Khủng bố ở Saigon Nhỏ – P6

Trần Giao Thuỷ

cpj1Trong báo cáo thường niên 2015, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) liệt kê Việt Nam là quốc gia kiểm duyệt báo chí hàng thứ sáu trên thế giới.

 

Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9P10P11, Kết

Từ Báo cáo 1994 của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đến Phóng sự 2015 của PBS-Frontline-ProPublica

Nguồn:  www.atilimhaber.org
Nguồn: www.atilimhaber.org

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ)

Một số người cầm bút bị đàn áp ở Việt Nam đã được sự vận động và hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ của CPJ. Thí dụ gần đây có Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 của CPJ), Tạ Phong Tần, Nguyễn Hữu Vinh. Trước kia có Đoàn Viết Hoạt (Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 1993 của CPJ), Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất, v.v.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập thúc đẩy tự do báo chí trên toàn thế giới. Mục đích hoạt động của CPJ là

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cổ xuý tự do báo chí trên toàn thế giới và bảo vệ quyền của nhà báo được hành nghề mà không sợ bị trả thù. CPJ bảo vệ tự do thông tin và và bình luận của ký giả bằng cách lên tiếng bất cứ khi nào báo giới bị tấn công, bị bỏ tù, bị ám sát, bị bắt cóc, bị đe dọa, bị kiểm duyệt, hay bị sách nhiễu.

Hàng trăm nhà báo đã bị giết, bị sách nhiễu, hoặc bị bỏ tù hàng năm. Trong 30 năm qua, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã có mặt để bảo vệ ký giả trên toàn thế giới.

Tại sao chúng tôi bảo vệ các nhà báo? Báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng quyền lực giữa chính phủ và người dân. Khi các nhà báo của một quốc gia bị bit miệng, nghĩa la người dân mất tiếng nói. Bảo vệ các nhà báo bảo vệ là CPJ bảo vệ tự do ngôn luận và dân chủ.

Khi các phóng viên không thể nói, chúng tôi lên tiếng.

Cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung, đặc biệt ở Hoa Kỳ, thường được thông tin đầy dủ về những người vận động cho dân chủ Việt Nam bị đàn áp tù đầy và họ thường được đón tiếp nồng hậu tại Hoa Kỳ khi đã thoát khỏi nhà tù ở Việt Nam. Những thí dụ gần đây như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, thành viên của Câu lạc bộ Báo chí Tự do.

Nhưng ngay tại Hoa Kỳ, với Tu chính án Thứ nhất của Hiến Pháp Mỹ, ký giả Mỹ gốc Việt Nam dường như đã không được quan tâm và bảo vệ. Đặc biệt là ở những thập niên đầu tiên sau khi phải chạy trốn bạo lực của chế độ cộng sản, độc tài toàn trị, khi Saigon sụp đổ. Suốt những năm 1980, khi xảy ra những vụ hành hung, đe doạ, và ám sát. Báo chí tiếng Anh trong dòng chính ở Hoa Kỳ dường như không quan tâm đến những vi phạm thô bạo đến quyền tự do ngôn luận của các nhà báo, ký giả các đài phát thanh không viết, hay nói bằng tiếng Anh, dù đó là ký giả báo Hoa ngữ, báo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Creole, hay báo tiếng Việt.

Đến tháng 12 năm 1994 Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo tại New York đã phát hành bản báo cáo “SILENCED, The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States” công bố những vụ ám sát ký giả trong khoảng thời gian từ 1976 đến 1993. Liên quan đến những vụ ám sát 5 nhà báo Việt Nam (1981-1990), Mặt Trận Quốc Gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, gọi tắt là Mặt Trận (the Front) được nhắc đến rất nhiều lần.(2)

  • 1991 điều tra của FBI cho thấy, một số thành viên ban lãnh đạo Mặt Trận trốn thuế, lấy quỹ Kháng chiến – nhiều triệu đô-la xin được trong những năm 1980 – làm của riêng.
  • 1994 Mặt Trận kiện nhà báo Nguyễn Thanh Hoàng vì tờ Văn Nghệ Tiền Phong năm 1990 đã đăng bài (của Cao Thế Dung) lên án Mặt Trận đã giết nhà báo Lê Triết và vợ ở Virginia.
  • Nhân viên điều tra cho CPJ biết Một số nghi phạm trong các vụ ám sát có liên hệ với Mặt Trận thành lập từ năm 1981 tại San Jose.
  • Trong những năm 1980 Mặt Trận tổ chức những cuộc biểu tình phản đối chính sách khoan nhương của Mỹ đối với cộng sản Việt Nam.
  • Mặt Trận chủ trương lật đổ chính phủ Việt Nam bằng quân đội và gây quỹ để lập đội quân kháng chiến trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Mặt Trận hoạt động mạnh ở California, Texas, Virginia. Dân chúng bị dán nhãn ủng hộ cộng sản nếu không đóng góp vào Quỹ Kháng Chiến. Mặt Trận tổ chức vận động quần chúng, ra báo Kháng Chiến, mở chuỗi tiệm ăn trên thế giới, có đội thuyền đánh cá.
  • 1984, Mặt Trận tuyên bố đã có hàng ngàn quân kháng chiến đặt căn cứ ở Thái Lan và Việt Nam.
  • 1985 xung đột nội bộ nổ trong Mặt Trận. Ông Phạm Văn Liễu cáo buộc ông Hoàng Cơ Minh và phe cánh đã lấy tiền Quỹ bỏ túi. Ông Liễu cũng nói quân kháng chiến của Mặt Trận ỏ Việt Nam là chuyện không có thật. Sự ủng hộ Mặt Trận sụp đổ trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
  • 1987 ông Hoàng Cơ Minh chết trận trên đường đông tiến từ biên giới Thái Lan sang Lào. Hai mươi kháng chiến quân bị bắt giao cho Việt Cộng bỏ tù và tử hình. Mặt Trận vẫn công bố ông Hoàng Cơ Minh còn sống (suốt 14 năm sau đó).
  • Nhà chức trách và một số nguồn tin từ cộng đồng tin rằng sát thủ trong những vụ giết người có liên quan đến hai tổ chức cực hữu, tổ chức bí mật là Việt Nam Diệt cộng Hưng quốc Đảng (VNDCHQĐ)-VOECRN, tổ chức công khai là Mặt Trận.

Trong số 10 vụ ám sát ký giả – 5 gười gốc Việt, 3 người gốc Haiti, một người gốc Hoa, một người gốc Cuba – cho các tờ báo, đài phát thanh cộng đồng văn hoá ít người chỉ có 2 vụ đã được hoàn toàn đưa ra ánh sáng công lý. Đó là vụ ám sát ký giả Mỹ gốc Cuba Manuel de Dios Unanue, năm 1992, và ký giả Mỹ gốc Hoa Henry Liu, năm 1984.(3)

Những vụ ám sát ký giả đã được đưa ra ánh sáng(4)

Ký giả Manuel de Dios Unanue, 1992, New York, NY

Manuel de Dios Unanue Chủ bút tờ El Diario bị ám sát năm 1992 tại một quán ăn ở New York Ckity restaurant vì phóng sự điều tra của ông về bọn buôn ma tuý, rửa tiền
Manuel de Dios Unanue Chủ bút tờ El Diario bị ám sát năm 1992 tại một quán ăn ở New York City vì phóng sự điều tra của ông về bọn buôn ma tuý, rửa tiền

Kết quả vụ giết ký giả Manuel de Dios Unanue là thủ phạm Wilson Alejandro Mejia Velez, người Columbia, bị kết án tù chung thân; 5 kẻ đồng loã thú tội – Elkin Farley Salazar, Jose James Benitez, John Mena – đều bị kết án 18 năm tù; Juan Velasco và vợ là Elizabeth Castano bị kết án 15 năm tù.(5)

1999, bảy năm sau khi Unanue bị ám sát, kẻ chủ mưu vụ giết người cho Jose Santacruz Londono – ông trùm ổ ma tuý Cali, Guillermo Leon Restrepo Gaviria cũng đã bị nhà chức trách bắt giam ở Columbia. Năm 1995, trùm ma tuý Jose Santacruz Londono đã bị cảnh sát Columbia bắt giam, và y bị bắn chết khi vượt ngục La Picota, Bogota năm 1996.(6)

Ký giả Henry Liu, 1984 Daly, CA (劉宜良, Lưu Nghi Lương)

Gia đình ký giả Giang Nam trước sân nhà ở Daly, California, 1984. Nguồn: http://liuyiliang.blogspot.ca/
Gia đình ký giả Giang Nam trước sân nhà ở Daly, California, 1984. Nguồn: http://liuyiliang.blogspot.ca/

Henry Liu, bút danh Giang Nam (Chiang Nan, 江南), một ngòi bút mạnh dạn phê bình Trung Hoa Quốc Dân Đảng và chính phủ gia đình họ Tưởng đã bị sát thủ giết ngay trong nhà để xe của ông sau khi phát hành một cuốn tiểu sử chỉ trích Tổng thống Đài Loan Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo, 蔣經國, 1978 – 1988). Đám sát thủ đã tẩu thoát về Đài Loan sau khi giết người. Tờ Financial Times mô tả đây là vụ ám sát tiểu biểu cho sự hợp tác của Quốc Dân Đảng với thảo khấu để hậu thuẫn cho chế độ độc tài.(7)

Kết quả, Trần Khải Lễ (Chen Chi-li, 陈启礼), thủ lĩnh đảng cướp Trúc Liên Bang (Zhūliánbāng, 竹聯幫, đa số là Ngoại tỉnh nhân có liên hệ mật thiết với TH Quốc Dân Đảng), và cũng là nhân viên của Cục Quân báo Đài Loan, trước toà án Đài Bắc đã khai chính Phó Đề Đốc Uông Hi Linh (Wang Hsi-ling, 汪希苓), Giám đốc Cục Quân Báo Bộ Quốc phòng Đài Loan đã ra lệnh cho y tìm người ám sát ký giả Giang Nam tại Daly, California. Phó Đề Đốc Uông Hi Linh bị toà án quân sự kết án chung thân nhưng được ở trong phòng giam, với gia đình, có nhà bếp và bàn làm việc. Hai phụ tá cao cấp của Uông Hi Linh bị kết án 2 năm 6 tháng tù. Trần Khải Lễ, Uông Hi Linh và một sát thủ, Wu Tun, đều chỉ bị giam 6 năm vì được ân xá năm 1991. Nhà chức trách không biết ai đã ra lệnh giết Giang Nam và được Uông Hi Linh che dấu. Giới phân tích sau đó đã cho rằng kẻ chủ mưu ám sát nhà báo Giang Nam không ai khác hơn là Alex Chiang hay Tưởng Hiếu Vũ (Chiang Hsiao-wu, 蔣孝武), con trai thứ của Tưởng Kinh Quốc. Cho đến năm 2007 Đài Loan vẫn tiếp tục phủ nhận mọi can hệ đến vụ ám sát nhà báo Giang Nam.(8)

Một phạm nhân khác bị đưa từ Đài Loan về Mỹ lãnh án 27 năm tù nhưng đã chết trong một cuộc ấu đả ở nhà giam khi mới thụ án 3 năm.

29 tháng 12, 1989, bà Helen Liu, goá phụ của nhà báo Lưu Nghi Lương đã kiện chính phủ Cộng hoà Trung hoa Dân Quốc trước Toà Thượng thẩm 9th Cir. (Khu vực Alaska và Khu vực Arizona) đòi bồi thường 200 triệu USD.(9)

Thẩm phán Robert Boochever, người viết quyết định, và hai thẩm phán Thomas Tang và Procter Hug của Toà Thượng thẩm 9th Cir. tuyên bố,

“Hành động của họ Uông được coi là thuộc phạm vi công việc của ông ta” trong vai trò Giám đốc Cục Quân báo Quốc phòng của Đài Loan. Chúng tôi kết luận rằng Trung Hoa Dân Quốc – Cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc – phải chịu trách nhiệm.”

Khi được thông báo quyết định của Toà, bà Helen Lưu nói,

“Ý định của tôi là tìm ra sự thật của vụ án này, vì các phiên toà tổ chức tại Đài Loan đều được dàn dựng. Những lý do tại sao họ đã phải giết anh Lương họ đã không hỏi tại tòa án. Tôi muốn mọi người biết lý do thực sự, hiểu tâm lý của chế độ Đài Loan. Anh Lương đã cố gắng muốn Đài Loan là một quốc gia dân chủ hơn.”(10)

Sau đó chính phủ Cộng hoà Trung Hoa Dân Quốc đã gởi một lệnh toà án cấp trên xin Tối cao Phái Việt Mỹ xét lại vụ án và đã bị từ chối. Vụ bà Helen Lưu kiện chính phủ Đài Loan cuối cùng đã được dàn xếp ngoài toà án: Chính phủ Đài Loan không nhận trách nhiệm trong vụ ám sát nhà báo Lưu Nghi Lương nhưng đã đồng ý bồi thường cho bà Helen Lưu một số tiền không được tiết lộ.(11)

Bà Helen Lưu và cuốn Tưởng Kinh Quốc Truyện của Giang Nam nhân ngày kỷ niêm 30 năm Giang Nam Mệnh Án. Nguồn:  Ảnh CK
Bà Helen Lưu và cuốn Tưởng Kinh Quốc Truyện của Lưu Nghi Lương-Giang Nam nhân ngày kỷ niêm 30 năm Giang Nam Mệnh Án (2014). Nguồn: Ảnh CK

Lý do nào khiến nhà chức trách Hoa Kỳ chỉ tìm được và truy tố thủ phạm của 2 trên 10 vụ ám sát nêu trên? Lý do thứ nhất, cả hai cộng đồng – người Nam Mỹ ở New York, vùng hoạt động của ông Unanue, và cộng đồng người gốc Hoa ở vịnh San Franciso nơi ông Liu làm việc – quá mạnh và có lịch sử lâu dài để nhà chức trách có thể lờ đi; và lý do thứ hai, quan trọng hơn, là hai cộng đồng đó không chịu làm thinh. Họ đã đồng thanh lên tiếng đòi công lý cho hai nhà báo bị ám sát.

Ba ký giả truyền thanh người Mỹ gốc Haiti(12)

Tranh vẽ trên tường ở Haiti Nhỏ, Miami. Nguồn: www.miamiandbeaches.com
Tranh vẽ trên tường ở Haiti Nhỏ, Miami. Nguồn: www.miamiandbeaches.com

Jean-Claude Olivier, và Fritz D’Or là ký giả radio WLQY-AM (1320) đồng thời là thành viên câu lạc bộ dân chủ Veye Yo bị ám sát năm 1991 và Dona St. Plite bị ám sát năm 1993. Cả ba ký giả đều là người ủng hộ Tổng tống Jean-Bertrand Aristide tại Miami và đều nhận được thư đe doạ từ nhóm người ủng hộ chế độ quân phiệt ở Haiti. Những vụ ám sát này xảy ra trong giai đoạn Haiti đang chuyển mình đổi sang chế độ dân chủ.

Kết quả, đến cuối năm 1994 cảnh sát Miami đã bắt được nghi phạm giết Olivier và Dor; đó là tay giết mướn Billy Alexander, hiện đã thụ án tù chung thân vì một tội cướp của giết người khác ở Florida. Tuy nhiên, Louis Thermitus kẻ mướn Alexander ám sát Olivier và Dor không hề bị truy tố. Glossy Bruce Joseph, tòng phạm trong cả hai vụ giết người bị bắt năm 1991 và lãnh án 25 năm tù năm 1993. Tháng 3, 1994, nghi phạm bắn hạ Dona St. Plite là Francky St. Louis Joseph bị truy tố về tội sát nhân và ra toà vào tháng 4, 1994. Tháng 11, 1994, Hitler Fleurinord, người lái xe trong vụ ám sát Olivier bị buộc tội giết người.(13)

Tới tháng 9, 1999, Billy Alexander mới ra trước vành móng ngựa trả lời về vụ bắn chết hai ký giả truyền thanh Olivier và Dor.

Trong những năm 1980, 1990, cộng đồng người Haiti ở Lemon City là một nhóm nhỏ và nghèo nhất ở Miami; tuy vậy ngày 27 tháng 4, 1991 có một ngàn người ở đây đã tuần hành qua các đường phố của Little Haiti/La Petite Haïti để phản đối nhà chức trách không bắt được thủ phạm trong các vụ ám sát Olivier và D’Or và trong vòng một tuần sau đó một tòng phạm trong hai vụ ám sát đã bị bắt.

Tới nay, 2015, báo giới Hoa Kỳ vẫn chưa đưa tin thêm về những phiên toà sau cùng xử Francky St. Louis Joseph, Hitler Fleurinord và Billy Alexander.

Tệ hơn nữa, đến nay công lý vẫn chưa đến với năm nhà báo gốc Việt bị giết chết trong khoảng 1981-1990.

(Xem tiếp P7)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(1) “SILENCED: The Unsolved Murders ofImmigrant Journalists in the United States”, Committee to Protect Journalists (CPJ), New York, New York, December 1994.
(2) CPJ, Ibid., trang 2, 11-12, 19
(3) Mark I. Pinsky, “Immigrant Journalists Under Fire – Exiled Journalists Find That The Long Arms Of Old Regimes Often Reach Into The United States”. Orlando Sentinel, May 5, 1996. Web <http://articles.orlandosentinel.com>, 1/12/2015
(4) CPJ, Ibid., trang 37-56
(5) Henri E., Cauvin, William, K. Rashbaum, Corky Siemaszko, “Suspect Arrested In ’92 Slay Of Editor”. New York Daily News, April 19, 1999. Web , 1/12/2015;
Joseph B. Treaster, “Raid of Drug Lab Led to Arrests In Assassination of a Journalist”, The New York Times, May 12, 1993. Web <http://www.nytimes.com>, 1/12/2015
(6) “Colombia Police Kill Key Member Of Cali Drug Cartel”, Orlando Sentinel, Mar 6, 1996. <http://articles.orlandosentinel.com>, 1/12/2015
“Top Cali Cartel Leader Surrenders In Colombia”, Orlando Sentinel, Mar 16, 1996. Web <http://articles.orlandosentinel.com>, 1/12/2015.
Wikipedia.org, “José Santacruz Londoño”
(7) Hille, Kathrin, “Killer’s death haunts Taiwan party”. Financial Times. November 2, 2007. Web <http://www.ft.com/>, 1/12/2015.
(8) “Taiwan Admiral Named At Murder Trial”. Associated Press, Mar 21, 1985. Web <http://www.nytimes.com/>, 1/12/2015.
(9) 892 F. 2d 1419 – Liu v. Republic of China, Web <http://openjurist.org/892/f2d/1419>, 1/12/2015.
(10) “Taiwan Held Liable in Killing of U.S. Journalist”. Associated Press, December 31, 1989.Web <http://www.nytimes.com/>, 1/12/2015.
(11) “Suit Alleging Taiwan Government Plot to Kill Man Dismissed”. Associated Press, October 25 1990. Web <http://articles.latimes.com/>, 1/12/2015
(12) CPJ, Ibid., trang 31-38
(13) “Arrest in Slaying of Haitian Broadcasters”. Associated Press, November 19, 1994. Web<http://www.nytimes.com>, 1/12/2015.
Karen Testa, “Man Charged With Murder in Slaying of Pro-Democracy Broadcasters”, Associated Press, Nov. 18, 1994. Web <http://www.apnewsarchive.com/>, 1/12/2015.