Những điểm không đúng trong “phim tài liệu” về nhà ở của Pierre Poilievre

Christian Noël | DCVOnline

Theo ba chuyên gia kinh tế độc lập được Radio-Canada hỏi ý kiến, một số yếu tố do Pierre Poilievre đưa ra trong video tuyên truyền của ông “thiếu chính xác” và cấu thành “lý luận đơn giản”. Kiểm soát thực tế.

Pierre Poilievre trong cuộc họp báo ở Vancouver. “Xây nhà ở chứ không phải hệ thống quan liêu” là khẩu hiệu được những người bảo thủ hô hào khi nói đến nhà ở. Ảnh: The Canadian Press / Ethan Cairns

Người lãnh đạo đảng Bảo thủ đang xác định lại cách dùng mạng xã hội nhằm mục đích chính trị. Video dài 16 phút mới của ông ấy có tựa đề Địa ngục nhà ở, mà chính Pierre Poilievre miêu tả là một “cuốn phim tài liệu mới”, đã được xem hang triệu lần.

Tóm lại, luận điểm của người lãnh đạo Đảng Bảo thủ: Justin Trudeau và chính phủ của ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhà và giá nhà cắt cổ ở Canada, và chỉ có Pierre Poilievre mới có thể giải quyết được tình trạng này.

Hình thức cuộn phim trông giống như của báo giới đã được chọn để nâng tính thuyết phục. Nhưng ba chuyên gia kinh tế độc lập được Radio-Canada hỏi ý kiến đều vẫy cờ đỏ.

Chuyên gia kinh tế và cựu thứ trưởng liên bang Louis Lévesque, giáo sư tại Trường Khoa học Quản lý tại đại học UQAM Florian Mayneris, và chuyên gia kinh tế độc lập Jean-Pierre Aubry. Ảnh: Radio-Canada Tổng hợp/Florian Mayneris

Theo họ, nhận xét của Pierre Poilievre mang tính cường điệu, có vấn đề và đáng xấu hổ vì những bỏ sót cũng như lý luận đơn giản.

Kết luận của ba chuyên gia kinh tế: những nhận xét đưa ra trong cuộn phim tài liệu này không phải lúc nào cũng phản ảnh thực tế và có sự bóp méo về nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng nhà ở.

Cảnh cáo: Không phải mọi thứ đều sai trong video của đảng Bảo thủ. Nhiều sự kiện và số liệu thống kê được đề cập đã được xác minh, hỗ trợ và ghi lại.

Trước nhất, sự thật

Ba chuyên gia kinh tế được dọ ý đều đồng ý: Pierre Poilievre đã hiểu rất rõ vấn đề khủng hoảng nhà ở ở Canada. Như người lãnh đạo đảng Bảo thủ giải thích trong video, đúng là:

  • giá bất động sản trung bình ở Canada tăng mạnh;
  • mức tăng này nhiều hơn so với các nước OECD khác;
  • Vancouver và Toronto nằm trong số những thành phố có giá cả cao nhất trên thế giới;
  • sự gia tăng dân số Canada vượt xa việc xây dựng nhà mới;
  • giới trẻ ngày nay gặp nhiều khó khăn hơn để trở thành chủ nhân một căn nhà so với cha mẹ hoặc ông bà của họ.

Louis Lévesque, cựu thứ trưởng liên bang, thừa nhận đoạn video có hiệu quả trong việc phơi bày mức độ của vấn đề. Florian Mayneris, giáo sư tại Trường Khoa học Quản lý tại UQAM, tin rằng chẩn đoán được đưa ra là chính xác về hậu quả của cuộc khủng hoảng nhà ở này, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Chuyên gia kinh tế độc lập Jean-Pierre Aubry tin rằng “Đó là một hình thức hiệu quả để thuyết phục mọi người.” Louis Lévesque nói thêm, “Nhưng đây là những yếu tố thực tế mà ý nghĩa bị phóng đại khá nhiều.”

Một công nhân xây cất làm việc trên bệ nâng trong khu nhà mới ở Ottawa. Ảnh: The Canadian Press / Sean KILPATRICK

“Ông Poilievre lấy một tình trạng cực đoan và tạm thời và nói rằng đó là một tình trạng thường trực. Tôi trách ông ấy thiếu trung thực.”

Jean-Pierre Aubry

Trong video, Lãnh đạo Đảng Bảo thủ dùng dữ liệu được công nhận từ Viện Fraser, Viện Kinh tế Montreal và Ngân hàng UBS. Nhưng những số liệu thống kê khác do phe bảo thủ đưa ra đã khiến ba chuyên gia kinh tế được tư vấn phải nhíu mày.

Florian Mayneris lưu ý, “Ông đưa ra rất nhiều số liệu nhưng không phải lúc nào cũng dẫn tên nguồn của những nghiên cứu.

Thiếu nguồn

Ví dụ: ở phút 2:38 của video, lãnh đạo Đảng Bảo thủ nói rằng giá thuê trung bình của một apt một phòng ngủ, khoản trả cho thế chấp trung bình và khoản đặt cọc cho một ngôi nhà trung bình đều tăng gấp đôi kể từ sau khi Justin Trudeau đắc cử vào năm 2015.

Nhưng không đề cập những số liệu thống kê này lấy ở đâu.

Ảnh: Ảnh chụp màn hình video của Pierre Poilievre

Radio-Canada đã yêu cầu văn phòng của Pierre Poilievre nêu rõ những nguồn đã dùng để biện luận cho những khẳng định này và không nhận được trả lời.

Sau khi xác minh trong cơ sở dữ liệu của Tập đoàn Nhà ở và Thế chấp Canada (CMHC), những số liệu do Đảng Bảo thủ đưa ra có vẻ không chính xác:

Giá thuê trung bình apt một phòng ngủ đã tăng từ 851 CAD lên 1.147 CAD trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2022 (tăng 21%).

Khoản nợ nhà phải trả trung bình hàng tháng đã tăng từ $1,232 lên $1,922 trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2023 (tăng 56%).

Do đó, những con số này đã không tăng gấp đôi kể từ năm 2015, khác xa với những gì lãnh đạo đảng Bảo thủ tuyên bố, ngay cả khi chúng ta cho rằng giá bất động sản rất khác nhau tùy vào khu vực và loại bất động sản.

Ở giây thứ ba mươi của video, Pierre Poilievre nói rằng người Canada trả 66% lợi tức trung bình hàng tháng của họ để thanh toán cho một ngôi nhà trung bình. Không cung cấp nguồn thông tin này, không có trong video cũng như theo yêu cầu của chúng tôi.

Ảnh: Ảnh chụp màn hình video của Pierre Poilievre

Tuy nhiên, vẫn theo số liệu của CMHC, chi phí trung bình để trả nợ mua nhà ở Canada là $1,922 mỗi tháng. Lợi tức trung bình trước thuế của người Canada là $63,181 (hoặc $5,265 mỗi tháng).

Hơn nữa, nếu chúng ta xem xét từng gia đình chứ không phải cá nhân, lợi tức trung bình sẽ tăng lên 70,333 USD mỗi năm.

Vì vậy, nếu chúng ta dựa trên những con số này, thì trung bình người Canada phải dùng từ 33% đến 36% lợi tức hàng tháng (trước khi đóng thuế) trả nợ mua nhà của họ chứ không phải 66% như Pierre Poilievre khẳng định .

Nguyên nhân của sự gia tăng

Trong video, Pierre Poilievre nói rằng nếu giá nhà ở Canada cao đến mức không thể chấp nhận được thì đó là do một loạt yếu tố nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ Đảng Tự do.

Theo ba chuyên gia nhà kinh tế được tham vấn, những sự kiện do lãnh đạo Đảng Bảo thủ chọn đưa ra là tùy tiện và vẽ nên một bức tranh không đúng với thực tế, nhằm mục đích đổ trách nhiệm cho Justin Trudeau.

Sự thực, thực tế phức tạp hơn.

Đặc biệt, có hai nhận xét của người lãnh đạo Đảng Bảo thủ đã khiến ba chuyên gia kinh tế được tham khảo ý kiến phải nhíu mày.

Kết quả số 1

Khi chính phủ vay mượn nhiều hơn, nó sẽ làm tăng giá hàng hóa chúng ta mua và lãi suất chúng ta phải trả. Vì vậy, do thâm hụt ngân sách và khoản nợ kỷ lục của chính phủ Trudeau, giá nhà đã trở nên vượt quá khả năng chi trả.

Nhận định: Chuyên gia kinh tế nói đây không phải hoàn toàn là sự thật, c

Sean Fraser, Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Cơ sở hạ tầng và Cộng đồng, chuẩn bị phát biểu tại một thông báo bên ngoài một cao ốc cho thuê do University of British Columbia Properties Trust đang xây, ở Vancouver, Thứ Tư, ngày 16 tháng 8 năm 2023. Photo: The Canadian Press / Darryl Dyck

Louis Lévesque khẳng định nguyên nhân và hậu quả không đơn giản như vậy. Đây không chỉ vì chính sách tài chính của chính phủ liên bang.

Và ngược lại, Florian Mayneris cho biết thêm, giá nhà tăng một phần vì lãi suất giảm mạnh, cho phép người mua vay số nợ lớn hơn.

“Việc giảm lãi suất này đã bắt đầu trước khi Đảng Tự do cầm quyền. Vì vậy, một lập luận của Pierre Poilievre có vẻ không rõ ràng và không công bằng lắm.”

Florian Mayneris, giáo sư kinh tế tại Trường Khoa học Quản lý tại UQAM

Kết quả số 2

Trong số những nước G7, Canada có nhiều đất đai nhất trên đầu người. Vậy tại sao nhà ở lại đắt hơn bao giờ hết và ở hầu hết mọi nơi khác?

Nhận định: Theo Louis Lévesque tuyên bố này hơi lố bịch.

Jean-Pierre Aubry nói Canada có rất nhiều đất nhưng không phải là nơi có nhiều điều kiện để ở. Có những vùng hoạt động kinh tế không cho phép có mật độ dân số cao.

Từ việc xây cất đến Toronto

Photo: Radio-Canada / Patrick Morrell

Florian Mayneris, người đã khám phá vấn đề này trong một nghiên cứu với Cục Thống kê Canada, cho biết thêm, ngoài ra, đất đai xung quanh các thành phố lớn như Toronto hay Vancouver còn hạn chế. Ông nói, ví dụ, ở Vancouver, vùng đất giữa biển và núi có giới hạn.

“Đất sẵn có ở những khu vực vốn đã đông đúc, nơi mọi người muốn sinh sống, không quan trọng như video của ông Poilievre gợi ý.”

Florian Mayneris, giáo sư kinh tế tại Trường Khoa học Quản lý tại UQAM

Đúng, theo ba chuyên gia kinh tế được tham khảo ý kiến, khủng hoảng hiện nay về nhà ở một phần vì hành động (hoặc không hành động) của chính phủ hiện tại, chẳng hạn như việc tăng số dân nhập cư, việc xây dựng nhà mới ở mức thấp hoặc chi tiêu và nợ của chính phủ liên bang.

Tuy nhiên, ba chuyên gia kinh tế đo cho rằng sai lầm khi nói rằng cuộc khủng hoảng nhà ở mới bắt đầu từ khi chính phủ đảng Tự do xuất hiện vào năm 2015. Họ nói, hãy nhớ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 do chính việc đầu cơ bất động sản gây ra.

Cố tình bỏ sót

Theo ba chuyên gia kinh tế được tham vấn, phân tích của Pierre Poilievre về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nhà ở gồm rõ ràng hai cố tình bỏ sót.

Cố tình bỏ sót số 1: đại dịch

Florian Mayneris nói điều rất đáng xấu hổ ở đây là ông ấy tuyệt đối không nói về đại dịch.

Đại dịch đã khiến lãi suất giảm, chi phí nguyên liệu cao hơn và tình trạng thiếu nhân công. Tất cả những yếu tố đó đều góp phần làm tăng giá nhà.

Một khu dựng lều trú ngụ ở Saint-Jean, NL, Thứ Sáu, due 1 tháng 12 năm 2023. Photo: The Canadian Press / Sarah Smellie

Tuy nhiên, sự ám chỉ duy nhất đến đại dịch trong video của Pierre Poilievre là hình ảnh Giám đốc Y tế Theresa Tam, người mà khán giả chỉ thoáng thấy ở phút 2:27.

Jean-Pierre Aubry cho biết 2/3 số nợ gia tăng liên quan đến đại dịch. Không ai có thể không nói một lời về điều này hoặc bỏ qua việc những quốc gia khác cũng đang trải qua tình trạng tương tự như chúng ta.

Giáo sư Mayneris kết luận, như vậy chúng ta thấy video đó đã bỏ sót hoàn toàn một yếu tố căn bản của bối cảnh là có vấn đề.

Cố tình bỏ sót số 2: nhập cư

Louis Lévesque nhận xét, có thêm hai triệu người ở Canada do nhập cư và không có nhà ở nào được xây cho họ. Vì vậy, chúng ta đã làm trầm trọng thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng trên thị trường nhà đất.

Louis Lévesque nói, nhưng Pierre Poilievre không nói về điều đó. Đảng Bảo thủ rất quan tâm đến phiếu bầu của những cộng đồng văn hóa và không muốn làm họ phật lòng.

“Tôi không nghĩ nhiều chính đảng chính liên bang muốn làm phiền lòng những cộng đồng người nhập cư ở Canada khi ngày bầu cử đến gần.”

Louis Lévesque, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính

Giải pháp

Ở cuối video, Pierre Poilievre giải thích cách ông ấy dự định giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở ở Canada. Theo ông, việc xin giấy phép phải được đẩy nhanh bằng cách nới lỏng một số quy định của chính phủ thành phố. Theo ba chuyên gia kinh tế của, ông ấy đúng.

Theo Florian Mayneris, thủ tục xin giấy phép xây cất và những quy định rất gắt gao. Nhưng dù làm như vậy cũng vẫn không giải quyết được mọi thứ. Những dự án xây cất sẽ không hiện ra một cách kỳ diệu từ mặt đất.

Hồi tháng 4, cảnh sát đã giám sát việc dỡ bỏ lều và nơi tạm trú khỏi những công viên ở Downtown East next to Vancouver, British Columbia. Photo: The Canadian Press / Darryl Dyck

Pierre Poilievre cũng đề nghị chỉ cấp vốn cho những thành phố cho những dự án đã hoàn thành và phạt những dự án không đạt được mục tiêu xây cất mới.

Ba chuyên gia tin rằng đây là một giải pháp đơn giản, vô hiệu.

Điều này đôi khi vì chính giới phát triển bất động sản phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của những dự án vì lý do tài chính hoặc thiếu lao động.

“Nếu Pierre Poilievre chỉ cấp tiền cho những thành phố để thực hiện các dự án mới trình bầy (thay vì giúp họ xây cất), chúng ta có thể phạt họ vì những việc mà họ không hề có trách nhiệm.”

Florian Mayneris, giáo sư kinh tế tại Trường Khoa học Quản lý tại UQAM

Nhận xét cuối cùng

Nói tóm lại, những lời giải thích mà Pierre Poilievre trình bầy với người người dân Canada nhằm đổ lỗi cho Justin Trudeau về cuộc khủng hoảng nhà ở đã không thuyết phục được những chuyên gia kinh tế.

Jean-Pierre Aubry nhấn mạnh rằng Poilievre đã thành công trong việc hiểu được sự lo lắng của mọi người. Nhưng xét về nội dung thì kém. ông ấy phóng đại. Đây là một thông tin có phẩm chất rất kém để tuyên truyền với người dân Canada.

“Điểm về chính trị sẽ cao hơn điểm nhận được với môn kinh tế.”

Louis Lévesque, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính

Ông Mayneris cho biết thêm, đó không phải là điều chúng tôi đòi sinh viên của mình phải biết.

“Là một chuyên gia kinh tế, chúng tôi thấy có những lập luận đưa ra không cân bằng. Có sự thiếu chính xác, sai sót trong cách suy luận, chưa nhất thiết chúng đã dựa trên những phân tích tốt.”

Florian Mayneris, giáo sư kinh tế tại Trường Khoa học Quản lý tại UQAM

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Les drapeaux rouges du « documentaire » sur le logement de Pierre Poilievre | Christian Noël | Radio-Canada | 11 Dec, 2023