Phúc trình về tình hình đất nước

Trà Mi

Dưới đây là bản điện tín mật tựa đề “Report Submitted By Upper House Members To Senate Chairman Lam” do Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gởi về Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31, tháng 3, 1975 lúc 13g44 (Thứ Hai). Mã số: ID:1975SAIGON03864_b

Nguồn: Viet-Nam Bulletin, Bộ IX, số 17, ngày 15 tháng 3, 1975, trang 12-13. (Bán Nguyệt san của Phòng Thông tin, Toà Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Washinton D.C.

Nội dung của điện tín là “bản dịch không chính thức” bằng Anh ngữ của Toà Đại sứ Hoa Kỳ dịch bản phúc trình tựa đề “Tình hình Đất nước” do 38 thượng nghị sĩ ủng hộ chính phủ và thượng nghị sĩ đối lập đệ trình Chủ tịch Thượng viện Việt Nam Cộng hoà Trần Văn Lắm ngày 28/3/1975.


Thưa ông Chủ tịch,

Sau những sự kiện quân sự gần đây và theo điều 101 và 223 của quy chế Thượng viện, chúng tôi, những thượng nghị sĩ ký tên dưới đây, yêu cầu ông, thưa Chủ tịch, ghi vào chương trình nghị sự lời kêu gọi triệu tập một phiên họp bất thường và khẩn cấp để thảo luận: “Tình hình Đất nước” .

Kèm theo là bản phúc trình với kết luận

Nhóm phúc trình:
Thượng nghị sĩ Tôn Thất Định
Thượng nghị sĩ Trần Quang Thuận
Thượng nghị sĩ Lê Châu Lộc
Thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Hào

Trân trọng,

Tôn Thất Đính, Trần Quang Thuận, Y-Bling-buon-krong-pang, Lê Châu Lộc, Tôn Thất Niệm, La Thanh Nghệ, Vũ Văn Mẫu, Tôn Ái Liêng, Phạm Đình Ái, Bùi Tường Huân, Trần Duy Đôn, Hoàng Xuân Hào, Trần Tấn Toàn, Phạm Văn Ba, Đoàn Văn Lương, Lâm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Đức Quý, Trương Tiến Đạt, Ngô Văn Nhậm, Phạm Như Phiên, Nguyễn Văn An, Đoàn Văn Cửu, Phạm Nam Trường, Đào Hữu Phan, Lê Vinh Kiên, Trần Văn Quá, Nguyễn Văn Nhuệ, Nguyễn Văn Diệu, Sơn Thái Nguyên, Nguyễn Quới, Ksor Rot, Nguyễn Khoa Phước, Khiêu Thiên Kế, Kim Khánh, Nguyễn Đức Trang, Nguyễn Văn Thọ , Ya Ba.


Phúc trình về tình hình đất nước

Thưa ngài Chủ tịch,
Thượng nghị sĩ,

Trong hơn hai tuần qua người dân Miền Nam Việt Nam đã sống trong cơn ác mộng. Quân đội cộng sản đã tấn công dữ dội và chiếm đóng Đắc Lắc. Một tuần sau, bộ chỉ huy quân đội Quân Khu II được chuyển về Nha Trang. Chính phủ sau đó ra lệnh di tản hai tỉnh Pleiku và Kontum. Cuối cùng, Quảng Đức, Phú Bổn và Quảng Trị cũng phải di tản để tái bố trí lực lượng.

Không có hành động nào nêu trên của chính phủ được công bố trước Quốc hội. Chúng xẩy ra bất ngờ, chứng tỏ sự thiếu chuẩn bị của những cơ quan chính phủ có trách nhiệm và gây ra phản ứng dây chuyền giận dữ, hoảng loạn lan rộng khắp toàn thể quân dân và dân chúng.

Tình trạng hệ trọng này thực ra chỉ là đỉnh điểm của cuộc chiến tranh diễn ra ngay từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973.

Quả thực, người dân miền Nam Việt Nam tin rằng hiệp định này sẽ cho phép họ được hưởng hòa bình để tái thiết đất nước sau 1/4 thế kỷ chiến tranh. Nhưng đáng tiếc là việc bắn giết vẫn tiếp tục diễn ra với kết quả là đến nay đã có hàng trăm ngàn người thương vong. Tình hình bất an kéo theo những khó khăn kinh tế – xã hội và bất ổn chính trị đã khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền. Đồng thời, họ ghê tởm và sợ hãi cộng sản.

Tình hình ảm đạm của đất nước xuất phát từ nguyên nhân trong và ngoài nước.

Nguyên nhân bên ngoài là Cộng sản đã vi phạm toàn bộ Hiệp định Paris một cách có hệ thống và Mỹ không giữ lời hứa với VNCH. Ngoài ra còn có sự bất lực của ICCS cũng như thái độ thụ động của những bên ký kết Hiệp định hòa bình quốc tế ở Việt Nam.

Nguyên nhân bên trong cũng không kém phần quan trọng. Việc thiếu ý kiến của người quốc gia và nhân sĩ trong đường hướng, cách thức lãnh đạo cũng như trong việc điều hành chính sách quốc gia đã dẫn đến tình trạng khốn cùng như hiện nay.

Vì thiếu ý kiến của người quốc gia và nhân sĩ, chính quyền đã không kêu gọi sự tham gia của người dân (ở mọi khuynh hướng chính trị, tôn giáo và nghề nghiệp khác nhau) trong nhiệm vụ xác định chính sách. Chính quyền không quan tâm đến những ý kiến mang tính xây dựng của phe đối lập hoặc những phần tử ủng hộ chính phủ.

Sự tập trung quyền lực quá mức đã khiến chính phủ tê liệt hoàn toàn. Đó là sự thiếu trí tưởng tượng và trốn tránh trách nhiệm của mình. Tình trạng tê liệt cũng đã lan rộng đến những cơ quan hiến định khác như Quốc hội, Tối cao Pháp viện và Thanh tra Chính phủ, v.v. . . khiến những cơ quan này không làm tròn trách nhiệm của mình với người dân.

Vì thiếu ý kiến của người quốc gia và nhân sĩ, nên những kế hoạch của chính phủ thường mang tính chất rời rạc và chắp vá lại với nhau như mong muốn bằng những giải pháp không thỏa đáng. Dễ dàng nhận thấy nạn nhân chính của việc này chính là người dân bị coi là chuột thí nghiệm.

Việc trông cậy vào viện trợ nước ngoài và không có sự chuẩn bị đầy đủ trước cho việc cắt giảm là do sự lười biếng, làm thiệt hại đến uy tín và lợi ích của quốc gia.

Do thiếu ý kiến của người quốc gia và nhân sĩ, nên những biện pháp áp dụng trong mọi lĩnh vực về mặt lý thuyết có vẻ tốt nhưng khi thực hiện trên thực tế, chỉ có lợi cho thiểu số giàu có và quyền lực. Nhóm thiểu số này liên kết với nhau trên nền tảng lợi ích cá nhân và đã tạo ra ba hệ thống tham nhũng song song: hai hệ thống tham nhũng chạy từ trên xuống dưới trong chính quyền và quân đội với mục đích gây ảnh hưởng (mua quan bán chức). Điều này làm cho người dân khốn khổ và làm nản lòng những người có thiện chí. Hệ thống tham nhũng khổng lồ thứ ba là ở những tập đoàn quốc gia chuyên cướp tài nguyên quốc gia vì lợi nhuận cá nhân và tập thể. Nhóm thiểu số này đã che đậy sự thật. Họ muốn độc quyền quản lý đất nước, độc quyền về lòng yêu nước nhưng lại thiếu trí tưởng tượng, khả năng và đức hạnh. Vì vậy, để củng cố quyền lực hành chính, cơ quan cầm quyền hoàn toàn nằm trong bộ máy cảnh sát. Vì vậy, những tiếng nói tiêu biểu cho khát vọng của quần chúng, phát ra từ những đoàn thể người dân và những đại diện được bầu của mọi phe phái đã và đang không được lắng nghe hoặc bị bóp nghẹt. Nhiều biện pháp gây nản lòng người dân đã được thực hiện; việc bắt giữ bị lạm dụng, tịch thu và truy tố báo chí mất trật tự, báo chí bị đóng cửa trái phép, luật tổng động viên được áp dụng quá rộng rãi khiến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của người dân trở thành vấn đề chính trị. Kết quả là nhân lực tình nguyện bị lãng phí và việc khen thưởng cũng như hình phạt không được thực hiện một cách công bằng trong quân đội cũng như trong chính quyền.

Phương cách giải quyết chiến tranh trước và sau Hiệp định Paris không thay đổi và không phù hợp với tình hình chính trị trong nước và quốc tế. Chính quyền tiếp tục nhấn mạnh vào giải pháp quân sự thuần túy và không quan tâm đến người dân, những người là nhân tố quyết định trong cuộc chiến này. Điều này đã gây ra hai ảnh hưởng đáng kể:

  • Chưa huy động được tiềm lực của quân và dân trong việc tự vệ.
  • Chưa chuẩn bị và chưa huy động được sự tham gia của dân chúng vào cuộc đấu tranh chính trị, phát triển dất nước.

Quân đội là một phần tử quan trọng. Chính phủ chưa thành công vì sau Hiệp định Paris đã quá chủ quan khi chiến tranh lắng xuống và hoảng loạn khi leo thang.

Đáng buồn hơn nữa là những người lính cầm vũ khí bảo vệ đất nước lại nằm trong số những người phải gánh chịu sự bất công này.

Thưa ngài Chủ tịch,
Thượng nghị sĩ,

Chúng tôi vừa trình bầy những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ảm đạm hiện nay. Nhưng chúng tôi khẳng định rằng ảm đạm không phải là tuyệt vọng. Ngược lại, chúng ta có nhiều dữ liệu chính xác và nhiều lý do vững chắc để tin chắc rằng chúng ta vẫn còn nhiều hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho một miền Nam Việt Nam tự do, dân chủ và hùng cường.

  1. Một sự thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận là người dân Miền Nam Việt Nam căm thù cộng sản. Tâm lý chống cộng đó được thể hiện trong cuộc di cư ồ ạt gần đây nhất cũng như trong những trận chiến năm 1968 và 1972. Bản chất yêu tự do và hòa bình của người dân Miền Nam Việt Nam hoàn toàn trái ngược với chế độ độc tài toàn trị vô nhân đạo của cộng sản.
  2. Cộng sản đã phải từ bỏ sở trường của mình là chiến tranh nhân dân vì cố gắng 15 năm vẫn không khuất phục được Miền Nam Việt Nam. Hiện nay họ đang sử dụng chiến tranh chiếm đất, một chiến lược không phải là điểm mạnh của họ. Vì vậy, huyền bí về một “chiến tranh nhân dân” đã bị vạch trần và dư luận thế giới hiện nay coi quân đội Bắc Việt là quân đội viễn chinh, xâm lược và do đó bất công.
  3. Ở mọi nơi, mọi lĩnh vực hoạt động công và tư của Miền Nam Việt Nam vẫn còn rất nhiều người yêu nước tài năng, có đức độ mà cho đến nay vẫn chưa có được môi trường để hoạt động. Chúng ta có bổn phận khen ngợi những chiến sĩ, cán bộ, công dân thuộc nhóm đáng kính này đang phục vụ đất nước trong những điều kiện không mấy khả quan.
  4. Lịch sử dân tộc chứng minh người dân luôn tìm được sức mạnh để tìm đường thoát khỏi cảnh khốn cùng trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử. Vì vậy, chúng tôi khẳng định cuộc đấu tranh khó khăn hiện nay sẽ có ảnh hưởng khích lệ lương tâm người dân, giúp những người có thiện chí chân thành đoàn kết với nhau, thể hiện quyết tâm chống chọi hiểm nguy là điều quá rõ ràng. Đề nghị này, với sự ủng hộ của đa số Thượng viện, bất kể khuynh hướng chính trị, là biểu hiện rõ nét nhất về tinh thần đoàn kết toàn dân trong thời điểm nguy hiểm cho đất nước.
  5. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào cùng với khả năng, sự cần cù và tính kiên nhẫn của người dân miền Nam Việt Nam sẽ tạo cơ hội để tiến nhanh trên con đường phát triển tự do, dân chủ.

Tất cả năm lý do trên đều được xem như lời cảnh cáo người cộng sản đừng hy vọng vào một thắng lợi quân sự cuối cùng; những cuộc phiêu lưu quân sự của những người cộng sản có thể dẫn đến nạn diệt chủng. Vì cả hai bên đều có trách nhiệm bảo vệ người dân nên chúng tôi kêu gọi những người cộng sản đồng tình với chúng tôi đấu tranh về chính trị thay vì đấu tranh bằng quân sự mà toàn dân đều ghét bỏ.

Thưa ngài Chủ tịch,
Thượng nghị sĩ,

Chúng tôi vừa vạch ra một niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng. Nhưng câu hỏi quan trọng là có thể làm gì để biến hy vọng này thành hiện thực?

Chúng ta đã nhiều lần thảo luận về tình hình đất nước nhưng chưa bao giờ tình hình lại ảm đạm như bây giờ. Phần chính là do nhận thức đó, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội của nền Cộng hòa thứ hai, chúng tôi không phân biệt giữa những thành phần Đối lập và Thân chính phủ khi ký tên mình dưới bản đề nghị này. Và đây là lần đầu tiên tại Thượng viện một bản đề nghị có tới 43 chữ ký hoặc 2/3 số Thượng viện.

Chúng tôi đã cố gắng vượt lên trên cảm xúc và mọi hình thức đảng phái. Vì lợi ích cao nhất của Tổ quốc và người dân, chúng tôi đã đưa ra một bức tranh khách quan về tình trạng nguy hiểm của đất nước. Từ đây, chúng tôi trân trọng đưa ra một số đề nghị tổng quát để thảo luận chung nhằm hướng tới những nghị quyết cụ thể của Thượng viện.

  1. Khát vọng hoà bình của người dân phải được tôn trọng. Những cuộc tấn công quân sự của cộng sản không thể được chấp nhận vì chúng đi ngược lại tinh thần của Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.
  2. Phải có con đường chấm dứt chiến tranh và mang lại một phong cách lãnh đạo lấy tự do và công bằng xã hội làm mục tiêu. Sự trung thực và kiên trì trở thành phương châm hành động và người dân trở thành đối tượng của mọi chính sách của chính phủ.
  3. Cần có một chính phủ thống nhất và hiệu quả, tập hợp được những thành phần có khả năng, lương thiện và có thiện chí.
  4. Chính phủ phải có đủ khả năng để hành động với đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm theo tinh thần Hiến pháp năm 1967. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Quốc hội và những đoàn thể nhân dân để bảo vệ quyền tối cao, lợi ích của đất nước, người dân và khẩn cấp ổn định tình hình quân sự, chính trị, xã hội.

Thưa ngài Chủ tịch,
Thượng nghị sĩ,

Thật vinh dự cho chúng tôi khi có cơ hội trình bầy ngắn gọn với quý vị về tình trạng đáng buồn của đất nước. Chúng tôi tin rằng có lẽ nỗi buồn cũng được tất cả những đồng nghiệp của chúng tôi bất kể khuynh hướng chính trị san sẻ.

Chúng tôi hy vọng rằng nhóm làm việc hôm nay để đạt được một thỏa thuận chính trị sẽ mở đường cho công việc tiếp theo. Chúng ta mong rằng việc làm có lợi cho đất nước và người dân sẽ lan tỏa từ quốc hội đến những đoàn thể người dân để tạo nên khối đoàn kết dân tộc vững mạnh.

Đoàn kết toàn dân trong thời điểm Tổ quốc lâm nguy là điều kiện để Miền Nam Việt Nam sinh tồn. Mọi trở ngại phải được vượt qua để mỗi người có được niềm tin, nhiệt huyết và cơ hội góp phần cứu nước.

Với mong muốn đó, trước khi kết thúc bản phúc trình, chúng tôi trân trọng yêu cầu tất cả quý vị đứng im lặng một phút để tưởng nhớ những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh mạng sống trong cuộc chiến tranh này. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với QLVNCH, bày tỏ lòng thương xót đối với người tị nạn và tha thiết kêu gọi tất cả những nhóm công dân, những quốc gia khác và những tổ chức nhân đạo, từ thiện quốc tế hỗ trợ tích cực cho nỗ lực cứu trợ.

Chúng tôi chân thành cảm ơn ngài Chủ tịch và quý vị thượng nghị sĩ.

Sài Gòn, ngày 27 tháng 3 năm 1975.

Nguồn: Viet-Nam Bulletin, Bộ IX, số 18, ngày 15 tháng 4, 1975, trang 4-5. (Bán Nguyệt san của Phòng Thông tin, Toà Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Washinton D.C.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Public Library of US Diplomacy. REPORT SUBMITTED BY UPPER HOUSE MEMBERS TO SENATE CHAIRMAN LAM. Date: 1975 March 31, 13:44 (Monday) | Canonical ID: 1975SAIGON03864_b