Bí ẩn sau những âm mưu ám sát của Ấn Độ

Hartosh Singh Bal | DCVOnline

Tại sao New Delhi lại mạo hiểm quá nhiều khi không được bao nhiêu?

Bên ngoài nơi Hardeep Singh Nijjar bị ám sát ở Surrey, B.C., Canada, tháng 9 năm 2023. Chris Helgren / Reuters

Cả âm mưu giết Pannun và ám sát Nijjar đều đã gây ra sự phẫn nộ trong giới hoạt động nhân quyền trên khắp thế giới, cũng như trong chính giới Hoa Kỳ và Canada. Nhưng những âm mưu đó cũng gây ra sự nhầm lẫn. Bề ngoài, Ấn Độ là bạn của Canada và Mỹ. New Delhi đã muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington khi cả hai chính phủ đều tìm cách hạn chế tham vọng của Bắc Kinh. Chủ nghĩa ly khai của người Sikh có thể là mối đe dọa đối với nhà nước Ấn Độ trong những năm 1980 và 1990, khi những người ly khai mở một cuộc nổi dậy đẫm máu với hy vọng biến Punjab thành một quốc gia độc lập tên Khalistan. Nhưng sau đó phần lớn nó đã lụi tàn, phong trào ly khai được duy trì chính là nhờ những người quá khích trong cộng đồng người Sikh ở hải ngoại. Vậy tại sao Ấn Độ lại gây nguy hiểm cho mối quan hệ địa chính trị quan trọng chỉ vì muốn ám sát hai cá nhân ở bên lề chính trị?

Khi trả lời về vụ sát hại Nijjar, New Delhi ám chỉ rằng câu trả lời liên quan đến an ninh của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cáo buộc Canada cho “những kẻ khủng bố và cực đoan”, những kẻ “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ”, “nơi trú ẩn” ngay cả khi họ không nhận trách nhiệm về vụ ám sát. Những người khác trong giới phân tích cho rằng có những âm mưu vụ ám sát là để củng cố hình ảnh của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi như một nhân vật lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán.

Nhưng không có giả thuyết nào là thuyết phục. Chủ nghĩa ly khai của người Sikh vẫn chưa trở lại Ấn Độ. Và nếu chính phủ đang tìm cách củng cố hình ảnh của Modi với như một nhà lãnh đạo cương quyết theo chủ nghĩa dân tộc Hindu, thì việc tạo ra mối đe dọa Hồi giáo – với Pakistan là ‘tội phạm’ hoàn hảo – sẽ có ảnh hưởng tốt hơn nhiều. Rốt cuộc, New Delhi đã làm đúng điều đó trước cuộc bầu cử năm 2019; Vào tháng 2 năm đó, Ấn Độ tuyên bố máy bay của họ đã tấn công những mục tiêu ở Pakistan để trả đũa cuộc tấn công của phiến quân vào đoàn quân xa Ấn Độ ở Kashmir.

Thay vào đó, để hiểu những vụ ám sát, người ta phải hiểu dự án ý thức hệ mà Modi ấp ủ – và cách người Sikh khiến dự án này khó thanh hình hơn. Thủ tướng Ấn Độ muốn tạo ra một quốc gia theo đạo Hindu, nơi người theo đạo Thiên chúa và người theo đạo Hồi (hoặc bất kỳ công dân nào không theo đạo Hindu) không phải là những công dân bình đẳng, và vì vậy ông chờ sự phản đối từ cả hai cộng đồng này. Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu tin rằng đạo Sikh là một nhánh của đạo Hindu, không phải là một đức tin riêng biệt, và vì vậy họ mong đợi những người theo đạo Sikh sẽ ủng hộ họ. Do đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc này rất ngạc nhiên khi những người theo đạo Sikh phản đối chính sách của họ và bỏ phiếu chống lại ứng cử viên của họ. Họ cũng nhận thấy sự phản đối của người Sikh khó vượt qua hơn. Khi những người theo đạo Sikh phản đối chính sách của Modi, chính phủ Ấn Độ không thể đơn giản coi những người biểu tình là gián điệp nước ngoài như đã làm với người Hồi giáo. Họ phải lắng nghe.

Để giải quyết sự bất hòa về nhận thức này, New Delhi đã viện dẫn cuộc nổi dậy từng gây đau khổ cho Punjab, lập luận rằng những người theo đạo Sikh ở Ấn Độ đang bị những kẻ ly khai hoạt động ở nước ngoài lừa gạt để phản đối chính sách của chính phủ. Nhưng lời kêu gọi này đã có những hậu quả rõ ràng. Một khi nhà nước tuyên bố rằng những người ly khai ở nước ngoài là một mối đe dọa nghiêm trọng, thì họ phải hành động như thể trường hợp này thực sự xảy ra. Nếu cáo buộc của Hoa Kỳ và Canada là đúng thì những âm mưu ám sát là kết quả của tiến trình này. Họ cho rằng New Delhi đã tin vào tuyên truyền của chính mình.

MẤT TÍN NGƯỠNG CỦA TÔI

Ở Ấn Độ, chủ nghĩa dân tộc Hindu rất kỷ luật. Phong trào này phần lớn được một tổ chức duy nhất—Rashtriya Swayamsevak Sangh—thành lập gần 100 năm trước, giám sát. RSS là tổ chức mẹ của Đảng Bharatiya Janata cầm quyền, và Modi bắt đầu sự nghiệp của mình như một viên chức chính phủ cấp thấp của nhóm này. RSS có một niềm tin cốt lõi có vẻ đơn giản: Người theo đạo Hindu là người Ấn Độ chân chính duy nhất. Thiên chúa giáo và Hồi giáo là những sự xâm nhập của văn hóa, và những người theo đạo hai này cùng lắm chỉ là những công dân hạng hai. Tệ nhất, họ nguy hiểm.

Tuy nhiên, RSS không có thái độ thù ghét những nhóm tôn giáo khác ở Ấn Độ như vậy. Vì nó hầu như không công nhận chúng. Theo logic của tổ chức, hầu như bất kỳ đức tin nào được phát minh trên tiểu lục địa Ấn Độ trên thực tế đều là một phần của Ấn Độ giáo. Ví dụ, nó coi nhiều nhóm bộ lạc ở Ấn Độ là người theo đạo Hindu, mặc dù truyền thống thờ vật linh đa dạng của những bộ lạc đó. Nó tuyên bố Phật giáo ở Ấn Độ cũng thuộc về quốc gia Hindu. Và nó coi đạo Sikh, thành lập ở phía tây bắc tiểu lục địa Ấn Độ vào cuối những năm 1400, là một tín ngưỡng của đạo Hindu.

Giống như tất cả những chủ nghĩa dân tộc, với lời kêu gọi máu, đất và quê hương, quốc gia Hindu của RSS — và do đó của Modi — được tạo ra bằng sự đơn giản hóa và thao túng lịch sử một cách trắng trợn. Khái niệm cho rằng có bất kỳ một tôn giáo nào đó có thể bao gồm sự đa dạng lịch sử của Ấn Độ rõ ràng là nực cười. Nhưng Modi đã thuyết phục được nhiều người Ấn Độ theo cách khác (thường bằng cách viện dẫn mối đe dọa được cho là của người Hồi giáo), từ đó củng cố nhiều nhóm không đồng nhất của Ấn Độ vào tín ngưỡng Hindu. Kết quả là Đảng Bharatiya Janata giờ đây có thể giành chiến thắng trong những cuộc bầu cử ở hầu hết những khu vực trong nước, ngay cả những khu vực có lịch sử thù địch với những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu. Đảng và những đồng minh của họ đặc biệt thành công ở miền trung và miền bắc Ấn Độ, những nơi đông dân nhất đất nước. Ví dụ, trong cuộc bầu cử quốc gia vừa qua, BJP đã chiếm được hầu hết số ghế hiện có ở hầu hết những tiểu bang miền Trung và miền Bắc.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu tin rằng đạo Sikh là một nhánh của đạo Hindu.

Punjab là ngoại lệ. Ở đó, đảng BJP chỉ giành được 2 trong số 13 quận trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2019. Sự phản kháng này phần lớn là sản phẩm của người Sikh, những người chiếm đa số ở Punjab. Bất chấp sự nhấn mạnh của RSS, người theo đạo Sikh đã nhiều lần bác bỏ quan điểm cho rằng họ là người theo đạo Hindu bằng một cái tên khác. Sự khẳng định này đã có lịch sử lâu dài, nhưng nó đã rõ ràng kể từ năm 1897, khi Kahan Singh Nabha—một lý thuyết gia nổi tiếng của đạo Sikh—đã viết một cuốn sách tựa đề Hum Hindu Nahin Hai: We Are Not Hindus. Không có nhà tư tưởng hay nhân lãnh đạo đạo Sikh nghiêm túc nào thách thức tác phẩm của Nabha. Và như cách người dân bỏ phiếu cho thấy rõ, cộng đồng Sikh không quan tâm đến việc trở thành một phần của một nhà nước theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu.

Về lý thuyết, sự phản đối của người Sikh không phải là vấn đề đối với chính phủ Modi. Chỉ có hơn 20 triệu người theo đạo Sikh ở Ấn Độ, chiếm chưa đến 2% dân số cả nước. Nhưng nhóm này có sự hiện diện rất lớn trong đời sống của người Ấn Độ. Người Sikh có truyền thống phục vụ lâu đời trong Quân đội Ấn Độ, nơi họ hiện diện với một tỷ số lớn. Nông dân theo đạo Sikh vẫn sản xuất phần lớn ngũ cốc của Ấn Độ. Kết quả là cộng đồng này có thể làm phức tạp nghị trình của Modi.

Ví dụ, hãy xem xét nỗ lực của New Delhi trong việc cải tổ ngành nông nghiệp Ấn Độ. Vào năm 2020, BJP đã thông qua luật cho phép thương nhân tư nhân bỏ qua những uỷ ban tiếp thị của chính phủ và mua sản phẩm trực tiếp từ nông dân. Theo New Delhi, những cải cách sẽ cắt giảm lãng phí của chính phủ và giúp hiện đại hóa nhà nước. Nhưng nhiều nông dân coi những cải tổ này là một nỗ lực để họ rơi vào tay những con buôn tư nhân, những người sẽ từ chối trả giá hợp lý cho họ. Họ phản đối hàng loạt cuộc cải cách, chận những con đường bộ và đường sắt ở khắp miền bắc Ấn Độ. Những người nông dân theo đạo Sikh từ Punjab đã trở thành trụ cột của những cuộc biểu tình.

Tất nhiên, BJP không xa lạ gì với những cuộc biểu tình lớn. Người Hồi giáo đã nhiều lần biểu tình chống lại những chính sách của đảng này, vốn đe dọa tước quyền công dân của họ và đã khuất phục một tiểu bang đa số là người Hồi giáo chiếm. Chính phủ phản ứng bằng cách tuyên bố rằng những người biểu tình là “những kẻ phản quốc” và trong nhiều trường hợp đã dùng bạo lực để trấn áp họ. Nhưng nó không đủ khả năng để đi theo khuôn mẫu tương tự với người Sikh. Vì BJP coi người Sikh là người theo đạo Hindu, nên thay vào đó, họ phải (phần lớn) tôn trọng những quyền của nhóm và chú ý đến những bất bình của họ về luật canh nông. Cuối cùng, Modi thừa nhận: BJP đã bãi bỏ những dự luật vào năm 2021. Đó là một sự mất mặt lớn đối với một thủ tướng đã quen với chiến thắng. Trên thực tế, đây có thể là thất bại lớn nhất từ trước đến nay của ông trong gần 10 năm cầm quyền.

KẺ THÙ TƯỞNG TƯỢNG

Tuy nhiên, BJP đã không chịu thua một cách ôn hoà. Thay vào đó, nó bắt đầu tìm cách phá hoại để hình ảnh người Sikh không còn một thực thể chính trị. Đảng BJP vẫn không thể chống lại toàn bộ cộng đồng, nhưng nó có thể khơi dậy lịch sử ly khai, và nó đã làm như vậy. Vào một thời điểm quan trọng trong những cuộc biểu tình, khi Tối cao Pháp viện cân nhắc tính hợp lệ của luật canh nông, chính phủ đã nói với những thẩm phán rằng cuộc biểu tình đã bị Khalistanis xâm nhập. (Tòa án, trái với mong muốn của chính phủ, đã tiến hành và đình chỉ luật này.) Không lâu sau khi những dự luật về canh nông bị hủy bỏ, những chi nhánh của RSS bắt đầu tuyên bố rằng việc khôi phục của họ là cần thiết để ngăn chặn chủ nghĩa ly khai đang tăng trong khối người theo đạo Sikh.

Đổ lỗi cho Khalistanis về thất bại về luật nông nghiệp không phải là chuyện dễ, và vì một lý do rất đơn giản: ở Ấn Độ, không có chủ nghĩa ly khai của người Sikh. Chủ nghĩa ly khai thúc đẩy cuộc nổi dậy ở Punjab trong những năm 1980 và 1990 đã mất đi sức hút từ nhiều chục năm trước. Trong 20 năm trước, chỉ có một số ít trường hợp thiệt mạng liên quan đến Khalistan. (Để so sánh, có khoảng 400 người thiệt mạng liên quan đến khủng bố ở Ấn Độ mỗi năm.) Và theo một đánh giá an ninh do Viện Quản lý Xung đột Nam Á viết — dựa trên dữ liệu của chính phủ Ấn Độ — thì có bẩy vụ giết người theo phe ly khai theo đạo Sikh đã xảy ra từ năm 2019 đến nay. Năm 2022 do một nhóm tội phạm nhỏ và xã hội đen thực hiện chứ không phải những người vì ý thức hệ.

Nhưng vẫn còn một phong trào ly khai tích cực trong số những người theo đạo Sikh sống ở nước ngoài, đặc biệt là ở Canada và Anh. Kết quả là chính phủ Modi đã tập trung vào nhóm ly khai ở nước ngoài. Ví dụ, họ đã kịch liệt chỉ trích hành vi phá hoại những toà lãnh sự Ấn Độ và những đền thờ Hindu của những người ly khai theo đạo Sikh ở Úc, Canada và Hoa Kỳ (mặc dù trong ít nhất một trường hợp, cảnh sát địa phương đã nói rằng hành vi phá hoại có thể do chính những người theo đạo Hindu thực hiện).

Việc New Delhi bị cáo buộc dính líu đến âm mưu giết người gây thiệt hại cho Ấn Độ.

Mối đe dọa quốc tế vẫn chỉ là sự tưởng tượng của BJP. Có nhiều người Khalistani trên thế giới hơn ở Ấn Độ, nhưng cộng đồng người Sikh hải ngoại chưa bao giờ thực sự bị những người ly khai thống trị. Tuy nhiên, chính phủ Modi càng thực hiện mối đe dọa được cho là của họ thì những người theo đạo Sikh ly khai càng trở nên rõ ràng hơn. Kết quả là một động lực mà Ấn Độ đã từng trải qua trước đây. Theo một số cuốn sách gần đây của những viên chức chính phủ cao cấp đã nghỉ hưu, trong đó có một số người làm việc cho cơ quan tình báo Ấn Độ, mối đe dọa Khalistan cũng được cơ quan an ninh Ấn Độ thổi phồng vì những mục tiêu hẹp hòi trong nước vào những năm 1980. Trong thời đại đó, mục tiêu là loại bỏ những chính khách theo đạo Sikh ôn hòa, chính thống, phản đối chính quyền trung ương do Thủ tướng Indira Gandhi lãnh đạo.

Kết quả thật thảm khốc. Những người theo đường lối cứng rắn của đạo Sikh đã có được sức mạnh, và vào tháng 12 năm 1983, một nhóm chiến binh đạo Sikh đã thành lập bên trong phức thể đền thờ thiêng liêng nhất của đạo Sikh: Đền Vàng. Để đáp lại, Gandhi đã mở một cuộc tấn công quân sự không có kế hoạch và thực hiện kém vào địa điểm này vào năm 1984, gây ra thiệt hại đáng kể về cấu trúc. Sau đó bà bị hai vệ sĩ người Sikh ám sát. Trong những ngày tiếp theo, đám đông người theo đạo Hindu đã tàn sát những người theo đạo Sikh trên khắp miền bắc Ấn Độ, trong đó có 2.700 người chỉ riêng ở New Delhi. Cuộc nổi dậy ly khai kéo dài hàng chục năm bắt đầu ngay sau đó.

Cố vấn an ninh quốc gia hiện tại của Ấn Độ, Ajit Doval, đã giải quyết cuộc nổi dậy của người Sikh khi là một viên chức chính phủ của Cục Tình báo Ấn Độ vào những năm 1980, và ông hoạt động với cùng một thế giới quan ngày nay. Tầm nhìn của ông về an ninh quốc gia dưới thời chính phủ Modi, thường được gọi là học thuyết Doval, tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ chiến đấu không chỉ trên lãnh thổ của mình mà còn trên lãnh thổ nước ngoài khi Khalistan trở thành nguồn gốc của mối đe dọa an ninh. Mọi dấu hiệu đều cho thấy Doval đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chính phủ thổi phồng Khalistan. Kể từ khi kết thúc những cuộc biểu tình ở nông thôn, chính phủ Ấn Độ, do Doval đại diện, đã coi Khalistan là trọng tâm chính trong những mối tương tác với những cơ quan an ninh của Úc, Canada và Vương quốc Anh.

Những cơ quan tình báo Ấn Độ, không nằm sự giám sát của cơ quan lập pháp, nà thuộc phạm vi quyền hạn của Doval trong vai trò cố vấn an ninh quốc gia. Nếu cáo buộc của Mỹ và Canada được chứng minh là đúng thì có thể kế hoạch giết Pannun và Nijar đã được khởi xướng với sự cho phép của Doval hay ông ta đã biết trước. Ông ta được biết đến là loại người sắn tay áo, và bộ máy tình báo Ấn Độ quá tôn ti để có thể xẩy ra một việc có tính chất nguy hiểm cao như một vụ ám sát quốc tế mà không có sự chấp thuận của Doval.

GIEO VÀ GẶT

Việc Ấn Độ bị cáo buộc dính líu đến âm mưu ám sát đã gây thiệt hại. Theo The Print, một tờ báo của Ấn Độ, Anh và Hoa Kỳ đã yêu cầu hai viên chức chính phủ cao cấp của Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích của Ấn Độ — cơ quan tình báo phụ trách vấn đề an ninh bên ngoài — rời nhiệm sở của họ ở London và San Francisco trước Hoa Kỳ công bố cáo trạng. The Print cũng đưa tin rằng Hoa Kỳ đã ngăn chặn cơ quan này thay thế người đứng đầu cơ quan của họ ở Washington, D.C. Điều này làm suy yếu nghiêm trọng khả năng tình báo của Ấn Độ ở nước ngoài và cho thấy rằng, ít nhất trong ngắn hạn, nước này sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin hoặc hành động hợp tác với hầu hết những cơ quan an ninh phương Tây.

Kết quả như vậy là một mất mát đáng kể đối với Ấn Độ. Nhưng nó vẫn không bằng khi so với những gì mà những cáo buộc ám sát ám chỉ trong nước. Trên thực tế, việc có thể xẩy ra rắc rối lâu dài ngày nay thậm chí còn lớn hơn thời Gandhi. Vào thời điểm đó, một ban lãnh đạo trung ương chuyên quyền đã gạt bỏ những tiếng nói ôn hòa của người Sikh và thổi phồng những kẻ ly khai để giành lấy lợi ích chính trị. Nhưng trọng tâm vẫn là ngắn hạn. Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu ngày nay có những mục tiêu lâu dài và sự chia rẽ giữa họ với cộng đồng thiểu số theo đạo Sikh ở Ấn Độ dường như là vĩnh viễn.

Điều đó không có nghĩa là bạo lực sắp xảy ra. Nhưng nếu những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu không bị kiểm soát, thì việc nhắm mục tiêu vào nhóm thiểu số theo đạo Sikh vì lợi ích chính trị vẫn là một lựa chọn dễ dàng đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu. Vào lúc cao điểm của cuộc biểu tình ở nông thôn, một người quen của tôi đã rùng mình trở về sau chuyến thăm một công viên ở New Delhi. Ông đã từng chứng kiến một nhóm trẻ, thậm chí chưa đến tuổi thiếu niên, đang chơi đùa khi cuộc tranh cãi giữa họ trở nên nghiêm trọng. Đột nhiên, hầu hết bọn họ biến thành một bầy, đuổi theo cậu bé người Sikh duy nhất trong đám trẻ. Chúng hét lên: “Khalistani, Khalistani.”

Tác giả | HARTOSH SINGH BAL là Chủ biên của The Caravan ở New Delhi và là tác giả của cuốn Waters Close Over Us: A Journey Together the Narmada.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The Mystery of India’s Assassination Plots | Hartosh Singh Bal | Foreign Affairs | 8 Dec, 2023