Người Mỹ sẽ được gì khi viện trợ thêm 61 tỷ USD cho Ukraine

Rick Newman | DCVOnline

Cái giá phải trả để chặn Putin sớm rẻ hơn nhiều so với chặn ông ta trễ hơn.

Trọng pháo cổ điển trong cuộc chiến tiên tiến. Nhiếp ảnh gia: Bulent Kilic/AFP/Getty Images

Hãy dùng ẩn dụ thể thao. Một điều chúng ta nên biết hơn hai năm sau khi Nga xâm lăng Ukraine là cuộc chiến dai dẳng khó có thể kết thúc như một trận bóng chầy hay bóng rổ, với một đội thắng và một đội thua. Xác xuất hòa cũng không đáng kể, vì mỗi bên chỉ thắng một nửa trận và đi về.

Thay vào đó, có một ma trận những kết quả có thể xẩy ra và một thời biểu không thể đoán trước có thể sẽ làm nản lòng bất kỳ ai đang hy vọng vào một kết thúc dứt khoát. Tất cả những điều này sẽ làm dịu kỳ vọng rằng Mỹ cuối cùng cũng sẽ viện trợ một lần nữa mà Ukraine rất cần để chặn Nga xâm chiếm lãnh thổ của họ. Nhưng nó cũng nhấn mạnh rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine là tiền được chi tiêu hợp lý — và có thể sẽ cần nhiều hơn nữa.

Phải mất sáu tháng giầy vò, nhưng vào ngày 20 tháng 4, đảng Cộng hòa với đa số ở Hạ viện, hỗ trợ của đảng Dân chủ, cuối cùng đã vượt qua cuộc nổi dậy của khối dân biểu chống đối khoản viện trợ thêm 61 tỷ USD cho Ukraine. Thượng viện dường như chắc chắn sẽ thông qua dự luật và Tổng thống Biden sẽ phê chuẩn ngay. Giới chức Mỹ và Ukraine nhấn mạnh sự cấp bách của việc tăng cường đạn pháo, xe thiết giáp, hoả tiễn phòng không và những loại vũ khí khác cho quân đội Ukraine đang bị áp đảo về mặt vũ khí, vốn đã bị lực lượng Nga đẩy lùi trong năm nay.

Rất có thể số vũ khí chuyển cho Ukraine sẽ sớm cho phép họ ngăn chặn bước tiến của Nga và ổn định chiến tuyến. Tuy nhiên, sự bế tắc về tài chính kéo dài 6 tháng cũng làm nổi bật những sai lầ lớn trong cách Washington xử trí nhằm kiềm chế Nga và những cách tốt hơn để áp dụng trong tương lai. Dưới đây là sáu bài học quan trọng mà chúng ta đã học được sau hơn hai năm chiến tranh ở Ukraine.

Mục tiêu của Mỹ không nhất thiết phải là “chiến thắng” của Ukraine. Những người chỉ trích viện trợ hiện tại của Mỹ cho rằng không có khoản viện trợ nào nếu không có sự can thiệp trực tiếp của NATO để đẩy quân đội Nga ra khỏi 20% lãnh thổ Ukraine mà họ đã chiếm đóng. Vậy tại sao phải bận tâm? Những người ủng hộ nhiệt thành của Ukraine nói rằng với vũ khí tối tân và phù hợp của phương Tây có thể cho phép Ukraine phá hủy chuỗi cung ứng chiến trường của Nga và chấm dứt toàn bộ cuộc xâm lăng. Điều còn thiếu trong cả hai lập luận này là một tuyên bố rõ ràng về lợi ích chung của Mỹ trong việc kiểm soát sức mạnh của Nga.

Frederick Kagan thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh gần đây lập luận rằng nếu Mỹ và châu Âu không ngăn chặn Nga ở miền đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đưa quân đội Nga sang miền tây Ukraine và sau đó đe dọa những quốc gia vùng Baltic và những nước Đông Âu khác, thành viên của liên minh Bác Đại Tây Dương. Putin đã nói rõ rằng ông muốn tập hợp lại những phần tử của Liên Xô cũ và trước đó là đế quốc Nga. Đó là lý do tại sao ông ta xâm lăng Ukraine ngay từ đầu.

Một số người Mỹ có thể thắc mắc tại sao họ nên quan tâm đến số phận của những quốc gia Đông Âu như Latvia, Lithuania, Estonia, Moldova, Slovakia, Romania hoặc Hungary. Nói một cách thô bỉ nhất, họ nên quan tâm vì một nhân vật độc tài chiếm đoạt lãnh thổ như Putin sẽ không dừng lại cho đến khi có ai đó buộc ông ta phải ngừng lại. Cuộc xâm lăng Ukraine vào năm 2022 đã ảnh hưởng trực tiếp đến người Mỹ khi khiến giá dầu tăng vọt lên 120 USD/thùng và xăng của Mỹ lên 5 USD/gallon. Putin càng lấn tới hoặc cố gắng lấn át thì việc ngăn chặn ông ta càng tốn kém và cái giá phải trả đến một lúc nào đó sẽ gồm cả quân đội Mỹ cũng như nhiều gấp bội số tiền Mỹ đang chi tiêu hiện nay. Ngăn chặn Putin sớm hơn sẽ rẻ hơn nhiều so với ngăn chặn ông ta trễ hơn.

Theo thời gian, Ukraine vẫn có thể đuổi quân Nga ra khỏi lãnh thổ của mình. Nhưng một “bế tắc” vô thời hạn, mặc dù khiến Ukraine phải nhức đầu, vẫn sẽ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ bằng cách rút cạn sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế của Putin vào một vũng lầy khiến ông ta không thể tiến sâu hơn vào châu Âu.

Người hoạt động ủng hộ Ukraine biểu tình bên ngoài Điện Capitol ở Washington, Thứ Bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024, khi Hạ viện chuẩn bị bỏ phiếu phê duyệt 95 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, Israel và những đồng minh khác của Hoa Kỳ. (Ảnh AP/J. Scott Applewhite)

Biden nên cập nhật lý luận ủng hộ Ukraine. Câu cửa miệng của Biden về Ukraine là “vì tự do và nhân quyền Mỹ sec ủng hộ Ukraine khi còn cần thiết.” Lý luận đó có vẻ nghe được trong giai đoạn đầu của cuộc chiến khi việc Ukraine can đảm ngăn chặn cuộc xâm lặng của Nga đã truyền cảm hứng cho sự đoàn kết dâng cao của phương Tây. Nhưng nền chính trị nhỏ nhen của Mỹ giờ đây đã chứng minh Biden sai. Putin đã bóp nghẹt tự do và nhân quyền trong sáu tháng qua trong khi những dân biểu Mỹ đang cãi nhau. Rõ ràng là quyết tâm của Putin có thể bền vững lâu hơn sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, đúng như dự định của Putin.

Thay vì coi đó là “điều đúng đắn phải làm”, Biden có thể giải thích rõ ràng và lạnh lùng hơn tại sao việc gửi vũ khí của Mỹ – chứ không phải đưa quân đội Mỹ – vào cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai lại là quết định đúng. Nhắc nhở mọi người rằng Putin đã cố gắng sử dụng năng lượng làm vũ khí và có khả năng sẽ làm lại điều đó. Có thể minh xác rằng Hoa Kỳ đã cố gắng đứng ngoài trong hai cuộc chiến tranh thế giới vừa qua và kết thúc với 520.000 người chết. Tiền rẻ hơn so với mạng người.

Những đột phá thần kỳ khó có thể xẩy ra. Cuộc phản công được cường điệu hóa nhiều của Ukraine đã thất bại vào năm 2023 vì một số lý do. Một vấn đề lớn là Hoa Kỳ và Châu Âu đã viện trợ nhỏ giọt vũ khí tiên tiến cho Ukraine, cho phép Nga nhiều tháng để xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc nhưng hóa ra lại rất hiệu quả. Ngay cả bây giờ, Ukraine vẫn chiến đấu mà không có không lực vốn là học thuyết quân sự chính yếu của NATO. Những kỳ vọng phóng đại góp phần tạo ra cảm giác rằng Ukraine đã thất bại vào năm 2023, nhưng điều đó hoàn toàn không hề xẩy ra. Ukraine gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Nga. Nó đã đánh chìm một số tàu Nga và đẩy lùi hạm đội Biển Đen của Nga mà không có một tàu chiến nào của riêng mình. Ukraine đã đi tiên phong trong kỹ thuật tấn công bằng máy bay không người lái mà nhiều quốc gia khác đang gấp rút áp dụng.

Kỳ vọng hợp lý là điều rất quan trọng ngay bây giờ. Sự hỗ trợ mong manh của phương Tây thậm chí có thể yêu cầu Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu gửi cho Ukraine những vũ khí tiên tiến có thể lật ngược tình thế một cách nhanh chóng. Nhưng tốt hơn hết là giữ cho công chúng tập trung vào việc kiềm chế Nga và liên tục làm suy giảm khả năng làm gây chiến của nước này.

Giúp Ukraine cải tiến kho vũ khí của Mỹ. Hầu hết vũ khí mà Hoa Kỳ gửi cho Ukraine là những trang thiết bị cũ hơn mà Ngũ Giác Đài về căn bản đang thanh lý để có thể nâng cấp kho dự trữ của chính mình. Mackenzie Eaglen thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ viết vào ngày 22 tháng 4: “Việc chuyển những loại vũ khí này sang Ukraine không chỉ cho phép Mỹ làm tê liệt quân đội Nga với cái giá phải trả là 3% ngân sách quốc phòng của chúng ta. Nhưng đó cũng là cơ hội để Ngũ Giác Đài hiện đại hóa kho vũ khí cũ kỹ của Quân đội.” Không một đảng viên Cộng hòa nào phản đối viện trợ Ukraine có thể tự nhận mình là một người diều hâu về quốc phòng.

“Nước Mỹ trên hết” là một câu nói đúng. Một số đảng viên Cộng hòa phản đối viện trợ cho Ukraine trong khi những vấn đề trong nước vẫn chưa được giải quyết, gồm cả hệ thống nhập cư cũ nát cho phép người di cư vượt biên ở mức kỷ lục ở biên giới phía Tây Nam. Nhưng mọi người ở Washington đều biết chính phủ có thể làm nhiều việc cùng một lúc và không có sự đánh đổi giữa cái này hay cái kia. Quốc hội có thể thông qua các biện pháp sửa đổi vấn đề nhập cư bất cứ lúc nào và đơn giản chọn không làm như vậy vì những lý do không liên quan đến Ukraine.

Sẽ cần thêm viện trợ. Trong một ghi chú nghiên cứu ngày 23 tháng 4, Tobin Marcus của Wolfe Research giải thích rằng “hướng tới năm 2025, quỹ đạo của cuộc xung đột phụ thuộc vào nguồn viện trợ liên tục của Hoa Kỳ.” Điều đó khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay trở thành một vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với Ukraine. Nếu Biden tái đắc cử, có thể sẽ có nhiều viện trợ hơn và việc thông qua Quốc hội có thể dễ dàng hơn đợt mới nhất. Nếu Biden thắng, rất có thể đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, vô hiệu hóa quyền phủ quyết của cánh hữu đã cản trở viện trợ cho Ukraine trong sáu tháng qua. Đảng Cộng hòa có thể giành được quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng sự ủng hộ dành cho Ukraine ở đó là của lưỡng đảng, không có cơ chế ngăn chặn như đã gây khó khăn cho Hạ viện.

Nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử, đó có thể là dấu chấm hết cho viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Trump đã nói, với lối cường điệu thông thường, rằng ông ấy sẽ kết thúc chiến tranh sau một ngày, điều đó chỉ có nghĩa là ông ấy sẽ đồng ý với một số hình thức đầu hàng đối với Putin. Ukraine có thể sẽ tiếp tục chiến đấu với viện trợ của châu Âu và bất cứ nguồn viện trợ nào khác mà nước này có thể huy động được, nhưng chiến thắng của Trump ở Mỹ có thể là cơ hội tốt nhất của Putin ở Ukraine. Mặc dù vậy, bất kỳ thiệt hại nào Ukraine gây ra cho quân đội Nga trong thời gian còn lại của năm 2024 sẽ trì hoãn và làm giảm ảnh hưởng của bất cứ bất kỳ kế hoạch tiếp theo nào mà Putin có thể có.

Tác giả | Rick Newman là nhà báo chuyên mục của Yahoo Finance. Theo dõi ông ấy trên Twitter tại @rickjnewman.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: What US taxpayers will get for another $61 billion to Ukraine | Rick Newman | Yahoo Finance | Apr 23, 2024