” đã không hề lên tiếng về vấn đề này. Về sau, ông chỉ viết một bài báo kể lại việc ông đã dũng cảm như thế nào khi chọn tấm ảnh lõa lồ của một cô bé để gởi đi.

Horst Faas cũng là 1 phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng. Ông được 2 giải Pulitzer, trong đó có một giải về ảnh chiến tranh Việt Nam năm 1965. Giờ ông đã ra người thiên cổ và mang sự thật xuống mồ.

Tôi không tin Carl Robinson có thể thêu dệt ra câu chuyện này, và tôi cũng không tin Huỳnh Văn Nghệ có thể dối trá đến mức quàng xiên thừa nhận 1 tấm ảnh không phải của mình. Và tôi cũng không đủ dữ liệu để cho rằng Nick Út không phải là người chụp tấm ảnh “Em bé Napalm”.

Liệu hai nhân chứng Carl Robinson và Huỳnh Văn Nghệ với những lời thú nhận muộn màng của họ cùng những vật chứng liên quan có đủ sức để lật tẩy một huyền thoai được lịch sử nhiếp ảnh xác lập đúng nửa thế kỷ qua?

Sự thật đang nằm trong tay Nick Út.

Theo tôi biết, có một đoàn phim người Mỹ, thông qua Carl Robinson, đang đào bới vấn đề này, không biết kết quả sẽ ra sao.

Sài gòn tháng 5-2023

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Ngoc Nguyen Vinh (Ngọc Vinh), “CÓ MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC VỀ TẤM ẢNH “EM BÉ NAPALM””. URL: https://www.facebook.com/ngoc.vinh.315, May 15, 2003.

DCVOnlilne biên tập, trình bầy và phụ chú.

(1) Trong hình sau cùng tác giả Ngoc Nguyen Vinh để trên Facebook, giấy lái phép lái xe của ông NGUYEN DAVIS NGHE và tác giả ghi chú “tấm thẻ của anh Nghệ được bang Cali cấp”. Theo tác giả, “anh Nghệ” ở đây là ông Huỳnh Văn Nghệ, cựu nhân viên NBC. Rất rất có thể tác giả ghi lầm họ ông Nghệ là Huỳnh thay vì Nguyễn như ghi trên giấy phép lái xe ở Mỹ.
(2) “Carl đã chứng kiến một số sự kiện quan trọng trong cuộc chiến. Sau Tết (Mậu Thân), ông nghỉ việc tại USAID và làm việc trong đoàn báo chí Sài Gòn. Là một biên tập viên ảnh của Associated Press vào năm 1972, chính ông đã gửi cho thế giới bức ảnh đoạt giải Pulitzer của Nick Ut chụp Kim Phúc khỏa thân chạy trên đường trong cuộc tấn công bằng bom napalm, một tấm hình  tiêu biểu cho thảm kịch Việt Nam.” Nguồn:  John Hanscombe, “Carl Robinson on love, life, drug addiction and the Vietnam War”, The Canberra Times, November 7 2020. Bài John Hanscombe viết  về Cal Robison khi ông và vợ, Kim Dung, đã về nghỉ hưu ở Calderwood, gần Wollongong phía nam Sydney ở Úc.

Kim Dung và Carl Robinson cùng cười khi xem ảnh của họ trong cuốn sách The Bite of the Lotus của Carl Robinson. Ảnh: Sylvia Liber/The Canberra Times

(3) Horts Faas và Marianne Fulton viết, “Horst Faas, biên tập viên ảnh Sài Gòn của AP năm 1972, người đã chọn và gửi bức ảnh đi.” (Nguồn: HORST FAAS AND MARIANNE FULTON, A Young Girl’s Cry for Help in Vietnam and the Photographer who saved her are Honored by the London Science Museum and Queen Elisabeth II. URL: https://digitaljournalist.org/issue0008/ngtext.htm

(4) Trong một cuộc phỏng vấn tháng 4 năm 2000, Giám đốc văn phòng AP Saigon Richard Pyle nhớ lại rằng Horst Faas đã nói “Tôi nghĩ chúng ta có một giải Pulitzer khác ở đây” khi ông ấy xem phim của Nick  Út bằng kính lúp vào năm 1972. Trong cùng một cuộc phỏng vấn, Horst nói thêm: “Đó vẫn là một trong những bức ảnh thời sự hoàn hảo nhất mà tôi đã xem trong suốt 50 năm làm phóng sự ảnh.” (Nguồn: HORST FAAS AND MARIANNE FULTON, ibid.)
(5) “Nick Út vẫn toát mồ hôi kể từ khi rời Trảng Bàng. Đồng tử ông ấy giãn ra nhìn thấy mọi thứ trong một quầng đỏ, hậu quả của việc nhìn bom napalm. Khi đến văn phòng AP, người duy nhất ở đó là một kỹ thuật viên tên Jackson. Nick Út đưa cuộn phim của mình và Jackson biến mất vào phòng tối. Nick đi đi lại lại để ổn định thần kinh.

Trưởng phòng Ảnh Horst Faas trở lại một giờ sau đó. Lúc này phụ tá của ông, Carl Robinson, đã chỉnh sửa các bức ảnh trong ngày và quyết định không rửa tấm hình chụp Kim Phúc của Nick Ut vì quy tắc của AP cấm ảnh hoàn toàn khỏa thân. Tuy nhiên, ngay khi Faas nhìn thấy bức ảnh, ông ấy đã biết đó là ‘tấm ảnh’. Ông ấy quyết định ngay lập tức phá bỏ quy tắc và gửi bức ảnh tới trụ sở của AP ở New York. Nếu ông còn bất kỳ nghi ngờ nào, thì chúng đã bị xua tan vì những các phóng viên thường ghé qua vào buổi tối để xem những bức ảnh mà AP đang truyền về Mỹ. Nhiếp ảnh gia David Burnett của tạp chí LIFE, người đã từng ở Trảng Bàng, nhìn thấy bức ảnh của cô gái và nói, ‘Chắc chắn là hơn hẳn bất cứ những tấm hình tôi chụp được.’” ( “The story of what became of the napalmed girl in the most famous Vietnam picture is extraordinary. So is the story of how the picture was taken. A new book tells them both”, The Guardian, Sun 3 Sep 2000. Đây là một đoạn trích trong cuốn sách The Girl in the Picture. của Denise Chong.
(6) “Nick lấy một áo poncho để che thân thể trần truồng của cô bé.

Biết sẽ có phương tiện di chuyển, cha của Phúc năn nỉ những nhà báo đưa con gái đi bệnh viện, gần nhất là bệnh viện ở Củ Chi, trên đường về Sài Gòn.

Nick Út, run rẩy vì những gì ông đã chứng kiến, nghĩ về thời hạn của mình và về sự cạnh tranh của UPI. Ông cảm thấy bị giằng xé giữa việc cố gắng làm điều nhân đạo và trở về Sài Gòn càng nhanh càng tốt. Đã trễ một cách nguy hiểm. Sẽ có những người tị nạn trên đường làm xe chạy chậm lại, mất thời gian dừng lại ở bệnh viện. Và càng về sau, ông nhận ra, ông có thể gây rủi ro không chỉ cho tính mạng của mình mà cả người lái xe. Đêm xuống là ‘giờ của Việt Cộng’. […]

Út và tài xế của ông ấy đã kịp đến bệnh viện. Họ để Kim Phúc và một nạn nhân bom napalm khác cho một y tá và lên đường trở về Sài Gòn.” (Nguồn: Nguồn: Denise Chong, ibid.)
(7) “Ông cầu xin các bác sĩ và y tá chăm sóc cho Phan Thị Kim Phúc – và họ đã làm như vậy. Út kể cho họ nghe những gì ông đã thấy trên QL số 1, những gì ông đã chụp và anh mong những bức ảnh của mình sẽ được phổ biến khắp nơi.

Chỉ đến khi Kim Phúc lên bàn mổ, Nick Út mới rời bệnh viện trở về Sài Gòn để mang phim của mình đến cho AP.

28 năm sau, tại London, Kim Phúc nói trước Nữ hoàng: “Ông ấy đã cứu mạng tôi“.

Nick Ut nhớ lại ở London, 28 năm sau, với Kim Phúc đang đứng bên cạnh:

“Khi chúng tôi đến đó, bệnh viện đã chật ních người bị thương. Tôi có cảm giác rằng cô y tá cấp cứu tiếp chúng tôi có ý định đưa Kim Phúc vào bệnh viện chứ không đưa cô bé đi điều trị ngay – coi đó là một trường hợp vô vọng và sớm muộn gì cũng chết. Tôi đã đi gặp bác sĩ và giải thích tôi là ai, tôi đã chụp những gì và Kim Phúc cần được chữa trị ngay lập tức.”

Nick Út

Kim Phúc nói ở London về Nick Út: “Ông ấy đã cứu mạng tôi. Ông ấy thật tuyệt vời phải không? Tôi rất biết ơn vì ông ấy không chỉ làm công việc của mình mà còn là một con người lo giúp cho người khác.”

Kim Phúc bây giờ gọi Huỳnh Công ‘Nick’ Út là ‘chú Út’.” (Nguồn: HORST FAAS AND MARIANNE FULTON, ibid.)