Mẫu Đơn và tôi

Hương Cao

Không biết tôi và Mẫu Đơn trở thành đôi bạn tâm giao từ lúc nào. Nếu xét về tính tình thì chúng tôi quả thật là đối kháng.

Mẫu Đơn trầm tĩnh, ít nói, chững chạc, còn tôi thì hiếu động, nói lách chách suốt ngày và rất lóc chóc, đứng ngồi không yên. Thời tiểu học, chúng tôi học cùng lớp, tôi rất mến Mẫu Đơn vì tính tình hiền hoà của bạn nhưng chúng tôi vẫn chỉ là bạn cùng lớp, thế thôi. Sau đó lên trung học thì mỗi người một trường, thỉnh thoảng gặp nhau, gật đầu chào nhau rồi đường ai nấy đi.

Tôi gặp lại Mẫu Đơn ở trường Văn Khoa. Hai đứa chọn cùng một ban nên suốt hai năm học, chúng tôi gặp nhau thường xuyên, ngồi gần nhau, cùng trao đổi học hành với nhau, dần dần trở nên thân thiết. Ngoài cái bề ngoài trông rất chõi nhau của chúng tôi, tôi dần dần tìm thấy những điểm thật giống nhau giữa hai chúng tôi. Có lẽ vì cùng chọn ban triết nên chúng tôi đã có những nếp suy tư không giống ai, nếu không gọi là lạc lõng. Tôi và Mẫu Đơn còn rất thích những phiêu diêu của Lão Trang. Chúng tôi thích câu nói, “Coi chừng sự trở lại của cái đòng đưa” của thầy Cần. Chúng tôi cùng thốt lên khi thầy bước vào lớp, “Hãy nói là anh yêu em mặc dù là nói láo” rồi đưa mắt nhìn nhau cười khiến thầy Cần cũng phì cười luôn. Đây là triết lý của thầy Cần, rằng người nào cũng không thích nghe điều nói thật.

Mẫu Đơn. Nguồn: https://www.pngwing.com/

Có lẽ do ảnh hưởng môn học, Mẫu Đơn coi bói dịch rất hay. Có những buổi chiều rảnh rỗi chúng tôi hẹn nhau đi chơi, hai đứa vừa định ra cổng thì bỗng Mẫu Đơn bảo tôi đợi một chút, Mẫu Đơn rút trong xách ra một cây bút, một cuốn sổ, loay hoay tính toán rồi quay quả vào lại trong nhà. Lúc trở ra thấy Mẫu Đơn tay cắp một cái áo mưa, cười cười nói với tôi rằng bạn bắt quẻ chiều nay mưa, đem áo mưa cho chắc ăn. Tôi nhìn Mẫu Đơn hơi nghi ngờ nhưng cũng ghé về nhà lấy áo mưa mang theo. Quả nhiên chỉ một chốc sau trời đang nắng chang chang bỗng ào ào mưa xuống. Những cơn mưa rào của cái đất Saigon thật là quái ác, cứ “không hẹn mà đến, không đợi mà đi” khiến cho ai mà không chuẩn bị là ướt như chuột lột. Cám ơn Mẫu Đơn, chiều hôm đó chúng tôi về nhà với bộ quần áo khô ráo.

Những buổi học thi, nhóm chúng tôi bốn người hẹn nhau ra viện bảo tàng trong sở thú, vừa mát mẻ, vừa yên tịnh, rồi mỗi người tự chọn một góc ngồi học, đến giờ ăn trưa thì họp mặt. Đôi khi căng thẳng quá, Mẫu Đơn lại áp dụng phương pháp bói toán để giảm nhẹ sự căng thẳng của chúng tôi. Chúng tôi muốn đoán xem kỳ này thầy nào sẽ ra đề để kê thêm cái tủ cho chắc hơn một chút. Mẫu Đơn bảo tôi đi hái một cành lá. Khi đem vào, Mẫu Đơn đếm lá, tính tính, toán toán rồi nói với chúng tôi là Mẫu Đơn thấy vị đó dáng vừa người, trắng. Chúng tôi đoán ra hai người có cùng dáng dấp là thầy Trị và thầy Lê Tôn Nghiêm. Rồi sau đó chúng tôi làm bài toán trừ, thầy Trị là trưởng khoa triết tây, thầy bận rộn lắm, chắc không thể ra đề, như vậy chỉ còn thầy Lê Tôn Nghiêm.

Kỳ đó chúng tôi trúng tủ, nhưng tủ… ba chân vì bài vở vừa đông vừa tây nặng quá nên không thể học kỹ môn thầy Nghiêm. Kết quả là hai đứa chỉ dính môn triết Đông mà trợt vỏ chuối môn triết Tây, phải đợi khoá hai.

Khoá hai, nhóm chúng tôi cũng cùng nhau học, Mẫu Đơn bói ra thầy Đỉnh. Chúng tôi cùng nhau quần thảo quyển triết học Kant của thầy Đỉnh thật kỹ. Kỳ thi này nhiều người bỏ giấy trắng vì đề thầy Đỉnh ra rất ngắn nhưng chúng tôi phải thấu triệt toàn bộ, phải trình bày từ đầu đến cuối quyển sách của thầy, “Triết học Kant”. Đề chỉ thế thôi mà mọi người mướt mồ hôi trán.

Nhóm tôi như được chắp đôi cánh, chỉ viết và viết cho đến hết giờ, nộp bài! Tất cả chúng tôi đều dính bảng vàng khoá hai. Vì vậy sau lần này thì tôi bái phục tài bói toán của Mẫu Đơn. Cũng nhờ tài bói dịch mà Mẫu Đơn được thầy Cần nhận cho làm cao học với đề tài “Kinh Dịch và bói toán” khi còn nửa năm cuối. Trong khi chúng tôi còn chưa chuẩn bị gì cả thì Mẫu Đơn đã sẵn sàng hết.

Cổng trường đại học Văn Khoa (ngày xưa). Nguồn: OntheNet

Ngày qua ngày chúng tôi dần dần xích lại gần nhau hơn, ban đầu chỉ gặp nhau ở trường, nói chuyện với nhau trong phạm vi học hành, rồi dần dần tôi tới đón Mẫu Đơn đi học, chở Mẫu Đơn về. Phạm vi nói chuyện cũng rộng lần.

Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chính trị đến văn hoá, xã hội và cũng nhờ những buổi chuyện trò thân mật đó, tôi từng điểm, từng điểm một, bắt gặp sự giống nhau giữa tôi và Mẫu Đơn.

Chúng tôi trao đổi với nhau về lý tưởng của mình, có những mơ ước rất là không tưởng cũng được chúng tôi nói ra, bàn luận sôi nổi, tưởng chừng như sắp thực hiện tới nơi. Chúng tôi cùng thích bài hát “Dựng lại nhà, dựng lại người”, cùng có ước mơ có một ngày xã hội sẽ ít bất công hơn, quốc gia sẽ hưng thịnh hơn, những người trẻ chúng tôi vai ba lô, chân đi giày bata len lỏi vào các vùng quê , đem kiến thức mà mình góp nhặt được, phụng sự tổ quốc. Giấc mơ của tuổi trẻ trong sáng làm sao! Cao đẹp làm sao!

Ngoài giờ học, Mẫu Đơn đi dạy kèm để phụ thêm vào số tiền gia đình gửi, vì vậy đời sống của Mẫu Đơn rất đạm bạc. Mẫu Đơn là mẫu người rất phấn đấu và nhẫn nhục vì vậy bạn đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn tất việc học.

Mẫu Đơn rất tự trọng nên tôi chỉ còn âm thầm bên cạnh, làm những điều gì tôi có thể làm cho bạn thôi. Với lòng thương mến lẫn kính phục nên tôi thường đến với Mẫu Đơn để học hành và cùng nhau thảo luận những vấn đề khó khăn trong sách vở.

Mẫu Đơn ở Đại học xá có nhiều cây cao, bóng mát rất lý tưởng cho việc học hành và mơ mộng. Khi tới đó, tôi thường mua một ít thức ăn gọi là phụ thêm với phần cơm đạm bạc trong đại học xá. Mẫu Đơn thường xin phiếu cơm của các bạn có tiền, bỏ phần cơm không ăn, cho tôi, một bát canh lỏng bỏng nước với vài lát bí đao, vài con tôm khô, một dĩa thịt kho hay cá kho nhỏ. Chúng tôi ăn uống qua loa rồi học tiếp.

Có đôi khi đi ngang qua bàn của những bạn thường bỏ phần cơm, thấy la liệt nào là lá nem, lá chả, Mẫu Đơn chỉ cho tôi rồi nói, “Liên xem, một bữa ăn của họ có thể bằng một tháng chi phí của Mẫu Đơn.”

Nghe giọng nói đầy cay đắng, chịu đựng của Mẫu Đơn tôi càng thấy thương bạn hơn.

Cả hai chúng tôi đều muốn xã hội tốt đẹp hơn, cùng muốn dùng đầu óc nhỏ nhoi và hai bàn tay yếu ớt của mình để giúp sức cho đất nước bớt nghèo khổ hơn, bớt đen tối hơn nhưng… sức thì yếu, tài thì hèn nên chỉ biết trút xả tâm sự cho nhau.

Rồi thời gian qua mau, chúng tôi cùng ra trường.

Cùng ra trường nhưng tôi lại được bổ đi dạy đúng cấp, đúng môn học, lại được vào khế ước. Mẫu Đơn vì thân cô, thế cô, chỉ có thể có một chỗ dạy ở nơi xa xôi hẻo lánh của vùng Long Khánh, lại phải dạy giờ trung học đệ nhất cấp. Biết rằng chỉ một hay hai năm là Mẫu Đơn có thể được điều chỉnh để dạy đúng cấp, đúng môn nhưng vẫn có chút gì đó… cay đắng.

Đá Ba Chồng Định Quán – Long Khánh 1969/70 – Photo: Bill DeVoe

Chúng tôi chỉ đạt được một điều trong rừng mộng ước của mình, đó là về nơi hẻo lánh để làm việc chúng tôi muốn làm, rồi chia tay nhau người mỗi ngả, thỉnh thoảng về Sài Gòn gặp nhau.

Mẫu Đơn ngày càng u uất hơn vì những bất công của xã hội, nỗi nhẫn nhục ngày xưa nay biến thành cam chịu. Chúng tôi càng ngày càng nói nhiều chuyện buồn hơn chuyện vui.

30/04/1975 về, tôi mất đất nước, sau đó mất luôn người bạn thân thiết. Mẫu Đơn vĩnh viễn ra đi. Có lẽ vì những gì bạn mong ước, bạn chờ đợi, trái ngược với những gì đã đến với bạn do đó bạn phải tự kết liễu đời mình.

Một con người phải tìm cách giải quyết cuối cùng đó, có nghĩa là họ không còn con đường nào để lựa chọn nữa. Tôi nghĩ khi Mẫu Đơn buông tay không còn muốn phấn đấu nữa, có lẽ là bạn không còn con đường nào để lựa chọn. Chịu nỗi bất công của xã hội cũ, sự đày đoạ của xã hội mới, Mẫu Đơn đành phải từ giã cuộc đời.

Không hiểu ở nơi xa xôi đó bạn có tìm được những gì bạn mơ ước? Mong bạn tìm được an lạc miên viễn.

©2009-2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đầu ngày 20-04-2009