Cuộc khủng hoảng nhà ở ở Canada cần sự cố gắng như thời chiến

Mike Moffatt | DCVOnline

Chính phủ liên bang phải đặt tốc độ giải quyết vấn đề ưu tiên hơn việc quản lý vi mô

Những ngọn núi thấp thoáng phía sau những căn nhà đang xây ở Canmore, Alta., Thứ Hai, ngày 24 tháng 4 năm 2023. Jeff McIntosh/The Canadian Press.

Canada cần nỗ lực giống như thời chiến để xây thêm 5,8 triệu căn nhà mà Hội Nhà ở và Thế chấp Canada (CMHC) ước tính cần xây vào cuối năm 2030 để khôi phục giá nhà vừa phải. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được bằng một chiến lược kỹ nghệ vững mạnh, vì chiến lược “giống như trước” chắc chắn sẽ thất bại theo ít nhất ba cách khác nhau.

Thất bại đầu tiên là tốc độ. Mục tiêu của CMHC yêu cầu Canada tăng gấp ba lần việc xây nhà ở trong một thời gian ngắn và chúng ta không thể phóng chiếu lĩnh vực xây dựng đó một cách nhanh chóng nếu không có sự đổi mới. Thứ hai là tình trạng thiếu nhân công. Canada cần một chiến lược về khối công nhân viên xây động nhà ở vững mạnh để tăng nguồn nhân lực từ thợ điện đến chuyên viên quy hoạch đô thị, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Xây dựng nhà ở phải trải qua tiến trình tăng năng suất nhanh chóng. Thứ ba là biến đổi khí hậu. Nếu chỉ cần tăng gấp ba lần những gì chúng ta đang làm hiện nay sẽ không phù hợp với những mục tiêu về khí hậu của Canada do khí thải từ những thay đổi trong xây dựng và cách sử dụng đất. Hơn nữa, chúng ta phải bảo đảm rằng những căn nhà mới xây có thể chống chọi với biến đổi khí hậu.

Chiến lược kỹ nghệ liên bang có thể giải quyết tất cả những vấn đề này bằng cách thay đổi những gì chúng ta xây dựng và cách chúng ta xây dựng để làm cho tiến trình này diễn ra nhanh hơn, ít dùng nhiều nhân công hơn và thân thiện với khí hậu hơn. Chính phủ có thể bắt đầu bằng cách tuyển chọn và lập danh sách những phương pháp xây dựng thân thiện với khí hậu, sử dụng ít công nhân hiện đang có sẵn ở Canada nhưng cần được yểm trợ và tài trợ để mở rộng để phát triển, chẳng hạn như gỗ khối, nhà mô-đun, nhà panel và nhà in 3D.

Tiếp theo, cần có một chiến lược tạo thị trường cho những kỹ thuật này. CMHC có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc này bằng cách tạo một danh mục những mẫu nhà miễn phí như họ đã làm vào những năm 1940. Danh mục này sẽ bao gồm mẫu vẽ cho nhiều loại nhà ở khác nhau kết hợp những kỹ thuật này, từ những tòa nhà chung cư tầm trung đến nhà ở sinh viên, với mẫu đa dạng phù hợp với những điều kiện khí hậu khác nhau. Xây nhà bằng những mẫu này có thể được phê duyệt nhanh theo quy định, chẳng hạn như phê duyệt của CMHC, vì mẫu nhà đã được phê duyệt từ trước.

Chính phủ có thể đóng vai trò là khách hàng đầu tiên của các dự án này, đẩy nhanh việc tiếp nhận hơn nữa . Chính phủ có thể xây nhà để giải quyết sự thiếu hụt ước tính khoảng 4.500 căn nhà cho quân đội Canada. Nhà ở xã hội có thể được xây dùng quỹ mua lại. Những trường cao đẳng và đại học nên được cấp kinh phí và hướng dẫn xây dựng nhà ở cho sinh viên trong khuôn viên trường để đáp ứng với số sinh viên quốc tế đang tăng nhanh hoặc có nguy cơ mất tư cách là cơ quan giáo dục được chỉ định, như thế sẽ loại bỏ sức thu hút sinh viên quốc tế của họ.

Cần phải điều chỉnh hệ thống thuế để giúp những dự án này trở nên khả thi, từ việc loại bỏ thuế HST với những dự ánh xây nhà cho thuê có mục đích đến việc áp dụng lại những điều khoản về chi phí vốn cấp tốc. Tiến trình phê duyệt theo tất cả các cấp chính phủ phải được sắp xếp hợp lý và những cơ quan liên hện phải được bố trí nhân sự để giải quyết những hồ sơ tồn đọng, chẳng hạn như trong chương trình MLI Select của CMHC. Bộ quy tắc xây dựng cần được sửa đổi để tương thích với những kỹ thuật mới và quy tắc phân vùng sẽ cần được sửa đổi để cho phép xây dựng hợp pháp hơn, chẳng hạn như ở New Zealand, nơi những toà chung cư sáu tầng được phép xây dựng kể từ nay ngay trong vòng 800 mét của bất kỳ trạm giao thông dọc đường nào.

Chính phủ liên bang không thể thay đổi quy tắc phân vùng của thành phố, nhưng có thể đưa ra những biện pháp khuyến khích để làm như vậy. Họ có thể thiết lập một bộ tiêu chuẩn tối thiểu (gọi nó là Bộ luật phân vùng quốc gia) và bất kỳ đô thị nào thay đổi bộ quy tắc phân vùng của mình để tuân theo đều có thể được cấp vốn một lần bình quân đầu người để chi cho việc xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng, không có ràng buộc nào khác đính kèm. Ví dụ: quỹ 200 USD bình quân đầu người sẽ cung cấp cho Thành phố Toronto thêm 600 triệu USD để nâng cấp hạ tầng cơ sở và khiến chính phủ liên bang phải chi tối đa 8 tỷ USD nếu mỗi đô thị ở Canada ghi danh. Nó cũng có thể đi theo cách của Úc, cấp cho các mỗi tỉnh bang thêm 15.000 đô la cho mỗi căn nhà xây thêm theo đúng mục tiêu. Những ưu đãi này không chỉ khiến các tỉnh và thành phố phê duyệt xây nhiều nhà hơn mà còn cấp cho họ nguồn tài trợ cơ sở hạ tầng để duy trì việc xây dựng nhà ở hiện tại.

Chúng ta nên xem chiến lược này như một khoản đầu tư chứ không phải chi phí vì cơ hội kinh tế rất lớn của nó. Nhà ở mới sẽ cho phép công nhân có cơ hội sống gần hơn và việc dùng những kỹ thuật này nhiều hơn sẽ tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất trên khắp Canada và những sản phẩm mới để xuất cảng trên toàn thế giới.

Chìa khóa để chiến lược kỹ nghệ này phát huy ảnh hưởng là tốc độ. Chính phủ liên bang phải tránh thiết lập các quy trình phê duyệt mới và hệ thống quản lý vi mô. Thay vào đó, nên đặt ra những tiêu chuẩn đơn giản và miễn là những tiêu chuẩn đó được đáp ứng thì sẽ được phê duyệt và chi trả. Việc tài trợ cơ bản cho cơ sở hạ tầng mới ở đô thị không nên dựa trên cơ sở nộp đơn thực hiện dự án vì nó làm chậm tiến trình và những thành phố biết rõ nhất họ cần gì.

Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng và cần có một nỗ lực giống như thời chiến. Chính phủ liên bang phải ưu tiên tốc độ và hành động ngay lập tức.

Tác giả | Tiến sĩ Mike Moffatt là Giám đốc sáng lập Trung tâm PLACE tại Viện Thịnh vượng Thông minh. Năm 2017, ông từng là Viện sĩ Đổi mới của Chính phủ Canada.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Canada’s housing crisis demands a war-time effort  |  Mike Moffatt  |  The Hub | Aug 21, 2023.