Người Mỹ đã nghĩ gì về những cuộc biểu tình trong khuôn viên đại học phản đối Chiến tranh Việt Nam

Philip Bump | DCVOnline

Cách đây 54 năm vào đầu tháng tới, Vệ binh Quốc gia đã được gọi đến khuôn viên trường Đại học Kent State ở Ohio để đối phó với những cuộc biểu tình của sinh viên phản đối Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Tổng thống Richard M. Nixon thắng cử năm 1968 một phần nhờ cam kết chấm dứt chiến tranh; tuy nhiên, vào cuối tháng 4 năm 1970, ông tuyên bố rằng chiến trang đang mở rộng cùng lúc Hoa Kỳ xâm chiếm Campuchia.

Hàng ngàn sinh viên phản đối sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Việt Nam, di chuyển dọc theo National Mall về phía Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 4 năm 1965, sau một cuộc biểu tình tại Đài tưởng niệm Washington. (Charles Tasnadi/AP)

Đến thời điểm đó, hơn 1,5 triệu thanh niên đã nhập ngũ và gần 50.000 quân nhân Mỹ đã chết trong chiến tranh.

Tại đại học Kent State, những cuộc biểu tình phản đối thông báo về chiến tranh tràn sang Campuchia đã dẫn đến việc phá hoại và khiến Thống đốc Đảng Cộng hòa James Rhodes phải dùng đến Vệ binh Quốc gia. Một cuộc biểu tình trong khuôn viên trường vào ngày 4 tháng 5 được lệnh giải tán, và người biểu tình không đồng ý và một số ném đá vào vệ binh.

Một số Vệ binh Quốc gia sau đó đã nổ súng vào đám sinh viên biểu tình. Bốn người đã thiệt mạng — sự kiện này nay được gọi là vụ thảm sát ở Kent Sate. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quan điểm của người Mỹ về tình trạng chiến tranh khiến họ ít thiện cảm hơn với những người biểu tình. Một cuộc thăm dò thực hiện sau vụ xả súng cho thấy khoảng 1/3 người Mỹ không biết ai chịu trách nhiệm nhiều hơn về cái chết của sinh viên. Khoảng 1 trong 10 người đổ lỗi cho Vệ binh Quốc gia.

Đa số người Mỹ được hỏi đổ lỗi cho sinh viên.

Thật thú vị khi xét lại phản ứng đó vào thời điểm này, dựa trên những cuộc biểu tình tại Đại học Columbia ở New York — cũng là nơi diễn ra những cuộc biểu tình lớn trong Chiến tranh Việt Nam — và tại những trường đại học khác. Quan điểm về những cuộc biểu tình trong khuôn viên đại học và những nơi khác rất khác nhau, thường tùy thuộc vào ý kiến về những hoạt động quân sự của Israel ở Gaza đã gây ra những cuộc biểu tình.

Sinh viên ủng hộ Palestine chiếm đóng bãi cỏ chính trong khuôn viên Đại học Columbia ở thành phố New York, 22/04/2024. [Andrew Lichtenstein/Corbis qua Getty Images]
Tại sao sinh viên Đại học Columbia biểu tình vào năm 1968? | History

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại những cuộc biểu tình trong Chiến tranh Việt Nam — những cuộc biểu tình đó tập trung vào việc phản đối việc Mỹ thâm chiến hiện được nhiều người coi là một sai lầm — chúng ta thấy thái độ thù địch lan rộng đối với những người biểu tình, đặc biệt là sinh viên đại học.

Hãy xem lại kết quả cuộc thăm dò do Harris & Associates thực hiện năm 1968, mới tìm lại được trong cơ sở dữ liệu về những kết quả thăm dò lịch sử do Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Roper của Đại học Cornell thu thập. Harris Poll đã hỏi người Mỹ về sự đồng cảm của họ đối với những chiến thuật và vấn đề biểu tình khác nhau, gồm cả vấn đề đã nổi lên để phản ứng với tình trạng ở Gaza: chặn giao thông.

Vào tháng 10 năm 1968, gần như tất cả những người tham gia cuộc thăm dò của Harris Poll phản đối việc chặn giao thông để phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Khi được hỏi họ có thể phản ứng thế nào, 2/3 số người được hỏi nói rằng, nếu không có cách nào khác hiệu quả, họ có thể tham gia vào một cuộc ẩu đả hoặc dùng đến vũ khí vì chiến thuật chặn giao thông này.

Cuộc thăm dò tương tự cho thấy chưa đến một nửa số người được hỏi đồng ý rằng “cảnh sát đã sai khi đánh đập những người biểu tình không có vũ khí, ngay cả khi những người này thô lỗ và gọi tên họ.

Một cuộc thăm dò do NORC thực hiện vào tháng 4 đã đánh giá mức độ ủng hộ của những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Nó xác định rằng 7 trong 10 người Mỹ nghĩ rằng đất nước “sẽ tốt hơn nếu có ít sự phản đối và bất mãn của sinh viên đại học hơn”. Khi được hỏi liệu những cuộc biểu tình ở đại học có phải là một “dấu hiệu lành mạnh” cho nước Mỹ hay không, cứ 10 người thì có 6 người nói rằng không phải vậy.

Vào tháng 11 năm 1969, một cuộc thăm dò của CBS News đã hỏi người Mỹ liệu họ có chấp nhận những cuộc biểu tình phản chiến tranh của công chúng hay không. Ba phần tư cho biết họ không lủng hộ. Sáu trong 10 người cho biết họ tin rằng những cuộc biểu tình “làm thiệt hại đến cơ hội đạt được một giải pháp hòa bình với Bắc Việt”.

Vào tháng 5 năm 1970, Harris hỏi người Mỹ rằng liệu họ có thiện cảm hay lên án những cuộc biểu tình hay không. Một phần ba thông cảm. Hơn một nửa lên án. Hơn một phần ba cho biết họ nghĩ những cuộc biểu tình phản chiến nên được tuyên bố là bất hợp pháp.

Tháng 8 năm đó, Harris hỏi liệu người Mỹ có đồng ý với mục tiêu của những cuộc biểu tình trong khuôn viên đại học và những chiến thuật đã dùng để đạt được những mục tiêu đó hay không. Khoảng 2/3 số người được hỏi phản đối mục đích của cuộc biểu tình. 8 trong 10 người phản đối những chiến thuật này.

Một cuộc thăm dò khác của Harris, thực hiện vào tháng 10 năm 1970, đánh giá lý do tại sao người Mỹ cho rằng có quá nhiều bất hòa trong khuôn viên trường đại học. Hầu hết những người được hỏi cho biết chiến tranh là nguyên nhân chính, với 3/4 cho rằng đây ít nhất là nguyên nhân thứ yếu dẫn đến những cuộc biểu tình. Người được hỏi thường đổ lỗi cho những sinh viên cấp tiến, những kẻ gây rối, và nhân viên ban giám đốc và giảng viên đại học hơn là đổ lỗi cho chính chiến tranh.

Một cuộc thăm dò vào tháng sau của Harris cho thấy những người được hỏi ủng hộ việc trấn áp sinh viên biểu tình (65%) hơn là rút quân khỏi Việt Nam (61%).

Vào tháng 4 năm 1971, Gallup hỏi người Mỹ liệu họ đồng ý rằng việc người biểu tình phản chiến không được đối phó đủ mạnh hơn là quyền của những người biểu tình phản chiến không được tôn trọng. Những người được hỏi có khuynh hướng nói rằng những người biểu tình không được đối phó đủ mạnh.

ORC cùng tháng đó đã hỏi người Mỹ liệu họ có ủng hộ những cuộc biểu tình phản chiến đã lên kế hoạch hay không. Những người được hỏi có khuynh hướng phản đối những cuộc biểu tình gấp đôi so với việc ủng hộ.

Một cuộc thăm dò của Tập đoàn Phân tích Phản ứng vào tháng 10 cũng cho thấy sự phản đối tương tự khi hỏi người Mỹ liệu nhìn chung họ có chấp thuận việc giới trẻ tham gia biểu tình và xuống đường hay không. Một cuộc thăm dò của Harris Poll, thực hiện cho hãng thuốc lá Virginia Slims vào tháng đó, đã hỏi phụ nữ Mỹ xem họ có nghĩ việc biểu tình hoặc phản đối là “không đàng hoàng và thiếu nữ tính” hay không. Sáu trong 10 người đã nói như vậy.

Đến cuối tháng 3 năm 1973, toàn bộ chiến binh Mỹ đã rút khỏi Việt Nam. Tháng 8 năm đó, Harris hỏi người Mỹ rằng liệu “những sinh viên biểu tình tham gia vào những hoạt động biểu tình” hay “những hiệu trưởng đại học khoan dung với những sinh viên biểu tình” trong số những nhóm khác đã gây ra nhiều thiệt hại hay có lợi hơn. Một nửa số người được hỏi trong mỗi trường hợp cho biết sinh viên hoặc hiệu trưởng đại học gây hại nhiều hơn là có lợi.

Không có gì bảo đảm lịch sử cuối cùng sẽ minh oan cho lập trường của những người biểu tình. Nhưng có vẻ an toàn khi cho rằng lập trường chứ không phải những cuộc biểu tình mới là những gì sẽ được ghi nhớ.


© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: How Americans felt about campus protests against the Vietnam War | Philip Bump | The Washington Post | April 24, 2024